Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
613
116.722.633
 
Chuyện kể người đánh cắp tượng PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Vĩnh Nguyên

Nhiều năm hứng chịu đạn bom thị xã Đồng Giàu đã bị hủy diệt nhưng ngôi Đồng Giàu tự nằm giữa trung tâm vẫn còn nguyên vẹn kể cũng lạ.Cổng tam quan cũng còn.Bom chỉ “ lạc” một quả phía ranh giới sau vườn chùa.

 

Tôi là người lính quá may mắn trở về thị xã sớm khi hiệp định Paris ngừng bắn có hiệu lực.Là bởi thầy mẹ tôi mất hai lần tôi đều không được về thăm.”Vùng cán soong nguy hiểm lắm khó an toàn” .Ông tiểu đoàn trưởng thương tôi nhưng “ lệnh” xuống thế.Tôi đành vuốt nước mắt chui vào khoang tàu đóng sầm cửa lại.

 

             Nay có lệnh ngừng bắn là hòa bình rồi nên đơn vị cho tôi nghỉ phép để tìm lại chị em tôi.

 Từ Hải Phòng về đến Đồng Giàu tôi phải  mất ba ngày ba đêm,qua hai chuyến tàu,năm chuyến xe ( đủ các loại xe khách, xe tải, xe quân sự).Xe càng đi vào càng xóc,đường ổ gà càng chậm nên càng sốt ruột.nhiều khi xe phải dừng rất lâu cho dân quân bộ đội,bộ đội kè đá hố bom.Nhiều khi xe bò quanh hố bom nghiêng chao như con tàu trên biển.Và nhiều khi xe bị lầy nên tắc đường.Và, tiếng máy bay rú ,tiếng kích kéo cùng những tiếng diếc móc,chửi rủa “ngu dốt – đù mạ” om sòm tục tĩu – Nghĩa là đủ thứ chuyện bát nháo chỉ khươn đêm ngày xảy ra trên những con đường vừa ngưng tiếng súng.

 

 Vừa mệt vừa đói tôi về tới Đồng Giàu thì trời đã mưa.Tôi tìm nhà Ngọc – Người bạn thời ấu thơ cùng khai tâm ( học a,b,c ) với thầy Phúc Minh ngày nào.Ngọc ở xóm Đồng Nam  cách xóm chùa Đồng Bắc cũng không xa lắm.Năm 1952 tôi ở xóm Chùa.Nhưng cuối năm đó thầy tôi bị bắt tù nên tôi phải rời thị xã về quê với mẹ.Tôi có trở lại thăm Ngọc một lần rồi xa hẳn cho tới nay.Chẳng biết bạn còn nhận ra tôi.Vừa đi vừa ngẫm thì đã đến.May quá, bạn có nhà.Bạn đã nhận ra tôi.Nhà bạn giờ là mấy cái xà đòn gác xiên lên bức vách tường còn lại.Mấy cái xà đòn bới ra trong đống nhà sập.Lợp tranh lá chở xe đẩy từ trên rừng về.Vườn bom đào gạch đá ngổn ngang.Chiến tranh.Một số người được lệnh bám trụ còn hầu hết là đi sơ tán.Dân thị xã lên rừng tìm các hang hốc suối khe ẩn nấp máy bay bom đạn.Nay họ lục tục trở về dựng lều tạm trên nền đất cũ nên ai ai cũng nhếch nhác hối hả.Nhưng những ánh mắt trao gửi của bà con lối xóm thì vui quá, hồn  hậu quá.Họ giống như một tập đoàn dân di gan đi du mục vừa kéo tới tọa lạc trên vùng đất mới.

 

Tôi uống bát nước rèng rèng đắng chát ngon quá, đã khát quá.Loại cây hoa chấm trắng.Hoa li ti lá cũng nhỏ li ti bạn cắt từ vùng rừng sơ tán mà nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang lời việt là hoa Thạch Thảo cho một nhạc phẩm của mình.

Bên xóm chùa có bị đạn bom không? Tôi hỏi

Bên ấy không việc gì mới lạ chứ.Bạn nói và cười.

Nghe vậy bỗng dưng tôi hết mệt hết đói.Tôi nói là tôi cần đến chùa và rủ bạn cùng đi.

Ừ thì đi – Bạn tôi chấp thuận.

Bạn đi trước,tôi theo sau.Đứng trước cổng tam quan Ngọc thành hướng dẫn viên nói năng rất có duyên: Người ta khá “thông minh “mà xây thêm nó để có ba cái lò ủ giống ba sôi hai lạnh.Đoạn chúng tôi bước vào chùa mà cửa chùa đang để ngõ một cánh.Ông gác chùa nhìn ra người quen xóm bên nên lặng lẽ không hỏi han gì.Chúng tôi đứng sững giữa chính diện.Ở đó hiện hữu chất ngất một đống vôi bột trắng xóa.Hai gian bên tả hữu thì chất xi măng và phân đạm.Không còn hương ảm không còn Phật Thánh.

            “Chùa Đông Giàu đã biến thành nhà kho hợp tác xã”Tôi hiểu vậy và hỏi Ngọc.

Thế các tượng phật đâu cả ?

Đâu nữa – Giọng Ngọc bùi ngùi.Người ta đốt lâu rồi.

Bởi lâu lắm Đạt không về nên không biết đó thôi.Một chút ngập ngừng Ngọc chắt lưỡi: Nhưng còn sót được một Ngài!

Hiện Ngài được thờ phụng ở đâu ?

Ở nhà anh Tỵ.

