Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
724
116.706.584
 
Có thể chọn ngày 1-5-1895 làm mốc thời gian đầu tiên thành lập Thành phố Vũng Tàu?
Đinh Văn Hạnh

Thành phố Vũng Tàu là trung tâm dầu khí đầu tiên và lớn nhất của quốc gia. Vũng Tàu được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch của cả nước. Trong những năm đổi mới, Vũng Tàu liên tục phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực. Bộ mặt đô thị Vũng Tàu không ngừng được hòan thiện từng ngày. Là trung tâm chính trị-kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đảng bộ và nhân dân Vũng Tàu phấn đấu, tiếp tục xây dựng Vũng Tàu thành một thành phố phát triển cao ở miền Đông Nam Bộ, nhất là trên các lĩnh vực Vũng Tàu có thế mạnh như dầu khí, dịch vụ cảng biển, hải sản và đặc biệt là ngành du lịch.

Cũng như các đơn vị hành chính khác trong tỉnh và trong toàn quốc, Vũng Tàu có những cột mốc, những sự kiện đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của mình.

 

Một số mốc quan trọng đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của Vũng Tàu

 

1- Mốc 1698 (mùa Xuân năm Mậu Dần), thời điểm Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đặt các đơn vị hành chính ở Nam Bộ (trong đó có vùng đất Vũng Tàu). Vũng Tàu lúc ấy thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên.

2- Mốc đầu thế kỷ 19 (cuối thời Gia Long, 1802-1820), thời điểm hình thành ba thuyền (thuyền là đơn vị quân sự-hành chính và dân cư) mà sau này chúng ta quen gọi là ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam, tiền thân của thành phố Vũng Tàu sau này.

3- Mốc 1887: thực dân Pháp chia tỉnh Bà Rịa thành Bà Rịa và Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu).

4- Mốc ngày 1-5-1895, tức thời điểm Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập thành phố Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu). Đây là lần đầu tiên Vũng Tàu trở thành thành phố tự trị (Commune autonome).

5- Mốc năm 1899: thực dân Pháp lập lại tỉnh Bà Rịa bao gồm cả thành phố Vũng Tàu (Vũng Tàu là thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa, không phải là thành phố tự trị) .

6- Mốc ngày 30-4-1929: thành phố Vũng Tàu lại được tách ra khỏi Bà Rịa để thành lập một tỉnh mới có tên là Cap Saint Jacques.

7- Mốc ngày 28-12-1934: Tòan quyền Đông Dương ra Nghị định tái thành lập thành phố Cap Saint Jacques, hưởng quy chế thành phố cấp III.

8- Mốc ngày 30-5-1979, Quốc hội nước CHXHXNVN ra quyết nghị phê chuẩn việc thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.

9- Mốc ngày 12-8-1991, tại kỳ họp thứ 9, khóa VIII, Quốc hội nước CHXHCN VN ra nghị quyết thành lập đơn vị hành chính thành phố Vũng Tàu (ngày 9-12-1991, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định số 88/QĐ.UB phân cấp Vũng Tàu là trung tâm chính trị-kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Mỗi cột mốc lịch sử đều có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu quá trình phát triển của Vũng Tàu. Do đó, tùy theo các mức độ, hòan cảnh và tiêu chí lựa chọn của từng thời điểm lịch sử cụ thể chúng ta đều có thể tổ chức kỷ niệm. Việc kỷ niệm 110 năm thành phố Vũng Tàu vào năm 2005 không vì thế ảnh hưởng đến việc tổ chức một ngày lễ kỷ niệm nào đó liên quan đến quá trình phát triển của Vũng Tàu

Tuy nhiên, việc chọn một ngày thật sự có ý nghĩa, bước ngoặt và mang “tính thời sự” để kỷ niệm ngày thành lập thành phố cần phải có những tiêu chí cụ thể.

 

Các tiêu chí để chọn ngày 1-5-1895 kỷ niệm ngày thành lập thành phố Vũng Tàu

 

