Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
807
116.688.649
 
103. Vua Lê Thánh Tông. 9
Hồ Bạch Thảo

 

 

Tháng giêng năm Hồng Đức thứ 11 [11/2-10/3/1480], (Minh Thành Hóa năm thứ 16); sau khi đánh dẹp Bồn Man [Trấn Ninh, Ai Lao] xong, xa giá nhà Vua về đến kinh sư. Tình hình biên giới Việt Trung vẫn tiếp tục căng thẳng, Sứ giả nước ta đến Quảng Tây, bị viên Tri châu huyện Bằng Tường bắt giữ. Về phía Vân Nam, viên Thái giám trấn thủ Tiền Năng tâu rằng trước đó quân An Nam đến đóng tại Mông Tự, phía nam Vân Nam; lấy cớ là chặn chỗ hiểm để bắt trộm cướp:

Ngày mồng 10 [20/2/1480], Tri huyện Bằng Tường nhà Minh là Lý Quảng Ninh bắt giam người của ta sai đi là Hoàng Thế Cung. [25b]” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 25a.

Ngày 22 tháng 2 năm Thành Hóa thứ 16 [ 1/4/1480]. Trấn thủ Vân Nam Thái giám Tiền Năng tâu vào tháng 10 nhuần năm Thành Hóa thứ 15 [ tháng 11-12/1479] nước An Nam điều lính Di hơn 800 tên, vượt biên giới tại huyện Mông Tự (1) Vân Nam, lập doanh trại làm nhà, nói là muốn chận chỗ hiểm để bắt trộm cướp. Tuy đã ra lệnh triệt thoái trở về, nhưng e ngại hành động phản trắc chưa yên, cần gia tăng sự cấm đoán. Sự việc đem xuống dưới, bộ Binh tâu:

Nên ra lệnh Thủ thần Vân Nam nghiêm binh phòng bị, quan sát hành động rồi tâu lên để khu xử.

Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 109.

Tháng 5 [8/6-7/7/1480], Thượng thư bộ Hộ, Lê Đoan Chi dâng lời rằng, các quan lại tuy đã hoàn thành việc thu thuế trên giao; nhưng tại địa phương không làm xong công việc đắp đường, xây đê; thì đến kỳ hạn vẫn không được thăng cấp, vì chưa chăm lo đầy đủ cho dân:

 

 “Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 6 [13/6/1480] Hộ bộ thượng thư Lê Đoan Chi dâng lời bàn: Các quan phủ huyện tuy làm xong việc thuế khóa, nhưng nếu trông nom việc đắp đê làm đường không chăm, những lúc rỗi việc nông mà chưa hoàn thành, để trở ngại tới thu hoạch, thì đến [26a] kỳ khảo khóa sẽ không được thực chức và thăng cấp, để răn những kẻ coi thường việc dân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 25b.

Sau khi hay tin quân ta đánh Lão Qua, nhà Minh lo sợ An Nam thừa thắng gây hấn, nên ra lệnh cho các Tổng binh Vân Nam, Lưỡng Quảng lưu ý đề phòng. Tiếp đến, Tổng binh Vân Nam Mộc Tông sai người do thám sự tình, báo rằng người An Nam lấy cớ bắt bọn làm phản, bèn đánh chiếm 20 trại của Lão Qua, giết hơn 20 vạn người, lại đến biên cảnh của nước Bát Bách Tức Phụ giáp giới Vân Nam. Vua nhà Minh không muốn trực tiếp gây căng thẳng; bèn ra chiếu chỉ mệnh ty Bố chánh Quảng Tây gửi văn thư khuyên Vua nước ta giữ yên ỗn nơi biên giới:

Ngày 17 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 16 [ 24/6/1480]. Sắc các quan Tổng binh Vân Nam, Trấn thủ, Tuần Án, Tam ty cùng các quan Tổng trấn, Tổng đốc tại Lưỡng Quảng nghiêm sức phòng bị biên cảnh, vì Giao Chỉ cùng Lão Qua Tuyên ủy ty thù giết nhau, đề phòng chúng vào cướp phá.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 109.

Ngày 23 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 16 [ 28/8/1480]. Xa Lý [Phôngsali, Ai Lao], Lão Qua, Bát Bách (2), thuộc 3 Tuyên ủy sứ ty Vân Nam như bọn Thổ quan Tuyên ủy sứ Ðèo Tam Bảo, mỗi xứ sai bọn Ðầu mục như Chiêu Mãnh Bổ đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng các vật như tê giác, ngà voi. Mỗi nước được ban cho các vật như lụa nõn trong ngoài, lụa đoạn, có sai biệt; lại mang gấm hoa văn, lụa, đoạn lúc trở về ban cho Thổ quan và vợ. Trấn thủ Nội quan Tiền Năng tâu rằng Lão Qua bị người Giao [chỉ An Nam] đánh giết; lại tâu rằng nên cấp phí tổn đi đường cho Cống sứ các nước Xa Lý, Lão Qua, Bát Bách để có thể trở về nước gấp. Bộ Binh tâu xin mệnh cho ty Bố chánh Vân Nam cấp cho quan và nô bộc mỗi xứ 20 lượng bạc. Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 109.

