Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
782
116.660.588
 
Ông già quê và người đàn bà quét mộ trộm
Nguyễn An Cư

Lần theo hướng chỉ dẫn của bé Linh, tôi men ra bìa giồng tìm chú Tư. Thấy chú đang lui cui chặt phát đám cỏ rậm, tôi gọi lớn:

- Chú… Tư…

Chú Tư ngưng làm ngẩng lên nhìn. Tôi cười hỏi:

- Già cả rồi, tết nhứt không nghỉ nhâm nhi rượu xuân, ở đó trồng trọt gì nữa vậy chú?

Ai ngờ chú Tư cúi xuống tiếp tục làm cỏ! Thì ra chú Tư chưa thấy tôi và cũng không nghe thấy gì cả. Không lẽ tai mắt chú mau yếu đến như vậy sao!

 

Gió tết thổi ào ào. Lá khô bay nháo nhào trong cát bụi mù mịt. Trong lùm cỏ lúp xúp ngoài bìa nghĩa địa, một tấm lưng trần nghiêng nghiêng, trơ mấy cọng xương sườn liên tục nhô lên hụp xuống giữa nắng trưa.

 

Nghĩa địa Thạnh Trị nằm trên một khu đất giồng khá rộng sau nhà chú Tư. Hằng trăm ngôi mộ đất, mộ đá lộn xộn được quét dọn sạch sẽ. Màu vôi trắng toát của mấy cái mộ đá dưới ánh nắng chang chang nhức mắt. Mấy tờ giấy vàng mã bay lốc thốc trên mặt đất như đàn bướm đang chập chờn với đám cỏ cùn mằn. Nhiều bó hoa vung vãi khô queo. Những cọng chân nhang cắm trước mộ đỏ ao. Bốn bề chỉ nghe tiếng gió lùa rì rào và tiếng kẽo kẹt, tiếng răng rắc trong những hàng tre xung quanh nghĩa địa.

 

*

Tôi quen chú Tư từ những ngày mới hòa bình sau ngày miền Nam giải phóng. Những năm bảy mươi, tôi đã từng là một giáo viên dạy tại làng quê Thạnh Trị hẻo lánh nầy.

 

Sau giải phóng, hệ thống thương nghiệp bắt đầu hình thành nhưng cung chưa đủ cầu; hàng quán bên ngoài trống trơn, hàng hoá trên thị trường khan hiếm hẳn. Nhiều mặt hàng nhà nước quản lý, chỉ để phân phối theo số nhân khẩu của từng hộ gia đình và cơ quan. Chú Tư được uỷ ban nhân dân xã Thạnh Trị cử làm thương nghiệp xã. Hàng tháng tôi được nhà trường phân công đi mua hàng hóa ở thương nghiệp nên quen biết chú Tư.

 

Bây giờ kinh tế nước nhà hội nhập và phát triển; hàng hoá dư thừa, muốn mua thứ gì, lúc nào cũng có; nhiều người, nhất là lớp trẻ không thấy giá trị của nó. Hồi đó hàng hoá khan hiếm nên ai cũng quí. Mỗi lần đi mua chờ đợi, chen lấn vậy mà vui và có ý nghĩa riêng của nó. Chưa đến ngày phân phối hàng, nhiều người đã nôn nao trông đợi. Người thì ước, người thì đoán xem sắp tới sẽ được phân phối những mặt hàng nào. Chỉ một việc đơn giản, tháng nào tôi được chú Tư nói nhỏ cho biết trước cái tiêu chuẩn sắp phân phối cho giáo viên; tôi về trường báo lại thì cũng được anh chị em giáo viên khen là người năng động, sớm nắm bắt tình hình rồi! Đây cũng là một đề tài để giáo viên bàn bạc và hãnh diện thông báo cho giáo viên những trường khác.

 

Ngày nhận hàng về trường mới thật là vui. Từ thủ trưởng đến nhân viên, nam cũng như nữ, kẻ chai, người thùng, bao bị lỉnh kỉnh; nào gạo, dầu lửa nước mắm, bột giặt, đường, bột ngọt và những thứ tiêu dùng lặt vặt cũng được nhà nước phân phối để tiêu xài suốt tháng.

 

Những lần đi nhận hàng như vậy, chú Tư thường rút mời tôi vài điếu thuốc Sài Gòn giải phóng thơm phức, loại thuốc ngon nhất bấy giờ.

