Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
704
116.675.827
 
Thủ Môn
Nguyên Minh

Mẹ tôi không biết gì về bóng đá, bà không bao giờ xem nhưng bà lại tiếp sức động viên đội bóng của ba tôi. Bà xem những cầu thủ đó như con em của mình. Mỗi lần thắng trận bà đều thưởng cho họ một chầu xem cải lương hoặc chiếu bóng hay một bữa tiệc nhỏ ở nhà hàng.

 

Mẹ tôi đem từ quê bà vào những người cháu, tuổi xấp xỉ anh chị tôi, hơn tôi cả một giáp, nuôi nấng và thương yêu. Người cháu gái kêu mẹ tôi bằng cô, tuổi mới 18, dáng gầy, tóc dài xõa quá lưng thon. Và đôi mắt lúc nào trông như cũng muốn khóc. Ươn ướt. Buồn bã. Còn chị tôi, lúc nào cũng cười nói líu lo như chim hót. Nhưng hai chị ấy lại thân thiết với nhau. Họ thay phiên nhau đi chợ nấu ăn cho cả nhà gần 20 người, trông nom nhà cửa để mẹ tôi rảnh tay lo việc buôn bán, những chuyến hàng đi xa tận Đà Nẵng, Sài Gòn. Chị tên Giỏi. Mỗi lần chị đi chợ về bao giờ chị cũng mua quà cho tôi. Những cái bánh ít lá gai. Những chiếc bánh phồng tôm. Những cục đường phèn, nhai rổn rảng và ngọt lịm. Chẳng phải được những món quà đó mà tôi thương yêu chị. Chị thường hay để tôi gối đầu lên đùi chị, đưa bàn tay mềm mại cầm đồ nguáy tai cho tôi. Cảm giác vừa sợ sệt vừa êm ái nhột nhạt làm tôi tê mê và ngủ thiếp đi. Những đêm trăng ngồi trước hiên nhà chị kể cho tôi nghe về quê chị. Sông Đà Rằng. Hai bên bờ rộng mênh mông. Những bờ cát trắng, con nước cạn trong vắt. Rồi Tháp Nhạn cùng bầy khỉ hê ha kéo xuống  nhà chị cũng như những ngôi nhà tranh lụp xụp cất dưới chân đồi. Chúng bắt chước những cử chỉ thường ngày của con người. Con mẹ ôm con vào lòng, rồi đưa hai tay dài thuợt ra mân mê từng sợi lông trên đầu con mà bắt từng con chí rận. Giọng nói của chị không nặng nề như những người cùng quê, nhỏ nhẹ, âm thanh trầm bổng đã đưa tôi vào giấc ngủ thần tiên.

 

Cũng giống như mẹ tôi, chị Ba tôi, chị Giỏi thường gội đầu bằng nước âm ấm sủi bọt vì những trái bồ kết và vàng ánh bởi những quả chanh vắt cạn. Buổi chiều ánh nắng dịu dàng, yếu ớt chiếu lên mái tóc dài, đen nhánh hất ra phía trước, xỏa xuống chấm vào thau nước, che lấp khuôn mặt chị. Tôi múc nước vào chiếc gáo dừa đổ lên tóc chị, ướt cả chiếc gáy trắng trẻo, dễ thương. Chị cười và nói khẽ:

- Chị cám ơn Bui nhé.

 

Thuở ấy, tuy tôi đã năm tuổi nhưng vẫn còn nói ngọng, nhất là âm T trở thành B. Chữ “tôi” bạn bè cùng lứa gọi là “tui”. Còn tôi phát âm thành “bui”. Từ đó những người thân trong nhà, kể các chú cầu thủ bóng đá của ba tôi cũng gọi tôi như thế. Khi cắp sách đến trường tôi mới hết nói ngọng nhưng bạn bè cùng lứa gọi tôi là Minh Bui.

