Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
649
116.673.798
 
Bền Đậu
Xuân Tuynh

“Cô Nhung chỉ là một nhân viên thủ kho của một công ty bia rượu, vậy mà đám tang cô đông chưa từng thấy”. Đó là lời nhận xét của rất nhiều người có mặt trong đám tang Lê Thị Nhung.

 

Lễ viếng ở Nhà lễ tang thành phố kéo dài suốt ba ngày, ba đêm, người đến phúng viếng lúc nào cũng đông. Bà con, anh chị em họ hàng ruột thịt, bạn bè thân thích gần xa, trong Nam ngoài Bắc có mặt đông đủ không thiếu một ai. Liễn, vòng hoa của cá nhân, cơ quan đoàn thể, của các đại lý tới tấp mang đến viếng nhiều vô kể. Khi tiễn đưa Nhung về nơi an nghỉ cuối cùng, đoàn xe tang kéo dài cả cây số. Đã lâu rồi ở cái thành phố biển này mới lại được chứng kiến một đám tang đông nhường vậy.

 

Nhung mất để lại bao nỗi tiếc thương không chỉ cho người thân trong gia đình mà còn cho hết thảy bè bạn, đồng nghiệp, cho bà con lối phố... Ai đã từng quen biết Nhung dù chỉ đôi lần cũng thấy ngậm ngùi, tiếc thương!. Sự ra đi đột ngột của Nhung khiến cho ông trời cũng rủ lòng thương. Mấy hôm trước đó thời tiết Nha Trang nắng nóng. Có ngày nhiệt độ lên đến 30 - 32oC. Nhưng cái buổi chiều đưa tang trời bỗng dưng dịu mát lạ thường.

 

Gia đình tôi sống trong cùng khu tập thể với gia đình Nhung. Nhà tôi ở trên tầng ba, nhà Nhung ở tầng hai. Nhung kém bà xã tôi hai tuổi. Suốt gần chục năm sống gần nhau, hai người yêu quý nhau, coi như chị em ruột. Vui buồn có nhau, chia sớt cho nhau từng chén canh, quả cà... Những ngày nghỉ cuối tuần, hai người lại ngồi trò chuyện với nhau, xem tivi, nhổ tóc sâu cho nhau, thổ lộ với nhau cả những chuyện riêng tư thầm kín. Các con của Nhung và các con nhà tôi chúng cũng rất quý mến nhau như anh chị em trong một nhà. Đứa cháu ngoại của vợ chồng tôi thường quấn quýt bên bà Nhung như hình với bóng. Mỗi khi bà Nhung công tác xa vắng nhà chừng vài ngày là nó luôn miệng nhắc: “Bà ngoại ơi, sao bà Nhung đi đâu lâu dữ. Con nhớ bà Nhung quá chừng!”.

 

Với tôi, Nhung mất đã non một tháng mà tôi cứ nghĩ Nhung còn sống, vẫn thường xuyên chào hỏi tôi thân mật, mỗi khi tôi đi ngang qua cửa phòng nhà Nhung. “Bác đi làm về đấy à? Hôm nay có báo chí mới cho em đọc ké với...”. Nhung đam mê đọc báo chí, yêu phim ảnh, văn chương... Nhung rất ưa đọc những chuyện tình cảm, nhân vật có số phận éo le; những cuộc tình trắc trở... Nhung có ngờ đâu những cung bậc thăng trầm ấy ở ngoài đời lại vận vào cuộc đời mình giống như nàng Kiều thuở xa xưa. Nhung ra đi đột ngột là một sự hụt hẫng cho gia đình tôi và cho cả khu tập thể Phan Đình Phùng. Hình ảnh của Nhung, một phụ nữ đôn hậu, giàu lòng nhân ái còn đọng mãi trong lòng chúng tôi không dễ gì nhạt phai!

 

Lê Thị Nhung là người “hồng nhan bạc phận”. Người thân của Nhung ai cũng nói vậy; bà xã tôi cũng thường nói vậy; tôi cũng nhận ra điều ấy. Số phận Nhung lận đận, long đong, “năm chìm bảy nổi”, từng trải qua hai lần đò mà vẫn không có một bến đậu bình yên.

 

Nhung là cô gái xứ Thanh, một phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Nước da trắng hồng, gương mặt chữ điền quý phái. Ngày còn ở quê, Nhung là hoa khôi của làng. Nhiều trai làng chết mê, chết mệt vì vẻ đẹp thánh thiện của Nhung. Không ít những trai làng theo đuổi Nhung, muốn cưới Nhung làm vợ. Mong muốn đi thoát ly, học hành lên cao, Nhung đã từ chối chuyện chồng con. Suốt những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc, Thanh Hóa là một trong những tỉnh trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Nhung tỏ ra một cô gái dũng cảm, ngoan cường. vừa đi học, vừa tham gia vào đội dân quân tự vệ của nhà trường, trực tiếp cầm súng chiến đấu với máy bay giặc Mỹ. Hình ảnh o dân quân, sinh viên Lê Thị Nhung anh dũng chiến đấu với máy bay Mỹ trên đất Thanh Hóa đã là đối tượng tuyên truyền của báo chí Trung ương và địa phương thời ấy.

 

Sau 1975 , Nhung được nhận vào làm việc ở một công ty bia rượu Sài Gòn. Những năm tháng sống, làm việc ở công ty bia rượu, Nhung kết hôn với Tuấn, giám đốc công ty. Tuấn, một chàng trai tuấn tú khá kẻng trai, một kỹ sư hóa giỏi chuyên môn, có tài quản lý, kinh doanh; Tuấn còn là người chồng mẫu mực, thủy chung. Hai người lấy nhau, sinh được một cô con gái kháu khỉnh. Cuộc sống hạnh phúc những tưởng được bền lâu, ai ngờ Tuấn gặp phải một vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường đi công tác. Tuấn qua đời ở tuổi bốn mươi, một độ tuổi đang tràn đầy sinh lực và cả con đường công danh đang rộng mở ở phía trước.

Tuấn mất là một tổn thất lớn với Nhung, giống như một người từ đỉnh núi cao rớt xuống vực thẳm. Những ngày tháng đó là những tháng ngày vô cùng khủng khiếp với Nhung. Thân hình gầy ốm, nhan sắc héo hon ai nhìn thấy Nhung cũng phải rơi lệ. Một phụ nữ chưa đầy ba mươi tuổi đã phải sống cảnh góa bụa. Tuấn mất đi để lại cho Nhung một gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của Nhung. Với đồng lương còm cõi của thời bao cấp phải nuôi con nhỏ, nuôi cha mẹ chồng già yếu, các em chồng đang còn ở độ tuổi ăn học. Những năm tháng ấy Nhung phải gồng mình lên để sống, để gánh vác mọi công việc gia đình. Ngày đi làm ở công sở, tối vế mua đầu nọ, bán đầu kia, khi thì chai rượu, lúc hộp bánh, bao thuốc... để kiếm thêm chút tiền nuôi gia đình. Những người sống trong cùng khu phố với Nhung dạo ấy tâm sự: “Đêm đêm thấy cô Nhung thân hình gầy yếu, vận chiếc áo sơ mi màu nâu cũ kỹ, lọc cọc đạp chiếc xe đạp cũng cũ kỹ đi bỏ hàng ai cũng thương. Nhiều đêm để con ở nhà với ông bà, con bé đói sữa khóc sưng cả mắt, khản cả tiếng mà mẹ thì mãi tới quá nửa đêm mới về. Chị em phụ nữ trong công ty thấy hoàn cảnh của Nhung vất vả, khổ sở ai cũng thương nhưng chẳng giúp đỡ được nhiều. Bởi sống ở thời đó ai cũng vất vưởng, cũng thiếu thốn như nhau, cả nước đói nghèo hỏi biết làm sao được!”.

Với nghị lực của một người phụ nữ từng trải qua lửa đạn chiến tranh, Nhung đã vượt qua được sóng gió của thời bao cấp, sóng gió của cuộc đời nuôi cô con gái lớn khôn, nuôi sống cả gia đình. Lê Thị Nhung là một tấm gương cho anh chị em trong tổng công ty bia rượu học tập, bè bạn, bà con lối phố nể trọng.

Thương người con dâu hiếu thảo, tuổi đời còn trẻ phải sống cảnh “Mẹ góa, con côi”. Cha mẹ chồng nhiều lần khuyên Nhung đi bước nữa. Nhưng vì thương cha mẹ già, thương các em, Nhung định bụng ở vậy nuôi con, nuôi cha mẹ, làm chỗ dựa cho cả gia đình:

- Con đi bước nữa thì cha mẹ sống ra sao.

- Con đừng lo. Giờ các em con đã khôn lớn, đứa nào cũng có công ăn việc làm, cha mẹ già đã có xã hội. Thời buổi nay không ai chết đói đâu mà sợ - cha chồng thường lạc quan nói với con dâu.

Ở tuổi bốn mươi, cái tuổi hồi xuân nhìn Nhung vẫn trẻ đẹp, hồng tươi như thời con gái. Có nhiều đấng mày râu ở độ tuổi trung niên lân la tìm đến xin được cầu hôn, nhưng Nhung khéo léo tìm cách khước từ.

*

Khi Nhung bước sang tuổi bốn lăm, cha mẹ chồng lần lượt qua đời. Trước lúc lâm chung, cả cha lẫn mẹ đều trăn trối khuyên nhủ con dâu đi bước nữa. Anh chị em trong gia đình và bè bạn động viên Nhung nên đi lấy chồng để sau về già ông, bà dựa vào nhau, chăm sóc cho nhau lúc trái gió trở trời. Hồng, một cô bạn thân thiết nhất của Nhung, cũng làm việc trong công ty, Hồng đã tạo điều kiện cho Nhung làm quen với Viên, một người bạn của chồng mình. Hồng thường tổ chức bữa cơm thân mật ở nhà vào ngày chủ nhật, mời Viên và Nhung đến ăn để hai người có điều kiện gần nhau.

Viên là một sĩ quan quân đội về hưu non, người cao lớn, có giọng nói oang oang như chiếc loa phóng thanh. Ai mới lần đầu tiếp xúc, nghe Viên nói phải giật mình. Viên đã ngoài bốn mươi xuân vẫn sống phòng không. Nhiều lần gặp nhau lại thêm có sự vun vào của vợ chồng Hồng, Viên và Nhung đã kết thành chồng vợ.

Viên và Nhung sống với nhau mấy năm đầu khá hòa hợp, mặc dù Nhung đã qua một đời chồng, có con riêng lại nhiều hơn Viên hai tuổi. Hai người có với nhau một cậu con trai bụ bẫm. Cuộc sống như vậy những tưởng hai người sẽ chung sống với nhau trọn đời. Nhưng ở đời ai học hết được chữ ngờ. Khi cậu con trai được năm tuổi, lúc này Nhung đã bước sang cái tuổi cận kề năm mươi nhan sắc đã có dấu hiệu nhạt phai, mái đầu đã có những sợi bạc. Nhung không còn mặn mà chuyện trăn gối. Viên trở chứng, thường viện lý do vắng nhà, không còn mặn mà với vợ. Mỗi khi tiếp xúc với vợ con vẻ mặt cau có, quát nạt om sòm. Có những chuyện không đâu vào đâu, cũng làm cho lớn chuyện. Vợ nói lại là lập tức Viên ra đòn lúc thì đá, khi thì đấm. Viên coi vợ mình như kẻ làm người ở trong nhà. Viên so đo tính toán chi ly với vợ từng đồng. Chi tiêu hàng tháng trong gia đình, Viên phân công: tiền điện sinh hoạt và tiền điện thoại bàn Viên chi, tiền ăn uống hàng ngày Nhung chi. Tính thu nhập hàng tháng lương của Viên nhiều gấp đôi lương của Nhung. Sống ở một thành phố du lịch, vật giá mỗi ngày một cao vọt. Với đồng lương nhân viên văn phòng, để đủ cho ba bữa ăn của hai vợ chồng và một đứa con, Nhung phải tính toán chi ly đến từng đồng xu. Đã vậy Nhung vẫn còn bị chồng chửi là vụng về, không biết chế biến, nấu nướng. Không ít lần Viên bưng cả mâm cơm hất đi chỉ vì không có thức ăn ngon, hợp khẩu vị của mình.

- Cô nấu thế này cho chó ăn chứ đâu phải cho người. Mỗi lần Viên chửi, Nhung chỉ biết nín thinh không dám mở miệng nói lại một lời.

Chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” đã diễn ra nhiều ngày, nhiều tháng. Để giữ hòa khí trong gia đình, Nhung đã nhẫn nhục chịu đựng. Mỗi khi bị chồng khủng bố, Nhung lại lên tâm sự với vợ tôi: “Em khổ quá chị à. Mấy bữa nay ổng ấy chửi em, hành hạ em lại cấm không cho em gặp gỡ, quan hệ với con gái em”. Bạn bè và cả anh chị em trong gia đình thấy hoàn cảnh của Nhung khổ sở như vậy, họ đã khuyên Nhung ly hôn quách cho xong. Vì thương đứa con trai còn nhỏ dại, vả lại đây là lần thứ hai sang đò, Nhung không muốn phải dang dở nên tủi nhục mấy Nhung cũng không nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng Nhung đâu biết, cái gì đến ắt nó phải đến. Mình cố níu kéo cũng không được. Giống như dòng nước lũ dâng cao mà đê điều thì yếu.

Một buổi sáng, như lệ thường, năm giờ Nhung thức dậy, vô bếp nấu ăn sáng, cũng thời điểm này, ở phòng ngoài, Viên và thằng con trai, hai cha con cãi lộn nhau vì một chuyện cỏn con. Cậu con trai dậy sớm, đụng vô chiếc láp tóp mới mua của Viên gây ra một lỗi nhỏ gì đó, máy không hoạt động. Hai cha con đổ lỗi cho nhau:

- Cha làm hỏng sao lại đổ tại con - Cậu con trai sụt sùi khóc. Ông cha chạy đến, đứng trước mặt con gào thét:

- Mày là kẻ phá hoại, đồ bỏ đi, thằng mất dạy!...

Thấy hai cha con mới sáng ra đã cãi nhau, la hét to tiếng ảnh hưởng đến cuộc sống yên tĩnh trong khu tập thể. Từ trong bếp Nhung nói vọng ra, giọng nhỏ nhẹ, van lơn:

- Tôi xin hai cha con. Đừng cãi nhau om sòm nữa. Hàng xóm láng giềng người ta cười cho. - Viên không im mà còn la lớn hơn:

- Mày biết gì. Im cái miệng đi. Đồ... Con... đ...

 

Can ngăn không được lại còn bị chồng xúc phạm. Cơn phẫn uất lên cao, đầu óc quay cuồng làm cho Nhung ngã lăn ra sàn nhà bếp, đầu đập phải chạn bát. Thấy mẹ nằm bất động, thằng con trai hoảng hốt kêu la ầm ĩ. Những người trong khu tập thể nghe tiếng kêu vội vã đổ dồn về căn phòng nhà Nhung, người xoa bóp, người làm hô hấp... người gọi xe cấp cứu. Sau ít phút xe của bệnh viện lên. Các bác sĩ sơ cứu, thấy mạch đập rất yếu liền chuyển gấp vô bệnh viện. Bệnh nhân vừa đặt lên giường, đã tắt thở, tim ngừng đập. Tất cả những máy móc hiện đại của bệnh viện cũng bất lực, không có phép mầu nhiệm nào làm cho trái tim Nhung đập trở lại. Bác sĩ kết luận: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến tử vong.

 

Nha Trang, thu 2011

Xuân Tuynh
Số lần đọc: 1670
Ngày đăng: 16.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Người Chiến Binh Ánh Sáng - Cao Thu Cúc
Quế - Lê Văn Thiện
Sáu Bẹo - Mang Viên Long
Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên
Chiếc điện thoại trong tủ lạnh - Vũ Lập Nhật
Giả Vờ Yêu Nhau - Tiêu Đình
Đĩ Xược - Nguyễn Lệ Uyên
Sóng Cuộn Miền Hoang Vắng - Minh Khanh
Riêng Trong Riêng - Tiêu Đình