Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
855
116.687.864
 
Văn Khoa ngày ấy - Nhớ Thầy Bửu Cầm
Phan Văn Thạnh

 

 

                                           GS Bửu Cầm (1920-2010)

Mỗi bận về ngang Văn Khoa Saigon – nay là ĐH Khoa học Xã Hội Nhân Văn Tp HCM – tôi đều ngóng mắt nhìn tha thiết về miền “cố thổ”.Sau lưng mặt tiền đồ sộ hoành tráng  cạnh đài truyền hình số 9 (đường Hồng Thập Tự cũ),vẫn còn đâu đó dãy lầu phòng lớp,giảng đường xa xưa - vương vất “hồn thu thảo”.Ngôi trường còn đó trên dòng chảy bất tận của cuộc đời – nhưng nước sông đã đổi khác rồi…

Nhớ se sắt cái thời “đằng tả - phiên âm – dịch nghĩa” - theo đuổi “Chứng chỉ Văn chương Quốc Âm&Việt Hán” - ĐH Văn Khoa Saigon đầu thập niên 1970 .Nhớ vô cùng những bậc ân sư khả kính chẳng những cho chữ làm nên sự nghiệp bản thân,mà còn cho phong cách mẫu mực nghiêm túc làm Người.

Tôi không sao quên được những giờ học với Thầy Bửu Cầm,giọng Huế của Thầy thoạt đầu nghe chưa quen,nhưng kiến thức uyên bác,và cái cách cẩn trọng của nhà mô phạm uyên bác - nâng niu bóc tách từng con chữ đã khiến sinh viên chúng tôi chăm chú không bỏ sót .Tôi mày mò tìm ra cách học : Với chữ Hán,thì“tốc ký” lấy “dạng tự”,tối về tra cứu thêm từ điển Thiều Chửu,Đào Duy Anh .Với chữ Nôm,cố gắng tập“viết đi,viết lại”ra vở nháp cho nhuần nét - cố nhớ mặt chữ,mượn nguyên gốc“Hán”diễn nghĩa hoặc lắp ghép các bộ phận“Hán”phiên ra “Nôm”tém gọn trong các ô vuông. Tôi nhớ 21 bài thơ Nôm Tổng  vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh – Thầy hướng dẫn rất kỹ - (xin được ghi ra đây đôi dòng hoài niệm bản Nôm)  

Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương      

Sắc tài chi lắm để làm gương                  

Công cha bao quản liều thân thiếp        

Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng          

Cung oán nỉ non đàn Bạc mệnh               

Duyên nay run rủi lưới Tiền Đường    

Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu                   

Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng         

 Bộ môn Hán-Nôm khá gai góc nhưng khi đã quen, càng đi sâu đào bới “nét sổ,nét chấm,nét phẩy,móc ngược – tượng hình,chỉ sự,hội ý,hình thanh,giả tá…”, càng thấy thú vị,nhất là khi ý thức được tầm quan trọng nếu “rành Hán” sẽ “rõ nghĩa Việt” - làm phong phú tiếng Việt.

GS Cao Xuân Hạo đã chỉ ra:“Nạn mù chữ Hán là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán.Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biết tiếng La tinh,người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán - thứ chữ đã được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt - những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao”.

 Nói về chữ Nôm - thứ chữ phái sinh từ gốc Hán - tuy lủng củng khó nhớ nhưng nếu hiểu đây là biểu thị  khát vọng độc lập tự chủ về mặt văn hóa của Ông Cha ta,thì ít nhiều đã thúc đẩy việc nghiên cứu Hán Nôm là một trách nhiệm công dân đối với SV.

 

Thầy Bửu Cầm tên thật Nguyễn Phúc Bửu Cầm sinh 14/8/1920 tại thôn Vĩ Dạ, Thừa Thiên Huế, là con trưởng của thi sĩ Ưng Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố tằng tôn (cháu gọi bằng cố)của thi hào Tuy Lý Vương Miên Trinh (con thứ 11 của vua Minh Mạng) nổi tiếng “thất Thịnh Đường” .