Một buổi chiều, tôi đi ngang qua ngôi nhà phía trước có một khu vườn nhãn sum sê, thì một quả bóng tròn văng ra đường, tôi chạy theo và lượm lên mang vào. Tôi biết anh Tỵ đang tập dợt bắt banh. Anh đang đứng hai chân bành ra, người khom xuống, hai tay thòng lên bụng, giữa hai hòn gạch giả làm trụ gôn. Anh bảo:

- Bui quăng đại quả bóng vào anh chụp thử.

Tôi ném quả bóng xuống đất để nó dội lên bắn vào khung thành. Anh Tỵ đưa hai bàn tay nhẹ nhàng bắt gọn. Anh vỗ lên đầu tôi và nói nhỏ:

- Anh cám ơn Bui.

Thuở nhỏ, rất ít người nói cám ơn tôi. Tôi vui như thấy mình lớn hơn.

Anh Tỵ là thủ môn xuất sắc trong đội bóng của ba tôi. Chính anh là một trong những người làm nên thành tích huyền thoại của đội bóng. Những cú chụp banh đẹp tuyệt vời. Đặc biệt anh không mang găng tay như hầu hết những thủ môn khác. Bàn tay năm ngón dài thượt với làn da chai lỳ của anh bấu chặt trái banh. Những cú nhảy đưa mình thót lên về phía góc của khung thành, anh lanh lẹ như một con sóc. Hai tai anh lớn hẳn hơn bình thường, chính nhờ thế mà anh rất thính. Anh bắt được những trái banh xuất phát từ những cú sút cực mạnh và xoáy tròn hoặc những pha đội đầu lắc léo, những cú vô-lê của đội bạn, anh làm khán giả hồi hộp, náo nức. Anh đoán được đường đi của trái banh không phải bằng đôi mắt lanh lẹ mà bằng đôi tai cực nhạy. Chính tôi đã thấy và tham gia cách tập dượt của anh. Anh thường nhờ tôi quăng những trái banh quần vợt nhỏ như trái cam vào thẳng mặt anh để anh lắng nghe đường bay của nó rồi đưa đôi bàn tay ra chụp lấy. Có lúc anh bịt mắt lại bằng chiếc khăn tay và nhờ tôi ném banh thật mạnh vào anh. Tôi là kẻ sáng mắt, anh như kẻ mù. Tôi quăng trái banh cực mạnh vào mặt anh với ý nghĩ  anh thua cuộc nhưng anh đưa tai lắng nghe, cái vành tai động đậy, anh né người, đưa hai bàn tay chụp gọn trái banh. Những người hâm mộ tài nghệ của anh không biết được điều đó. Tôi đã kể lại cho ba tôi nghe, và ông dặn dò tôi đừng cho ai biết. Anh Tỵ đã lãnh được chiết cúp toàn quốc dành cho thủ gôn xuất sắc nhất. Bao năm qua giới mê bóng đá vẫn nhắc nhở tới tài nghệ của anh, không có một thủ môn danh tiếng nào so sánh được với anh.

 

Còn đối với tôi, anh còn để lại trong tâm trí tôi một câu chuyện tình lãng mạn và cay đắng của anh với chị Giỏi. Tôi không biết mối tình ấy bắt đầu từ đâu, hồi nào. Tôi nhớ lại những ngày gia đình tôi tản cư về Cà Thé. Đó là vào năm 46 Việt Minh vỡ mặt trận, lính Tây ồ ạt đổ vào thị xã. Gia đình tôi phải chia làm hai, anh Thương cùng phần lớn mấy anh trong đội bóng ở lại trông nom nhà cửa. Riêng ba tôi và một ít cầu thủ khác dẫn dắt mẹ con tôi, trong đó có anh Tỵ. Chính anh Tỵ đã nghĩ ra cách bỏ hai anh em tôi ngồi trong hai cái thúng ở hai đầu đòn gánh, thế là các anh cầu thủ thay phiên nhau gánh chúng tôi qua những con đường đất gập gềnh, hai anh em tôi khoái chí cười nắc nẻ, mang cảm giác mình như bồng bềnh trên biển cả. Những lần qua mấy chiếc "cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi" bắt qua con mương nhỏ nước đục ngầu, anh Tý vỗ về bảo chúng tôi:

- Hai cô cậu đừng nhúc nhích, nhắm mắt lại, không được nhìn xuống nước, kẻo rớt tùm xuống mương. Nghe lời anh ngoan nào.