Ngày 7 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 16 [ 10/9/1480]. Mệnh ty Bố chánh Quảng Tây răn dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo. Lúc bấy giờ quan Tổng binh Vân Nam Mộc Tông sai người do thám sự tình An Nam từ Xa Lý trở về, báo rằng người Giao lấy cớ bắt bọn làm phản đánh chiếm 20 trại của Lão Qua, giết hơn 20 vạn người, lại muốn đến biên cảnh của nước Bát Bách. Lấy được sắc thư ngụy của An Nam tại Xa Lý, ghi Hồng Đức thập niên [1479]. Lời tâu của Tông đưa xuống, bộ Binh nghiên cứu, rồi xin mời các quan văn vũ đại thần cùng các Khoa đạo bàn luận, cho rằng:

‘ Nếu ban sắc trách cứ nặng nề sẽ ngăn cản con đường tự đổi mới của y, nếu bỏ qua khiến càng sinh  dã tâm lớn không chịu thần phục; nên bảo ty Bố chánh Quảng Tây gửi văn thư cho Lê Hạo hãy rút binh, giữ biên cảnh, làm tròn đạo bề tôi. Lại sắc Vân Nam, Lưỡng Quảng chỉnh bị quân ngũ để đề phòng mối lo biên giới.’

Thiên tử hứa sẽ cứu xét.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 110.

Nhận được văn thư từ viên Bố chánh Quảng Tây đòi hỏi xác nhận có hay không việc xâm lăng nước Lão Qua. Triều đình theo lời bàn của Quận công Lê Thọ Vực, phủ nhận việc xâm lăng; nói bịa rằng từng sai người sang Lão Qua, đuổi bắt kẻ chạy trốn:

“Tháng 8…ngày 27 [30/9/1480], nhà Minh có sắc văn đưa sang nói rằng:

Gần đây, được các quan trấn thủ và tổng binh Vân Nam, tâu rằng Quốc Vương An Nam vô cớ điều động binh mã đánh giết ở đất Lão Qua [27b] đến nay vẫn chưa lui quân, lại định đánh nước Bát Bách Tức Phụ . Vậy tư cho Vương biết, nếu có phạm lỗi nói trên, nên gấp lui quân; nếu không, Vương phải sang báo ngay để triều đình truy xét kẻ báo cáo bậy trị tội theo pháp luật.

 Ngay hôm ấy, vua sai Tư lễ giám đưa tờ sắc ấy cho triều thần xem. Bọn Lê Thọ Vực bàn nên trả lời là:

Vì hiện nay có 13 người ở thành Đông Quan chạy trốn sang biên giới nước Lão Qua, nên sai bọn đầu mục Nguyễn Báo đến địa giới để đòi lại, chỉ bắt được xe buôn bán chở về, không liên quan gì đến việc đánh Lão Qua và việc muốn đánh Bát Bách Tức Phụ cả.

 Điều ấy là nói bịa. Bèn giao cho Nguyễn Văn Chất mang tờ tâu đi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 27a.

Phía nhà Minh không tin những lời tâu của Sứ thần nước ta; e sợ An Nam tiếp tục gây hấn, nên ban sắc cho các quan trấn thủ Vân Nam, Lưỡng Quảng tăng cường phòng thủ:

Ngày 6 tháng 11 năm Thành Hóa thứ 16 [ 7/12/1480]. Tuần phủ Vân Nam Hữu Phó Đô Ngự sử Ngô Thành tâu:

“ Người Giao Chỉ cuồng vọng ngỗ nghịch, mới rồi đánh giết Lão Qua, nay lại nghe đang luyện binh để đánh nước Bát Bách. Mối ngờ về việc xâm lăng  nước ta không phải không đáng lo. Xin tuyển sai một quan văn, võ, biết việc, giỏi ăn nói; mang sắc đến nước này dụ về đại nghĩa, trả lại đất đã xâm lấn. Sự việc đem xuống dưới, bộ Binh tâu:

Mới đây đã có chiếu chỉ mệnh ty Bố chánh Quảng Tây gửi văn thư dụ Quốc vương Lê Hạo, lệnh phải tự xử rồi tâu lên và sắc Thủ thần Vân Nam, Lưỡng Quảng tăng cường cẩn thận phòng ngự. Nhưng sợ Thủ thần sơ hốt để lỡ việc, lại xin gửi văn thư xuống 3 ngành, đôn đốc sự tận tâm. Thấy được điều biến từ bọn họ, tâu ngay để điều hoạch, khu xử.

Thiên tử cho biết có thể được.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 110

Lúc này bọn Thổ quan tại các châu như Tư Lăng, vùng ven biên Quảng Tây; manh tâm dành đất, cướp của cải trâu bò. Các quan đại thần như Lê Niệm và Lê Thọ Vực bàn rằng nên làm công văn kể hết mọi tình trạng về việc cướp phá trước sau như thế nào. Chờ lúc Sứ thần nước ta sang Trung Quốc, sẽ đem công văn ấy trình cho quan tổng đốc Lưỡng Quảng khám xét tra hỏi. Vua bèn y theo:

Tháng 6 ngày 25 [1/8/1480], Tổng binh đồng tri Bắc Bình Trần Ao sai liệt hiệu Đào Phu Hoán đem 600 tên quân cờ đến địa phương Cảm Quả mở cửa ải Thông Quang (3) châu Ôn, Lạng Sơn đến tận ruông xứ Ban [26b] Động dựng đóng rào chắn ngang. Đầu mục người nước ngoài là bọn La Truyền đem thổ binh tới đánh bắn. Phu Hoán lui quân về cửa ải. La Truyền lại đem quân nhổ rỡ rào đóng đem đốt đi. Trần Ao đem việc ấy tâu vua sai quan Tư lễ đưa tờ tâu cho triều thần xem. Lê Niệm tâu rằng:

Nay nếu dựng lại đóng rào, tất họ lại phá đi, không có ích gì. Nên sai quan đến khám, nếu quả là đất của ta xen vào trong đất của họ và bị họ xâm chiếm thì vẽ điạ đồ cho rõ ràng, về tâu đúng sự thực, rồi làm tờ tư sẵn đợi lệnh. Năm này sai sứ, sẽ giao cho bồi thần mang đi trình với đô ty tỉnh Quảng Tây, biện bạch phải trái, rồi sau hãy dựng rào.

