Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
818
116.678.752
 
Cơn bão nóng
Trần Yên Hòa

 

 

Buổi tối bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, hai bạn tù lại gặp nhau. Trên bàn nhậu có những đĩa mồi ăn dở, cá kèo nướng, cá khô sặt, đuôi cá đuối...Đĩa rau thơm, những trái ớt tươi xanh, dĩa cốc ổi, muối tiêu, muối ớt...Còn hai bạn thì lờ đờ, gật gù, xộc xệch. Hai chiếc xe mobylette, một xanh, một xám...dựng trên khoảnh đất trống, bên bờ kè.

Hoán nói, giọng đã líu lưỡi.

- Nếu dọt ra khỏi nước này được thì mày làm chi.

- Thì làm chi nữa. Dựng lại đời. Đời mình rách te tua quá nên cần vá lại chứ. Tau sẽ viết sách, làm thơ, viết văn, sẽ tung hoành trên giấy bút.

Hoán thực tế hơn, bàn với Phụng:

- Mày độc thân mà lo cái gì. Mày độc thân, kiếm một em trẻ trung dắt đi theo cho vui cửa vui nhà...Chứ cuộc tình với bà Thu chắc không đi tới đâu đâu, há.

Giọng Phụng rè rè:

- Thì cho vui. Cũng đủ lãng quên đời mà. Nhiều khi thấy Thu cũng tội nghiệp, nhưng em chắc là du lu ra nước ngoài trước tau rồi. Thì cũng đành vậy.

Hoán và Phụng, cả hai đều từ lò cải tạo ra, nên có nhiều người nói, những người tù từ "lò" này ra, thường bị mát dây, bị chạm điện, hay sát nghĩa hơn là điên điên, khùng khùng. Mà cũng thật như vậy, Hoán thì "sật sừ". Và Phụng cũng "sật sừ" không kém, tâm hồn chàng có lúc như bay về một phương trời nào đó...của dĩ vãng. 



                                                                                                     *


Đang dạy học tại một trường trung học quận lỵ, Phụng đến tuổi động viên. Đây là khúc quành lớn nhất của lớp thanh niên sinh ra trong thời đại chiến tranh. Có thanh niên nào lớn lên mà thích cầm súng bắn giết nhau đâu. Nhưng thời thế đã ép họ đi vào cuộc bắn giết. Họ học cầm súng, phải nhìn xuyên qua đỉnh đầu ruồi. Đối tượng nào xuất hiện trước mặt là bắn. Rồi học thế đâm lưỡi lê, tung hứng. Bọn cầm quyền nào cũng mang màu sắc độc tài, quân phiệt, nhân danh quốc gia, dân tộc, nhân danh mọi danh từ tốt đẹp nhất, để đẩy thanh niên vào lò nướng người, lò giết người. Phụng loay hoay lựa chọn con đường mình đi tới cho được an toàn hơn, cho khỏi mất mạng. Mạng sống con người quí lắm. Đem ra chiến trường làm bia cho những tên tai to mặt lớn ngồi hưởng địa vị, danh lợi...Anh chỉ muốn dạy học, một nghề cao quý, nhưng thời thế này không thể đứng lớp được nữa rồi.


Đùng một cái nghe trên đài phát thanh quảng cáo về một ngôi trường lính mới. Quảng cáo nói về một người trai thời loạn, quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Sẽ học hai năm, sẽ được tạo thành những sĩ quan hiện dịch văn võ song toàn. Và những tờ poster, dán đầy các nơi công cộng, in hình ảnh người sinh viên sĩ quan đứng thẳng người, bận lễ phục, cầm kiếm nhìn ra bốn phương trời...Một cái tên nghe cũng hay ho, là trường Đại Học...Ôi, danh từ quảng cáo đã ma mị chàng, chàng bị vây khốn, không đường thoát. Thoát đâu cũng bị bắt, vì không thi hành lệnh tổng động viên. Nên chàng nhảy càn, tìm đường sống trong những con đường chết...Bạn bè vào Thủ Đức như thằng Nam, thằng Bán...hay vào Võ Bị như thằng Gia, thằng Kỵ, thằng Huẩn, ra trường mấy tháng là tiêu đời.

