Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
811
116.691.876
 
Lễ Hội Dinh Cô Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu
Đinh Văn Hạnh

1. Vài nét về Long Hải:

 

Long Hải là một trong hai thị trấn của huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Long Hải cách thành phố Vũng Tàu khoảng 12km về phía đông bắc và cách thị xã Bà Rịa khoảng 7km về phía đông nam (theo đường chim bay). Phía bắc thị trấn Long Hải là xã Phước Hưng, phía tây là xã Phước Tĩnh (thuộc huyện Long Điền); phía đông Long Hải liền kề với thị trấn Phước Hải (thuộc huyện Đất Đỏ), lấy đèo Nước Ngọt của dãy núi Minh Đạm làm ranh giới; phía nam và một phần phía tây Long Hải giáp với biển. Long Hải có diện tích tự nhiên 1.054,4ha, dân số năm 2007 là 40.723 người, trong đó hơn 35% số dân làm nghề cá và dịch vụ đánh bắt hải sản.

 

Long Hải dựa lưng vào núi, quay mặt ra biển.

Đầu thế kỷ XIX, Long Hải là một trong 22 xã, thôn, phường của tổng Phước Hưng, huyện Phước An (vốn trước đây là tổng vừa được nâng thành huyện), phủ Phước Long, trấn Biên Hòa.

 

Giữa thế kỷ XIX, Long Hải là một trong chín thôn của tổng An Phú Thượng, huyện Phước An.

Đầu thế kỷ XX, Long Hải là một làng của tổng An Phú Hạ. So với một số làng xã láng giềng, như Phước Hải, một làng cá liền kề phía Đông Bắc chẳng hạn, thì Long Hải không trù phú bằng và có dân số ít hơn.

 

Theo Địa bạ nhà Nguyễn-về các làng ở huyện Phước An, thì khoảng năm 1836-1837, Long Hải vẫn chưa có ruộng đất thực canh thực cư, dân cư lưu tán chưa có địa phận, vì họ sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Theo thống kê của người Pháp thì năm 1900, dân số Long Hải chỉ vào khoảng 470 người, ít nhất trong bảy làng của tổng An Phú Thượng, nhưng những năm sau đó dân số Long Hải tăng rất nhanh. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Long Hải có gần 7.000 người (trong 30 năm sau ngày giải phóng dân số Long Hải tăng 6 lần).

 

Long Hải được người Pháp chú ý từ rất sớm, vì có bãi tắm đẹp, núi ăn ra sát biển tạo nên cảnh quan kỳ vĩ. Long Hải nối liền với Bà Rịa bằng một con đường trải đá dài 16km chạy qua Long Thạnh (chợ Bến, vốn là một trung tâm buôn bán sầm uất của tỉnh Bà Rịa đầu thế kỷ XX) được hoàn thành năm 1900, mặc dù lúc ấy Long Hải chưa có gì ngoài mấy túp nhà của dân chài nghèo, sống bằng nghề cá, trong làng chỉ có một ngôi đình và một ngôi chùa đơn sơ([1])... Việc khánh thành con đường đá ấy là một sự kiện quan trọng, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của Long Hải, nhưng sự hình thành của một vùng thị tứ thật sự sầm uất, trên cơ sở ấy để hình thành lễ hội Dinh Cô đông đúc, nhộn nhịp như hiện nay có lẽ chỉ bắt đầu từ năm bảy chục năm gần đây, mặc dù Dinh Cô đã xuất hiện từ rất sớm.

 

“Long Hải” là vùng biển giàu có, hưng thịnh. Những lưu dân rời bỏ quê hương miền Trung gian khó vào đây định cư lâu dài đã yêu quý đặt một cái tên như vậy cho quê hương mới. Long Hải có nhiều ưu thế thuận lợi cho nghề cá, bởi vậy, ngư dân các làng nghề từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... trên đường đi đánh bắt hải sản đã dừng chân nơi đây. Nguồn gốc dân cư Long Hải cho chúng ta hiểu sâu sắc câu chuyện dân gian về Bà Cô và sự phối tự trong thờ cúng một nữ thần địa phương. Mặt khác, tín ngưỡng đó còn giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về nguồn gốc dân cư vùng đất này.

 

Cũng giống như nhiều địa phương khác thuộc duyên hải miền Đông Nam Bộ, Long Hải là vùng đất có nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian. Ngoài Dinh Cô, ở Long Hải còn có Dinh Ông hay lăng Ông Nam Hải, thờ cá voi; có Đình Thần thờ Thành hoàng Bổn cảnh; có miếu Bà Lớn (tức Bà Thủy thần)… Sự gắn bó của các loại hình tín ngưỡng này trong quan niệm của ngư dân Long Hải thể hiện rất rõ trong nghi thức của lễ hội Dinh Cô. Hầu hết cư dân Long Hải làm nghề cá nhưng từ rất sớm Long Hải đã có miếu Thần nông. Hàng năm, vào ngày 20 tháng 3 âm lịch đều tổ chức lễ hội. Điều này phần nào nói lên nguồn gốc của ngư dân Long Hải bấy giờ…

 

2. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Cô:

 

Dinh Cô tọa lạc trên triền đồi, nơi mũi Thùy Vân tiếp giáp với biển([2]). Trước mặt Dinh Cô là vịnh Long Hải.

 

 

Sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn (viết nửa cuối thế kỷ XIX) cho biết: Núi Thùy Vân cách huyện lỵ Phước An 12 dặm về phía đông nam. Trên núi có chùa Hải Nhật (là chỗ trông ra biển đón mặt trời), dưới núi có vũng Sơn Trư (Bãi Heo). Ngoài mõm núi có ngọn Thần Nữ, tục gọi là mõm Dinh Cô, trước kia có người con gái chừng 17, 18 tuổi, bị bão gạt đến đây, được người địa phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy đến đây giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ([3]). Như vậy, nguồn gốc, sự tích Dinh Cô dẫu không được Đại Nam nhất thống chí ghi chép nhiều nhưng khá rõ và cụ thể.

 

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết trước đó chừng 50 năm, khi mô tả núi Thùy Vân cũng đề cập đến chùa Hải Nhật tương tự Đại Nam nhất thống chí nhưng không thấy nói tới đền thờ Thần Nữ ngoài mõm Dinh Cô. Đây là căn cứ giúp chúng ta xác định ngôi đền thờ Cô (Dinh Cô) có thể đã xuất hiện trong khoảng thời gian từ cuối những năm 20 đến những năm 60, 70 của thế kỷ XIX. Vì chúng ta thấy những sự kiện trên đất Nam Bộ được sách Gia Định thành thông chí viết thường được Đại Nam nhất thống chí chép lại. Khi một sự kiện quan trọng như vậy trên núi Thùy Vân không được Trịnh Hoài Đức ghi lại thì chỉ có thể là do nó chưa xuất hiện([4]). Một thông tin khác, có được từ điền dã củng cố cho nhận định trên.

 

Phía đông đền thờ Cô chừng hơn 1km là mộ Cô. Ngày 30-5-1999 (16 tháng Tư năm Kỷ Mão), khi khởi công xây dựng lại khu mộ Cô khang trang mới đẹp như hiện nay, công nhân đào móng công trình đã phát hiện một tấm bia đá ghi:

 

“MINH MẠNG ĐƯƠNG NIÊN THẦN NỮ CHI MỘ” (dòng giữa, chữ lớn); “HOÀNG - Bính Dần niên tứ nguyệt nhị thập nhật, Nguyễn Văn Cầu tạc thạch” (dòng bên trái); “ĐẾ - Nương Nương quy vị nhị nguyệt thập nhị nhật” (dòng bên phải).

 

Bia mộ cho biết thông tin người nằm dưới mộ, ngày tháng mất, ngày tháng năm và họ tên người lập bia. Ngày tháng “quy vị” của Bà Cô trùng với ngày vía- lễ hội Dinh Cô, nhưng bia mộ không cho biết năm mất của Cô. Bia mộ có ghi triều vua Minh Mạng, nhưng lại không biết đó có phải đó là thời gian mà Cô “quy vị” hay không hay tấm bia được lập trong khoảng thời gian này. Nhưng nếu bia được lập dưới triều Minh Mạng thì không chính xác. Minh Mạng làm vua từ năm 1820 đến 1840. Trong khoảng thời gian này không có năm Bính Dần (thế kỷ XIX có 2 năm Bính Dần là 1806, 1866). Qua tấm bia trên chúng ta có thể hiểu Nương Nương mất ngày 12 tháng Hai dưới triều vua Minh Mạng và đến ngày 20 tháng Tư năm Bính Dần, Nguyễn Văn Cầu đã lập bia, và như trên đã nói thì năm Bính Dần đó có thể là 1866 hoặc muộn hơn (1926).

 

Từ những chi tiết trên giúp chúng ta có được thông tin khá chính xác về niên đại của Dinh Cô, điều mà không phải một cơ sở tín ngưỡng dân gian nào cũng xác định tương đối thuận lợi như vậy.

