Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
943
116.655.713
 
Trần Ninh Hồ và “Lữ Thứ với con người”
Phạm Lưu Vũ

Biết một, nói mười thì chỉ là học trò của người nghe, bất kể người nói “mười” ấy là kẻ sĩ, học trò, hay phu xe...

 

Ngược lại, biết mười, nói một luôn luôn là thầy của người nghe, bất kể người nói “một” ấy là phu xe, học trò, hay kẻ sĩ...

Người viết những dòng này từng mạn ý đùa nhà thơ Trần Ninh Hồ bằng mấy câu “chân dung” rằng: “chí làm người dư thừa can đảm / bén duyên nhau nói nhảm cũng hay...” Ai đã từng gặp nhà thơ, đều công nhận rằng anh nói rất hay, rất có duyên. Không gặp người, gặp cảnh thì nửa câu cũng không buồn há miệng. Gặp rồi thì chuyện nổ như ngô rang, đề tài biến ảo như mây bay, chớp giật, cứ thế mà liên miên bất tuyệt, không thể đoán trước anh sắp nói điều gì. Với anh, hình như kiến thức lúc nào cũng sẵn sàng tuôn ra như suối, lúc nào cũng mang sẵn chất hóm hỉnh của cả một nền văn hoá trong đầu. Nói như thế để thấy sự uyên bác ở anh đã trở thành máu thịt, thành tự nhiên đến nỗi anh chẳng muốn làm “thầy” của bất kì người nghe nào (mặc dù có nhiều người nghe vốn tự coi mình như vậy), anh chỉ là “bạn”. Nhưng anh chính là người biết Mười, chỉ mới nói có Một đấy thôi.

 

Có bạn trẻ mới tập làm thơ, bèn mang thơ mình đến đọc cho một nhà thơ đã có danh tiếng nghe để xin ý kiến. Nhà thơ danh tiếng ấy xua tay bảo: “tớ chỉ là người làm thơ, không phải bậc thẩm thơ. Cậu có biết ông Trần Ninh Hồ thì nên đọc cho ông ấy nghe. Ông ấy mới là bậc thẩm thơ thiên tài. Chính tớ cũng chỉ đọc thơ cho ông ấy nghe là thú nhất mà thôi”. Trần Ninh Hồ đã nghe thơ của nhiều người, già có, trẻ có, thành danh có, chưa thành danh có... Những người từng đọc thơ của mình cho Trần Ninh Hồ nghe, có người tiếp tục làm thơ, và ngày càng làm thơ hay hơn, có người tuyệt không bao giờ mơ tưởng đến chuyện thơ thẩn gì nữa.

Và, đó có phải là cái “đạo” “nói”, “đạo” “nghe” của thi sĩ họ Trần.

 

“Lữ thứ với con người” chính là một cách “nói” như thế bằng thơ. Ở đây, người ta bắt gặp không biết tư tưởng là thơ, hay chính thơ là tư tưởng. Nói thực, ở một cấp độ nào đó, đây chính là điều mà một số người yêu thơ anh có khi cảm thấy bất mãn. Bất mãn vì chất “lý sự” cứ len lỏi giữa những câu thơ, có khi “nó” tụt tạt đâu đó, có khi lại cố chen lấn lên hàng đầu. Bài: “Mới và cũ“ mở đầu tập thơ, sau một hồi toàn những “đầu cua tai nheo”, rốt cuộc “thò” ra cái đuôi nói về lửa (cốt): “làm sáng lên và đốt nóng điều gì.” Vâng! Thơ muôn đời chỉ chia ra hay, dở, cũng như lửa kia cốt sao đừng là lửa “ma trơi”. Mới, cũ mà làm chi, phỏng có gì quan trọng: “Hôm nay thì cũng là mai đấy rồi”... “Lý sự” đúng như thế, ai cãi vào đâu được. Nhưng “đúng” hình như không phải là tiêu chí của thi ca. Có ai lại đi khen một nhà thơ rằng: “thơ bác đúng quá, đúng không chê vào đâu được”. Khen như thế chắc người được khen sẽ phải lấy làm buồn. Và, trong cái mạch “lý sự” ấy, có khi ý tưởng của nhà thơ đã chín nẫu ra rồi, mà câu thơ dẫu hay, vẫn có gì sậm sựt: “muốn làm lại giấc mơ phải làm lại sự thật / muốn mơ cho ra hồn đâu phải chuyện... lơ mơ” (“Trang điểm”)...

 

Nhà văn Xuân Ba, một “hảo hán” bên làng văn, làng báo, trong một lần nghe nhắc đến Trần Ninh Hồ, “hảo hán” ấy giơ ngón tay cái lên mà gật gù: “Ninh Hồ ư?” rồi đọc liền một mạch: “Buồn như lau cũng một thuở làm cờ...”; “Bao năm thì gọi một thời / Một thời dài mấy kiếp người người ơi...” rồi: “Đời như tiệc, tiệc tàn ly chén bể / bỗng bàng hoàng nhớ một dáng quê xưa...”. Kể như thế để thấy rằng Trần Ninh Hồ có những bài thơ, những câu thơ đã gieo vào tận “hồn vía” của người đọc. Một đám những kẻ “ngoại đạo” (trong đó có người viết) một hôm bỗng lên cơn tranh luận rằng “nhà thơ” và “thi sĩ” có phải là một không. Rõ ràng có sự khác nhau, ít ra là về mặt chữ nghĩa. Nhưng hình như còn hơn thế nữa. “Nhà thơ” là một thứ “nhà nghề”, là người “làm” thơ, “nghĩ” thơ chuyên nghiệp. Còn “thi sĩ” chẳng phải nghiệp dư, nhưng cũng không là chuyên nghiệp. “Nhà thơ” buộc phải có thơ, ít ra cũng một vài tập. Còn “thi sĩ” có khi cả đời chẳng cần viết trọn một bài. “Nhà thơ” được định bởi người, còn “thi sĩ” ư?, đó mới thực là do trời định. Chính Trần Ninh Hồ có lẽ cũng nghĩ như thế khi anh hạ bút: “khi đã gọi là NHÀ thì đã hết THƠ” (“Ghi chép vu vơ”). “Lữ thứ với con người”, có bài được viết bởi “nhà thơ”, có bài được viết bởi “thi sĩ”. Những bài, những câu thơ do “thi sĩ” viết rất hay, có khi đạt đến tuyệt hay, đạt đến “nhẽ” của cõi người. Như bài thơ “Nghe chuyện một nhà thơ vô hình”, khi thi sĩ bảo: “Tôi vẫn viết về em dù tôi biết /ngay ngày mai em sẽ lấy chồng...”, thì “em” ở đây, phải chăng là cả cõi nhân tình?. Ở đời có khi không hiểu nổi một nụ cười? Tại sao như thế?. Chỉ cần đọc mấy câu thần bút: “Em có một nụ cười / Không làm sao tôi hiểu / Sau bao năm tháng trôi. / Có lẽ tại anh thôi / Anh - người luôn vắng mặt / Khi nước mắt em rơi.” (“Có một nụ cười”). Có bài lãng mạn đầy chất tráng ca (“Sông vắng”), lại có bài tả thực mà thương đến lặng người, đọc lên những muốn ôm mặt khóc (“Mùa thu này ta vẫn tìm em”). Đến như bài “Bến bâng quơ” thì hồn thi sĩ đã trào lên đỉnh điểm, vần thơ đẹp đến tuyệt trần: “Có hai người ở hai bờ / Có con đò cũ chẳng chờ sang sông / Có cây gạo đỏ rực đồng / Có ngày xuân đến mà đông không tàn / Có con chim mải về ngàn / Bỏ quên hoa. Thắm bàng hoàng bến sông.” Còn nữa những tuyệt trần như thế: “Ở đây thuyền nhớ bến / Bến có nhớ thuyền chăng? / Làm sao thuyền biết được / Khi bến đã thành băng.” (“Bất chợt miền băng giá”). Hoặc: “...  Cô đơn lại gặp cô hồn / Trầm luân lại hẹn trầm luân quá nhiều / Nếu Kiều biết trước mọi điều / thì cần chi có một chiều Đạm Tiên” (“Đường xa lại luận về Kiều”)...

 

Trần Ninh Hồ thi sĩ không cũ, thậm chí luôn luôn mới. Đố ai bắt gặp thi sĩ ấy lặp lại bao giờ. Nhưng những bài thơ, câu thơ đạt đến “nhẽ”, đến “đạo” của anh thì hầu hết đều “cổ điển”, nếu không thì cũng đầy chất “cổ điển” trong mỗi điệu, mỗi vần. Anh hình như không “khéo” lắm trong cách xuống dòng. Thơ “tự do” của anh, có bài xuống dòng như làm dáng, đọc lên nghe như diễn viên lồng tiếng trong phim nội bây giờ (ví dụ bài “Mừng đại thọ một nhà văn...”). Cũng có những bài hay, nhưng hay ở câu kết. Thì cũng lại là một dạng “tứ tuyệt”... mở rộng đó thôi (bài “Cãi với mình”)...

 

“Lữ thứ với con người” là một tập thơ chiêm nghiệm, chiêm nghiệm từ cõi “thực”, đến cõi “hư”, từ tình yêu, đến tình bạn, từ thi sĩ, đến triết nhân, từ khủng bố, đến hoà bình... Tám mươi mốt bài thơ trong tập là chín chín tám mươi mốt chiêm nghiệm khác nhau, vừa bằng số nạn của Đường Tam Tạng khi sang Tây trúc thỉnh kinh. Ghê thật, quả thực là “Lữ thứ với con người”. Trần thi sĩ nay cũng đã ngoài lục thập, ngọt bùi, cay đắng đã nhiều, nhưng vẫn còn rất trẻ, rất sung. Nhất là “ngôn” thì vẫn hồn nhiên bất tuyệt. Với những ai nữa thì không biết nhưng chỉ cần với một người, ví dụ thi sĩ Đặng Huy Giang chẳng hạn. Hai ông này mà ngồi với nhau ở đâu đó thì, lúc đi khỏi rồi, đến bàn ghế cũng ngơ ngẩn thất thần, cả căn phòng bấy giờ mới biết thế nào là vắng lặng. Ngoảnh lại với chừng ấy văn thơ, nghiệp quả để lại cho đời, Trần thi sĩ dẫu có chửa vừa lòng với mình, thì cũng có quyền rung đùi mà cảm khái rằng: “Có cần nữa một hai giải dút? / đã gọi “chùa” không Bụt cũng thiêng. / Ghế người trao quá chung chiêng / ghế vợ trao vững như kiềng ba chân. / Thì tiếc gì mấy lần hưng, phế / cõi nhân gian tử tế còn lâu. / Thế rồi ngồi tót đâu đâu...”

 

TP. HCM tháng 3/2005

(*) Tập: “LỮ THỨ VỚI CON NGƯỜI” của Trần Ninh Hồ, nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 12/2004.

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3788
Ngày đăng: 24.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)