Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
485
115.866.500
 
Bốn mươi năm thơ hải ngoại
Nguyễn Đức Tùng

 

Chương Một

THƠ Ở NGOÀI ĐẤT NƯỚC

 

Sau nhiều năm không ngó ngàng tới văn chương, tôi đọc bài thơ đầu trên bờ vịnh Songkhla, dưới ngọn đèn dầu. Ngoài xa, mặt biển đêm đen, im lìm như mặt nạ của cơn cuồng nộ. Mười bốn ngày lênh đênh trên sóng, bốn lần cướp biển, hai tháng trên một giàn khoan dầu Anh quốc. Trong dãy nhà nhỏ dựng bằng tôn và gỗ ván ép, chứa hơn trăm người, từ dưới một chiếc chiếu cũ, người bạn tình cờ tìm thấy tờ báo tiếng Việt quay ronéo từ trại tị nạn Hồng Kông, có lẽ một người đi trước bỏ quên hay cố ý để lại, và đưa cho tôi.

 

Trước đó, những gì tôi học từ bé trôi tuột đâu mất cả. Sau đêm ấy, tôi có dịp đọc thêm nhiều hơn, khi các báo gởi tặng từ khắp nơi bắt đầu đến được những trại tị nạn Đông Nam Á. Một số bài không có tên tác giả, không biết thơ viết trong nước hay ở hải ngoại, lúc nào, Nam hay Bắc, trong hoàn cảnh ra sao, nhưng những niềm vui tâm linh quen thuộc ngày xưa trở về.

 

Lưu vong là hiện tượng lâu đời, nhưng lưu vong ra khỏi đất nước mình, với số lượng lớn, lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm, như sau 1975, là hiện tượng mới. Mới, còn vì các phương cách lưu vong: di tản, vượt biển, bám càng máy bay, bám mạn thuyền, trèo tường, vượt rào, cuốc bộ, ra đi chính thức, ra đi bán chính thức, ra đi có trật tự, ra đi mất trật tự, bảo lãnh vợ chồng thật, vợ chồng giả, du học thật, du học giả, một dân tộc gồng gánh nhau dẫm đạp nhau nương tựa nhau ra đi.

 

Lưu vong được định nghĩa như sự tách rời khỏi quê hương có tính cách bắt buộc vì lý do chính trị, tôn giáo, hay kinh tế. Đó là một tình trạng di dân không tự nguyện, để phân biệt với di dân tình nguyện. Tình trạng lưu vong có thể được xác định dựa trên các yếu tố tinh thần, bị phân biệt hay ngược đãi, và như thế một người có thể lưu vong trên chính tổ quốc mình. Lưu vong gắn với mất mát, xa lìa, thương tiếc, và mặt khác gắn với quá trình hội nhập trên vùng đất mới. Tâm thức lưu vong và quá trình hội nhập là hai khuôn mặt của cùng một tình cảnh. Trong khi hoài niệm là quá khứ, thương tiếc là thụ động, thì lưu vong như một quá trình không phải bao giờ cũng bi đát. Ngược lại mới đúng: trong khi thường xuyên ngoái về cố xứ, người ra đi cũng đủ thực tế để nhìn xuống chân mình và đủ mơ mộng để nghĩ đến ngày mai tươi sáng trên vùng đất mới. Cô đơn là hành trang của người vượt biển, vượt tường, nhưng trong hành trang của họ không chỉ có chừng ấy, mà còn có hy vọng về tự do và thăng tiến, có niềm mong đợi nhiều khi mỏi mòn từ người thân quê nhà, trong cảnh khốn cùng, không thể ra đi như họ.

Hãy tưởng tượng ra em

ở một căn nhà lạ

mình em một ngôn ngữ

mình em một màu da

mình em một màu mắt

mình em một lệ nhòa

 

Hãy tưởng tượng ra em

ở nơi không định tới

 

Đó là đoạn mở đầu của bài thơ Hãy tưởng tượng ra em của Trần Mộng Tú, viết ngay sau tháng 4 năm 1975. Việc chọn dùng câu ngắn, có vần, lặp lại, làm cho bài thơ tựa ca khúc, đồng thời như lời kể. Tác giả giữ được sự thăng bằng giữa xúc động và lý trí, giữa ám ảnh quá khứ và cuộc sống hiện tại. Cuộc sống hiện tại có phải là một lựa chọn may mắn không? Lưu vong có phải là một lựa chọn?

Hãy tưởng tượng ra em

ở nơi không định tới

 

Không định tới không có nghĩa là không muốn tới.

Rõ ràng là thơ của người nữ viết cho người nam, chàng đâu đó, sống hay chết, tự do hay tù tội. Tình yêu của người nữ trên xứ sở mới là sự phản kháng hai lần đối với cuộc đời, số phận của một người Việt lưu vong và số phận của người phụ nữ đánh mất tình yêu. Bài thơ vừa độc thoại vừa đối thoại, kêu gọi đáp ứng. Trong khi đó, từ một nơi khác, trên quê hương, nhưng ngoài xã hội, một người đàn ông.

Đất lạ, người ta sống thế nào?
Trong lòng có sáng những trăng sao,
Có buồn bã lúc mùa trăn trở,
Có xót thương người qua biển dâu?

Những câu thơ của Tô Thùy Yên tôi đọc trong năm tháng xa lìa đã đánh thức, xô dạt, làm va đập trong tôi tình yêu thơ ca, tưởng đã chết, tình yêu đất nước, tưởng đã vô nghĩa. Tình yêu đất nước?

Những câu thơ nhiều hình ảnh mà ít ẩn dụ. Nhà thơ Canada Molly Peacock cho rằng, khi các xúc cảm dâng cao, nhà thơ có thể không kịp dừng lại với các ẩn dụ, mà di chuyển về phía vận động của đời sống (1). Đối với nhiều người, mặc dù không phải tất cả, sau năm 1975, căn cước một quốc gia bị đánh mất. Căn cước cá nhân bị đánh mất. Ý thức tập thể trở nên hỗn loạn: điều này xáo trộn các khái niệm vốn có của quê nhà. Sau một thời gian dài với những trăn trở tìm kiếm, có tính nghệ thuật, triết học, nền văn học miền Nam, trong đó có thơ, hình như bước dần tới giai đoạn cuối của những câu hỏi siêu hình. Những năm 1970 các nhà thơ ngày càng tách rời khỏi đời sống, tự mình trở nên xa lạ trước cuộc chiến máu đổ thịt rơi trước mắt: văn học miền Nam bế tắc. Những vấn đề xã hội ngày càng cấp bách, chiến cuộc ngày càng lan rộng, thì hình như các nhà thơ, trừ một vài trường hợp đặc biệt, đều có khuynh hướng từ chối nhập cuộc.

Cho đến khi mọi thứ bảo vệ họ sụp đổ.

Như thế nền thơ miền Nam về mặt chính thức chấm dứt vào ngày 30 tháng 4, thực ra còn kéo dài lâu hơn, nhiều tháng, nhiều năm trong những hoàn cảnh khác. Một số nhà thơ ở ngoài vẫn âm thầm viết, mặc dù tất nhiên không được xuất bản. Một số nhà thơ bị bắt vào trại cải tạo, hay nhà giam, viết về hoàn cảnh của mình: như Vũ Hoàng Chương, Cung Trầm Tưởng, Dương Kiền, Vương Đức Lệ, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Những nhà thơ vượt thoát đến được các trại tị nạn và các Đệ tam quốc gia: như Nguyên Sa, Du Tử Lê, Mai Thảo. Một số nhà thơ vốn sinh sống ở hải ngoại vào lúc ấy tiếp tục lên tiếng: như Thích Nhất Hạnh, mà công lao rất lớn trong việc cứu người vượt biển, Minh Đức Hoài Trinh, Nh Tay Ngàn, Thi Vũ. Nh Tay Ngàn, với bài thơ dài dằng dặc Nỗi liên đen tối vô cùng, lang thang bên trời Tây.

Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nổi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm

 

Chữ ngơ ngác, người mất quê hương như bị phụ tình. Đây là giai đoạn được đặt tên khác nhau: thơ miền Nam nối dài, thơ hải ngoại giai đoạn đầu. Loại thơ sau hạn kỳ sụp đổ, một thi pháp của tan rã.

Lưu vong là một hiện tượng ngôn ngữ, cũng rắc rối như một vấn nạn quốc tịch (2). Tôi nối kết, do đó tôi tồn tại. Tan rã là đứt mạch các chuỗi nối kết. Tôi không còn thuộc về ai. Nhưng thơ lưu vong không phải chỉ là thơ miền Nam nối dài. Từ trại tị nạn Hồng Kông, rất sớm, và sau bức tường Bá Linh, công đoàn Đoàn Kết, cách mạng nhung Tiệp Khắc, và nhiều sự kiện chấn động khác ở châu Âu, thơ và văn học hải ngoại còn được bổ sung bằng những cây viết tài hoa ra đi từ miền Bắc, với những quá khứ có thể khác, tâm sự khác, và tất nhiên, với văn phong khác: như Lâm Quang Mỹ, thơ của hội nhập, Thế Dũng, thơ của phản kháng, Đỗ Quyên, thơ của hồn Việt viễn xứ, như Châu Hồng Thủy, Đỗ Quang Nghĩa và nhiều người nữa.

 Chữ lạ, ngang tàng, Thế Dũng:

Dăm ngôi mộ trong hồn. Hoa héo úa
Âm ti cười văng vẳng tiếng đa đoan
Mây như khói tóc ai chiều thu xõa
Liệm làm sao? Dĩ vãng chửa tro tàn!
 

Ngày tháng mở giùm tôi từng ô cửa
Hốc tâm linh toang hoác một hang buồn
Tôi chưa chín nên tôi còn hăm hở
Hộc từng cơn! Thơ vỡ ngực ngậm hờn

 

Mới, thiết tha, phóng túng, Đỗ Quyên:

Chúng mình không có Vàng

không có Súng

không có Dây thòng lọng

không có cả Thuốc độc lẫn Thuốc mê

 

Chúng mình chỉ có Chữ

Chừng mực, sâu xa, Lâm Quang Mỹ:

Trong vườn Sôpanh
khúc dạo đầu thánh thót
Từng giọt rơi rơi
đến chật cả không gian
Là tiếng nhạc
hay là tiếng khóc
Về sướng vui
hay đau khổ ngập tràn.

 

Đọc một nhà thơ là phát triển cảm giác gần gũi, thân mật, như một tương giao trực tiếp. Cảm giác thân mật bắt đầu ở tiếng nói hay giọng điệu. Tiếng nói của ai? Của nhân vật trong bài thơ. Việc tiếp nhận các tin tức, sự thuật lại câu chuyện, nêu lên các nhận xét bao giờ cũng được tiếp nhận với sự dè dặt nếu chúng đến từ người xa lạ, và bạn dễ dàng tin tưởng hơn nếu chúng phát ra trong vòng thân mật. Thơ hải ngoại tập hợp nhiều cây viết khác nhau, không có một nhóm nào là tiêu biểu. Họ sống rải rác, làm nhiều công việc, với những xuất thân khác nhau, những tài năng khác nhau, chưa bao giờ được phân định rõ ràng về vị trí và mức độ đóng góp của họ, trừ những nhà thơ thành danh từ trước năm 1975 và mang theo quá khứ từ trong nước ra, hầu hết sau đó không viết được hay viết ít đi nhiều. Nhưng đó là những nhà thơ chia sẻ chung hoàn cảnh tha hương. Bất chấp những khuynh hướng phát triển nghệ thuật khác nhau, nền thơ hải ngoại gần như chưa lúc nào hoàn toàn vượt ra khỏi cái bóng của cuộc chiến tranh và các xung đột ý thức hệ ba mươi năm. Người ta chỉ có thể lẫn tránh một lúc.

Hay tin mẹ mất con không khóc

Lệ chảy vào tim suối não nề

Con mẹ tha hương sầu trắng tóc

Ngọn nào cho mẹ ngọn nào quê?

Hà Huyền Chi. Thơ Việt Nam xưa nay không kịp nói về tình mẫu tử, nó chỉ kịp nói về chia ly trong tình mẫu tử. Thơ chưa kịp nói về tình yêu, nó chỉ kịp nói về giọt lệ của tình yêu.

Bấm bụng rời nhau đầu Trăng Mật.
Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!

Minh Huệ (3). Mang bản chất tự do và cá nhân, tiếp nối truyền thống của các dòng thơ Nam, Bắc, tiền chiến, hậu chiến khác nhau, các nhà thơ hải ngoại không phải là những kẻ tự nguyện trở thành tiếng nói xã hội và chính trị: họ bị buộc phải rơi vào các tình huống ấy. Một nền thơ chịu nhiều va chạm khốc liệt, cải tạo, tù đày, hoàn cảnh khốn khổ của những người ở lại những năm ngay sau 1975, cảnh vượt biên, sự lưu vong, quá trình hội nhập ở quê hương mới đầy khó khăn, một mặt đánh bật nhu cầu về văn chương qua một bên giữa những người lưu vong đầu tiên, một mặt lại mang chúng trở lại, ngày càng sâu sắc hơn trên trang viết của các nhà thơ mới, thế hệ nối tiếp. Với những chất liệu thơ ca mới.

 

Chất liệu thơ ca được tạo nên không những bởi đời sống hiện tại mà còn bởi ký ức, dĩ vãng. Tuy nhiên đó là một dĩ vãng được làm sống lại, dĩ vãng sống lại ấy được nhào nặn theo ánh sáng của hiện tại và trở thành một công cụ nghệ thuật. Có quan điểm cho rằng một bài thơ không nhất thiết phải mang lại ý nghĩa mà chỉ cần là một đối tượng thẩm mỹ, nhưng không một bài thơ giá trị nào lại không có nghĩa. Trong một bài thơ thành công, tức là hay, sự yêu thích mà người đọc dành cho nó thường do vần điệu, hình ảnh, nhưng sự yêu thích ấy chỉ tồn tại lâu dài bằng ý nghĩa.

 

Ý nghĩa của thơ lại phụ thuộc vào sự tiếp nhận của người đọc, đến lượt sự tiếp nhận ấy chịu ảnh hưởng của quá khứ cá nhân và cộng đồng. Cần chú ý tình trạng chia cắt sau chiến tranh, giữa người ở thành phố và người lên rừng, giữa người cổ vũ đấu tranh giai cấp và giải phóng dân tộc và người không tin vào những chuyện hô hào ấy, thực ra đã khởi đầu từ rất sớm, những năm bốn mươi thế kỷ trước, vẫn tiếp tục kéo dài xuyên suốt nhiều thế hệ, vẫn tiếp tục, dù với cường độ có thể thuyên giảm, sự chia cắt văn hóa và sinh thái, và do đó khả năng tiếp nhận, của người Việt hải ngoại ra làm nhiều hệ thống: những di dân không tự nguyện, tức là lưu vong, và những di dân về sau, tự nguyện, mà quyền lợi cụ thể gắn bó chặt chẽ hơn với các thiết chế trong nước, nhưng đó không phải là sự phân biệt hoàn toàn, mà là sự đan xen nhau, tương tác nhau, làm phái sinh giữa chúng các hệ thống giá trị khác.

 

Nền tảng khởi đầu, và đến nay vẫn là một trong các tâm điểm, của thơ hải ngoại là ý niệm lưu vong. Lưu vong được hiểu là vượt ra ngoài cương thổ, nhưng đó không phải chỉ là một phân định địa lý hay lịch sử. Đó là một tình trạng đương thời và tức thời và ngay cả từ bên trong. Lưu vong kèm theo nó ít nhất bốn khái niệm, bốn quá trình: lòng hoài niệm; quá trình chấn thương và sự làm chứng cho một thời đại; sự hội nhập và các giao thoa; và sự đi tới, phát triển, thăng tiến. Nguyên Sa, ở Hoa Kỳ, hoài niệm.

Nửa khuya nàng đánh thức tôi dậy, nói dậy đi, dậy đi, giao thừa rồi. Tôi ngồi dậy. Chúng tôi mặc quần áo mới. Chúng tôi thắp nhang. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, ngồi tựa lưng vào nhau, hát cho nhau nghe bằng ánh sáng của những ngày mới gặp nhau. Khi nàng quay đầu lại, tôi thấy mắt nàng đỏ hoe.

Chừng mực, dịu dàng, nén lại. Từ trong các trại cải tạo trên khắp lãnh thổ Việt Nam, các trại tị nạn rải rác ở Đông Nam Á, các trung tâm chuyển tiếp ở Hoa Kỳ và các nơi khác, các nhà thơ đã bắt đầu tạo lập một xứ sở riêng của ngôn ngữ, một quê hương riêng của vần điệu. Ở ngoài dòng chính thống trong nước, thơ vẫn cháy như ngọn lửa nhỏ, tro than âm ỉ nhưng liên tục, ngày này sang ngày khác. Nếu cảm thức về trách nhiệm công dân lớn, thơ nghiêng về thời sự chính trị, nếu cảm xúc cá nhân lớn, sẽ có thơ tình hoặc thơ trữ tình, nhưng tất cả đều khởi đi một cảm giác thương xót, tiếc nuối, tái hồi phục, tái xây dựng. Ngôn ngữ thơ thay vì xác lập và làm tăng cường các đề tài, thì ngược lại chỉ làm chúng trở nên ngày càng dao động, đổi sắc, tạo nên không khí không bình an.

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca

ôi lâu quá không còn ai hát nữa

bài hát giờ cũng như một hồn ma

 

Du Tử Lê, tháng 7, năm 1977. Văn học lưu vong là văn học chấn thương. Trong khi được nhường chỗ bởi cái tôi, sự mô tả người khác vẫn phải nói lên tiếng nói của chủ thể. Sự chuyển dịch từ thơ ca truyền khẩu đến thơ in trên giấy đến thơ viết trên máy điện toán và lưu truyền trên mạng đã ngày càng song hành với sự dịch chuyển giữa cái tôi xã hội và cái tôi tâm tình, vừa làm tăng quá trình xã hội hóa vừa thúc đẩy nội tâm hóa và do đó cô đơn hóa con người. Thơ trữ tình chính trị tìm thấy chỗ đứng của nó như thế nào trong bối cảnh ấy? Tôi cho rằng cần sử dụng đến khái niệm tiềm năng. Trong những hoàn cảnh khó khăn hay bị hạn chế về một mặt nào đó, con người thường gác lại nhu cầu biểu hiện, nhưng chỉ cần các hạn chế ấy được cởi bỏ, chúng lại có dịp bộc lộ. Trong khi nhu cầu được bày tỏ cái tôi xúc cảm bị hạn chế ở miền Bắc thời chiến tranh, vì những lý do nặng về xã hội, và cái tôi chính trị không có dịp phát triển ở miền Nam, vì những lý do nặng về văn hóa, thì đến một lúc khi các hạn chế bị đập vỡ, chúng lại được thể hiện ra, và thể hiện mạnh mẽ. Thơ trữ tình không chỉ là thơ về cá nhân một người, mà bao giờ cũng là một chức năng xã hội, một nhu cầu giao tiếp.

Chua chát, ngạo mạn, mà thực, rất người, như Dương Kiền:

ngày 30 tháng ba
lót tót chạy về Phan Thiết
lót tót chạy về Sàigòn
cờ tướng vẫn bay oai hùng lẫm liệt
trên cột cờ Bộ Tư Lệnh
nhưng tướng ở đâu
bố ai biết ?
cứ chạy cái đã ra sao thì ra
kệ bà thằng nào không sợ chết

Lòng tin bị thử thách. Lòng tin là sự nương tựa của người này vào người khác, lúc ấy đổ vỡ. Khi biết cách nhìn lại quá khứ đầy thất vọng, thơ giúp vực dậy sự lành mạnh tinh thần. Những kẻ thất bại không có tính hài hước sẽ bị lịch sử bẻ gãy mau lẹ. Tin tưởng hơn, hy vọng hơn, từ trên một chiếc tàu vớt người vượt biển của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins Sans Frontières), năm 1988, nhà thơ Trang Châu:

Một chớm bình minh anh ra khơi 

Trùng dương bát ngát người mong người

Dang tay ôm cả chân trời rộng

Sóng vỗ thân tàu bọt biển bơi

 

Thơ ca là sự phóng chiếu thế giới lý tưởng của con người vào ngôn ngữ, trình bày các kinh nghiệm cá nhân được lặp đi lặp lại, trở nên điển hình, không những điển hình mà còn là những gợi ý, những khích lệ về hành vi con người mang tính cộng đồng. Vì vậy khi một cộng đồng có biến loạn, khi một dân tộc đứng trên bờ vực thẳm hay rơi xuống vực thẳm, lịch sử lật sang trang, ngôn ngữ thơ ca biến đổi. Trong khi trong nhiều năm thơ trữ tình ngày càng lấn át thơ tự sự, thì sau năm 1975 khuynh hướng tự sự và khuynh hướng xã hội ngày một rõ hơn. Mặt khác thơ trữ tình cũng biến đổi, dung nạp trong nó nhiều khả năng để phản ánh đời sống tâm hồn như một tấm gương của thời đại mình, một thế hệ bị tổn thất.

 

Con ơi từ buổi cha đi ấy
Ðã lớn lên thêm mấy khúc đời
Con hột máu rơi trên đất cũ
Cha ở đây cũng hột máu rơi

(Nguyễn Bá Trạc)

Một cuộc đời không hoàn tất. Người Việt sống ở hải ngoại không còn sở hữu quê hương nhưng cũng không hoàn toàn thuộc về đất nước định cư. Thế hệ đầu tiên, và một phần thế hệ tiếp nối ngay sau đó, dịch chuyển ở giữa một bên là quê hương bản quán không còn nữa và một bên là bờ bến mới hãy còn xa lạ. Những người di dân miễn cưỡng này (4) tạo ra một tập thể riêng biệt, một sinh quyển thứ ba.

Nếu đối với đất nước mới định cư họ có thể là gánh nặng, là tệ nạn, là nỗi khó chịu, hay niềm hy vọng, hay tất cả những thứ ấy, thì đối với bản quán, họ chỉ có thể là niềm hy vọng. Niềm hy vọng trước tiên là khả năng mở toang các cánh cửa của sự thật. Như Solzhenitsyn đã nói trong diễn từ Nobel 1971: “Chúng ta không được quên rằng bạo lực không và cũng không thể tồn tại dựa vào chính nó, nó gắn chặt với dối trá một cách không thể tách bạch được. Giữa chúng có mối liên hệ tự nhiên và hữu cơ: bạo lực chẳng có gì che đậy cho nó ngoại trừ dối trá, còn dối trá thì không có gì duy trì được nó ngoại trừ bạo lực.” (5)

Những thay đổi trong bút pháp của các nhà thơ hải ngoại, giao hòa giữa thơ trữ tình và thơ thế sự, làm nên một loại thơ có thể gọi là thơ trữ tình – thế sự, có thể thấy rõ trong nhiều trường hợp. Năm 1977, rất sớm giữa chuỗi ngày luân lạc, người Việt vừa khóc vừa cười trong thơ Cao Tần:

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Như thế là cười trước khóc sau; tự trào ban ngày mà khóc lặng lẽ ban đêm. Nhưng người Việt lưu vong phải mất hai mươi năm nữa để học cách chỉ cười. Thản nhiên, dửng dưng, không cần khóc. Chẳng hạn, Đỗ Kh và những nhà thơ cùng thời, trong nước và hải ngoại, và hiện nay ngày càng đông.

Anh muốn chụp gì cũng được

Nhưng mà em mỏi rồi làm ơn mau lên

 

Tới chừng nào anh mới hết phim

Phim trong máy ảnh, nhưng hết phim cũng là cách nói của nhiều người để chỉ sự kết thúc một giai đoạn lịch sử. Lưu vong là một tình trạng tinh thần có thể xảy ra trên chính quê hương mình. Vì vậy, đối với người tù sau này ra hải ngoại, tình trạng trước và sau ấy là liên lục, xuyên  qua các biên cương lãnh thổ, và cũng thế, niềm hy vọng của họ lặng lẽ nhưng mãnh liệt kéo qua thời gian, như Trần Dạ Từ trong tình yêu:

Đó là một buổi sáng tháng giêng rực rỡ
Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị thôi. Như ngày nào. Em tới

Tự chủ, triết lý. Người đi trong bóng tối không ngừng cầm chặt sợi dây nối kết họ lại. Nhưng sợi dây ấy càng bền chặt, sự nối kết càng vững chắc, khả năng đi lạc càng thấp, khả năng tìm ra ánh sáng thoát cảnh đêm đen càng cao.

Có những mối liên hệ trong xã hội vì quyền lợi ích kỷ, vật chất hoặc tinh thần, cá nhân hoặc phe nhóm, vì mê lầm cuồng tín, bảo thủ vô minh. Đó là những lực liên kết lỏng lẻo, tuy bề ngoài có vẻ gắn bó lâu dài, nhưng thật ra chỉ cần gặp thử thách là gãy đổ lập tức. Có những mối liên hệ lành mạnh, vượt qua các lợi ích trước mắt, các tâm lý a dua bầy đàn vốn đầy rẫy khắp nơi, nhờ vậy mà tồn tại vững bền, thậm chí càng vững bền hơn qua thử thách. Các liên kết ấy tạo nên bởi hy vọng, bởi lòng tin vào nền tự do không thể chết, bởi lòng chung thủy đối với các giá trị tâm linh của dân tộc.

 

Sao em móng phượng

để dài

khiến ta đi khuất

còn sai

mộng về.

(Thi Vũ)

Lưu vong không phải là một tình trạng thay đổi lập tức như tối chuyển qua sáng, mà là một quá trình. Đó là một kinh nghiệm chấn thương, và vì vậy có thể kéo theo nó các hội chứng hậu chấn thương (6). Cuộc sống tách rời bản quán có nghĩa là xa hoặc mất cha mẹ, anh chị em, bè bạn, láng giềng quen thuộc. Một đứa trẻ mất mẹ từ khi còn nhỏ có thể rơi vào bệnh kém phát triển thể chất và tinh thần, thậm chí có thể chết như trong các báo cáo của Spitz (7).

Tôi nhớ đến bài thơ Tưởng Niệm (8) của Giuseppe Ungaretti:

Tên anh là

Mohammed Sceab

 

Thuộc dòng dõi

Các tiểu vương

Tự tử

Vì mất quê hương

 

Anh yêu

Nước Pháp

Và đổi tên

 

Thành Marcel

Nhưng anh chẳng Pháp chút nào

Cũng không biết làm sao

Để chui vào, sống lại

Trong căn lều người di dân

Nơi bạn nghe tiếng cầu kinh

Vang vọng

Khi đang thưởng thức cà phê nóng

 

Người lưu vong mặc dù đã trưởng thành, đối với tổ quốc, vẫn là một đứa trẻ.

Sự lưỡng lự giữa hai thế giới tạo ra tình trạng căng thẳng. Sự có mặt và sự vắng mặt xen kẽ nhau, chiếm hữu nhau. Khi đọc chậm bài thơ của Ungaretti, tôi hình dung bức chân dung nhỏ bé, câu chuyện kể, giai thoại, hình dung thấy người lưu dân con cháu vương triều Hồi giáo, người cha già yếu, đứa con lưu lạc, hình dung sự lẫn lộn và lúng túng của Marcel ở Paris. Tôi ngửi mùi thơm từ tách cà phê trong tay chàng và lời cầu kinh vọng lại từ căn lều trên sa mạc. Hay trên đồng cỏ. Và cái chết. Cái chết không phải kết thúc mà là lời kinh cầu khác, hay lời cảnh tỉnh đối với các thế hệ.

Đi đi anh

có em sẽ chờ anh nơi bờ đê

mùa gió lên rơm rạ nở đầy trời

mảnh đất đã thấm đẫm oan khiên

vẫn thơm mùi lúa khoai mới gặt

em sẽ vốc lấy một nhúm và buộc chặt vào bâu áo

làm bùa chú tặng anh

có anh linh của người nằm xuống

có bóng hình của kẻ đang sống

chỉ còn niềm tin này

là bùa hộ mệnh của chúng ta

 

Thơ Lê Thị Huệ, 1984. Bạn ngửi được mùi thơm của nhành lúa mới. Trong những năm tháng tối đen của đất nước, con người tập hợp nhau lại, đi tìm sức mạnh của mình trong các nguồn cội dân tộc: văn hóa, thiên nhiên, tình yêu thơ ca. Mỗi chi tiết bị bỏ qua trong đời thường, mỗi tổn thương trong chiến tranh, những sự thật bị che dấu hay bị ruồng bỏ, đều trở thành nguồn cội của tinh thần mới. Bất cứ ký ức nào về nền tự do trước đây, về cuộc chiến đấu vì quyền tự chủ và tự do của họ, đều trở thành món gia tài quý báu của tập thể người ra đi. Ký ức trở thành một di sản được thừa kế.

Hơn thế nữa, hai mươi năm tuy thật dài đối với một cuộc chiến tranh, đối với sự chết chóc và khổ đau của con người, ở cả hai miền Bắc và Nam, lại tỏ ra quá ngắn, quá hẹp cho sự phát triển của thơ ca. Hình như thơ cần một thời gian dài hơn để cất lên tiếng nói mạnh mẽ của nó? Đó là lý do vì sao sau năm 1975, ngay cả trong những hoàn cảnh bị đàn áp và tù đày, rất nhiều nhà thơ vẫn tiếp tục viết. Và những người mới đến vùng đất tự do lại tiếp tục nhận lấy ngọn đuốc từ tay người đi trước, không phải của hận thù mà của tình yêu, không phải của ngụy tín mê lầm mà của sự tỉnh thức.

Trong một hội nghị về bệnh thấp khớp ở Canada gần đây, có một báo cáo khoa học làm tôi chú ý. Các nghiên cứu nhân chủng học ở loài vượn cổ đại cho thấy khi chúng sống thành đàn, hàng trăm con, bệnh khớp xảy ra với tần suất cao hơn mấy chục lần so với bệnh ấy ở những con sống nhóm nhỏ hoặc đơn độc. Kết luận: những con vật bị thấp khớp, trở nên tàn phế, chỉ có thể sống sót khi quanh chúng có những thành viên thân cận. Sự bảo vệ cộng đồng kéo dài tuổi thọ của chúng, do đó cho phép các bệnh mãn tính như thấp khớp có dịp lộ ra.  Điều sau đây, không có trong báo cáo, là hệ luận: một cộng đồng phải có tình yêu lớn thế nào mới dành thời gian và công sức để nuôi nấng và chăm sóc những thành viên già nua, ốm yếu, tàn tật.

 

Biển sao sáng xuống lòng tối thẳm
Đụng cây neo lạnh buốt bên mình
Mới nhớ mình ngồi đó suốt đêm qua
Giữa nghìn con sóng tới
Giữa ngần ấy sóng xa
Giữa đất tận trời cùng giữa chỉ một mình ta
Nghĩ mãi tới một điều
Không bao giờ tỏ rõ

Là ngọn sóng ấy đã mất tăm về phía bên trong
Cửa khẩu một đêm nào
Và ngọn sóng này chảy theo người
Từ cửa khẩu ra khơi
Có phải là sóng của hai trời

Đập mỗi sóng một bờ bến khác?
Tiếng đập gần nghe ào ạt kín trùm quanh mạn
Tiếng kia xa đã nhỏ dần một cuối đáy thời gian

 

Mai Thảo, ra biển. Khét mùi dầu mỡ loang loáng, vị muối mặn, mùi phân, nước tiểu, có phải không, lũy tre xào xạc, tiếng súng tiểu liên trên đầu, sóng đập, máy gầm rú, trẻ con khóc.

Trên bàn làm việc của tôi có một tờ báo dành cho sức khỏe thanh thiếu niên, có tên là “Me First”, tức là Tôi trước tiên. Chúng ta đang sống trong một thời đại của kỹ thuật, của phát triển kinh tế bằng mọi giá, của bạo lực, các giá trị nhân loại và dân tộc và thiên nhiên bị thử thách, của chủ nghĩa vị kỷ. Chúng ta được rao giảng mỗi ngày rằng các cấu trúc cộng đồng không quan trọng bằng lợi ích cá nhân, rằng bạn là một đơn vị độc lập, tự do cá nhân của bạn là trên hết. Tôi không thuộc về ai cả, tôi chỉ thuộc về tôi. Hoặc cùng lắm là phe nhóm của tôi.

Tinh thần lưu vong chống lại điều này. Trong khi tự do cá nhân và sự phát triển con người là thành tựu lớn lao mà nhân loại đạt được những thế kỷ vừa qua, thì cái giá phải trả của nó không ai được quên: chỉ có tôi là trước tiên, người khác là thứ yếu, cộng đồng là thứ yếu, sự liên kết giữa các cá nhân là thứ yếu. Lưu vong, nếu là việc rời xa bản quán để tìm đến nơi tự do, lại chính là một cố gắng làm ngược lại với hiện tượng tách rời. Lưu vong vì tự do là cố gắng chống lại các trấn áp và chia rẽ, sự chia cắt con người khỏi chỗ đứng của họ, mảnh đất của họ, tôn giáo của họ, nơi thờ phượng và tình yêu của họ. Cảm giác thuộc về một tập thể là cảm giác tin cậy ấm áp, cần thiết cho sức khoẻ thể chất, tâm thần và tinh thần. Trong khi con người tìm cách vượt qua các biên cương, đi tìm Cái Khác, họ cũng mở rộng thêm khái niệm quê hương.

Khái niệm quê hương của người Việt sống xa đất nước là nhân phẩm và khoan dung. Một cách lạ lùng, trong trạng thái tha hương, thơ tự nguyện trở thành một phần của cuộc sống, kẻ ghi chép của lịch sử, khi lịch sử không cần đến nó và thôi không tồn tại nữa. Thơ hải ngoại, vì tính chất tình nguyện ấy, mang trong nó số phận và sứ mệnh của lưu vong. Số phận, nên nó là thơ trữ tình, sứ mệnh, nên nó là thơ chính trị.

Ý nghĩa của lưu vong vượt ra ngoài khả năng trả lời của một cá nhân, một tập thể, thậm chí của nhiều thế hệ. Chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi đó của đời sống, câu hỏi về ý nghĩa, bằng chính đời sống của chúng ta, và vì thế, bằng cách chung thủy với các lý do đã làm phát sinh quá trình lưu vong, và kéo theo nó, được nâng đỡ trên vai nó, quá trình di dân, của chúng ta.

 

 

(Hết chương Một. Còn tiếp)

 

Chú thích:

(1)  Molly Peacock, The Best Canadian Poetry 2011, Prologue, Tightrope Books, 2011

(2) Caroly Forché, Against Forgetting, Introduction, Norton, 1993

(3) http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/chia-tay-dau-trang-mat-tho-v-loi-bnh/

(4) Hiện tượng di dân mấy chục năm gần đây được nghiên cứu sâu rộng, như trong lý thuyết hậu thuộc địa. Ở các nước có chính sách đa văn hóa như Canada, việc nghiên cứu di dân về khía cạnh tâm thần học, tâm lý học và xã hội học cũng phát triển mạnh, phù hợp với thời kỳ vượt biển, vượt tường của người Việt Nam. Nhà nghiên cứu Edward Said trước đây quan niệm hiện tượng di dân gồm ba loại: di dân bắt buộc hay cưỡng bách (Forced Migration), di dân miễn cưỡng hay lưỡng lự (Reluctant Migration) và di dân tự nguyện (Voluntary Migration) (Reperesentations of the Intellectual, The 1993 Reith Lectures, London Vintage, 1994). Căn cứ trên quan điểm này, hầu hết những người Việt ra đi trong thời kỳ đầu thuộc nhóm thứ hai, những người đến định cư sau này thuộc nhóm thứ ba. Những người bị trục xuất vì lý do chính trị thuộc nhóm thứ nhất, với số lượng ít hơn.

(5) Chân Phương: http://hoiluan.vanhocvietnam.org/?p=159

(6) Rối loạn hậu chấn thương (Posttraumatic stress Disorder) là một chẩn đoán tâm thần học; gồm có những tiêu chuẩn được liệt kê trong các tài liệu y học, như tiếp xúc với cái chết hoặc sự đe dọa dẫn tới cái chết, sự tổn thương hoặc hành hạ, các xâm phạm về tình dục:

Trực tiếp trải qua các sự kiện có tính sang thương

Chứng kiến tận mắt một sự kiện như thế xảy ra cho người khác

Biết rằng có một sự kiện như thế đã xảy ra cho gia đình hay bè bạn thân thiết

(American Psychiatric Association, Diagnostic Criteria from DSM-5)

(7) Bác sĩ Rene Spitz sinh ở Vienna, mất ở Colorado, có nguồn gốc Do Thái, sống nhiều năm ở Hungary, chịu ảnh hưởng của phân tâm học. Ông có nhiều tác phẩm và những bộ phim nói về sự phát triển của trẻ em mất mẹ và thiếu chăm sóc.

(8) Giuseppe Ungaretti, translated by Andrew Frisardi

IN MEMORY OF

His name was
Mohammed Sceab

Descendant
of emirs and nomads
suicidal
because he had no homeland
left

He loved France
and changed his name

He was Marcel
but he wasn’t French
and he no longer knew how
to live
in his people’s tent
where you can hear the Koran
being chanted
while you savor coffee

And he didn’t know how
to set free
the song
of his desolation

I went with him
with the proprietress of the hotel
where we lived together
in Paris
from rue des Carmes number 5
a run-down sloping alley

He lies
in the graveyard at Ivry
a suburb that always
seems
like a day
a street market
breaks down

And perhaps only I
still know
he lived

Locvizza, September 30, 1916

Các tài liệu tham khảo:

 

 

 

-        Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.

-        Gaston Bachelard, The poetics of space, Beacon, 1969

-        Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985

-        Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993

-        Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993

-        J.D. Mc Clatchy, The vintage book of contemporary world poetry, Vintage, 1996

-        Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998

-        Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000

-        26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002

-        Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005

-        Jennifer Ashton, From modernism to postmodernism, Cambridge Press, 2005

-        Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,

-        Agnieska Gutthy, Exile and the narrative/ poetic imagination, Cambridge Scholars, 2010

-        Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014

-        Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người Việt Books, 2014

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Đức Tùng
Số lần đọc: 3491
Ngày đăng: 02.05.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Học Hải Ngoại: Quy Tụ Thơ Hoài Hương Vào Những Vùng Trọng Điểm - Trần Văn Nam
Kháu khỉnh áo dài Việt Nam - Đỗ Quyên
Văn hóa ẩm thực ngày tết trong tâm thức Vũ Bằng - Trần Hoài Anh
Văn học Miền Nam(Chủ Đề Của Một Tạp Chí Về Người Lính Trong Văn Chương Và Nhà Văn Đô Thị Trước 1975) - Trần Văn Nam
Liên Hoa Kinh/ SADDHARMAPUNDARÌKA SÙTRA / LOTUS SÙTRA Đại Thừa Kinh / MAHÀYÀNA SÙTRA / GREAT VEHICLE SÙTRA Và Bồ Tát / BODHISATTVA - Võ Công Liêm
Qua Phố Hiến nghĩ về lễ hội Việt Nam - Hoàng Xuân Hoạ
Nhân hai bài thơ của Pháp Thuận, nghĩ đến Hình ảnh Văn hóa và Văn hóa hình ảnh - Thi Vũ
Thượng đế có hay không? - Cư sĩ Minh Đạt
Tôn giáo bị khoa học quật đổ - Hiếu Tân
Hát Cung văn - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
tạp bút 2 (tạp văn)
Chiếc Radio cũ (truyện ngắn)
Con mèo của Takashi (truyện ngắn)
Cây Sài Gòn (tạp văn)
Nồi Bánh Tét (truyện ngắn)
Trái tim (truyện ngắn)
Cô dâu (truyện ngắn)
Trưa Hoàng lan (truyện ngắn)
Mao ở Vũ Hán (truyện ngắn)
Xập xòe én liệng (truyện ngắn)
Câu thơ lục bát (tiểu luận)
Halloween (tạp văn)
Đêm Ukraine (điểm sách)