 

Mặc dù Đại Nam nhất thống chí đã cho biết khá rõ Cô là một người con gái chừng 17, 18 tuổi, bị bão gạt đến, được người địa phương chôn cất, sau đó hiển linh như thần nên dân lập đền thờ, nhưng trong dân gian cũng còn có những truyền thuyết khác kể về Cô. Qua tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu và đối chiếu với truyền thuyết dân gian, hiện nay Ban Quản lý di tích danh thắng Dinh Cô đã khắc bia rằng Cô tên là Lê Thị Hồng, tục là Thị Cách, quê ở Tam Quan, Bình Định, giàu lòng nhân ái, thích sống ẩn dật. Trong một lần ra biển Cô bị lâm nạn (tại Hòn Hang) khi vừa tròn 16 tuổi. Cô mất cách nay chừng hai thế kỷ. Ngư dân đã chôn cất Cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển. Năm 1930, miếu thờ Cô được chuyển về vị trí hiện nay. Uy danh LONG HẢI THẦN NỮ BẢO AN CHÁNH TRỰC NƯƠNG NƯƠNG CHI THẦN ngày càng rạng rỡ([5]).

 

3. Kiến trúc Dinh Cô:

 

Dinh Cô là ngôi đền thờ Long Hải thần nữ, một vị thần rất linh thiêng của người dân địa phương, luôn che chở cho ngư dân. Trước đây ngư dân Long Hải thường gọi Dinh Cô là điện thờ Cô, hoặc điện thờ Bà Cô.

 

Quần thể di tích Dinh Cô gồm ngôi đền thờ Cô tọa lạc dưới mõm núi Thùy Vân, thuộc ấp Hải Sơn và khu Mộ Cô nằm trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía Đông. Xưa kia đây là vùng hoang vắng. Ngư dân Long Hải chủ yếu sinh sống quanh vùng mà bây giờ gọi là ấp Hải Phong. Điện thờ Cô gồm ba khối nhà đúc mái ngói nằm liền kề nhau theo chiều ngang của triền đồi. Bên trái Chánh điện là ngôi thờ Tiền hiền Hậu hiền, tiếp đến là phòng trưng bày xiêm y, áo mão của Cô, nơi tiếp khách, văn phòng làm việc của Ban Quản lý, phòng ăn và bếp.

 

Dinh Cô nằm sát ngay bên bãi biển Long Hải. Có thể nói đây là vị trí đẹp nhất của thị trấn Long Hải. Một vị trí sơn thủy hữu tình. Tương truyền ngày trước, nơi thờ Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng cây lá, sát bờ biển. Về sau, do bị thủy triều xâm thực nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Hồi đầu thế kỷ này điện Cô được xây cất, mái ngói. Vào khoảng năm 1930, do có sự  tranh chấp đất đai giữa ông Bang Biện Phạm Văn Cang (có lẽ là một người Hoa) với người Pháp tên là Vercode, điện Cô một lần nữa được dời lên triền núi Thùy Vân ở vị trí hiện nay. Lần này điện Cô được xây dựng tương đối khang trang bằng vật liệu gạch, đá, xi măng cốt thép với sự đóng góp công sức và tiền bạc của nhiều ngư dân địa phương([6]).

 

Ngày mồng Tám Tết Đinh Mão 1987, một trận hỏa hoạn dữ dội thiêu trụi gần như hoàn toàn bên trong chánh điện. Dân làng đã quyên góp tiền của để một lần nữa xây dựng lại Dinh Cô.

 

Năm 1989, người ta xây dựng thêm một căn nhà hai tầng theo thế dựa vào vách núi trước chánh điện, tầng dưới làm nơi tiếp khách, tầng trên là nhà Võ ca. Liên tiếp các năm sau đó, 1992, 1993, Dinh Cô luôn được xây dựng bổ sung Phật Đài Quan Thế Âm Bồ Tát, nhà khách... Nhưng lần trùng tu gần đây nhất là vào năm Kỷ Mão (1999) để có được một Dinh Cô bề thế như hiện nay, với tổng diện tích xây dựng gần 1.000m2, trên diện tích 1,32ha. Hiện nay, Dinh Cô, Mộ Cô là một nơi khang trang đẹp đẽ, thu hút nhiều người đến thăm viếng, chiêm bái, đặc biệt là trong dịp ra lễ hội.

 

Lối lên Dinh Cô qua cổng tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân, đắp nổi hình rồng và hổ theo quan niệm Long hổ hội, phía trên có Lưỡng long chầu nguyệtSong phụng chầu. 37 bậc tam cấp dẫn lên chính điện được che phủ bởi tán cây rợp bóng mát và rực rỡ hoa sứ vào mùa Xuân.

 

Chính điện không phải là một ngôi nhà xây theo kiểu cổ mặc dù trên đao nhà người ta đắp nổi hình Lưỡng long chầu nguyệt, mái uốn cong tương tự đình chùa ngoài Bắc. Hầu hết các câu đối, câu liễn đều được đúc bằng xi măng và sơn màu xanh vàng đỏ. Trong chính điện dường như chỉ còn một đôi câu đối duy nhất, được xem là lâu đời, ghép từ các mảnh sứ.

 

Bàn thờ ở chính điện được làm bằng bệ xi măng, lót gạch men trắng, chia làm bốn tầng, cao dần từ trước ra sau. Tầng dưới cùng đặt các đồ tự khí, ba tầng trên bài trí rất nhiều tượng.

 

Nổi bật là tượng Bà Cô cao chừng 0,7m ở giữa tầng thứ nhất. Bà Cô mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến lấp lánh, đội mũ vàng gắn ngọc. Trước tượng Bà Cô có bài vị ghi: “Thánh nữ nương nương” và “Long Hải thần nữ”.

 

Bên trái tượng Bà Cô là bàn thờ Cửu huyền Thất tổ của Bà Cô. Trên bàn thờ có tượng và bài vị ghi tên bố Bà Cô là Lê Văn Thương (tượng đen bên trái) và mẹ là Thạch Thị Hà (tượng trắng bên phải). Bên phải bàn thờ Bà Cô là tượng và bàn thờ Chúa Cậu (nhị vị Công tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý).

 

Ở tầng tiếp theo, cao hơn, ngay sau tượng Bà Cô là 5 tượng nhỏ Ngũ hành Nương nương, với các áo choàng màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tương ứng với  Ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ theo thứ tự từ phải qua trái.

 

Bên trái Ngũ hành Nương nương là tượng thờ Hỏa tinh Thánh mẫu (trang phục xanh). Sát vách, bên phải Ngũ hành Nương nương là tượng thờ Mẹ Sanh, người được xem là đã có công tạo thiên lập địa và độ trì phù hộ cho phụ nữ. Phía ngoài của tầng này mỗi bên còn có 2 tượng thờ Vạn bang Hội đồng.

Tầng cuối cùng, cao nhất nổi bật là tượng Diêu trì Phật mẫu với trang phục màu đen. Hai bên là tượng Tứ pháp Nương nương (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).

 

Bên phải, phía dưới bệ thờ thứ nhất là bàn thờ Ông Địa và Thần Tài. Trang thờ này không lớn, tương tự trang thờ trong các gia đình.

 

Phía trước Chánh điện là nhà Võ ca. Đây là nơi diễn tuồng, bả trạo, hát bội…  

 

Gian bên phải của chánh điện là nơi thờ Tiền hiền Hậu hiền. Ngôi thờ Tiền hiền Hậu hiền được lập từ năm 1930, tức là vào năm Dinh Cô được chuyển từ vị trí sát bờ biển lên địa điểm hiện tại. Tiền hiền theo quan niệm của ngư dân Long Hải là những người trong ban nghi lễ, có công đóng góp xây dựng Dinh Cô và thờ phượng Cô. Danh sách chư vị Tiền hiền có 8 người([7]). Hậu hiền là những người có công đóng góp, làm công quả trong Dinh Cô trong những thời kỳ tiếp sau đó. Danh sách thờ phượng Hậu hiền có 58 người đặt bên trái danh sách 8 vị Tiền hiền.

 

BÀI TRÍ BÀN THỜ CHÁNH ĐIỆN DINH CÔ

 

 

Kế tiếp bên phải phòng thờ Tiền hiền Hậu hiền là nơi trưng bày rất nhiều xiêm y, áo mão do dân thập phương dâng cúng Cô. Đây cũng là nơi tiếp khách, họp bàn triển khai công việc trong các dịp lễ, Tết của Ban Quản lý di tích Dinh Cô. Kế tiếp là phòng ăn, văn phòng làm việc của Ban Quản lý và bếp. Phía trên nhà ăn còn có gác, có thể dùng làm nơi nghỉ cho khách hành hương…

 

Bên ngoài, phía bên phải Chính điện, ngư dân còn đặt tượng, lập bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được đặt trong ngôi Tiền hiền Hậu hiền…

 

Chúng ta thấy, để phối tự với Bà Cô-một nhân thần địa phương, ngư dân Long Hải đã đưa vào Dinh Cô một hệ thống thần thánh đông đảo đại diện cho nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc khác nhau, sống trên những địa bàn khác nhau. Và chính điều đó cho thấy "sự liên kết giữa tín ngưỡng thờ các Mẹ tiêu biểu cho các Mẫu nhiều thần ở khắp nước ta với cái trục trung tâm xoay quanh một mẫu nhân thần (địa phương) là Bà Cô"([8]).

