Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
775
116.661.233
 
Những Lần Ra Mắt Sách 2
Nguyên Minh

MƯA QUA THÀNH PHỐ, THỬ BÚT, KỊCH LỮ KIỀU

 

Năm 2005,căn bệnh của tôi đã đến hồi nguy cập, tôi phải nằm ở bệnh viện Hoàn Mỹ gần một tháng trời. Mỗ nội soi lấy sạn trong túi mật, rồi mỗ banh cả một vùng bụng, cắt bỏ hẳn túi mật và một phần gan. Bây giờ tôi đâu còn lớn mật to gan nữa, như ngày xưa bạn bè từng gán cho như thế khi làm tờ báo Ý Thức, không một cơ quan của nhà nước cũng như tổ chức nước ngoài nào tài trợ như phần lớn các tờ báo khác. Một mình chống chọi từ mọi phía để tờ báo đó thuần túy về văn học nghệ thuật, dưới cái nhìn của những người làm văn chương trong cuộc chiến tranh kéo dài gieo rắc biết bao đau khổ cho thế hệ chúng tôi. Cuối cùng tôi cũng phải tạm ngừng tờ báo vì đã lệch đường đi. Tôi giao lại tờ báo cho Lữ Kiều, lúc ấy anh làm bác sĩ tại Đà Lạt. Tiếc là tờ Ý Thức chỉ rút lên cao nguyên và dưới dạng bản thảo, nhưng không còn quay roneo mà in bằng máy ofset tự động của tôi mới mua đặt ở ngôi nhà số  11, Phan Rang. Không phải xếp chữ và phơi kẻm, chúng tôi chỉ dùng bàn máy chữ IBM quả cầu bằng điện, chỉ đánh máy trên tờ master, móc lên máy in thôi. Báo ra được một số đầu tiên vào cuối năm 1974. Tờ số 2 vừa in xong chưa kịp phát hành thì xảy ra sự kiện 1975. Cùng một số phận thành giấy vụn bán kí để gói xôi, bánh mì với tờ Ý Thức Bản Thảo đó là tập kịch Kẻ Phá Cầu của Lữ Kiều. Trước đó, tôi vẫn đi đi về về trông nom hai nhà in, một của người chị ở Sài Gòn với máy móc hiện đại, bề thế, một gọn gàng bé nhỏ, không cần công nhân và nặng nề chiếm nhiều diện tích như dùng xếp chữ chì, và ở nơi xa Sài Gòn, yên tỉnh như ở quê tôi là Phan rang, nhà in mang tên Tiếng Việt. Tại đây tôi chỉ xuất bản những tác phẩm thơ văn không bán ngoài thị trường sách báo, chỉ để tặng anh em trong giới văn nghệ, như tập thơ Bếp Lửa Còn Thơm Mùi Bã Mía của Lê Ký Thương, Tình Người của Đỗ Nghê (Bs. Đỗ Hồng Ngọc bây giờ)...

 

Những ngày nằm mê man bất tỉnh, những cơn mộng mị ma quỷ quái đản vồ vập lấy tôi, những vết nhức nhi từ vết thương làm độc, giữa cái chết rình rập, tôi thấy đời mình gần như vô nghĩa nếu tôi không đi lại suốt con đường văn chương mà từ lâu tôi để tuột mất người mình đã từng yêu say đắm. Bạn bè đến thăm, cứ nghĩ là cho tôi thấy hình ảnh của họ lần cuối cùng, cũng như họ ghi lại trong tâm trí hình ảnh đau thương của tôi trong cơn bệnh hoạn thập tử nhất sinh này. Những giọt nước mắt của vợ tôi chảy dài khi tôi mở mắt sau một cơn mê vừa bắt gặp làm vợ tôi phải quay mặt về hướng khác. Vợ tôi nắm chặt lấy bàn chỉ còn da bọc xương của tôi. Người tôi bỗng nhiên ấm lại, một luồng điện chạy khắp thân thể tôi. Một sinh khí mới đang ồ ạt đổ vào tôi, đẩy lùi cái chết đã rình rập tôi.

 

Sau đó sức khỏe tôi ổn định. Nhờ sự chăm sóc của vợ tôi, da thịt trở nên hồng hào, mập mạp. Đến lúc này thì tôi phải lo trả nợ rồi. Nợ văn chương. Nợ chữ nghĩa.

