Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
683
116.701.295
 
110. Vua Lê Tương Dực [1509-1516]
Hồ Bạch Thảo

 

Vua tên húy là Oánh còn gọi là Dinh, là cháu của Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Tân, ở ngôi 8 năm, thọ 24 tuổi, bị quyền thần Trịnh Duy Sản giết, táng ở Nguyên Lăng. Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy vong. Mẹ vua là Huy Từ Kiến Hoàng thái hậu Trịnh thị, tên húy là Tuyên, người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương [Thanh Hóa], con gái thứ tư của Đô đốc thiêm sự kiêm Tả công chính Trịnh Trọng Phong, sinh vua vào năm ngày 25 tháng 6 năm Hồng Đức thứ 26 [16/7/1495].

 

Ngày mồng 4 tháng chạp năm Hồng Thuận năm thứ 1 [13/1/1510] ; (Minh Chính Đức năm thứ 4), Giản Tu công lên ngôi Hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm này là năm Hồng Thuận thứ 1. Dùng Đỗ Nhân làm Đông các học sĩ, thăng Triều liệt đại phu.

Sau khi lên ngôi, vua sai bọn đầu mục Lê Quảng Độ, Lê Điêu, Nguyễn Văn Lang, Lê Tung, Lưu Hưng Hiếu, Trình Chí Sâm, Trịnh Tuy, Lương Đắc Bằng, Đỗ Lý Khiêm, Đinh Ngạc, Đặng Minh Khiêm, Đỗ Nhân, Lê Nại, Đàm Thận Giản dâng biểu trần tình với nhà Minh; nội dung: Đoan Khánh Lê Tuấn [Uy Mục] tập phong tước vương đã được 4 năm, tin dùng phe cánh họ mẹ là bọn Khương Chủng, Nguyễn Bá Tuấn; ngang tàn bạo ngược, khiến dân không chịu đựng nỗi, nên bị truất phế.

 

Ngày 17 [26/1/1510], truy tôn mẹ là Trịnh thị làm Huy Từ Trang Huệ Kiến Hoàng thái hậu.

Ngày 29 [7/2/1510], Truy tôn cha là Kiến Vương làm Phối Thiên Dụ Thánh Ôn Lương Quang Minh Văn Triết Khoan Hoằng Chương Tín Tuy Hưu Mục Hiếu Kiến Hoàng Đế. Truy tặng anh cùng mẹ là Cẩm Giang Vương Sùng làm Trang Định Đại Vương, em thứ là Tĩnh Lượng công Doanh làm Mục Ý Vương, em út là Quyên làm Dực Cung Vương.

Tháng giêng năm Hồng Thuận năm thứ 2 [9/2-9/3/1510] ; (Minh Chính Đức năm thứ 5), luận công trạng những người ứng nghĩa, phong quan tước cao thấp như sau:

- Lê Quảng Độ làm Thiệu quốc công.

- Lê Phụ làm Lượng quốc công.

- Lê Bá Lân làm Uy quốc công.

 - Trịnh Duy Đại làm Lại quận công [anh Trịnh Duy Sản] .

 - Trịnh Hựu làm Thọ quận công.

- Lê Mậu Chiêu làm Diên quận công.

 - Nguyễn Hoằng Dụ làm An Hòa hầu [con Nguyễn Văn Lang].

- Trịnh Duy Sản làm Mỹ Huệ hầu.

 - Nguyễn Bá Tuấn làm Lễ bộ thượng thư, Do Lễ bá.

- Lê Tung làm Lại bộ thượng thư, Đôn thư bá.

- Nguyễn Thì Ung làm Đô ngự sử ở Ngự sử đài, Lương Văn bá.

- Đàm Thận Huy làm Hình bộ thượng thư, Lâm Xuyên bá.

 - Lương Đắc Bằng làm tả thị lang bộ Lại.

Dùng võ quan hàm nhất phẩm, nhị phẩm giữ chức Đề lãnh, Đồng đề lãnh và Phó đề lãnh, để quản lãnh việc quân ở 4 cửa thành. Phàm những việc tuần phòng nã bắt kẻ gian, tra hỏi kiện tụng. ngăn cấm hỏa tai, việc cầu cống đường sá đều do Đề lãnh chịu trách nhiệm.

Tháng 2 [10/3-7/4/1510], cử 2 sứ bộ tâu trình sự việc và cầu phong sang nhà Minh:

“ Vua sai sang nhà Minh. Hình bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Đông các hiệu thư Nguyễn Văn Thái, Binh khoa đô cấp sự trung Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong, hành nhân 3 người, tòng nhân 8 người sang tâu việc. Lễ bộ tả thị lang Nguyễn Quýnh, Thị thư Vũ Cán, Đề hình Nguyễn Doãn Văn, Thông sự Nguyễn Hảo, hành nhân 3 người, tòng nhân 9 người sang cầu phong.

Bấy giờ, Thừa Hưu đi đến đầu địa giới thì bị ốm, liền sai Binh khoa đô cấp sự trung Nguyễn Văn Tuấn đi thay.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 2

Tháng 4 [8/5-5/6/1510], bọn hoạn quan Nguyễn Khắc Hài nổi loạn, bị giết chết:

Nhà vua mới lên ngôi, lòng người chưa ổn định. Nguyễn Khắc Hài, Thái giám trong cung, ngầm có chí bạn nghịch. Một đêm, vào trống canh hai, nhà vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đi chơi các điện Vạn Thọ, Kính Thiên và Cẩn Đức cùng bầy tôi theo hầu làm thơ xướng họa. Sau, Nguyễn Lĩnh, bầy tôi trong điện, lại rước nhà vua đến chơi ao sen. Lúc ấy bọn Khắc Hài ở trong cung lẻn ra, rước Hoa Khê vương tên là Tùng lập làm vua giả. Nhà vua được tin có biến động, bèn hạ lệnh cho bọn Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đánh dẹp, đuổi đến phường Đông Hà [huyện Thọ Xương, Hà Nội] giết được Khắc Hài và quá nửa đồ đảng của hắn. những đồ đảng còn sót lại sang qua sông chạy lên núi Tam Đảo (1). Trịnh Hựu sai tì tướng đuổi đánh, giết hết bọn này.” Cương Mục, quyển 26, trang 3.

Tù trưởng Cục Mông nước Ai Lao sai sứ đến Nghệ An dâng bản tâu xin nộp cống quy phụ. Vua xuống chiếu khước từ, vì mới lấy được nước, sợ họ nhòm ngó nước ta.

