Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
607
116.672.023
 
Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa
Phạm Văn

Liên tiếp trong mấy thập niên sau thế chiến thứ hai, châu Mỹ Latin xuất hiện một loạt tác giả làm sửng sốt thế giới, và Mario Vargas Llosa là một trong nhiều nhà văn chính của thời kỳ rực rỡ này. Tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn địa phương và thể hiện sống động những biến đổi chóng mặt của con người trong bối cảnh chính trị-xã hội nơi vùng đất ấy. Bản thân ông cũng thay đổi theo thời cuộc, từ một thanh niên thiên tả thành nhân vật của phái hữu, nhưng xuyên suốt trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm của Vargas Llosa cho đến nay là sự căm ghét chế độ độc tài thuộc mọi phe phái, và ông nhiệt tình cổ vũ cho tự do cá nhân đến mức hoài nghi tính tập thể vốn có tiềm năng làm thui chột cá tính.

 

 

Năm 2010, Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương cho Mario Vargas Llosa vì “ông đã vẽ lên hoạ đồ của các cơ cấu quyền lực và những hình ảnh sắc bén về sự phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân.”[1] Vargas Llosa là nhà văn có sức viết mạnh và đa dạng trong nhiều thể loại, từ tiểu thuyết và kịch, đến biên khảo và phê bình. Ông được thế giới biết đến lần đầu tiên qua tác phẩm La ciudad y los perros (1963), mô tả sinh động hình ảnh trường Võ bị Leoncio Prada, nơi ông từng theo học, đến nỗi nhà cầm quyền đã tổ chức đốt 1000 bản in của cuốn sách và tố cáo rằng tác phẩm nhằm mục đích bôi nhọ Peru. Trong sự nghiệp dồi dào kéo dài nửa thế kỷ của ông, các tác phẩm thường được nhắc đến là Conversación en la Catedral (1969, Trò chuyện trong quán La Catedral, nxb Nhã Nam 2010), La guerra del fin del mundo (1981) và La fiesta del chivo (2000). Vargas Llosa nói về tác phẩm Trò chuyện trong quán La Catedral: “Trong tất cả các cuốn tiểu thuyết tôi đã viết trong những năm ấy, nó là một cuốn ít thành công nhất khi mới ra mắt. Nhưng dần dần nó tìm được đường đi của nó, nó chưa bao giờ ngưng sống, nó đã được tái bản đi tái bản lại. Tôi tin rằng cuối cùng nó sẽ là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của tôi.”[2]

 

Trò chuyện trong quán La Catedral mô tả một xã hội Peru đảo điên sau thế chiến thứ hai dưới chế độ độc tài của tướng Manuel Odría nói riêng, và trong một chừng mực nào đó cũng là mặt trái hiện thực của các nước đang phát triển nói chung. Câu chuyện được kể qua lời đối thoại bên cạnh những chai bia giữa hai nhân vật chính: Santiago và Ambrosio. Santiago là con trai của một kỹ nghệ gia, một kẻ đầu cơ chính trị trục lợi trong vũng lầy của chế độ tham nhũng. Ambrosio xuất thân tận đáy bậc thang xã hội và là anh tài xế trung thành trong gia đình Santiago.

 

Như nhiều thanh niên lý tưởng thời ấy, Santiago từ bỏ những đặc quyền của tầng lớp mình để lao vào cuộc đấu tranh cải thiện xã hội. Santiago hành động bằng tất cả nhiệt huyết, trí tuệ và sự trong trắng: tìm đọc tác phẩm của các nhà văn khuynh tả, nghiên cứu chủ nghĩa Marx, gia nhập nhóm Cahuide - hậu thân của Đảng Cộng sản Peru, tuyên truyền chống chế độ quân phiệt Odría, vận động sinh viên ủng hộ các cuộc đình công của giới công nhân… Trải qua nhiều kinh nghiệm xót xa, những đắn đo và chao đảo, Santiago là hình ảnh tiêu biểu của loại người đã có thời được hay bị gọi là trí thức tiểu tư sản. Họ chao đảo khi thấy bất lực trong niềm mơ ước thực hiện lý tưởng của mình, thậm chí thấy lý tưởng ấy trở thành điều phù phiếm.

 

Nhiều năm sau, khi Santiago đã đến tuổi trung niên, khi đã đủ trưởng thành để đặt ngược lại mọi vấn đề, khi đã đủ bi quan và chán chường để buông xuôi lý tưởng, dù trong thâm tâm vẫn còn nuối tiếc, anh tình cờ gặp lại Ambrosio. Họ rủ nhau đến quán La Catedral để ôn chuyện cũ, để truy tìm những gì đã thực sự xảy ra trong những ngày xáo trộn xa xưa, để hiểu vì sao cuộc đời của họ hoá ra khốn khổ khốn nạn như thế. Cuộc đối thoại giữa Santiago và Ambrosio một buổi chiều đã đi ngược lại mười mấy năm trong quá khứ, nói về một nền độc tài, về những âm mưu bỉ ổi của kẻ cầm quyền, về những hợm hĩnh và xảo quyệt của bọn thượng lưu, về những yêu đương và hờn giận, hạnh phúc và đau khổ, trung thành và phản bội của giới thanh niên và những người thuộc thành phần cùng đinh trong xã hội.