Nói đoạn Ngọc cầm tay tôi dẫn đi xem Ngài Thích ca Mâu Ni còn sống sót …

 

*       *

 

 

            May mắn thay nhà bạn vẫn còn chiếc xe đạp tốt.Tôi nói là tôi phải về quê ( quê tôi cách thị xã Đông Giàu mười cây số ) để chở chị cả tôi xuống thăm chùa ngay.Bởi chùa Đông Giàu là hồn thiêng tối thượng của thầy tôi,gia đình tôi và cả tôi nữa.

 

            Buộc chạy ba- lô  sau Foọc- ba- ga tôi đạp đi.Đã sang giờ mùi .Đường quá xấu.Nhưng nhờ có chiếc “xế”tốt nên tôi cố bon nhanh để còn kịp chở trả chị về trong ngày.

            Nhà chị cả tôi ở ngay đầu đường làng .Tôi dong thẳng một mạch vào giữa sân.Mấy đứa cháu nhận ra tôi đồng thanh reo tướng lên:Cậu Đạt, cậu Đạt về mạ ơi! Chưa kịp mở ba - lô quà cáp cho các cháu,tôi ân cần nói với chị: Chị cháu à, chắc anh Tỵ cùng tuổi với chị đó.Anh sinh năm Tỵ nên cha mẹ đặt tên Tỵ luôn.

Tỵ mô hè? Chị tôi hỏi lại.

Tỵ chồng chị Sơn ở gần chùa Đồng Giàu ấy chứ Tỵ nào nữa.

Khi chị tôi đã hiểu ra, tôi nói luôn:Chị đi thăm chùa Đồng Giàu với em bây giờ không? Thăm vợ chồng anh Tỵ luôn thể.Rồi em chở chị về.Em còn phải trả “xế” này thôi mà công việc thì lút đầu nên đang búi xùi xùi.

 

            Chị thay áo. Đoạn rút ba thẻ hương trên bàn thờ đặt vào trong giỏ xách ra sân.Biết đường xấu,tôi buộc vào Foọc –ba- ga tấm áo mưa vải bạt cho chị ngồi êm.Xe lăn bánh rồi mà tưởng chị chưa ngồi lên xe.Chị tôi nhỏ thó gầy gò quá thể.Chị không nặng hơn chiếc ba – lô nhét đầy đường, bánh kẹo, quần áo của tôi bao nhiêu.Sức thủy thủ như tôi có thể chở thêm cả chồng chị nữa.

 

            Vừa đi, chị vừa rỉ rả kể bên tai tôi bao chuyện từ sau ngày mẹ mất.Gia đình hai chị sơ tán vào trong đường tàu ra sao.Đào hầm, làm nhà trong núi ra sao.Người chết người bị thương đến trâu bò chết ngập nguạ ra sao.Chị kể miết.Tôi tức cười và nghĩ rằng chị tôi kể như chưa bao giờ được kể ấy.Sự dồn nén trong chị như cái lò xo giờ có dịp là nẩy lên.Bao năm chuyện nhà chuyện cửa,chuyện con cái,chuyện bà con họ hàng trong chị giờ như cái lò xo cứ nẩy hết chuyện này sang chuyện nọ không hề mệt mỏi.

 

            Và chiếc “xế “ đưa chị em tôi tới thị xã nhanh chóng như không hề có xóc ổ gà,như không hề chao nghiêng như sóng khi “ xế” vòng quang đường hố bom.

 

            Tôi hỏi chị nên đến nhà anh Tỵ trước hay vào chùa trước?- Vào chùa trước,chị nói ngay.Và tôi chấp hành như lệnh xuống “xế” chị tôi đứng sững.Một người khách viếng cảnh chùa dù chỉ một lần nay đến thăm lại cũng phải sững sốt vì không còn gì để gọi là chùa nữa huống chi là chị tôi- Con của một vị thọ tam đàn cụ túc giới đắc pháp Đại Sư đã từng là chủ sám ( chính Tọa hay Minh chủ) nhiều lễ đàn chẩn tế và trụ trì nhiều ngôi chùa lớn có tiếng của một miền.Chị tôi đứng bần thần giữa sân bỗng khóc nức lên.Tôi nắm vai chị bước vào chùa qua cửa để ngõ khép một cánh.Đây là chính điện: Một đống vôi bột chất ngất trắng xóa.Phía góc điện đặt cái giường đơn sơ sài, chiếc khăn nhàu nát giành cho người trực đêm ngày canh giữ kho hàng .Hai gian bên là phân đạm và chất đầy xi-măng như đã nói.Dưới nhà hậu tăng là rơm rạ mục, củi bó củi chẻ ngổn ngang.Mấy cái bừa cỏ cọng với mấy cái bình phun thuốc trừ sâu xông lên mùi hắc rất buồn nôn.Tôi vội dắt chị ra giếng nước vẫn còn. Bờ giếng sụt lở nhưng nước vẫn trong xanh cây đa già chỉ còn một khúc thân rễ quấn vòng vèo. Ở thân nó đang bật lên những mầm non trông rất tội nghiệp.Cổng tam quan thành ba lò ủ giống.Bạn Ngọc thuyết minh rất hay: Người ta vẫn còn “ thông minh” không đập nó đi.Dựa vào bốn trục cổng lớn,người ta xây thêm để làm lò ủ mộng ba sôi hai lạnh.

 

            Chị em chúng tôi bần thần ở giữa sân. Người coi kho là một ông trung niên.Ông canh chừng chúng tôi đi lại nhưng vẫn lặng lẽ dùng sào đảo mớ rau ướt đang phơi bên góc sân chẳng hỏi han gì. Chắc ông đoán biết chúng tôi là những người tử tế ? chắc ở đây ông từng chứng giám thập phương bổn đạo trở lại thăm chùa Đồng Giàu? Hay là người ta đã sám hối về một sự lỗi lầm nào đó nên bây giờ những người thay nhau coi kho tin rằng những ai tới đây là những người có đạo mà người có đạo là những người tốt thì còn ngi ngờ họ làm chi?