Tháng 10 [2/11-30/11/1510]; trước kia, Lương Đắc Bằng giữ chức Lại bộ tả thị lang, vì có tang xin cáo quan về. Đến nay cho khởi phục. Đắc Bằng lấy cớ chưa hết tang, cố ý từ chối; nhân dâng 14 kế sách trị binh, tâu lên như sau:

1-Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm dứt tai biến,

2-Dốc lòng hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu,

 3-Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm,

4-Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc,

5-Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe,

6-Tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch,

7-Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiệm phác,

8-Nêu khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường,

9-Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô,

10-Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng,

11-Lựa chọn quan can gián để gây khí thế dám nói,

12-Nới nhẹ việc lực dịch để thoả lòng mong đợi của dân,

13-Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí của bốn phương,

14-Luật pháp, chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình.

Gia phong Thiệu quốc công Lê Quảng Độ làm Bình chương quân quốc trọng sự, Tổng thống quốc chính. Thái tể thái sư. Hồi đầu triều Lê, theo chế độ cũ của nhà Trần, đặt chức Tướng quốc, gia phong Bình chương quân quốc trọng sự. Đời Hồng Đức (1470 - 1497), Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức ấy; đến nay lại khôi phục và gia phong Thái tể thái sư.

 

Tháng 11 [1/12-30/12/1510], vua sai Ngự sử đài phó đô ngự sử Đỗ Lý Khiêm, Hàn lâm viện thị độc kiêm sử quan Nguyễn Bỉnh Hoà, Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Đức Quang, Thông sự Nguyễn Minh, hành nhân 8 người, tòng nhân 25 người sang nhà Minh tuế cống.

Tình trạng nước Chiêm Thành lúc này lãnh thổ còn lại nhỏ nhoi, chính quyển không ỗn định; nhưng người con nối dõi Quốc vương Cổ Lai là Sa Cổ Bốc Lạc mấy lần sai sứ sang nhà Minh xin phong. Vua Minh cũng rán duy trì sự tồn tại của Vương quốc này, nên sai Cấp sự Trung Lý Quán, Cấp sự trung Vu Thông lần lượt đi ban sắc phong. Nhưng vì thấy đến nước này nguy hiểm, nên cả hai người  đều nại cớ từ chối; cuối cùng đành phải cho sứ giả lãnh sắc phong mang về:

Ngày 26 tháng 7 năm Chính Đức thứ 5 [ 30/8/1510]

Người tạm coi việc nước Thế tử Chiêm Thành Sa Cổ  Bốc Lạc sai chú là Sa Hệ Bả Ma đến xin phong tước, cùng cống sản vật địa phương. Bộ Lễ tâu:

Sa Hệ Bả Ma đến kinh đô đã một tháng, quan bạn tống và mang phương vật vẫn còn đi sau, nên trị tội trì hoãn.

Chiếu ban thưởng cho Sa Cổ Bốc Lạc cùng Sứ thần như lệ. Về quan bạn tống, lệnh pháp ty xét hỏi.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 165.   

Ngày 3 tháng 8 năm Chính Đức thứ 5 [ 5/9/1510].

 Sai Cấp sự trung bộ Lễ Vu Thông sung Chánh sứ, Hành nhân Lưu Mật thuộc ty Hành nhân sung Phó sứ phong Thế tử Sa Cổ Bốc Lạc chức Quốc vương Chiêm Thành.

Trước đó Tả Cấp sự trung Lý Quán đến lượt đáng phải đi, trong nội bộ sửa lệnh bắt Thông đi. Vì người làng của Quán hối lộ cho Lưu Cận, vài ngày sau bị bãi; rồi vì bị Thông khiếu nại; nên lại ra lệnh Quán đi. Quán đến Từ Châu [Giang Tô], gặp cướp cắt ngắn tóc; tâu xin dưỡng ở nhà chờ tóc dài rồi đi. Được chấp thuận. Sau đó Mật chết trên đường đi; Quán đến Quảng Đông tâu mấy lần nên việc trì hoãn đến 7 năm không đi; triều đình bàn cho người nước này ( Chiêm Thành ) lãnh sắc phong mang về.Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 165.

Ngày 18 tháng 8 năm Chính Đức thứ 5 [ 20/9/1510].

Ban cho bọn Sứ thần Chiêm Thành Sa Hệ Bả Ma lụa tốt và y phục làm bằng lụa; bọn này đến thỉnh phong. Chúng còn được ban nón và dây đai, có sai biệt.” ( Minh Thực Lục v. 64, tr. 1429-1430; Vũ Tông q.65, tr. 8a-8b ) Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 166.

Tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 3 [28/2-28/3/1511], (Minh Chính Đức năm thứ 6), Vua đi bái yết Lam Kinh; thừa cơ, bọn Thân Duy Nhạc và Ngô Văn Tổng dấy quân ở các huyện Yên Phú [huyện Yên Phong] , Đông Ngàn [huyện Từ Sơn], Gia Lâm, thuộc Bắc Ninh. Quan phòng thủ Đông Kinh là Thuỵ quận công Ngô Bính và Kim Nguyên bá Trịnh Bá Quát, sai quân đi đánh, phá được; bắt sống bọn Duy Nhạc, Văn Tổng đóng cũi giải về Kinh sư, rồi đưa đến hành cung nơi Vua đóng.

 Thân Duy Nhạc người xã Đại Liễn, huyện Vũ Ninh, Bắc Ninh; thời Lê Uy Mục,  đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Cẩm y vệ đoán sự, trực điện Kim Quang. Đến khi Vua Tương Dực dấy quân, giết Uy Mục, Duy Nhạc liền về nhà không làm quan nữa, rồi khởi binh làm loạn, đến đây bị giết. Duy Nhạc là cựu thần người Bắc Ninh,  nỗi dậy tại vùng Đông Ngàn quê mẹ Lê Uy Mục; xét thấy cuộc nỗi dậy liên quan đến đám tàn dư phe Lê Uy Mục.

