Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
624
116.723.887
 
Gió lạ
Phan Đức Nam

Trong chuyến tham quan Đất Mũi năm ngoái, tôi ghé vào thăm một cô nhi viện và gặp thầy Hai Chung - người mà lâu nay tôi có nghe tiếng. Sau đó, trong một am nhỏ nằm sâu trong vũng Cổ Cò, tôi được thầy Hai kể cho nghe chuyện này.

 

“... Đêm đó, trên bãi Vĩnh Châu đầy gió lộng, gió mạnh muốn ngộp thở, không khí đậm hơi muối, tanh mùi cá, tui ngửi có cả mùi máu, thiệt đó! Đã quen với bão gió, nhưng đêm đó tui thấy gió biển sao lạ hơn mọi ngày? Trong gió nghe u u tiếng hú, tiếng rú, thoảng tiếng rên khóc từ khơi xa đưa vô, lại như từ lòng đại dương vọng lên. Anh có thể cho là dân biển hay tưởng tượng, cho là tui nhiều hoang tưởng khi đứng trước trời biển mênh mông. Nhưng anh cứ thử sống ở đây một thời gian coi? Và lắng nghe tiếng gió biển - nhứt là về đêm. Anh có bao giờ chịu khó lắng nghe chưa?

Đêm đó biển động phải trên cấp 10, sau cơn bão biển cách đó 2 ngày, biển dữ vẫn chưa chịu yên. Tui nằm trong mùng nghe gió rú mà nói với vợ: “Vậy là mai vẫn chưa đi biển được.” Vợ tui đang thiếp ngủ không nói gì. Tui chợt nghe tiếng con Ky sủa lớn ngoài sân, lạ là đêm nay nó vừa sủa vừa tru nghe phát rợn! Chắc con chó đã phát hiện trong hơi gió có điều gì bất thường? Giác quan loài chó tinh hơn người nhiều, chúng nghe được những siêu âm. Như vậy là những âm thanh lúc nãy tui nghe được có thể đúng?...

Tui quyết định ra ngoài coi thử có gì? Vợ tui  nghe động giật mình hỏi: “Anh đi đâu đó?” Vậy là Yến chưa ngủ. Tui trả lời: “Gió dữ quá! Anh ra bãi coi thuyền cột có chặt không?”

Khi tui ra ngoài thì thấy Kình đang đứng giữa sân, anh ta bận độc chiếc xà lỏn rộng thùng thình, coi bộ cũng đang nghe ngóng. Tui suỵt con Ky đang sủa rồi hỏi Kình: “Gì vậy?” Kình trả lời: “Không biết”.

Con Ky không sủa nữa mà chạy lại phía tui quẫy đuôi rít lên. Nó cắn lai quần tui kéo đi, mắt nó long lanh như báo có điều gì hệ trọng. Tui rút cây phản giắt ở hiên nhà rồi biểu Kình: “Mình ra vũng coi thử?”

Vũng Cổ Cò cách nhà tui cỡ 800 mét. Đối với dân biển thì chục cây số cũng không ăn thua. Tui và Kình đi như chạy theo con Ky, chút đã tới vũng. Từ xa, đêm đó có trăng, tui thấy có những vật gì trăng trắng nổi dập dềnh mép bãi, một số lớn nằm tụ ở vòng chảo. Vũng Cổ Cò trước nay vẫn là nơi tích tụ những vật trôi nổi gần vùng biển này. Dân biển quanh đây vẫn thường dậy sớm ra vũng để lượm những gì có thể dùng được, như những thân cây lớn, củi gỗ, ván thuyền, chai lọ, bao ny-lông... Tóm lại những gì trôi nổi được sóng đẩy vô vũng Cổ Cò. Đã có người đổi đời nhờ lượm được bọc tiền toàn đô-la. Cũng có không ít những thứ ghê sợ được tống vô đây, như xác sinh vật biển, xác động vật đất liền, dĩ nhiên lâu lâu có cả xác người.

