Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
370
116.827.796
 
Đêm trắng của Đức Giáo Tông
Trầm Hương
Chương 25

Nhà Thiên Lý mật Truyền vẫn chìm trong lặng lẽ… Đức Giáo Tông đóng chặt cửa không chỉ phải để vào Đại tịnh như những kỳ trước mà còn để tự vấn mình. Khi cần được giúp đỡ, Đức Giáo Tông viết vào giấy trao cho Thanh đồng hộ tịnh.  Căn phòng Vào tịnh tuyệt đối yên tĩnh trên tầng ba Nhà Thiên Lý Mật Truyền là nơi Đức Giáo Tông “ tiếp thọ những lẽ huyền nhiệm của  Đức Chí Tôn” lại thêm một lần như con thuyền rơi vào tâm bão dữ. Số ít môn đệ của Đức Giáo Tông  biết được chuyện buồn nhìn ông bằng đôi mắt chia xẻ, ái ngại. Người không biết  chuyện cũng linh cảm dường như có một biến cố trọng đại nào đó đang phủ xuống Tòa Thánh vốn thanh bình, tĩnh lặng của họ. Mọi người lặng lẽ  dõi nhìn vào Nhà Thiên Lý Mật Truyền… Còn trong căn phòng đóng kín được xem như như ngôi nhà mồ của chính mình trong Tịnh xá, Đức Giáo Tông dõi theo từng bước đi của con trai bằng dự cảm tâm linh của một người cha tràn ngập nỗi đau khổ, giằng xé. Để cứu lấy em trai, những người chị gái của Ngọc Nhựt đã làm tất cả.  Họ đi gặp những thầy kiện nổi tiếng, họ gõ mọi cánh cửa, họ đánh điện sang Paris báo tin cho Clodine … Những việc làm của những người con gái dòng họ Nguyễn Ngọc đã được phản hồi. Áp  lực những lá thư  từ phía quân đội Pháp, từ những người có thế lực, tỏ ra “ rất có thiện ý” với Đức Giáo Tông dồn dập, khẩn trương hơn bay về Tòa Thánh. Khi người Thanh đồng hộ tịnh dâng lên những bức thư ấy, Đức Giáo Tông tiếp nhận nó bằng sự uể oải, dửng dưng. Nhưng cuối cùng, Đức Giáo Tông đều đọc chúng rất kỹ. Đọc xong những thông điệp ấy, Đức Giáo Tông đi lại trong phòng với một sự bức rức khôn tả. Có lúc Người cầm giấy bút lên rồi chợt dừng lại, đăm chiêu,  bàn tay Người buông thõng, bất động trên tờ giấy trắng…

 

Từ Paris, Clodine nhận được điện của gia đình Ngọc Nhựt báo tin  chẳng lành. Tiếp theo đó là bức điện  đánh từ Sở Mật thám liên bang Đông Dương báo mức độ “ trọng án” của Ngọc Nhựt. Cô thu xếp hành lý ra đi, bất chấp sự ngăn cản của gia đình. 3 năm quan hệ vợ chồng mất liên lạc là thời gian quá đủ cho Clodine đơn thân ly hôn. Trong đáy lòng, cha mẹ Clodine rất buồn cho quyết định trở về Việt Nam của Ngọc Nhựt. Papa của Clodine nhìn con gái bằng đôi mắt tràn đầy nỗi thương cảm:

 

- Dù sao cũng phải bình tĩnh, thật bình tĩnh, con gái yêu ạ!

 

Pip thuốc trên môi papa Clodine đã sẳn xì-gà nhưng ông không buồn đốt. Ông ta thở dài:

 

- Với papa và “mamăng” con, sự trở về của Ngọc Nhựt đồng nghĩa với sự phản bội. Vì yêu thương con, papa đành chấp nhận một chàng trai da màu trong gia tộc. Gia đình ta mang dòng máu cao quý như thế nào thì con đã biết rõ…

 