 

*

Trước đây, Hội đồng hương chức quản lý và điều hành mọi tổ chức hoạt động của Dinh Cô. Hội đồng hương chức là những người cao niên, có uy tín do ngư dân giới thiệu và bầu chọn. Sau khi Dinh Cô được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô được thành lập. Họ là những người do dân bầu, gồm Trưởng ban, hai Phó ban, nhiệm kỳ 5 năm. Ban quản lý chọn thêm hai vị cao niên và hai người có khả năng làm thư ký.

 

Khi Dinh Cô bắt đầu vào mùa tổ chức lễ hội, Ban Quản lý phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, lập ra Ban Tế tự, cử Trưởng ban, 4 phó ban, 8 ủy viên và 12 tiểu ban để lo những công việc cụ thể trong ba ngày diễn ra lễ hội Dinh Cô.

 

Để bao quát hết mọi công việc diễn ra trong lễ hội, Ban  Quản lý thành lập các tiểu ban Văn-nghi-lễ, Chánh điện, Tiếp tân, Thông tin, Hậu cần, Trật tự, Ánh sáng-phòng cháy chữa cháy, Tài chính, Tàu thuyền, Cấp cứu, Tạp vụ và tiểu ban Mộ Cô. Phụ trách tiểu ban là Trưởng tiểu ban và các Phó Trưởng Tiểu ban. Trong mỗi tiểu ban có nhiều tổ. Công việc thuộc về tiểu ban nào thì do ban đó chịu trách nhiệm thực hiện. Các tiểu ban phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để hoàn thành rất nhiều công việc lớn nhỏ khác nhau suốt ba ngày diễn ra lễ hội.

 

4. Lễ hội Dinh Cô:

 

Trong năm, Dinh Cô có nhiều lễ cúng vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Tam nguyên (Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười), lễ Đoan Ngọ (Trùng Ngũ), nhưng lớn nhất, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là lễ hội Dinh Cô, ngư dân gọi là Lệ Cô hay ngày Vía, ngày giỗ Cô.

 

Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Nhân dân địa phương gọi đây là lễ hội Dinh Cô, nhưng một số công trình nghiên cứu cho rằng cách gọi này chưa chính xác. Vì cho rằng Dinh Cô là điện thờ Cô, do đó tên gọi của lễ hội phải được gọi theo nghi thức hành lễ, tức là “Lễ hội Nghinh Cô”([9]). Cũng có công trình nghiên cứu gọi đây là lễ rước Bà Thủy, một tên gọi mang đặc điểm chung của lễ hội nước và không phản ánh đầy đủ tính địa phương của lễ hội này. Thực ra, tên gọi của lễ hội này phải là lễ hội Dinh Cô, đúng như cách gọi của ngư dân địa phương. Nhiều nhà nghiên cứu vì chưa thật sự theo sát quá trình diễn ra lễ hội Dinh Cô trên biển, nên đã nhầm tưởng rằng đây là lễ hội nghinh Bà Cô-người đang được thờ phượng trong Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô là lễ Vía Bà Cô, còn việc cung nghinh trên biển vào sáng 12 tháng 2 âm lịch là nghi thức Nghinh Ông (cá ông voi) và Nghinh Bà (Thủy thần) cùng nhập điện trong ngày Vía Cô. Đây là một nghi thức rất quan trọng của lễ hội nhưng không được ngư dân gọi là Nghinh Cô và cũng không phải là nghi thức Nghinh Cô. Theo sát quá trình diễn ra lễ hội Dinh Cô chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

 

Cô là một nhân thần địa phương. Nhưng đến với lễ hội Dinh Cô không chỉ có người dân Long Hải và ngư dân các làng cá ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn có cả ngư dân từ Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết đến ngư dân Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh, Cà Mau, Rạch Giá... Và cũng không phải chỉ có ngư dân về dự. Nhiều người dân từ thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đến với lễ hội. Sự kết hợp tham dự lễ hội, thỉnh cầu và tạ ơn Bà Cô cũng là dịp nghỉ ngơi, tắm biển Long Hải càng làm cho lễ hội Dinh Cô có số người tham dự vào loại đông nhất trong các lễ hội ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Chính sự hiển linh của Cô được truyền tụng giữa người này với người khác, được làm chứng và trải nghiệm khi họ tới đây cúng bái và cầu nguyện những điều được Cô giúp đỡ, phù hộ, che chở đã thu hút ngày càng có nhiều người đến với lễ hội Dinh Cô.

 

 

Trước ngày diễn ra lễ hội, người ta tổng vệ sinh và trang trí cờ hoa khu vực Dinh Cô và Mộ Cô lộng lẫy. Trước vịnh Long Hải nhiều thuyền ghe được trang hoàng đẹp mắt đã tề tựu. Ngư dân phải sắp xếp, tính toán thời gian thích hợp để chuyến đi biển không làm lỡ dịp chiêm bái Cô trong ba ngày diễn ra lễ hội.

 

Những năm gần đây, lịch lễ Dinh Cô không mấy thay đổi. Các nghi thức chính của lễ hội Dinh Cô gồm lễ thỉnh Long vị Ông Nam Hải, Bà Lớn và bài vị Thần Thành Hoàng về Dinh Cô sau đó là lễ cúng Tiền hiền. Diễn ra trong buổi chiều của ngày đầu tiên (10 tháng 2) còn có lễ Tụng niệm cầu Quốc thái Dân an theo nghi thức Phật giáo. Buổi chiều ngày thứ hai (11 tháng 2) cúng Tiên thường. Trước đó, vào buổi sáng là các hoạt động vui chơi giải trí sôi nổi của nam nữ thanh niên. Lễ chính diễn ra trong ngày cuối cùng (12 tháng 2): từ sáng sớm cung nghinh Ông Nam Hải và Bà Thủy thần ngoài biển về Dinh, sau đó là lễ Vía Cô. Lễ Tống Thánh, kết thúc lễ hội diễn ra lúc nữa đêm… 

 

Thỉnh Long vị

Lễ hội Dinh Cô khởi đầu vào lúc 7 giờ sáng ngày 10 tháng 2 âm lịch bằng nghi thức thỉnh Long vị Ông Nam Hải, Bà Lớn và Thần hoàng Bổn cảnh về Dinh. Từ sáng sớm ba chiếc kiệu được xếp thành hàng ngang ngay trước cổng tam quan Dinh Cô, theo thứ tự từ trái qua phải là kiệu rước Thần, Ông Nam Hải và Bà Lớn. Trong mỗi kiệu đều có các lễ vật: một đĩa xôi, một miếng thịt heo luộc trên đặt chiếc bánh tráng nướng, một đĩa trái cây, một ấm trà, một ấm rượu, lư hương, bát trầm… Đúng 7 giờ lễ rước bắt đầu. Dẫn đầu đám rước là một đôi rồng rất lớn, tiếp đến là 10 phụ nữ cầm cờ ngũ hành, đội chiêng trống và các vị trong ban cúng tế. Kiệu rước linh vị Thần Thành hoàng Bổn cảnh đi trước (có hai thanh niên đi bên cạnh), tiếp đến kiệu rước Ông Nam Hải và sau cùng là kiệu rước Bà Lớn (Bà Thủy thần, có đôi nam nữ đi bên cạnh). Đi sau ba chiếc kiệu là những người tham gia thỉnh Linh vị. Các cụ ông cụ bà và những người trung niên áo dài khăn đóng, nam nữ thanh niên ăn mặc chỉnh tề, đi thành hai hàng dọc. Tiếp sau là đoàn Bả trạo (14 con trạo, tổng mũi/tổng tiền, tổng khoang/tổng thương và tổng lái/tổng hậu di chuyển theo đội hình như lúc biểu diễn), và cuối đoàn lại là một đội múa lân sư rồng. Các con trạo trang phục màu sắc sặc sỡ đi thành hai hàng theo từng đôi: đỏ, lục nhạt, xanh da trời, hồng, vàng đậm, tím, lục; Tổng lái và Tổng mũi trang phục vàng, Tổng khoang trang phục xanh. Trước đây, màu sắc trang phục của đội bả trạo thường chỉ có màu đen và màu trắng. Tổng mũi, Tổng khoang, Tổng lái mặc áo dài đen, quần trắng, còn con trạo (bạn chèo) thì mặc áo quần trắng, quấn xà cạp, đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đất, tay cầm mái chéo sơn đen trắng dài chừng 1,2 mét.

 

Đoàn rước đi theo con đường chạy dọc thị trấn Long Hải. Khi đoàn rước đi ngang Dinh Ông Nam Hải và Đình Thần thì kiệu rước Ông Nam Hải và rước Thần Thành hoàng ghé vào đây để thực hiện các nghi thức cúng bái xin thỉnh Long vị về Dinh Cô trong ngày vía Cô.