1. Tiêu chí “đầu tiên, hay sớm nhất của sự kiện”:

Tiêu chí này xác định thời điểm đầu tiên định danh địa bàn hoặc loại hình (đơn vị hành chính). Chẳng hạn, thành phố Đà Lạt chọn thời điểm 21-6-1893, thời điểm bác sĩ Yersin đặt bước chân lên cao nguyên Lang Bian để kỷ niệm ngày hình thành của thành phố Đà Lạt, mặc dù trước đó vùng Đà Lạt đã có con người sinh sống và sau này (3-1899) Toàn quyền Đông Dương mới quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và công tác xây dựng mới được bắt đầu; và mãi đến tháng 6-1916, Toàn quyền Đông Dương mới ký nghị định thành lập thành phố (thị tứ) Đà Lạt. Tương tự đối với Sa Pa, dù trước đó đã có các dân tộc sinh sống, nhưng để kỷ niệm ngày thành lập, người ta vẫn chọn mốc năm 1903, lúc thực dân Pháp phát hiện ra Sa Pa. Các tỉnh, thành miền Trung, do đặc điểm lịch sử thường chọn ngày các Chúa Nguyễn thiết lập đơn vị hành chính để kỷ niệm sự ra đời của một vùng đất (500 năm Quảng Nam, 350 năm Khánh Hòa, Phú Yên)...

 

Năm 2004, thành phố Buôn Mê Thuộc sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1904-2004). Căn cứ để kỷ niệm là ngày Toàn quyền Đông Dương Pháp ký nghị định thành lập tỉnh Đắc Lắc, lấy Buôn Mê Thuộc làm tỉnh lỵ (mặc dù sau này, năm 1923, Toàn quyền Đông Dương Pháp mới chính thức ký nghị định thành lập thành phố Buôn Mê Thuột)… Liệt kê ra như vậy để thấy các địa phương rất lưu ý tiêu chí “đầu tiên” hay sự kiện định danh sớm nhất để chọn làm ngày kỷ niệm hình thành một vùng đất.

 

Đối với Vũng Tàu, từ rất sớm đã có con người đến làm ăn sinh sống. Chân Lạp phong thổ ký (viết cuối thế kỷ 13) cho biết từ thế kỷ 13, vùng đất Vũng Tàu đã là thị trấn Chân Bồ. Qua thông tin từ Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, chúng ta biết từ giữa thế kỷ 18, Vũng Tàu đã là nơi giao dịch, cung cấp thông tin để các thương lái biết được nơi nào ở Nam Bộ mất mùa, được mùa để tới buôn bán. Đầu thế kỷ 19, các làng xóm ở Vũng Tàu đã hình thành ổn định và tương đối phát triển so với các địa phương khác trong vùng. Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ (2-1859), những người dân “ngụ binh ưu nông” Vũng Tàu và binh lính nhà Nguyễn đã anh dũng chiến đấu kìm bước chân xâm lược của chúng trong hai ngày tại cửa biển Vũng Tàu. Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, do vị trí đặc biệt, án ngự bên cửa biển Cần Giờ, thực dân Pháp đã tăng cường xây dựng pháo đài, bố phòng chặt chẽ Vũng Tàu. Bên cạnh ưu thế quân sự, Vũng Tàu có ưu thế phát triển du lịch, phục vụ việc nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch tắm biển cuối tuần cho đội quan viễn chinh Pháp. Trước khi đến Đà Lạt, bác sĩ Yersin đã có ý định chọn và xây dựng Vũng Tàu thành nơi nghỉ dưỡng. Năm 1893, Yersin phát hiện cao nguyên Lang Bian. Năm 1899, công việc xây dựng Đà Lạt mới bắt đầu được khởi động, năm 1914, Toàn quyền Đông Dương mới bố trí ngân sách chính thức để xây dựng Đà Lạt. Trong khi Đà Lạt đang ở thời điểm khởi động, thì trước đó, ngày 1-5-1895, để đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành nghị định thành lập thành phố Vũng Tàu. Đây có thể nói, lần đầu tiên Vũng Tàu được thành lập thành phố. Sau này, Vũng Tàu có khi được gọi là thành phố, có khi gọi là thị xã, thậm chí có những thời điểm Vũng Tàu là thị xã nhưng quy mô không lớn, dân số không nhiều nếu so sánh với các thị xã khác trong vùng. Vì Vũng Tàu là một bán đảo. Dù cấp hành chính nào thì cũng nằm trong khuôn khổ ba làng Thắng, Vũng Tàu không có những đơn vị hành chính cấp dưới hay vệ tinh (vì bao quanh là biển). Ngay gần đây, ngày 30-5-1979, Quốc hội nước CHXHXNVN ra quyết nghị phê chuẩn việc thành lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, thì Vũng Tàu vẫn chưa được xem là thành phố. 12 phường, xã của Vũng Tàu trực thuộc trực tiếp Đặc khu, còn Côn Đảo là cấp Quận, nhưng bên dưới cũng không có phường, xã. Dưới thời thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã có nghị định thành lập thành phố, nhưng sau đó do sáp nhập, tách ra, nên Toàn quyền Đông Dương lại có nghị định mới thành lập lại thành phố Vũng Tàu một lần nữa. Đây là sự thành lập lại, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp ngân sách, còn bản thân Vũng Tàu đã là thành phố. Sau này, dưới thời chính quyền cách mạng cũng vậy, ngày 12-8-1991, Quốc hội ra nghị quyết thành lập thành phố Vũng Tàu, nhưng thực ra bộ mặt của Vũng Tàu đã là một đô thị từ trước đó.