 

Hai tay tôi bấu chặt vào vành chiếc thúng đan bằng lát tre. Mắt nhắm nhưng hé mở nhìn xuống. Chiếc thúng đong đưa nhẹ tôi như đang ngồi trên chiếc võng. Anh Tý bước từng bước nhẹ nhàng trên chiếc cầu bằng thân cây đã tróc hết vỏ và gần như đã mục, hai tay dài thượt giang ra nắm hai đầu đòn gánh để giảm bớt độ lắc lư, nhưng đủ làm cho tôi sợ hãi. Ngân, em gái tôi khoảng ba tuổi khóc lên khi đã qua bên kia cầu.

Anh Tỵ dỗ dành:

- Xong rồi. Có gì đâu cưng.

Không riêng gì tôi, chị Giỏi cũng run lên, chị không dám đi trên chiếc cầu đó mặc dù anh Tý hướng dẫn cho chị. Anh bước từng bước nhẹ nhàng, gần đến bờ bên kia anh phóng qua nhanh nhẹn đứng thẳng người và cười.

- Cô làm như tôi. Không sao đâu nếu có té xuống, chỉ ướt mình đôi chút. Tôi nhảy xuống cõng cô lên là cùng.

Chị Giỏi giãy nãy:

- Cái ông này.

- Đùa chút thôi. Cô đừng nhìn xuống chóng mặt, cứ xem như mình đang đi trên con đường đất. Tôi đi trước, cô đưa tay tôi dìu qua cho.

Chị Giỏi chưa kịp phản ứng anh Tỵ đã nắm tay chị dắt qua cầu rồi.

Suốt dọc đường còn lại,  anh Tỵ lẽo đẽo gánh hai anh em tôi theo sau bước chân của chị Giỏi. Hình như bước đi của chị Giỏi lúc này có vẻ luống cuống, mất tự nhiên. Đôi lúc chị dừng lại để anh Tỵ vượt qua, nhưng anh Tỵ cũng dừng chân, đặt hai thúng xuống đất giả vờ nghỉ mệt. Chị Giỏi đành phải bước đi tiếp.

Khi gia đình chúng bắt đầu gồng gánh kéo nhau chạy tản cư, trời còn mờ mờ sáng. Đến nơi thì mặt trời đã lên cao, chiếu những tia nắng gay gắt và sức nóng của buổi trưa đã làm chúng tôi đổ mồ hôi và mệt nhoài. Gia đình chủ nhà là bệnh nhân được ba tôi chữa trị, đã vui vẻ, hớn hở đón tiếp. Người đàn ông đó, tuổi cũng xấp xỉ với ba tôi, nhưng trông ông đen đuốc và già giặn hơn. Ông chỉ cho ba tôi gian nhà tranh ở cuối khu vườn. Nơi đó còn bỏ trống, riêng biệt, tự do hơn. Các anh cầu thủ sức trai khoẻ khoắn xúm nhau dọn dẹp, kê những tấm ván đủ để cho ba mẹ tôi, hai chị vừa đến tuổi cập kê có chỗ nằm ngủ. Còn mấy chị em tôi, tuổi lên năm, nằm ngang trên chiếc giường tre. Mấy anh thanh niên treo võng mắc qua những hàng cây cao, nằm đu đưa ngoài sân vườn.

 

