Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
787
116.658.601
 
Giáng Sinh Ở Tokio
Nguyễn Thị Hải Hà

Truyện hay Giáng Sinh

 ngoại quốc, Max Hill, Nguyễn Thị Hải Hà dịch

 

Thời Trân Châu Cảng, tôi được phát cho một con số, số 867, rồi bị nhốt vào căn phòng giam có diện tích một mét rưỡi nhân ba mét ở nhà tù Sugamo, người Nhật chỉ nhạt nhẽo gọi nó là Tokio Kochisko, hay Nhà Giam Tokio. Tháng 5, khi ấy tôi vẫn còn ở Sugamo, tôi bị xử và bị buộc tội đã gửi cho báo Associated Press, ở chức vụ phóng viên, những câu truyện mà theo sự phóng đại của ông thẩm phán, đã “làm tổn hại chính sách ngoại giao của Nhật Bản.” Tôi bị án tù mười tám tháng, nhưng án tù này tạm ngưng khi chính quyền Hoa Kỳ cương quyết đòi phải bao gồm tất cả phóng viên trong đợt trao đổi đầu tiên giữa các quốc gia, và tôi thật sự rời khỏi Sugamo vào tháng 6 khi tôi được đưa ra trại tập trung nơi tương đối tự do hơn,  sau đó được tàu Gripsholm đưa về New York, vì thế toàn bộ thời gian bị ở tù của tôi là sáu tháng. Sáu tháng ở trong nhà giam Tokio rất là tẻ nhạt.

 

Phòng giam của tôi có tường bằng xi-măng và cái cửa sổ rất bé có chấn song. Trang bị của phòng giam gồm có cái giường, chậu rửa mặt, cầu tiêu, cái chổi và hai tấm tatami, hay là đệm rơm. Tôi không được phép ngồi hay nằm trên giường trước giờ đi ngủ, và nếu tôi muốn ngồi, tôi phải ngồi trên nền nhà hay ngồi lên cầu tiêu. Phần nhiều, tôi chọn cái sau. Mỗi ngày tôi thức dậy lúc năm giờ sáng. Sau đó tôi phải quét phòng giam và dọn giường. Lúc sáu giờ rưỡi một người gác sẽ mang bữa ăn sáng vào, mười một giờ bữa ăn trưa, và lúc ba giờ bữa ăn chiều, cả ba bữa ăn không thay đổi chỉ có một bát nước ấm, một bát rong biển hay canh củ cải, một chén cơm nguội trộn với lúa mạch. Bốn giờ cửa phòng giam được khóa hai lớp, chút sau chuông rung, dấu hiệu tất cả tù nhân phải đi ngủ. Đèn trong phòng giam được mở sáng suốt đêm, chói chang trên mặt tôi. Nhiệt độ trong tù hầu như luôn luôn dưới không độ; tôi chắc chắn đó là lý do nước trong chậu đặt dưới cái ống thoát nước bị rò rỉ của chậu rửa mặt luôn luôn đóng một lớp băng mỏng. Chỉ ở trên giường tôi mới có cơ hội làm tan chút băng, chứ không dám nói là ấm áp. Vì thế hầu như suốt ngày, tôi chỉ chờ cho đến bốn giờ chiều.

 

Tôi ở Sugamo chỉ mới đôi ba ngày thì tôi mắc phải một lỗi vì không hiểu phong tục Nhật Bản khi tôi cố gắng giữ cho đôi bàn chân được ấm áp. Người Nhật luôn cởi giày trước khi bước lên tấm tatami và họ muốn người nước ngoài phải vâng theo. Tôi chỉ muốn giữ cho đôi bàn chân của tôi đừng đông thành nước đá chứ không để ý đến việc giữ gìn mỹ tục, và thường xuyên, khi từ góc bên này băng qua góc bên kia của phòng giam, tôi đã bước lên tấm đệm tatami mà không cởi giày. Một lần, tôi thất lễ với phong tục này, một gã quản tù răng vàng, đang tuần hành ngoài hành lang, bắt quả tang.“Damé” hắn gầm lên khi bước vào phòng giam. Chữ này có nghĩa là “xấu.” Hiển nhiên thích thú với kết quả của cuộc đi tuần trên cái hành lang gió lùa lạnh giá này, hắn ra lệnh tôi phải tháo giày, tóm lấy đôi giày, mang đi. Mãi cho đến bốn tháng sau tôi mới được trả lại đôi giày. Trong khi chờ đợi tôi phải đi khắp nơi bằng đôi vớ. Điều thuận lợi duy nhất trong chuyện này là nó cho tôi thêm một việc làm để quên ngày dài. Cố gắng giữ ấm cho đôi bàn chân tôi có thể ngồi hàng giờ trên bồn cầu nhúc nhích ngoe nguẩy các ngón chân.