 

            Tôi đang tự lục vấn về người coi kho thì chị bảo tôi trở lại điện thờ.Lần này thì chị kéo tôi đi.Đứng trước điện chị tôi lại lóng ngóng.Tôi hiểu chị.Trước đây về chùa miệng niệm ‘nam mô A Di Đà Phật” là có chú tiểu đảnh lễ cho chị lạy phật.Nay trở lại thăm chùa mà Phật pháp không, bàn thờ, chuông mõ không.Chị tôi lại sụt sùi đưa tay vào giỏ rút ra một thẻ hương và chìa đầu về phía tôi. Tôi xẹt diêm.Thẻ hương cháy nghi ngút tỏa khói thơm nồng. Chị tôi thưa thẻ hương và dùng tay quạt cho tắt các ngọn lửa.hai tay chị chắp thẻ hương cung kính và xá xá một hồi vào khoảng trống điện thờ miệng lầm thầm: Nam mô A Di Đà Phật đại từ đại bi … Đoạn chị lại lóng ngóng.Tôi chợt hiểu là chị muốn tìm chỗ cắm hương.Tôi nói nhanh: Chị cứ cắm đại vào đống vôi ấy.Chị gật đầu và run rẩy cắm thẻ hương xuống đó.

 

            Chị ngồi thụp xuống thềm xi – măng long lở nhìn ra sân. Chị khóc nấc lên.Tôi hốt hoảng.Nhưng rồi chị bình tâm trở lại và nói mếu máo trong nước mắt: Hình như là năm năm hai ( 1952) thầy tọa đàn chẩn tế giữa sân này?

            Ủa,hóa ra chị còn nhớ rất chính xác.Không nhớ sao được.Dân phường Đông Bắc dựng một cái đàn bằng tre, gỗ cao năm mét.Thầy tọa trên đài sen đầu đội mũ phật quan.Những cánh sen đỏ tỏa ánh mặt trời cùng với tấm áo choàng ô vuông vàng sáng lấp lánh cuả vị Minh chủ. Suốt ba ngày ba đêm yên tọa trên đàn, thầy niệm thần chú và rảy bình nước cam lồ.

 

            Là người chị cả, ít học hành, càng lớn lên chị càng chăm làm vất vả cùng mẹ nuôi bầy em.Rồi chị đi lấy chồng chăm lo công việc làm dâu bên nhà chồng.Hai chục năm rồi,thời gian không lấp nổi ấn tượng về người cha trong chị.Ấn tượng quá lớn: Lễ chẩn tế thỉnh thập phương chư phật và người cha làm chủ sám! Chị nói rằng lúc ấy tôi còn nhỏ còn chị đã là một cô gái choai choai nhưng vẫn tranh giằng lá cờ phan với lũ nhỏ xóm chùa.Lúc đó chị chẳng còn nhớ mình là con thầy.Lá cờ phan không còn đủ chia cho lũ nhỏ và cả người lớn.Họ chờ đợi chiếc áo vàng ô vuông trên người Minh chủ.Và, phút si mê ấy đã đến.Họ không chờ đến phút Minh chủ cởi chiếc áo choàng tung lên trời khi lễ tất.Có người quá mau lẹ leo trước lên đàn và kéo tuột ra khỏi tay Chính Tọa.Và, một cuộc reo hò tranh giành giằng xé lần thứ hai.Trẻ nhỏ cho chí người lớn ai cũng cố giật cho mình một mảnh áo trong tay…

            Bỗng chị hỏi tôi: Đến giờ chị vẫn không hiểu cái tích vì sao lại có cuộc tranh xé lá cờ phan và áo vị chủ Sám lúc chẩn tế hạ đàn?

            Và tôi nói: Lúc ấy em cũng chẳng hiểu gì .Chỉ biết xông vào mà giằng giật.Đứa nào không có thì chạy theo người lớn mà khóc xin để người ta thương hại mà xé lại cho một miếng.Có được mảnh cờ hoặc áo này là mừng rơn về đưa cho mẹ để mẹ kết cho cái vòng đeo cổ.Nếu nhỏ quá thì khâu vào ngực áo như phù hiệu trường lớp của các em học sinh bây giờ.Mãi sau này đọc sách em mới hiểu cái tích này phát ngôn từ bên Ấn Độ: Có lũ diều hâu thường hay ăn thịt trẻ con .Trong lễ chẩn tế Chủ sám đã đọc rất nhiều thần chú ứng nghiệm.Những thần chú ấy đã vi diệu vào màu trắng có viết chữ Phạn trên lá cờ phan và tấm áo choàng ô vuông vàng Chủ Sám.Đứa nhỏ nào có mảnh vải bùa này là lũ diều hâu, lũ ma tà sợ hãi không dám bén mảng tới nựa …

 

            Nghe kể,đôi mắt chị tôi ráo hoảnh tự bao giờ.Giờ chị lại cười.Chị đứng lên chỉ tay xuống mái hiên nói: Chỗ này ngày xưa là luống hoa thì phải? Nơi ấy có dấu dép lún sâu ra sao đó và thầy bị bắt? Đúng.Tôi cũng nhớ như thế.Và, chị em chúng tôi nhớ về người cha thân yêu:

            Thời nhỏ thầy học ở Huế Học đạo và học nghề thuốc.Thầy thọ tam đàn cụ túc giới mang một cái danh cái chức rất dài: “tỷ kheo húy Dật Quán tự chơn Thừa hiệu Thuyền Định Đại Sư thượng tọa” Thầy mẹ xây chùa thờ Phật trong núi Hây gọi Phước Huệ tự.Chùa này bị Pháp chiếm.Chúng lấy lý do: Chùa xây trong núi để chứa Việt Minh.Và chúng đã phá tan ngôi chùa này Thầy bực lắm.Nhưng thầy mẹ có tiền nên tiếp xây ngôi chùa thứ hai ngay trong vườn nhà gọi Bảo Thiên tự.Bởi vậy bổn đạo còn gọi tên thầy là thầy Phước Huệ hoặc thầy Bảo Thiên là gọi theo tên chùa.