Anh nghĩ, ai mà không sợ cái chết. Thôi nhảy vội...vào đây, hai năm né đạn...Đừng nói đến quốc gia dân tộc, chống xâm lăng...Biết bao nhiêu con ông tướng, ông tổng trưởng, bộ trưởng, tổng giám đốc, vua gạo, vua thép, vua kẽm gai, vua dầu lửa...dùng tiền và quyền, chạy chọt cho con ra nước ngoài du học. Biết bao nhiêu kẻ lắm vàng, nhiều của khác, chạy cho con mình khỏi bị động viên, hay có đi sĩ quan thì "chạy" về đơn vị không tác chiến. Bọn đầu nậu cai thầu chiến tranh* đã có quyền sinh sát trên hơn hai mươi triệu dân miền Nam. Miệng oang oang nói dân chủ, công bằng bác ái, chống làn sóng đỏ xâm lăng, nhưng thực ra đó là những con rối, được nước ngoài tạo nên để làm những tên hề rẻ tiền, múa may quay cuồng, "nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ."

Trong một buổi tiệc say với nàng kiều nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, dùng tiền thuế của dân đổ xăng cho phi cơ trực thăng bay lên, bay xuống Sài Gòn - Đà Lạt bao nhiêu lần, tên tướng không quân nay là xếp xòng chính quyền. Hứng chí thấy mình lỗi lạc, tài ba. Là người hùng không kém những bậc anh hùng trên đất nước này, bằng cách cùng đám đàn em xua nịnh, văn dốt võ dát, ký tên thành lập cái trường Đại Học... ngô không ra ngô, khoai không ra khoai này.

Không có một kế hoạch, đường lối sử dụng thực tế nào, không có chính sách công việc của những sĩ quan khi tốt nghiệp, ra trường. Chỉ tuyển mộ, quảng cáo ầm ỉ, coi như đám sơn đông mãi võ, khua trống khua chiêng inh ỏi, rồi làm trò xiếc múa lửa, nuốt dao rùng rợn, rồi quay qua bán thuốc cao đơn hoàn tán, chỉ mong cho nhiều người mua, hốt tiền, còn hết bịnh hay không thì "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi."

Sự thành lập ngôi trường thật sự chỉ là một cơn nứng cặc của tên tướng không quân, từ lò lính Pháp ấy, văn dốt võ dát ấy, ký sắc lệnh thành lập, rồi sau đó cho một tên đại tá hải quân tốt nghiệp từ thương thuyền qua chỉ huy. Tên đại tá hải quân mê gái, không biết cách chỉ huy bộ binh, không biết cách phòng thủ trường, chỉ biết "rếch lô" khám giường, tủ, súng ống cho không có một hạt bụi, một vết dơ.

 

Sau đêm địch đánh vào trường, không có chiến thuật nào phòng thủ, đánh trả, khiến trên 30 tu sĩ đang theo học ở đây chết, thêm 10 sinh viên sĩ quan chết và bị thương. Trường u sầu như khóc than thân phận, và hờn oán cho những tên cai thầu chiến tranh, đứng ngất ngưỡng trên cao rung đùi, sắp đặt âm mưu chiếm quyền, chiếm ghế.

Tay chỉ huy trưởng, đại tá hải quân, dốt đặt cán mai về chỉ huy bộ binh, đã làm chết hơn bốn mươi học viên, không bị đưa ra tòa án quân sự, không bị tù, không bị xử phạt, không bị hạ cấp bực, hay trọng cấm... mà sau đó được đưa về lại hải quân, giữ chức vụ cao hơn, một thời gian sau lại lên chức tướng.

Đúng là toàn những tên chó má của thời đại, những cai thầu chiến tranh.


                                                                             *

 

Thế mà Phụng nhào vô "trốn lính" trong trường này. Anh không xấu hổ khi nói về điều này. Trong lúc, bọn có thân thế thì trốn lính kiểu đi du học, hay chạy tiền, chạy bạc. Còn chàng trốn lính bằng cách nhảy vô quân trường ẩn mặt hai năm. Chàng ngu ngơ như người mán lạc xuống thị thành, cứ cho là mình khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan của kẻ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Sau này trong cuộc chiến tranh, đám sĩ quan ra trường bị đưa thẳng ra chiến trường, với chức vụ đại đội phó CT. Không quân, không quyền, không gì cả. Một người đàn anh tên Nguyễn Công Văn đã nói: "đại đội phó CT chỉ là người mang ba lô đi theo đại đội trưởng, chờ đạp mìn thay đại đội trưởng." Câu nói để đời và thực tế. Gần 200 sĩ quan chết trong chưa đầy năm năm...Nói là họ hy sinh cho tổ quốc thì cũng oan cho họ, vì họ có hy sinh gì đâu, có muốn hy sinh đâu, có cầm quân đâu, chỉ đi theo hành quân một mình một bóng, rồi lỡ trúng pháo kích, trúng mìn, hay bị bắn sẻ...chết lãng xẹt.
Nói đây là cái tội của tay tướng không quân đang cai thầu quân đội, điên khùng, bạt mạng, ký giấy thành lập trường thì đúng hơn...

Tay đại tá hải quân đổi đi, tiếp theo là lên tướng, một sao, hai sao...Đến ngày gần "đứt phim", y còn chường mặt ra làm tư lệnh được mấy tháng, rồi khi đất nước dầu sôi lửa bỏng, y vội vã lên tàu chuồn thẳng ra đảo Guam, bỏ lại đất và nước, mà từ lâu y thường diễu võ dương oai tuyên bố là, "đất của ta và nước của ta không bao giờ mất được". Nghe nói phong phanh tay này, qua Mỹ còn tham gia vào một chính phủ ma, chính phủ dỏm, do một tên đá cá lăn dưa, đại bịp, làm đại ca. Tay này đề cử y làm thủ tướng, rồi móc trong túi ra cái lon đô đốc gắn cho y.
Ôi! cái công danh của mấy tay con buôn chính trị dỏm, công danh ảo, cũng giống như thật.

Còn Phụng "dính chấu" hơn sáu năm trong lò cải tạo. Mọi cảm hứng thi ca, đều chết tiệt. Đã qua rồi thời kỳ đồ đá, nay lại sống trong thời kỳ đồ đểu mới nguy hơn. Chàng chỉ còn tìm tình thương nơi bạn bè có những hoàn cảnh như chàng. Một thế hệ thanh niên bị sụp hố, cả hai bên...Không nên níu lại những tháng năm cũ, ngày tháng cũ, chàng muốn quên đi, nhưng những cơn "sật sừ" cứ quay cuồng làm chàng choáng váng, nhất là trong những lần ngồi nhậu như thế này.

Hoán thấy Phụng gục gặc đầu, liền hỏi:

- Mày xỉn rồi hả Phụng, xỉn thì về nghỉ nhe.

Phụng trả lời chắc nịch:

- Xỉn đâu mà xỉn. Tại tau nhiều lúc buồn quá, đời mình trong thế hệ chiến tranh đã bỏ đi quá nhiều tuổi trẻ, đi lính làm mồi cho bọn cai thầu, rồi bị tù làm cu li không công cho bọn vẹm. Đâu đâu cũng thấy toàn bọn ma trơi. Tau chán quá.