 Vua y theo.

“Tháng 8 [4/9-3/10/1480] Ba ty Đô, Thừa, Hiến Lạng Sơn là bọn Lưu Doãn Trực, Nguyễn Đễ tâu rằng:

Người châu Tư Lăng nước ngoài tràn vào châu Lộc Bình, cướp lấy của cải và trâu bò súc vật của bọn Hoàng Lô, Mã Bát ở Lộc Bình mang đi. [28b] Quan thủ bị Lê Đình Hoán không biết ngăn giữ: xin giao cho vệ Cầm y bắt hỏi tội. Bọn triều thần Lê Thọ Vực nói: Nó quen thói trước, hay tràn vào cướp bóc dân ta. Nay nên sai Đông các soạn tờ điệp văn cho vệ Lang Sơn gửi sang châu Tư Lăng trách họ về việc không biết cấm đoán nhân dân trong hạt, để chúng liều lĩnh gây hấn ở biên giới, vượt cõi cướp bóc trâu bò của cải, yêu cầu bắt phải trả lại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 26a.

Trước đây sứ bộ Trần Trung Lập sang triều Minh tiến cống, bị viên Tri huyện Bằng Tường gây khó khăn, khiến chuyến đi chậm trễ; bèn đem sự việc khiếu nại lên. Nay trở về, bèn đem sắc chỉ cho triều đình xem về việc Vua nhà Minh ra qui định rằng khi sứ bộ đến, thì phía An Nam phải gửi tờ báo trước cho quan Tổng trấn hẹn ngày tới; rồi viên này phải cắt đặt người đưa đón:

Bọn Binh bộ tả thị lang Trần Trung Lập, Hàn lâm kiểm thảo Lê Tuấn Ngạn, Phan Quý vâng mệnh đi sứ nhà Minh trở về, nhân tiện mang theo sắc văn của vua Minh về. Vua sai [28a] Ngô Văn Thông đưa sắc ấy cho triều thần xem. Tờ sắc nói:

Mới rồi bọn bồi thần Trần Trung Lập tâu rằng lễ tiến cống tới Long Châu [Longzhou county], huyện Bằng Tường [Pingxiang], tỉnh Quảng Tây, thì Tri huyện Lý Quảng Ninh, Tri châu Thiệu Nguyên không ứng phó nghênh tiếp ngay và chia cho hai châu Thượng Thạch, Hạ Thạch [Xiashizhen] chở đi, đến nỗi bị ngăn trở lâu hàng tháng. Nên từ nay, hễ có sứ thần sang kinh đô, thì gửi tờ tư trước cho các quan Tổng trấn, hẹn ngày tới Bằng Tường đón chuyển tới Long Châu, Tuyên phủ Quảng Tây theo lệ cắt người đưa đi, khi sứ thần về thì giao cho quan lại có trách nhiệm đưa ra ngoài cửa ải Huống Thôn để cho khỏi bị chậm trễ". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 27b.

Tháng 11, sứ bộ Nguyễn Văn Chất sang nhà Minh triều cống và tâu sự việc liên quan đến Chiêm Thành. Vào năm sau đến nơi; được ban yến, y phục, Vua nhà Minh lại gửi gấm, lụa quí, cho Vua nước ta:

Mùa đông, tháng 11, ngày 18 [19/12/1480], sai bọn bồi thần Nguyễn Văn Chất, Doãn Hoành Tuấn, Vũ Duy Giáo sang tuế cống nhà Minh và tâu việc Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 29a.

Ngày 18 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 17 [ 11/9/1481]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Nguyễn Văn Chất dâng biểu và triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Ban yến cùng y phục lụa thải, đoạn có phân biệt; lại giao cho Sứ thần gấm hoa văn, thải (4), đoạn (5) mang về ban cho Vương nước này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 114

Tháng chạp, nhà Vua cho duyệt lại các biểu văn gửi cho nhà Minh. Bấy giờ tại nước ta văn học vào buổi thịnh thời; người Minh có dịp thưởng thức, thường khen rằng nước ta có nhiều người giỏi:

“Tháng 12, ngày  Đinh Mão [21/1/1481], vua đưa tờ biểu về việc tiến cống hằng năm do Hàn lâm viện thị thư Lương Thế Vinh soạn thảo để triều thần bàn. Bọn Lê Thọ Vực nói:

‘Ba bài biểu, văn đều thuận lẽ cả, như bọn Thân Nhân Trung đã cùng tâu lên’.

 Về giấy tờ bang giao, vua trước hết sai quan Hàn lâm viện soạn thảo, rồi trao xuống cho Đông các xem, sau lại đưa cho triều thần xem. Nếu có ý gì khác, thì cho sửa lại. Vì thế, người Minh thường khen rằng nước ta có nhiều người giỏi. Ba tờ biểu văn thì một tờ [29b] trình việc đầu mục nước ngoài là La Truyền phá đóng rào ở cửa ải Thông Quang, một tờ trình về việc Tri huyện Bằng Tường Lý Quãng Ninh bắt giữ người của ta sai đi là Hoàng Thế Cung.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 27b.