            Xây xong chùa Bảo Thiên ( 1941) sau lễ chẩn tế, thầy để chùa cho mẹ hương khói còn thầy đến nhận trụ trì chùa Đông Giàu theo sự phân bổ của giáo giới và lời mời thiết tha của tăng ni phật tử nơi đó – Và,có ai ngờ được,ở đây, thầy tham gia hoạt động trong một tổ chức bí mật của Việt Minh.Các chị ở trên quê, còn em, thầy đưa về thị xã ăn học.Em ở trong chùa Đồng Giàu với thầy và các chú.Mẹ và chị luôn gánh gạo ,khoai sắn tương chao tiếp cho em ăn học.Đêm ấy,chị ngủ lại với em dưới nhà hậu tăng.Giữa đêm thì bỗng nhiều tiến gõ cửa rất mạnh.Mấy chú không ai ra mở.Bởi thầy dặn.Thầy đi vắng không được mở cửa ban đêm bất kể giá nào.Đêm ấy thầy bận đi bắt mạch cắt thuốc cho ai đó hay có công việc quá cần kíp mà không về.Mặc tiếng gõ cửa nhiều lần, trong chùa vẫn lặng yên không ai động rạng.

            Sáng ra thầy về.Các chú trình lại việc gõ cửa đêm qua Thấy đi ra luống hoa. Thầy nhìn dấy dép lún sâu trên đó.Thầy nói nhỏ” Các anh đấy”

            Chúng tôi nhìn dấu dép lún sâu như nhìn vào sự hoang tưởng.Có ai hiểu gì đâu.Nhưng lũ mật thám hiểu chúng rình rập quanh vườn chùa như đã lâu lắm. Và chúng ập vào từ cả bốn phía. Chúng bắt thầy và giải thầy đi.

            Và tôi nói cho chị tôi biết rằng tôi là đối tượng sắp kết nạp đảng nhưng trong lý lịch ghi thầy bị Pháp bắt tù hai lần ( năm 1949 và năm 1952) đơn vị cần thêm người xác minh.Tôi về Đông Giàu là để làm việc này. Đồng chí bí thư thị ủy đã gửi giấy đến đơn vị chứng thực thầy tôi nằm trong tổ chức hoạt động bí mật vùng địch hậu với đồng chí.Thầy tôi đã từng bố  trí cho nhiều cán bộ cả bí thư thị ủy mang ơ hậu mõ tụng kinh mã thoát khoát khỏi những cuộc vây ráp khốc liệt của chúng.Thấy cất dấu vũ khí, tài liệu mật trong chùa mà chị Sơn là bổn đạo và là người làm liên lạc cho thầy.Tôi cần người chứng thực thứ hai.

            Chúng tôi quay lại chính điện.Hương khói sắp tàn.Chị tôi vẫn giữ nếp con nhà phật tử: Vào chùa thấp hương lễ phật, trước lúc từ giã là trở lại bàn thờ chắp tay xá xá mấy cái rồi mới cắp nón ra đi. Nhưng nhìn chị lóng ngóng đôi tay mới tội nghiệp làm sao! Chị muốn chắp tay đưa lên lại thả xuống.Bởi chị không muốn xá xá vào đống vôi bột dù có cắm chu hương lần nữa …

            Chúng tôi khi tới không chào hỏi gì ông coi kho. Giờ ra đi cũng vậy.Muốn chào ông một lời nhưng ông đang múc nước rửa chân tay sau giếng, đành thôi.

 

*                   *

 

 

*

            Nhà anh chị Tỵ hiện ra. Ngôi nhà ngói ba gian,tường xây của họ vẫn nguyên lành.Vườn tược cũng vậy.Anh chị cùng năm đứa con vẫn ở đây không đi sơ tán.Nhân dân ở đây nói: “ Bom đạn Mỹ tránh xóm chùa!” Đất ở  đây rất tốt, rất hợp với su hào, bắp cải là một trong những phường trù phú của thị xã. Chiến tranh khốc liệt nhiều gia đình vẫn trụ bám trồng rau xanh.Nghe tin ngừng bắn, số dân sơ tán đổ xô về liền.Nhiều chợ cóc đã bung ra.Người bán kẻ mua hàng quà sắm khoai trên rừng,tôm cá dưới sông biển tập kết lên cho cuộc sống nhộn nhịp đông vui nhanh chóng hồi sinh nên thị xã Đông Giàu bị chiến tranh hủy diệt là rất đúng với những nơi khác, phường khác còn riêng xóm chùa là không.

 

            Tôi dựng chiếc “ xế” vào hàng rào dâm bụt trước sân.Anh Tỵ đã nhận ra chị em tôi.Anh ra hiệu mời vào nhà.Nhưng chị tôi đã buông nón đứng sững như trời trồng trước hiên bởi chị đã trông thấy trong gian giữa, trên hương án đặt trên tủ thờ cao là Ngài Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni một tay chỉ thiên một tay chỉ địa.Toàn thân Ngài rực sáng.Trên đầu Ngài vầng hào quang tỏa hình tia mặt trời tứ phía.Phía trước Ngài là hai con rồng chầu kết hình bầu dục cùng một màu vàng uốn lượn.Người ta nói rằng đây là một xúc gỗ mà người nghệ nhân tài ba chạm sâu vào nên giữa Ngài và hai con rồng là một khối thống nhất không lắp ghép, gián đoạn.