Hoán an ủi bạn:

- Thôi đi mầy ơi. Thế nước nó như vậy thôi, có gì đâu phải buồn. Mình là con kiến, con gián, con chốt, trong guồng máy đó thì phải chịu vậy thôi. Buồn mà chi em, nước non đang cần trai hùng...
Phụng nổi dóa lên:

- Trai hùng cái con cặc, trai hùng mà chưa đánh đã chạy, từ thằng tổng thống đến thằng tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, co giò nhảy lên máy bay, nhảy lên tàu biển rút ra khơi, để bọn mình ôm sô mút chỉ.

Thấy Phụng nổi điên, Hoán nhẹ nhàng vỗ về:

- Thôi, thời cuộc mà mày, trải qua cuộc chiến mới biết mặt anh hùng. Thời đại qua là thời đại Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều mà mày.

Phụng cũng đã dịu đi cơn điên, anh nhẹ giọng:

- Ừ, thôi tau nghe lời mày.

Rồi Phụng chuyển hệ:

- À, còn chuyện ra đi có thật không mày?

- Tau cũng không biết nữa. Nhưng hy vọng thì cứ hy vọng. Có nhiều cái không tưởng mà thật thì sao?

- Ừ, thì cứ mơ đi. Chứ chẳng lẽ bọn mình, cứ mài mòn đít trên yên xe mobylette như thế này sao? Để làm một thứ công công trong triều đình xưa chắc.

Hoán nghĩ đến Hiền, đến mối tình hiện hữu của mình. Đã qua năm năm, họ sống già nhân ngãi non vợ chồng. Hoán không tính toán gì, anh không tiến tới hợp thức hóa với Hiền vì anh còn hai đứa con thất lạc. Phải tìm ra giọt máu của mình dù chân trời góc bể, ở đâu ba cũng phải tìm ra được hai con.

Phụng qua cơn "sật sừ", lè nhè nói:

- Tau chắc không lấy vợ đâu Hoán, tau với Thu chỉ là tình, cho và nhận. Không ai lợi dụng ai. Thu sắp đi rồi, thôi cứ để cho nàng đi, rồi mình đi sau cũng được. Mong qua Mỹ, biết đâu tau sẽ thành nhà văn lớn, nhà thơ lớn, thì sao? Biết đâu đấy há. Tài không đợi tuổi mà.


Hoán cười nhẹ nhàng, chàng thương Phụng, chỉ có những lúc say xỉn, Phụng mới lên cơn sật sừ như thế, còn thì Phụng hiền hòa, chí tình với bạn. Hoán cứ để Phụng bay lên theo những giấc mơ của mình, giấc mơ cũng là niềm hạnh phúc, vì mơ có tốn đồng xu cắc bạc nào đâu. Giấc mơ bay bổng làm con người được thăng hoa hơn.

Đó là những mơ ước nhỏ nhoi, mà lớn lao, của hai bạn tù, ngồi say xỉn nói chuyện trời ơi. Trong xã hội những ngày này, có cả hàng trăm ngàn, hàng hai trăm ngàn các chàng, khắp cả miền nam, ngồi lơ tơ mơ bên các quán nhậu lề đường, các quán cà phê cóc, đoán mò, mơ mộng, nói dốc, viễn mơ, như thế.

 

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 1517
Ngày đăng: 09.11.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Học trò của thầy - Lê Hứa Huyền Trân
Bức thư tuyệt mệnh của cô bé Anne Frank Đất Việt - Nguyễn Anh Tuấn
Nghe tục dân nói sứ - Vân Hạ
Chuyện Tình Bát Nháo - Trần Yên Hòa
Người sửa đồng hồ và cây phượng - Lê Hứa Huyền Trân
Câu chuyện từ một bộ sưu tập - Lê Ký Thương
Hai cuộc điện thoại lúc sáng sớm (hay 36 năm sau) - Vân Hạ
Ma xó núi - Võ Anh Cương
Ông cậu đầu bạc của tôi - Lê Hứa Huyền Trân
Kiểu... - Hòa Văn
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)