Thần hoàng Bổn cảnh thờ tại đình Long Hải là nhân vật lịch sử Nguyễn Huỳnh Đức, danh tướng của Nguyễn Ánh, từng làm Tổng trấn thành Gia Định([10]). Hàng năm, vào ngày 12 tháng 11 âm lịch đình Long Hải tổ chức lễ cúng Thần([11]). Nhưng hôm nay là ngày vía Cô, theo lệ, Linh vị của Thần được thỉnh về Dinh Cô để cùng dự lễ.

 

Đình Thần Long Hải nằm sát ngay bên phải Dinh Ông. Chính điện là bàn thờ Thần, hai bên bài vị có hai thanh kiếm, phía trước là đôi hạc trắng và một con ngựa bạch. Tả hữu là bàn thờ Tả Ban, Hữu Ban. 

 

Bên trái đình thần là Dinh Ông Nam Hải. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 6 âm lịch ngư dân Long Hải tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Nhưng trong dịp vía Cô, linh vị Ông cũng được rước về Dinh Cô như một vị “khách quý” của Cô.

 

Chánh điện Dinh Ông thờ ba bài vị. Bên trái là Tả Ban Ngư, bên phải là Hữu Ban Ngư. Phía trước bàn thờ Ông là bàn thờ Hội đồng. Bên phải chánh điện là tủ thờ bộ cốt cá voi. Bên trái chính điện là ngôi thờ Quan Công.

 

Trong khi đám rước tiếp tục hành trình về miếu Bà Lớn thì tại đình và dinh Ông Nam Hải diễn ra lễ cúng…

 

Miếu Bà Lớn nằm phía tây bắc và cách Dinh Cô chừng 2km. Ngư dân cho rằng Bà Lớn là Thủy thần. Miếu Bà Lớn được trùng tu lần gần đây nhất là vào năm 2002. Hàng năm, ngư dân tổ chức cúng lễ Bà Lớn vào ngày 20-4 âm lịch. Lễ hội Bà lớn thu hút nhiều ngư dân địa phương tham dự. Cũng như Thần Thành hoàng và Ông Nam Hải, Linh vị Bà Lớn được thỉnh về Dinh Cô trong ngày vía Cô. Đây là nét riêng của lễ hội Dinh Cô, vì trong các dịp lễ hội của đình thần, dinh Ông và miếu Bà Lớn người ta không tổ chức lễ rước linh vị về những nơi ấy tương tự như vậy.

 

Chánh điện miếu Bà Lớn có bảy bàn thờ, được làm bằng bệ xi măng, chia thành ba bậc, cao dần từ trước ra sau (tương tự Dinh Cô nhưng nhỏ và thấp hơn). Chính giữa và cuối chánh điện là bàn thờ Cửu Phật. Phía trước bàn thờ Cửu Phật là bàn thờ Ngũ vị Nương nương (Ngũ hành, thờ năm tượng phụ nữ). Bên phải bàn thờ Ngũ hành là bàn thờ Cửu thiên Huyền nữ, bên trái là bàn thờ Tam Ông (thờ Quan Công, Châu Xương và Quan Bình). Phía trước bàn thờ Ngũ vị Nương nương, ở vị trí trang trọng nhất của chánh điện là Linh vị Bà Lớn (không có tượng). Hai bên bàn thờ Bà Lớn là bàn thờ Hữu ban và Tả ban.

Bên phải chánh điện miếu thờ Bà Lớn là gian thờ Tiền hiền Hậu hiền (phải) và Tiền giản Hậu giản (trái).

Nghi thức lễ xin rước Linh vị Bà Lớn về Dinh Cô diễn ra rất trang nghiêm. Sau một hồi chiêng trống, chánh bái cúng lễ, học trò lễ dâng hương, rượu, trà và kết thúc với cảnh hát bả trạo. Linh vị Bà Lớn được đặt vào kiệu và đoàn rước trở về Dinh Cô. Khi Linh vị Bà Lớn được rước qua thì Linh vị Ông Nam Hải và Thần thành hoàng nhập chung cùng đám rước. Đám rước kéo dài năm sáu trăm mét, rực rỡ sắc màu cờ hoa, lân rồng và tiếng chiêng trống không dứt vang động cả một vùng biển.

 

Linh vị Bà Lớn, Ông Nam Hải và Thần thành hoàng được các vị cao niên trong ban tế lễ đưa vào đặt trong chánh điện. Linh vị Bà Lớn được đặt bên phải và Linh vị Ông Nam Hải được đặt bên trái tượng thờ Bà Cô. Linh vị Thần Thành hoàng đặt cạnh bàn thờ Cửu huyền Thất tổ. Lúc này vào khoảng 9 giờ sáng, nghi thức cúng An vị được bắt đầu.

 

Cúng An vị

Vật phẩm dâng cúng An vị gồm hai con heo quay, bánh tráng, mâm xôi, lòng luộc và trước bàn thờ có linh vị Ông Nam Hải là một con heo cạo lông, lòng (sống) trùm mở chài, mâm xôi, trên mình các con heo đều có dao, thớt. Dưới chân bàn lễ vật (heo quay, heo sống) đều có một mâm nhỏ đặt dưới đất, trên có giấy vàng bạc, bánh trái, cháo trắng, hạt nổ… dành cho cô hồn.

 

Nghi thức cúng An vị bắt đầu bằng một hồi chiêng trống. Chánh bái, quý vị trong Ban Quản lý Dinh Cô, Ban Quản lý miếu Bà Lớn, Đình Thần và dinh Ông Nam Hải lạy cúng tuần tự theo thứ bậc. Đoàn Bả Trạo diễn hát bài An vị([12]). Tiếp đến ba hồi chiêng trống, nhạc lễ bắt đầu lễ cúng. Chánh bái thực hiện các động tác quỳ lạy, dâng lễ vật theo hai người xướng cúng. Bên trái và bên phải Chánh bái là Đông hiến và Tây hiến. Phía sau Chánh bái là Phó bái. Tám học trò lễ, bốn đào thài, hai người phụ cúng thực hiện nhịp nhàng việc dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà.

 

Lễ cúng An vị kết thúc bằng việc Ban quản lý Dinh Cô nói lời cảm ơn Ban quản lý miếu Bà Lớn, Đình Thần và Dinh Ông đã cùng thỉnh rước Linh vị về Dinh Cô.

 

Cúng Tiền hiền

Ngôi Tiền hiền đặt bên phải Chánh điện. Phía trên bàn thờ là hai tấm bia đá khắc tên 8 vị Tiền hiền (bên  phải), và 58 vị Hậu hiền (bên trái). Trước bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền đặt sẵn một con heo quay, lòng luộc, xôi, bánh tráng. Phía dưới bàn lễ vật dâng cúng thần cũng có mâm lễ vật cho cô hồn tương tự trong lễ cúng An vị. 10 giờ lễ cúng Tiền hiền Hậu hiền bắt đầu. Sau ba hồi chiêng trống, Chánh bái khấn niệm quỳ lạy. Phó bái đứng sau Chánh bái, cùng 6 học trò lễ, 4 đào thài thực hiện các nghi thức dâng cúng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà.

 

Tụng niệm cầu Quốc thái Dân an

Phía ngoài, bên trái ngôi Chánh điện Dinh Cô có bức tượng Phật Bà Quan Âm cao chừng 2m. Phía trước có bàn thờ nhỏ. Vào khoảng 3 giờ chiều ngày đầu tiên của lễ hội tại đây diễn ra Lễ tụng niệm cầu Quốc thái Dân an, do ni cô thực hiện. Đây là nét riêng, độc đáo của Lễ hội Dinh Cô.

 

Trước khi ni cô cúng lễ cầu an, Chánh bái của Ban tế tự Dinh Cô lạy cúng Phật Bà Quan Âm, cầu mong Phật Bà phù hộ cho dân làng. Sau khi Chánh bái dứt lễ, ni cô dâng hương và niệm kinh cầu quốc thái dân an theo nghi thức Phật giáo. Ni cô đứng trước bàn thờ đặt trước tượng Phật Bà Quan Âm, phía sau ni cô và vị Chánh bái của Dinh Cô là 10 phụ nữ đứng thành hai hàng. Họ là người đại diện cho dân chúng cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình thịnh vượng...

 

Cúng Tiên thường

Sáng ngày 11 tháng 2 (âm lịch) Ban Quản lý di tích Dinh Cô tổ chức các trò chơi truyền thống. Khách thập phương đã bắt đầu tề tựu về Dinh Cô ngày càng nhiều. Từ đầu giờ chiều, hàng trăm thuyền ghe của các làng cá Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung vào, được kết cờ hoa lộng lẫy tề tựu về neo đậu và hướng mũi vào trước Dinh Cô thực hiện nghi thức "chầu Cô". Ngư dân tin rằng khi ghe thuyền của họ về chầu Cô, nếu trang trí đẹp cũng có nghĩa là bày tỏ lòng thành kính chân thành nhất đối với Cô, được Cô phù hộ, giúp đỡ cho thuyền ghe ra khơi bình an và được nhiều tôm cá. Tất cả các thuyền ghe đều ra sức trang trí sao cho thuyền ghe mình đẹp nhất, tạo nên một vùng biển với hàng trăm chiếc ghe trang trí đủ sắc màu.