Tháng 4 năm Hồng Đức thứ 12 [29/4-28/5/1481], (Minh Thành Hóa năm thứ 17); mở kỳ thi hội lấy 40 người trúng cách. Vào thi đình, chọn 3 người đậu Tiến sĩ cập đệ; 8 Tiến sĩ xuất thân; 28 người đậu Đồng tiến sĩ xuất thân. Tháng 5, làm lễ rước, treo bảng vàng, cho vinh qui bái tổ:

Mùa hạ, tháng 4, thi hội cho các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Đôn Lễ 40 người.

 Ngày 27 [25/5/1481], vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số. Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đổ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. (Phạm Đôn Lễ, tên tự là Lư Khanh, người huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng ngụ ở làng Thanh Nhàn, huyện Kim Hoa [huyện Sóc Sơn, Hà Nội] , khi đỗ 27 tuổi, thi hương, hội, đình đều đỗ đầu, người đời gọi là Tam nguyên Đôn Lễ).

Tháng 5, ngày 21 [18/6/1481], triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua [30b] ngự điện Kính Thiên. Các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ấn mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, nổi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa trạng nguyên về nhà.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 30a.

Tháng 5 [29/5-26/6/1481], nhà vua ban chiếu lập đồn điền; nhắm dồn hết sức vào việc làm ruộng, để sự tích trữ trong nước được dồi dào. Định đồn điền trong nước thành 3 bậc thượng, trung, hạ:

Theo Hồng Đức Thiên Nam Dư HTập, thì đồn điền có 43 sở: Vĩnh Hưng, An Lộc, Thịnh Quang, Dịch Vọng, Quan La, Minh Tảo, Lạc Tràng, Bồng Hải, Phượng Vĩ, Liên Thúy, Đông Lạc, Thượng Liệt, Kim Quang, Hoa Mộc, Đan Nhiễm, Quy Mông, Lục Đàm, Đại Tảo, Phần Trì, Tư Mại, Nam Giản, Khám Lãng, An Trú, Phan Dương, Tây Tạ, Thiên Kiện, La Sơn, Vọng Doanh, Hoa Diệp, Cống Khê, Lương Sơn, Lôi Dương, Vĩnh Ninh, An Định, Tĩnh Ninh, Đức Quang, Anh Đô, Diễn Châu, Hà Hoa, Triệu Phong, Tân Bình, Thăng Hoa, Tư Nghĩa. Mỗi sở đặt một viên chánh sứ và một viên phó sứ.

Năm ngoái sứ bộ Nguyễn Văn Chất sang triều Minh, dâng lời tâu phủ nhận việc An Nam đánh Lão Qua; nhưng Vua Hiến Tông không tin, đem những lời trong Kinh Thư ra cảnh cáo. Lại tin theo lời viên Tuyên úy nước Bát Bách Tức Phụ là Đèo Lãm Na,  tâu rằng quân An Nam bị sét đánh và bị tập kích; bèn ban thưởng cho bọn Đèo Lãm Na:

Ngày 9 tháng 6 năm Thành Hóa thứ 17 [ 5/7/1481]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo rằng:

“ Trẫm cung kính nhận mệnh, nối ngôi vị trời cho, lấy thiên hạ làm một nhà, coi vạn dân cùng một loại; một lời, một việc, chưa từng trái với đạo trời. Nước ngươi riêng ở một phương cách vạn dặm; Trẫm không cho là xa mà không để ý. Năm ngoái nghe rằng Vương dấy binh đánh giết Lão Qua, lại muốn đến chinh phạt nước Bát Bách. Trẫm cho rằng ngươi muốn thuận với lẽ trời; vì thi, thư, lễ nghĩa giống như Trung Quốc, sao lại có tâm địa như vậy; trong lòng có chỗ nghi hoặc nên sai Thủ thần gửi thư cho ngươi.

Nay đọc lời tâu của ngươi nói rằng đã sai Đầu mục bắt tên Tù trưởng biên giới Cầm Công, không có việc đánh giết người Lão Qua. Lại nói không biết nước Bát Bách tại nơi nào, huống hồ bảo là đến đánh! Như vậy là lời báo trên sai ư! Tuy nhiên hãy nói với Vương lời kết luận: Kinh Thư há không bảo rằng làm việc đúng thì gặp may, làm trái thì gặp điều dữ. Vì trời và người vốn cảm thông, gặp may và dữ do lẽ thuận nghịch. Người Giao là con của trời, thì người Lão Qua cũng là con của trời vậy. Nếu làm như đã đề cập ở trên, vô cố giết con của trời, là trái mệnh trời ! Xưa đến nay kẻ trái mệnh trời làm sao giữ được nước, mà không không gặp điều họa? Từ nay trở về sau Vương nên vụ điều an tĩnh, giữ đạo thường, kính sợ đạo trời, giữ lễ Phiên thần, hữu nghị hòa mục với lân bang, không riêng hòa mục với Lão Qua, phàm những nước tiếp giáp với đất của Vương đều đáng hòa mục hết. Nếu tự thị quân mạnh nước giàu, vượt biên cảnh xâm chiếm, thì ý trời sẽ nghe thấy từ trong lòng dân, nhanh chóng không kịp quay gót, Vương hãy phản tỉnh kỹ càng.”