Clodine cảm thấy mình thật có lỗi với ba mẹ. Đúng là khi chấp nhận Ngọc Nhựt, họ đã vun đắp cho tương lai của chàng rể Việt Nam. Cho đến trước ngày Ngọc Nhựt khăng khăng đòi trở về tổ quốc, chàng rể Việt Nam của họ đang có một địa vị mà ngay cả một công dân Pháp thuần chủng ở Paris cũng không dám mơ đến. Tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng nhất ở Paris; lấy được con gái một gia đình rất có thế lực, danh tiếng; được tặng một ngôi biệt thự  sang trọng; được một công ty lớn của Châu Au tiếp nhận…;  nhiều lúc đối mặt với nỗi cô đơn trống trải khi Ngọc Nhựt đã ra đi, Clodine tự hỏi không hiểu anh còn mơ ước đến điều gì có thể tốt đẹp hơn?! Papa của Clodine nhìn khắp lượt ngôi biệt thự. Ông đâm cáu gắt khi ánh mắt dừng lại bên những khóm hồng đã héo rủ:

 

- Papa vẫn không hiểu tại sao chàng rể da màu của chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì mà cuộc sống đã ưu đãi. Tổ quốc ?! Thì chẳng lẽ nước Pháp không là tổ quốc của nó. Nước Pháp đã nuôi dưỡng nó, đã giúp nó trưởng thành, nó đã lấy quốc tịch Pháp. Chẳng lẽ đất nước “An-nam” xa xôi mờ mịt, triền miên chìm trong binh đao,  khói lửa, đói nghèo mới là tổ quốc cho nó phụng sự hay sao?! Hay là nó đã tiêm nhiễm tư tưởng của người anh trai đi cùng với cộng sản- những con người có chủ trương phá hoại, trao  cho anh ta sứ mạng  đánh  sập những cây cầu. Nếu như vậy thì thật là điên rồ. Clodine, con không phải tiếc thằng rồ đó!

 

Ông ta giận dữ bỏ ra xe, đóng sầm cánh cửa lại. Clodine nhớ lại… Đúng là Ngọc Nhựt có sự thay đổi rõ rệt kể từ khi gặp phái đoàn Việt Nam sang  Pháp quốc. Và rõ ràng, anh ta bị ảnh hưởng lớn từ Ngọc Bích, người anh trai can tội phá hoại đã bị chính phủ Pháp trục xuất sang Paris. Anh ta sẵn sàng lìa bỏ người vợ đã hết mực yêu thương anh ta, đã vượt qua rất nhiều rào cản để bảo vệ và sống với tình yêu của mình. Anh ta dễ dàng quên đi những năm tháng được gia đình này cưu mang trong khủng hoảng kinh tế , trong những ngày đầy khó khăn khi Paris bị Phát xít Đức chiếm đóng. Anh ta dễ dàng quên đi nỗi đau của Clodine khi bé Noel đã vĩnh viễn ra đi trong mùa đông ảm đạm, rét buốt ở Paris

 

Từng chi tiết nhỏ trong quá khứ sống dậy, papa và “mamăng” cô phân tích mọi ứng xử của Ngọc Nhựt để cuối cùng kết luận: Anh ta xứng đáng dành cho hình phạt bị quên lãng. Clodine dù đau đớn nhưng cô không nghĩ như ba mẹ mình. Cô đặt mình vào anh. Cô có những tiếp xúc rộng rãi và khách quan hơn để phán xử chồng mình. Tổ quốc là gì ?! Nhiều  đêm Clodine bắt gặp Ngọc Nhựt  choàng thức dậy, đi lại trong phòng đầy bức rức. Anh nghĩ Clodine vẫn còn ngủ say nên nên không cần giấu giếm cảm xúc  của mình. Những thông tin về nạn đói đầu năm 1945 ở Bắc bộ Việt Nam khiến  hai triệu người Việt Nam bỏ mạng làm chấn động những người Việt trên đất Pháp. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa ấy ngoài người Nhựt  có sự dự phần của những nhà cầm quyền của đất nước cô. Mùa đông buốt giá ở Paris năm nào, khi bé Noel ra đi, cô đã đau khổ đến tột cùng vì mất một đứa con. Còn trên đất nước Việt Nam, hàng trăm ngàn những đứa bé đã chết ngay từ khi mới chào đời vì… đói. Rồi những nhà tù mọc lên trên khắp đất nước thuộc địa, hàng trăm ngàn người vì can tội đòi độc lập bị giết, bị lưu đày, xiềng xích… Có một cái gì đó rất mãnh liệt trỗi dậy trong  con người đóng kín, trầm mặc của Ngọc Nhựt. Clodine sợ hãi những đổi thay của chồng nhưng cô không dám công kích sự đổi thay đó.  Cô chỉ lặng lẽ quan sát và cố không chạm đến nó. Vậy mà trước lúc ra đi, cô và chồng đã cải nhau kịch liệt về quan điểm “tổ quốc “ và “lòng ái quốc”. Cô không ngăn cản những hành xử của anh để thể hiện lòng ái quốc, thậm chí cô sẵn sàng ủng hộ, trở thành người cộng sự với anh. Nhưng cô mâu thuẩn với anh trong cách thức để thể hiện lòng ái quốc. Clodine bộc lộ rõ chính kiến của mình:

 

- Theo em, anh vẫn làm được những điều có ích cho tổ quốc Việt Nam mà vẫn ở lại Paris, vẫn cộng tác được với những công ty danh tiếng trên thế giới.

 

- Nhưng Paris không phải là mục đích cuối cùng của anh!. Anh đã quyết định rồi, Clodine, hãy tôn trọng anh. Anh có tổ quốc của anh và em có tổ quốc của em. Khi giành lại được nền độc lập, giữa hai tổ quốc có một sự bình đẳng, chúng ta thuộc về nhau, mãi mãi…

 

- Lần cuối cùng, em van xin anh, Ngọc Nhựt!

Clodine ôm chặt lấy anh, khẩn thiết. Nhưng  cuối cùng, Ngọc Nhựt vẫn kiên quyết ra đi…

 

Nhận được tin  Ngọc Nhựt rơi vào tay quân đội Pháp, Clodine không có gì ngạc nhiên. Cô nghĩ, đó là hậu quả tất yếu của “ lòng ái quốc” trong những con người còn chưa biết cách, còn xa lạ với nơi họ đến để thực thi lòng yêu tổ quốc. Những mùa đông rét buốt ở Paris, khi chỉ mình cô ngồi đăm đắm  nhìn vào ngọn nến chảy thành từng giọt nước mắt đọng trên chiếc bánh  Noel, Clodine vẫn thường tự hỏi: “ Làm cách nào mà Ngọc Nhựt thích nghi được cuộc sống trong chiến khu?!”. Rồi cô chợt nhớ đến mùa đông ảm đạm năm bọn phát xít Đức chiếm đóng Paris , Ngọc Nhựt đã vượt qua những ngày khủng khiếp ấy bằng sự chịu đựng, trầm tĩnh đến mức làm cho cô phải ngạc nhiên, ngay trong cả lúc họ mất vĩnh viễn bé Noel… Phải chăng bản tính đó giúp cho Ngọc Nhựt thích nghi được cuộc sống gian khổ trong chiến khu khi anh đi theo những người du kích, dù đúng là anh  thông thuộc từng đường ngang ngõ tắt ở Paris hơn là  những cánh đồng  mênh mông nào đó mà  những người du kích chọn làm thủ phủ của họ. Trong đáy lòng, Clodine tin vào sự bao dung của quân đội Pháp, thế lực gia đình cô sẽ giúp Ngọc Nhựt thoát ra khỏi nhà tù. Cô sẽ thuyết phục Ngọc Nhựt trở về Paris. Rồi họ sẽ được sống bên nhau như những năm tháng Ngọc Nhựt chưa từng biết đến Nguyễn Ái  Quốc- Hồ Chí Minh là ai, chưa từng biết đến những cây cầu bị gãy sập từ bàn tay của anh trai mình… Dù bị gia đình ngăn cản nhưng Clodine đã quyết định. Cô lặng lẽ bay sang Việt Nam

Chương : 1    7    8    14    24    25   26    27    28    29    30    31    32   
Trầm Hương
Số lần đọc: 1402
Ngày đăng: 30.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh