Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.395 tác phẩm
2.747 tác giả
520
116.743.139
 
114. Mạc Đăng Doanh [1530-1540] (1)
Hồ Bạch Thảo

 

 

Tháng chạp năm Kỷ Sửu [31/12/1529-28/1/1530], Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con trưởng là Mạc Đăng Doanh, lên làm Thái thượng hoàng. Đăng Doanh lấy năm sau [1530] là niên hiệu Đại Chính thứ nhất.    

Tháng giêng năm Đại Chính thứ nhất [29/1-27/2/1530] (Minh Gia Tĩnh năm thứ 9); Lê Ý, người Thanh Hoa, là cháu ngoại họ Lê, con trai Công chúa An Thái; căm giận họ Mạc cướp ngôi, nổi dậy ở Da Châu [châu Quan Hoá, tỉnh Thanh Hóa] , lại xưng niên hiệu Quang Thiệu giống như niên hiệu Vua Chiêu Tông trước kia. Nhiều người theo, trong khoảng mươi hôm, các quận huyện hưởng ứng, số quân có đến vài vạn người. Bèn cùng với bọn bộ tướng Lê Như Bích, Lê Bá Tạo, Hà Công Liêu, Lê Tông Xá, Nguyễn Cảo dàn bày doanh trận, đặt cơ đội, bộ ngũ, nổi súng lệnh, kéo cờ hiệu, đóng quân ở sông Mã.

 

Tháng 4 [27/4-26/5/1530], Đăng Dung tự mình chỉ huy vài vạn quân thủy bộ đi đánh Lê Ý ở sông Mã. Quân của Đăng Dung thường thua luôn, bèn lui về Kinh sư, để lại bọn Thái sư lân quốc công Mạc Quốc Trinh trấn giữ dinh Hoa Lâm. Sau Quốc Trinh lui về giữ Tống Giang (1) .

 Tháng 7 [24/7-22/8/1530], Lê Ý tiến quân đóng ở thành Tây Đô [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa], lập hành dinh ở sông Nghĩa Lộ. Khi ấy có người dâng bộ hoàng bào và hai chiếc lọng vàng, tướng sĩ long trọng chúc mừng.

 Ngày 23 tháng 8 [14/9/1530], Đăng Dung đã về Kinh, Đăng Doanh lại đem quân vào Thanh Hoa, hội quân lớn ở sông Hoằng Hoá [sông Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa], chia quân làm hai đạo cùng tiến. Mạc Quốc Trinh dẫn 200 chiếc chiến thuyền tiến trước, hẹn hôm sau sẽ đến sông Đa Lộc ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Khi ấy, Lê Ý đã dự phòng trước, dàn nghi binh ở sông Đa Lộc rồi tự mình đem quân tinh nhuệ ngầm tiến ban đêm, đi tắt đường trong huyện, đến sáng thì quân đến bên sông Yên Sơn [khúc sông Mã tại huyện Yên Định], phát ba tiếng súng hiệu, đánh chặn hậu quân của Quốc Trinh. Quân Mạc sợ hãi tan vỡ, bỏ cả thuyền nhảy lên bờ chạy tán loạn. Ý cưỡi ngựa đốc suất các tướng xông vào trận đánh, tự tay đâm chết hơn 70 tên. Quân Mạc tan vỡ, quân Ý thừa thắng đuổi đánh, chém đầu nhiều vô kể.

 Giờ Ngọ hôm ấy, Đăng Doanh chưa biết Quốc Trinh đã bị thua, tự mình đốc suất người Tôn thất tiến quân đến xã Động Bàng để đuổi theo sau quân của Lê Ý, Ý nghe tin, liền hăng hái ra lệnh cho các tướng rằng: “Hôm nay gặp bọn giặc lớn ở đây, nếu không đánh, thì ngày nào mới hưng phục được triều Lê”. Các tướng nghe lệnh, đều dốc sức tung quân tiến đánh, cản phá quân Mạc, chém hơn một vạn tên, xác chết gối lên nhau. Đăng Doanh lui quân cố thủ. Quân Ý một ngày hai lần thắng trận, uy thanh vang dội, quân Mạc chạy dài.

Tháng 12 [20/12/1530-17/1/1531], Lê Ý bị quân Mạc bắt sống. Bấy giờ, Ý thu quân, triệt phá doanh trại, lui về đóng ở Da Châu; vì quân vừa thắng trận, sinh lòng kiêu ngạo, không phòng bị trước, hơi có ý coi thường quân địch. Đến đây, quân ít, lương hết, sai tướng sĩ vào xa trong núi vận chuyển lương thực, vì thế, doanh trại bỏ trống, hàng ngũ rời rạc. Có người đến báo tin cho Mạc Quốc Trinh. Trinh liền chọn quân tinh nhuệ, và 50 chiếc thuyền chiến ngày đêm đi gấp, tiến đến trại Da Châu. Ý xông ra đánh không được, bị quân Mạc bắt, toàn quân tan vỡ tháo chạy. Người thì chạy sang Ai Lao theo An Thanh hầu Nguyễn Kim, kẻ thì phân tán trở về đồng ruộng. Quốc Trinh đóng cũi giải Ý về kinh sư, dùng xe xé xác ở ngoài cửa Nam thành.

 Mùa xuân năm Đại Chính thứ 2 [1531], (Minh Gia Tĩnh năm thứ 10); Mạc Đăng Doanh sai tướng Quốc công Nguyễn Kính vào đánh Nguyễn Kim ở Thanh Hoa, Nguyễn Kim đón đánh phá tan quân Nguyễn Kính, rồi chia tướng sĩ đóng các huyện. Nguyễn Kính lại đánh vào huyện Đông Sơn, Nguyễn Kim lại đánh phá được, vừa chém giết vừa bắt sống được mấy trăm tên, rồi dẫn quân ra Gia Viễn, chiêu dụ và chiếm đất. Tháng 7 [12/8-10/9/1531], trời đổ mưa nhiều, nước sông đầy dẫy; họ Mạc dùng chiến thuyền tiến đánh, quân dân tán loạn, thế không thể cố thủ, Nguyễn Kim lại phải trở về Ai Lao, để dưỡng sức đợi thời, Đăng Doanh cũng không dám tiến sâu vào nữa. Lúc này xứ Thanh Hoa bị nạn đói kém, một đấu gạo phải mua với giá một tiền (một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm).

 Cựu thần nhà Lê là bọn Bích Khê hầu Lê Công Uyên, Nguyễn Ngãi, Nguyễn Thọ Trường, Nguyễn Nhân Liên dấy quân ở Thanh Hóa; rốt cuộc kẻ thì chết trận, kẻ thì bị bắt giải về Kinh.

 Sau đó lại có người xứ Sơn Đông tên là Hùng Sơn có tội với họ Mạc đem con em vài trăm người trốn vào Thanh Hóa, dựng doanh trại chiếm giữ được vài tháng. Đăng Doanh sai tướng đi đánh. Sơn lui quân, đóng ở thôn Ngọc Huân rồi ốm chết, quân bị tan.

Mùa xuân năm Đại Chính thứ 3 [1532], (Minh Gia Tĩnh năm thứ 11); nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Nguyễn Thiến, Bùi Vĩnh, Ngô Sơn Khoái 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Địch Khang 6 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Lương Bật 18 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Nhà Mạc ra lệnh cấm người các xứ không được cầm giáo mác và dao nhọn, cùng những binh khí khác hoành hành trên đường đi; ai vi phạm thì cho phép bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp; trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên.