 

Để kể một câu chuyện phức tạp và kéo dài nhiều năm, Vargas Llosa dùng lối viết hỗn độn, đan chen nhiều mẩu đối thoại ở những nơi chốn và thời điểm khác nhau, dưới cái nhìn của nhiều nhân vật với ngôn ngữ đường phố dung tục. Người đọc phải tự bóc dần và xếp lại từng lớp không gian và thời gian theo thứ tự. Tác giả đặt những lời cao ngạo của kẻ cai trị song song với những toan tính đời thường của kẻ bị trị, xen lẫn với lý tưởng sôi nổi của tuổi thanh niên. Cách kể chuyện của ông làm nhoà đi tính thiện và tính ác của từng nhân vật, không có sự toàn thiện toàn mỹ, cũng như không có chân lý tuyệt đối. Ông mô tả những thất bại của cá nhân nằm ngổn ngang dưới sự áp đặt nặng nề mang tính bầy đàn của tập thể. Những hình ảnh trái ngược gắn liền nhau một cách nhức nhối: lòng nhân hậu bên cạnh sự giả trá, tâm hồn đa cảm nằm trong sự thô lỗ, lòng vị tha đi đôi với tính ích kỷ… Bức tranh rối bời ấy, pha trộn lịch sử và hư cấu, màu sắc khi tươi sáng, khi đen tối của nhiều thời kỳ đè dập lên nhau, của nhiều cá tính đối nghịch nhưng gần như là một, tất cả dưới sức nặng của hoàn cảnh. Những hoàn cảnh nghiệt ngã tồn tại qua sự đóng góp, chủ động hay thụ động, của mọi người. Nó hiện hữu vì sự mê muội của con người trước những ảo tưởng phù phiếm và những thần tượng giả hiệu.

 

Vargas Llosa đã hiện thực hoá Peru và châu Mỹ La tinh của ông qua tiểu thuyết, và hình như cũng là hiện thực của những quốc gia đang trên đường tự đi tìm mình. Peru ngày nay của ông đã khác với thời ông viết Trò chuyện, đã bắt đầu có những dấu hiệu tích cực hơn dù vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Người đọc ở các nước đang phát triển sẽ nghĩ: Còn đất nước chúng ta sẽ đến bao giờ? Họ cần những buổi nói chuyện như Santiago và Ambrosio ở quán La Catedral, để thất vọng và tỉnh ngộ, để hiểu những thất bại và giới hạn trong đời mình, để tìm thấy cái đẹp dù trong nỗi đắng cay. Rồi từ đó tự tìm lại mình để biết mình muốn gì và phải làm gì cụ thể với khả năng nhỏ bé của từng người. Nếu không những cuộc trò chuyện ấy chỉ là nói suông, là kiêu hãnh gặm nhấm vết thương, là than thở viển vông, hay thậm chí chỉ là làm dáng./.

 

10/2010 – 12/2010

 

Trò chuyện trong quán La Catedral

Mario Vargas Llosa, Conversación en la Catedral, Seix Barral, Barcelona, Spain, 1969

Phạm Văn dịch theo bản tiếng Anh, Conversation in the Cathedral, của Gregory Rabassa, Harper & Row, New York, 1975

Nhã Nam phát hành năm 2010.



[1] Bản tin của Viện hàn lâm Thụy Điển, 7 tháng 10 năm 2010: “for his cartography of structures of power and his trenchant images of the individual’s resistance, revolt, and defeat”.

[2] Mateo Sancho Cardiel, “Vargas Llosa: ‘I wouldn’t write about politics if there was no solution’”, Latin American Herald Tribune, 5/9/2009, truy cập ngày 22/11/2010

http://www.laht.com/article.asp?ArticleId=343078&CategoryId=13003

rích: “Of all the novels I wrote in those years, it’s the one that had the least success when it appeared. But little by little it has found its way, it has never stopped living, it has been published time and again. I believe that in the end it is the book of mine that has been most translated into other tongues.”

Phạm Văn
Số lần đọc: 1859
Ngày đăng: 09.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài Hát Ngày Về Thơ Trần Huiền ÂnCuộc Hành Trình Thầm Lặng Trở Về Chơn Tâm - Mang Viên Long
Thế Giới Và Những Lát Cắt Siêu Thực - Hoàng Thụy Anh
Như Là Tình Yêu - Nguyễn Thị Phụng
Một vụ việc cố tình và mấy lời trần tình* - Nguyễn Chính
Địa hạt thơ ca xưa nay luôn sôi động. - Hồ Thế Hà
Lý Luận Tiểu Thuyết Trong Cái Nhìn Của Một Nhà Văn - Nguyễn Văn Tùng
Chút Tình Còn Lại - Nguyễn Liên Châu
"Như Long Lanh Sương Sớm" - Hoàng Thụy Anh
Đọc “Nhìn Phẳng” Của Thái Nam Anh - Nguyễn Bình Phương
Đọc Chân Phương Chiều Chạng Vạng… - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Giết con chim nhại (truyện dài)
Prue (truyện ngắn)