Trước đây Hạo thân suất quân Di 9 vạn, mở núi làm 3 đường tiến binh phá Ai Lao; lại tiếp tục tiến đến đất Lão Qua giết 3 cha con Tuyên ủy Đao Phản Nhã Lan Chưởng. Người con út Phạ Nhã Tái đến nương dựa nước Bát Bách. Tuyên úy Đèo Lãm Na mang quân đưa đến vùng Cảnh Khảm. Rồi Hạo lại tích trử lương thực, luyện binh, ban ngụy sắc cho Xa Lý Tuyên ủy ty, hẹn họp binh đến tấn công nước Bát Bách. Mấy ngàn quân bị chết bất thình lình, truyền lời rằng bị chết vì sét đánh. Bát Bách sai quân chẹn đường về, tập kích giết hơn vạn tên, đại bại bèn rút lui. Đèo Lãm Na đem việc này báo cho Thủ thần Vân Nam bọn Kiềm quốc công Mộc Tông. Mộc Tông nhân đó tâu rằng:

“ Hạo trước kia đã thôn tính Chiêm Thành; Hoàng thượng bỏ qua ban cho sự khoan dung, mong rằng biết hối tội. Nhưng Hạo lại buông tuồng theo điều ác không kiêng kỵ, hà khắc bất nhân, lấy danh nghĩa đuổi bắt Hoàng Chương Mã cướp các thôn trại tại Trấn An, lại bày việc mở cửa quan để dòm ngó tình hình biên giới Lâm An (6); tự tiện sai quan kinh lược rồi trú quân tại Mông Tự, giả danh bắt Cầm Công để đánh giết cha con Tuyên ủy Lão Qua; vậy xin giáng sắc nghiêm trách. Đèo Lãm Na đã bảo vệ sinh dân, đánh bại giặc Giao, xin giáng sắc ban thưởng để làm nỗi bật lòng trung nghĩa. Con Tuyên ủy Lão Qua Phạ Nhã Tái xin cho vượt lệ thường giữ chức, để tỏ sự phủ tuất; lại xin ban sắc cho các Thổ quan Xa Lý, Nguyên Giang, Mộc Bang, Quảng Nam, Mãnh Căn hiệp lực bảo vệ biên thùy.”

Tấu đến, bèn triệu tập đình thần, bàn luận rằng nên chấp nhận theo lời tâu. Ty Bố chánh Vân Nam cấp cho quan Đo Lãm Na 100 lượng bạc, lụa nõn trong ngoài 4 tấm để ban thưởng; ban sắc cho Phạ Nhã Tái được tập ấm chức của cha, miễn triều cống trong 1 năm; lại cho rằng Mộc Tông bảo vệ biên giới có phương cách, cũng nên ban sắc ủy lạo và khuyến khích.

Thiên tử chấp nhận theo lời bàn, lại ban cho Phạ Nhã Tái mũ và dây đai để biểu thị sự ưu tuất, cùng sắc dụ cho Hạo.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 112.

Ngày mồng 4 tháng 7 [30/7/1481], Phó đô ngự sử Quách Đình Bảo tâu xin chấm dứt việc đuổi dân ngụ cư tại kinh đô. Bấy giờ viên Tri phủ Phụng Thiên, tức kinh đô, ra lệnh đuổi những dân ngụ cư về quê quán; Đình Bảo phản đối cho rằng cần giữ lại những người buôn bán và làm các dịch vụ, để chốn kinh thành được sầm uất:

"Thần trộm nghĩ rằng: Kinh sư là gốc của bốn phương; tiền của trao đổi mua bán tất phải cho lưu thông đủ dùng, không nên để thiếu thốn. Trước đây, dân cư phủ Phụng Thiên, trừ những người quê quán ở phủ đó, gián hoặc có người tuy không phải quê ở đó, nhưng có [32a] cửa hiệu, thuế ngạch và nộp thuế, chịu sai dịch với bản phường. Nay quan phủ Phụng Thiên lại không hỏi xem dân tạp cư ở đó có cửa hiệu, thuế ngạch hay không, đuổi hết cả về nguyên quán, e rằng như thế thì nơi kinh sư sẽ buôn bán thưa thớt, không còn sầm uất phồn thịnh nữa, không những người làm nghề buôn bán sẽ thất nghiệp nhiều, mà chợ búa e sẽ trống rỗng, ngạch thuế sẽ có thể thiếu hụt, có phần không tiện. Vì thế tâu xin: Ngoài những kẻ vô loài tạp cư thì nên đuổi đi, còn những người nguyên có hàng chợ, cửa hiệu, trước đây đã biên vào thuế ngạch thì hãy cho được cư trú để buôn bán sinh nhai, cho vào bản phường nộp thuế theo lệ cũ". Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 31b.

Bấy giờ các nước Lão Qua, Xa Lý, Bát Bách Tức Phụ tại biên giới phía tây mâu thuẫn với An Nam đã được đề cập; các nước phương nam như Melaka [Mã Lai], Chiêm Thành cũng cho người  đến triều Minh tố cáo An Nam gây hấn. Sứ thần Melaka tâu rằng An Nam bắt sứ giả của họ đến cống nhà Minh và lăm le thôn tình nước này; khiến Vua Hiến Tông phải đưa lời cảnh cáo:

Ngày 1 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 17 [ 23/9/1481]. Sứ thần nước Mãn Thứ Gia [ Melaka] Đoan Á Mã Thứ Đích Na Tra tâu:

‘ Vào năm Thành Hóa thứ 5 [1469-1470] Sứ thần của bản quốc Vi Giả Nhiên Na đến triều cống, lúc trở về trên biển bị gió phiêu dạt đến An Nam; Phi Giả Nhiên Na và tùy tòng đều bị giết, số còn lại bị xâm đen làm nô tỳ, những người trẻ đều bị hại.’