Những ngày ở đây dù chỉ hơn mười ngày nhưng đã để lại trong tôi kỷ niệm về một quê hương thanh bình, ấm cúng và đầy tình người, cùng những hình ảnh đẹp về đoàn quân kháng chiến. Ngôi làng đó có những lũy tre xanh mọc lên hai hàng che con đường đất nhỏ dẫn từ bờ suối đến những ngôi nhà lụp xụp mái tranh vách đất ở sát chân núi. Và từ trong cánh rừng âm u đó, đêm đêm những người thanh niên mặc quần áo bà ba đen, tay cầm gậy tầm vong kéo nhau về làng. Những cầu thủ bóng đá của ba tôi gặp họ cười nói vui vẻ. Họ rủ nhau đến một góc vườn luyện võ múa gậy. Tôi mới biết anh Tỵ còn là một võ sĩ. Anh biểu diễn những bài quyền cước rất thuần thục. Anh nhảy nhót nhanh nhẹn. Anh ngã xuống đất nhẹ nhàng như lá vàng rơi. Anh lăn tròn như trái banh. Anh uốn mình như con cuốn chiếu. Không riêng gì đám con nít như chị em tôi mà ngay cả những anh bộ đội đó cũng vỗ tay thán phục. Những ngày còn ở lại nơi này anh Tỵ dạy võ nghệ cho họ. Anh đúng là chàng thanh niên Tây Sơn, quê hương của vua Quang Trung. Đêm đêm trời tối như mực, quanh đống lửa trại, dưới ánh sáng bập bùng, những người kháng chiến đó cùng với đám cầu thủ của ba tôi nắm tay nhau xoay tròn mà hát vang.

 

Trước khi chia tay với chúng tôi, một anh bộ đội đã tặng cho tôi hai hòn đá cuội bằng quả trứng gà. Về sau, tôi mang về thị xã, đêm đêm trời tối tôi đánh chúng chạm mạnh vào nhau, từ đó xẹt ra những tia sáng, lóe lên rất nhanh và chợt tắt, nhưng cũng đủ làm cho lũ bạn cùng một tuổi trong xóm ngạc nhiên và thán phục.

 

Trong thời gian tản cư ở đây cũng để lại cho anh Tỵ biết bao niềm hạnh phúc, nhất là về mối tình vừa nảy nở giữa anh và chị Giỏi. Buổi chiều, ánh nắng vàng úa dịu dàng, chị ra giặt áo ở bờ suối. Anh Tỵ mang hộ cả đống áo quần của mọi người theo sau. Mặc cho chị em tôi chơi đùa nhảy nhót trên bãi cát trắng xóa, hoặc dẫm những bàn chân nhỏ bé lên con nước cạn và trong vắt, thấy cả những bầy cá nhỏ li ti. Tôi đưa bàn tay bé nhỏ của mình chụp hụt những con cá lòng tong ấy và ngã xuống, rồi lóp ngóp gượng dậy trong tiếng cười ròn rã của chị Muội, bé Ngân. Chúng tôi mặc cho anh Tỵ và chị Giỏi chuyện trò, hẹn hò. Không biết anh Tỵ nói gì mà thỉnh thoảng chị Giỏi cất tiếng cười khúch khích. Rồi những buổi tối có trăng tôi không thấy chị Giỏi ngồi bên cạnh mẹ tôi cùng nhau lể những con ốc gạo mà hai người đã bắt lên từ con suối cạn kia. Và anh Tỵ cũng bỏ lại các anh cầu thủ đang tụ họp dưới gốc cây xoài sai trái kể chuyện vui, anh len lén bước nhẹ bỏ đi. Hai anh chị hẹn nhau ra bờ suối, ngồi trên ghềnh đá nhìn trăng sao nói chuyện vu vơ và ước hẹn trăm năm.

 

Sau khi về lại thành phố, anh Tỵ thường xuyên đến nhà tôi. Ba mẹ tôi biết chuyện anh chị thương yêu nhau. Mẹ tôi vui vẻ đồng ý cho anh Tỵ mời cha mẹ anh đến dạm hỏi chị Giỏi. Còn ba tôi thì lưỡng lự. Lý do đơn giản là đội bóng của ông đang hồi dự giải, mà thủ gôn tài ba như anh Tỵ lấy vợ, tâm trí và sức lực đâu nữa để chụp banh. Ông bảo từ từ đã. Mẹ tôi hiểu ý. Ừ, thì từ từ.