 Tháng 10 [28/10-26/11/1532], Đăng Dung ra sắc lệnh cho hoạn quan Trung Hậu hầu [không rõ tên] người Hoằng Hoá, Thanh Hóa làm Đại tướng quân, sai đem quân coi chung ba phủ Thanh Hóa, tổng trấn quân dân cả một phương. Tây An bá Lê Phi Thừa người xã Hương Thị, huyện Yên Định, Thanh Hóa, gièm rằng:

 “Đất Ái Châu, núi sông hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu, binh lương giàu đủ, vả lại binh quyền nên chia ra chứ không nên giao cho một người, nếu chuyên quyền tất dẫn tới tai hoạ, lỡ xảy ra sự biến cố thì sợ rằng sau sẽ khó chế ngự.”

Đăng Doanh bèn chia Thanh Hóa ra làm đôi: Riêng 7 huyện Thuỵ Nguyên [Thiệu Hóa], Yên Định, Vĩnh Phúc [Vĩnh Lộc] , Đông Sơn, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Quảng Bình [bắc Thạch Thành] thì giao cho Lê Phi Thừa quản lĩnh, cùng với Trung Hậu hầu, tạo thành thế khống chế lẫn nhau. Đến khi Phi Thừa được quyền, càng thêm kiêu căng phóng túng và cuối cùng đổi lòng; theo Nguyễn Kim, bỏ Mạc .

Tháng 12 [26/12/1532-24/1/1533], cựu thần nhà Lê là An Thanh hầu Nguyễn Kim tôn lập con Vua Lê Chiêu Tông là Ninh ở Ai Lao. Trước đây, Nguyễn Kim ở Ai Lao nuôi quân chứa sức, sai người về trong nước tìm kiếm khắp con cháu nhà Lê, tìm được con Vua Chiêu Tông là Ninh lập lên làm vua, đổi niên hiệu là Nguyên Hoà tức là Vua Trang Tông.

Tháng giêng năm Đại Chính thứ 4 [25/1-23/2/1533], (Lê Trang Tông Nguyên Hòa năm thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 12); Vua Lê Trang Tông lên ngôi, niên hiệu là Nguyên Hòa năm thứ nhất; các bộ sử cũ đều cho là chính thống, dùng niên hiệu này. Nhưng xét ra lúc này Trang Tông mới dấy lên tại vùng thượng du tỉnh Thanh Hóa; còn thế lực toàn quốc vẫn nằm trong tay nhà Mạc, nên chúng tôi vẫn tiếp tục dùng niên hiệu nhà Mạc.

 Bấy giờ Vua Trang Tông tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, coi mọi việc; lấy viên Hoạn quan người Thanh Hóa Đinh Công làm Thiếu Úy Hùng Quốc Công, những người còn lại đều được phong thưởng để họ đồng lòng khuông phù. Lại liên kết với vua Ai Lao Xạ Đẩu, nhờ giúp binh khí, lương thực để mưu việc đánh lấy lại nước. Vua sai Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh tâu rằng do bởi Mạc Đăng Dung tiếm loạn, chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi nên phải bỏ lâu việc tiến cống. Sứ bộ Trịnh Duy Liêu đi theo đường qua Chiêm Thành, phải lưu tại nước này 2 năm, đến năm Gia Tĩnh thứ 15 [1537] mới tới Bắc Kinh, được cấp phương tiện như Cống sứ Triều Tiên:

Ngày 3 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 16 [ 13/3/ 1537]. Cháu dòng đích của vua An Nam tên là Lê Ninh sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô tâu rằng:

 “ Vào năm Chính Đức thứ 11 [1516-1517] nghịch thần Trần Cảo làm loạn, giết vua là Lê Trừu, người trong nước lập con trưởng của người anh đã mất là Huệ, lên trông coi việc nước. Vào năm thứ 16 [1521-1522] Huệ đánh Trần Cảo giết được. Kẻ bầy tôi là Mạc Đăng Dung mưu loạn, đuổi vua [ Huệ] ra ngoài, lập người em thứ còn thơ ấu là Quảng làm bù nhìn coi nước; rồi giết Quảng, ngụy lập người con và tự xưng là Thiên vương. Vì lý do này nên đường lối ngăn trở, Cống sứ không thông; Huệ vì vậy buồn giận phát bệnh chết, người trong nước lập Ninh là cháu dòng đích quyền coi việc nước. Ninh là con của Huệ, mấy lần cho người đưa thư đến Tổng trấn cáo nạn, đều bị Đăng Dung ngăn giết trên đường đi, nên không đến được. Mới đây nhân nhờ thuyền buôn Quảng Đông, bèn ngầm theo đến kinh đô, xin hưng binh hỏi tội để cứu ngay nạn nước.”