Lại tâu rằng:

‘An Nam chiếm thành trì Chiêm Thành, lại lăm le thôn tính đất Mãn Thứ Gia. Bản quốc cho rằng hai nước đều là thần dân của Thiên tử, nên không dám hưng binh tranh chiến.’

Vừa lúc Sứ thần An Nam đến, Đoan Á Mã Thứ Đích Na Tra xin được tranh biện ngay tại triều đình. Thượng thư bộ Binh Trần Nhung cho rằng việc này thuộc dĩ vãng, không nên đi sâu vào, nên răn đe về tương lai.

Nhân Sứ thần An Nam trở về nước, Thiên tử dụ Vương nước này là Lê Hạo rằng:

‘Nước ngươi và Mãn Thứ Gia đều phụng thừa lịch Chính Sóc, nên hòa mục thông hiếu với nhau; há dám tự thị phú cường, phạm vào quốc điển để mang họa với trời! Lời tâu của Mãn Thứ Gia tuy triều đình chưa tin một cách dễ dàng, nhưng các ngươi nên tự xét, tránh lỗi lầm, sợ trời và giữ pháp luật, để tự bảo vệ nước.’

 Lại bảo Sứ thần Mãn Thứ Gia rằng:

‘Từ xưa đến nay các bậc thánh Vương cai trị Di bốn phương, không truy xét lỗi lầm quá khứ. An Nam nếu lại muốn xâm lăng, nước ngươi nên huấn luyện quân mã để phòng ngự.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 115.

 Còn phía Chiêm Thành lại càng gay go hơn; Sứ thần cực lực tố cáo An Nam bằng cách trưng lên một giai đoạn lịch sử. Rằng An Nam xâm lăng, bắt Quốc vương Trà Toàn, em Quốc vương là Bàn La Trà Duyệt chạy về phương nam cũng bị bắt luôn. Sau đó nhờ uy của thiên triều, An Nam lập Tề Á Ma Vật Yêm làm Quốc vương, chỉ cho giữ lãnh thổ bằng 1/5 nước cũ; nayTề Á Ma Vật Yêm mất, em là Cổ Lai xin phong. Vua nhà Minh bèn gửi sắc dụ cho nước ta, yêu cầu trả lại tất cả đất đai cho Chiêm Thành:

Ngày 21 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 17 [13/10/1481]. Cổ Lai nước Chiêm Thành sai cháu Vương là Cáp Na Ba dâng biểu cống voi, cọp, sản vật địa phương, cùng thỉnh phong. Ban cho áo dệt kim, các vật như lụa thải, đoạn có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 116.

Ngày 26 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 17 [18/10/1481]. Chiếu dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo trả lại đất cho Chiêm Thành. Lúc bấy giờ Cổ Lai nước Chiêm Thành sai sứ tâu:

Vào tháng 4 năm Thiên Thuận thứ 5 [1461 ](7) Giao Chỉ hưng binh xâm lăng nước thần, bắt Quốc vương, phá hủy thành trì, cướp ấn quí rồi đi. Em Vương là Bàn La Trà Duyệt trốn chạy đến Phật Linh Sơn. Vào năm Thành Hóa thứ 6 [1470]  tấu xin ấn và thỉnh phong, Thiên sứ đến nơi; nhưng trước đó Bàn La Trà Duyệt đã bị Giao Chỉ bắt. Thần cùng anh là Tề Á Ma Vật Yêm trốn trong rừng; sau đó người Giao sợ Thiên triều, tự sai người tìm kiếm con cháu người nước thần, cho trở về đất cũ. Giới hạn từ quốc đô tới Chiêm Lạp [Chân Lạp?] gồm 5 xứ, lập Tề Á Ma Vật Yêm làm Vương. Chẳng bao lâu Tề Á Na Vật Yêm chết, nay thần đang tạm giữ chức nhưng không dám tự tiện; thỉnh cầu triều đình sai Thiên sứ mang ấn quý đến, phong chức Vương. Xin dụ người Giao trả toàn lãnh thổ nước thần gồm 27 xứ gồm 4 phủ, 1 châu, 22 huyện; phía đông tới biển đông, phía nam tới Chiêm Lạp, phía tây tới núi Lê Nhân,  phía bắc tới Ha Mộc Thứ Bổ gồm hơn 3500 dặm, ngưỡng ơn Thiên tử vì tiểu quốc chủ trì việc này.

Thiên tử mệnh hội các quan bàn định. Thượng thư bộ Binh Trần Nhung, Anh quốc công Trương Mậu, Thượng thư bộ Lại Duẫn Mân bàn rằng Chiêm Thành bị An Nam xâm đoạt đã lâu, triều đình thường răn dụ, An Nam chỉ trả lại 5 xứ. Nay Cổ Lai không ngại xa xôi đến tố cáo, nếu không chấp nhận lời xin, thì không có gì an ủi người xa xôi có lòng ngưỡng vọng. Nên sai 2 cận thần có uy vọng, giỏi về văn từ lý lẽ, đi sứ An Nam, dụ Vương nước này trả lại đất cũ của Chiêm Thành.