Vài năm sau, chị Giỏi mắc bệnh. Khi nóng khi lạnh. Cơn sốt lên cao. Cái giá lạnh thấu xương làm chị run cầm cập. Anh Tỵ đắp mềm phủ khắp người chị, và anh ôm chặt người chị như truyền hơi ấm của mình qua cho chị. Tôi cũng thường đứng bên cạnh giường bệnh của chị. Nhìn vẻ mặt xanh xao, đầu tóc rối bù. Bàn tay chị gầy guộc. Thỉnh thoảng chị cất tiếng rên khe khẽ cũng đủ  làm tôi xót ruột đau lòng. Tôi mong chị sớm lành bệnh, chóng hồi phục và chị sẽ hồng hào tươi đẹp như trước. Lúc này anh Tỵ không còn tâm trí đâu nữa để làm thủ môn. Ba tôi phải thay thế người khác mặc dù ông không ưng ý. Suốt ngày anh Tỵ ở bên cạnh chị Giỏi. Anh tự nấu cháo thật nhuyễn và đút từng muỗng vào miệng chị.

 

Một buổi chiều đi học về, đến thềm nhà tôi nghe tiếng khóc rấm rức của mẹ tôi. Tôi vội chạy xuống phòng chị Giỏi. Anh Tỵ ôm lấy chị Giỏi mà gào thét lên: “Đừng bỏ anh”. Ba tôi bỏ đi, để mặc cho anh Tỵ ôm cái xác lạnh giá đó. Còn tôi đứng ngơ ngẩn một lát rồi chạy đến đánh mạnh vào vai anh Tỵ, mếu máo nói:

- Tại anh mà chị em chết?

 

Anh không trả lời, chỉ biết lắc đầu lia lịa.

- Anh thoa dầu khuynh diệp nóng quá nên chị em chịu không nỗi mới chết.

Không hiểu sao tôi lại nghĩ như vậy. Có phải vì có lần tôi thấy anh Tỵ thoa dầu lên người chị Giỏi, và đưa bàn tay thô bạo nắn nót đôi vai gầy, tấm lưng thon, đôi bàn tay nhỏ nhắn, đôi chân trắng trẻo của chị Giỏi. Anh làm như anh đang bắt trái banh của một tiền vệ đội bạn đang sút mạnh vào khung thành. Tôi thử bôi dầu vào chỗ vết thương xướt da khi tôi bị ngã ở sân trường học. Khắp người tôi rần rần và rát muốn tuột da. Tôi giãy nảy, nhảy nhót như một con khỉ bị thương. Thế mà anh Tỵ bảo thoa dầu cho chị để chị bớt bệnh.

Sau khi chôn cất chị Giỏi, tôi không muốn nhìn mặt anh Tỵ  Biết tôi giận, anh xoa đầu tôi, nói nhỏ:

- Tại chị em đẹp quá. Hồng nhan nên bạc mệnh mà.

Tôi chưa hiểu được câu nói của anh cho đến khi lớn lên học truyện Kiều, thầy Văn giảng giải cho chúng tôi hiểu thế nào là hồng nhan bạc mệnh. Tôi thương tiếc Thúy Kiều. Tôi thương tiếc chị Giỏi.

Sau này lớn lên, ở tuổi dậy thì, tôi cũng bị một cơn bệnh như chị Giỏi: Thương hàn. Tôi mới hiểu cái lạnh thấu xương. Cái nóng kinh hồn. Lạnh quá phải thoa dầu. Nóng quá phải đắp khăn lạnh ướp nước đá lên trán. Tôi qua khỏi cơn bệnh trong khi một thằng bạn cùng tuổi với tôi cũng bị bệnh như tôi lại chết đi. Mẹ tôi bảo chắc trời thương mẹ tôi nên không bắt đi đứa con mà bà yêu thương.

Mộ chị Giỏi chôn ở nghĩa địa nằm trên một đồi thoai thoải đầy cát trắng tinh. Xương rồng mọc bao quanh, le te vài trăm ngôi mộ như gò đất mối. Giữa khuôn viên có một ngôi chùa nhỏ, hằng ngày vọng lên tiếng gõ mõ, tụng kinh. Chỉ có một ông già ốm nhom như cây sậy, mặc áo nâu sòng cùng một chú tiểu tóc để chỏm, sắc mặt xanh xao, gầy mòn.