 

Nếu không làm thế, tôi có hai cách chính yếu để giết thì giờ. Một là ngồi đếm các cành của cây thông tôi có thể nhìn thấy qua cửa sổ. Con số cành thông tôi đếm được thay đổi từ một trăm năm mươi đến hai trăm và con số đếm ngay sau đó không bao giờ trùng lặp với số đếm trước. Để có thể nhìn thấy cây thông, tôi phải quì trên bồn cầu trong một thế ngồi rất là kỳ quặc, đẩy một bên của cánh cửa làm bằng kính mờ ở phần dưới cửa sổ, ngoẹo cổ, thò ra ngoài cái đầu nhìn nghiêng hẳn sang một bên. Tôi có thể nhìn thấy toàn thể cái cây qua khoảng trống hình tam giác nhỏ xíu của cánh cửa sổ mở hé. Còn một cách khác là tìm cách nhớ lại tên của bốn mươi tám tiểu bang. Tôi đánh dấu con số tôi nhớ  bằng chín que đếm tôi làm bằng cọng rơm bẻ từ cây chổi. Liên tiếp ba tháng ròng rã, tổng số tiểu bang tôi nhớ được chỉ có bốn mươi bảy tiểu bang, bất kể tôi bắt đầu từ phần nào của Hoa Kỳ. Trong trí tôi luôn có thể nhìn thấy rõ ràng bờ Đại Tây Dương, vì thế tôi luôn bắt đầu với những tiểu bang bên bờ Đại Tây Dương, rồi di chuyển sang hướng Tây theo tầng lớp của các tiểu bang, ngón tay tôi dõi theo tấm bản đồ tưởng tượng trên tường. Nhưng đôi khi tôi tà tà dò hết tên này đến tên khác xuyên qua các Đại Hồ, hay là tôi bắt đầu từ hướng Tây Bắc của Đại Tây Dương, dù tôi dùng cách gì, tổng số tiểu bang tôi nhớ được vẫn là bốn mươi bảy. Cái tên của tiểu bang tôi quên trở thành mối bận tâm dai dẳng đeo đuổi tôi. Nó quấy nhiễu tôi hơn cả tên quản tù răng vàng luôn luôn bốc mùi khói thuốc lá làm tôi rất thèm được hút một điếu – ngay cả thuốc lá Nhật Bản nhạt nhẽo như rơm mốc tôi thường hút khi còn trẻ. Vào cuối tháng thứ ba, tôi chợt nhớ ra tên tiểu bang thứ bốn mươi tám. Đó là Mississippi. Tôi thấy cần phải ăn mừng, và tự thưởng bằng cách nâng ly nước lạnh chúc mừng Mississippi.

 

Tiếng vọng trong nhà tù Sugamo thật là to khủng khiếp. Tôi không thể tự thì thào mà tránh được tên quản tù đi từ trụ sở của hắn đến cuối hành lang, nơi giam tôi, để điều tra. Chuyện đếm những cành thông hay nhớ tên các tiểu bang chẳng làm hắn bận tâm, nhưng có một lần, lúc đó tôi mới vào tù, tôi đã làm một việc làm hắn rất lo lắng. Đó là khi tôi nghĩ về ngày Giáng Sinh sắp đến. Hôm ấy là ngày 15 tháng 12. Để làm gì, tôi suy nghĩ, chỉ còn có bảy ngày để mua sắm cho lễ Giáng Sinh, và tôi bật cười to. Gã quản tù lon ton chạy ngay đến phòng giam tôi để xem chuyện gì. Hắn thấy tôi vẫn còn cười vang. Khó mà giải thích cho hắn hiểu tại sao chuyện này lại buồn cười nên tôi chẳng nói gì. Hắn đứng tần ngần một lúc, nhìn tôi với vẻ mặt thắc mắc khó hiểu rồi cáu kỉnh bỏ đi.