 

Tác phẩm đầu tiên được xuất hiện bằng cách đánh máy vi tính và in ra bằng máy in cá nhân dù chỉ vài chục tập là Căn Nhà Hoang tập truyện của Nguyên Minh, đáng lẻ do nhà xuất bản Ý Thức đảm nhận trước năm 1975, ngày ấy cả 5000 cuốn sách đó chưa kịp xong thì đã xảy ra sự kiện 1975, cùng chung số phận với tập kịch Kẻ Phá Cầu của Lữ Kiều. Điều làm tôi vẫn còn ăn năn, ray rứt là tôi để mất luôn cả bản thảo độc nhất mà Lữ Kiều đã giao cho tôi là vở kịch Bờm Cười. Bây giờ sau bao nhiêu năm, cùng một lúc được in ra cũng bằng phương pháp sách theo yêu cầu, ba cuốn của Lữ Kiều là tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt, tập Thử Bút: Chàng Thư Sinh Dưới Gốc Tùng và tập Kịch: Kẻ Phá Cầu. Sách chỉ được in ra mỗi thứ vài mươi cuốn chỉ để tặng anh em trong nhóm, nhưng chúng tôi cũng họp mặt nhau tại nhà Lữ Kiều uống ly rượu mừng và nói chuyện với nhau về văn chương chữ nghĩa, rất hăng hái. Tôi chỉ mong ước một ngày không xa những tác phẩm mới của chúng tôi được in ra với số lượng trên nghìn cuốn và được bày bán trong các nhà sách trên toàn quốc dù không được mang tên nhà xuất bản Ý Thức.

 

 

Lữ Kiều, Hồ Thanh Ngạn, Kim Quy, Châu Văn Thuận, Dung, Hằng,Nguyên Minh

 

Cũng những người bạn từng tham gia buổi “ra mắt sách loại bỏ túi” đầy thân mật đều có mặt tại nhà Lữ Kiều. Tôi nhìn Thanh Hằng. Tôi nói: “Nếu không có những người vợ yêu chồng, xem cuộc chơi chữ nghĩa này như cái nghiệp của chồng mình phải mang thì chúng tôi không có những tác phẩm này đến tay những người yêu văn thơ.”

 

Tôi cho các bạn biết. Nếu không có Thanh Hằng, một nữ độc giả, giữ được cho đến bây giờ tập truyện Mưa Qua Thành Phố của Nàng Lai, mà khi quen với B.S Thân Trọng Minh, Hằng chưa biết Nàng Lai là ai. Thuở ấy nàng là cô nữ sinh áo trắng sính văn chương, và mê văn của Nàng Lai. Khi thành vợ của BS Thân Trọnh Minh, Hằng mới biết. Không ai, cả tôi và Lữ Kiều còn giữ được những tác phẩm của chính mình được xuất bản trước 1975. Tôi phải thêm vào đó những truyện ngắn của anh đăng trên Ý Thức cũ và một truyện mới viết năm 1983 là Vác Gỗ Rừng Sâu thành tập truyện Trên Đồi Là Lô Cốt và tác giả là Lữ Kiều.

 

Tập thử bút cũng do Thanh Hằng chép tay lại lấy rải rác những bài viết ngắn đã và chưa từng đăng báo, nằm tứ tung trong bản thảo chép tay của anh. Tôi cũng tập họp thêm những bài đăng trong Ý Thức ở mục xuôi dòng năm xưa. Nếu tôi không cố gắng đánh máy vi tính, trình bày bìa và in theo phương pháp sách theo yêu cầu thì tôi có lỗi với Lữ Kiều vô cùng. Tập kịch Kẻ Phá Cầu, Lê Ký Thương thay tôi cho biết sách đã in xong phần ruột, bìa chưa trình bày xong, lại thành đóng giấy vụn buột phải chất lên xe cùng những số báo Ý Thức còn lại đem đi giao cho chính quyền để chở vào Sài Gòn cho vào lò làm giấy tái sinh. Bây giờ tôi lấy từ Gió Mai tha hương, Ý Thức cũ, cùng Ý Thức Bản Thảo cũ những vở kịch của anh nhưng thiếu đi hai vở, may nhờ Kim Quy mượn lại số Ý Thức 21 mà chúng tôi không có nơi Huỳnh Như Phương mới lấy ra Kẻ Phụ Việc. Còn vở kịch Bờm Cười thì chẳng bao giờ có được. Tôi tạ lỗi với Lữ Kiều.