Chiếu dụ rằng không cần sai quan đi, đợi khi Sứ thần An Nam trở về bèn sắc dụ Hạo rằng:

Trẫm phụng mệnh trời, coi dân như con; suốt biển trong ngoài đều đối xử chung một lòng nhân. Mà các ngươi An Nam và Chiêm Thành thời Tần Hán trở xuống đều là quận huyện của Trung Quốc; cũng không quá xa kinh đô. Mới đây Chiêm Thành tố cáo rằng ngươi hưng binh bắt sống Quốc vương nước này, giết nhân dân, đoạt thành trì đất đai . Trẫm động lòng trắc ẩn, hai lần xuống chiếu lệnh ngươi trả lại những thứ đã lấy, để hợp với nghĩa lớn. Ngươi tâu rằng số đàn ông đàn bà bị bắt đã trả về, lại nói lãnh thổ đã yên, há lại có việc xâm tranh. Trẫm tin lời ngươi, không nghi ngờ. Nay Cổ Lai sai người đến thỉnh phong, hỏi lý do mới biết rằng đất này bị nước ngươi chiếm cứ, số lượng trả lại chỉ bằng một phần năm. Xét việc này thì ra ngươi âm mưu thôn tính, nhưng bề ngoài thì nói rằng hòa mục lân bang; thực hiện việc đại nghĩa, phải như vậy chăng?

Trẫm sở dĩ một mực sắc dụ ngươi, không phải có ý tư vị Chiêm Thành; muốn ngươi thể theo ý Trẫm, đối xử cùng một lòng nhân, hòa mục lân bang, thương xót nhân dân, đó là phúc cho hai nước. Nếu không thèm nghe, không thèm biết, há không xem đến việc đời trước Chiêm Thành phục thù nước ngươi ư! Hãy soi kỹ việc này, những người già cả tại nước ngươi chắc còn nhớ điều đó, đáng xét và suy nghĩ. Người xưa nói rằng một nước có đạo lý cậy đức chứ không cậy sức. Ngươi từ khi thụ phong đến nay không chỉ xâm đoạt Chiêm Thành, mới đây giết Sứ thần tiến cống của Mãn Thứ Gia, xâm đen  bọn tùy tùng bắt làm nô bộc; gây oán với lân quốc, họ khống tố đến nơi, ngươi tự cho là phúc đấy ư!

Phàm sợ trời, giữ nước, sợ kẻ lớn, thương người nhỏ ; các bậc hiền triết đều làm , sao ngươi không lo làm việc đó. Khi sắc tới ngươi nên nghĩ đến việc đoàn kết, hữu nghị với lân quốc, trả hết đất đai cũ cho Chiêm Thành, đời đời nối dõi, không đến nỗi tuyệt tự; không những sinh linh hai nước không bị vướng vào họa binh đao, mà tiếng tốt của ngươi được để lại trong sử sách, con cháu mãi hưởng ân trạch vô cùng. Hãy  thực hành kỹ việc này, đừng để hối hận về sau.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 117.

Trần Việt, Thượng thư bộ binh nhà Minh, tổng kết tình hình về An Nam; phía nam xâm chiếm Chiêm Thành, giết Sứ thần Mãn Thứ Gia Mã Lai; phía tây thôn tính Lão Qua, đánh phá nước Bát Bách Tức Phụ, lại cho người dòm ngó Vân Nam; nên không thể không lo. Nhà Vua bèn ra lệnh thủ thần Vân Nam, Lưỡng Quảng nghiêm cấm nơi biên giới, trường hợp vi phạm thì dùng quân chống cự:

Ngày 22 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 17 [14/10/1481]. Thượng thư bộ Binh Trần Việt tâu:

Nước An Nam cách vạn dặm tại nơi u tịch tây nam, tiếp giáp với Vân Nam, Lưỡng Quảng. Vào năm Vĩnh Lạc [1403-1424] Vương sư chinh phạt, chia đất này thành quận huyện. Sau đó Thủ thần chế ngự không được, lại bị mất trở lại. Nay đâm ra ngỗ ngược làm càn, phía đông nuốt Chiêm Thành, phía tây thôn tính nước Lão Qua, đánh phá Bát Bách, ban sắc ngụy cho Xa Lý Tuyên ủy ty, giết Mãn Thứ Gia sứ thần; sự việc không thể không đáng lo.

Năm trước có người tại biên giới từ An Nam trở về; nói Vương nước này muốn xâm phạm Vân Nam, nhưng mẹ Vương đã can gián nên dừng lại. Ngự sử Vương Thứ tâu rằng An Nam sai những tên ngụy, giả làm thương nhân đến dò thám hư thực; lại nghe rằng có người Giang Tây họ Vương theo bọn vong mệnh làm Ngự sử ngụy, trù liệu sách lược, đôn đốc binh; mấy lần xâm nhiễu, vị tất không do mưu của tên này?  Sứ thần Chiêm Thành cũng nói rằng An Nam sửa soạn 3000 chiếc chiến thuyền, muốn tập kích Hải Nam; không thể không phòng bị.

Thiên tử phán:

Trẫm xem An Nam như là một nước ngoại quốc; mỗi lần vi phạm lại tỏ sự dung thứ. Nhưng nước này bên ngoài thì tỏ ra cung kính, nhưng trong trí trá, hành động của chúng không thể che dấu được. Binh pháp nói rằng: Đừng cho rằng kẻ thù không đến, phải dựa vào sự chuẩn bị.

Nên ra lệnh Thủ thần Vân Nam, Lưỡng Quảng nghiêm cấm bọn vong mệnh vượt biên giới, nếu chúng xâm phạm thì huy động quân lính chống cự.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 116.