 

Vì sao một thành phố nhỏ như Vũng Tàu lại được quyết định thành lập nhiều lần như vậy? Lý do đó nằm ở đặc điểm địa lý, lịch sử, hoàn cảnh xã hội và kể cả sự biến động về dân cư và dân số của vùng đất Vũng Tàu suốt gần 150 qua; cũng như mục đích và ý đồ sử dụng vùng đất này mỗi thời điểm, mỗi một chế độ có sự khác nhau. Không những thế, tìm hiểu lịch sử vùng đất Vũng Tàu chúng ta thấy có ba biến động nổi bật: biến động về đơn vị hành chính, biến động về dân cư-dân số (kể cả thành phần dân cư), biến động về ngành nghề kinh tế (bao gồm cả hoạt động quan sự).

 

Bởi vậy, xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của Vũng Tàu, chúng ta thấy Vũng Tàu nhiều lần được chính quyền quyết định thành lập. Tuy nhiên, lần đầu tiên Vũng Tàu trở thành thành phố là ngày 1-5-1895, ngày Toàn quyền Đông Dương Pháp ban hành nghị định thành lập thành phố Vũng Tàu.

Tính chính xác của sự kiện này như thế nào?  

      

2. Tiêu chí  về “tính chính xác của sự kiện”:

 

Việc Vũng Tàu lần đầu tiên trở thành thành phố đã được một số sách, báo đề cập:

- Báo Vũng Tàu Chủ Nhật số Xuân Ất Hợi 1995, có bài viết 100 năm Vũng Tàu;

- Báo Người Làm Báo Bà Rịa-Vũng Tàu Xuân Ất Hợi 1995 cũng đăng bài viết Vũng Tàu trở thành thành phố từ lúc nào.

- Sách Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918) do PGS.TS. Dương Kinh Quốc-Viện Sử học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia biên soạn, nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1999, viết:

“1 tháng Năm 1895, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã “Cap Xanh Giắc” (Cap Saint Jacques) ra khỏi Tiểu khu Bà Rịa để thành lập thành phố tự trị Cap Xanh Giắc” (tr. 226).

Cùng tác giả, tên sách trên, xuất bản năm 1981, trang 390 cũng viết tương tự, và nói thêm “thành phố tự trị = Commune autonome”.

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tập 1 (1930-1954), nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2000, trang 24-25 cho biết:

“Ngày 1 tháng 5 năm 1895, thực Pháp thành lập đô thị Cap Saint Jacques. Kể từ đây Vũng Tàu phát triển độc lập theo mô hình, xu hướng của một đô thị du lịch và nghỉ mát của chính quyền thực dân”.

- Sách Bà Rịa-Vũng Tàu xưa & nay, Sở Văn hóa Thông tin và Tạp chí Xưa & Nay ấn hành năm 2000, trang 27 viết: “1-5-1895: Thực dân Pháp thành lập thành phố Cap Saint Jacques (Vũng Tàu)”.

- Tạp chí Thông tin khoa học Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu, số 2/2003, có bài Từ ngày 1-5-1895: Vũng Tàu trở thành thành phố.

- Tạp chí Thông tin khoa học Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu, số 3/2004, đăng nhiều bài viết trong chuyên mục Hướng tới kỷ niệm 110 năm thành phố Vũng Tàu.

Tất cả những tác phẩm xuất bản trong thời gian gần đây (ở Trung ương và địa phương) đưa ra mốc lần đầu tiên Vũng Tàu trở thành thành phố là ngày 1-5-1895, có lẽ được rút ra từ hai nguồn tài liệu bằng tiếng Pháp ấn hành cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20:

- Sách Monographie de la province de Bà-Rịa et de la ville du Cap Saint- Jacques (Khảo cứu về tỉnh Bà Rịa và thành phố Cap Saint-Jacques), in tại Sài Gòn năm 1902, viết (tạm dịch):

“Ngày 1 tháng 5 năm 1895 (Toàn quyền Đông Dương) ra nghị định tách thành phố Cap Saint Jacques ra khỏi tỉnh Bà Rịa và trực thuộc thẳng bộ phận Hành chính về vấn đề bản xứ.