 

Thỉnh thoảng chú Tư tặng tôi một vài lít dầu lửa mà chú phân phối dư hoặc nhường phần của gia đình chú. Chú bảo: “Tặng thầy giáo để dành soạn giáo án. Nông dân tụi tui có hết dầu cũng không sao, bất quá chun vô mùng ngủ sớm. Thầy giáo mà không soạn giáo án được thì không biết đường để dạy!”. Nhiều bà con cũng bắt chước theo chú Tư, nhường dầu lửa cho giáo viên!

 

Khi nhận hàng, tôi lại được chú Tư ưu tiên cho nhận trước. Chú bảo với bà con: “Bà con thông cảm. Để mấy thầy cô về sớm cho kịp giờ dạy. Trễ thì con em mình chờ đợi chứ không ai vào đó”. Tôi vừa hãnh diện nhưng cũng vừa ái ngại với bà con!

 

Thật ra sự ưu ái ấy cũng không có gì lớn lao, nhưng trong những lúc khó khăn nó quí giá vô cùng! Nó làm chúng tôi gắn bó với nghề, gắn bó với bà con trong những ngày đầu giải phóng đi dạy học không cĩ lương và còn nhiều gian khổ. Chính vì thế, mặc dù tôi đã đổi về quê công tác khá lâu, tết năm nào tôi cũng trở lại Thạnh Trị thăm bà con và chú Tư. Đây cũng là dịp để tôi được thả hồn vào lũy tre thơ mộng, réo rắt ru tôi trở về một thời dĩ vãng; để nhớ lại những ánh mắt, nụ cười của bè bạn và học trò thân yêu ở chốn nầy…

 

*

Năm nay trở lại, thấy chú Tư ốm nhom, tóc bạc trắng, hai tay nắm chặt cán dao đưa lên mấy lần mới chặt đứt một bụi cỏ, thấy ch lại làm việc cận kề cái nghĩa địa hiu hắt nầy mà buồn. Có lẽ một ngày không xa, chú cũng chọn nơi đây làm nhà!

Tôi hỏi lớn như vậy mà chú Tư vẫn không nghe. Tôi vội bước nhanh đến chỗ chú và hỏi lại lần nữa. Mấy bông cỏ mai xướt vào ống quần đau nhói!

 

Quay lại thấy tôi, chú Tư buông dao mừng rỡ:

- Thầy giáo qua hồi nào? Tưởng năm nay thầy không về đây chứ! Nghe nói bệnh mới hết mà. Hổm rày tôi cũng trông trông. Tết năm nào cũng vậy. Có mấy con khô sặc tát đìa hôm rồi chờ thầy về nhâm nhi chơi. Biết thầy giáo bây giờ ở trển mồi mỡ, bia bọt thiếu gì; nhưng cái món khô sặc, rượu đế chắc thầy giáo không thể quên được?

 

Tôi cười, thương cho người dân quê dễ tin. Thật ra, chưa chắc tôi đã nhớ khô sặc, rượu đế! Tuy nhiên cũng vội nói lớn:

- Làm sao quên được chú! Chú dọn đất định trồng gì đó?

Chú Tư thoáng buồn:

- Đâu có trồng triếc gì. Tôi quét mộ đó. Tết nhứt, thấy mồ vô chủ, chờ mãi không ai quét, năm nào tôi cũng quét. Thôi! Cũng là ân là nghĩa. Bà nầy nằm đây cũng đỡ cho tôi lắm, trẻ con không dám léo hánh tới đây phá trái cây, vườn tược…

 

Tôi nhìn kỹ mới thấy một nấm mộ lúp xúp đưới lớp cỏ, ngạc nhiên hỏi:

- Mộ bà nào mà lạng hết trọi vậy chú?

Chú tư vòng tay gãi gãi sau lưng. Mấy cọng xương sườn lại lộ ra rõ hơn. Chú không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà lại vòng vo:

- Đất cát giồng, mồ mã mau lạng lắm thầy giáo ơi! Tôi định đắp lại nhưng không làm nổi! Ờ, bà nầy hả? Cũng không biết tên gì nữa. Có điều xóm nầy gọi bả là bà quét mộ trộm.

Tôi thốt lên sửng sốt:

  • Bà quét mộ trộm à?
  • Ừ.

- Trời đất ơi! Xưa nay người ta đi trộm vàng trộm bạc, trộm trái cây, hoặc là đi trộm tình chứ ai lại đi quét mộ trộm bao giờ?