            Đặt hai thẻ hương lên chiếc khay hình chữ nhật,tôi rút ra ba cây xẹt diêm thắp cháy rồi đưa cho chị tôi.Chị cầm hương chắp tay vái ba vái.Chị cúi đầu miệng niệm thì thầm một đoạn nội dung trong kinh Thủy Sám.Chị vái lại ba vái rồi đưa hương cho tôi.Tôi cắm ba cây hương lên chiếc lư đồng trước vầng hào quang cuả Ngài.

 

            Chị Sơn pha sẵn ấm trà mang ra bàn uống nước đặt ở gian ngoài.Anh Tỵ ngồi đợi ở đó.Bà con lối xóm kéo đến .Như đã thành lệ, mỗi khi có khách lạ đến thắp hương lại Phật là anh Tỵ lại kể chuyện về Ngài nê họ kéo nhau tới nghe.

            Chị tôi lễ xong tới luôn bàn nước.Anh Tỵ rót nước mời và chân tình:

            Chị cháu này,hình như chị với tôi cùng tuổi thì phải.Lúc thầy bị bắt lần đầu, tôi biết.Chị xuống chùa nấu cơm bới xách cho thầy.Thập phương bổn đạo vào nhà lao đấu tranh “ Thầy là ông thầy chùa phúc đức vô tội,bắt thầy là trái đạo”. Ở trong tù, bọn phòng nhì Pháp đánh đập tra khảo rất giã man nhưng thầy một mực không khai nên chúng không có căn cứ.Sau ba tháng Thầy lạ trở về chùa.

 

            Đến năm 1952, thập phương bổn đạo đóng góp tiền của, chùa Đồng Giàu được trùng tu khang trang nên sau đó làm chẩn tế thỉnh thập phương chư Phật?

Phải.Chị tôi công nhận .Anh Tỵ tiếp:

Tôi nhớ,chị có mặt trong đám trẻ nhỏ cùng tôi với cậu Đạt đây giằng xé lá cờ phan?

Phải:

Và cuối năm đó thầy lại bị bắt.Rồi tôi biết tin thầy đã thoát ngục lên chiến khu.Mãi sau này mới hay thầy mất ở trên quê.

Phải .nhưng mà vì sao chùa không còn? – Chị tôi hỏi lại anh Tỵ.

Ấy ấy, đó là điều tôi muốn kể với chị hôm nay.Nó là như vầy:

Sau khi thầy đi rồi, các chú tiểu cũng dần dần rời khỏi chùa.Bổn đạo cũng không biết làm sao. Há dễ một ngôi chùa lớn nhất nhì thị xã lại vắng người hương khói. Ở đây có cụ già Khang không vợ không con nên bổn đạo mời cụ trông coi gọi là cụ từ Khang.

 

            Tôi đi bộ đội.Trung đoàn chuyển quân qua Xa – vẳn- na – khẹt. Tôi mới tham gia đánh trận đầu đã bị trọng thương vào đầu và ngực.Tôi nằm an dưỡng nửa năm và được quyết định xuất ngũ với hàm hạ sĩ quan .Tôi trở về nhà thì cũng vừa lúc đất nước hòa bình.Tôi vào thăm chùa cụ từ Khang cũng vừa mất.

 

            Vết thương trong người tôi trở trời hơi gió thì có nhức buốt còn bình thường thì không việc gì.Tôi chưa vợ con lại tháo vát nhanh nhẹn nên Ủy ban phường nhận vào làm liên lạc, công việc làm cho người ta sai vặt.

 

            Lúc này dân ở đây bắt đầu vào tổ đổi công rồi vào hợp tác.Nửa vào hợp tác xã nông nghiệp, nửa vào hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Thôi thì họp hành liên miên.Làm liên lạc, tôi vừa đi vừa chạy chân như vắt lên cổ mới kịp đưa giấy tờ cho những cuộc họp ấy.

            Đến cuộc họp ‘ Phật pháp từ duy tâm cần bãi bỏ, đưa chùa Đồng Giàu làm nhà kho cho hợp tác xã Đông Bắc thì tôi rụng rời tay chân.Nhiều cuộc họp bàn kín lâu rồi tôi không hề biết.Nay đã thông qua hội đồng.Nghe nói có người không tán thành.Họ cho rằng chùa chiền là tự do tín ngưỡng của nhân dân … Là người phật tử ,tôi cũng đồng tình và phụ họa thêm: Đây là di tích lịch sử tôn giáo có bản sắc văn hóa nghệ thuật cần được bảo vệ, liền bị ông An – Chủ tịch xạc cho một trận nên thân:Này, chú mày là thương binh đã từng đổ máu vì dân vì nước ở tận chiến trường Lào mà nay còn lạc hậu, ích kỷ không biết hợp tác xã đang thiếu nhà kho, mà “ hợp tác là nhà xã viên là chủ”sao chú mày lại quên …

 

            Tiếp đó mặc sự phản đối xì xầm chủ yếu là những người có đạo còn những người bình thường thì trước sau vẫn lặng tiếng im hơi.Hơn nữa,ủy ban phường đã quyết rồi thì đố ai lay chuyển được. ( Chị tôi chở tế ngồi run rẩy đưa tay ôm đầu làm anh Tỵ tưởng là chị muốn hỏi điều gì song chị thở dài và im lặng).Anh Tỵ nói tiếp:

            Chị tưởng chống đối dễ lắm hay sao? Các ông chủ tịch, phó chủ tịch phường này là những thượng úy, trung úy đánh Pháp từ bên Lào có nhiều huân chương, công lao to lớn nên dân chúng ai nấy đều nể. Các ông ấy chỉ cần ho một tiếng là dân chúng đều im tắp lự. Huống hồ đây là nghị quyết? Cãi lại tức là chống lại chính quyền rồi.Đang nói rất hăng rất khẳng khái, bất chợt anh dồn hỏi lại chị tôi: Thế trên làng chị cho rằng chùa chiền , Phật Thánh là duy vật à? Chị không biết thật à? Thế chùa trên làng không bị thu dụng cho hợp tác xã hay sao?