Ông Outrey được chỉ định việc kiến tạo thành phố mới. Mọi người đã chứng kiến Cap từ thời sơ khai và theo dõi những việc được thực hiện qua vài năm gần đây đều có thể thấy những đổi thay và tiến bộ thực sự.

Cap ngày nay là một nơi nghỉ mát tuyệt diệu”…(trang 18, 19).

- Nhưng văn bản mang tính “pháp lý” quan trọng nhất đó là bản nghị định số 221: về việc chia tách Vũng Tàu khỏi thị xã Bà Rịa hiện tại ngày 1-5-1895, được in trên Công báo Đông Dương thuộc Pháp năm 1895 (Bulletin officicel de L’Indo-Chine FranÇaise, année 1895-còn lưu giữ Công báo nói trên).

Nghị định này cho biết việc thành lập Vũng Tàu được thực hiện bởi nguyện vọng của Hội đồng thuộc địa phiên họp thường lệ năm 1894; kết quả biểu quyết của Hội đồng thị xã Bà Rịa tại phiên họp bất thường năm 1895; kết quả biểu quyết tại phiên họp của Hội đồng thuộc địa ngày 27-4-1895; Biên bản đệ trình của Ủy ban hành chính gửi Hội đồng thuộc địa trong phiên họp bất thường năm 1895 và đề nghị của Toàn quyền Đông Dương (bấy giờ là Rousseau)... Nghị định gồm có bốn điều (đại ý):

Điều 1 nêu việc thành lập Cap Saint Jacques (Commune autonome.

Điều 2 xác định các làng Thắng Tam và Thắng Nhì vốn trước đây thuộc tổng An Phú Thượng sẽ được tách khỏi Bà Rịa và trở thành ngoại ô của Cap Saint Jacques (điều này cho chúng ta biết trung tâm của thành phố mới là dải cát Bãi Trước-phường 1 Vũng Tàu ngày nay).

Điều 3 nghị định nói về trách nhiệm và chức danh Thị trưởng Cap.

Điều 4-điều khoản thi hành. Nghị định được Toàn quyền Đông Dương ủy quyền Phó Toàn quyền J.Fourès ký tại Sài Gòn, ngày 1-5-1895.

Điều có lẽ gây băn khoăn nhất là nên dịch chữ Commune autonome trong bản nghị định này như thế nào? Theo từ điển Pháp-Việt thì Commune autonome có thể hiểu là thành phố tự trị, hoặc thị xã tự trị… Dù Commune autonome được hiểu là thành phố hay thị xã thì “tính đô thị” của Vũng Tàu vào thời điểm ấy đã được minh định và xác lập bằng ý chí của Nhà nước, khác với trước đó chỉ là “thôn quê”, là các làng Thắng.

 

Hơn nữa, điều quan trọng chúng ta phải xét đến là quy chế, tổ chức bộ máy và cả ngân sách của Commune autonome (trong trường hợp cụ thể của Cap Saint Jacques) ngang với cấp nào. Mặt khác, không thể không chú ý đến cách gọi của người Pháp sau khi thành lập Commune autonome-Cap Saint Jacques. Trong các tài liệu cùng thời (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20), đều nhất loạt gọi Cap Saint Jacques là Ville-tức thành phố, mà không dùng chữ Commune autonome như bản nghị định nói trên. 

 

Cap Saint Jacques là một thành phố được xác lập trên văn bản và được khẳng định trên thực tế (mà ngày nay vẫn còn bảo tồn nhiều di tích). Bởi vậy, trong trường hợp cụ thể này chúng ta có nên quá câu nệ vào cách gọi Commune autonome hay Ville để xác định bản chất của khái niệm?

 

3. Tiêu chí về “Ý nghĩa của sự kiện”:        

 

Ngoài tiêu chí tính đầu tiên (sớm nhất), thì ý nghĩa của sự kiện và tính nổi bật của ý nghĩa sự kiện đó khi so sánh với các sự kiện khác để chọn làm ngày kỷ niệm cũng là một tiêu chí rất quan trọng. Có rất nhiều ý nghĩa, nhưng sau đây là ba ý nghĩa quan trọng nhất của sự kiện 1-5-1895:

 

- Ý nghĩa thứ nhất: từ bản nghị định, ba làng Thắng trở thành thành phố:

 

