Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
782
116.660.581
 
Những ông Huyền Đức!
Nguyễn An Cư

Ông hai Huyền Đức ở An Điền vừa mất. Cả làng đều hay. Tiếng trống đám tang lung tung từ nhà ông làm An Điền vui hẳn lên. Đám tang mà nói vui thì hơi kỳ nhưng thật sự là như vậy. Cả làng An Điền, nhất là các hội, các câu lạc bộ của chín ấp trong xã nhộn nhịp như lần chuẩn bị đón mừng xã văn hóa năm ngoái!

 

Đương nhiên Hội Cựu chiến binh và Hội Tình nghĩa tuổi già của ông hai Huyền Đức phải đứng ra chủ trì tổ chức đám tang, cử người trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn, lo ma chay, tiếp khách, đãi đằng rồi.

 

Các hội, các câu lạc bộ mà ông Huyền Đức đã từng tham gia cũng lăng xăng phụ giúp việc nầy việc nọ và tấp nập đến phúng điếu linh đình

 

Trong suốt đám tang không có một tiếng khóc, không có một giọt nước mắt! Ngược lại người người ra vào tấp nập, nhậu nhẹt tưng bừng, cười nói rơm rả, cố tranh, cố khỏa lấp tiếng trống chầu liên tiếp thì thùng đinh tai nhức óc như đám đình thì sao gọi là buồn được?

Sở dĩ bà con đi đám tang ông Huyền Đức đông như vậy vì ông tương đối có vai vế trong làng. Ông lại có đến ba bà vợ chính thức và… bốn dòng con nên bà con thân thuộc của ông không chỉ hai họ như bao người khác mà có đến… ba, bốn họ!

 

Thật ra cái tên Huyền Đức chỉ được giới trẻ và giới sồn sồn biết từ sau giải phóng. Các cụ lớn tuổi, nghe ai nói đến Huyền Đức đều ngớ ra, một lát sau mới sực nhớ “À!... Vậy là nãy giờ tụi bây nói thằng Đực! Tưởng ai!”.

 

Thì ra hồi nhỏ ông Huyền Đức tên Đực! Mấy ông già kể lại, cha mẹ thằng Đực nghèo lắm, nuôi con hổng nổi, đành cho thằng Đực cho vợ chồng hương hào Lê khá giả mà không con. Ông hương hào Lê thấy tên Đực xấu xí bèn sửa trại đi một chút, thành tên Đức. Đức thì đẹp hơn mấy chục lần Đực rồi, còn gì mà không chịu. Sau nầy khi vào bộ đội, ai cũng có bí danh hai ba chữ đẹp đẽ, êm tai như năm Tấn Công, sáu Chiến Thắng, bảy Thắng Lợi, tám Thành Công. Riêng ông hai, ai cũng gọi là thằng Đức hoặc khá hơn là Hai Đức trụi lủi! Ông tiểu đoàn trưởng thấy vậy hỏi Hai Đức có chịu lấy bí danh là Huyền Đức không? Lẽ dĩ nhiên Hai Đức một lần nữa sướng mê ly! Kể từ đó, từ thằng Đực, ông Hai có tên là Huyền Đức thật hách rồi về già là ông hai Huyền Đức thật oai!

 

Nghe nói lúc Đồng Khởi 1960, hai Đức được mười lăm mười sáu tuổi gì đó. Có ai đó gặp hai Đức nói, mầy không phải con ruột hương hào Lê đâu, ở với gia đình đó tương lai mầy không sáng được; chi bằng thoát ly theo bộ đội ít năm, cha mẹ ruột mầy cũng là bần cố nông, lên quan mấy hồi; sau hòa bình về nhà, cách mạng cấp đất cho mà làm thỏa thích.

Thấy cuộc đời bộ đội rày đây mai đó có vẻ vui vui; lại có súng khoác vai, lựu đạn cài thắt lưng xề xệ trông cũng oai oai, thế là Hai Đức bỏ cha mẹ nuôi đi theo bộ đội. Thật ra Hai Đức có biết cách mạng là gì và cũng có mong gì làm quan đâu. Hai Đức cũng không mong gì ba cái đất mà cách mạng sẽ cấp. Đất đai hương hào Lê cò bay thẳng cánh không ở lại mà hưởng còn đi đâu cho mệt.