Lời tâu đưa xuống bộ Lễ, nhận phúc tấu như sau:

“ Sứ chính thức tin cậy từ An Nam không thông đã hơn 20 năm, nay triều đình mới định hưng binh hỏi tội, thì lời cáo biến từ nước này đến. Sự việc thuộc khả nghi, vả lại bọn Liêu theo thuyền đi, lại trú thêm tại Chiêm Thành 2 năm, đến Quảng Đông lại không trình “ Thân phó cáo” (2); tuy có quan ty sở tại cấp văn thư đưa đi cũng khó mà tin được. Nay nên tạm thời cho bọn Liêu lưu tại sứ quán; Lệnh Cẩm y vệ đã sai đi, phúc trình sự việc tại nước này, cấp tốc tâu lên để đợi khu xử.”

Thiên tử theo lời bàn của bộ, ra chiếu lệnh Cẩm y vệ câu lưu bọn Trịnh Duy Liêu, không được tiếp xúc với bên ngoài. Theo lệ đối xử giống với trường hợp Cống sứ Triều Tiên, do Quang lộc tự cung cấp.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 187.

Năm Đại Chính thứ 6 [1535], ( Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 3; Minh Gia Tĩnh năm thứ 14). Nhà Mạc mở khoa thi Hội, lấy bọn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bùi Khắc Đốc, Nguyễn Thừa Hưu đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Di Lượng 7 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Trùng Quang 22 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.

Trước đây vào tháng giêng năm Quang Thiệu thứ 5 [20/1-18/2/1520], (Minh Chính Đức năm thứ 15), Vũ Nghiêm Uy nỗi dậy ở Đại Đồng thuộc Tuyên Quang, triều đình dẹp không được. Mười lăm năm sau [1535] thế lực y bành trướng, gây hấn tại biên giới Trung Quốc, bắt viên Phó trưởng quan Lung Triệt. Triều đình nhà Minh cho rằng đánh rất khó, nên tìm cách chiếu dụ Vũ Nghiêm Uy để đem Lung Triệt trở về:

Ngày 7 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 14 [ 2/11/1535]. Bọn phản tặc tại An Nam Vũ Nghiêm Uy, Vũ Tử Lăng liều mình trú tại châu Thủy Vĩ (3) biên giới Vân Nam cùng với bọn  Trưởng quan ty Bát Trại (4) Phó trưởng quan Lung Triệt và Tam Bộ Trưởng quan Thổ xã Giáo Hóa Trương Trạch giao thiệp. Rồi người An Nam truy tầm bọn Vũ Nghiêm Uy, gấp gửi văn thư cho Bát Trại; Nghiêm Uy ngờ Lung Triệt hai lòng, nên dụ bắt. Kiềm quốc công Mộc Thiệu Huân cùng Phủ, Án thu thập rộng về tình trạng tâu lên và nói thêm Lung Triệt nhận chức quan của Trung Quốc bị khốn trong tay giặc, không nên để vậy mà không hỏi. Vũ Nghiêm Uy là giặc đáng bị giết, nhưng trốn vào đất Giao [Việt Nam] đánh rất khó. Bọn Trương Trạch tuy có bằng chứng tư thông, nếu làm gấp sợ sinh biến, nên phòng thủ và phủ dụ. Việc đưa lên, bộ Binh phúc thỉnh nội dung y theo lời Thiệu Huân:

 ‘Nay các phủ châu huyện vệ, sở, nghiêm binh giữ ải, ngăn chặn bôn đào, không cho nhập cảnh. Dụ vợ con Long Triệt giữ kỹ ấn tín, ước thúc nội bộ đừng kinh nghi. Lại sai người tuyên bố ân uy của triều đình, minh bạch sự lợi hại, lấy Long Triệt về, làm chính quốc điển. Mọi việc nên châm chước thi hành, đừng khinh hốt gây hấn.’

Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 180.

Năm Đại Chính thứ 7 [1536], (Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 15). Sau chuyến đi của sứ bộ Trịnh Duy Liêu, Vua Trang Tông thấy lâu không có tin tức tăm hơi gì, bèn sai Trịnh Viên sang nhà Minh trình bày việc họ Mạc cướp ngôi giết vua, khiến phải xiêu giạt vào Thanh Hóa.

Họ Mạc sai Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trùng tu Quốc tử giám tại Đông Đô.

Về phía nhà Minh, nhân Hoàng thái tử mới sinh; Vua Thế Tông ra lệnh báo tin cho các nước ngoại quốc như Triều Tiên, An Nam biết:

Ngày 30 tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 15 [13/11/1536]. Thiên tử trực tiếp dụ quan Thượng thư bộ Lễ Hạ Ngôn rằng:

Hoàng Thái tử mới sinh đã ban chiếu cáo cho thiên hạ biết; cớ sao riêng các nước ngoại quốc phải đợi đến lúc sách phong mới sai sứ ban chiếu dụ cho hay. Trong cõi trời đất có trăm bề tôi, Hoa và Di đều coi như nhau; sau này sách lập lại ban chiếu cho biết lần nữa, khanh nên bàn cách thi hành.’

 Ngôn tâu xin sai một viên quan Hàn Lâm làm Chánh sứ, một viên Cấp sự trung làm Phó sứ; mang chiếu thư đến dụ hai nước Triều Tiên, An Nam; đợi đến ngày sách phong lại sai đi một lần nữa. Thiên tử mệnh cho thi hành.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 181.

Mấy ngày hôm sau, nhà Minh kể tội An Nam mấy điều; như 20 năm không triều cống, Vua lên ngôi, sai sứ sang báo tin, nhưng đường sá không thông không đến được; Trần Cảo, Mạc Đăng Dung làm việc thoán nghịch; ý Vua Thế Tông muốn mang quân thảo phạt:

 Ngày 3 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 15 [16/11/1536]. Trước đây Thiên tử lên ngôi, ban chiếu dụ cho An Nam, vì đường ngăn trở không đến được,  nên phải trở về. Đến nay Hoàng thái tử sinh, lại sai sứ đem chiếu dụ đến. Bộ Lễ tâu rằng An Nam không làm tròn chức cống đã 20 năm nay; trước đây Thủ thần Lưỡng Quảng tâu Lê Huệ [Chiêu Tông], Lê Quảng [Cung Hoàng] không phải dòng đích do Lê Điều [Tương Dực] lập; Mạc Đăng Dung , Trần Cảo đều là giặc soán nghịch; nay đúng lúc phải sai sứ đi hỏi tội, lấy danh Thiên tử để thay trời thảo phạt. Lại gần đây quan Thủ thần Vân Nam tâu rằng bọn vong mệnh An Nam là Vũ Nghiêm Uy xâm phạm lãnh thổ bắt Thổ quan, nên cùng khám xét chung. Phái đoàn trước đi bị ngăn trở vì đường sá không thông, nay tạm đình sai đi để giữ toàn quốc thể. Thiên tử phán:

 “ An Nam chiếu sứ bất thông, lại từ lâu không đến cống, phản nghịch đã rõ ràng hãy sai sứ đến ngay hỏi tội. Việc chinh thảo sai bộ Binh bàn định gấp rồi tâu lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 180.

