Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.700.772
 
Chánh Tả Việt Ngữ với hai phụ âm đầu d/gi(1)
Phan Văn Thạnh

 

 

Bản tin thời tiết trên màn hình VTV1(12g30,ngày18/10/2018) viết:“Bắc bộ chiều nay mưa giông vài nơi,đêm có mưa,mưa nhỏ rải rác, gió đông bắc cấp 2-3.

Cảnh báo: tố lốc - gió giật - giông sét”.

-tienphong.vn làm tin:“thời tiết ngày và đêm 14/10/2018 chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục 24 -26 độ vĩ Bắc.Trong ngày và đêm hôm nay Bắc Bộ thời tiết tốt tiếp tục duy trì, mưa chỉ xảy ra ở một vài nơi, nền nhiệt độ cũng tăng nhanh, nhiệt độ phổ biến trên toàn Bắc Bộ từ 29-31 độ C,đêm nay khi rãnh áp thấp dịch chuyển xuống nước ta ở khu vực vùng núi phía Bắc sẽ xảy ra mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh”.

Vậy thì về chánh tả viết dông (d ) hay giông(gi),cách nào đúng ? Để khỏi phải lướng vướng mỗi khi đụng tới con chữ,tôi tìm cách ‘thanh toán’luôn cho dứt một lần.

Dở Việt Nam Tự Điển(2)Hội Khai Trí Tiến Đức mục từdông (d)(trang156)cắt nghĩa): cơn mưa gió to -Trời nổi cơn dông–dẫn thêm ‘dông tố’: mưa to gió lớn;tìm đến mục từ giông (gi)(trang 222): nói gặp cái gì mà thành ra điềm không may : đầu năm ra ngõ gặp gái,hay giông cả năm.

Tra Hán Việt Tự Điển(3)của cụ Thiều Chửu chỉ tìm thấy từ “dương” (bộ phong): gió tốc lên,lật lên(tr.769) –Từ đó suy ra theo “luật tương đồng đối xứng của các âm thể”,các âm thể đồng tánh cách phát âm và đồng chỗ phát âm đi chung nhau,chuyển đổi lẫn nhau–‘dương’ - tiếng Hán Việt khởi đầu d cho ra tiếng thuần Việt cũng khởi đầu bằng âm d .

Như vậy theo các tự điển trên “mưa dông,dông lốc” phải viết d . Nhưng trên thực tế viết ‘d’ hay ‘gi’,đôi khi vẫn chưa có sự nhất trí .

Vậy làm cách nào phân biệt,viết đúng hai phụ âm đầu d-gi,cả hai đều cùng âm vị /z/ ? (âm vị là đơn vị tối thiểu của hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ dùng để cấu tạo và phân biệt vỏ âm thanh của các đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ).

Như chúng ta biết chữ Việt là lối chữ tiêu âm.Phát âm đúng thì viết không sai chánh tả,bởi nói sao viết vậy.Nếu phát âm không chuẩn và các từ điển không nhất trí cách viết thì chánh tả trở nên phiền phức.

Lâu nay người ta thường viết chánh tả theo 4 cách :

1-Theo giọng đọc,nghe sao viết vậy

2-Theo phương pháp phân biệt,để tránh lầm lẫn.

3-Theo sự quen dùng,viết theo phần đông,không cần hiểu nguyên lý

4-Theo tự nguyên – đối chiếu,truy gốc xuất phát

Về âm giọng,chuẩn hay không tùy thuộc bộ máy phát âm; dân tộc có ‘hầu khẩu kín’nghe trong rõ,bởi các âm tơ châu khít gần lỗ yết hầu,luồng hơi trong phổi phát ra thì đụng liền các âm tơ mà ngân lên thành tiếng;dân tộc có  ‘hầu khẩu hở’ nghe nặng hơn:các âm tơ dang ra môt chút,lỗ yết hầu hở nhiều;luồng hơi trong phổi phát ra phải trễ lại mới đụng kịp âm tơ mà thành tiếng.

Giọng Nam Bộ trại xa giọng Bắc Bộ,theo GS Lê Ngọc Trụ - có lẽ nhờ khí hậu,đất đai phì nhiêu dễ sinh sống của đồng bằng sông Cửu Long mà người miền Nam  ‘ít chịu khó’ (principe du moindre effort) – tật mà ông Phan Văn Hùm gọi là ‘lười tự nhiên’ - ưa nói những vần ‘dễ’,thêm tật ‘ít chịu khó’– đã đổi luôn mấy vần khó cho trở thành vần dễ,lâu ngày thành quen,không sửa chữa được và không biết sai mà sửa.Bởi muốn phát âm đúng giọng phải sửa khẩu hình miệng.Thí dụ với vần ‘ay’phải nhách môi ra sau nhiều hơn vận ‘ai’;vần ‘iêm,iếp,iêu’phải kéo dài nghe rõ âm ê; vần ‘au’phải túm miệng nhiều hơn so với vần ‘ao’ ;vần ‘uôi,ươi,ươu’ phải kéo dài nghe rõ âm ô,ơ ; với giọng ngã,phải kéo dài đè xuống gần giọng nặng rồi đỡ lên giọng sắc liền …Đối với người miền Nam đó là những giọng ‘khó’. Nói mà còn phải sửa giọng rất phiền phức nên họ đã gộp mấy giọng ‘cầu kỳ’ấy vào các giọng ‘dễ’, để mở miệng ra là phát ngôn được liền.

Chính vì tật‘ít chịu khó’,giọng Nam Bộ thường phát âm gi ra – bởi với âm gi (âm cúa) - phải cho đầu lưỡi hạ khỏi chân răng hàm dưới,lưng lưỡi sát gần cúa.Luồng âm phát ra bị chia đôi nên bị yếu hơi;phải thêm sức xịt nhấn mạnh giọng cúa mới ra âm gi - do đó khó hơn là phát âm d(âm nướu).

Để viết đúng chánh tả Việt ngữ,thường theo nguyên tắc“luật tương đồng đối xứng của các âm thể” - các âm thể đồng tánh cách phát âm và đồng chỗ phát âm đi chung nhau và đổi lẫn nhau.Như trường hợp âm d- tiếng Hán Việt khởi đầu cho ra tiếng thuần Việt cũng khởi đầu bằng âm d: (dị>dễ; dụ>dỗ;duệ>(dòng)dõi;diệt>dứt;dụng>dùng;di>dời;dương>dông(gió)…)

Lội sâu vào ‘khu rừng’chánh tả Việt Ngữ rất nhức óc,do vậy để viết đúng ký tự mặt chữ ngoài việc phát âm chuẩn còn phải nắm được một số nguyên tắc về sự chuyển gốc,chuyển lẫn từ tiếng Hán Việt sang tiếng nôm thuần Việt.

Tất nhiên thông thường chúng ta không cách chi nhớ hết ‘mẹo luật’.Sự chưa nhất trí về chánh tả một phần là do yếu tố phát âm vùng miền - và không phải ai cũng là ‘chuyên gia ngôn ngữ’ để lúc nào cũng phát âm chuẩn tuyệt đối,biết rành rẽ mẹo luật.Do vậy khi đặt bút viết thấy ngờ ngợ,thì chỉ có nước ‘cầu cứu’ đến tự điển.

Học giả Nguyễn Hiến Lê có dưới tay hàng trăm đầu sách xuất bản,đã chia sẻ :“Tôi rất chú trọng đến chánh tả và sự dùng chữ cho đúng.Chỗ ngồi viết,sau lưng tôi kê một cái tủ mà hai ngăn chứa toàn tự điển non hai chục bộ lớn nhỏ: Việt,Pháp,Anh,Hán tự điển,văn liệu,điển tích,đồng âm,đồng nghĩa …;tôi chỉ cần quay lại,vói tay là lấy được liền”.Và ông đã“làm một cuốn sổ tay chép những tiếng chưa thuộc chánh tả,và sắp theo ba mục:tiếng bắt đầu CH,TR;tiếng bắt đầu D,GI,R ; và tiếng bắt đầu bằng S,X.”(tr.400 - Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - NXB Văn Học,1993)

Viết đúng chánh tả,biết trân trọng giữ gìn sự chuẩn xác,trong sáng Quốc Ngữ là cách giữ vững phần hồn cốt văn hóa,phẩm chất dân tộc Việt - chính nó là sức đề kháng tinh tế,sâu sắc,mạnh mẽ trước những yếu tố ngoại lai xâm lấn.

Từ vựng nào chưa rõ hãy truy đến cùng- Bởi“thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời” !

 

 

 

(Saigon,2015 viết lại 19/10/2018))

(1)Bài viết tham khảo tài liệu  củaGS Lê Ngọc Trụ (1909-1979): - Chánh tả Việt ngữ (I, II), Nxb Nam Việt,1951(tái bản thành một cuốn- Nxb Trường Thi,1960) - Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb Thanh Tân,1960 -(đạt Giải thưởng Văn chương, bộ môn biên khảo1971).

(2)Việt Nam Tự Điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Imprimerie Trung Bắc Tân Văn - Hà Nội,1931.

(3)Hán Việt-Tự Điển -Thiều Chửu –Xuất bản 1942,Nhà in Đuốc Tuệ 73 Phố Richaud Hà Nội.

 

 

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1962
Ngày đăng: 22.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes (phần 2) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về tên gọi và cách đọc (phần 11) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài suy nghĩ về ‘Phép Giảng Tám Ngày’ (phần 9) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc tên gọi 12 con giáp - Tuất *swot chó (phần 12A) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng chớ (gì), kín ... (phần 3) - Nguyễn Cung Thông
Cách xưng hô và thứ bậc trong gia tộc, xã hội thời xưa - Vương Trung Hiếu
Tản mạn về năm Dậu - *rơ(ka) - gà (phần 14A) - Nguyễn Cung Thông
Hệ lụy chữ Hán - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)