Tháng 3 [29/3-26/4/1511], thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Thái Hoa 47 người. Đến khi thi Đình, lấy Hoàng Nghĩa Phú, Trần Bảo Tín, Vũ Duy Chu 3 người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Bùi Doãn Hiệp 9 người đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Trần Doãn Minh 35 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 4 [27/4-26/5/1511] Binh bộ thượng thư, Quốc tử giám tư nghiệp, kiêm sử quan Đô tổng đài Vũ Quỳnh, người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên, nay là huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) năm Hồng Đức thứ 9 [1478]; dâng bộ Đại Việt Thông Giám Thông Khảo chép từ thời Hồng Bàng đến Mười Hai Sứ Quân về trước làm Ngoại kỷ; từ Đinh Tiên Hoàng đến năm đầu Thái Tổ Cao Hoàng Đế bản triều đại định thiên hạ làm Bản kỷ, chép tường tận theo lối biên niên các triều đại, gồm 26 quyển.

Tiến phong Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên bá. Bấy giờ, các nhà thuật sĩ đều nói ở phương đông có khí sắc Thiên tử. Vua sai Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang cho người ra Đồ Sơn để trấn yểm. Đăng Dung, người Cổ Trai, lân cận với Đồ Sơn, cũng đi trong chuyến đó, nhưng không ai ngờ!

 Ngày 27 [23/5/1511], ban sách Trị Bình Bảo Phạm tức khuôn phép quý báu về việc trị quốc bình thiên hạ, gồm 50 điều cho cả nước.

 Ngày mồng 5 tháng 5 [31/5/1511], vua ngự điện Kính Thiên, quan Hồng lô xướng danh các Tiến sĩ là bọn Hoàng Nghĩa Phú. Các quan mặc triều phục chúc mừng, các Tiến sĩ nhận ân mệnh;  bộ Lễ đem bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái Học. Lại ban y phục, đai mũ và ban yến cho các tân khoa Tiến sĩ.

 Gia phong Lượng quốc công Lê Phụ làm Tả bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội kiểm hiệu, Thượng tướng thái uý; Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Phụ quốc thượng tướng, Thượng tể thái phó; Uy quốc công Nguyễn Bá Lâm làm Công bộ thượng thư chưởng bộ sự, tri Hiển Phúc điện; Đàm Thận Huy làm Lại bộ Thượng thư, tri Chiêu Văn quán Tú lâm cục; Lê Tán Tương làm Công bộ Hữu thị lang.

Ngày11 tháng 11 [30/11/1511], Trần Tuân ở Sơn Tây nổi loạn; nhà vua sai Trịnh Duy Sản đi đánh, giết được. Vua phong Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công, và biểu dương bọn Đại học sĩ Đỗ Nhạc 11 người, trong lúc loạn gần chốn kinh thành, vẫn ứng trực ở triều đường:

Tuân, người xã Quang Bị, huyện Bất Bạt, là cháu Trần Cẩn, một viên Thượng thư đã mất. Tuân là người hung hãn chiếm cứ các động ở ven núi vùng Hưng Hóa, tụ tập quân vô lại kể hàng vạn người, tung ra cướp bóc các nơi. Lúc ấy quân của Tuân di chuyển về mặt Sơn Tây, nhân dân ở kinh thành náo động, tranh nhau bồng con bế cái chạy đi nơi khác lánh loạn. Nhà vua sai Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản đem quân tiến đánh, bị thua, Duy Sản rút quân về giữ ở xã Đông Ngạc (2) và phường Nhật Chiêu (2). Quân của Tuân nhân khí thế đương mạnh, muốn tiến sát vào kinh thành. Nguyễn Văn Lang sai quân thân tín ở 6 Vệ Điện Tiền chuẩn bị thuyền của vua, muốn rước vua lánh vào Thanh Hoa; một mặt điều động những người làm thợ tại các sở, bày hàng trận ở Đông Hà (3), để tỏ cho bên địch biết có quân phòng bị giữ kinh thành. Đến đêm, toán quân này tự nhiên sợ hãi tan vỡ. Duy Sản thu thập toán quân tan vỡ lại còn được hơn 30 người, họ xé áo làm dấu hiệu, thề đánh nhau với giặc. Hôm ấy, trời đã gần tối, quân của Duy Sản chợt kéo đến trại lũy Trần Tuân. Tuân, mình mặc áo bào đỏ, ngồi trên giường. Duy Sản xông thẳng vào đâm chết. Quân trong trại bèn tan vỡ. Các toán quân nơi khác không biết là Tuân đã chết, cứ tụ hợp như cũ. Nhà vua được tin báo, bèn sai Nguyễn Văn Lang đốc thúc tướng sĩ các dinh hội hợp với toán quân của Duy Sản, nổi trống hò reo tiến đánh, phá tan được bọn này, đuổi đến địa phận xã Thụy Hương và Quả Động (4), chém giết không biết bao nhiêu mà kể.

Phong Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công. Nhà vua xét công những người đánh được Trần Tuân, tiến phong Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công; những binh sĩ nào theo Duy Sản đánh giặc chém giết được nhiều người, đều giao cho chức Đô chỉ huy đồng tri. Việc xét quân công, cứ người nào cắt được nhiều tai giặc thì trao cho chức trọng, bắt đầu từ đây. Trước kia, quân của Trần Tuân tiến sát đến kinh thành, dân chúng phần nhiều bồng con bế cái chạy lánh nơi khác, duy có đại học sĩ là bọn Đỗ Nhạc 11 người vẫn ứng trực ở triều đường, nay nhà vua hạ sắc lệnh cho được dự vào việc nghị thưởng để biểu dương họ.”Cương Mục, quyển 26, trang 13.

Phân định lệ thuế vàng bạc. Lệ thuế vàng trong nước: vàng mười hạng tốt là 449 lạng 5 phân, 6 ly, 4 hào; vàng mười hạng thường là 2.901 lạng, 6 đồng cân, 9 phân, 5 ly. Còn lệ thuế bạc, thì bạc tốt mười thành là 6.125 lạng, 9 đồng cân, 8 phân, 4 ly, 8 hào.

Tháng giêng năm Hồng Thuận thứ 4 [19/1-16/2/1512], (Minh Chính Đức năm thứ 7); sai Đỗ Nhạc làm tán lý quân vụ đi các vùng Sơn Tây và Hưng Hoá, dẹp tan bọn phản nghịch Nguyễn Nghiêm, dư đảng của Trần Tuân .

Tháng 3, ngày mồng 3 [20/3/1512], ban chiếu chỉ rằng: Người nào con cháu công thần khai quốc mà còn phải ở trong quân ngũ. Cho mang sắc mệnh phong tặng của cha ông, đến cửa quan khiếu nại. Quan xét thực, kẻ biết chữ thì được sung làm học sinh ở Sùng Văn quán, người nào không biết chữ thì sung làm tuấn sĩ của vệ Cẩm y.