 

Sự thật thì ngược lại những gì người ta nói với Hai Đức. Vào bộ đội, với cái lý lịch “con nuôi hương hào Lê”, Hai Đức không được người ta tin cậy giao cho chức vụ gì lớn lao cả. Hai Đức bình thản, không nản cũng không buồn.

 

Từ nhỏ, sống trong gia đình hương hào Lê, thuộc tầng lớp trên của làng An Điền, hai Đức được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, nghe những lời hay ý đẹp của bậc trưởng giả. Anh có thể nấu được những món ăn ngon hơn những anh bộ đội từ nhỏ đến lớn vốn chân đất đầu trần. Anh có thể nói những câu khéo léo, duyên dáng làm người khác nhất là cấp chỉ huy, vừa lòng hơn những anh nông dân cục mịch. Nhờ thế, anh được ban chỉ huy tiểu đoàn rút lên làm… “anh nuôi”, nấu nướng phục vụ cho ban chỉ huy. Chính từ vai trò nầy, hai Đức đã trổ tài nấu nướng, trổ tài ăn nói học được từ nhỏ làm thỏa lòng các vị chỉ huy cao hơn. Cũng vì thế, mười mấy năm đi bộ đội, hai Đức không có bắn một viên đạn, thân thể cũng không có một vết trầy xước của đạn bom.

 

Sau hòa bình, ông Huyền Đức được cử vào hội cựu chiến binh xã rồi được bầu làm phó chủ tịch hội, được hội phân công làm cố vấn cho ban chỉ huy xã đội đương nhiệm. Ông Huyền Đức ngẫm nghĩ rồi cười một mình: “Mình chỉ biết nấu cơm và làm đồ nhậu, có biết gì quân sự đâu mà cố vấn!”.

 Có điều nhờ gốc gác là bộ đội giải ngũ và nhất là ông còn đi đứng nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát, tửu lượng thuộc hàng cao thủ nên ông hoạt động ở hội cựu chiến binh xã An Điền cũng ra trò lắm. Hội tình nghĩa tuổi già thấy vậy mời ông vào ban chấp hành. Hội đờn ca tài tử của xã khi phát hiện ông ca vọng cổ và mấy bản nhỏ khá mùi, cũng mời ông vào ban chủ nhiệm…

 

Với ba bốn chân ủy viên ban chấp hành, ban chủ nhiệm, ông Huyền Đức đi suốt tháng. Nào là họp định kỳ hàng tháng, nào họp bất thường rồi đại hội nhiệm kỳ hàng năm…

 

Hết họp tới hội. Ông tham gia các lễ mừng thọ người cao tuổi, thăm viếng hội viên đau yếu, họp mặt đờn ca tài tử… từ ấp nầy sang ấp khác. Xã An Điền có đến 12 ấp, ông tha hồ mà đi. Cứ sáng sớm người ta thấy ông Huyền Đức quần áo láng bóng tà tà ra chợ. Chợ đông, bè bạn quen biết thiếu gì. Họ mời ông một ly cà phê, vài điếu thuốc là chuyện bình thường. Người miền Nam vốn phóng khoáng như sông nước mà! Không những họ không sợ tốn kém mà còn hãnh diện được mời ông phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã, ông ủy viên ban chấp hành hội người cao tuổi, hay ông ủy viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử. Mà dẫu có tốn kém đôi chút đi nữa cũng có lỗ lã gì đâu? Ông Huyền Đức vào bàn nào là nói rớp rẻn đủ thứ chuyện, làm bàn cà phê đó đầy ấp tiếng cười. Hai mươi năm “lăn lộn kháng chiến” và mấy mươi năm tất bật trong hòa bình biết bao là chuyện để nói, ông Huyền Đức kể mấy tuần không hết, nhằm nhò vì chỉ “mua vui một vài trống canh”!

 

Xong cà phê cà pháo, ông Huyền Đức cáo từ. Ông đi dự ba cái hội họp, tiệc tùng như đã kể. Đâu phải ông tự nhiên nghe động dao động thớt rồi đi đâu. Ông móc ra hằng lô giấy mời, khoe anh em trong bàn và cũng là lý do để ông cáo từ. Có lúc ông cũng lịch sự gọi chủ quán tính tiền cà phê hết bàn, nhưng ai mà cho ông trả. Người miền Nam mà! Có ai để người đến sau hoặc đi về trước trả tiền đâu? Thành ra gần như ông không biết mấy bàn cà phê sáng ấy do ai trả tiền!

Ông Huyền Đức tinh ý lắm. Nói chuyện ở bàn cà phê nầy nhưng mắt dáo dác mấy bàn cà phê khác, xem có ai đi cùng hướng với ông có xe Honda không để ông quá giang. Hễ người đó vừa đứng dậy, ông cũng đứng dậy theo và vỗ vai bảo: Cho anh hai có giang đi đến chỗ… nhé!

 

Thường thì tám giờ ông mới họp. Cà phê ở thôn quê có ai ngồi quá tám giờ đâu mà sợ không có người về để quá giang. Có điều từ lúc công an buộc người ngồi trên xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm, ông Huyền Đức bị người ta từ chối mấy lần. Thế là mặc dù không có xe Honda, ông Huyền Đức cũng mua một cái nón bảo hiểm và đi đâu ông cũng xách theo!

 

Họp xong thì có cơm trưa. Cán bộ ở xã không lương mà! Còn họp mặt ở các câu lạc bộ, mừng thọ các vị cao niên… thì đương nhiên phải có buổi cơm ngon và chút chút rượu đưa cay. Đôi khi trận mạc nhâm nhi, hò hát kéo dài đến chiều tối, vui hết biết. Không có ba thứ đó… ai mà đi!

Thật ra cấp trên cũng thấy ba cái tiệc tùng liên hoan có thu hút nhiều người tham gia các hoạt động đoàn thể xã hội thật nhưng kiểm đi kiểm lại thì thu hút kiểu nầy không đúng thành phần! Người có nhiệt tình dần dần lãng tránh tất cả. Số còn lại, trong đó có ông Huyền Đức, cũng hội cũng họp, cũng phát biểu vu vơ, tham gia hụ hợ ; sau trận nhậu ai về nhà nấy gần như quên tất cả. Vậy mà bỏ thì không được!

 

Tiệc xong ông Huyền Đức thường vỗ vai ai đó trẻ trẻ bảo: “Nhờ chú em làm ơn đưa anh hai về nhé”. Ông Huyền Đức khéo miệng khéo mồm lắm. Ông luôn miệng bảo: “Đừng gọi chú hai nữa nghen. Anh hai được rồi, cho thân mật”. Có ai mà nỡ chối từ và cũng không thể chối từ được vì suốt trận nhậu đã lỡ nghe anh hai nói chuyện quá đã và uống rượu quá đẹp! Anh hai còn để ý trước, ai có xe Honda, anh chăm sóc thật chu đáo từ ly rượu, miếng mồi trám miệng rồi. Nhờ thế gần như quanh năm suốt tháng ông hai Huyền Đức không mấy bữa ăn cơm nhà và cũng không tốn đồng bạc xe ôm nào. Có anh cũng bóp bụng lái xe đưa ông Huyền Đức về nhà chứ không phải là không, nhưng ông Huyền Đức dại gì để họ buồn! Ngồi sau yên, ông nói liền miệng: “Cám ơn chú em mầy quá, không có chú em thì anh hai lếch bộ chết luôn. Thôi! Vô nhà anh lai rai thêm chút nữa”. Trời đất! Đã mệt ngắc ngư rồi ai mà vô nhà ông ăn uống gì nữa, nhất là vô nhà ông thì chỉ uống rượu khan! Vậy mà ông Huyền Đức cũng cố níu kéo, cuối cùng cũng buông một câu mát lòng người khách đưa ông về “Thôi! Bữa nay vô không vô được thì khi khác hén. Cám ơn chú em rất nhiều và hẹn gặp lại hén. Về khỏe, vui vẻ nhen”…

 

Mấy bà góa ở mấy chi hội phụ nữ, mấy câu lạc bộ đờn ca tài tử thấy ông Huyền Đức tướng tá cao ráo, quần áo bảnh bao, có chút vai vế, ăn nói ngon ngọt, hoạt bát, ca vọng cổ mùi mẫn cũng khoái. Lúc đầu tuy có vẻ ngại ngùng, ông Huyền Đức rà rê mãi cũng… dính! Người ta nói “Mưa dầm thấm sâu” mà. Chuyện gì chớ chuyện vuốt ve người khác để họ sướng lên mây xanh là cái nghề của ông Huyền Đức từ thuở còn đi bộ đội. Ai nghe ông vuốt mà không mát ruột mát gan! Mấy xếp còn bị, đừng nói chi mấy bà góa chồng! Thế là chỉ mươi năm sau giải phóng ông Huyền Đức có đến ba bà vợ, ba dòng con… chính thức. Nói chính thức có nghĩa là dân trong làng đều biết chứ công an nào cho ông đăng ký kết hôn. Rồi bỗng đâu ít năm sau giải phóng, có một đứa con gái đến công an xã tìm ông Huyền Đức để nhận “cha”. Thế là người ta biết ông Huyền Đức có thêm một dòng con thứ tư nữa. Và cũng chính cô gái mà ông không hề nuôi một hạt cơm nào không hiểu lý do gì lại về sống chung và chăm sóc ông Huyền Đức đến cuối đời.

 

Vợ thì nhiều, có điều sau một thời gian chung sống với ông Huyền Đức bà nào cũng chạy dài, để ông tự do đi với bà nào thì đi! Bà nào cũng nói, ghen tuông làm con khỉ khô gì, giữ ổng lại làm chi cho mệt? Ổng đi không chừng rảnh nợ hơn. Thì ra… vậy! Nhờ thế ông Huyền Đức có ba bốn bà vợ mà vẫn êm xuôi! Và đám tang, vợ con ông không ai rơi một giọt nước mắt! Mà cũng hay! Mất chỗ nầy ông Huyến Đức vơ ngay được chỗ khác!

 

Khi bà sau cùng “tống” ông Huyền Đức ra khỏi nhà, ông không vui cũng không buồn. Ông lê lếch ăn nhờ ở đậu hết nhà ông bạn nầy đến ông bạn khác. Không hiểu hội tình nghĩa tuổi già thương tình hay chịu hết xuể cảnh ăn nhờ ở đậu, đã vận động cất cho ông một nhà tình thương. Ủy ban xã và hội tình nghĩa tuổi già thấy nhà tình thương mà cất trong xó thì có ai biết, đâu có ý nghĩa gì. Thế là ông Huyền Đức có ngôi nhà mặt tiền ngon lành, bao người ao ước không được. Trên vách nhà có bảng mica khắc chữ “Nhà tình thương” do Hội Tình nghĩa tuổi già xã An Định tài trợ to tướng! Mỗi tháng ông Huyền Đức được trợ cấp tiền cựu chiến binh, tiền tình nghĩa tuổi già neo đơn, quà cáp các nơi tặng hộ nghèo… tạm đủ cơm nước trà lá. Nói là cơm nước trà lá, thật ra như trên đã kể, ông có ăn cơm nhà bao giờ đâu! Quanh năm suốt tháng, chòm xóm chỉ thấy mặt đứa con gái ông thập thò trong căn nhà vắng hoe!

           

Cuộc đời ông Huyền Đức cứ thế bình thản trôi đến ngày ông mất…

Rồi thì đám ma nầy gia đình ông hai Huyền Đức cũng không tốn đồng xu nào. Hàng rương đã có chế độ tử tuất của bảo hiểm lo, lại có thêm đủ thứ tiền tình nghĩa cuối đời. Xem ra cái thùng tiền điếu đầy nhóc, dư sức mà trang trải chi phí, lo gì không đủ.

 

Xã nầy từ xưa đến mấy năm trước, đám ma đâu có mấy gia đình chấp điếu. Đám ma ông bà mà con cháu chấp điếu người ta nói đầy lỗ tai chịu sao thấu! Chỉ có những gia đình nào thật khó khăn, ông bà bệnh, nằm viện tốn kém, con cháu bận nuôi dưỡng không làm ăn được mới bấm bụng chấp điếu, nhưng cũng chỉ chấp điếu những người trong gia đình dòng họ thôi, gọi là phụ giúp nhau. Từ ngày ông Huyền Đức vào hội tình nghĩa tuổi già, không hiểu ông đã học kinh nghiệm ở đâu, hay ông đã tính trước, lại bày ra cái thùng phúng điếu. Lúc đầu người ta hơi dị ứng, cũng xầm xì; sau quen dần. Hơn nữa thấy chấp điếu tiện lợi cho đôi bên, bà con cũng đồng tình. Nếu mua hoa quả, trà bánh đi cúng thì số tiền sẽ cao hơn nhiều. Rồi tang gia chất đống lễ vật cũng không biết để làm gì, trong lúc cần tiền để giải quyết đủ thứ chuyện. Cái mà dân nhậu khoái nhất là hễ có đi điếu chút đỉnh tiền thì nhậu sẽ mạnh miệng hơn. Có người khi có chút rượu vào, còn được lớn tiếng gọi rượu gọi mồi, thậm chí còn trách chủ nhà đãi đằng không tương xứng là khác!

 

Đương nhiên là ông Huyền Đức không đủ tiêu chuẩn để an táng trong nghĩa trang liệt sĩ của xã An Điền. Nhưng xét ra ông cũng là một cựu chiến binh kỳ cựu từ thời Đồng Khởi, có nhiều công lao trong các phong trào của xã An Điền sau hòa bình, đất đai lại không có, nên ông Huyền Đức được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Mặt trận tổ quốc chiếu cố cho nằm trong một góc nghĩa trang dành cho những người có công từ trần.

 

Người ta nói: Có phần khỏi cần lo! Đúng vậy. Mặc cho thời cơ đưa đẩy, cuộc đời ông hai Huyền Đức như đám lục bình, nước nổi thì lên, nước rút thì xuống, nước ròng thì lờ lững trôi ra, nước lớn lại lều bều trở vào; vậy mà quanh năm cũng tím ngắt dòng sông…

 

Rồi từ đây, trong mỗi lần lễ lộc, mộ của ai nằm trong góc vườn nhà lạnh ngắt, nhưng chắc chắn mộ ông hai Huyền Đức ít nhất cũng được các đoàn thể và học sinh đặt vài bó hoa tươi thắm và một vài nén nhang ngào ngạt…

                                                                                   

(Tuần báo Văn Nghệ Tp HCM số 91 ngày 03/12/2009)

 

Nguyễn An Cư
Số lần đọc: 1492
Ngày đăng: 09.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nếu Được... - Nguyễn Hữu Duyên
Rạng Đài Mây - Hòa Văn
Giọt Biên - Ngô Thị Ý Nhi
Lời Trăn Trối - Huỳnh Văn Úc
Một Chút Buồn Cuối Phố - Nguyễn Lệ Uyên
Cái vòi - Đặng Văn Sinh
Đêm Nghe Gà Gáy - Võ Xuân Phương
Tìm Dâu Thảo - Khải Nguyên
Vầng Trăng Xa Khuất - Ngô Thị Ý Nhi
Lời Thề Bị Bội Phản - Xuân Tuynh
Cùng một tác giả
Nghe lầm (truyện ngắn)
Bên kia dòng sông (truyện ngắn)
Mùi cơm khét (truyện ngắn)
Đổi giọng (truyện ngắn)
Mảnh vườn tạp (truyện ngắn)