Không ! Chị tôi trả lời cộc lốc

Anh Tỵ trừng mắt:- Hỏng, hỏng hết. Thế là ở đây hỏng hết,hỏng cả rồi – Anh dằn giọng – nước mắt ứa ra.Anh nói trong nước mắt:

            Vào một đêm đầu mùa đông chớm lạnh.Trời tối không trăng sao, ông Hưởng – trưởng công an phường chiếu theo quyết định của ủy ban đưa một số dân quân với số người trong ủy ban (tất nhiên có tôi ) đến chùa. Ông ra lệnh cho chúng tôi hạ bệ các Ngài xuống: Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài Địa Tạng, Ngài Di Đà, Ngài Di Lặc, Ngài Hộ Pháp,Ngài Tiêu Diện , vân vân …Họ khiêng, họ vác các ngài ra sân. Tôi cúi xuống, hai tay choàng ôm lấy hai Ngài Thích Ca và Tiêu Diện rồi chần chừ để ra sau đoàn người.Lợi dụng lúc cúi xuống ,tôi mau chóng cho đôi chân Ngài Thích Ca Mâu Ni đứng vào trong cạp quần rồi ôm Ngài Tiêu Diện ra bên ngoài cho dễ thao tác.Và tôi đã đặt Ngài Tiêu Diện xuống chất đống cùng các Ngài lổn nhổn giữa sân chùa.Trời se lạnh.Tôi mặc chiếc áo bông rộng thùng thình. Nghĩ thế nào…Giờ tôi cũng không nghĩ ra là sao lúc đó tôi lại có hành động như vậy. Đôi chân Ngài đứng vững trong câp quần. Toàn thân Ngài với hai con rồng uốn lượn chầu Ngài thì lẩn khuất trong hai vạt áo bông khẽ khép. Cứ thế, một tay tôi giữ lấy Ngài và đi vòng sau lưng nhà hậu tăng giả vờ đi tiểu.Phía giếng nước không có ai.Tôi vòng tiếp ra sau lưng chùa và chuồi nhanh Ngài vào trong bụi rưới rất kín đáo.Tôi mừng quá.Nhờ trời tối nên việc tôi làm không có ai nhìn thấy. Đoàn người ra vào một chuyến rồi nhiều chuyến. Số lư hương, cột chân đèn bằng gỗ  thì cho vào bao tải mà vác hoặc kéo lê.Cuối cùng là đến hai ông Thiện, Ác. Hai ông to lớn tưởng nặng lắm nhưng không hay lại nhẹ. Bên ngoài sơn son thiếp vàng, mặt mày râu ria dữ tợn nhưng bên trong thì rỗng ruột, mới biết Hai ông ghép bằng gỗ mít.Mọi người đặt Hai ông Thiện – Ác đứng xuống rồi “ hai ba” xô rầm đè lên các Ngài Tam Thế phật.

 

            Đoạn mọi người lùi cả ra. Có người giả vờ đi tiểu tiện rồi bỏ chạy.Tôi yên tâm.Không có ai kiểm tra trong số các Ngài đang chất chồng đủ thiếu ra sao.Mấy vị chủ chốt lúc này biến đâu mất tăm ? Chắc các vị không muốn dính tay vào việc làm quá nhẫn tâm, phá hoại Nhưng khi các tượng Phật, Thánh, các vật dụng đồ thờ đã chồng đống giữa sân chùa thì ông Hưởng ở đâu giờ xuất hiện.Tay ông cần chai dầu hỏa  tưới lên các tượng. Xong đâu đấy, ông hô:

Ai xung phong vào đốt!

Không ai trả lời.Không có ai nhúc nhích.

 

        Đoàn người dần dần tản  đi.Tôi cũng muốn bỏ về.Bỗng chủ tịch An và phó chủ tịch Tâm xuất hiện.Ônh Hưởng nói: Báo cáo hai anh không có ai chịu vào đốt!

            Ông An cúi đầu gật gật,miệng ầm ờ ra vẻ nghĩ suy điều gì, rồi nói: - Thôi được, tất cả ngồi xuống đây làm vài bát cho ấm bụng cái đã.Nói đoạn ông An lôi trong bị bao xi – măng ra một bi –đông rượu và hai cái bát sắt tráng men Trung Quốc đặt xuống nền sân gạch.Ông An rót rượu ra bát .Hai ông chủ - phó bưng bát rượu lên nhìn nhau cùng nhấp.Không ai nói gì với ai.Không có ai lên tiếng chúc tụng điều gì.Chủ - phó uống rồi sang bát cho ai thì cứ thế mà uống.Người cuối cùng hết rượu thì đưa bát trả lại ông An để ông rót tiếp,uống tiếp.Đoạn ông An kéo vai ông Hưởng ra một chỗ và thì thầm điều gì đó.Tôi và ông Tâm đang bưng hai bát mới rót đầy.Ông Tâm giục tôi: Uống chú mày – Năm mươi phần trăm !Tôi uống đúng như “ lệnh” Ông Tâm uống rồi “ khà “ khoan khoái nói tiếp,lệnh tiếp: Cùng lính tráng với nhau cả - Hết nghe!Nói rồi ông Tâm dốc bát rượu ào ào ực ực vào trong cổ họng.Thấy tôi còn chần chừ, ông trừng mắt, quát:Hết ngay! Sợ quá, tôi hết một hơi cạn bát.