Thường thì dân biển cứ để cho nắng gió và sóng biển hủy hoại dần những thứ đó, chỉ có xác người thì họ mới hú nhau kéo đi chôn sau gò Cá Ông - cách bờ biển chừng 100 mét. Ở đây vắng lắm, đồn công an biên phòng cách đây 12 cây số, dân chịu khó đi báo thì cả nửa ngày sau mới có một hay hai anh công an biên phòng tới, họ chụp hình lấy dấu tay gì đó rồi hối đem chôn, vì xác tấp vô vũng thường đã chết cách đây ba bốn ngày, có khi lâu hơn, đã trương phình bứt tung hết quần áo, có cái bị cá rỉa không còn nhận diện được nữa.

Đêm đó tui và Kình thấy có tới vài chục xác người tấp vô vũng Cổ Cò. Tui còn thấy xa xa sóng biển đang tiếp tục đẩy những xác người trắng như thân cá lớn vô bờ. Tui đã quen với biển đêm, quen với sự sống chết, mà thấy xác người nhiều quá cũng nhợn. Tui nghĩ: Vậy là có thuyền lớn bị đắm gần đây trong trận bão vừa qua. Chắc họ vượt biên?

Con Ky dường như cũng sợ, nó quẩn sau chưn tui. Kình thuộc dạng lì lợm, anh ta là em kết nghĩa với tui, có dòng máu lai Miên, gần như không biết sợ là gì.

Kình đi sát những xác chết và soi đèn quan sát, tui thấy mắt anh ta chợt sáng lên...

Tui và Kình khom người xuống gần một cái xác để nhìn cho rõ. Thiệt vàng rồi! Dưới ánh trăng, ánh vàng sáng lóe từ những ngón tay, cả ở cổ tay, lại có cái gì lóng lánh như kim cương trên cổ nạn nhân.

Sức mạnh của vàng đã đè ép được nỗi sợ. Thiệt ra tui và Kình đều là dân biển can trường, tui chỉ chựng lại một chút rồi chắt lưỡi: “Họ chết rồi mà! Xác người cũng như xác động vật khác thôi!”

Kình cầm đèn bão ngồi ngay xuống gần xác một người nữ có đeo vàng. Giờ tui thấy rõ những ngón tay nạn nhân đeo đầy những khâu vàng dầy cộm, hai cổ tay cũng vàng chóe những lắc và vòng xuyến, có cả vòng cẩm thạch xanh lè. Lúc đó tui nghĩ họ mang vàng theo để chết như vầy sao? Vậy là những người giàu này chết vì vàng.

Mới đầu Kình còn nhẹ nhàng gỡ nhẫn, anh ta ráng không đụng vô da thịt xác chết, nhưng gỡ hoài mà không được, bởi những ngón tay nạn nhân đã trương phình bự như nải chuối cau, và các khâu vàng thít chặt tới nổi Kình dùng cả hai tay cũng không thể rút ra được.

Kình bực tức bỏ những khâu vàng đó mà quay qua xác người đàn ông bên cạnh để gỡ chiếc đồng hồ vàng. Nhưng chiếc đồng hồ nặng cả lượng này cũng đã thành chiếc còng thít chặt cổ tay trương phình của nạn nhân. Cánh tay ấy bự như một thân chuối non.

Tui đứng bên quan sát, lắc đầu nói: “Không được đâu.” Kình quay lại, giựt cây phản trên tay tui, hậm hực: “Hừ! Để coi?” Tui chợt hiểu ra, chưa kịp nói gì thì Kình đã dùng cây phản bén ngót khứa mạnh vài nhát vô cổ tay của nạn nhân đeo đồng hồ, lập tức máu và nước tuôn ra nhòe nhoẹt. Kình móc những ngón tay  khỏe mạnh của anh ta vô chỗ da thịt vừa bị khứa đó mà bậm môi giựt mạnh, vậy mà cũng chưa lấy được đồng hồ. Anh ta phải khứa thêm nhiều nhát nữa mới bật được chốt đồng hồ, lúc đó cổ tay nạn nhân gần như rách nát.

Kình vẫy vẫy chiếc đồng hồ vàng nhòe máu lợ trước mặt tui, rồi chạy xuống vũng nước biển gần đó để rửa.