- Ờ! Vậy mới là chuyện lạ! Chuyện dài dòng lắm…

 

*

Chú Tư kéo tôi ngồi xuống vạt cỏ may, hổn hển kể:

- Thầy giáo đổi đi  chừng một năm thì ông cán bộ nầy được đem về chôn. Vậy là cũng hai chục năm rồi…

Theo tay chú Tư chỉ, tôi nhìn hai cái mộ dán gạch men nằm trên nền mộ cao, có rào chắn cẩn thận, nổi bật nhất nghĩa địa nầy. Chú Tư tiếp:

- Mười năm đầu chỉ có một cái mộ của ổng thôi. Cũng chỉ là mộ đất như nhiều mộ khác ở đây thời đó. Mộ kế bên là của vợ ổng. Mới chôn vài năm nay.

 

Tôi kéo chú Tư lủi xủi cát giồng tiến về viên mộ. Mấy dòng chữ trên bia khắc vi tính thật rõ nét: “Lê Văn X…, sinh năm 1920, mất 1978, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất…”

Im lặng một lát, chú Tư tiếp từng câu đứt quãng:

- Ông nầy sinh trưởng tại đây, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, tập kết năm năm tư rồi trở về tham gia chống Mỹ sau Đồng khởi. Ổng hoạt động khắp khu 8. Con cái ổng bây giờ ngon lắm. Đứa nào cũng có chức vụ cao trên tỉnh, trên trung ương.

- Phải cái ông sĩ quan có cái thẹo ở gò má, hồi mới giải phóng có về dự lễ khai giảng ở trường mình mấy lần không chú?

- Đúng rồi! Ổng đâu có lạ gì với bà con ở đây. Không những vậy mà cả tỉnh, cả khu 8 cũng biết.

Tôi nóng lòng đốc thúc:

  • Rồi sao nữa chú?

- Ờ! Thầy giáo đã biết, thường thì ở vùng nầy từ hai mươi tháng chạp người ta mới quét mộ…

Tôi lại cười thầm. Thật ra tôi mới biết điều đó.

- Riêng mộ ông cán bộ nầy năm nào cũng được quét sớm hơn vài ba ngày. Có nhang thơm, hoa tươi hẳn hòi. Đến ngày hai mươi, vợ con ông ta mới trở về quét mộ; lúc đó mới biết có người đã quét rồi!

 

Vài năm đầu, gia đình ổng và chòm xóm ở đây nghĩ rằng có ai đó trong thân tộc quét dùm. Dò hỏi ra thì không phải vậy. Mấy năm sau mộ cũng lại được quét trước. Bà con lại bảo chắc ai đó quét lầm, vì mộ không có bia. Có điều không biết người quét là ai.

Vả lại, sau hòa bình, việc quét mộ lầm và bốc cốt lầm là chuyện hết sức bình thường; không có gì đáng bận tâm. Thầy giáo biết hôn, có nhiều bà vợ liệt sĩ, nghe điềm chỉ, đã bốc cốt chồng về xây mộ mới, cúng giỗ mấy năm trời. Sau có người phát hiện đúng mộ chồng bà, bà ấy lại bốc cốt về làm mộ lần nữa. Mộ cũ không thể đập bỏ trả về chỗ cũ; thành ra nhiều người tưởng bà ấy có… hai chồng! Khổ nhất là có người đã bốc đúng cốt chồng về rồi vẫn thắp thỏm sợ hài cốt nằm dưới mộ không phải là chồng mình; mỗi lần ra thăm mộ không dám vuốt, dám ôm, sợ ôm lầm chồng người khác! Chiến tranh mà! Đã qua lâu rồi nhưng vẫn để lại nhiều điều ray rức đằng đẵng…

 

Chú Tư ngừng kể, mở gói thuốc giồng ra vấn. Tôi lại nôn nóng vội móc gói thuốc thơm mời chú, hối thúc:

- Chú hút thuốc nầy thơm hơn. Kể tiếp đi chú.

 

Chú Tư rút điếu thuốc từ từ đưa lên môi, châm lửa rít mấy hơi dài. Tôi lắc đầu: “Mình thật sai lầm khi mời thuốc thơm lúc nầy”. Thật vậy, chú Tư cứ hít mạnh, nhả khói rồi nhìn mông lung. Không hiểu chú thưởng thức mùi thuốc thơm hay nhớ về thời dĩ vãng mà mắt thoáng buồn. Gần nửa điếu thuốc, chú mới lên tiếng:

- Thuốc nầy giống thuốc Sài Gòn giải phóng bận tui làm thương nghiệp…

 

Tôi lo lắng, sợ chú kể lể lại “một thời gian khó hai mươi năm kháng chiến và mấy năm sau giải phóng” dài dằng dặc thì có… chết mất; cố lái trở về câu chuyện cũ:

- Chà, chuyện chú kể nghe gay cấn dữ à!