 

            Lúc này hai ông hội ý xong thì trở lại.Ông An cười đập tay bồm bộp vào vai ông Hưởng nói nhỏ những lời sau chót tôi còn nghe được “ cứ thế nghe, cứ thế”.

            Hai ông lại ngồi bệt xuống sân gạch.Ông An rót tiếp vào cái bát vừa khô như lau.Rượu nặng quá .Tôi thấy người đã muốn oải ra.Đến lượt ông An hăng hái nâng cao bát rượu khích lệ: - Ai bưng bát lên với tôi chớ,đừng để yếu đi chớ ! Rồi họ uống ực  ực như những con thú đang khát nước.Sau những tiếng ực ực là những tiếng khạc nhổ tung tóe.Mùi  rượu sắp ói xông lên nồng nặc.Đến lượt tôi bưng bát rượu.” Trước sợ ông Tâm giờ đến ông An đây “ nghĩ thế, tôi đưa bát lên môi nhấp chút.Tôi chưa kịp sang bát cho người khác thì bỗng ông An bốc lệnh lên:- Ai đang bưng bát phải hết ngay để còn rót, rượu còn trong bị! bát rượu còn đầy, tôi đã muốn ngất xỉu mà vẫn cố uống hết.

 

            Như đã bàn bạc với nhau đâu đấy, sau tầm rượu này là hành động.Ông An hô lớn.

Đồng chí Tỵ, cầm lấy đóm xông vào đi !

Tôi rủn cả người.Rượu mạnh đã ngấm sâu thập phủ ngũ tạng.Tôi chới với và ngã dúi xuống sân.Nhưng có hai người cặp nách tôi kéo đứng lên.Lúc đó trong đầu tôi như có ai  gõ ping poong và xoay chong chóng nhưng tôi vẫn biết những sự việc đang diễn ra xung quanh.Tôi nhớ đến Ngài Thích Ca Mâu Ni đang nằm trong bụi rưới.Tôi nhớ là họ đang giữ cho tôi đứng vững.Và, người thứ ba đặt vào tay tôi bó đóm bằng ruột mây khô đỏ lửa.Họ vừa giữ vừa đẩy tôi nhíc dần về phía các Ngài! Cây đóm như nòng súng ba – dô – ca đang chuẩn bị khạc cục lửa vào các Ngài ! Tôi biết đôi chân tôi và cả con người tôi đang nhích tới cho đến khi cục lửa chạm trúng nơi cần chạm!Và, một khối lửa bùng lên ! Tôi tối tăm mày mặt .Tôi thấy tôi bị giật trở lại . Đúng.Họ kéo tôi lùi xa ngọn lửa an toàn rồi để tôi nằm lại ở đó.Không có ai hỏi han gì tôi cả.Tôi nghe  lửa cháy rần rần.Tôi lịm đi.Trong cơn mê man, tôi nghe hình như có tiếng la chửi trong các ngõ xóm: - “ Quân đốt chùa !Trời đánh Thánh vật chúng bay! Quân đốt chùa ! Trời đánh Thánh vật chúng bay !...”

Chị tôi khóc tức tưởi, ràn rụa.

Anh Tỵ bưng chén nước uống nói tiếp:

Trời ơi ! Khi tôi tỉnh rượu, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng chửi từ rất xa “ Trời đánh Thánh vật chúng bay” Tôi nghĩ trong lúc tôi say những tiếng chửi chắc còn riết róng, mạt sát hơn nữa vào quân vô đạo mà giờ này chắc họ đã vùi trong chăn ấm ngủ khì,hoặc vẫn đang lẩn tránh đâu đó hoặc quây lại một nơi nhậu nhọt mừng công trạng đã đạt được mà chính họ cũng muốn uống một trận cho thật bí tỷ để không còn nghe lọt những lời nguyền rủa chốc chốc lại vang lên trong xóm chùa và phường Đông Bắc.

 

            Ngọn lửa vẫn cháy phừng phực .Tôi ngồi dậy. Tôi khóc.Tôi nhớ ra tất cả .Họ đã thúc ép tôi uống rượu .Tôi sợ hãi.Tôi đờ đẫn.Tôi ngây dại.Tôi đã cầm đóm lửa.Họ đẩy tôi tới chỗ các Ngài khi các Ngài đã được chất lên như một đống củi gộc đã tưới dầu.Giờ các Ngài đang biến thành những cục lửa chồng lên nhau.Ông Thiện, ông Ác,to lớn càng đè các Ngài bẹp xuống.ngài Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cái đầu rụng ra khỏi cổ, bàn tay đã buông rơi bình nước Cam lồ ! Ngài Địa tạng cứu hộ chúng sinh nơi địa ngục tai sứt ,tay lìa thân,các ngón tay đã mủn! Đức Di Đà tây phương tiếp dẫn cháy nằm sấp mặt ! Ngài Tiêu Diện Đại Sĩ thống lãnh tam thục lục bộ cô hồn, miệng luôn phun lửa để tránh tiếng ồn nhưng Ngài vẫn không thể phun lại nổi ngọn lửa tẩm dầu thiêu đốt quanh thân Ngài và tất thảy các Ngài! Tất cả, tất cả các Ngài đang biến thành tro ! Tôi gào lên như người đang động kinh .Tôi nói mếu máo trong hơi thở mệt nhoài:”Các Ngài, Niết Bà là thế này ư ? Người ta đã đưa các Ngài về chốn Niết Bàn là thế này đây ư ?”Tôi khóc. Tôi nói đại trong nước mắt với những lời này mà hình như chưa phải nghĩa thì phải? Tôi đâu đã hiểu hai chữ Niết Bàn !          