 

Ngày thứ mười bảy tôi ở tù là ngày áp lễ Giáng Sinh. Đó là một ngày rất lạnh và rất buồn. Tôi làm công việc quét dọn lặt vặt trong phòng giam đã xong và không có gì để tự giúp vui, ngay cả chuyện đếm các cành nhánh của cây thông, bởi vì tuyết rơi đêm trước và những mảnh tuyết mềm xốp đã che lấp những đường nét của cây thông. Suốt ngày tôi ngồi trên bồn cầu, ngoe nguẩy ngúc ngoắc những ngón chân.  Như thường lệ, tôi đi ngủ ngay sau bốn giờ chiều, còn rất lâu mới đến nửa  đêm. Sau khi tôi ngủ khoảng hai giờ đồng hồ, tôi nghe tiếng lách cách tra chìa vào ổ khóa cửa phòng giam tôi. Cánh cửa rít nhẹ mở ra và tên quản tù răng vàng bước vào. Hắn cười toe toét và mang theo một hộp giấy to cỡ bằng cái hộp chứa mũ. Hắn mở nắp hộp và liếc nhìn vào bên trong. Đến bên cạnh giường của tôi hắn cúi khom người, nói “Dozo” (“Xin vui lòng”), và đặt cái hộp vào tay tôi. Bên trong có một vật có hình dáng lạ lẫm được bọc bằng giấy mềm. Họ tử tế quá, tôi nghĩ, và tôi nói, “Dom-arigato” (“Cám ơn ông rất nhiều”). Tôi kéo tờ giấy bao mềm. Bên dưới là một cái cây Giáng sinh nhân tạo cao chừng ba tấc đặt trong một cái chậu nhỏ màu trắng; những cành xanh lục cứng ngắc của nó được lấm tấm điểm tuyết sáng lấp lánh trong ánh đèn điện. Rải rác trong hộp giấy là sợi kim tuyến và một số vật để trang hoàng trên cây Giáng sinh – một trái tim màu bạc, một tượng thánh Santa Claus nhỏ xíu, và một ngôi sao.

 

“Ano-ne” (“Đây ông xem”), tên quản tù nói ngập ngừng. Trao cho tôi mảnh giấy nhỏ màu trắng, hắn giải thích rằng cây do Ban Quản Đốc của trại giam gửi đến cho tôi, và hắn cần tôi ký tên lên mảnh giấy để hợp lệ hóa việc trích bớt tiền của tôi họ đã giữ trong ngân hàng khi tôi mới bị họ bắt vào tù. Tôi phải trả tiền cho cái cây là hai yen, chừng năm chục xu tiền Hoa Kỳ. Tôi ký tên vào mảnh giấy. Tôi hỏi hắn, Ban Quản Đốc đã mua cây Giáng Sinh này ở đâu? Cây này là một trong vài trăm cây, hắn trả lời, đã được tù nhân làm trước đây khá lâu để bán cho người Mỹ. Tôi đoán chiến tranh làm gián đoạn sự kinh doanh này, và hiển nhiên tôi là đối tượng thương mại tốt nhất còn sót lại, không chừng lại là đối tượng duy nhất.

 

Tên quản tù bỏ đi, đóng cửa đánh sầm. Tôi bò ra khỏi giường quì xuống trên một trong hai tấm đệm. Tôi đặt cây Giáng sinh ở trong góc phòng giam rồi lấy các món đồ trang trí và những sợi kim tuyến ra khỏi hộp. “Chúc Mừng Giáng Sinh,” tôi nói một mình, rồi bắt đầu treo những đồ trang trí và quấn dây kim tuyến chung quanh cây.

 

1942

 

Bài văn này được chọn đăng trên Christmas at The New Yorker xuất bản năm 2003 do Ban Biên Tập của The New Yorker tuyển chọn với lời tựa của nhà văn John Updike. Tôi không tìm thấy tiểu sử của Max  Hill.

Nguyễn Thị Hải Hà
Số lần đọc: 1886
Ngày đăng: 11.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giáng Sinh - Nguyễn Thị Hải Hà
Dòng sông của mẹ - Phạm Phương
Sóng động /Bảy Nữ Thiên Thần… /Nước đã nên thành rượu - Vũ Ngọc Anh
Giá Một Truyện Ngắn - Võ Xuân Phương
Ông già quê và người đàn bà quét mộ trộm - Nguyễn An Cư
Hoa Ngọc Anh - Nguyễn Hữu Duyên
Chùm truyện ngụ ngôn nho nhỏ - Phạm Phù sa
Dưới Bóng Cây Xoan Trà - Xuân Tuynh
Cô Giáo Ăn Cơm Bằng Muỗng - Hồ Việt Khuê
Buồn Một Mình - Lê Văn Thiện