Đó là nhờ đồng hồ có móc chốt, còn những khâu vàng, những vòng xuyến dày cộm không có chốt, dù Kình có khứa hay xẻ cỡ nào cũng không lấy vàng ra được, vì còn vướng phần trên của đốt tay, hay nguyên bàn tay của nạn nhân - tất cả đều trương phình, muốn lấy nhanh bắt buộc  Kình phải chặt.

Tui soi đèn cho Kình làm cái việc rùng rợn đó nhiều lúc phải quay mặt đi.

Dù đã quen với việc chặt cá xẻ mực, nhưng cũng phải qua vài xác nạn nhân Kình mới thao tác nhanh được. Nhiều xác người chết quá - trong đó có xác đeo vàng, tui và Kình phải tranh thủ thiệt lẹ trước khi có người ra vũng sớm.

Tui tránh làm việc ghê gớm đó mà hì hục vần những cái xác để kiểm tra, xác nào có vàng tui kéo lại gần chỗ Kình để anh ta làm. Kình coi bộ mê mải, lấy được món vàng nào anh ta đều rửa sạch rồi bỏ vô bịch ny-lông đã lượm được trước đó.

Tụi tui đang ráo riết tranh thủ thì nghe tiếng con Ky sủa, tui giựt mình quay lại, thấy dáng Yến đang bước nhanh tới... Chắc chắn vợ tui đã thấy xác nhiều người, nhưng chưa biết tui và Kình đang làm gì? Nàng tiến lại gần và sửng sốt khi chứng kiến tui đang nắm hai tay một tử thi mà kéo, còn Kình thì bậm môi chặt...

Vợ tui đã kinh hãi ôm mặt rồi quay đầu bỏ chạy. Kình nhìn theo nhăn mặt, nói: “Bả mà gan, ở lại phụ tui với anh cho lẹ”. Tui gượng cười: “Đàn bà họ sợ mà! Thôi làm lẹ lên, còn mớ xác phía bên kia nữa đó.” Kình nói: “Mình chờ những cái xác ngoài khơi tấp vô nữa chớ?” Tui lắc đầu: “Hổng kịp đâu, sao Mai lấp ló rồi. Nãy giờ tao đã suy nghĩ kỹ: Tao với mày phải tranh thủ chôn những cái xác bị xẻ này.” Kình hỏi: “Chi vậy?” - “Để phi tang chớ sao. Có nhiều xác người chết như vầy thì trước sau công an cũng tới. Họ thấy có những xác bị như vầy sẽ nghi liền. Nhà mình ở gần đây nhứt.” Kình gục gặc đầu: “Anh hay thiệt” Tui nghinh mặt: “Cái đầu vẫn hơn nghe mậy. Không tính kỹ coi chừng uổng công. Thôi vầy nghe: Giờ tao chạy về nhà lấy cuốc xẻng, nói cho con vợ yên tâm. Mày tiếp tục làm đi. Tụi mình tìm chỗ kín đào lỗ chôn tập thể, rồi xóa dấu vết. Bãi mênh mông như vầy họ không để ý đâu, công an bận lo giải quyết đống xác còn lại.”

Thầy Hai kể đến đây rồi ngưng, gương mặt buồn dàu dàu. Chuyện này quả thật tôi không ngờ. Tôi biết thầy Hai đang chìm vào hồi ức cách đây trên 30 năm. Người vợ tên Yến đâu mà thầy đến tu ở am này? Vì sao thầy tu? Còn Kình, anh chàng táo tợn đó ra sao?... Tôi rất muốn nghe tiếp nhưng không dám giục, chỉ tìm cách gợi: “Kể ra thầy cũng gan...” Thầy Hai lắc nhẹ đầu. Tôi nói tiếp: “Nếu rơi vào kẻ khác, chắc họ cũng làm như thầy thôi. Tôi muốn nói cái gan của thầy là lúc đó thầy không sợ bị hại vì vàng. Đã có nhiều trường hợp vì lòng tham, vì muốn giữ bí mật, đồng bọn sẵn sàng loại bỏ nhau...”