 Gia phong Lê Tung làm Thiếu bảo Lễ bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, Tri kinh diên sự, Đôn Thư bá.

Tháng 4 [16/4-14/5/1512], bọn Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt làm loạn ở vùng Nghệ An. Vua sai Khang quận công Trần Nghi và Đông các hiệu thư Trần Dực đi đánh. Vào đến địa phận Nghệ An, bọn Nghi bị địch đánh chặn hai phía trước sau, nên phải rút lui ra biển. Quan quân vượt biển, bị sóng gió đánh vỡ thuyền, toàn quân chết đuối; Nghi và Dực cũng chết chìm ngoài biển. Bọn Hy, Hưng tiến sát đến huyện Lôi Dương, Thanh Hóa.

Ngày 16 tháng 5 [30/5/1912], Vua sai Trịnh Duy Sản chỉ huy quan quân, và Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đến Thanh Hóa, Nghệ An đánh dẹp quân giặc; chém Lê Minh Triệt đưa về Kinh sư bêu đầu ở phường Đông Tân; bắt sống được Hy và Hưng đóng cũi giải về Kinh sư rồi giết.

Bấy giờ hạn hán; dân bị nạn đói to. Nhưng Vua vẫn cho khởi công xây dựng các công trình lớn như đại điện và cửu trùng đài:

Trước đây, Vũ Như Tô một người thợ ở Cẩm Giàng [Hải Dương], xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm cửu trùng đài. Mặt trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch, vòng quanh khuất khúc, mở thông cửa cống. Nhà vua bất thần ngự thuyền Thiên Quang đi chơi xem suốt ngày đêm. Quân sĩ trong Ngũ phủ làm việc xây đắp chưa được thành công, lại bắt quân sĩ các nha môn ở trong và ngoài kinh thành làm việc lấp hồ, san đất, khi nhà vua đi chơi, thấy người nào làm vừa ý thì thưởng cho thẻ bài vàng hoặc bạc. Có khi công việc đã làm xong rồi lại thay đổi làm lại; sửa sang xây dựng hết năm này sang năm khác. Quân và dân phải đi làm việc bị bệnh dịch, chết mất khá nhiều.” Cương Mục, quyển 26, trang 17.

Vào tháng 6, Sứ thần Đỗ Phúc Khiêm đến triều Minh dâng lễ cống:

Ngày 12 Tháng 6 năm Chính Đức thứ 7 [ 24/7/ 1512 ]

Quốc vương An Nam Lê Trừu [vua Tương Dực]  sai bọn Bồi thần Đỗ Phúc Khiêm dâng biểu, cống sản phẩm địa phương. Ban y phục thải, đoạn; có sai biệt.Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 166.

Về phía Chiêm Thành, 2 năm trước đây [năm Chính Đức thứ 5 20/9/1510] Sứ thần đến xin phong. Triều đình nhà Minh sai Lễ khoa Cấp sự trung Lý Quán, Hành nhân Lưu Mật chuẩn bị đến phong cho Sa Cổ Bốc Lạc làm Quốc vương. Nhưng tình trạng Chiêm Thành bị nước Đại Việt chiếm gần hết cả nước, phải rút lui đến Xích Khảm bang, Đô Lang quốc [Phan Rang?], lãnh thổ không ỗn định. Cấp sự trung Lý Quán nhận thấy đi sứ nguy hiểm, nên chần chừ đến năm nay, Chính Đức thứ 7 [ 19/1/1513], xin tuyên sắc phong tại quán dịch Hoài Viễn, Quảng Đông; rồi cho Sứ thần Chiêm Thành mang về nước. Nhưng triều đình không bằng lòng giải pháp này. Mãi đến năm Chính Đức thứ 10 [ 25/8/1515 ], nhân Sứ thần Chiêm Thành bọn Lực Na Ba đến; triều đình nhà Minh đành chấp thuận giải pháp nêu trên, cho  lãnh sắc cùng sách phong mang về nước:

Ngày 13 tháng 12 năm Chính Đức thứ 7 [ 19/1/1513]. Trước kia Lễ khoa Cấp sự trung Lý Quán, Hành nhân Lưu Mật nhận sắc để phong cho Quốc vương Chiêm Thành Sa Cổ Bốc Lạc. Đến Quảng Đông, Mật bị bệnh mất. Sai Hành nhân Lưu Văn Thụy đi thay. Thụy chưa đến, Quán tâu rằng Chiêm Thành có những năm vào đầu triều đại đã không đến cống, mới đây các quan bàn không nên đi xa để phong; vậy xin tuyên sắc phong tại quán dịch Hoài Viễn tại Quảng Thành, cùng ban thưởng cho Vương và Phi những đồ vật; lệnh cho Sứ giả  là bọn chú Vương,  Sa Hệ Bả Ma, lãnh mang về. Sự việc đưa qua bộ lễ bàn rằng Sa Cổ Bốc Lạc nước Chiêm Thành xin phong đã hơn 2 năm rồi, nay vô cớ dừng lại không phong, là sai với chế độ phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt. Nếu trong muôn một Sa Hệ Bả Ma không tuân theo, hoặc phong người khác, rồi đi đến tranh chấp, thì xử sự làm sao đây? Xin như cũ, sai bọn Quán đến sắc tại nước này, để khỏi thất tín Di bên ngoài, mà thể chế của Trung Quốc cũng không bị tổn thất. Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 166.

 Ngày 16 tháng 7 năm Chính Đức thứ 10 [25/8/1515]. Mệnh Sứ thần Chiêm Thành bọn Lực Na Ba lãnh sắc cùng sách phong trở về nước.

Trước đây Sa Cổ Bốc Lạc sai sứ đến thỉnh phong, sai Cấp sự trung Lý Quán mang sắc đưa đi. Quán đến Quảng Đông, xin theo lệ năm trước đây sách phong cho Cổ Lai, cho Sứ thần lãnh sách phong trở về. Đình thần bàn rằng:

Đã sai sứ đi trên hai năm, nay nếu dừng lại nửa chừng, thì không hợp với đạo phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt! Nếu Sứ thần không chịu lãnh sắc phong, hoặc lãnh sắc rồi lúc trở về không trao đúng người nhận, thì lại một lần nữa gây mối tranh chấp, lấy cách gì để xử đây ? Vậy nên lệnh Quán đi gấp.