Chúng ta đều biết Vũng Tàu trước khi được thành lập thành phố chỉ là phần đất của một tổng với ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam, sống nhờ vào những mảnh ruộng gầy giữa các trảng cát; những cánh đồng khoai, bắp chỉ có thể có củ, có trái trong mùa mưa. Tài liệu của người Pháp còn cho biết: “Dù được biển bao quanh, họ (cư dân Vũng Tàu) ít khi đánh cá, vì không phải nơi đây ít tôm cá mà vì họ thiếu trụ cột chống đỡ để tổ chức thành đoàn đánh cá lớn như những nhóm khác đã làm ở Phước Hải”… Sau này, khoảng nửa đầu thế kỷ 20, khi Vũng Tàu đã phát triển mới có sức thu hút ngư dân nhiều nơi hội tụ về đây và từ khi ấy nghề đánh bắt hải sản mới phát triển như chúng ta đã thấy. Như vậy, trước khi thành lập thành phố, Vũng Tàu chưa có nhiều dân cư, nông nghiệp và ngư nghiệp chưa thực sự phát triển. Cư dân các làng Thắng là những người “ngụ binh ư nông” và chất “binh” nhiều hơn chất “nông”, chất “ngư”…

 

Rõ ràng sự ra đời của bản nghị định về việc thành lập thành phố Vũng Tàu đã có tác động rất lớn, một bước ngoặt quan trọng chuyển đổi vùng đất của những làng Thắng sang một trang mới.

 

- Ý nghĩa thứ hai: sau sự kiện ngày 1-5-1895, bộ mặt đô thị Vũng Tàu ngày càng hình thành rõ nét:

 

Sau khi thành lập thành phố, bộ mặt của Vũng Tàu đã có nhiều thay đổi và có thể nói đó là đổi thay mang tính đột phá tương đối toàn diện về dân số-dân cư (kể cả thành phần dân cư), về kinh tế, về văn hóa-xã hội.

 

Trong vòng 5 năm kể từ 1895, dân số Vũng Tàu tăng lên 14 lần. Vũng Tàu trở thành vùng đất hội tụ người từ nhiều nơi khác đến và Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều người nước ngoài. Vũng Tàu không chỉ có binh lính Pháp, các bác sĩ chữa bệnh người nước ngoài trong các dưỡng đường, Vũng Tàu còn có cả những nhà kinh doanh và đội ngũ phục vụ dịch vụ du lịch… Khách du lịch, nhất là vào kỳ nghỉ cuối tuần, về Vũng Tàu ngày càng nhiều. Và để đáp ứng cho nhu cầu của du khách, ngoài nghỉ dưỡng, tắm biển, người ta đã tổ chức nhiều trò chơi, thể thao… Từ cuối thế kỷ 19, những cuộc đua xe đạp Sài Gòn-Vũng Tàu đã được tổ chức, gây sự chú ý cho cư dân trong vùng. 

Từ chỗ chỉ sống nhờ vào những mảnh ruộng gầy, đánh bắt hải sản nhỏ lẽ ven bờ, Vũng Tàu lần đầu tiên ở Việt Nam hình thành một ngành kinh tế non trẻ: dịch vụ du lịch, dù hết sức sơ khai và chưa nằm trong tay cư dân bản địa.

 

Vũng Tàu từ lúc ấy không phải chỉ có những người nông dân “ngụ binh ư nông” mà thành phần dân cư đã rất phong phú. Một “xã hội mới” đang dần dần hình thành và mở ra chiều hướng phát triển đa dạng về thành phần dân cư được nối tiếp cho đến hôm nay. Và điều này đã đưa tới một sự thay đổi mang tính hệ quả đó là sự phong phú trong đời sống văn hóa. Trong khi các làng xã khác trong vùng đang đóng kín sau lũy tre làng thì thành phố Vũng Tàu nằm bên bờ biển đã đón nhận những luồng gió mới như các thành phố lớn khác ở Việt Nam

 

Sau thời điểm 1-5-1895, bộ mặt của Vũng Tàu có nhiều thay đổi. Ngoài dinh thự của Toàn quyền Đông Dương Pháp-Bạch Dinh lần đầu tiên được xây dựng, còn nhiều khách sạn, khu phố du lịch với hàng loạt P.O, biệt thự, nhà nghỉ gọn gàng, xinh xắn, nhiều hình nhiều vẽ dọc bãi Trước, khu Lam Sơn và hai bên đường Trần Hưng Đạo (ngày nay) được xây dựng. Tài liệu của người Pháp cho biết: cùng với sự mở rộng, vươn dài của hệ thống giao thông khá hoàn thiện, thành phố bây giờ ngoài đồn bót và cơ sở quân sự hoặc cơ sở hành chính đã có hơn 800 ngôi nhà mới xây dựng- một con số phản ánh một sự đầu tư lớn, một sự phát triển rất nhanh...

