Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
746
116.631.994
 
Ăn cơm nhà... (phần 5)
Phạm Lưu Vũ

1- Khách đến chơi, đến từ sáng sớm, chưa đặt đít đã nói liên tục. Nói trong lúc tôi pha trà, nói trong lúc tôi rót nước, nói trong lúc chờ nước nguội... Nước nguội đã lâu, khách vẫn không có lúc nào rỗi mồm để uống. Tôi bắt đầu ù tai, hoa mắt, bụng réo sôi ùng ục, thì ra đói, thấm thoắt đã quá giờ ăn trưa. Khách đang say nói, chợt có dấu hiệu dừng lại. Tôi mừng hú. Thì lại là một câu hỏi:

 

- Người ta thường bảo tôi nói nhiều. Cậu thấy đúng không?

- Em... à, em... - tôi còn đang rối trí...     

- Có gì đâu mà nhiều - Khách cướp lời - Tôi nghĩ mười đến mười hai tiếng ban đêm, lúc ngủ nghĩ đã đành, trong mơ cũng nghĩ. Nghĩ trong lúc ăn, nghĩ trong lúc uống, nghĩ cả trong lúc đại tiểu tiện... Nghĩ nhiều thế mà chỉ để nói có bẩy, tám tiếng ban ngày. Nói với một người, nói trước đám đông. Nói ở trong nhà, nói ngoài đường cái, nói giữa công viên, nói trong hội nghị... Nói suốt mấy chục năm nay. Nói hay khó đã đành, nói dở càng khó. Dở mà vẫn nói được, phải là người có bản lĩnh lắm, coi thiên hạ nhẹ như lông hồng. Không cần nhìn mặt ai, cứ nhìn tai mà nói. Trước mắt, hễ có từ hai cái tai trở lên, là mình có thể “diễn” được rồi. Nếu không tranh thủ nói, nói cho thật nhiều... thì làm sao tiêu hết cái sức nghĩ của tôi. Cái nghiệp sinh ra để nói nó thế. Vậy thì, gi sử bị coi là nói nhiều, nói dai... phỏng có lấy gì làm lạ?

 

- Ăn thua gì - tôi chợt nghĩ ra - bác làm sao đã nói nhiều bằng... Đức Khổng Tử ngày xưa.

- Khổng Tử nói nhiều lắm à? Nhiều như thế nào? – Anh hỏi.

- Không thể biết được Ngài nói nhiều đến thế nào. - Đến lượt tôi hùng biện - Chỉ biết rằng thời ấy làm gì có máy ghi âm. Ngài nói bao nhiêu, học trò chỉ nhớ lõm bõm, câu được câu chăng. Đến khi Ngài chết, học trò bèn nhặt nhạnh, gom góp lại, ai nhớ được câu nào thì chép ra. Thế mà được hàng bộ sách, gọi là Luận ngữ gì đấy, truyền đến ngày nay. Vậy chắc lúc sinh thời, Đức Ngài nói nhiều lắm, không phải chỉ nói bẩy, tám tiếng ban ngày như bác, mà có khi phải nói suốt ngày dài, lại đến đêm thâu, nói bằng mồm không kịp, phải nói bằng cả tay chân, nói suốt bẩy mươi năm cuộc đời... mới còn lại được như thế. Cứ suy từ bác ra thì biết. Đấy, bác nói mấy chục năm nay, thế mà những người từng nghe bác nói, hỏi đã có ai nhớ được câu nào chưa? Vậy thì, để “nói” ra được cả một bộ sách như Đức Khổng Tử kia, cứ tình hình này, chắc bác còn phải nói liên tục ... vài trăm năm nữa, may ra...

           

            2- Bạn đến mang theo một bao tải, gồ ghề những sách. Con Cún tưởng bao tải xương, hớn hở sục mõm vào đánh hơi, ngửi thấy mùi sách bèn lẳng lặng bỏ đi, mặt có vẻ ngượng. Sách mới in, quyển nào cũng giống quyển nào, dày dặn mấy trăm trang. Cả nhà đều được kí tặng. Già trẻ lớn bé, không thiếu một ai, thằng cu Tý mới đẻ ba ngày chưa kịp đặt tên cũng được tặng sách. Lại còn bên nội bên ngoại, cô dì chú bác, hàng xóm láng giềng... vinh dự này không chừa một ai, cứ việc đọc tên ra cho bạn đề tặng.

 

- In mấy nghìn cuốn đấy - bạn tay kí mồm khoe - năm nay thế là “ra” được mười hai tập, vừa vặn mỗi tháng một tập. Cậu thấy được không?

- Chưa ăn thua - tôi lấp lửng.

- Lại còn chưa ăn thua? - bạn phản đối - cậu thấy đấy, tớ mới bốn chục tuổi đầu, mà đã “ra” trên trăm tập sách. Tháng trước viết không nhiều bằng tháng sau, năm sau “ra” nhiều hơn năm trước... Đủ các thể loại, thơ có, văn xuôi có, lý luận phê bình... cũng có. Viết nhiều đến nỗi tớ không nhớ nổi tên những sách của mình đã in. Viết cật lực, viết ma ra tông, viết thi với thiên hạ, viết cuốn trước đã nghĩ đến cuốn sau, viết trang sau quên béng trang trước... Tớ sẽ viết liên tục tới năm bẩy mươi tuổi. Chắc chắn không dưới năm trăm đầu sách. Bút lực đến như thế, không phải là... nhất nước hay sao?

- Công nhận là bác viết khoẻ. Nhưng xem ra chưa ăn thua gì so với... lâm tặc.

- Sao lại so sánh cái sự viết của tớ với lũ lâm tặc? - bạn trợn tròn mắt hỏi.

- Thì giấy chả phải làm từ gỗ hay sao. -  tôi bắt đầu tính toán - Bác in mấy nghìn cuốn thế này, cũng phải tốn dăm ba khối gỗ. Vị chi đến giờ này, mình bác “tiêu” vài trăm mét khối. Tuy nhiên, cứ cho là bác viết liên tục tới năm bẩy mươi tuổi, cũng chỉ tốn khong trăm héc ta rừng đổ lại. Trong khi đó lâm tặc “xơi” hàng nghìn héc ta mỗi năm. Thế thì về mặt phá rừng, so với lũ lâm tặc kia, rõ ràng bác vẫn chưa ăn thua...

- Tuy nhiên, - tôi nói tiếp - cái sự viết nhiều của bác, so với lâm tặc, vẫn có chỗ khác nhau.

- Phải khác nhau chứ. Theo cậu, khác ở chỗ nào? - bạn hỏi.

            - Lâm tặc phá rừng thì môi trường bị huỷ hoại, đất đai bị xói mòn, cảnh quan phải thay đổi... Tóm lại là nó để lại nhiều hậu quả xấu. Tuy nhiên, gỗ ấy cũng chẳng mất đi đâu, chả lẽ chúng lại đem đốt, mà bán cho người ta làm nhà cửa, bàn ghế, đóng giường tủ, quan tài... Tóm lại nó cũng để lại được cái gì đó. Còn cái sự viết nhiều của bác, tuy cũng tốn rừng thật đấy, nhưng được cái... không để lại cái gì.

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3501
Ngày đăng: 12.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn cơm nhà... (phần 4) - Phạm Lưu Vũ
ăn cơm nhà... (phần 3) - Phạm Lưu Vũ
Mùa yêu - Nguyễn Thành Nhân
Họ đã yêu nhau như thế nào ? - Hồ Tĩnh Tâm
Cuộc họp mặt văn chương phương Nam - Hồ Tĩnh Tâm
Tổng ông kỵ mã - Lâm Triều An
Quê hương - Nguyễn Bá
Mùa xuân - nhớ về một kỷ niệm - Vĩnh Xuân
Tết cố hương - Thanh Giang
Bữa cơm gạo mới - Thanh Giang
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)