Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
798
116.692.340
 
Hình bóng Hemingway ở Paris qua hồi ký A Moveable Feast (Kỳ 6)
Phan Tấn Uẩn

 

**

 

Tượng sáp của Ernest Hemingway ở Bảo tàng Grévin, Paris.

 

“Điều gì khiến Hemingway trở thành nhà văn vĩ đại ? – Ngoài ảnh hưởng lớn của ông đối với văn học thế giới, ông còn là một nhân vật hấp dẫn với tư cách là một con người nổi tiếng .”

Susan Bertolino

(Giáo sư khoa Di sản trí tuệ Đại học Temple)

 

 

SHAKESPEARE AND COMPANY

 

            Hemingway không có tiền mua sách nên ông mượn sách tại thư viện SHAKESPEARE AND COMPANY, một hiệu sách tiếng Anh do Sylvia Beach thành lập năm 1919 và đóng cửa năm 1941 (hiệu sách Shakespeare and Company hiện nay do cựu quân nhân Mỹ George Whitman thành lập năm 1951 với tên ban đầu là "Le Mistral" ) (*).SHAKESPEARE AND COMPANY là tiêu đề cho một chương trong hồi ký A Moveable Feast.

            Lúc mới thành lập tháng 11 năm 1919 hiệu sách nầy tọa lạc tại 8 Rue Dupuytren, trước khi chuyển đến cơ sở lớn hơn tại 12 Rue de l'Odéon, quận 6 vào năm 1921. Trong những năm 1920, cửa hàng và thư viện cho mượn sách của Sylvia Beach là nơi họp mặt của nhiều nhà văn ,nhà thơ nổi tiếng và đầy tham vọng lúc bấy giờ như Ezra Pound, Ernest Hemingway, Djuna Barnes, James Joyce, F. Scott Fitzgerald, Gertrude Stein và Ford Madox Ford.

 

            SHAKESPEARE AND COMPANY buộc phải đóng cửa vào năm 1941 trong thời kỳ Đức chiếm đóng Paris và Beach bị chính quyền Đức Quốc xã bắt và bỏ tù sáu tháng. Sau khi được thả vào cuối chiến tranh, sức khỏe Sylvia Beach suy sụp và cửa hàng không bao giờ mở lại.

Lúc mới thành lập, Sylvia Beach được tiểu thuyết gia về nữ quyền Annie Winifred Ellerman, người viết dưới bút danh Bryher, tài trợ cho hiệu sách bằng tài sản thừa kế từ cha cô, ông trùm vận tải biển Sir John Ellerman.

 

SHAKESPEARE AND COMPANY (1919-1941).

Chủ hiệu sách là Sylvia Beach.

 

SHAKESPEARE AND COMPANY có chức năng như một thư viện cho mượn sách cũng như một thương hiệu bán sách, được xem như một trung tâm văn học Anh-Mỹ và chủ nghĩa hiện đại ở Paris. James Joyce đặt biệt danh cho SHAKESPEARE AND COMPANY là "Stratford-on-Odéon" (**). Noël Riley Fitch từng mô tả Shakespeare and Company là một "nơi hội họp, hội quán, bưu điện, quầy đổi tiền và phòng đọc sách dành cho những người tiên phong nổi tiếng và sắp nổi tiếng".

 

    

 

Địa điểm 12 Rue de l'Odéon, Paris VI, của Shakespeare and Company cũ hiện

không còn tồn tại, chỉ còn tấm bia tưởng niệm có dòng chữ "Năm 1922,

 tại ngôi nhà này, Sylvia Beach đã xuất bản Ulysses của James Joyce."

Một số nhân vật lịch sử như Paul Valery, Andre Gide , T.S. Eliot và Hemingway từng xuất hiện trong các buổi đọc sách trước công chúng tại SHAKESPEARE AND COMPANY.

Hemingway "đích thân giải phóng" cơ sở nầy khi theo quân đồng minh trong Liên đoàn truyền tin  chiếm lại Paris, rất tiếc  là nó không bao giờ sống lại vì Sylvia Beach tuổi già sức yếu sau khi ra khỏi nhà tù của Đức Quốc Xã.