Thầy Hai trầm tư: “Tui hiểu. Con người đang giết nhau, đang tự giết mình, cũng chính vì lòng tham. Quả thiệt lúc đó tui không hề nghĩ tới. Và Kình là kẻ bự gan nhưng được cái tâm địa không trắc trở. Tụi tui hoàn toàn tin nhau. Nếu lúc đó Kình muốn hại tui thì rất dễ. Anh ta mạnh, lại có cây phản trên tay. Và sau đó tui muốn hại Kình thì cũng không khó. Tui khôn hơn Kình, như lúc trở về lấy cuốc xẻng chẳng hạn. Nhưng tụi tui dân quê tuy có tham nhưng không biết thủ đoạn. Lúc đó tui coi việc làm của Kình tuy ghê rợn dã man nhưng hợp lý, là chuyện đương nhiên. Tụi tui không giết người cướp của. Tụi tui chỉ lấy của người đã chết. Của cải đó không lấy sẽ có người khác lấy, để mất thì thiệt uổng, trong khi tụi tui đang nghèo - phải nói là quá nghèo. Lúc đó tui nghĩ đây là cơ hội để vợ chồng tui thoát nghèo, Yến không phải lo lắng khi tui ra khơi - nhứt là lúc biển động. Các con tui sau này khỏi phải cắp rỗ rá ra bãi đợi cha về. Chúng sẽ được đi học. Anh hiểu không?”

Tôi gật đầu: “Thưa thầy, chuyện sau đó có suông sẻ không?” Thầy Hai gật: “Suông sẻ. Đây mới chính là chuyện tui muốn kể anh nghe - dù nó không hấp dẫn như đoạn đầu” - “Vâng. Tôi muốn được nghe đoạn kết.”

“Tui và Kình chia nhau mỗi người được khá nhiều vàng. Kình còn hào phóng tặng vợ tui sợi dây chuyền nặng cả cây vàng, nhưng vợ tui sợ không dám nhận. Kình cứ bỏ vô phần của tui. Sớm hôm sau, anh ta từ giã vợ chồng tui đi Bạc Liêu, sau đó mua nhà, lấy vợ. Anh biết rồi đó, tiền bạc vô tay người không có đầu óc mau tiêu tán lắm. Cô vợ của Kình khá đẹp, nếu Kình không có tiền chắc chẳng lấy được cô ta. Cô ta lợi dụng sự thật thà và khù khờ của Kình để bòn rút. Kình chỉ rành nghề biển chớ chưa biết làm ăn gì, anh ta nghe lời vợ hùn hạp làm ăn với một người, cuối cùng mất luôn nhà và vợ con. Nhiều người nói đứa nhỏ không phải con anh ta, mà là con của gã hùn hạp làm ăn - cũng là bồ trước của vợ Kình. Đứa con chính là mồi để họ cướp tài sản của Kình.

Tay trắng lại trắng tay, Kình trở lại nghề biển. Sau anh ta lấy cô vợ nữa, khi được đứa con trai thì cô vợ sau bị bịnh bướu cổ chết. Kình buồn uống rượu say xỉn suốt ngày. Một bữa Kình say ngủ, thằng con chúi đầu vô lu nước mưa trong nhà bị chết ngộp. Từ đó Kình phát điên, thường lang thang ngoài bãi lượm đủ thứ hầm bà lằng đeo vô người, cái gì ăn được là bỏ vô miệng, lấm láp sống sít gì cũng ăn, hôi chút cũng nuốt, rồi nốc rượu, có bữa ói tưởng chết, vậy mà vẫn sống nhăn. Làm như ông trời còn hành Kình? Anh có cho đó là quả báo không? Tui thì nghĩ: Một kẻ vô tâm vô tánh không nghĩ sâu như Kình, không biết việc làm của mình đúng hay sai? Có ác không? Có thất đức không? Nói ông trời ghét kẻ vô tâm vô tánh do mình tạo ra như vậy, mà hại vợ con anh ta thì ông trời cũng đâu có đúng phải không anh?