 

Khoảng 3 giờ chiều bắt đầu lễ cúng Tiên thường. Đây là nghi thức chuẩn bị trước khi bước vào lễ cúng chính thức vào sáng sớm hôm sau. Lễ vật dâng cúng trong lễ Tiên thường gồm 3 mâm cơm chay, bông hoa, trái cây… Theo các vị cao niên, lễ vật dâng cúng trong lễ Tiên thường trước đây là 23 mâm cơm chay chứ không phải chỉ có 3 mâm như hiện nay. Khác với lễ cúng An vị, lễ cúng Tiền hiền Hậu hiền, lễ cúng Tiên thường không có học trò lễ, không có nghi thức dâng 1 tuần trà, 3 tuần rượu. Chánh bái chỉ dâng hương và lạy cúng 4 lạy.

 

Sau khi Chánh bái lạy cúng xong, người trẻ cũng như người già, phụ nữ cũng như đàn ông, ngư dân cũng như những người làm đủ mọi ngành nghề, là dân địa phương hoặc từ Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Cần Giờ… đến sẽ thành kính chiêm bái, dâng phẩm vật lên Bà Cô, từ trầu cau, nhang đèn, giấy vàng bạc, trái cây hoa, bánh kẹo đến heo quay, tiền mặt… Họ khấn bái với lời tâm niệm tạ ơn Cô cũng như cầu mong Cô tiếp tục phù trợ cho cuộc sống bản thân và gia đình an lành tốt đẹp, được mùa tôm cá… Nhiều mâm lễ vật không thể thiếu trầu cau. Người nào cúng heo quay được mang về một phần như lộc của gia chủ.

 

Lễ Nghinh Bà Thủy thần nhập điện

Một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội Dinh Cô là lễ Nghinh Bà Thủy thần nhập điện diễn ra vào sáng sớm ngày chính lễ 12 tháng 2 âm lịch. Nói đây là lễ Nghinh Bà Thủy thần nhập điện là nói tắt theo cách của ngư dân. Vì lễ này không chỉ Nghinh Bà Thủy thần mà còn có cả nghi thức Nghinh Ông (cá voi). Trước bài viết này, không ít nhà nghiên cứu cho rằng Nghinh Bà ở đây là Nghinh Bà Cô (đang được thờ trong Dinh Cô) từ ngoài biển về, do Cô bị chết oan. Từ quan niệm ấy mà họ cho rằng nên gọi lễ hội Dinh Cô là lễ hội Nghinh Cô (tức phải gọi theo nghi thức như đã nói ở trên). Thực ra, Nghinh Bà ở đây là Nghinh Bà Thủy thần, tức Bà Lớn, được ngư dân Long Hải thờ ở miếu Bà Lớn mà Linh vị của Bà đã được rước về Dinh Cô trong lễ Thỉnh Long vị sáng ngày 10 tháng 2([13]).

 

Từ trước 6 giờ sáng những người trong ban cúng tế đã tề tựu đông đủ và tất bật chuẩn bị cho việc ra biển Nghinh Bà. Trước cổng Tam quan, ngoài bãi biển, ngư dân đã đổ về mỗi lúc một nhiều, đứng kín cả bãi biển Long Hải. Ngoài biển hàng chục chiếc ghe được trang hoàng cờ hoa rực rỡ đang chuẩn bị xuất phát cung nghinh Bà.

 

Trước khi ra biển, Chánh bái và Phụ bái thắp hương lạy trước bàn thờ Cô, bàn thờ Cửu huyền Thất tổ và các bàn thờ khác trong chánh điện. Mỗi người vái 4 vái. Chánh bái cầu nguyện xin thỉnh Long vị Ông Nam Hải và Bà Thủy thần về Dinh trong ngày vía Cô. Cầu mong Ông, Bà nhận lời.

 

Sau đó Chánh bái và Phụ bái đưa Linh vị Ông và Bà đặt vào kiệu. Kiệu Ông Nam Hải đặt bên trái, bên phải là kiệu Bà Thủy (nam tả nữ hữu?). Kiệu Bà Thủy thần được che bằng đôi lộng, trong khi kiệu Ông Nam Hải là đôi quạt. Bốn thiếu nữ trang phục áo dài hồng cầm lộng và quạt. Bên cạnh kiệu Bà Thủy thần luôn có hai cô gái trang phục áo dài đỏ đi cùng, trong khi kiệu Ông Nam Hải là hai cô gái mặc áo dài vàng.

 

Kiệu Ông, kiệu Bà được rước ra biển. Dẫn đầu đám rước là 10 phụ nữ cầm cờ Ngũ hành. Khi ra đến mép nước, kiệu được đặt xuống giữa hai hàng cờ Ngũ hành. Linh vị, bát nhang, bát trầm được Chánh bái và Phó bái chuyển xuống ghe.  

 

Ghe chở Linh vị Bà Thủy thần, Ông Nam Hải, Ban cúng tế, chiêng trống, bả trạo là ghe lớn nhất, được trang hoàng nổi bật nhất. Đây cũng là chiếc ghe năm qua đã làm ăn phát đạt, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống gia đình chủ ghe đầm ấm, hạnh phúc. Để ghe được vinh dự rước Linh vị Ông, Bà, các chủ ghe phải đăng ký trước để Ban Tổ chức Lễ hội tuyển chọn. Chủ ghe sẽ rất sung sướng, vinh dự và tự hào khi ghe mình được truyển chọn chở Linh vị Ông, Bà.

 

Khi tất cả đã lên ghe theo sự phân công trước, đám rước trên biển khởi hành. Dẫn đầu là ghe chở Linh vị. Phía sau mỗi bên ghe Linh vị là hai ghe chạy theo một khoảng cách đều chở đội lân rồng, tiếp đến là một đoàn ghe khoảng 30-40 chiếc cờ hoa lộng lẫy. Tiếng chiêng trống, tiếng máy nổ vang động cả một vùng biển khi sương mù chưa tan hết.

 

Linh vị Bà Thủy thần và Ông Nam Hải được đặt ở mũi ghe. Phía trước có hai bát trầm, hai lư hương (mỗi lư hương thắp ba nén nhang), hai chiếc bánh tráng, hai đĩa xôi, hai miếng thịt luộc, đĩa trái cây, bình hoa, hai ly nước, hai ly rượu, bên cạnh có khay đựng gạo, muối, hạt nổ… Chánh bái và Phó bái luôn đứng trước Linh vị. Đoàn bả trạo đứng giữa khoang, sát hai bên mạn thuyền.

 

Đoàn ghe tiến ra khơi rồi chạy dọc theo bờ biển khoảng 2km, đến đối diện với Mộ Cô ghe giảm tốc độ và dừng lại làm lễ cúng Mời Ông (Nam Hải Đại Tướng Quân). Một hồi chiêng trống vang lên, Chánh bái rót và đặt trước mỗi Linh vị một ly nước, một ly rượu và khấn niệm:

 

Hôm nay, ngày 12 tháng 2 năm... Chánh bái… [xưng tên họ] thay mặt vạn dân bá tánh trong làng, bổn hội, bổn vạn xin rước Ông Nam Hải về dinh nhập điện chứng lễ. Xin Ông chứng lễ, hộ độ bổn hội, bổn vạn, vạn dân bá tánh trừ Bắc đến Nam. Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, điền phì địa thịnh, bá hộ làm biển nhiều cá, trồng lúa nhiều bông, trồng cây nhiều trái, trồng khoai nhiều củ.

 

Sau khi khấn niệm xong Chánh bái, Phó bái và hai người phụ cúng cùng lạy 4 lạy([14]). Tiếp đến đoàn bả trạo hát “Mời Ông”. Sau đó Chánh bái hóa vàng bạc, rải xuống biển và cho đoàn ghe chuyển hướng về phía Tây Bắc. Khi đoàn ghe đã đến đối diện với miếu Bà Lớn, cách bờ chừng 2km, đoàn ghe giảm tốc độ và dừng lại để làm lễ cúng. Chánh bái và phụ bái quay mặt về phía miếu Bà Lớn vái lạy và khấn niệm:

 

Hôm nay, ngày 12 tháng 2 năm... Chánh bái… [xưng tên họ] thay mặt vạn dân bá tánh trong làng, bổn hội, bổn vạn xin rước Bà Thủy thần về dinh nhập điện chứng lễ. Xin Bà chứng lễ, hộ độ bổn hội, bổn vạn, vạn dân bá tánh trừ Bắc đến Nam. Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, điền phì địa thịnh, bá hộ làm biển nhiều cá, trồng lúa nhiều bông, trồng cây nhiều trái, trồng khoai nhiều củ.

 

Sau khi cúng xong (với những nghi thức tương tự cúng mới Ông) đoàn ghe quay mũi ra khơi chạy một đoạn rồi hướng vào bờ. Tiếng chiêng tiếng trống vang vọng một vùng biển suốt chặng đường đoàn ghe đi qua.