Năm 1940,Thầy chủ biên Tinh hoa văn tập và tập san Gió lên xuất bản tại Huế. Năm 1945, biên soạn cuốn Tống Nho – Triết học khảo luận (Trần Trọng Kim đề tựa) - Sau đó tiếp tục biên soạn thêm gần 20 công trình gồm nhiều thể loại như biên khảo (Việt ngữ chính tả tự vựng, Tìm hiểu Kinh Dịch, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Thư mục về Nguyễn Du…) - dịch thuật (Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Hồng Đức bản đồ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam hội điển) - phiên âm và chú giải các tác phẩm chữ Nôm (Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương, Hoài cổ ngâm,Trăm thương của Tương An Quận vương). GS có nhiều bài viết đăng trên Văn hóa nguyệt san, Khảo cổ tập san, Đồng Nai văn tập.

Giai đoạn (1950-1953),Thầy dạy Quốc học Huế - 1958, giảng dạy các môn Lịch sử Việt Nam, Ngữ học Việt Nam, Văn chương Việt Hán, Văn chương Trung Hoa, Triết học Đông phương tại trường ĐH Văn khoa Sài Gòn - 1970, Trưởng ban Hán văn thay cho GS.Nghiêm Toản xin nghỉ - 1969 được phong GS diễn giảng - năm 1972 thăng GS đại học thực thụ .Thầy bảo trợ nhiều đề tài cao học và tiến sĩ, làm chủ khảo hoặc giám khảo trong nhiều hội đồng chấm tiểu luận tốt nghiệp.

Thầy là một trong  bốn vị không thuộc loại trí thức khoa bảng, nhưng do học vấn uyên thâm và có nhiều công trình nghiên cứu nên được phong chức danh giáo sư đại học là các Thầy  Nghiêm Toản (tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương), Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Duy Cần,Nguyễn Phúc Bửu Cầm. Cả bốn vị đều giảng dạy tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Sau 1975 Thầy Bửu Cầm tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM - Năm 1980,thầy xin về nghỉ hưu,sống ẩn dật nơi chỉ có sách và hoa mang tên “Dã Phương Trai”   (野芳齋)* - khu Ông Tạ,Q.Tân Bình,Tp HCM  - Thầy từ trần ngày 19.6.2010 (nhằm ngày 8.5 Canh Dần), hưởng thọ 91 tuổi.

                                                                               ****

Kết lại :

Viết đôi dòng thả vào hư vô - Ngày ấy xa lắm rồi – Văn Khoa nhạt nhòa - Văn khoa bay bay con chữ - bạn bè nấn ná trần gian - mới hôm nào trai trẻ - giờ lem luốc buổi hoàng hôn. Nhớ ân sư - đầy một không gian thiên cổ - dòng cứ trôi –  ơi con nước mênh mang…

 

 

(TpThủ Đức - những ngày giãn cách dịch Covid,27/8/2021)

-Tham khảo bài viết “Kỷ niệm về giáo sư Bửu Cầm”- GS Nguyễn Khuê – (nguồn khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)

  * Bài thơ               Dã Phương Trai

                                                   (tặng Gs Nguyễn Khuê)

                                  Nhà tôi chỉ có sách và hoa,

                                  Một chiếc đàn tranh, một ấm trà.

                                  Khóm trúc, cành mai đùa gió sớm;

                                  Hiên trăng, gác mộng đón hương xa.

                                  Ong vờn giậu cúc tình chan chứa,

                                  Bướm lượn thềm lan ý đậm đà.

                                  Trước cửa chim trời cao giọng hót,

                                  Ngoài song tiếng dế cũng ngâm nga.

       (GS Bửu Cầm)

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 871
Ngày đăng: 16.09.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1910 Paul Von Heyse (Đức, 1830 –1914) - Lê Ký Thương
1909 Selma Lagerlof (Thụy Điển, 1858 - 1940) - Lê Ký Thương
1908 Rudolf Eucken (Đức, 1846 - 1926) - Lê Ký Thương
1907 Rudyard Kipling (Anh, 1865 – 1936) - Lê Ký Thương
Minh Nguyễn: sống và viết - Trần Dzạ Lữ
NĂM 1906 Giosué Carducci (Ý, 1835-1907) - Lê Ký Thương
NĂM 1905 Henryk Sienkiewicz (Ba Lan, 1846 – 1916) - Lê Ký Thương
Phạm Đức Mạnh – Nhà báo, đời thơ ! (phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
NĂM 1904 2.José De Echegaray (Tây Ban Nha, 1832 - 1916) - Lê Ký Thương
NĂM 1904 1.Frédéric Mistral (Pháp, 1830 - 1914) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)