Trong thời gian ở chùa với các sư thầy, tui đã suy nghĩ nhiều về chuyện này. Rồi tui so sánh với hành vi mổ xẻ tử thi của các y công, bác sĩ, hay  nhân viên pháp y, họ mổ hàng loạt tử thi coi dã man còn hơn đó nữa, nhưng vì công việc chớ không phải lòng tham. Vậy thì chính lòng tham đẻ ra tội ác.

Ngày xưa tui tránh làm việc đó không phải vì nhát - tui vốn cũng gan, cái chính là tui sợ, nỗi sợ mơ hồ mà tui chưa thể định hình, chưa hiểu mình làm như vậy có tội hay không? Tui chỉ thấy cảnh đó bất nhẫn nên đã đẩy cho Kình làm, và tui cho là mình vô tội.

Sau đêm đó, tui bàn với Yến mau mau rút khỏi Vĩnh Châu mà tới chỗ khác làm ăn, nhưng vợ tui cứ lơ đi và lạnh dần. Nàng len lén nhìn hai bàn tay tui mà sợ. Tui đã kể lại đầu đuôi câu chuyện cho Yến nghe, thề độc với nàng, Yến gật đầu nhưng vẫn sợ. Mỗi khi tui đụng vô nàng thì Yến run bần bật!

Tui biết Yến vốn sợ máu, sợ sát sanh, nàng có cốt tu. Yến rất mẫn cảm và dị ứng với cái ác. Nàng khóc và nói rằng không thể ngủ được khi có tui bên cạnh. Tui đã tức tối nghĩ rằng nàng không tin chồng.

Một sáng Yến khóc lạy xin tui bỏ nàng, cho nàng về với má. Tui giận, nói: “Vậy thì tùy! Cần lấy bao nhiêu vàng?” Nàng xin tui hai chục ngàn về xe, và một chỉ vàng để biếu má - đó là chỉ vàng mà nàng bán cá để dành mua được. Tui biết Yến đã quyết nên ráng vớt vát: “Khi nào em nghĩ lại, không còn thấy sợ nữa thì cứ trở lại với anh, nhưng mau mau nghe?” Lúc đó tui tuy giận và tức nhưng vẫn thương vợ.

Một tháng sau vợ tui vẫn không trở lại, tui chán nản. Đã có ý định không ở đó nữa nên tui cuốn gói bỏ lên thành phố. Trước hết tui mua một căn nhà để có chỗ ở. Lúc đó mới giải phóng nhà rẻ lắm. Tui mua căn mặt tiền ở quận 3 hết có 33 cây vàng - người ta còn để lại đồ đạc trong nhà. Còn dư vàng tui mua tiếp vài căn nữa. Có chút đầu óc tui mua đi bán lại, trở thành người kinh doanh nhà đất. Thời gian đó tui say mê làm ăn, phải nói là say tiền. Tui lấy một cô vợ Sài Gòn vừa đẹp vừa giàu, vốn liếng càng tăng. Năm chín mươi vợ chồng tui đã có hai biệt thự và mười mấy căn nhà. Tui làm giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc, vợ tui lám kế toán trưởng. Tui đi nước này nước nọ. Nói tóm lại là tui thành đạt. Ngoài sự may mắn tui thầm tự hào là mình có đầu óc, biết tính toán sử dụng đồng tiền.

Thú thiệt có nhiều lúc tui nghĩ về người vợ quê ngày xưa của mình, rồi thấy tội nghiệp nàng. Đáng ra sự thành công của tui Yến cũng được hưởng. Thôi đó là số của nàng. Tui nảy ý định tìm Yến để chia sẻ phần nào. Nếu nàng đã lấy chồng khác thì tui vẫn hết sức giúp đỡ. Dẫu sao vợ chồng một ngày cũng là nghĩa. Tui nghĩ mình sử xự như vậy là đúng, là quân tử.

Khi tui hỏi thăm tìm được Yến thì mới biết thêm vài chuyện - chuyện này hay đây! Ông trời thiệt giỏi xếp đặt”.