 

- Ý nghĩa thứ ba: sự kiện 1-5-1895 khẳng định một hướng phát triển mới của Vũng Tàu và Vũng Tàu là thành phố du lịch đầu tiên của cả nước:

 

Trong khi Đà Lạt sẽ là một thành phố du lịch tương lai trong mắt người Pháp, thì người Pháp đã nhận thấy ưu thế riêng của Vũng Tàu trong việc nghỉ ngơi, chữa bệnh và du lịch vào kỳ nghỉ cuối tuần. Tài liệu của người Pháp lúc ấy viết: gió từ ngoài khơi thổi vào suốt ngày tạo cho bán đảo Vũng Tàu một khí hậu hết sức đặc biệt-nhiệt độ ở đây bình thường thấp hơn 2-3 độ so với nhiệt độ của đồng bằng Nam Bộ. Hai bác sĩ Ravoux và Blanc bấy giờ rất  quan tâm và cho đây là một trong những yếu tố thích hợp với những người suy nhược cơ thể nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Đặc biệt, sự bốc hơi ngoài da, bởi được thoáng khí, gây cảm giác rất dễ chịu. Và thế là, từ trước khi thành lập thành phố-1895, người Pháp bắt đầu xây dựng nhiều nhà nghỉ, an dưỡng đường và khách sạn ở Vũng Tàu...

 

Việc thành lập thành phố Vũng Tàu có nhiều lý do, nhưng trước hết để tạo cho Vũng Tàu “một cơ sở pháp lý” để đầu tư xây dựng thành một thành phố du lịch. Chính quyền thực dân Pháp đã tìm kiếm cho Vũng Tàu một quy chế riêng nhằm không ngừng đẩy mạnh sự phát triển của vùng đất này. Từ tháng 2-1895, Vũng Tàu được xây dựng thành một trung tâm tự trị, tách khỏi địa phận Bà Rịa. Mặc dù chỉ là một trung tâm tự trị, nhưng chính quyền thuộc địa đã cử một quan quản trị làm nhiệm vụ quản trị tương tự cấp thành phố. Ngày 1-5-1895, chính quyền thuộc địa ban hành Nghị định chính thức thành lập Thành phố Vũng Tàu, đặt dưới quyền cai trị hành chính của quan Ernest Outrey.

 

Văn bản thành lập thành phố và những dấu tích đầu tiên phôi thai một thành phố du lịch vẫn còn đến ngày nay.

 

Từ ngày 1-5-1895, lần đầu tiên Vũng Tàu chính thức trở thành một thành phố độc lập, có đủ tư cách pháp lý và ngân sách cần thiết để xây dựng và phát triển theo nhu cầu và mục đích quân sự, du lịch, chữa bệnh...

 

Sự hình thành của đô thị Vũng Tàu không giống với các đặc điểm chung của đô thị Việt Nam. Vũng Tàu không hình thành từ một trung tâm chính trị hay kinh tế-thương mại của khu vực...

 

Chúng ta đều biết đô thị Việt Nam xuất hiện từ rất sớm. Nhưng đây là những đô thị với chức năng thủ phủ hành chính và trung tâm thương mại, buôn bán. Sự xuất hiện của một đô thị với mục đích chủ yếu là phục vụ du lịch tuy chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Nhưng tất cả đều hết sức rõ ràng với đầy đủ chứng cớ cụ thể. Ở đây cũng cần nói thêm, như chúng ta đều biết năm 1893, bác sĩ Yersin mới phát hiện ra Đà Lạt, năm 1903, người Pháp mới tìm ra Sa Pa. Ý định xây dựng các nơi này thành một thành phố nghỉ dưỡng, du lịch phải sau đó nhiều năm mới được thực hiện. Trong khi đó, từ 1895, Vũng Tàu đã được thành lập thành phố với mục đích, định hướng và quy hoạch của một thành phố du lịch. Cho đến khi thành phố Vũng Tàu được thành lập, ở Việt Nam ngành du lịch chỉ mới manh nha và nằm trong tay người Pháp và cũng chưa có một thành phố hay điểm du lịch nào được gọi là có sức thu hút và được “quy hoạch bài bản”. Thành phố Vũng Tàu trước và sau khi ra đời không phải là trung tâm thương mại, cũng không phải là trung tâm hành chính quan trọng. Chính điều này cho phép chúng ta khẳng định, Vũng Tàu là thành phố du lịch đầu tiên của cả nước.

 

Và, điều quan trọng hơn đối với chính bản thân Vũng Tàu và “như một định mệnh” của một vùng đất, là từ năm 1895, định hướng du lịch đó đã gắn liền với quá trình phát triển của Vũng Tàu. Du lịch đã, đang và sẽ mãi mãi là một ngành kinh tế, như một cái “nghiệp” của vùng đất này. Đối với ngành du lịch còn non trẻ của Việt Nam, Vũng Tàu đã là vùng đất có truyền thống du lịch gần 110 năm!

 

Vì vậy, mốc ngày 1-5-1895, như một sự khởi thủy, một bước ngoặt quan trọng và rất đáng tự hào cho không chỉ đối với nhân dân Vũng Tàu, mà đối với cả ngành du lịch Việt Nam. Đây là một cột mốc vô cùng quan trọng mà biên niên sử du lịch quốc gia không thể không nhắc tới.

 

4. Tiêu chí về “tuổi của sự kiện và tính thời sự của sự kiện”:

 

- Tuổi của sự kiện: tức là khi chọn một sự kiện nào đó để kỷ niệm, bao giờ người ta cũng quan tâm, trân trọng và ưu tiên hơn cho mốc sự kiện nào có “tuổi đời cao hơn”. Sự kiện khởi thủy cho một xu hướng, sự kiện diễn ra đã lâu, đã qua thử thách, khẳng định được “một truyền thống” bao giờ cũng được chọn để kỷ niệm nếu so sánh với các sự kiện khác có nội hàm tương tự.

 

Cho đến năm 2005, sự kiện thành lập thành phố Vũng Tàu ngày 1-5-1895 vừa tròn 110 năm. Xu thế chung chọn ngày kỷ niệm phổ biến hiện nay người ta thường chú ý đến “tuổi” của sự kiện. Tuổi càng lớn, càng khẳng định tính “truyền thống”, càng tăng thêm lòng tự hào và dễ khơi dây mạch nguồn hoặc xây dựng chủ đề khi tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Tuổi của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến quy mô, cách thức tổ chức lễ kỷ niệm.

 

Trong một chuổi các mốc thành lập thành phố Vũng Tàu, rõ ràng phải chọn mốc sớm nhất (tức tuổi cao nhất), phải chọn lần thành lập đầu tiên. Và như vậy, rà soát suốt quá trình lịch sử của thành phố Vũng Tàu, mốc sự kiện ngày 1-5-1895, xứng đáng để kỷ niệm ngày đầu tiên thành phố được thành lập. 

 

- Tính thời sự của sự kiện: Đất nước ta trong những năm đổi mới, đặc biệt sau khi nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời, nhiều lễ hội và hoạt động mang tính lễ hội cũng như lễ kỷ niệm được tổ chức quy mô, hoành tráng ở nhiều địa phương và cả ở cấp quốc gia. Đó là những lễ hội vừa tìm về cội nguồn, ôn lại truyền thống lịch sử để hướng tới tương lai, vừa là dịp hội tụ của khách du lịch trong và ngoài nước, là hoạt động để giới thiệu về đất nước, con người, về tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất. Cái đích của lễ hội truyền thống lại chính là phục vụ cho sự nghiệp phát triển trong thời kỳ mới, chứ không phải hoài cổ. Chúng ta có thể kể ra hàng loạt lễ hội như vậy đã diễn ra liên tục, khắp nơi, với quy mô, mức độ và cả trình độ tổ chức ngày càng cao trong những năm qua.

 

Đối với vùng đất Vũng Tàu, vốn có thế mạnh về kinh tế, trong đó có ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, nhưng những năm qua du lịch Vũng Tàu chỉ mới khai thác “thô” từ lợi thế tự nhiên. Sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa thật sự mới lạ, hấp dẫn du khách. Du lịch sinh thái không thuần tuý là sinh thái, du lịch văn hóa càng không phải và sự kết hợp du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dường như chưa có. Tất nhiên, đây là một vấn đề khác, không bàn nhiều trong bài viết này.

Điều muốn khẳng định là việc tổ chức kỷ niệm 110 năm thành phố Vũng Tàu là một hoạt động mang tính thời sự, vì nhiều mục đích và ý nghĩa; đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH địa phương…

 

5. Tiêu chí về “sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân”:

 

Từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn nghĩ Vũng Tàu là thành phố trẻ. Điều đó chỉ đúng với sự trổi dậy của Vũng Tàu trong những năm gần đây. Trong quá khứ, Vũng Tàu đã nhiều lần phát triển gây được sự bất ngờ. Và, hiện tại Vũng Tàu thay đổi từng ngày như sức trẻ. Thực ra, Vũng Tàu chỉ “trẻ” khi gắn liền với những ngành kinh tế được cho là non trẻ của Việt Nam và với những thay đổi về cách gọi đơn vị hành chính của vùng đất này.

 

Chưa có ai điều tra, nhưng câu trả lời có thể dự đoán trước được rằng việc tổ chức kỷ niệm 110 năm thành phố Vũng Tàu sẽ được nhân dân Vũng Tàu đồng tình ủng hộ. Vì đó chính là khơi gợi niềm tự hào của người dân Vũng Tàu, đó chính là dịp quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước, chính là dịp để thu hút khách du lịch. Và qua những lần tổ chức như vậy, sẽ làm phong phú thêm, nâng cao thêm giá trị sản phẩm du lịch cũng như tích lũy kinh nghiệm cho những nhà làm công tác du lịch chuyên nghiệp.

 

Một thành phố có truyền thống du lịch gần 110 năm lần đầu tiên tổ chức một lễ hội kỷ niệm quy mô, hoành tráng thực sự là niềm tự hào, là sự cô kết người dân Vũng Tàu để tạo lập một ý thức trách nhiệm về xây dựng một thành phố du lịch văn minh, giàu đẹp. Đến một lúc nào đó người dân Vũng Tàu sẽ tự hào về “một phong cách” của người dân thành phố du lịch có bề dày truyền thống…

 

Kết luận và kiến nghị

khoa học và cụ thể. Bài viết này nêu những căn cứ để chọn ngày 1-5-1895 làm ngày kỷ niệm thành lập thành phố Vũng Tàu và đề xuất tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 2005. Sự kiện ngày 1-5-1895 là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa, một cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành và phát triển của thành phố Vũng Tàu. Chúng ta quan tâm đến hoàn cảnh ra đời của đô thị Vũng Tàu hơn là việc xem xét ai đã quyết định thành lập nó. Chúng ta cũng quan tâm hơn đến thời điểm mở đầu cho một xu hướng phát triển mới, liên tục của Vũng Tàu và định hình cho đến hôm nay, đã và đang trở thành thế mạnh kinh tế trong thời kỳ hội nhập hơn là định danh khái niệm Vũng Tàu vào thời điểm 1895 là thành phố hay chỉ là thị xã tự trị (Commune autonome). Sự ra đời của thành phố Vũng Tàu vào thời điểm ngày 1-5-1895 lại ngẫu nhiên trùng khớp với những thời điểm lịch sử trọng đại của Vũng Tàu sau đó. Năm 2005, thành phố Vũng Tàu sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, của quê hương. Đây là dịp thuận lợi để phối hợp tổ chức kỷ niệm 110 năm thành lập thành phố Vũng Tàu, và cũng là tiền đề cho những năm sau.

 

Thành phố Vũng Tàu hình thành và phát triển với những điều kiện và có đặc điểm riêng. Điều đó gợi mở cho chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm thành phố Vũng Tàu không nhất thiết phải theo một mô hình hay khuôn mẫu nào đó đã có. Một lễ hội sân khấu hóa khuôn mẫu trên sân vận động có thể không lột tả hết đặc điểm riêng của Vũng Tàu-một thành phố đầy sức trẻ, năng động, hướng ra bên ngoài. Biển vẫn là tiềm năng và là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của Vũng Tàu…

 

Vũng Tàu là thành phố có truyền thống về du lịch. Cách giới thiệu mới về một vùng đất quen thuộc là sự mời gọi du khách trở lại một cách khôn ngoan.

 

Chính chúng ta, những người đang sống trên mảnh đất Vũng Tàu sẽ phải tôn vinh những gì chúng ta đã và đang có để niềm tự hào ngày mai càng đẹp thêm, đáng yêu quý và trân trọng hơn…/.

           

                                                                        năm Qúy Mùi

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 3167
Ngày đăng: 29.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trung Quốc muốn gì ? - Đinh Kim Phúc
Những Người Lãnh Đạo Phong Trào Duy Tân Ở Quảng Ngãi - Lê Ngọc Trác
Chủ quyền của Trung Quốc trên biển đông-những điệp khúc cũ - Đinh Kim Phúc
Phủ nhận hoàn toàn quan điểm của nhà nước Trung Quốc về vấn đề hai quần đảo Hoàng sa-Trường sa của Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Lịch Sử thành thánh Giêrusalem - Nguyễn Hữu An
Ði tìm người dịch địa bạ triều Nguyễn - Hà văn Thùy
Nguyễn Phúc Nguyên ,vị chúa của những kỳ công mở cõi - Nguyễn Quang Ngọc
Trương Định - Thủ lĩnh vĩ đại của nghĩa quân chống Pháp - Lê Ngọc Trác
Có hay không có chủ quyền của Philippines trên quần đảo Trường Sa? - Đinh Kim Phúc
Malaysia hoàn toàn không có chủ quyền trên quần đảo Trường Sa - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)