Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
603
116.832.623
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 8

Tin dữ “ kỹ sư Trường Tiền” Ngọc Bích bị quân Pháp bắt” lan nhanh về Tòa Thánh. Đức Giáo Tông nhận được hung tin ấy trước khi hồn linh xuất hiện trong căn phòng này nói những lời van xin, trách hờn, cay đắng ông. Ở cõi âm, hồn linh có biết ông đã lặng lẽ ôm giữ hung tin, lặng lẽ trải qua những đêm trắng với bao câu hỏi ngỗn ngang trong căn phòng Vào tịnh mà bà đang hiện diện. “Ngự ở trên cao cùng mẹ Diêu trì và Cửu vị tiên nương, bị những đám mây trần thế che khuất, bà không thể  biết hết, hay bà không muốn biết, là cha nó, lẽ nào tôi không đau đớn như bà đang đau đớn. Nhưng mà… Trời ơi, tôi biết nói sao cho bà hiểu rõ lòng tôi đây?!”. Đức Giáo Tông muốn nói thêm rất nhiều, muốn trần tình, muốn giải thích cho  hồn linh hiểu những dòng tuôn trào trong nội tâm mà ông khao khát được vợ  chia xẻ. Nhưng ông biết nói ra những điều ấy thật vô ích, khi người mẹ đau khổ kia trở về thế gian đầy đau khổ, tục tụy này gặp ông chỉ với mục đích duy nhứt…

 

- Đức Giáo Tông, xin ông hãy cứu lấy con. Nhà nước Nam Kỳ ghép tội nó nặng lắm. Nó có bề gì, tôi  không sao yên ổn để hầu hạ Cửu vị tiên nương?! Hồn tôi cứ lơ lững giữa âm dương. Người sống nặng lòng, người chết cũng không sao siêu thoát. Âm khí vì vậy nặng nề hơn…

 

Giọng khẩn cầu đầy nước của bà Giàu mắt tiếp tục dội vào thính giác ông:

 

- Xin ông hãy cứu lấy con!

 

- Việc này…

 

Đức Giáo Tông không nỡ dập tắt  niềm hy vọng  cuối cùng trong trái tim người mẹ. Ông nghĩ ra cách giúp hồn linh có thời gian để bình tâm trở lại. Với lòng bao dung, đôn hậu, trước sự chia xẻ, an ủi của những người anh em trung thành, tin cậy của ông, trước sự giải thích của những linh hồn đã ngã xuống cho “bàn thờ tổ quốc” đang phiêu diêu trên những vầng mây trắng kia, có lẽ bà sẽ hiểu ra mà thông cảm cho sự kiên định của ông. Đức Giáo Tông rung chuông. Hai Thanh đồng hộ tịnh cầm nến bước vào phòng, cung kính quỳ  xuống bên chân ông:

 

- Bạch Giáo Tông…

 

Đức Giáo Tông lắc đầu, xua tay:

 

- Không, không có gì. À không, các em khép cánh cửa lại cho Anh!

 

Hai thanh đồng hộ tịnh làm theo yêu cầu Đức Giáo Tông rồi lặng lẽ rời căn phòng Vào tịnh. Tiếng chuông ngân lên, ánh sáng của ngọn nến làm hồn linh  biến mất nhưng bằng dự cảm, Đức Giáo Tông biết linh hồn của người mẹ đau khổ vẫn còn ẩn khuất đâu đây. Đức Giáo Tông đau đớn trần tình với hồn linh  mà như đang nói với chính mình:

 

- Việc này… Xin hãy thông cảm cho tôi đang vào kỳ  vào Đại tịnh. Việc này, tôi không thể tự giải quyết, xin hãy hiểu cho tôi!

 

Hồn linh  cúi đầu buồn bã, lê từng bước chân rả rời, khó nhọc bước ra khỏi căn phòng Vào tịnh. Thiên nhãn chói ngời trên cao, sự canh giữ của thanh đồng hộ tịnh, chiếc chuông ngân lên từng hồi báo những thời khắc đã qua và sẽ đến trong căn phòng Vào tịnh khiến hồn linh bừng tĩnh. Trái tim của người mẹ đau khổ khi còn sống trên thế gian đã từng đau nhói trước nhận thức từ lâu, Đức Giáo Tông không còn thuộc riêng bà nữa. Đức Giáo Tông thuộc về hàng trăm ngàn tín đồ. Mỗi lời nói, mỗi hành xử của Đức Giáo Tông đều chở đầy sức nặng… Huống chi giờ đây bà đã thuộc về thế giới khác. Nhưng khi hai Thanh đồng Hộ Tịnh khép lại cánh cửa thì bà hiểu ra tình thế của mình. Mục đích chuyến trở về dương gian của bà chưa đạt được. Bà đấm đôi bàn tay bé nhỏ vào cánh cửa gào lên, giọng nức nở, ai oán:

 

- Còn lá đơn bảo lãnh. Tôi đứng đây đợi, ông viết đơn bảo lãnh đi rồi hãy vào Đại tịnh. Đức Giáo Tông, trái tim thương mọi chúng sinh như ông sao không thương lấy người mẹ tội nghiệp này! Còn  nghĩ  chút tình vợ chồng, xin ông hãy viết đơn cứu con!

 

Những cành cây cổ thụ trong vườn “Trước Hoa Kỳ Thọ” không ngừng va đập vào mái ngói tòa Nhà Thiên Lý Mật Truyền, làm vang lên những âm thanh khiến Đức Giáo Tông nghe như có bàn tay ai liên tục đập vào cánh cửa. “ Đôi bàn tay bé  nhỏ, tần tảo của hiền thê?! Không, không, đó chỉ là tiếng gió!”. Gió  đưa giọng nói đầy nước  mắt của người vợ một đời thương khó vì ông từ trên cao vọng sâu vào thính giác, thấm vào từng  lục phủ ngủ tạng của ông. Ông sợ nước mắt. Ông sợ mình sẽ yếu mềm. “Bà ơi, con mình có sứ mạng của nó”. Bỗng dưng trong ký ức Đức Giáo Tông hiện về rất rõ hình ảnh thời thiếu nữ xinh đẹp của bà Giàu, ngày cưới, đêm tân hôn, những thăng trầm trên hoạn lộ và hành Đạo, bên cạnh ông là sự cam chịu, nhẫn nhục của người vợ thương khó… Đức Giáo Tông  tràn ngập trong cảm giác có lỗi. Ông lại muốn mở cửa phòng trong kỳ vào Đại tịnh, phá bỏ mọi luật lệ, ngăn cách của âm dương để ôm bà vào lòng, nói lời chia xẻ, an ủi bà. Ông sẽ bộc lộ hành vi của một người thua cuộc trước nước mắt của bà. Ông sẽ trở về với con người trần tục bị tình cảm thường tình chi phối… Nhưng “ Thiên nhãn” từ trên cao chiếu rọi vào tận tâm can, thấu vào hồn linh cốt tủy đã ngăn Đức Giáo Tông trở lại. Ông ngồi yên như hóa đá trên chiếc ghế ngồi tịnh, cố hít thật sâu vào lồng ngực, thở đều để tự trấn tĩnh. Dần dần, ông trở  về trạng thái ổn định. Rồi ông nhận ra mình thật mâu thuẩn khi để cho tình cảm lấn át, làm mất đi sự nhìn thấu  hiện tại và quá khứ. Từ nội tâm ông vang lên tiếng nói:

 

- Ở trên cao, bị khói lửa mù mịt của cuộc chiến tranh che khuất,  bà có nghe những lời gan ruột dội lên tự đáy lòng tôi… Xin bà hãy bình tĩnh. Ngọc Bích, con trai của mình và tôi đã trưởng thành.  Nó có sứ mạng “ Thần Đạo”của nó. Tôi đã từng tự hào vì lòng yêu nước, sự chọn lựa của nó. Tôi đã từng thấu hiểu, khi dân tộc này cầm lấy vũ khí để chống giặc, để giành lại độc lập tự do, sự mất mát, hy sinh là không tránh khỏi. Vậy thì tại sao tôi lại không bình thản đón nhận điều xấu nhất sẽ đến. Con trai tôi có thể bị bắt, bị giết, bị trúng đạn giữa sa trường… Bà ơi, lẽ nào, vì Ngọc Bích là con một Đức Giáo Tông lại được hưởng đặc quyền, được che chở, được thoát nạn, khi đồng bào, đồng chí, chiến hữu của nó trong một  chiến tuyến phải nhận lấy phần tổn thất. Tại sao có một sự bất công lớn như vậy, trong khi tôi luôn rao giảng cho người anh em của mình về lẽ công bằng, lòng vị tha, tình huynh đệ. Bà ơi, lẽ nào bà không chịu hiểu vì sao Nhà binh Pháp tốt với gia đình ta. Và vì tôi là một Đức Giáo Tông, nên không chỉ riêng gia đình ta mà còn có cả hàng trăm ngàn người anh em của tôi sẽ phải trả giá rất đắc trước lòng tốt đó… Ngọc Bích, con ơi, hãy hiểu cho lòng papa. Có người cha nào không nghe đau thắt khi trái tim  bị ngắt lìa khỏi  sự gắn kết của lồng ngực. Papa là một Đức Giáo Tông nhưng papa cũng chính là cha của con !