- Ờ! Thanh minh đâu khoảng “tám lăm, tám sáu” gì thì phải, vợ con ổng mới xây mộ và dựng bia như vậy đó. Tưởng đâu mồ mã đã rõ ràng rồi thì đâu còn ai quét lầm nữa. Vậy mà liên tiếp ba bốn năm sau, hễ gần đến hai mươi tết, người ta lại thấy mộ được quét dọn sạch sẽ, được thắp nhang thơm và cắm một bó bông trang trắng trước mộ.

Tôi thấy đây là câu chuyện có điều gì khúc mắc mà cái màn bí mật đã hé lộ, liền chụp hỏi:

  • Bông trang trắng à?
  • Ờ! Bông trang trắng. Năm nào cũng vậy.

- Thế chú có biết làng mình có bà nào tên Trang, Bạch trang, Kim trang, Minh Trang… hay nhà ai có trồng bông trang trắng không?

- Nhiều người cũng đặt vấn đề như thầy giáo. Nghĩ rằng người quét mộ tên Trang. Bà con kiểm đi kiểm lại trong làng không có ai tên Trang cả và cũng không có nhà nào trồng bông trang trắng. Có người định rình xem ai đã quét mộ. Nói thì nói vậy, ba ngày tết công việc lu bu, ai mà huỡn để đi rình!

- Thế rồi từ đó đến giờ cũng không biết ai đã quét mộ sao chú?

- Biết rồi. Nhưng biết cũng như không! Bà ấy chết rồi, không để lại tên tuổi gì cả! Chính vì vậy mới gọi là bà… quét mộ trộm! Đâu khoảng ngày mười tám, mười chín tết năm chín mươi, sáng ra người ta tá hoả lên, có một bà lạ mặt nằm chết cạnh mộ ông cán bộ nầy. Bên cạnh bả là chiếc xe đạp cũ, có một túi xách, một xấp nhang thơm và một bó bông trang trắng… Rõ ràng bả là người đã từng quét mộ trộm chứ còn ai? Người ta nhờ công an truy tìm tông tích nhưng vẫn không ra manh mối. Hồi đó nghiệp vụ công an mình cũng còn kém lắm! Có lẽ bà ấy ở tỉnh khác đạp xe về từ chiều hôm trước…

Tôi chạnh lòng trước câu chuyện đầy trắc ẩn, cùng chú Tư lội trở ra bìa giồng xem lại phần mộ của bà ấy. Ai đó đã trồng trước mộ bà một bụi bông trang trắng. Những chùm bông bé nhỏ, trăng trắng cố chen lên khỏi đám cỏ rậm một cách khó nhọc. Một mùi hương nhè nhẹ thoang thoảng. Ký ức tuổi thơ tôi lại hiện về. Ngày ấy, chúng tôi thường hái những chùm bông trang trắng, rút ống nhụy, hút chút mật ngòn ngọt hoặc xâu những cánh bông lại thành những chiếc vòng tay, vòng cổ choàng vào người cô bạn gái rồi cất chòi, giả bộ làm trò đám cưới rước dâu. Một kỷ niệm nhỏ mà đến bây giờ mỗi lần nhớ đến tôi vẫn xao xuyến không quên! Có lẽ hai ông bà nầy thuở nhỏ cũng chơi trò chơi như chúng tôi chăng?

Tôi khom người đốt cho bà một cây nhang, chợt thấy mấy bông cỏ may xước vào chân mình lúc nào không hay!

Có điều gì làm tôi chưa an lòng nên hỏi tiếp chú Tư:

- Đến bây giờ vẫn chưa biết bả tên gì, ở đâu sao chú?

Chú Tư lặng lẽ lắc đầu:

- Vẫn mù tịt! Có điều khi khám xét túi xách của bả thấy có một bức thơ tình đã ố vàng, viết từ thời kháng chiến, ký tên Lê Văn X…, tức ông cán bộ kia. Nội dung cũng như những bức thơ tình khác. Cũng xưng “anh anh em em” nên không ai biết tên bả. Cũng nỗi nhớ nhung. Cũng mấy lời cám ơn sự lo lắng chăm sóc của bả; nhờ thế mà ổng an tâm chiến đấu…

- Vậy chắc chắn bả là người yêu hay vợ bé của ông nầy rồi!

- Ờ! Có lẽ là như vậy.

- Nhưng tại sao khi bả chết, bà con không đem chôn bả cạnh ổng cho trọn tình trọn nghĩa mà lại chôn tận bìa giồng vắng vẻ lạnh lẽo thế nầy?

- Lúc đầu bà con cũng định như vậy. Sau đó có người bàn là sau hòa bình ổng có nhìn bà nầy đâu. Nếu nhìn thì ổng đã rước về chung sống, nhà cửa, xe cộ đàng hoàng, có đâu lôi thôi lếch thếch thế nầy; thậm chí đi quét mộ chồng còn không được công khai. Vì thế nên thôi! Vậy mà khi hay tin, vợ ổng còn về đứng trước mộ bả xỉ vả một chặp. Nếu chôn kế bên ổng, chắc bả đã moi lên rồi!

 

Tôi yên lặng nhìn những nấm mộ to nhỏ lô nhô, suy gẫm về kiếp người. Bất kỳ ai rồi cũng trở về với cát bụi! Dù thường dân hay vua chúa, dù giàu sang hay nghèo hèn cũng đều không thể tránh khỏi cái qui luật nghiệt ngã ấy. Thế không hiểu sao lúc sinh thời lại không sống với nhau cho trọn nghĩa trọn tình mà lại đua chen giành giựt, xâu xé lẫn nhau; lúc mất đi có mang theo được cái gì đâu? Tơi lại nghĩ sao lại có người hiển đạt, thành danh rạng rỡ, ai cũng biết đến; lại có người không ai nhớ, không ai biết, dù chỉ một cái tên! Ci thế đ bất cơng, đến khi chết cũng cịn phn biệt mộ to mộ nhỏ! Sao lại có những mối quan hệ thân thiết như hai ông bà nầy chẳng hạn, mà người ta lại không dám nhìn nhận hoặc cố tình chối bỏ? Có phải họ sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc và công danh sự nghiệp chăng?

 

Tôi thầm cám ơn chú Tư, một ông già quê mà đối với ai cũng thắm đậm nghĩa tình như chú đã từng đối xử với tôi và người đàn bà quét mộ trộm nầy chẳng hạn.

 

Chú Tư lôi tôi về thực tại:

  • Thầy giáo làm sao vậy?

Không trả lời chú, tôi bàn:

- Cháu cùng chú đắp thêm cái núm mộ của bả, cho nó đừng lạng mất đi chú.

 

Chú Tư vui hẳn lên, cùng tôi đắp lại nấm mộ. Chú luôn miệng kể về chuyện cũ, hỏi thăm người nầy người nọ và cười nói huyên thuyên. Đắp xong tôi đề nghị:

- Chú với cháu trồng trước nấm mộ ông cán bộ kia một bụi bông trang trắng nữa đi chú.

Chú Tư ngạc nhiên hỏi:

  • Để chi vậy?

 

Tôi gằn từng tiếng:

- Để may ra mùi bông trang trắng sẽ nhắc hương hồn ông cán bộ nầy nhớ đến một người phụ nữ nào đó tên Trang hoặc người phụ nữ nào đó đã từng tặng ổng những chùm bông trang trắng, đã từng động viên, góp sức cho ông thành đạt. Và cũng để mọi người biết được rằng giữa cái mộ cao sang kia với cái mã lạng nầy có một sự liên quan mật thiết…

Chú Tư khẽ gật đầu nhưng vẫn buồn áo nảo:

- Trồng thì trồng nhưng cũng không hi vọng gì lắm đâu!

Trưa giồng, gió xuân lùa trong hàng tre rì rào, buồn man mác…

 

Tuần báo Văn nghệ TP.HCM số 12 ngày 18/4/2002

Tạp chí Văn Nghệ Bến Tre tháng 7/2002

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 1586
Ngày đăng: 06.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa Ngọc Anh - Nguyễn Hữu Duyên
Chùm truyện ngụ ngôn nho nhỏ - Phạm Phù sa
Dưới Bóng Cây Xoan Trà - Xuân Tuynh
Cô Giáo Ăn Cơm Bằng Muỗng - Hồ Việt Khuê
Buồn Một Mình - Lê Văn Thiện
Những Mảnh Vỡ (28) - Nguyễn Thị Hậu
Gió Chướng *** - Võ Xuân Phương
Sông Trăng - Lưu Quang Minh
Mưa trong vườn nhà cô Françoise - Nguyễn Nghiệp Nhượng
Phía Sau Một Con Người - Bùi Anh Tâm
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)