 

NGÔI NHÀ SỐ 11, MÀU THỜI GIAN, BI KHÚC.

 

Điều mong ước đó đã thành sự thật vào năm 2007. Đầu tiên nhà sách Cửu Đức liên kết với nhà xuất bản Thanh Niên cho ra cuốn Tưởng Chừng Đã Quên của Nguyên Minh, trước đó một năm cuốn Tưởng Chừng Đã Quên đã được Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư in ra tại Mỹ. Tiếc rằng buổi ra mắt Tưởng Chừng Đã Quên chính thức lần này không có T. bên cạnh. Chỉ có vợ con tôi và một ít bạn bè thân thích như vợ chồng Lữ Kiều, Khuất Đẩu (người bạn văn mới), Kinh Dương Vương, Đỗ Hồng Ngọc, Hồ Tình Tịnh, Miên Đức Thắng, Trương Thìn. Cầm micro đứng trên bục khán đài, nói vài câu thôi, nhưng bỗng dưng tôi nghẹn lời, khi trước mặt tôi thiếu một ai đó, rất quan trọng trong sự nghiệp văn chương của tôi, một nguồn cảm hứng dồi dào đã đánh thức tôi, giục giã tôi viết những bài văn trong tập sách này. Chợt nhớ da diết và rưng rưng nước mắt tôi thốt ra, như nói thầm với chính mình: cám ơn T.

 

Hai năm sau, cuốn Ngôi Nhà Số 11 cũng đứng tên nhà xuất bản Thanh Niên và công ty sách Cửu Đức mua đứt để phát hành toàn quốc. Tôi dự định tổ chức buổi ra mắt sách tại một quán cà phê Ngọc Lan ở Phan Rang, sau lưng ngôi nhà số 11 đường Nguyễn Thái Học, khách mời chỉ vài người bạn thân thiết còn lại quê nhà và một số anh em trong nhóm Ý Thức còn làm văn chương hiện ở Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận cùng nhau tụ họp tại một nơi phát xuất từ đầu báo Ý Thức vào nửa thế kỷ trước. Anh em đều nhận lời và chờ ngày tôi ấn định. Tiếc rằng tôi bị bệnh bất ngờ, kéo dài cả nửa tháng, nên đành phải hủy bỏ.

 