 

SHAKESPEARE AND COMPANY HIỆN NAY khai trương

vào tháng 8 năm 1951.Chủ hiệu sách là George Whitman

(1951–2011) và con gái Sylvia Whitman (từ 2011đến nay)

 

            Với Hemingway,SHAKESPEARE AND COMPANY là một “nơi đáng yêu, ấm áp,và vui vẻ” với các bức ảnh chân dung những nhà văn nổi tiếng treo trên tường.Trong hồi ký, ông mô tả  Sylvia Beach có mái tóc dày màu nâu và “đôi chân đẹp”; và nhận xét Beach tử tế với mình hơn bất cứ người nào ông biết.

 

 (A)

  (B)

  (C)

Hemingway( A và B) bên trong hiệu sách của S. Beach (C)

 

            Hemingway lúc đầu rất ngại mượn sách thư viện vì không đủ tiền đặt cọc, nhưng Sylvia vui vẻ khuyến khích Hemingway có thể lấy bất cứ sách nào ông thích và trả tiền sau. Từ đó, Hemingway đọc sách của Turgenev, Tolstoy, Dostoevsky và D.H. Lawrence.

 

Turgenev (1818-1883)

Tolstoy (1828-1910)

Dostoyevsky (1821†1881)

 

Cần nhắc lại ,văn học Nga thế kỷ 19 là một trong những nền văn học phong phú ,sâu sắc và nhân văn nhất thế giới. Nó khám phá truyền thống văn học Nga bằng cách tập trung vào bốn tác giả khổng lồ: Ivan Turgenev, Fyodor Dostoevsky, Leo Tolstoy và Anton Chekhov. Tác phẩm của họ có tác động mạnh đến sự hiểu biết của người Nga về thân phận con người. Và, quan trọng không kém, đó là những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nga. Turgenev, Dostoevsky, Tolstoy và Chekhov đã trở thành một phần di sản của văn học thế giới. Sự hiểu biết của thế giới về tiểu thuyết phần lớn đều dựa vào những kiệt tác của Dostoevsky và Tolstoy, trong khi Chekhov đã xác định những quan niệm hiện đại về truyện ngắn.

 

Anton Chekhov (1860 – 1904)

 

Trong cuốn Mikhail Katkov and the Great Russian Novel , biên soạn cho chủ đề về ba nhà văn Turgenev, Dostoevsky và Tolstoy, Susanne Fusso xem xét sự nghiệp văn học của Mikhail Katkov ,tập trung vào những cách mà chủ nghĩa dân tộc của ông đã thúc đẩy nỗ lực tạo ra một chuẩn mực cho văn học Nga và ủng hộ sự công nhận của nó trên toàn thế giới. Trong mỗi chương, Fusso xem xét mối quan hệ của Katkov với một nhân vật văn học lớn của Nga. Ngoài ba tác giả lớn Turgenev, Dostoevsky và Tolstoy, Susanne Fusso còn khám phá những tương tác của Katkov với Vissarion Belinsky, Evgeniia Tur và di sản của Aleksandr Pushkin. Nghiên cứu mang tính đột phá này đã thu hút các học giả, sinh viên và độc giả quan tâm đến văn học và lịch sử văn học Nga.

 

Mikhail Katkov and the Great Russian Novel do Susanne Fusso

biên soạn theo chủ đề Turgenev, Dostoevsky và Tolstoy.

 

            Trở lại chuyện Hemingway , ông hỏi Sylvia khi nào James Joyce đến SHAKESPEARE AND COMPANY  vì ông đã nhìn thấy gia đình Joyce vào ăn ở Michaud. Michaud là một nhà hàng sang trọng ở góc đường Jacob và Des Saints-Pères (ngày nay có tên là Le Comptoir des Saints-Pères). Thường thì khi nào Hemingway thắng trong các cuộc đua ở Auteuil hoặc Enghien, gia đình Hemingway mới có dịp tự thưởng cho mình bữa ăn tối ở Michaud .