Quán lại tâu:

Đi sứ nơi xa cần có hướng đạo biết đường, Thông dịch viên biết ngôn ngữ và chữ viết; nay tất cả đều không có, xin bàn và phân xử.

Đình thần bàn lại:

Lệnh các quan Tuần Phủ địa phương, bằng mọi cách tìm cho được người hướng đạo và thông dịch. Nếu không có được, chấp nhận theo lệ cũ thi hành.

Rồi Quán lại tâu thêm:

Phụng mệnh đã hơn 5 năm, mấy lần dâng sớ lên nhưng chưa quyết định được cách đi. Ai mà chẳng biết rằng sóng gió nguy hiểm đáng sợ; nhưng đáng lưu ý là đất Chiêm Thành từ đời Cổ Lai, sau khi bị An Nam thôn tính, thì vị trí không rõ ràng. Y chạy trốn đến Xích Khảm bang, Đô Lang quốc [ Phan Rang?] ; không còn ở chỗ cũ, xét không thể đi được. Huống Cổ Lai là Đầu Mục của vua Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm, đã giết vua đoạt ngôi, vua có 3 con, hiện  còn một người. Theo đạo nghĩa hành động của y không đúng; xét theo sử Xuân Thu nếu không mang quân đi hỏi tội thì cũng nên chấm dứt con đường triều cống. Thần cho rằng cho họ lãnh sắc phong mà đi, còn giữ được điều lễ nghĩa; thì cần gì phải tìm kiếm hướng đạo, thông dịch, rồi đình thần họp bàn vô ích!

Gặp dịp Tuần Án Quảng Đông Ngự sử Đinh Giai tấu tương tự như lời của Quán; bèn đem xuống họp phủ, bộ, khoa đạo; bàn như sau:

Trung Quốc đối với các Di Địch, đến thì vỗ về, không đến thì cắt đứt. Nay Thế tử ( con Cổ Lại ) ở nơi rừng núi bưng biền không đến được; vậy nên ra lệnh Tuần Án Quảng Đông triệu Chánh sứ Lực Na Ba đến dụ rằng Sứ thần không thể đi xa được, rồi lấy sách phong cùng lễ vật từ Quán trao cho Sứ thần mang về; như vậy không mất lòng nước Di xa xôi, mà toàn vẹn thể chế của triều đình.

Chiếu chấp nhận, rồi lệnh Quán trở về.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 171.

Tháng giêng năm Hồng Thuận thứ 5 [6/2-6/3/1513], (Minh Chính Đức năm thứ 8). Thừa tướng thượng tể Nguyễn Văn Lang mất. Nguyễn Văn Lang là em Trường Lạc Hoàng thái hậu. Ông tinh thông thao lược, sành sỏi phép dụng binh, sức mạnh có thể đánh được hổ. Trước đây, dấy quân ở Tây Kinh, Văn Lang xướng xuất việc nghĩa trước nhất, kéo quân về bình định được Đông Đô; vì có công lớn, được phong tước Nghĩa quốc công. Đến nay Văn Lang mất, được tặng phong tước Nghĩa Huân vương; việc táng, việc lễ đều dùng lễ nghi của vua chúa và được đúc tượng bằng vàng.

 

Ngày 26 [3/3/1513], nhà Minh sai Chánh sứ Trạm Nhược Thủy, Phó sứ Phan Hy Tăng sang phong Vua tước An Nam Quốc vương. Trong dịp này, nhà Vua và hai viên Sứ thần làm thơ xướng họa:

 “Nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phòng vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu". Đến khi về, vua tặng biếu rất hậu. Nhược Thuỷ và Hy Tăng không nhận. Vua làm thơ tiễn Nhược Thuỷ rằng:

 ‘Phụng chiếu chi thừa xuất cửu trùng,

Hoàng hoa đáo xứ tổng xuân phong.

 Ân đàm Việt điện sơn xuyên ngoại,

Nhân ngưỡng Nghiêu thiên nhật nguyệt trung.

 Văn quỹ xa thư quy hỗn nhất,

Uy nghi lễ nhạc ái chiêu dung.

Sứ tinh cảnh cảnh quang huy biến.

Dự hỷ Tam thai thuỵ sắc đồng.’

 

Dich thơ:

 Chiếu phượng ban cho tự cửu trùng,

Hoàng hoa (5) chốn chốn vẫn xuân phong.

 Ân trùm cõi Việt non sông khuất,

 Người ngóng trời Nghiêu nhật nguyệt chung.

 Lối xe cỡ chữ thâu về một (6) ,

Lễ nhạc uy nghi rõ chữ đồng.

Vằng vặc sứ trời soi sáng khắp,

 Tam thai (7) ánh đẹp dự vui cùng.’

Nhược Thuỷ hoạ vần đáp lại rằng:

‘ Sơn thành thuỷ quách độ trùng trùng,

Sơ tụng tân thi kiến quốc phong.

Nam phục mạc ngôn phân thổ viễn,

Bắc thần trường tại phổ thiên trung.

Xuân phong hạo đãng hoa đồng vũ,

 Hoá nhật chiêu hồi hải cộng dung.

Ký đắc truyền tuyên thiên ngữ ý,

Vĩnh kỳ trung ngoại thái bình đồng.’

 

Dịch thơ:

‘Thành non, quách nước trải bao trùng,

 Thơ mới vừa ngâm thấy quốc phong.

Chớ bảo Nam bang riêng đất lánh,

Còn kia Bắc đẩu khắp trời chung.

Gió xuân lồng lộng hoa đua múa,

 Trời sáng lâng lâng biển cũng đồng.

Nhớ lúc truyền ban lời thánh chỉ,

Thái bình mọi chốn mãi mong cùng.’

Bài thơ của vua tiễn Hy Tăng:

‘Nhất tự hồng vân giả án tiền,

Sứ tinh quang thái chiếu Nam thiên.

Lễ quy nghĩ củ chu toàn tế,

 Hoà khí xuân phong tiếu ngữ biên.

 Ân chiếu phổ thi tân vũ lộ,

 Viêm phong vĩnh điện cựu sơn xuyên.

Tình tri viễn đại lư hiền nghiệp,

Miễn phụ hoàng gia ức vạn niên.