Tiếp đến hai bộ Lễ và Binh tâu tóm tắt lịch sử An Nam; rồi đề nghị sai quan Cẩm y vệ đến nước này khám hỏi lý do phản bội rồi tâu lên; trong khi đó dự bị tuyển tướng điều binh đợi lệnh xuất phát đánh An Nam:

Ngày 13 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 15 [26/11/1536]. Hai bộ Lễ và Binh tâu rằng:

 An Nam thời Tần, Hán bị chia thành quận huyện, đến đời Tống phong Quốc vương giống như Cao Ly, Chân Lạp. Tại nước này họ Lý truyền 8 đời, họ Trần truyền 12 đời. Khi Cao Hoàng Ðế [ Minh Thái Tổ] lên ngôi, họ Trần đầu tiên đến nạp cống. Vào năm Vĩnh Lạc [1403-1424] vua nước này là Trần Nhật Côn bị tặc thần Lê Quí Ly soán đoạt, vua Thái Tông mang binh đánh dẹp; tìm con cháu nhà Trần không được, bèn chia nước này thành quận huyện ; lập 3 ty Ðô, Bố, Án, cùng các phủ, châu, huyện, vệ, sở, giống như nội địa. Sau đó Lê Lợi trá xưng đã tìm được con cháu nhà Trần, xin đổi thành nước. Vua Tuyên Tông thể theo lời di huấn của Hoàng tổ [Minh Thái Tổ] chấp thuận, họ Lê mới có nước.

Nay trong nước này nghịch thần làm loạn cướp ngôi chiếm nước, không lo việc triều cống; nên hưng binh hỏi tội, để thay trời thảo phạt. Xin trước hết sai một, hai quan Cẩm Y Vệ đảm lược, có tài năng, hiểu lý sự; lệnh Trấn thủ Quảng Tây tuyển năm, ba quan sở tại hiểu sâu tình hình nước Di, biết rõ đường sá, cùng đến nước này khám hỏi lý do phản bội rồi tâu. Dự bị tuyển tướng chỉnh binh, đợi báo xuất phát. Lại sắc Trấn thủ Lưỡng Quảng An Viễn hầu Liễu Tuân, Trấn thủ Vân Nam Kiềm Quốc công Mộc Thiệu Huân hội đồng với các Phủ, Án chuẩn bị quan quân, lo tính tiền lương, chuẩn bị chinh thảo.

Thiên tử phán:

An Nam bội phản, không chịu đến triều cống, đáng thảo phạt; chấp nhận lời bàn sai quan khám hỏi. Bộ Binh nên họp bàn về vấn đề chinh phạt rồi tâu lên.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 182.

Kế hoạch do bộ Lễ, bộ Binh tâu lên, được chấp nhận thi hành. Sai hai nhóm Cẩm y vệ đến Quảng Tây và Vân Nam, với nhiệm vụ cật vấn An Nam về các tội; riêng nhóm qua Vân Nam có nhiệm vụ điều tra thêm việc Vũ Nghiêm Uy xâm phạm biên giới:

Ngày 22 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 15 [5/12/1536]. Sai Cẩm y vệ Thiên hộ Đào Phượng Nghi, Bách hộ Vương Đồng đến Quảng Tây; Thiên hộ Trịnh Tỷ, Bách hộ Nạp Triều Ân đến Vân Nam. Nhiệm vụ cật vấn và khám về tội An Nam soán đọat, cùng sự tình bọn Vũ Nghiêm Uy phạm biên giới.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 183.

Về việc tuyển tướng điều binh, bộ Binh xin cử Đại thần sung chức Tổng binh thống đốc quân vụ; cùng một quan văn Đại thần có nhiều kiến thức về kinh bang tế thế cùng bàn bạc tham mưu,về quân binh chinh thảo thì chiếu theo tiền lệ thời Vĩnh Lạc đánh An Nam mà thi hành [1403-1424]. Xét tổng quát, nhà Vua chấp nhận:

Ngày 24 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 15 [7/12/1536]. Bộ Binh hội nghị về việc chinh thảo An Nam, rồi tâu:

Xin long trọng làm lễ suy cử một quan võ Đại thần sung chức Tổng binh Tổng đốc quân vụ; đang chức vụ; giao cho trọng trách. Đặt hai viên Đại thần tổng đốc quân hướng (5) tại Lưỡng Quảng và Vân Quí; mỗi viên tiếp đến tuyển 2 viên Phó Tổng binh, 4 viên Tham tướng, 4 viên Du kích tất cả đều dưới quyền tiết chế của đại tướng Tổng binh. Lại suy cử một quan văn Đại thần có nhiều kiến thức về kinh bang tế thế để cùng bàn bạc việc đáng làm với quan Tổng binh Tổng đốc quân vụ Trong hai ty Lưỡng Quảng và Vân Quý, hãy huy động những quan chức lớn nhỏ có tài, có sức, giỏi đảm chọn 3, 4 người bộ thuộc có tài lo vay, liệu biện tiền  và thực phẩm, để cung cấp cho quân dụng. Quân binh chinh thảo chiếu theo tiền lệ thời Vĩnh Lạc [1403-1424], gần thì lấy tại Lưỡng Quảng, Vân Quí; xa lấy tại Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Hồ Quảng, Giang Tây; Hán và Thổ quan quân. Vì đường sá xa xôi cách trở, nên truyền hịch mấy tháng trước sắc cho các xứ Phủ, Án cùng tướng lãnh, để chỉnh đốn quân binh, chuẩn bị khí giới  tuân theo sự chinh điều. Về lương hướng cũng sắc cho quan Phủ, Án các xứ  tìm mọi cách để xử trí; phàm binh mã ra quân phải có đủ 2 năm lương ăn, để khỏi lo cảnh lâm trận mà thiếu lương.”

 Sớ dâng, [Thiên tử] ban chiếu rằng có thể thi hành; vẫn ra lệnh quan đi tra khám sự thực, rồi báo theo phương tiện nhanh.Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 183.

Sau khi hai bộ Lễ, Binh tâu xin chuẩn bị đánh An Nam, được nhà Vua bằng lòng,  phán rằng có thể thi hành; đối lập, có viên Tả Thị lang bộ Hộ Đường Trụ dâng lên 6 điều can gián không nên đánh An Nam. Lập luận của Đường Trụ kê cứu kỹ về lịch sử chống ngoại xâm của An Nam; còn nội bộ Trung Quốc thì thực lực thua xa thời Vĩnh Lạc, nên sự thất bại là hiển nhiên.  Sớ dâng lên, bộ binh phải thành thực khen rằng bàn mưu trung thành:

Ngày 1 tháng 12 nhuần năm Gia Tĩnh thứ 15 [12/1/1537]. Tả Thị lang bộ Hộ Đường Trụ dâng sớ can gián về việc đánh An Nam như sau:

Nhân vì An Nam không đến sân đình triều cống, sai quan Cẩm y vệ khám hỏi tội trạng, chiếu cho trong ngoài nghiêm túc chuẩn bị, đợi phát binh. Thần thiết nghĩ nếu như việc hôm nay chỉ muốn An Nam đến triều cống mà thôi thì không những việc binh không cần dùng đến, mà quan đi khám cũng không cần. Nếu muốn đánh thì việc này quan trọng khá lớn, có 7 điều xét không thể làm, cần nêu ra:

-Đất đai giới hạn giữa Hoa và Di, trời đất đã định phận ra rồi; Đế Vương không thể dùng cách cai trị Trung Quốc để cai trị họ. Bởi vậy vua Cao Hoàng Minh Thái Tổ thần vũ hơn đời, nhưng đã ghi vào lời tổ huấn rằng không nên đánh An Nam, Bệ hạ đáng tuân thủ, đó là điều thứ nhất.

-Vua Thái Tông [1403-1424] đánh Lê Quí Ly tội giết chúa, đã cho tìm con cháu nhà Trần nhưng không gặp, bèn chia nước này thành quận huyện. Cái được không bù lại với phí tổn, Vua Nhân Tông [1425] ân hận về việc này.Thời đầu Tuyên Đức thực hiện ý muốn của vua cha Nhân Tông và tổ Thái Tông, dẹp bỏ quận huyện rút lui khