Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
611
116.672.304
 
Trăm năm “Việt Nam phong tục”(*)
Phan Văn Thạnh

 

 

Việt Nam ta đã có một nền văn hóa riêng biệt từ thời đại đồ đá mới bước sang thời đại đồ đồng,cách đây trên bốn ngàn năm,được ghi nhận qua nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học.

 

Văn hóa Việt nằm giữa hai luồng tư tưởng Phật giáo Ấn Độ và Nho giáo Trung Hoa – hứng chịu ảnh hưởng sâu đậm,trở thành tiềm thức trong nếp sống tinh thần và thể hiện thành phong tục,tập quán xã hội.

 

Với“Việt Nam Phong Tục”(1915),Học giả Phan Kế Bính(1875-1921)là người đã sớm sưu chép hệ thống,giới thiệu khá toàn diện đời sống sinh hoạt tinh thần văn hóa Việt qua bao dâu bể thăng trầm dọc dài lịch sử đất nước.Hơn trăm năm rồi,tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử,là chỗ dựa tham khảo cho nhiều công trình biên khảo tiếp sau đó như quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (1938) của Đào Duy Anh .

 

Sách chia làm 3 thiên :

1-Phong tục gia đình,gia tộc,nghĩa vợ chồng,đạo làm con,tang ma,cưới hỏi

2-Phong tục tập quán làng quê,thôn xóm,với tục thờ thần,lễ hội,khao vọng,hiếu hỷ

3-Tình nghĩa thầy trò,bầu bạn,các tôn giáo,chính trị,văn chương,võ nghệ,khoa cử,nghề nông tang,buôn bán,thủ công mỹ nghệ,tướng thuật,toán số,đồng bóng,kiêng kỵ,hát xướng,ẩm thực…

 

Trong thế trận bị đe dọa “nuốt chửng” bởi văn hóa ngoại lai,lập trường của tác giả rất rõ :

“An Nam ta kể từ lúc có nước đến giờ thì đã ngoại bốn ngàn năm…Ta ngoảnh lại mà xem những tục cũ thì tỏ ra nhiều điều ngày trước là hay mà bây giờ hóa ra hủ bại lắm rồi.Tuy vậy cái tục cũ đã truyền nhiễm lâu,không dễ một mai đổi ngay được.Muốn đổi thì phải lựa dần dần,trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi,rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ kết cho các tục dở.Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”…(tr 9)

 

Qua gần 100 đề mục,tác giả đã phân tích rạch ròi,bình xét phân minh – Chẳng hạn đề cập đến lễ tết - tứ thời lập tiết(Nguyên Đán,Hàn thực,Thanh minh,Đoan ngọ,Trung nguyên,Trung thu):“Ăn Tết,trước là đem lòng thành kính,thờ phụng tổ tiên,sau là được một ngày nhàn nhã,cầm chén rượu yên úy tinh thần.Xét về các ngày ăn Tết của ta,phần nhiều noi theo tục Tàu,nhưng chủ ý thì chỉ nhân ngày tuần tiết mà dưng cúng gia tiên,chớ không có ý gì nhớ về người Tàu cả…Cách ăn Tết của ta không hại gì chỉ hiềm ta hay tin những chuyện huyền hoặc của Tàu mà không nghĩ đến nghĩa lý gì cả.Thờ phụng thì cứ mà thờ phụng,ăn chơi thì cứ việc mà ăn chơi.Ma quỉ đâu mà lại đốt pháo,đốt vàng? Sâu bọ nào mà lại giết bằng đào,bằng mận.Lá mồng năm uống bậy uống bạ,uống không khéo thì hóa ra sinh bệnh,đốt mã vàng hương cho nhiều chẳng qua chỉ tổ tốn tiền.Thưởng trăng thu cũng là một cách vui,bầy cỗ thi tài thì khí nhỏ mọn quá.Tiễn vua bếp đã là một chuyện hão huyền,mua cá làm ngựa mới lại nực cười thay !...”(tr 53).

 

-Đạo Vợ Chồng: “Ở với nhau mà biết thương yêu nhau,quí trọng nhau,thì rất phải đạo lắm.Nhưng tục ta trọng Nam khinh Nữ là một tục trái với văn minh. – Tạo hóa sinh ra có trai thì phải có gái - người coi việc ngoài,người coi việc trong – người cứng gân khỏe thịt thì phải làm việc nặng nề,người yếu chân mềm tay thì đã có việc nhẹ …Lấy đạo công bình phải quí đàn bà hơn đàn ông,chớ cậy mình khỏe mạnh mà khinh bỉ,ức chế đàn bà.Tục ngữ Âu Châu có câu :“On ne doit pas batter les femmes même avec des fleurs”,nghĩa là dẫu cái hoa cũng không nên dùng mà đánh đàn bà…Sách có chữ rằng:“Phu phụ tương kính như tân”- vợ chồng kính trọng nhau như khách.Lại có câu rằng “Phu phụ hòa nhi gia đạo thành” – vợ chồng có hòa thuận thì mới làm nên gia đạo.” (tr 64,65,66),

 

-Nho học : “…một đạo bình thường giản dị,thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa,và hợp với tính tình đương nhiên của người ta,ai cũng noi theo được.Người mà có nho học,thì nên một người có nết na,có phép tắc,có lòng nhân ái.Nước mà dùng nho đạo,thì nên một nước có kỷ cương,có thể thống dễ cho việc cai trị,mà nhân dân cũng được hưởng phúc hòa bình.Tuy nhiên triết lý thì nhiều điều viển vông khiến cho người ta khó hiểu,thủ lễ thì lắm sự câu thúc,khiến người ta khó theo.Tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhã,khiến cho dân khí nhu nhược,không được hùng dũng hoạt động như tính người Âu châu,nhu dụng  thì chuộng cách tiết kiệm tầm thường khiến cho kỹ nghệ thô sơ,không được tinh xảo phát đạt như các nước Thái Tây…”(tr 213)

 

-Khoa cử : “xưa nay là con đường rộng rãi phẳng phiu cho bọn sĩ phu,nhờ đó xuất thân mới là chính đồ.Nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng,cố sức mà dùi mài truyện hiền,kinh thánh,có người đầu bạc mà vẫn chịu khó đeo bộ lều chiếu ganh đua với bọn thiếu niên.Rút lại thì có gì đâu,học cũng chẳng qua là học văn chương,thi cũng chẳng qua là thi văn chương.Ai may ra hiển đạt,cũng phải có tài trí riêng mới chuyển vận được việc đời,chớ như chuyên một lối văn chương,có mấy khi mà nên được việc.Vậy mà ta mê mẩn mấy trăm năm nay,vẫn chưa tỉnh hết.”(tr 251)v.v…

                                                  

                                                     ***

 

Học giả Phan Kế Bính đã thể hiện sự công tâm khách quan khi ghi nhận tán dương những phong tục tập quán mang nét văn hóa truyền thống như nhiều lễ hội,tình gia đình hàng xóm,đạo thầy trò,nghĩa cha con,chồng vợ,đề cao sự yên vui,khoáng đạt,lòng bao dung,thủy chung,nhân hậu,kiệm cần.Đồng thời ông cũng khoan thai nhẹ nhàng,nhưng khá sâu cay,ý vị khi chỉ trích,phê phán,bài xích các tệ tục hủ lậu trong ma chay,cưới xin,đình đám,rượu chè,bài bạc,hút xách,các thói mê tín dị đoan trong bùa phép,bói toán,dùng tà thuật trị bệnh,các lối văn chương cử tử theo khuôn sáo sách vở và ngay cả sự thái quá trong cách ứng xử hay sinh hoạt xã hội với những tập quán lỗi thời.

                                

Luồn vào trong các đề mục được biên soạn công phu,độc giả đời sau thán phục vốn kiến văn uyên bác,cách nhìn cởi mở cấp tiến,ông đã chỉ ra điều mà ngày nay UNESCO đã đúc kết  : “Văn hóa là tổng hòa các đặc tính nổi bật về tinh thần,vật chất,trí tuệ và tình cảm mà chúng đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội.Nó bao gồm không chỉ nghệ thuật và văn học mà cả lối sống,những quyền cơ bản của nhân loại,các hệ thống giá trị,truyền thống và tín ngưỡng”.

 

 

Đề tài về phong tục tập quán vô cùng rộng lớn,trải mênh mông qua các thời đại.Độc lực biên soạn trong điều kiện tư liệu sách báo tham khảo buổi đầu còn sơ khai – thập niên cuối TK XIX sang đầu TK XX, không tránh có chỗ còn vắn tắt sơ lược,do vậy cần có thêm sự nghiên cứu bổ sung sau này của những bậc trí giả,cao minh.Chính vì vậy trong phần mở đầu,ông đã chia sẻ:“Điều nào có sự tích gì cũng xin kể cả.Nhưng đây là tôi(PKB) cứ những sự mắt trông thấy tai nghe tiếng mà đem cái thiển kiến bày tỏ ra,không dám chắc là đã cai quát hết.Còn mong những bực cao minh bổ thêm cho những điều bất cập thì may lắm”.(tr 10)

 

Đọc hết tập khảo luận dày 374 trang, ra đời cách đây hơn trăm năm,chúng ta – con cháu hậu duệ đời sau chắc hẳn rất tự hào khi nhìn thấy giá trị Việt trong ý thức độc lập tự chủ - tiếp thu có chọn lọc văn hóa đến từ bên ngoài – trọng xưa trọng nay để phục vụ nay;trọng trong trọng ngoài để phục vụ trong của Bưu văn Phan Kế Bính - một trí thức uyên bác,thông tuệ,đầy tâm huyết với văn hóa dân tộc.Công sức của ông tương tự như việc sáng chế chữ Nôm của Ông Cha ta thời Lý Trần (TK XI-XIV) không nằm ngoài ý nghĩa cho thấy dân tộc ta đã tìm mọi cách cố sức thoát khỏi ảnh hưởng “quyền lực mềm” đến từ phương Bắc !  

 

 

 

(Saigon 01/12/2016,viết lại 20/10/20)

 

(*) Việt Nam Phong Tục - Phan Kế Bính - NXB TP HCM ,1990)

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 1188
Ngày đăng: 06.11.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Biên bản thặng dư” – đau đáu những phận người - Hoàng Thị Bích Hà
Nhà văn Việt-Nam hải ngoại - Nguyễn Vy Khanh
“Niềm nhớ” Hồn thơ của một nữ doanh nhân xứ Huế - Trang Thùy
Tiểu thuyết chiến tranh của một nhà văn chiến binh - Trần Đức
“Đời của Mệ” Thương cảm và thấu hiểu - Võ Quê
Trung-Việt Việt-Trung, một thứ ngôn ngữ mới *) - Phan Ni Tấn
Sách về Hà Nội của Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - Nguyễn Quang Thiều
"Tứ tuyệt Covid -19" chan chứa tình người - Trang Thùy
Trò chuyện với Thiên thần - Nhật Chiêu
Trăn trở cùng Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu - Dương Khánh Linh
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)