 

Sylvia Beach và James Joyce

 

 

Le Comptoir des Saints-Pères (Nhà hàng Michaud cũ),

29 Rue des Saints-Pères, quận 6.

 

Hemingway nhiều lần đi dọc theo đường Des Saints-Peres đến góc phố Jacob, dừng lại và nhìn qua cửa sổ thấy những bức tranh và đồ đạc bên trong . Ông đứng bên ngoài nhà hàng Michaud đọc thực đơn được dán trên đó.

 

Đọc lại mẫu đối thoại …

 

“ Cậu  sẽ không sớm trở lại nếu chờ đọc xong những cuốn sách đó” Sylvia nói.

 “Tôi sẽ quay lại để trả tiền,” tôi nói. “Tôi có một ít tiền ở nhà.”

“ Ý tôi không như thế,” bà nói. “Cậu có thể thanh toán bất cứ khi nào thuận tiện.”

“ Khi nào Joyce tới?” Tôi hỏi.

“ Nếu ông ấy đến thì thường là rất muộn vào buổi chiều,” bà nói. “ Cậu chưa bao giờ gặp ông ấy sao ?  ”

“Chúng tôi thấy ông ta ăn tối với gia đình ở Michaud,” tôi nói. “Nhưng sẽ không lịch sự khi nhìn người ta đang ăn và nhà hàng thì đắt tiền.”

 " Cậu có ăn ở nhà không?"

“ Hầu hết là vậy ,” tôi nói. “Chúng tôi có một đầu bếp giỏi.”

“Không có nhà hàng nào ở ngay khu vực của cậu phải không?”

" Vâng . Sao bà biết ?"

“Larbaud sống ở đó,” bà  nói. “Ông ấy rất thích khu vực đó trừ chuyện thiếu vắng nhà hàng .”

“Địa điểm ăn ngon và rẻ gần nhất là ở Panthéon.”

“Tôi không biết khu vực đó. Chúng tôi ăn ở nhà. Thỉnh thoảng vợ chồng cậu nhớ đến chơi.”

“ Chờ xem tôi sẽ trả tiền cho bà xong ,” tôi nói. "Nhưng cũng cảm ơn bà rất nhiều."

“ Đừng đọc nhanh quá ,” bà nói.

(PTU chuyển ngữ)

 

(“If he comes in, it’s usually very late in the afternoon,” she said. “Haven’t you ever seen him?”

“We’ve seen him at Michaud’s21 eating with his family,” I said. “But it’s not polite to look at people when they are eating, and Michaud’s is expensive.”

 “Do you eat at home?”  

“Mostly now,” I said. “We have a good cook.”

“There aren’t any restaurants in your immediate quarter, are there?”

“No. How did you know?”

“Larbaud lived there,” she said. “He liked it very much except for that.”

“The nearest good cheap place to eat is over by the Panthéon.”

“I don’t know that quarter. We eat at home. You and your wife must come sometime.”

“Wait until you see if I pay you,” I said. “But thank you very much.”

“Don’t read too fast,” she said.)

 

Tiểu thuyết gia nổi tiếng Pháp Valery Larbaud (1881-1957). thông thạo  

sáu thứ tiếng và tham gia việc dịch Ulysses của Joyce. Sau một cơn

đột quỵ vào năm 1935. ông mất  hết khả năng thông thạo 6 ngôn ngữ

 

 

Vào những năm 1920, góc phố này là địa điểm của nhà hàng Michaud. Chính tại đây, Hemingway đã đánh giá F. Scott Fitzgerald là người có “đủ năng lực” sau khi

“kiểm tra kích thước bộ phận sinh dục “ của Scott trong phòng vệ sinh nam.

Căn hộ Hemingway từng thuê ở tầng bốn trên đường Cardinal Lemoine .

 

Căn hộ hai phòng trên tầng bốn đường Cardinal Lemoine Hemingway thuê mỗi tháng 250 francs (18 dollars) chỉ có một nhà vệ sinh chung trên hành lang tầng bốn , điều nầy không gây khó chịu cho những ai đã quen dùng nhà xí chung ngoài trời ở Michigan (Michigan outhouse).