Tôi nhìn thầy Hai, thích thú lắng nghe...

“Chồng sau của vợ tui chính là một trong những người sống sót trong vụ đắm tàu vượt biên đó. Ra trong lúc tui và Kình đang mải mê với vàng ngoài vũng Cổ Cò, thì có một người đàn ông ôm thùng gỗ tấp vô bờ ngay trước nhà tui, anh ta bò vô nhà xin cứu giúp, vợ tui đã lấy cơm nguội cho anh ta ăn với khô cá nướng. Anh ta kể đã vượt biên ba lần, tốn hàng chục cây vàng rồi, lần này bị đắm tàu lênh đênh đã hai ngày đêm. Trước khi đi anh ta dặn vợ tui khoan nói với ai, vì anh ta đang trốn tránh. Đêm đó tui lu bu, sáng hôm sau vợ tui đã kể lại chuyện này, nàng nói: “Ảnh lột hai chỉ vàng còn lại trên tay đưa cho em để đền ơn, nhưng em không nhận, nói để ảnh bán lấy tiền về xe.”

Sau đó nửa năm, người đàn ông đó trở lại Vĩnh Châu với mục đích tìm xác hai người em cùng đi, đồng thời tìm vợ chồng tui để cảm ơn. Nhưng lúc đó tui và Yến đã chia tay, tui đang ở Sài Gòn. Anh ta hỏi thăm tìm tới tận nhà má vợ tui, vậy rồi hai người thành vợ chồng.

Đó là những gì mà Yến kể sau khi tui gặp lại nàng. Lúc đó tui cố ý ăn mặc xuềnh xoàng để Yến không biết tui là người giàu có. Qua nàng tui biết tin tức Kình. Yến nói thấy Kình mà lo cho tui, nàng xin lỗi tui, vẫn đi chùa cầu xin cho tui, giờ thấy tui mạnh khỏe nàng mừng lắm. Nghe Yến nói mà tui cảm động quá!

Vừa lúc đó thì người chồng sau của Yến về với đứa con trai 9 tuổi. Tui nghĩ chuyện cũ qua rồi, ai cũng đã yên phận, đàn ông với nhau cũng nên nói chuyện thẳng thắn. Tụi tui đã cùng ăn với nhau bữa cơm gia đình bình dị và hết sức thoải mái. Anh chồng sau của Yến tên Hải, anh ta rất tự tin và vui tính, sau khi nghe chuyện tui, anh ta còn đùa: “Tui mất vàng, hút chết, gần như trắng tay. Nghĩ mình lúc đó thiệt là dại! Cũng may mà gặp Yến.” Nghe anh ta nói tui nghĩ: Còn mình được vàng thì lại mất đi người vợ hiền đức độ.

Khi tui ngỏ ý muốn giúp vợ chồng Hải thì Yến cảm ơn, nàng suy nghĩ một chút rồi nói: “Bữa nay gặp lại anh, thấy anh mạnh khỏe là em mừng rồi. Tụi em tuy có khó khăn nhưng rồi cũng qua được anh à. Anh Hải qua cái chết rồi nên giờ không còn ham gì lớn nữa. Còn em thì anh biết rồi đó, em chỉ cần đủ sống và yên lành. Giờ nếu anh khá giả, có lòng, thì em nghĩ anh nên làm phước. Nhờ số vàng ngày xưa của những người chết mà anh được như hôm nay, thì lâu lâu anh nên cầu siêu cho họ”.

Thầy Hai kể đến đây, nhìn tôi: “Anh thấy chưa, vợ cũ của tui chỉ học tới lớp 4 mà có suy nghĩ sâu sắc và đức độ như vậy. Cái thiện có sẵn trong người nàng. Tui biết dẫu có bao nhiêu vàng cũng không mua được nàng, bởi nàng không tham. Yến nghĩ sao nói vậy, khiến một kẻ tự hào có chút đầu óc như tui phải sáng ra. Ngày xưa tui tránh làm cái việc ghê gớm đó, nhưng tui đã kéo xác người lại cho Kình làm, thì tui cũng là kẻ có tội rồi. Yến dị ứng với cai ác, nàng sợ tui là phải.