Sách đã được phát hành toàn quốc cả ba tháng rồi, tình cờ Phạm Văn Nhàn về thăm quê hương mang theo vài cuốn MÀU THỜI GIAN tập truyện ngắn của anh do Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư xuất bản, và vài cuốn BI KHÚC, tập thơ của Lê Văn Trung. Nhàn và Trung muốn có buổi gặp gỡ anh em trong nhóm Ý Thức để tặng sách. Thế là buổi ra mắt sách của ba tác giả: Nguyên Minh – Phạm Văn Nhàn – Lê Văn Trung được tổ chức tại nhà của Nguyên Minh. Khách mời chỉ có khoảng 20 người mà thôi. Anh em trong nhóm Ý Thức có mặt là Lữ Kiều, Lê Ký Thương, Đỗ Hồng Ngọc, Châu Văn Thuận. Bạn chung của ba người là Trần Duy Phiên, Sâm Thương, Phương Tấn, Lại Quảng Nam, Nguyễn Hữu Thụy, Hà Đinh Thao. Hai ngày sau Nguyễn Lệ Uyên và Khuất Đẩu mới vào. Tôi, Lữ Kiều, Phạm Văn Nhàn và hai bạn đó như 5 chàng hiệp sĩ ngồi trong căn gác nhỏ nói chuyện văn chương say sưa. Trở lại buổi ra mắt sách ấy, anh em đã đến đông đủ xoay quanh chiếc bàn nhỏ đặt mấy chồng sách, bỗng dưng điện bị cúp bất thường, cái nóng mùa hè ở Sài Gòn tràn vào căn phòng nhỏ nhắn và đông người làm chúng tôi ngộp thở. May sau, chỉ nửa tiếng đồng hồ mới có điện lại. Đầu tiên, vợ tôi đứng bên cạnh, hai chúng tôi cầm lấy cuốn Ngôi Nhà Số 11 cúi đầu chào bạn bè. Vợ tôi ngồi xuống cạnh vợ Lê Văn Trung chỉ còn tôi đứng đó nói về những nhân vật mà tôi đã viết ra trong tập sách này. Những người cầu thủ bóng đá của đội banh của ba tôi đã từng vang bóng một thời. Mỗi người có một đời sống riêng, nỗi đau riêng, nhưng sống chung một mái nhà, cùng để lại những dấu ấn khó quên cho một cậu bé như tôi bấy giờ, và lớn lên tôi biết những điều bí mật về họ trong hoàn cảnh bi đát của đất nước tôi. Tôi xin cảm tạ họ đã cho tôi những cảm xúc để trang trải thành những lời văn. Cũng trong Ngôi Nhà Số 11 này, tái hiện lại mối tình học trò rất đẹp của hai người bạn thân của tôi, nhưng kết cuộc quá bi thảm bằng cái chết vì một phát súng tự bắn vào đầu mình. Ngày ấy tuổi đời non nớt chỉ trên hai mươi tuổi, Hắn lầm tưởng mình là kẻ phụ tình. Cái chết của người bạn thân đó cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi như mắc nợ hắn. Hắn cứ chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Cuối cùng, về già tôi nghiệm ra rằng. Hắn  là kẻ chung tình. Một nhân vật nữ cứ hiện trong từng trí nhớ đó là T. mối tình đầu của tôi, gắn liền với Ngôi nhà số 11. Rồi bạn bè. Tôi viết về Trần Hoài Thư, xuyên qua đó là hình ảnh, như một định mệnh, gắn liền người vợ hiền thục với tôi bây giờ.

 

Trong buổi họp mặt này, Lữ Kiều nói về sứ mệnh của người cầm bút hôm nay đã qua một thời kỳ từng trải những giai đoạn lịch sử, họ đúng là nhân chứng nên phải chân thật và có trách nhiệm những gì mình viết ra. Không chối bỏ, không quay lưng, phải chấp nhận bởi vì: “Chúng ta không chọn lịch sử mà lịch sử chọn chúng ta.”

 

Anh em đồng tình đón nhận.

Phạm Văn Nhàn, dáng người cao lớn, cầm tập truyện MÀU THỜI GIAN, cảm động khi được gặp lại an hem bạn bè trong

 

 

Phạm Văn Nhàn, Vợ LVT, Vợ NM, Nguyên Minh, Lê Văn Trung, Lữ Kiều

 

giới cầm bút trước năm 1975 vẫn còn sáng tác, và những tác phẩm mới của họ lần lượt được xuất bản. Cũng như tôi, Phạm Văn Nhàn ngừng viết cả một khoảng thời gian dài vì phải quần quật với đời sống, mấy năm trong trại học tập cải tạo, lao đao với đời sống của những năm thời bao cấp, rồi được định cư ở Mỹ. Mãi đến lúc gặp lại Trần Hoài Thư trên đất người, cùng ra tạp chí văn học mang tên Thư Quán Bản Thảo năm 2000, anh mới hăng hái viết lại. Tập truyện Màu Thời Gian là tác phẩm thứ hai sau tập Vùng Đồi, cũng đều do Thư Ấn Quán xuất bản. Phạm Văn Nhàn kể lại vài kỷ niệm thời xa xưa khi anh còn công tác tại Phan Rang, lần đầu tiên gặp được tôi, và lần cuối cùng tại tòa soạn Ý Thức ở Sài Gòn. Thế mà đã gần 30 năm. Điều vui nhất là chúng tôi còn sáng tác được, còn có dịp ngồi bên nhau, cạnh những cuốn sách còn mới tinh mùi giấy mực.