Anh Tỵ, bất kể nắng mưa, xách chiếu ra nằm bên cạnh mộ chị Giỏi. Theo anh là con chó mực, quấn quít bên chân chủ. Nó rên rỉ vì gió lạnh. Anh Tỵ vò đầu nó, tỉ tê, như nói với người đã khuất, môi anh mấp máy không ra thành tiếng vì anh không biết nói gì nữa đây. Rồi một buổi sáng, sương khói mênh mông, vật vờ, anh chợt nhận ra con chó mà anh từng thương yêu cũng đã chết từ bao giờ. Anh đào một hố nhỏ, bỏ xác nó xuống và lấp đất bằng phẳng bên cạnh mộ chị tôi.

Ba tôi biết là anh Tỵ không còn tâm trí đâu nữa để tiếp tục làm thủ môn. Ba tôi phải đợi qua cúng thất tuần của chị Giỏi, và cơn đau của anh lắng xuống, ông mới gợi ý anh giúp ông bằng cách huấn luyện cho anh Hải làm thủ môn. Nể ba tôi anh nhận lời. Ngay chiều đó anh rủ tôi đến nhà anh. Lúc này tôi vẫn còn giận anh vì tôi vẫn nghĩ anh đã làm chị tôi chết đi. Nhìn ánh mắt hờn trách của tôi anh vỗ đầu tôi, xoa nhẹ: Bui đến giúp anh một việc. – Anh nói đi đã. – Tập anh bắt banh.

Như những lần cũ, anh đứng thủ thế ở khung thành tưởng tượng giới hạn bởi hai hòn gạch làm chuẩn, tôi gào lên một tiếng khi quăng trái banh quần vợt thẳng vào mặt anh. Còn anh, anh nhắm mắt lại, hai tai vễnh ra, đoán theo hướng gió đường đi của trái banh. Ngày trước, khi mở mắt ra, anh ngả người theo trái banh, hai tay lẹ làng chụp lấy, trái banh nằm gọn giữa bàn tay và cái bụng thót vào của anh nhưng bây giờ, anh vừa mở mắt ra thì trái banh đã trúng ngay vào mặt anh. Tôi thích chí cười như trả thù được món nợ anh thiếu chị tôi. Còn anh, bỗng dưng ôm mặt khóc. Tôi ngơ ngác không hiểu gì. Chỉ nghe anh nói nhỏ: "Trời đã lấy lại cái mà trời đã đặc ân ban cho anh rồi." Lớn lên tôi mới hiểu, tai anh không còn khả năng thính giác đặc biệt mà chẳng một ai có nữa rồi. Thảm hại hơn nữa là anh bắt đầu bị điếc.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh. Mặc cho ba tôi đợi chờ anh đã bỏ thị trấn này ra đi. Chốn nào tôi không biết. Cùng nỗi thắc mắc tại sao anh phải ra đi. Và giọt nước mắt chảy dài có phải vì tôi quăng trái banh trúng mắt anh làm anh đau hay vì anh đã khám phá ra điều gì đó vừa mới xảy đến với anh.

Mãi đến sau này khi đã trưởng thành, tôi từ giã thị trấn nhỏ này ra học Sư Phạm Qui Nhơn, trong một buổi cùng các bạn giáo sinh và cô giáo người Mỹ đến thăm trại cùi Qui Hòa tôi mới hiểu. Dọc đường trên sườn đồi chúng tôi đã gặp những khuôn mặt không còn hình người, sức mũi, sức môi, tai teo, chân tay co quắt, bước đi khập khễnh, và họ quay mặt vào vách đá khi nhìn được những ánh mắt đầy vẻ kinh hãi của ai đó trong bọn chúng tôi. Còn tôi, tôi rùng mình.

Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi đứng trước những kỷ vật ở phòng trưng bày của trại cùi. Những tập thơ của Hàn Mặc Tử. Những tập sách viết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ tài hoa đó. Những cuộc tình của ông, nhất là giữa ông và Mộng Cầm, rồi đến Mai Đình, cứ như một khúc phim đang diễn ra trong tâm hồn tôi, làm tim tôi nhói đau. Nỗi xúc động với một nhà thơ mà tôi chưa được quen biết chưa kịp tan đi thì một khối đau khác ồ ạt, nặng nề như một tảng đá lớn đè nặng lên tôi làm tôi choáng váng, nghẹt thở. Tôi phải gượng dậy, dựa vào cạnh bàn, cúi xuống nhìn cho kỹ những dòng chữ khắc trên chiếc cúp bằng nhôm tượng hình một bình hoa gắn trên một cái đế gỗ mun. Tôi lẩm bẩm đọc: "Giải thưởng bàn tay vàng toàn quốc –1948". Trong đầu tôi vang lên và lập lại hai tiếng: “Chẳng lẽ?” Bên cạnh chiếc cúp đó còn đặt một trái banh da cũ kĩ, sờn như muốn rách, và hình như có những vệt máu dính vào. Và, bên cạnh trái banh, đôi găng tay nằm lật ngữa là cũng bằng da, cũ mèm. Không còn nghi ngờ gì nữa, trên tường treo một tấm ảnh đã hoen ố chụp hình toàn đội banh. Tôi nhìn ra người đàn ông mặc quần sọc áo sơ mi ngắn tay là ba tôi. Còn người ngồi ôm trái banh là anh Tỵ. Tôi reo lên như anh Tỵ đang đứng trước mặt mình. Tôi gọi tên anh. Có ai đó nắm chặt tay tôi, rồi bóp mạnh, làm tôi giật mình. Nhìn lại, một vị nữ tu mặc áo trắng, giọng nói nhỏ nhẹ: - Hình như anh nhận ra những người thân. Tôi chỉ tấm ảnh. Tôi chỉ chiếc cúp. Tôi chỉ đôi găng tay. Tôi chỉ trái banh. Rồi tôi ấp úng: “Anh Tỵ đâu rồi.” Vị nữ tu nói: "Ở đây, chỉ những người đã chết mới trưng bày những kỷ vật của họ mà thôi."

Tôi tách khỏi đoàn để theo nữ tu, đi dọc theo bờ biển của trại, nghe bà kể về anh Tỵ. Giọng nói miền Bắc, đầy âm điệu, êm ả rót vào tai tôi, lẫn cùng tiếng sóng vỗ đều đều như tiếng trống từ xa vọng lại:

- Ngày tôi từ một tu viện về trại, anh Tỵ đã có mặt nơi này rồi. Bệnh tình của anh càng lúc càng nặng. Tuy thế, lúc khoẻ anh vẫn thường làm thủ môn của đội banh những người mắc bệnh cùi. Chính anh là người thành lập ra đội. Anh huấn luyện, tập dợt cho những thanh niên còn nguyên vẹn đôi chân. Họ không thể nào đá hay như những đội banh chuyên nghiệp, nhưng họ vui vẻ, yêu đời dù chỉ những giây phút ngắn ngủi. Cậu biết không, trại dành một mảnh đất nhỏ trồng cỏ xanh rờn, làm thành một sân đá banh cho họ. Họ chia thành hai đội, màu áo khác nhau, nhưng cùng những đôi giày vải màu trắng giống nhau. Khán giả là những bệnh nhân và gia đình của họ sống trong những dãy nhà sau trại kéo nhau đến ngồi chồm hổm, dưới bóng mát của tàng cây phượng già. Họ la ó. Họ nhảy cởn. Họ gục mặt. Họ ngẩng mặt lên trời tiếc nuối, theo từng nhịp trái banh. Họ đưa những bàn tay đã rụng hết ngón vỗ vào nhau phát ra những âm thanh đục ngầu, bình bình. Và anh Tỵ, người thủ môn một thời vang bóng, chồm mình nhảy ra chụp lấy trái banh đang hướng về khung thành một cách khó khăn, trái banh mấy lần vụt khỏi bàn tay, rơi xuống đất, vồng lên, vồng xuống, anh Tỵ như con mèo vồ con chuột, té lên té xuống, chụp lấy trái banh ôm vào lòng.