 

Trong khi đoàn ghe Nghinh Ông Nam Hải và Nghinh Bà Thủy thần ngoài biển thì trước Dinh Cô chương trình biểu diễn lân sư rồng diễn ra sôi động.

 

Hàng ngàn ngư dân đứng trên bờ chờ đón đoàn Nghinh trên biển trở về. Họ ùa ra dù nước rất sâu. Hàng ngàn người quay mặt về phía Linh vị được chuyển từ ghe xuống (và trong suốt chặng đường rước Linh vị nhập điện). Họ vái lạy, khẩn cầu. Những người may mắn đứng gần như muốn ùa tới Linh vị. Họ mong muốn được chạm tay lên Linh vị để sau đó thoa lên đầu, lên ngực mình với niềm tin đón nhận sự may mắn, hạnh phúc. Nếu không có lực lượng bảo vệ dày đặc thì Chánh bái và Phó bái khó lòng đưa được Linh vị lên bờ.

 

Trên bờ, 10 phụ nữ cầm cờ ngũ hành đứng thành hai hàng. Hai chiếc kiệu đón nhận Linh vị Bà Thủy thần và Ông Nam Hải trở về Dinh trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Hai kiệu đi ngang nhau. Kiệu Ông bên trái, kiệu Bà bên phải. Hàng ngàn người bước theo sau.

Ngay sau khi Linh vị Ông Nam Hải và Bà Thủy thần nhập điện:

- Tổng lái: (gọi) con trạo

- Bá trạo: dạ,

- Tổng lái:

 

Trên ngai vàng chỉ phán,

Dưới bá trạo đồng hành

Nay ngày lành dọn chiết thàng lan

Nghinh Bà đến Dinh tiền chứng lễ.

 

- Tổng lái bắt bài chèo hầu:

Lập lăng, lập miếu, xây thành

 

- Con trạo (2 lần):

Là là bốn mùa, là mùa tứ quý a ý a đã thành lửa hương,

 

- Tổng lái:

Rước bà công chúa tòa chương

Lên ngôi báo vị nương nương theo hầu

 

- Con trạo (2 lần):

Tiếng đồn khấp hết đâu, hiển linh trong nước nhà nhà ấm no.

 

- Tổng lái:

Thái bình là dân ông bà cho

 

- Con trạo (2 lần):

Là là an hòa bá tánh ấm no đời đời

 

- Tổng lái: (gọi) con trạo

- Bá trạo: dạ

Nghinh Bà về đến dinh tiền

Triền bá trạo xuôi thuyền ngơi nghỉ…

 

Cảnh hát bả trạo tái diễn lao động trên biển trong tiếng nhạc lễ sôi động mở đầu nghi lễ cúng Cô. Nội dung bài hát ca ngợi công đức của Bà Thủy thần và Ông Nam Hải phù hộ cho ngư dân, giúp họ đánh bắt được nhiều cá tôm. Bài hát còn ca ngợi sự giàu có của biển cả và tinh thần đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống no ấm đủ đầy…

 

Lễ vật dâng lên trong lễ cúng Cô là hai con heo quay nguyên con đặt trước Linh vị Bà Thủy thần và Bà Cô. Bên cạnh là bánh tráng nướng, lòng luộc, mâm xôi. Trước Linh vị Ông Nam Hải là một heo sống nguyên con, cạo lông sạch sẽ (ngư dân gọi là heo đồ). Bên cạnh là mâm lòng sống trùm mỡ chài và mâm xôi… Phía dưới các bàn vật phẩm này đều có một mâm trên có cháo, chè, bánh kẹo, thuốc lá, giấy vàng bạc, gạo muối… Người ta nói đó là vật phẩm dành cho cô hồn để chúng khỏi “xâm phạm” các lễ vật dâng lên thần…

 

Chánh bái đứng trước bàn thờ Cô, trang phục áo dài xanh, khăn đóng, quần trắng. Bên trái là Đông hiến, bên phải là Tây hiến. Phó bái đứng sau Chánh bái. Chánh bái vái lạy 4 lạy, gọi là làm lễ Quán tẩy sở (tức lễ rữa mặt). Tiếp đến các thành viên trong ban tế tự, học trò lễ, đào thài, con trạo… vái lạy Cô trước khi bước vào lễ cúng Cô chính thức. Không giống cách quỳ lạy của ban tế tự, đào thài và học trò lễ, các con trạo đứng thành hàng dọc mỗi lần lạy đều đưa tay từ ngoài vào ngực.

 

Sau một hồi chiêng trống kéo dài, Chánh bái xưng họ tên, là người đại diện cho dân làng khấn niệm:

Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần), hôm nay là ngày 12 tháng 2 âm lịch. Hàng năm vào ngày này, giờ này, bổn hội, vạn dân bá tánh, từ Bắc đến Nam xin dâng lễ Bà Cô”.

Chánh bái nguyện vái thành tâm dâng hương:

 

“Tạ thiên, tạ địa, tạ Bà Cô,

Đảng cầu xứ xứ điều hòa thuận,

Chỉ nguyện nhơn nhơn mạn thọ trường,

Quốc hữu trung thần phò xã tắc,

Da xanh hiếu tử vĩnh hòa xương,

Tứ phương bình định can hòa tuất

Nam phụ lão ấu đắc an khương

Tiết buồn thông thiên nghiêm tế tự

Bà Cô, chứng hưởng độ bá da

Nguỗn vộng Bà Cô, chiếu chi chứng giám

Chúc cầu thôn ấp tài lợi phước đa,

Kỉnh nguyện bá tánh an cư lạc nghiệp

Phục di thương hưởng.

 

Xướng cúng thông báo dâng lễ cúng. Học trò lễ dâng lên 1 tuần hương, 3 tuần rượu, 1 tuần trà. Tuần hương và tuần trà học trò lễ trao Chánh bái dâng lên. 3 tuần rượu do Phó bái rót học trò lễ đưa cho người phụ cúng dâng lên bàn thờ. Chánh bái quỳ khi rót rượu và trà để dâng lên bàn thờ. Mỗi lần dâng hương, rượu, trà những người cúng lễ đều vái lạy 4 lạy.

 

Sau khi dâng lễ vật, Chánh bái đọc sớ. Sớ được viết bằng chữ Hán trên giấy đỏ khổ lớn, có phiên âm tiếng Việt. Bài sớ ghi rõ gốc tích, ca ngợi công ơn Bà Cô, nói những lý do dâng cúng và bày tỏ ước nguyện của dân làng. Sau khi đọc xong, sớ được đưa lên đặt trên bàn thờ. Chánh bái lạy, học trò lễ cầm sớ, cùng giấy vàng bạc hóa sau cúng lễ.

 

Lễ Xây chầu Đại bội

Hóa vàng xong cũng là lúc lễ cúng Bà Cô kết thúc. Chánh bái bước vào nhà Võ ca đánh trống khai lễ Xây chầu Đại bội, tiếp đến hát Chặp địa nàng-múa bông, tam hiền, bán lộc (dâng đĩa trái cây, bông, tòa đài vàng, bạc) xen kẽ múa hát vui nhộn hết suốt buổi chiều.

 

Theo quan niệm của ngư dân, lễ Xây chầu và Đại bội tượng trưng cho việc khai sơn chiếu gió, mở 12 cửa rừng 12 cửa biển. Lễ Xây chầu thực hiện nghi thức chính là khấn niệm trấn tà và cầu cho quốc thái dân an, làng nước yên bình, mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Tiếp đến Chánh bái đánh ba hồi trống với 108 tiếng kết thúc lễ Xây chầu, chuẩn bị lễ Đại bội.

Hát chầu trong lễ Xây chầu Đại bội là một nghi thức quan trọng, trước hết để dâng lên Bà Thủy thần và Ông Nam Hải, nhưng loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ này còn giúp vui cho dân làng qua lời ca tiếng hát, có ý nghĩa như một buổi thưởng thức giá trị nghệ thuật. Khai chầu thường là những tích tuồng có nội dung “đánh Đông dẹp Bắc” như Tiết Nhơn Quý Đông chinh, Lưu Kim Đính hạ san, Mộc Quế Anh dâng cây... Kết thúc là những vở diễn qua cảnh bí cực đến thời thái lai...

 

Chương trình diễn tuồng-hát bội thường bắt đầu vào lúc 8 giờ tối với một trong các vở: Ngọc Kỳ Lân xuất thế, Sở Vân cứu giá, Đào viên kết nghĩa, Tống gia phục nghiệp, Tôn vương tống tử vân, Hồng môn hội yến, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Ngũ hổ bình tây, Lễ tôn soái Địch Thanh... Người xem hào hứng, hòa chung cảm xúc người diễn. Các vở diễn có nội dung ca ngợi lòng thủy chung, vua hiền tôi sáng, ước vọng quốc thái dân an, phần kết thúc thường rất có hậu, ít cảnh binh đao chết chóc...

 

Xen kẽ chương trình diễn tuồng là múa bông, tam hiền. Đây là nghi thức hát múa dâng ba bó bông vạn thọ, dâng ba mâm vàng (trên mâm có tòa lầu vàng) lên Cô.