 

Sau đó là Lê Văn Trung cầm tập thơ Bi Khúc như ra mắt đứa con tinh thần thứ hai, sau tập thơ Cát Bụi Phận Người. Ngày ra mắt tập thơ Cát Bụi Phận Người được tổ chức tại một quán cà phê, đông người tham dự. Tôi mang cảm giác như mình đang dự một buổi kỷ niệm ngày cưới mấy mươi năm qua của một cặp vợ chồng giờ con cái đã thành danh đang cầm những bó hoa lên tặng bố mẹ. Tôi nghĩ rằng Lê Văn Trung, cũng như tôi sau bao nhiêu năm ngừng bút, bây giờ vợ con anh động viên anh để trở lại cùng anh em đi trên con đường văn chương nghệ thuật. Trong buổi ra mắt sách này, chẳng đông đảo người, chỉ những anh em thân tình, vẫn có vợ của Lê Văn Trung đứng bên cạnh chồng mình. Anh đọc cho chúng tôi nghe một vài đoạn trong tập thơ với giọng Quảng san sản.

 

Cả ba tác phẩm được truyền tay nhau cùng ký tên mình vào trên giấy trắng đầu tiên của cuốn sách, đánh dấu ngày tháng chúng tôi họp mặt nhau.

 

NHỮNG NGƯỜI CÙNG ĐI LÚC TUỔI XẾ CHIỀU

 

Như trong truyện Đồ Long Đao của Kim Dung, các môn phái mọi nơi đều tập trung trên đỉnh Quang Minh. Còn chúng tôi, sáu người già trẻ hẹn nhau lên trên đỉnh đồi nhà của Lữ Kiều trên Đà Lạt. Tôi, Châu Văn Thuận và vợ chồng Trương Văn Dân từ Sài Gòn ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ trên xe đò mới đến nơi. Vợ chồng Khuất Đẩu từ miền Trung cũng ráng ngồi trên xe đò dù Khuất Đẩu mang chứng bệnh đau khớp xương. Ngày còn trẻ các bạn trong Nhóm Gió Mai, đạp xe đạp cộc cạch mười cây số giữa đêm trăng lên đồi Vọng Cảnh ở Huế, nhìn trăng sáng trên dòng nước xanh của sông Hương, cùng nghe bạn mình đọc những bài thơ trong tập NHỮNG NGƯỜI CÙNG ĐI. Bây giờ những người bạn văn đó không còn cùng đi với tôi nữa. Có người đã chết sớm vì chiến tranh. Có người qua đời vì bệnh hoạn. Còn người còn sống nhưng đã đi xa. Còn người còn sống nhưng đã quay lưng chạy theo danh lợi. Còn người còn sống nhưng đã bỏ bút. Còn người còn sống nhưng bây giờ lại thờ ơ xem chuyện văn chương ngày nào chỉ là một cuộc chơi vô bổ. Còn người còn sống nhưng vẫn ray rứt vì không viết được nữa mà không hiểu vì sao. Gió Mai đã chết. Ý Thức ngất ngư. Tôi ngừng lại Ý Thức Bản Thảo dù chỉ được 9 số cũng vì thế. Tưởng rằng mình không còn ai để cùng đi những chặn đời còn lại trong sự nghiệp văn chương, thì ra tình cờ họ đến với tôi, gắn liền vời chữ nghĩa văn chương. Đó là Khuất Đẩu. Anh có dáng người cao lêu nghêu. Anh đã làm thơ, viết văn từ năm 1969, nhưng không xuất hiện trên văn đàn miền Nam. Mãi đến 40 năm sau, tôi được đọc bản thảo của anh do Kim Quy vợ của Lê Ký Thương chuyển đến, Những Tháng Năm Cuồng Nộ của Khuất Đẩu, mới viết. Tôi ngạc nhiên đến sửng sờ. Những năm tháng ấy tôi cũng được nghe những người thân từng sống ở liên khu 5 thời 9 năm kháng chiến nhưng tôi không hình dung hết được những cảnh đau khổ mà lịch sử đã để lại cho thế hệ chúng tôi. Sau đó hai chúng tôi thân nhau như đôi bạn tri kỷ. Anh đọc văn tôi và góp ý. Tôi đọc văn anh lại cũng góp ý. Không ngờ chúng tôi gải đúng chỗ ngứa của mình. Khuất Đẩu đến với Lữ Kiều, đến với Lữ Quỳnh, lần lượt gặp mặt những anh em đã từng cộng tác với tờ Ý Thức năm xưa còn sống tại Việt Nam cũng như định cư tại nước ngoài mà vẫn còn viết lách như Trần Hoài Thư, Phạm văn Nhàn, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Ngọc Lư… Đời sống thường nhật có khác nhau, nhưng chúng tôi có nề hà gì, chúng tôi chỉ gặp nhau ở mẫu số chung: Văn học nghệ thuật. Và gắn liền với nhau như một khối. Người thứ hai tôi nói đến là anh bạn trẻ Trương Văn Dân, tình cờ tôi gặp anh trong buổi họp mặt với Đặng Kim Côn, Âu Thị Phục An, Nguyễn Hòa vcv và Lữ Kiều ở một quán cà phê. Chúng tôi chỉ nói chuyện về văn chương chữ nghĩa. Trương Văn Dân tặng tôi tập truyện của anh vừa được xuất bản. Đọc văn anh tôi thích thú ngay. Truyền cảm. Chân thành. Sau đó anh và chúng tôi thân nhau. Tôi phục sự can đảm của anh, dám bỏ sự nghiệp tại một đất nước phương Tây mà anh đã du học thành tài, sống và làm việc đã gần 40 năm cùng một cô vợ người Ý, hai vợ chồng họ trở về lại Việt Nam sống với văn chương chữ nghĩa. Anh đưa cho tôi và Lữ Kiều tập bản thảo truyện dài Dưới Cơn Mưa Nhẹ dày cả 300 trang khổ A4. Điều đáng nói về hai người bạn văn này là bên cạnh họ có những người vợ cùng chia sẻ, góp ý và giữ gìn những tác phẩm của chồng mình viết ra. Nếu không có Huyền Chiêu cất giữ bản thảo của chồng mình như một báu vật thì Khuất Đẩu không còn tập bản thảo về những bài thơ anh từ những năm 1970, cũng như Truyện vừa Người Tử Tù trước năm 1975. Mấy mươi năm sau, cả hai tập bản thảo đó đã được Thư Quán ấn hành.