 

Đó là năm 1946, khi Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương Ban Chỉnh Đạo của Tòa Thánh  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Bến Tre hay tin   con trai mình là kỹ     Nguyễn Ngọc Bích rơi vào bàn tay quân Pháp. Đó cũng là dịp cho Thống Đốc Nam Kỳ, viên tướng Tư lệnh quân viễn chinh ở Nam Kỳ, Sở Mật thám Liên bang Đông Dương lôi kéo ông đứng về phía quân đội Pháp chống lại Việt Minh. Thậm chí, họ không cần Đức Giáo Tông phải hạ mình thân chinh đến gặp những người đang làm bổn phận giam giữ con trai ông. Họ chỉ cần ông viết một lá thư bảo lãnh. Nhưng Đức Giáo Tông đã trả lời sự lung lạc của người Pháp bằng sự im lặng… 

 

Bazin, tên trùm mật thám Nam Kỳ nổi tiếng vì thành tích đàn áp cộng sản, leo lên dần địa vị  Phó giám đốc Sở Mật thám Đông Dương nói với Ngọc Bích trước ngày anh được phóng thích bằng giọng rất đễu:

 

- Này ông kỹ sư trường tiền Ngọc Bích, với chức danh mà mức độ phạm tội như thế, ông có biết vì sao mình không bị  xử tử như một số cán bộ Việt Minh khác không?

 

Ngọc Bích còn chưa hết bất ngờ trước lệnh được trả tự do thì Bazin ngữa mặt cười lớn nói:

 

- Ông định nói là nhờ vào uy tín của Đức Giáo Tông, vì tình yêu của mađam Henriette Bùi- người vợ hết mực yêu ông, sự lo lắng của hai người chị của ông, của em gái ông?! Chưa đủ. Vì ông là “ Dân Tây”. Đặc quyền của “ Dân Tây” đã giúp ông thoát chết nhưng…

 

Chợt Bazin nghiêm nét mặt:

 

- Nhà nước Nam Kỳ buộc phải trục xuất ông khỏi Việt Nam, trả ông về cho Nước Mẹ Đại Pháp. Sao, ông phẫn nộ à?! Đừng vội nổi nóng. Luật pháp của Mẩu quốc  được thực thi chỉ nhằm cách ly ông ra khỏi sự nguy hiểm mà thôi. Nước mẹ Đại Pháp đã hết mực bao dung, khoan hồng với những công dân đã sai đường, lầm lạc. Kỹ sư Trường tiền Ngọc Bích, kể từ hôm nay ông không còn bất cứ lý do  nào để ở lại Việt Nam. Đây là lệnh trục xuất …

 

Khi kể lại cho Đức Giáo Tông những gì đã xãy ra với anh trong thời gian bị quân đội Pháp bắt giữ, Ngọc Bích còn giận dữ trước sự xấc láo của tên trùm mật thám Nam Kỳ. Lúc ấy, sự phẫn nộ khiến anh chỉ muốn trả lời hắn bằng cú đấm thôi sơn vào mặt hắn  nhưng anh cố trấn tĩnh khi hiểu ra hoàn cảnh của mình. “Dân Tây”. Ngọc Bích mỉm cười chua chát. Rõ là Người Pháp đã tỏ ra nương nhẹ với một công dân Pháp đã từng được hưởng sự giáo dục của “ Nước mẹ Đại Pháp”. Giờ đây, anh nguyền rũa hai chữ  ấy một cách thậm tệ. Bởi với võn vẹn hai chữ “ Dân Tây”, anh phải chấp nhận luật lệ của “ người Tây”.  Nhà nước Nam Kỳ buộc anh phải rời khỏi Việt Nam, trả về Paris, nơi anh đã từng sống một thời trai trẻ. Và cũng nhờ vào nỗ lực “ trái tim yếu mềm” của những người phụ nữ trong gia đình anh mà “ Khu bộ phó khu 9”  Nguyễn Ngọc Bích sau một thời gian bị giam giữ được phóng thích với điều kiện quân đội Pháp đặt ra…