 

Bấy giờ bọn Hành nhân Trương Cẩn được lệnh mang sắc đến Chiêm Thành phong cho Tề Á Ma Vật Yêm, chúng mang nhiều hàng hóa để bán kiếm lời. Khi đến Quảng Đông nghe tin Tề Á Ma Vật Yêm đã chết, người em là Cổ Lai sai bọn Cáp Na Ba đến xin phong. Nghĩ rằng về không sẽ mất lời, bèn đi vội đến Chiêm Thành. Tới nơi, thì An Nam đã lập Đề Bà Đài Giả nắm quyền quốc sự; bọn Cẩn không đợi mệnh của triều đình, mang ấn trao cho Đề Bà Đài Giả, phong làm Vương. Bọn chúng được hối lộ hơn 100 lạng vàng, tiếp tục đi qua Mãn Thứ Gia [ Melaka, Mã Lai] bán hết hàng hóa rồi trở về, bị triều đình kết tội:

Ngày 15 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 17 [ 6/11/1481]. Hành nhân Trương Cẩn, thuộc Hữu phó ty,  đi sứ Chiêm Thành; mắc tội bị hạ ngục. Trước đó Cẩn cùng Cấp sự Phùng Nghĩa phụng mệnh mang sắc ấn phong Vương, cho cháu Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm. Bọn chúng mang nhiều hàng hóa để bán kiếm lời; khi đến Quảng Đông nghe tin Tề Á Ma Vật Yêm đã chết, người em là Cổ Lai sai bọn Cáp Na Ba đến xin phong. Nghĩ rằng về không sẽ mất lời, bèn đi vội đến Chiêm Thành.Người Chiêm Thành cho biết sau khi người cháu xin phong bị Cổ Lai giết, An Nam ban sắc ngụy lập Đề Bà Đài Giả nắm quyền quốc sự. Bọn Cẩn không đợi mệnh của triều đình, mang ấn trao cho Đề Bà Đài Giả, phong làm Vương. Bọn chúng được hối lộ hơn 100 lạng vàng, rồi đi qua Mãn Thứ Gia [ Melaka, Mã Lai] bán hết  hàng hóa để trở về. Nghĩa chết trên đường vượt biển. Cẩn trình sự việc và nạp sắc ngụy lên triều đình. Bộ Lễ hặc tội Cẩn tự tiện phong tước, đáng tội hình, bèn ra lệnh giam tại vệ Cẩm Y để điều tra, biết được lời khai như trên. Quan tòa kết vào tội đại thần tự tiện tuyển quan, xử chém. Lúc bấy giờ Sứ giả Chiêm Thành Cáp Na Ba tại quán dịch bộ Lễ, trả lời qua Thông dịch rằng Cổ Lai chính là em của Vương, Tề Á Ma Vật Yêm chết vì bệnh không phải bị giết, người được gọi là Đề Bà Đài Giả thì không biết đó là ai. Bèn ra lệnh Cáp Na Ba tạm trở về Quảng Đông, lệnh quan chức địa phương ưu đãi. Đợi sứ tạ ơn của Đề Bà Đài Giả đến; thẩm xét phải trái rồi có cách đối xử riêng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 119.

Tháng 10 [23/10-20/11/1481], cho đào hồ Hải Trì tại phía tây nam thành Thăng Long. hồ này chu vi đến 100 dặm; giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh hồ xây điện Giảng Võ để tập luyện binh.

 

Chú thích:

1.Mông Tự: nay vẫn còn huyện Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam tại địa phận tỉnh Lai Châu.

2. Bát Bách: Tức nước Bát Bách Tức Phụ,  có nghĩa là "Tám trăm vợ. ". Theo sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư thì đó là tên một bộ lạc người Man vùng biên giới Vân Nam - Miến Điện. Tương truyền tù trưởng bộ lạc này có 800 vợ, mỗi vợ quản lý một trại, vì thế mới gọi là nước Bát Bách Tức Phụ.

3.Cửa ải Thông Quang ở xã Quang Lang, châu Ôn, Lạng Sơn; sau đổi là đồn Quang Lang.

4.Thải: hàng tơ lụa 5 sắc

5.Ðoạn: một loại lụa, có thứ đoạn hoa, có thứ đoạn trơn.

6. Lâm An: phủ lỵ Lâm An tại huyện Kiến Thủy, châu tự trị Hồng Hà tỉnh Vân Nam hiện nay.

7.Lời tâu của sứ Chiêm Thành sai năm tháng. Theo Toàn Thư, sự việc vua Lê Thánh Tông đánh bắt Quốc vương Trà Toàn vào năm Thành Hóa thứ 7 [1471]; chứ không phải là  năm Thiên Thuận thứ 5 [1461]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 113
Ngày đăng: 14.11.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh điệu trong tiếng việt ghi bằng chữ cái La tinh và trong Âm Hán Việt - La Thụy
Heidegger (IV) nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật - Võ Công Liêm
102. Vua Lê Thánh Tông. 8 - Hồ Bạch Thảo
Lại nói về chữ nghĩa : “Kiển” hay “Kiểng”? - Phan Văn Thạnh
101. Vua Lê Thánh Tông. 7 - Hồ Bạch Thảo
Sau lưng ngôn ngữ của thi ca - Tuệ Sỹ
Xem tranh - Võ Công Liêm
Tác giả Hải Nam Tạp Trước trên đường trở về nước. - Hồ Bạch Thảo
Người đàn ông đồng tính - Đặng Xuân Xuyến
Tình hình các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn gần 200 năm trước; qua hồi ký của một văn nhân Trung Quốc. - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)