 

Ở Paris, trong những năm 1920, hàng đêm có những vụ thu gom chất thải của cư dân.

 

Căn hộ hai phòng không nước nóng, được trang bị nội thất, chỉ đủ chỗ đặt thêm một cây đàn piano cho Hadley. Người trông coi nhà là Marie Cocotte, cũng là người nấu ăn cho họ mỗi tối. Hemingway mô tả căn hộ nầy trong SHAKESPEARE AND COMPANY : “Với tầm nhìn thoáng đẹp, giường là tấm nệm lò xo êm ái đặt trên sàn và những bức tranh chúng tôi yêu thích , đó là một căn hộ vui vẻ đầy sinh khí. Khi về nhà mang theo những cuốn sách, tôi kể cho vợ nghe đã tìm được một địa điểm tuyệt vời.”

(With a fine view and a good mattress and springs for a comfortable bed on the floor, and pictures we liked on the walls, it was a cheerful, gay flat. When I got there with the books I told my wife about the wonderful place I had found.)

 

Bên dưới căn hộ của Hemingway là Bal du Printemps, một vũ trường chuyên về bal musette (***) giúp họ thức dậy trong những đêm hè oi bức mở toang cửa sổ. Khung cảnh nầy được Hemingway tái hiện trong  The Sun Also Rises (Mặt Trời Cũng Mọc).Chỉ cách đó vài bước là Quãng trường Contrescarpe, nơi có quán Café des Amateurs mà Hemingway từng gọi là “cái thùng phân” vì mùi hôi kinh khủng và sinh hoạt xô bồ của nó.

 

Khi về nhà Hemingway còn kể cho Hadley nghe về Shakespeare and Company… và họ đồng ý cùng nhau đi bộ xuống sông Seine, uống nước tại một quán cà phê mới, trở về nhà ăn uống, đọc sách và làm tình. Hadley nói thêm “chúng tôi sẽ không bao giờ yêu ai khác mà chỉ hai đứa thôi,”. Họ nhận ra rằng cả hai đều rất đói và định ăn trưa ở nhà. Hemingway hứng chí bảo rằng chúng ta sẽ có “tất cả sách trên thế giới” và có thể mang theo trong các chuyến đi xa… Hemingway không quên nhắc đến tên tuổi của Henry James .

 

Henry James (1843 –1916) tác giả người Mỹ gốc Anh. Ông được coi là nhân vật chuyển tiếp quan trọng giữa chủ nghĩa văn học hiện thực và hiện đại, là một trong những tiểu thuyết gia tiếng Anh vĩ đại nhất. Ông là con trai của Henry James Sr. và là anh trai của triết gia và nhà tâm lý học William James và người viết nhật ký Alice James.

 

Hình bóng Hemingway như thế nào trong chương SHAKESPEARE AND COMPANY ?

 

            Hemingway cảm thấy không vừa lòng về sự nghèo khó của mình vì nó hạn chế ông tham gia đầy đủ vào thế giới của các văn nghệ sĩ khác ở Paris. Tuy nhiên, thế hệ cũ sống ở Paris là những con người hào phóng, tin tưởng ông sẽ thành công rực rỡ mặc dù họ không nhất thiết phải có lý do để tin như vậy. Thông qua sự khuyến khích và hỗ trợ của thế hệ cũ, Hemingway đã tìm được chỗ đứng với tư cách là một nhà văn trong cộng đồng nghệ thuật Paris. Đặc biệt, với Sylvia và Stein, đã xác tín một tương lai huy hoàng đúng với thực tế sau nầy của Hemingway.

            Nhưng đọc kỹ ta thấy Hemingway dường như cố tình phóng đại cảm giác hạnh phúc và ngây thơ của mình. Đôi vợ chồng trẻ mới cưới đến Paris, yêu ngây ngất thành phố đến mức có thể làm họ quên đi sự nghèo khó và đạm bạc của chính họ . Nhưng hạnh phúc này chắc chắn sẽ không kéo dài mãi mãi.