 

Dịch thơ:

 Từ chốn mấy hồng án đỏ xa,

Trời nam sao sứ rọi quang ba.

Lễ nghi quy củ khi thù ứng,

 Cười nói tươi vui buổi khí hoà.

 Ân chiếu rộng ban mưa móc mới,

 Viêm bang vững mãi cựu sơn hà.

 Hiền thần cơ nghiệp còn cao rộng,

 Muôn năm gắng sức giúp hoàng gia.’

 Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:

Hoàng gia thanh giáo cổ vô tiền,

Thử nhật xuân phong động hải thiên.

Long tiết viễn huy Nam đẩu ngoại,

Điểu tinh trường củng [20b] Bắc Thần biên.

Duy viên nghĩa tại tư phân thổ,

Nạp hối tài sơ quý tế xuyên.

Lâm biệt hà tu phân trọng tệ,

Tặng ngôn thâm ý ức tha niên.

 

Dịch thơ:

Hoàng gia thanh giáo dậy phương xa,

 Trời biển xuân về gợn ánh ba.

Long tiết (8) sáng coi ngoài Nam đẩu,

Điểu tinh (9) chầu mãi Bắc thần hoà.

 Phong đất nghĩa nên làm vách giậu,

 Can ngăn tài kém thẹn qua hà,

Chia tay chi phải cho nhiều thứ,

 Tặng lời thâm ý nhớ hoàng gia.Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 15, trang 19b.

Ngày mồng 7 tháng 6 [9/7/1513], lụt lớn tại kinh thành; vỡ đê phường Yên Hoa, tức đê Yên Phụ, thông vào hồ Tây.

Tháng 8 [30/8-28/9/1513], dựng bia ghi tên tiến sĩ khoa Tân Mùi năm Hồng Thuận thứ 3 [1511]. Sai Thượng thư bộ Công Uy quận công Nguyễn Bá Lân trông coi việc dựng bia, Thượng thư bộ Lễ Đôn Thư bá Lê Tung soạn bi ký; Trung thư xá nhân Ngô Ninh viết chữ chân, Tri thượng bảo giám Nguyễn Huệ viết chữ triện.

 Ngày 13 tháng 10 [9/11/1513], sai Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Trọng Quỳ, Hàn lâm viện thị thư Hứa Tam Tỉnh, Đề hình giám sát ngự sử Nguyễn Quý Nhã sang cống nhà Minh. Hành trình của sứ bộ này gặp nhiều trắc trở; lúc đi, vừa vượt qua khỏi biên giới, đến huyện Long Châu, Quảng Tây thì thuyền bị lật, một viên hành nhân bị kẹt vào đá chết. Ngày 23 tháng 4 nhuần năm Hồng Thuận thứ 7 [5/6/1515] được triều Minh đón tiếp và ban yến tiệc.  Đến tháng 4 năm năm Hồng Thuận thứ 8 [20/5-30/5/1516] trở về nước, chính vào lúc Vua Tương Dực mới bị quyền thần Trịnh Duy Sản giết, Trần Cảo làm loạn, chiếm cứ vùng Lạng Nguyên [Bắc Giang, Lạng Sơn]. Sứ bộ bị uy hiếp phải đem tài sản nhà nước giao cho Cảo. Vì lỗi này, nên vào năm Quang Thiệu thứ 6 [1421], bọn Thị lang Nguyễn Trọng Quỳ bị giết:

Ngày 19 tháng 4 năm Chính Ðức thứ 10 [ 2/5/1515]. Nước An Nam đến triều cống; Bồi thần Nguyễn Quí Nhã tâu rằng thuyền bị hủy tại thác Liên Thôn, Long Châu; làm ướt 50 tấm quyên, Hành nhân Nguyễn Văn Hoán bi kẹt vào đá chết. Bộ Lễ tâu xin thương xót khoan thứ rộng rãi, cùng ban tuất cho người chết. Ðược chiếu chỉ bỏ qua số quyên do bất trắc bị ướt,về viên Hành nhân mệnh ty trách nhiệm cho khâm liễm, rồi chuyển theo trạm dịch về quê.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 168.

Ngày 23 tháng 4 nhuần năm Chính Đức thứ 10 [5/6/1515] .Quốc vương An Nam Lê Trừu sai Bồi thần Nguyễn Trọng Quỳ cống sản phẩm địa phương. Ban yến, thưởng lụa có phân biệt. Lại sai mang về ban cho Quốc vương 10 tấm lụa, 4 tấm gấm.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 170.

Sứ bộ tuế cống trước đây là bọn Binh bộ hữu thị lang Nguyễn Trọng Quỳ, Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Quý Nhã, về đến châu Bằng Tường, nghe tin  Trần Cảo làm loạn, chiếm giữ vùng Lạng Nguyên đường sá bị tắc. Thông sự Hà Công Miễn và Đỗ Khánh Dư [30b] bàn đem tiền của nhà nước giao cho Cảo, đến năm Quang Thiệu thứ 6 [1421], bọn Trọng Quỳ bị giết chết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 30a.

Tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 [25/2-25/3/1514], (Minh Chính Đức năm thứ 9); Vua bái yết Tây Kinh, Thanh Hóa.

Tháng 3 [26/3-24/4/1514], thi Hội các sĩ nhân trong nước, số dự thi là 5700 người; lấy đỗ bọn Nguyễn Bỉnh Đức, gồm 43 người. Ngày 27 tháng 4 [2/5/1514], vua thân hành đến ngự điện, ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài. Cho bọn Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Chiêu Huấn, Hoàng Minh Tá 3 người, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Vu 20 người, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Bỉnh Di 20, người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5 [24/5-21/6/1514], ban chiếu cho các tân khoa Tiến sĩ vào điện Thiên Quang làm bài ứng chế, vua sai làm bài Thiên Quang điện ký.

Vua sai đắp thành chặn ngang sông Tô Lịch, làm điện Tường Quang, cho bơi chèo thuyền trên Hổ Tây du hý. Còn giết một loạt 15 Vương, Công tôn thất; thông dâm với các cung nhân triều trước:

 “Nhà vua thích mở mang việc thổ mộc; đắp thành rộng hàng mấy ngàn trượng bao bọc cả điện Tường Quang, quán Chân Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa; thành đắp từ phía đông nam đến phía tây bắc, chặn ngang sông Tô Lịch, bên trên đắp hoàng thành, bên dưới mở cửa cống, xây bằng gạcg đá, dùng sắt chắn suốt bề ngang. Lại làm thuyền chiến để đi chơi hồ Tây, bắt phụ nữ cỡi trần bơi chèo để vui chơi thỏa thích.