 

Bên ngoài, trước sân Dinh Cô, một nghi thức khác mà chúng ta ít thấy trong các lễ hội khác ở Bà Rịa-Vũng Tàu là lễ phóng sinh. Người ta mua chim sẻ để trong lồng và thả chim ra, tương tự việc phóng sinh vào các ngày rằm hay mồng một (âm lịch) mà Phật tử một số nơi vẫn làm ở chùa...

 

Sau khi kết thúc chương trình hò Quảng, hát bội là nghi thức Bống rỗi-Tôn vương. Lễ vật dâng cúng là một mâm nhỏ gồm giấy vàng bạc, gạo muối, cháo trắng, chè, nước…

 

Đứng cúng là một phụ nữ, mặt hướng ra ngoài, lưng quay về phía chánh điện. Người cúng đọc bài Chiến sĩ trận vong theo điệu chầu văn, vừa đọc vừa gõ chiếc trống nhỏ cầm trên tay, xen kẽ là tiếng trống chầu. Nội dung bài cúng là cảnh tiễn đưa người thân ra trận, thương tiếc người đã ngã xuống và kể lể hoàn cảnh gia đình khốn khó khi trụ cột chính trong nhà là người chồng, người cha phải ra trận…

Lễ Tôn vương kết thúc bằng việc hóa vàng bạc. Các tòa lầu, mâm vàng dâng cúng trong Chánh diện đều được đem ra đốt. Trong khi mọi người hóa vàng bạc thì người phụ nữ tiếp tục đọc bài chầu văn mời Ông (Nam Hải) và mời Bà Thủy thần. Nội dung bài chầu khẩn thiết mời Thần thỉnh thoảng ghé Dinh thăm chơi cho thỏa lòng con cháu.

 

Lễ Tống Thánh

Lễ Tống Thánh bắt đầu lúc 0 giờ, là nghi thức cuối cùng, kết thúc ba ngày lễ hội. Lễ Tống thánh khởi đầu bằng một hồi chuông, trống, sau đó chánh bái và các phụ bái lạy trước bàn thờ. Trong lễ Tống Thánh chỉ dâng hương, không dâng phẩm vật. Trước khi ba bài vị được đưa ra khỏi chánh điện, Chánh bái và hai Phụ bái ôm bài vị hướng về phía các bàn thờ gật ba cái như một động tác chào tạm biệt. Sau đó đưa bài vị ra kiệu. Đám rước đưa linh vị Thành hoàng Bổn cảnh, Ông Nam Hải và Bà Thủy thần về lại Đình Thần, Lăng Ông và Miếu Bà. Dẫn đầu đám rước là 10 lá cờ ngũ hành. Tiếp đến là kiệu Thần Thành Hoàng, kiệu Ông Nam Hải, kiệu Bà Lớn và đi sau cùng là đội lân sư rồng biểu diễn suốt trên chặng đường đi. Chiêng trống vang vọng giữa đêm khuya suốt từ Dinh Cô về tới Miếu Bà.

Khi đặt linh vị lên bàn thờ tại chánh điện Đình Thần, Lăng Ông và Miếu Bà, Chánh bái và các phụ bái dâng hương (không dâng vật phẩm) và vái lạy 4 lạy, xem như lễ tất.

 

Hội lễ Nghinh Cô:

Ngoài nghi thức cúng lễ qua các bước trên, trong những ngày diễn ra lễ hội Dinh Cô, vào sáng sớm ngày 11 tháng 2 âm lịch, Ban Quản lý thường tổ chức múa lân sư rồng; các trò chơi dân gian và các môn thể thao liên quan đến vùng sông nước, như thi bắt cá, bắt lươn, đập niêu đất, đi cá kheo, thi khiêng cá, đầy cây, kéo co, nhảy bao bố, đua thuyền thúng... Ngư dân Long Hải xem những trò chơi dân gian này là Hội thao truyền thống nên rất nhiều thanh niên ngư dân trong làng đăng ký tham gia. Hội thao thu hút rất nhiều người xem, cổ vũ nên thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi, làm cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn...

 

5. Kết luận.

Lễ hội Dinh Cô Long Hải không thuộc loại lâu đời, nhưng theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì lễ hội Dinh Cô là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân ven biển Nam Bộ. Lễ hội Dinh Cô là lễ hội nghề nghiệp, gắn liền với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân ở đây. Nghi thức và các bước tiến hành của lễ hội Dinh Cô có nhiều điểm tương tự nghi thức lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội Dinh Cô thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần, nhưng không đơn thuần chỉ thờ Mẫu-Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy thần, cá Ông voi) và tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần của cư dân địa phương (vị thần kết tinh, hòa nhập của các "Mẫu" khác). Chúng ta còn thấy nghi thức cúng Thành hoàng Bổn cảnh, Tiền hiền Hậu hiền trong lễ hội Dinh Cô. Sự độc đáo của Lệ Cô thể hiện sự hội tụ, ngưng đọng của những nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của nhiều miền. Những cái riêng ấy được hội tụ, tiếp biến để hình thành nên cái đặc trưng-hóa giải mọi độc tôn, dung hợp những quan niệm, truyền thống khác nhau, tạo nên sự thăng bằng, phong phú trong đời sống tinh thần và tâm linh của ngư dân Long Hải nói riêng, Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung-vốn hội tụ về đây từ những vùng miền khác nhau, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau...

 

Lễ hội Dinh Cô mang những nét đặc trưng địa phương, vừa thể hiện tính chất tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân thần (một con người có thật đã hóa thần) và nhiên thần (Bà Thủy, Ông Nam Hải), vừa là lễ hội cầu ngư, thể hiện ước vọng bội thu, được mùa tôm cá của ngư dân... Đây cũng là dịp vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật, bù đắp những ngày lao động vất vả, lẻ loi trên biển.

 

So với nghi thức của một số lễ hội của ngư dân Nam Bộ, lễ hội Dinh Cô nói riêng và lễ hội của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung có một số điểm khác. Chẳng hạn hát bả trạo thường được tổ chức trong lễ hội của ngư dân các tỉnh từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận. Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng đất thuộc Nam Bộ, nhưng có tổ chức hát bả trạo và như lễ hội Dinh Cô hát bả trạo là một nghi thức quan trọng([15])

 

Sự quy mô và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự, lễ hội Dinh Cô đã tạo ra một diện mạo và tác động tích cực đối với các lễ hội khác ở địa phương và trong vùng.

Với ý nghĩa đó, Dinh Cô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa ngày 16-01-1995, tại quyết định số 65QĐ/BT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 

- Monographie de la province de Baria et la ville Cap Saint Jacques, L.Ménard, Saigon, 1902

- Gia Định thành thông chí, 3 tập, Nha Văn hóa, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972

- Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế 1992.

- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1995.

- Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ-khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, Luận án Tiến sĩ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

- Đinh Văn Hạnh-Phan An, Lễ hội của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu, NXB Trẻ, 2005.   



([1])  Theo Monographie de la province de Baria et la ville Cap Saint Jacques, L.Ménard, Saigon, 1902, tr. 36.

([2]) Các tác giả sách Vũng Tàu xưa và nay, Huỳnh Minh xuất bản 1970 và Đất thắng cảnh Vũng Tàu, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1987 đã nhầm lẫn khi xác định núi Thùy Vân ghi trong sách Gia Định thành thông chíĐại Nam nhất thống chí là Núi Nhỏ ở thành phố Vũng Tàu (xem thêm báo Bà Rịa-Vũng Tàu, số 80, ngày 17-7-1992).

([3]) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế 1992, tr.49.

([4]) Sách Gia Định thành thông chí viết về núi Thùy Vân như sau: Ở về phía đông cách thành 194 dặm. Thế núi đứng dựa nơi bờ biển, cao lớn đẹp lạ thường, đỉnh chọc thẳng lên trời, nhìn thấy có mây từ trên núi tỏa xuống, cho nên mới có tên ấy. Trên núi có chùa Hải Nhật, là chỗ trông ra biển để đo bóng mặt trời. Phía bắc chân núi, cây cối xanh tươi, đó là hang lợn rừng về nghỉ ngơi, ở chân núi còn có đầm to từ biển thông vào, gọi là Sơn Trư Úc (tục gọi là bãi Heo), khi gió nam thổi mạnh, tàu thuyền thường vào đậu đấy để tránh… (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tập Thượng, Nha Văn hóa, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn 1972, tr. 18).