Khi không còn tự bào chữa mà nhận ra tội của mình, tui nghe lời Yến lập một cô nhi viện. Tôi có nhiều tiền nhưng không xây chùa lớn mà chỉ lập am để tu thân, suy gẫm chuyện mình, chuyện đời. Tôi rất phục và kính nể những sư những cha, những ni cô, dì phước tự làm lấy mà ăn, họ đầy lòng bác ái, không ngại gian khổ, nguy hiểm lây lan khi chăm sóc những bệnh nhân bị hủi, nhiễm chất độc màu da cam, nuôi trẻ mồ côi khuyết tật... Đó chính là những người đức độ, không thích phô trương mà tu ở những nơi vắng vẻ.

Tui không kể thì anh và nhiều người chẳng biết. Anh vẫn nghĩ rằng tui là một doanh nhân thành đạt, danh giá, đầy lòng tốt! Chuyện ngày xưa ngoài tui ra chỉ có Yến và Kình biết. Kình dẫu không điên dại thì cũng chẳng hé lộ, và Yến thì anh biết rồi đó, ngay tới chồng sau của nàng khi tui kể anh ta mới biết.

Sau đó, đã nhiều lần tui đưa Kình về nuôi và chữa bịnh, nhưng chỉ được vài bữa là anh ta trở chứng đập phá rồi bỏ đi. Tui lập am này để tháng tháng về tu, cầu siêu cho những linh hồn lang thang ngoài bãi kia, cũng để có chỗ Kình muốn về thì về.

Tui đã có thời gian nghèo khổ, rồi đã may mắn giàu, mà giàu lớn nữa. Ai cũng biết con người ta tới thế gian này chỉ là ở tạm, vậy mà cũng tham. Cuộc sống rất giản dị, chỉ tại lòng tham và sự cầu kỳ làm con người trở nên phức tạp, có khi làm khổ mình, và còn làm khổ người khác. Tui là kẻ có tội đang sám hối. Tui không dám nói hay mà chỉ kể lại đời mình. Trên đời ai cũng có chuyện để kể, ai muốn nghe thì nghe. Chuyện đời như những cơn gió, chuyện của tui là một cơn gió lạ - đó là đối với những người chưa biết, còn với bao la chẳng có gì lạ hết.”

Thầy Hai nói đến đây thì ngưng, ông yên lặng lắng tai nghe... “Nè, anh có nghe gì không?...” Tôi ngơ ngác lắc đầu. Thầy Hai bước ra cửa, tôi theo sau. Ngoài kia gió biển lồng lộng thổi, sóng muôn đời ầm ào...

Chợt tôi nghe trong gió có tiếng hú, tiếng hét, tiếng khóc, và tiếng hát... Thầy Hai chép miệng: “Kình đó! Giờ này mà anh ta còn đang nghêu ngao ngoài vũng Cổ Cò!...” ./.

Đất Mũi - 2007

Phan Đức Nam
Số lần đọc: 1908
Ngày đăng: 17.07.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn ngắn – 17 - Đỗ Ngọc Thạch
Đêm của bướm - Lê Trâm
Một câu chuyện vô lý - Nguyễn Thành Nhân
Con cá chép - Huỳnh Văn Úc
Trẻ con không trẻ con - Khôi Vũ
Truyện ngăn ngắn-3 - Mang Viên Long
Nỗi Xôn Xao Không Mầu - Trang Thanh Trúc
Tuyết rơi - Nguyễn Hồng Nhung
Về quê - Giang Kiều
Mùi cơm khét - Nguyễn An Cư
Cùng một tác giả
Những mảnh đời * (truyện ngắn)
Cỗ ngai (*) (truyện ngắn)
Gió lạ (truyện ngắn)
Ông tôi (truyện ngắn)
Bóng chiều (truyện ngắn)
Đốm lửa (truyện ngắn)
Người hóa hổ (truyện ngắn)
Bức tường * (truyện ngắn)
Trời Rộng Sông Dài (truyện ngắn)