 

THÁNG 12 / 2023

-----------------

(*) SHAKESPEARE AND COMPANY HIỆN NAY là một hiệu sách được George Whitman, người Mỹ, khai trương vào năm 1951. Whitman lấy tên "Shakespeare and Company" cho cửa hàng của mình vào năm 1964. Hiệu sách nằm ở số 37 rue de la Bûcherie, quận 5. Ban đầu nó có tên là "Le Mistral", đến 1964 đổi thành "Shakespeare and Company" vào năm 1964 để hoài niệm tên hiệu sách cũ và kỷ niệm 400 năm ngày sinh của William Shakespeare. Ngày nay, nó tiếp tục cung cấp sách mới cũ đủ loại, và là thư viện đọc sách miễn phí ,mở cửa cho công chúng.

Giống như hiệu sách Shakespeare and Company lịch sử của Sylvia Beach đã đóng cửa vào năm 1941, cửa hàng của Whitman nhanh chóng trở thành trung tâm văn hóa ở Paris phóng túng. Những người quen ban đầu bao gồm các nhà văn thuộc thế hệ Beat (The Beat Generation là một phong trào văn hóa được khởi xướng bởi một nhóm tác giả có tác phẩm khám phá và ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị Mỹ sau thế chiến thứ hai) gồm Allen Ginsberg, Gregory Corso ,William S. Burroughs, James Baldwin, Anaïs Nin, Julio Cortázar, Richard Wright, Lawrence Durrell, Max Ernst, Bertolt Brecht, William Saroyan, Terry Southern, và các biên tập viên của The Paris Review, như George Plimpton, Peter Matthiessen và Robert Silvers. Shakespeare and Company hiện nay còn có nhiều hoạt động văn hóa sôi nỗi và đa dạng…

           

(**) Stratford-on-Odéon vừa là danh xưng của một nhóm nhà văn vừa là biệt danh trìu mến của James Joyce dành cho địa điểm 12 Rue de l'Odéon của SHAKESPEARE AND COMPANY ở tả Ngạn Paris. Hai hiệu sách của Stratford-on-Odéon là La Maison des Amis des Livres của Adrienne Monnier và Shakespeare and Company của Sylvia Beach.

Chính nhóm nhà văn nổi tiếng Ernest Hemingway, James Joyce, Ezra Pound, Gertrude Stein và F. Scott Fitzgerald lập nên "Stratford-on-Odéon".

            Trong những năm 1920, các cửa hàng thuộc sở hữu của Beach và Monnier nằm đối diện nhau. Cả hai hiệu sách đều trở thành nơi tụ tập của các nhà văn Pháp, Anh, Mỹ. Bằng cách tài trợ cho các buổi đọc sách và khuyến khích những cuộc trò chuyện thân mật giữa các tác giả và độc giả, hai người phụ nữ này đã mang đến cho việc bán sách một tinh thần gia đình và lòng hiếu khách, khuyến khích tình bạn cũng như trao đổi văn hóa. Joyce sử dụng Shakespeare and Company làm văn phòng của mình và Beach xuất bản cuốn Ulysses của James Joyce vào năm 1922 tại đây.

(***) Bal-musette là phong cách khiêu vũ trong một vũ trường Pháp với một ban nhạc accordion. lần đầu tiên trở nên phổ biến ở Paris vào những năm 1880. Mặc dù nó bắt đầu với kèn túi là chính ..

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 198
Ngày đăng: 22.02.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình bóng Hemingway ở Paris (Qua hồi ký A moveable Feast) (Kỳ 5) - Phan Tấn Uẩn
Nhà văn Phù Vân! Gió mang niềm nhớ …Và Mây đã bay đi - Trương Văn Dân
Nhà văn Châu La Việt: “Tôi chỉ là một cây vĩ cầm dẫn chuyện” - Minh Tứ
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 4) - Phan Tấn Uẩn
1947 – André Gide (Pháp, 1869 – 1951) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn
1946 – Hermann Hesse (Đức, 1877 – 1962) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
‘1945 – Gabriela Mistral (Chi-lê, 1889–1957) - Lê Ký Thương
Hình bóng Hemingway ở Paris (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)