Vì nghe lời tâu bịa đặt của hiệu úy là Hữu Vĩnh (không rõ họ ), nhà vua giết 15 người vào hàng tước vương, tước công trong họ tôn thất. Lại triệu cung nhân của Mẫn Lệ công [Vua Uy Mục] và cung nhân triều trước để tư thông.” Cương Mục, quyển 26, trang 23.

Tháng 9 [18/9-17/10/1514], sai Thượng thư bộ Lễ bộ kiêm Đông các đại học sĩ Lê Tung soạn Đại Việt thông giám tổng luận, 1 quyển. Tung trước tên là Bang Bản, người làng An Lạc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Theo Phan Huy Chú, khi Vũ Quỳnh làm xong sách Đại Việt thông giám thông khảo dâng lên, Vua Tương Dực muốn tóm tắt những điều quan trọng trong bộ sử ấy và có phê phán, làm thành Tông luận để đọc cho tiện, bèn sai Lê Tung soạn sách đó.

Tháng giêng năm Hồng Thuận thứ 7 [15/1-13/2/1515], (Minh Chính Đức năm thứ 10); sai Thuỵ quận công Ngô Bính và Nguyên quận công Trịnh Duy Sản làm Đô tướng, Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Nguyễn Khiêm Bính làm Tán lý quân vụ, đi đánh Phùng Chương ở vùng núi Tam Đảo thuộc huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Chương thua chạy.

Tháng 2 [14/2-14/3/1515], vua thân hành xem tập trận ở xã Định Công, huyện Thanh Trì [Hà Nội]; lúc trở về, chơi nhà hoàng phi Lê thị, cung phi của Vua cũ Uy Mục.

Bấy giờ có người tự xưng là con Vua Uy Mục, lưu lạc sang châu Tư Lăng, xin quan trấn Lưỡng Quảng giúp quân hộ tống về nước, để dành ngôi. Nhưng triều Minh bấy giờ chủ trương không can thiệp vào nội bộ An Nam, nên từ chối:

Ngày 5 tháng 4 năm Chính Đức thứ 10 [ 18/5/ 1515]. Quan Trấn Tuần Lưỡng Quảng tâu:

“Con Đoan Khánh Vương Vua Uy Mục nước An Nam tên là Dương Lãng từ châu Tư Lăng [Quảng Tây] trở về nước để lên ngôi. Xin phát quan binh vùng Tư Minh [Quảng Tây] phụ cận, cùng quan binh Trung Giang hộ tống về nước. Nhưng lòng dân Di khó biết thực hư, nên sai người tra hỏi, cùng nghiêm sức đề phòng.”

Bộ Binh nhân tâu thêm:

“ An Nam cách trở sông núi, thời Vĩnh Lạc ( 1403-1424 ) tuy đã từng nội thuộc nước Trung quốc ta, sau đó phản lại, nên đã bỏ đất này. Vì không muốn lo việc xa xôi mà phiền đến Trung Quốc, bây giờ há lại phát binh để hộ tống ư! Nên sức những vùng gần An Nam nghiêm nhặt phòng bị, không để cho người Di vào lãnh thổ. Vẫn cấm mọi người không được ngầm giao thông với chúng.”

 Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 169.

Tháng 10, bọn Đặng Hân và Lê Hất làm loạn ở vùng huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa. Ngày 27 [2/12/1515], vua sai tướng thống lãnh binh sĩ, lấy Đỗ Nhạc làm Tán lý quân vụ đi đánh, dẹp yên được.

Tháng giêng năm Hồng Thuận thứ 8 [3/2-2/3/1516] (Từ tháng 4 trở đi là Chiêu Tông Quang Thiệu năm thứ 1; Minh Chính Đức năm thứ 11); Trần Công Ninh nổi loạn tại xứ Đò Hối, huyện Yên Lãng [Phú Thọ] . Ngày 23 [25/2/1516], vua sai Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc trấn giữ Kinh thành, bèn đích thân đem các đại thần văn võ và đô đốc năm phủ đi đánh. Quân ra đến cửa Bắc Thần, vua ngự ở hành tại ven sông Nhị Hà, ra lệnh cho các tướng qua sông tiến đánh; phá tan quân giặc, giết được rất nhiều. Rồi luận công các tướng sĩ, trao quan chức cho từng người.

Vua vẫn tiếp tục sai quân năm phủ đắp thành, xây đài Cửu Trùng; đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm gấp, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành bị bệnh dịch đến một phần mười.

Ngày mồng 6 tháng 3 [7/4/1516], Thuần Mỹ điện giám Trần Cảo ở trang Dưỡng Chân, huyện Thuỷ Đường [Thủy Nguyên, Hải Phòng] nỗi loạn:

Cảo thấy lời sấm nói rằng, phương đông có vượng khí thiên tử, liền ngầm mưu việc đại nghịch, trá xưng là cháu chắt của Trần Thái Tông, là họ ngoại của Quang Thục hoàng hậu (10) , cùng với con là Cung và bè đảng là bọn Phan Ất (tức người Chiêm, tên là Đồng Lợi, nguyên là gia nô của Trịnh Duy Đại), Đình Ngạn, Đình Nghệ, Công Uẩn, Đình Bảo, Đoàn Bố dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều [Quảng Ninh], chiếm cứ các nơi ở hai huyện Thuỷ Đường và Đông Triều, trấn Hải Dương. Cảo mình mặc [27b] áo đen, quân sĩ đều cạo trọc đầu, tự xưng là Đế Thích giáng sinh, tiếm xưng niên hiệu là Thiên Ứng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 27a.

Ngày mồng 1 tháng 4 [2/5/1516], Trần Cảo đem quân qua các huyện Tiên Du, Quế Dương, Gia Lâm [Bắc Ninh], tiến sát đến bến Bồ Đề, vì cách sông không sang được. Vua đích thân đi đánh, ngự ở điện Trường Thọ, ra lệnh điều động các tướng. Bọn Đông Nham bá Lại Thúc Mậu, Quảng Phúc bá Nguyễn Khắc Nhượng, Minh Vũ bá Trịnh Hồng chỉ huy quan quân qua sông, đánh mạnh đến các vùng Bồ Đề, Lâm Hạ [huyện Gia Lâm, Bắc Ninh] . Vua sai bắn ba tiếng súng, các quân xông lên đánh, cả phá quân giặc. Cảo thua chạy về Trâu Sơn [huyện Quế Dương, Bắc Ninh] .