([5]) Từ trước đến nay trong dân gian có nhiều cách giải thích khác nhau về Cô. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Cô tên là Lê Thị Hồng Thủy, quê quán ở Phan Rang (có người kể quê ở Bình Thuận). Cô là con gái duy nhất của ông Lê Văn Khương (hoặc Thương) và bà Thạch Thị Hà (đúng với tên ghi trên bài vị của bàn thờ Cửu huyền Thất tổ trong Chánh điện Dinh Cô), thường theo cha vào vùng Bà Rịa và Gò Công (Tiền Giang) buôn bán. Cô rất yêu cảnh mến người và không muốn rời xa vùng đất phía Nam. Trong một lần vào Nam buôn bán, khi thuyền còn neo đậu tại vũng Mù U (Long Hải), Cô không muốn rời khỏi đất này nên đã xin cha ở lại nơi đây sinh sống lâu dài. Lúc ấy Cô mới 16 tuổi. Nhưng người cha kiên quyết không bằng lòng, buộc cô phải trở về quê hương cùng ông. Khi thuyền nhổ neo rời bến khá xa, nhìn lại trong thuyền không thấy cô, người cha quay lại cất công tìm kiếm ba ngày liền nhưng không thấy. Ông buồn bã quay về quê nhà. Vài hôm sau, xác Cô trôi dạt vào Hòn Hang. Một cụ già ở làng Phước Hải (có người kể cụ ấy tên là Viên) phát hiện. Ngư dân Phước Hải chôn cất Cô trên đồi cát gần nơi tìm thấy xác Cô (đó là Mộ Cô bây giờ). Mộ của Cô luôn được cát bồi đắp, cỏ không mọc được mà ngay bên cạnh một cây đa tươi tốt mọc nhanh như thổi che mát mộ Cô. Sau một thời gian, vùng này có dịch bệnh, rất nhiều người bị đau và chết. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, có người nằm mơ thấy Cô báo sẽ giúp dân làng qua khỏi dịch khí. Dân làng đã thắp hương cầu khấn, quả nhiên dịch bệnh qua khỏi. Sau sự việc ấy, có người đã xin bà con xây am thờ phượng (có người kể người đó là cụ Kỳ ở Phước Tỉnh), Cô sẽ độ trì dân làng làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành... (Ghi theo lời kể của các cụ già Long Hải, khảo sát năm 1994).

Theo nghiên cứu của các tác giả cuốn 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, thì khi thuyền buôn của ông Lê Văn Khương đi ngang qua mũi Thùy Vân, dây lèo buồm đã gạt cô Lê Thị Hồng Thủy xuống biển. "Mặc dù những người cùng đi trên thuyền đã ra sức tìm kiếm, nhưng vẫn không tìm được cô. Ba ngày sau xác cô nổi lên nơi vũng Mù U, được bà con ngư dân xã Phước Hải chôn cất tử tế. Về sau cô trở nên linh hiển, nhập vào xác đồng, kể lại cái chết oan uổng của mình. Dân làng lập miếu thờ, lấy ngày cô chết (12-2 âm lịch) để cúng bái hàng năm. Chuyện xẩy ra vào năm Gia Long thứ ba (1804), lúc ấy cô mới 16 tuổi" (Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1995, tr. 127).

Một truyền thuyết khác lại cho biết cô là liên lạc viên của nghĩa quân Tây Sơn (cũng có người nói Cô là con một viên chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn), thường qua lại nơi đây. Cô đã bị quân nhà Nguyễn giết chết (cũng có người kể là bị đắm thuyền). Sau này, để tưởng nhớ một người con gái hiển linh, chết vì đạo nghĩa, nhân dân đã lập miếu thờ.

([6]) Trong lần xây dựng này có 8 người đóng góp nhiều công của và họ được xem như Tiền hiền...

Từ sự kiện này, có tài liệu cho rằng Dinh Cô được xây dựng và trùng tu nhiều lần bắt đầu từ năm 1930 (theo Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ-khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, Luận án Tiến sĩ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 91).

([7]) Cung thỉnh 8 vị Tiền hiền ghi trên bia đá trên bàn thờ gồm: Phạm Văn Cang, Nguyễn Văn Đinh, Hồng Văn Hên, Thái Văn Vàng, Lê Văn Trượng, Trần Văn Đỏ, Huỳnh Văn Trước và Nguyễn Thị Được.

([8]) Huỳnh Quốc Thắng, Lễ hội dân gian của người Việt ở Nam Bộ-khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, tlđd, tr.92.

([9]) Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, sđd, tr. 127

([10]) Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức, được mang họ vua vì có nhiều công lao giúp Nguyễn Ánh. Ông quê ở Giồng Cái Én, làng Trường Khánh, huyện Kiến Hưng, nay thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Xuất thân trong một gia đình quan võ, từ trẻ ông đã có sức mạnh hơn người. Người đời gọi Nguyễn Huỳnh Đức là “Ông Hổ Tướng”. Năm 1781, ông theo Nguyễn Ánh. Hai năm sau bị nghĩa quân Tây Sơn bắt làm tù binh. Ông từng được Nguyễn Huệ trọng dụng, ra Bắc đánh chúa Trịnh, làm Phó tướng cho Nguyễn Văn Duệ. Sau khi Nguyễn Văn Duệ phản Nguyễn Huệ, Nguyễn Huỳnh Đức trốn sang Xiêm rồi về lại với Nguyễn Ánh. Năm 1790, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, đánh chiếm được Phan Rí, rồi cửa Thị Nại, thành Quy Nhơn. Ông từng cai quản xứ Định Tường, trấn giữ thành Quy Nhơn. Sau khi Gia Long lên ngôi ông được phong tước Quận công, làm Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Năm 1816 trở về Nam làm Tổng trấn thành Gia Định cùng Trịnh Hoài Đức (làm Hiệp Tổng trấn), cai quản cả vùng đất Nam Kỳ và mất năm 1819 khi còn tại chức. Ông được triều đình Huế truy tặng Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái phó Quận công, được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) được truy tặng là Kiến Xương Quận Công (theo Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr. 538-539).

([11]) Cũng xin nói thêm, trong dịp cúng lễ này người ta còn dâng lên Thần một lễ vật đặc biệt đó là một con heo còn sống được tắm rữa sạch sẽ.

([12]) Hát bả trạo còn gọi là hát-chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông, hò tiễn Ngài, hò đưa linh, hò hầu linh... Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển. Điệu hát bả trạo có nơi gọi là bá trạo. Có người cho rằng là trăm, trạotay chèo. Lâm Tô Lộc cho rằng gọi đúng là Bả Trạo (Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1979, tr 28). Theo đó, bả nắm chắc, trạotay chèo, có nghĩa là hát múa có kèm theo động tác cầm chèo để thể hiện. Theo Lê Văn Hảo, bả trạo có nét gần giống dân ca Chăm Tọ lăm mư tai, một loại hát đám ma gần với hình thức ngâm, nhưng không có nhiều làn điệu đa dạng như hát bả trạo (Lê Văn Hảo, Tìm hiểu giao lưu văn hóa Việt-Chăm qua kho tàng văn hóa dân gian của người Việt và người Chăm, trong Góp phần nghiên cứu bản lĩnh, bản sắc các dân tộc ở Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1980, 275).

Nội dung bả trạo sinh động, làn điệu đa dạng, sức sống của bả trạo đối với ngư dân không phải ở kịch bản mới hàng năm hay tính nghệ thuật cao là điều mà rất ít khi có, mà chính là vì nó gắn liền với nghi lễ.

 

([13]) Cũng xin nói thêm về một lý do khác gây nên sự nhầm lẫn của một số nhà nghiên cứu khi gọi lễ hội Dinh Cô là lễ hội Nghinh Cô. Họ cho rằng nghi thức chính của lễ hội này là “nghinh bà Thủy” mà “bà Thủy” ở đây là tên riêng của người được thờ trong Dinh Cô (tức cô Lê Thị Hồng Thủy). Cái tên Lê Thị Hồng Thủy được cho là tên của Cô lưu truyền trong dân gian cũng là do ngư dân nói “nghinh bà Thủy” mà ra vậy.

([14]) Một số tài liệu nói Chánh bái xin keo (âm-dương, sấp-ngữa) để biết Ông Nam Hải đã nhận lời hay chưa, nhưng qua khảo sát thực tế chúng tôi không thấy có nghi thức này.

([15]) Ngay Cần Thạnh, Cần Giờ (trừ xã đảo Thạnh An), không xa Vũng Tàu, cũng không tổ chức hát bả trạo. Nhưng loại hình này ở Bà Rịa-Vũng Tàu lại khá phổ biến.

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 9365
Ngày đăng: 01.09.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện Mèo Chuột Trong Đời Sống Người Bình Dân Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Lễ Hội Phước An Miếu (Phường Chánh Nghĩa, ThỊ Xã Thủ Dầu Một, TỈnh Bình Dương) - Đinh Văn Hạnh
Hình Tượng Ông Tơ Bà Nguyệt Trong Văn Hóa Dân Gian - Trần Minh Thương
Đám Giỗ Ở Miền Tây Nam Bộ Trong Sự Ảnh Hưởng Và Tiếp Biến Của Văn Hóa Thăng Long – Hà Nội - Trần Minh Thương
Ca Trù – Nơi Gặp Gỡ Giai Nhân, Tài Tử - Đỗ Ngọc Thạch
Hình Tượng Con Rắn Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Tướng Mạo Con Người Qua Ca Dao Dân Ca - Trần Minh Thương
Lời Tâm Tình của Người Nghiên Cứu Văn Học Dân Gian - Trần Minh Thương
Trầm Hương Vạn Giã (2) - Nguyễn Man Nhiên
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)