 

Hôm nay, cả sáu người chúng tôi kéo nhau lên Đà Lạt, chẳng cần đi đâu cả, suốt mấy ngày chúng tôi trao đổi với nhau về hai tác phẩm này. Một điều thích thú hơn là bên cạnh còn có tập thơ Mây Khói Quê Nhà của Phạm Cao Hoàng do một người bạn văn mang về. Tập thơ do Đinh Cường trình bày, cùng hai phụ bản màu. Buổi tối, dưới ánh lửa hồng cháy bập bùng giữa đêm khuya, sương ướt lạnh, nhưng lòng chúng tôi ấm lại, như chuyền cho nhau nguồn cảm hứng vô biên về văn học nghệ thuật.

 

 

Vợ TVD, Trương Văn Dân, Nguyên Minh, Khuất Đẩu và vợ, Lữ Kiều

 

Đâu cần phải vào trại sáng tác. Đâu cần phải xuất thân từ một trường mang danh là trường viết văn. Đâu cần phải nhiều người vỗ tay. Chúng tôi chỉ âm thầm sáng tác và trao đổi với nhau một cách chân tình, để tác phẩm của anh em khi được xuất bản hoàn tất hơn.

 

Cám ơn những người bạn văn chương cuối đời còn đi chung với tôi một con đường. Dù muộn màng./.

 

Sài Gòn Tết Nguyên Tiêu năm Nhâm Ngọ (2011)

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1803
Ngày đăng: 21.06.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Lần Ra Mắt Sách 1 - Nguyên Minh
Cá Mòi – Món “Thời Trân” Phố Hiến - Phạm Minh Hoàng
Xổ bụi - Nam Dao
Bài Học Vỡ Lòng - Mây Ngàn Phương
Bác Nguyễn - Nam Dao
Lại Một Người Tử Tế Nữa Ra Đi - Hoàng Quốc Hải
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái…Tiếp - Thế Phong
Hà Nội, Nơi Có Một Lần Chúng Ta Thân Ái… - Thế Phong
Hoàng Cầm, một vị thơ - Nam Dao
Tưởng nhớ nhà thơ Hoài Anh: Những giấc mơ nằm nghiêng - Vân Long