Ngày mồng 3 [4/5/1516], vua sai Định quận công Phùng Tiến, Diên Hưng bá Trịnh Khổng Chiêu, Phú Lộc bá Trịnh Ngạc đem quan quân đi đánh mấy lần không được. Tiến và Khổng Chiêu đều bị tử trận. Trịnh Ngạc bị bắt, Cảo muốn cho làm quan, nhưng Ngạc không theo nên bị giết. Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đóng ở dinh Bồ Đề, Gia Lâm.

Kế đó, Quận công Trịnh Duy Sản giết nhà Vua ở hồ Chu Tước nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội; Hoàng hậu Khâm Đức tự tử, bề tôi thân là Thừa chỉ Nguyễn Vũ cũng bị Duy Sản giết. Duy Sản truất nhà Vua làm Linh Ẩn vương; Vua ở ngôi 8 năm, hưởng thọ 24 tuổi:

Trước đây, Duy Sản vì nhiều lần can ngăn trái ý vua, bị đánh bằng trượng. Duy Sản mới cùng với bọn Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phế lập, bèn sửa soạn thuyền bè, khí giới ở bến Thái Cực [phố Hàng Đào, Hà Nội], nói phao lên là đi đánh giặc.

Đêm mồng 6 [7/5/1516], hồi canh hai, đem hơn 3000 người ở các vệ Kim ngô và Hộ vệ vào cửa Bắc Thần. Vua nghe tin ấy, ngờ là có giặc đến, bèn ngự ra ngoài cửa Bảo Khánh. Ngày mồng 7 [8/5/1516], mờ mờ sáng, có Thừa chỉ Nguyễn Vũ theo vua đi tắt qua cửa nhà Thái Học. Đến hồ Chu Tước, phường Bích Câu [quận Đống Đa, Hà Nội] , vua gặp Duy Sản và hỏi: "Giặc ở phương nào?". Duy Sản không trả lời, quay nhìn chỗ khác cười ầm lên. Vua quất ngựa chạy về phía tây. Duy Sản sai vũ sĩ là tên Hạnh [28b] cầm giáo đâm vua ngã ngựa chết rồi giết chết. Nguyễn Vũ cũng chết theo vua. Đem xác vua về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi đem thiêu (có thuyết nói: Để xác ngang trên mình ngựa, đem về cửa Nam Thiệu ở viện Đãi Lậu, chỗ phủ Tể tướng). Khâm Đức hoàng hậu (tên thuỵ là Đôn Tiết), cũng tự nhảy vào lửa chết. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở làng Ngự Thiên, giáng phong vua làm Linh Ẩn Vương (nay có điện Quang Hiếu ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên).

 Hậu họ Nguyễn, tên huý là Đạo, con gái viên quản lĩnh ở hương Văn Giang. Nguyễn Vũ người làng Thiên Mỗ [Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội] , huyện Từ Liêm, do đỗ tứ trường kỳ thi Hương, viết chữ thảo đẹp, lại dâng thơ quân ứng nghĩa [quân Giản Tu công đánh Lê Uy Mục] , từ đầu, làm quan đến Binh bộ tả thị lang, được vua rất yêu quý. Khoa thi Hội năm Giáp Tuất [1514] . Vũ đã 58 tuổi, văn viết lủng củng, đã không được trúng tuyển. Vua cho thi lại, lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Không bao lâu, làm tới Hình bộ thượng thư kiêm Bảo Thiên điện Đông [29a] các đại học sĩ, Hàn lâm viện thừa chỉ nhập thị kinh diên, ngày đêm uống rượu đánh bạc ở nội điện, bị người bấy giờ coi khinh. Đến nay đi theo vua, bảo con rằng: "Ăn lộc của vua, phải chết vì nạn của vua", cũng bị Duy Sản giết.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 28a.

 

 

Chú thích:

 

1.Tam Đảo: Thuộc huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

2.Đông Ngạc: tức làng Vẽ, Nhật Chiêu: nay là xã Nhật Tân; đều thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

3.Đông Hà: Ô Quan Chưởng, Hà Nội.

4.Thụy Hương, Quả Động: Các xã này đều thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, ở khoảng từ Chèm đến Hồ Tây. Quả Động là Tảo Xã, nay là xã Xuân Tảo.

5.Hoàng hoa: phần Tiểu nhã của Kinh thi có bài Hoàng hoàng giả hoa nói việc cử sứ thần. Sau này chữ "Hoàng Hoa" dùng để chỉ việc đi sứ, hoặc ca ngợi sứ thần.

 6.Xe, chữ: tức xa, thư. Do điển “Thư đồng văn, xa đồng quỹ” ý chỉ thống nhất trục xe, chữ viết.

7.Tam thai: tên sao, tức ba vì sao Thượng Thai, Trung Thai, Hạ Thai, dùng làm biểu tượng cho chức tam công, ý câu này mong Nhược Thuỷ sẽ làm đến tam công.

8. Long tiết: tức sứ tiết. Câu này ý nói sứ Bắc tới cõi Nam.

9.Điểu tinh: Tinh là một vì sao trong thập nhị bát tú, ở phương Nam. Câu này ý nói: cõi Nam quây chầu về sao Bắc đẩu.

10.Quang Thục hoàng hậu: Tức Ngô Thị Ngọc Dao, bà phi của Lê Thái Tông, sinh ra Lê Thánh Tông.

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 995
Ngày đăng: 26.02.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân đi xuân đến xuân lại đến - Võ Công Liêm
Xem tranh Thân Trọng Minh qua email - Nguyễn Lệ Uyên
109. Vua Lê Uy Mục. - Hồ Bạch Thảo
Hư vô qua tư duy triết học - Võ Công Liêm
18 bài thơ – Một Hội An chất ngất - Đặng Ngọc Như
108. Vua Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. 2 - Hồ Bạch Thảo
107. Vua Lê Hiến Tông. (1497-1504) - Hồ Bạch Thảo
106. Vua Lê Thánh Tông. 12 - Hồ Bạch Thảo
Lan man chuyện trên facebook từ “Khúc Thụy Du” đến “Giấc Thụy Du” - La Thụy
Ông đồ Nghệ Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)