 

Henriette Bùi- vợ anh; Ngọc Tú, Ngọc Yến, Ngọc Nguyệt, những người con gái của Đức Giáo Tông đã dùng mọi ảnh hưởng, đã gỏ mọi cánh cửa để cứu em trai. Những người phụ nữ  trong gia đình Đức Giáo Tông không  đầu hàng hoàn cảnh khi  ông khước từ lời khẩn cầu viết đơn bảo lãnh cho con trai. Cứu được Ngọc Bích nhưng họ không giử được  anh ở lại bên mình. Để cách ly Ngọc Bích ra khỏi cuộc kháng chiến giành lại độc lập của nhân dân Nam bộ, Nhà nước Pháp quyết định trục xuất  anh sang Paris. Đi cùng anh còn có Henriette Bùi. Trong thời gian  ngắn được ở lại quê hương , con trai ông bị quản thúc rất chặt. Đặc ân cuối cùng của nhà binh Pháp dành cho một “ Dân Tây” là  áp giải Ngọc Bích về thăm cha trước khi lên tàu sang Pháp. Khi những tên lính Pháp đứng canh phòng cẩn mật tên tù lưu đày biệt xứ khắp ngõ ngách của nhà Thiên Lý Mật Truyền, Ngọc Bích chậm rải leo lên ba tầng lầu đi vào căn phòng tịnh của Đức Giáo Tông. Khi anh đến, hai Thanh đồng hộ tịnh đang giúp ông mặc “ Đại phục”. Nhận ra anh, họ cúi chào cung kính rồi lui xuống tầng dưới đợi lệnh. Chỉ còn hai cha con trong căn phòng. Họ có rất ít thời gian bên nhau. Anh đưa mắt nhìn lại căn phòng Vào tịnh của Đức Giáo Tông lần cuối cùng. Tất cả  đều giản dị, đơn sơ vẫn như ngày nào anh đến, chỉ một bàn thờ Đức Chí Tôn với Thiên nhãn trên cao, một giường đơn, một chiếc ghế… Mắt anh cay cay khi dừng lại bên chiếc khăn tắm cũ kỹ, được Thanh đồng kết lại bằng nhiều mảnh vá theo lời dạy “ nước còn nghèo, phải tiết kiệm” của cha được vắt trên thành chiếc giường đơn…

 

 Trước giờ ly biệt, Đức Giáo Tông đăm đắm nhìn vào gương mặt rắn rỏi của con trai. Bất chợt, ông nhận ra chính mình trong phiên bản của chính ông. Ông nhìn thấy lại một thời trai trẻ. Một người con trai hiếu học, đôi mắt sáng lên lấp lánh những hoài bảo đầy ắp trong tim. Một chàng trai cương nghị, luôn vượt qua hoàn cảnh của chính mình… Lòng ông chợt đau xé khi nhận ra nỗi đau bất lực giấu trong đáy mắt của người tù biệt xứ. Ông linh cảm đó là lần cuối cùng gặp lại con trai. Ngọc Bích ôm chặt Đức Giáo Tông. Hơi ấm trong cơ thể ông tỏa sang anh. Sự tiếp xúc của bàn tay, của vòm ngực, của hơi thở… khiến lòng Đức Giáo Tông bừng  bừng thức dậy tình phụ tử thiêng liêng mà không một lẽ huyền nhiệm nào có thể thay thế được. Còn Ngọc Bích, sự tiếp xúc ấy khiến lòng anh sống dậy những năm tháng ấu thơ. Người cha Đốc phủ  sứ đã từng đưa anh đến những vùng đất ông trấn nhậm, đã từng đặt anh lên cổ mình cho anh nhìn rõ được voi, cọp trong Thảo cầm viên, đã từng cỏng anh đi qua những con suối, chỉ cho anh những vùng đất mà ông đã bỏ công khai phá, đã từng chỉ anh cách nạp những viên đạn vào khẩu súng săn, giúp anh tìm phương hướng khi đi lạc trong rừng… Người cha ấy cũng nổi giận khi anh hư, cũng sẵn sàng cầm roi quất vào đít anh, cũng rất dịu dàng, lo sợ khi anh nóng sốt. Người cha ấy đã từng thay quần khi anh đái ướt… Trước lúc đi xa, rất xa, những hình ảnh đỗi bình thường  chợt trở nên thật thân thương. Ngọc Bích cũng không hiểu tại sao có quá nhiều điều muốn nói, cần nói anh lại rưng rưng nhắc lại một kỹ niệm đã lùi xa trong ký ức:

 

- Papa, con nhớ lâu lắm rồi, hồi con còn nhỏ, được papa mặc quần khi con đái ước, con cảm thấy thật sung sướng.  Cảm giác ấy đã đi theo suốt cuộc đời con…

 

Hình hài, hơi thở của con trai khiến Đức Giáo Tông nhớ lại…  Đúng là đã có một lần ông thay quần áo cho cậu bé Ngọc Bích. Chợt  bừng lên trong ông niềm hạnh phúc của một người cha. Lần ấy, ông đã nựng nịu con cu ngộ nghĩnh, nhỏ xíu của cậu bé vì trông nó thật thánh thiện, thật đáng yêu. Đức Giáo Tông mỉm cười nhưng thoáng nét buồn trên gương mặt:

 

- Papa nhớ rồi. Nhưng đó cũng là lần duy nhất papa được chăm sóc con…

 

Đúng là sau đó, cậu bé Ngọc Bích không được hưởng cảm giác sung sướng ấy lần nào nữa, bởi Bà Giàu, mẹ anh  luôn giành lấy những công việc mà bà cho là của “ đàn bà con gái” . Bà được giáo dục từ  nhỏ , là “ đàn bà con gái” để cho chồng làm những công việc ấy là   đàn bà hư. Bà đã đảm đang, quán xuyến trong ngoài để chồng dành hết tâm lực cho việc quan, việc hành đạo… Tuy nhiên, những năm tháng tuổi thơ được hưởng sự  gần gũi  cùng  cha dù ngắn ngủi cũng đủ ghi đậm vào ký  ức, theo anh suốt cuộc đời. Còn giờ đây, người cha Đức Giáo Tông uy nghiêm  trong “ Đại phục”  thêu 36 bông sen vàng với chiếc mũ “ngũ chi”, với cây gậy trầm hương đầu nạm một “Thiên nhãn” tỏa sáng  bằng vàng và xâu chuỗi từ bi cầm trên tay chuẩn bị đến Tòa Thánh hành lễ.  Gương mặt cố kiềm nét cảm xúc của ông  chợt làm tim anh đau thắt. Anh hiểu mình đang có rất ít thời gian để ở bên người cha Đức Giáo Tông không thuộc của riêng anh mà thuộc hàng trăm ngàn tín đồ. Ông đăm đắm nhìn con trai trước phút vĩnh viễn bị lưu đày. Cố nén  lại nỗi đau thảm xuống tận đáy lòng, giọng Đức Giáo Tông nghèn nghẹn:

 

- Con đi… bảo trọng…

 

Ngọc Bích ôm chặt người cha vào lòng lần nữa, một giọt nước mắt anh rơi xuống, thấm vào  “ Đại phục” của Đức Giáo Tông:

 

- Papa, dù đi bất cứ nơi đâu, trái tim con cũng thuộc về tổ quốc này!

 

Sau bị trục xuất sang Pháp vì tội danh “khủng bố và phá hoại”, Nguyễn Ngọc Bích giúp em trai là Nguyễn Ngọc Nhựt-một kỷ sư tạo tác có vợ là con gái một tư sản lớn ở Pháp về nước tham gia “chính phủ Cụ Hồ”. Ba năm sau ngày Nguyễn Ngọc Bích bị lưu đày biệt xứ, Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương một lần nữa rơi vào bi kịch phải chọn lựa giữa tình riêng và “mệnh hệ nhơn sanh”. Chương 14  của tiểu thuyết “Đêm trắng của Đức Giáo Tông” của Trầm Hương diễn tả cảnh hội ngộ giữa Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương và người con trai út là Nguyễn Ngọc Nhựt vừa từ Pháp trở về và các chương sau ghi lại “nỗi nhọc nhằn đau thảm” mà người cha phải chịu đựng.

Chương : 1    7    8   14    24    25    26    27    28    29    30    31    32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1604
Ngày đăng: 23.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh