Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
845
116.690.031
 
Nhàn đàm với nghệ thuật
Nguyễn Huy Lộc

   

  Theo cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người khơi mở nguồn của minh triết Việt trong cuốn “Luận bàn về minh triết Việt” bàn rằng: “Minh triết là một sự hiểu biết sâu rộng và thực hiện ở con người, những sự vật, sự kiện hay hoàn cảnh, kết quả của khả năng lựa chọn hoặc hành động để tạo ra kết quả tốt nhất với ít thời gian và năng lượng nhất. Minh triết là khả năng đạt đến sự tối ưu, áp dụng nhận thức và sự hiểu biết để đạt được kết quả mong đợi. Minh triết là khả năng nhận thức được đâu là sai hay đúng đi đôi với đánh giá về hành động. Đồng nghĩa với thông thái, sáng suốt, thông tuệ. Minh triết thường đòi hỏi ở khả năng kiểm soát phản ứng và cảm xúc (niềm đam mê) vì thế một nguyên tắc là lý lẽ và sự hiểu biết sẽ xác định hành động. Điều đặc biệt là lời bàn trên ta thấy thật gần với ngôn ngữ của tư duy sáng tạo văn học – nghệ thuật. Và tinh giản hơn, ta thấy; ngôn ngữ biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình đã thể hiện trong: “…đòi hỏi ở khả năng kiểm soát phản ứng và cảm xúc (niềm đam mê) vì thế một nguyên tắc là lý lẽ và sự hiểu biết sẽ xác định hành động…”. Chỉ có điều, không phải bất kỳ người nghệ sỹ nào cũng có thể nhận thức được, trông thấy được và biểu hiện được điều đó trong tác phẩm của mình.

 

  Luận bàn là vậy, so sánh khiên cưỡng là vậy và lấy minh triết để tạo tiền đề cho sự tiêu dao trong nghệ thuật là vậy. Xét cho cùng thì lẽ bất biến trong tự nhiên cũng song hành với chuyển động khách quan và chủ quan trong vũ trụ. Phàm đã là người nghệ sỹ, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần một sự rung cảm nhất định với ngữ cảnh để  biến sự rung cảm thành cảm xúc mà cấu thành tác phẩm. Sự sáng tạo là một cái gì đó rất ma mị, rất mơ hồ và đặc biệt là rất trong sáng. Trong sáng ở đây là dụng bút tại tâm, là vô tâm với những tác động khách quan, tạp niệm bên ngoài. Cụ thể nhất là những “cái bóng” khi ẩn, khi hiện trong tiềm thức. Những tác phẩm đã xem, những lối tạo hình ưa thích và rất nhiều điều nữa hợp thành một mớ bòng bong để ngăn chặn luồng tư duy sáng tạo của người nghệ sỹ. Một lẽ tự nhiên trong sáng tạo nghệ thuật là áp đặt cái tôi chủ quan của mình lên đối tượng, Khi công bút, nội tâm không vẫn đục, áp chế sự ảnh hưởng từ vô thức để thăng hoa ý tưởng nhằm tạo nên tác phẩm (dù không đẹp) cũng là của riêng mình. Thật lòng mà nói, nếu vẽ bằng cái tâm của mình, tâm sao thì bút vậy, dù cho tất cả vẫn dở dang thì lòng vẫn sáng, trí vẫn thông với sự tự tôn nghệ thuật. Bằng không, khi buông bút mà trí năng vẫn nệ với giải thưởng, với nhuận treo, với giá tiền khi rao bán… thì “dạ nặng như chì” khi ấy làm sao tâm sáng, trí thông?

 

  Tại sao các dòng tranh dân gian Việt Nam, trải bao thăng trầm, biến cố với những “ …Thương hải biến vi tang điền” đến tận ngày nay trong cuộc sống bon chen, tranh giật mà vẫn có một sức cuốn hút lạ kì và sống mãi với thời gian như vậy? Câu trả lời chắc chắn đã ẩn chứa trong từng dòng tranh, từng tác phẩm bởi tính dung dị, chân quê và mộc mạc không tính toán thiệt hơn và bởi sự hồn nhiên… sự hồn nhiên của một cái tâm trong sáng, vô nhiễm với lụa là gấm vóc và những mệt mỏi thị phi. Vậy nên không cầu kỳ, không đa nghĩa, không suy luận, không chiết tự thì ai ai cũng có thể hiểu được một điều đơn giản rằng: “ làm nghệ thuật hãy cần một chữ Tâm”. Nhưng thật sự trong cái nhật lộ hỗn mang này ta có thắp đuốc đi tìm một cái tâm cho đúng nghĩa có lẽ là viễn vông, bởi xung quanh ta đầy rẫy những kẻ háo danh, hám lợi, mưu cầu tư hữu vay mượn nghệ thuật của người khác làm cái của riêng mình. Đứng trước hội đồng nghệ thuật thì “ vâng, dạ, xin, thưa” “điếu đóm khom mình” để được “ban phát” đôi ba giải thưởng. Đến khi trở về “cố quận” thì gác chân chữ ngũ, thuốc nhả khói tròn dạy dỗ đàn em cứ như mình là ông thánh. Mà đời nay thì thánh quá nhiều mà… chẳng thấy ma đâu. Suy cho cùng thì cũng là một lề thói, một sự suy đồi về đạo đức nghề nghiệp mà thôi. Nhưng có lẽ cái đau nhất ở đây là cái tôi cá nhân với sương mù tự kỷ đã che khuất góc nhìn của cái tôi nghệ thuật đến không thể thấy được ta đang bước đến đâu và ta đang đứng ở đâu.

 

  Có lần trong một buổi ”… tửu hậu” có một “nghệ sỹ” tóc dài quá vai vừa mới nhận giải thưởng về một cuộc vận động sáng tác, lim dim đôi mắt kể về thành tích của mình với một cái tôi tự tôn đến viên mãn. Các “nghệ sỹ” đầu đinh và “nghệ sỹ” râu dài say ngật ngưỡng chẳng nghe được gì, thế là “nghệ sỹ” tóc dài nhồi luôn vào bộ óc của cô tiếp bia xinh đẹp, làm cho cô ấy mắt chữ o, mồm chữ a mà không hề hiểu thế nào là nhịp điệu, bố cục, hòa sắc và trường phái gì gì ráo. Vậy nhưng phải đứng nghe và gật liên hồi vì… phép lịch sự.

 

  Lại có “nghệ sỹ” luôn luôn muốn áp đặt cái tôi của mình lên đồng nghiệp, rằng: “sáng tác là phải thế này, sáng tác là phải thế kia, phải tranh đấu cho nhân loại, phải đau với lẽ đời…” và …Đại luận diễn ngôn.Tay chém không khí, mồm văng nước bọt. Chỉ có điều là “nghệ sỹ” quên mất là mình đang “tự sướng” với chính cái tôi của mình…Ta hãy khoan bàn đến đúng hay sai mà hãy nghĩ rằng trí mỗi người mỗi khác, tài thì không phải ngày một ngày hai. Vậy nên tinh hoa phát tiết cũng như gió lạnh lập đông mà thôi…

 

  Vài dòng bâng quơ, nhàn đàm văn nghệ để tự soi lại chính mình. Tự vấn lương tâm nghề nghiệp, tự suy, tự diễn với một mớ lý luận cùng bản ngã cá nhân để gội rửa cái tâm tự mãn, cái ngã trong bọc điều để lâu dần thành quen và ngộ được chữ “Minh” trong nghệ thuật, chữ “Triết” trong dụng bút mà thanh thoát cõi lòng.

 

Nhân tâm xưa nay “Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy” vậy nên “…Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta, gió cát phù du bay về…”. Hy vọng rồi “con thuyền minh triết” sẽ đáo hồi bến mê và hát câu “Phúc âm buồn” lặng lẽ cho lòng người nghệ sỹ phiêu linh với con đường sáng tạo cam go.

 

     Bmt, 9/2014

 

 

Nguyễn Huy Lộc
Số lần đọc: 2387
Ngày đăng: 07.10.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trích dẫn văn của Kafka trong bản dịch "Lâu đài" (Thử Nêu Ra Chi Tiết Kỹ Thuật Viết Phức Tạp Qua Thứ Tự Các Chương Đoạn Của Tác Phẩm) - Trần Văn Nam
Gặp tác giả "Em ơi! Hà Nội Phố" ở quê nhà - Trần Trung Sáng
Tử vi Ai Cập - Nguyễn Hồng Nhung
Phép thuật của màu sắc - Nguyễn Hồng Nhung
Bản cầu hồn cho Điện Biên Phủ - Nguyễn Anh Tuấn
Những bí ẩn của bản thể - Võ Công Liêm
Nỗi cô đơn của châu Mỹ La Tinh - Bùi Hoằng Vị
Nỗi buồn của bà Chúa hoa rừng - Nguyễn Anh Tuấn
Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống - Tuệ Thiền
“ Lời tình buồn” . Thơ, nhạc và các bản dịch . Anh, Pháp, Ý. - Trương Văn Dân