            Mô phật ! chị tôi thốt lên.

Rồi bỗng có tiếng gà gáy – Anh Tỵ nói tiếp – Một tiếng rồi nhiều tiếng. trời sắp sáng.Xung quanh tôi vắng lặng.những tiếng chửi mà chắc cũng mệt mỏi ngủ luôn rồi.Tôi nhìn khối lửa bốc cao trên thân Hai ông Thiện – Ác.Các ngài khác đã biến dạng không còn nhận biết .Tôi nhớ đến Ngài Thích Ca Mâu Ni đang nằm trong bụi rưới.Tôi đi đến đó.Xung quanh tôi vẫn một màn đêm dày đặc.Tôi cúi xuống kéo Ngài ra và đặt Ngài vào vị trí như khi thỉnh Ngài tới đây.Tôi ôm Ngài trong hai vạt áo bông khẽ khép trợ thủ.Tôi thỉnh Ngài về nhà tôi.Tôi kéo cửa lọt vào nhà.

 

Vợ tôi nghe tiếng động cửa trở mình hỏi “ ba nó đấy à” – Vâng, tôi đây.Tôi đáp nhanh cho  vợ biết để yên tâm. Đúng thế, nghe tôi đáp, vợ tôi ôm đứa con nhỏ ngủ lại bình thường.

Thật yên tâm. Tôi đặt Ngài đứng xuống giữa bàn. Tôi xẹt diêm châm đèn. Tôi bắc thang lên tra.Tôi thỉnh Ngài lên và đặt Ngài đứng trong bồ lúa đã vơi hơn nửa rồi đậy lắp lại.( Mô phật) Tôi xuống cất thang sang bên chái nhà. Mệt,Tôi chui luôn vào chăn nhưng không sao nhắm mắt lại được.người tôi như đang cháy rần rần.Trong tai tôi vẫn như còn nghe ong ong những tiếng chửi rủa “ Quân đốt chùa ! trời đánh Thánh vật chúng  bay ! Quân đốt chùa !”

 

 

VĨ THANH

 

Năm tháng trôi qua.nghiền ngẫm mãi tôi mới viết xong câu chuyện này. Tôi mang bản thảo về Đồng Giàu đọc cho Ngọc nghe – Người bạn chí cốt từ thủa thiếu thời.Thành thực, trước là để khoe với bạn, sau là để bạn chỉ cho những ý cần thiết mà sửa lại cho tốt hơn.

Mới bước vào nhà bạn cho hay anh Tỵ vừa mất.Ôi ! Đời người sao mà ngắn ngủi ! Và, tôi bảo bạn cùng đi thăm chị Sơn với tôi luôn thể thắp nén hương cho anh.

Ở đây nhiều người đang tụ tập nghe chị Sơn kể câu chuyện mà trước đây chồng chị thường kể cho những ai tới chơi hoặc tới cung kính thắp hương cho Ngài Thích Ca Mâu Ni.Chỉ kể rành rẽ, khúc chiết, xúc động không kém gì anh.Có khác chăng một chút là ở ngôi thứ của người kể.trước đây anh Tỵ xưng “ tôi” thì nay chị dùng “ Nhà tôi” vậy.

Như những thính giả tâm đắc, tôi cùng Ngọc bước vào và ngồi xuống bậc cửa cùng nghe với mọi người.Chị Sơn nhận ra chúng tôi đi vào và vẫn kể tự nhiên, không dừng lại.Câu chuyện đã đến đoạn cuối:”Trong đêm tối trời không trăng sao, nhà tôi hé cửa bước vào nhà, châm đèn, bắc thang lên tra và nhà tô thỉnh Ngài lên “ an tọa” trong bồ lúa rồi đậy nắp lại”

Từ ngày chị kể thay anh, câu chuyện có thêm một đoạn – Lời trăn trối của chồng chị:- “ chỉ khi nào phật tử bổn đạo xây lại chùa Đồng Giàu và có thầy về trụ trì thì mẹ chúng nó mới để bổn đạo thỉnh Ngài Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trở lại chùa.Bằng không thì,dù ai có chồng tiền của ngang đỉnh núi Dài hoặc mang danh cấp chức nào hoặc một tổ chức dù có đủ giấy tờ nào thì mẹ chúng nó cũng đều cự tuyệt, không để họ mang Ngài ra khỏi nhà mình.Khi tôi  nhắm mắt rồi, mẹ chúng nó dù là đàn bà cũng phải sống thanh cao ,ăn sạch sẽ mà ngày ngày hương khói cho Ngài !”

 

Vĩnh Tuy 1972

Nhà sáng tác Vũng Tàu 10.2005

Vĩnh Nguyên

Hội văn học nghệ thuật TT- Huế

26 – Lê Lợi TP.Huế

Tel:064.826648

Vĩnh Nguyên
Số lần đọc: 2503
Ngày đăng: 18.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ban bè một thuở - Nguyễn Đức Thiện
Tấm kiếng rạn nứt - Nguyễn Đức Thiện
Dạ nữ - Dương Ðình Hùng
Tìm quê - Dương Ðình Hùng
Không thể đùa - Nguyễn Đức Thiện
Người viết đơn thuê - Nguyễn Đức Thiện
O chuột và ngôi nhà rỗng - Nguyễn Thị Thu Hiền
Nhân phủ - Nguyễn Ngọc Tư
Tư Biển - Nguyễn Trọng Tín
Chiếc đèn Trung thu - Nguyễn Hòai Ân