Giọng nói vị nữ tu nghẹn lại khi ở đoạn cuối. Về cái chết của anh Tỵ. Sau đó vài năm, một buổi sáng người ta phát hiện ra xác anh Tỵ ở ngoài sân bóng đá. Ở khung thành, hai bên cột trụ gỗ, trước tấm lưới, xác anh Tỵ nằm sấp, mặt úp xuống đất, hai tay giang ra, những ngón tay đã rụng lóng, co quắp lại, xướt máu, bên cạnh là trái banh nằm lơ ngơ ở một góc khung thành. Khi liệm xác anh người ta tìm thấy trong túi áo của anh có một tấm hình đã hoen ố màu thời gian, phía sau có một dòng chữ: Khi tôi chết xin chôn cùng tấm hình này. Tôi biết ngay đó là tấm ảnh chị Giỏi ngày nào đã tặng anh. Ngày mẹ tôi còn sống năm nào bà cũng làm một mâm cơm để cúng chị. Hình chị để thờ nhà tôi không có. Tấm ảnh duy nhất anh Tỵ chưa kịp sang ra thì đã mang theo, bặt tăm. Mãi đến bây giờ trong tâm khảm tôi chị Giỏi vẫn mơ hồ một sắc đẹp liêu trai.

Lại một tình cờ khác. Sao đời có những tình cờ kỳ lạ như thế này đến với tôi. Gần mười năm sau tôi gặp anh Huệ giám đốc nhà in Đăng Quang, mà tôi là khách hàng in tạp chí Ý Thức. Tòa soạn tạm thời đặt ở một góc nhỏ của nhà in. Trong lúc rỗi rảnh anh và tôi nói chuyện phiếm. Khi biết tôi sinh ra và lớn lên ở Phan Rang, anh hỏi tôi về đội banh vang bóng một thời vào những thập niên 50. Đội banh không mang tên, người ta chỉ gọi là đội banh ông Đào. Anh Huệ ngạc nhiên khi biết tôi là con nhà nòi, nhưng tôi không đam mê bóng đá. Anh hỏi tôi về anh Tỵ, người thủ môn tuyệt vời. Anh lục từ chồng báo cũ đưa tôi xem. Tuần báo Đuốc Thiêng chuyên về Thể Thao duy nhất của thập niên 60 mà lúc đó anh làm Chủ nhiệm. Anh cho biết có một bài báo viết về bàn tay vàng của người thủ môn này như một huyền thoại trong làng bóng đá Việt Nam. Thời đó anh Huệ cũng đã từng chứng kiến giải đá banh đầu tiên trong nước và anh thán phục những cú bắt banh tuyệt vời, nhất là những quả phạt trong vùng cấm địa 11m. Những cú sút mạnh như vũ bão, lắc léo, phỉnh phờ, hỏa mù để người thủ môn không nhận được đường bay của quả bóng đều không thủng lưới được. Trái banh nằm gọn trong hai bàn tay của anh Tỵ. Anh hỏi có phải tôi là tác giả bài báo. Tôi lắc đầu. Anh hỏi tiếp hiện tại anh Tỵ sống ra sao?  Tôi đưa hai bàn những ngón tay cong quắt giả làm bàn tay của người cùi đã bị sứt mất mười lóng tay quờ quạng vào không khí. Rồi, tôi kể lại cái chết của anh Tỵ cùng mối tình anh đã mang theo./.

Nguyên Minh
Số lần đọc: 1924
Ngày đăng: 24.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chó cái - Lê Minh Phong
Hoa Tường Vi Nở Sớm - Hồ Ngạc Ngữ
Game Show - Nguyễn Viện
Song Hỷ - Huỳnh Văn Úc
Vào Hang Bắt Cọp - Khải Nguyên
Hãy Làm Tình Trước Đám Đông - Lê Minh Phong
Cưỡi Gió Qua Đèo - Lê Trâm
Thõng Tay Vào Chợ - Bạch Lê Quang
Vườn mê 2 - Nguyễn Anh Thế
Lấy Vợ Xấu - Đỗ Ngọc Thạch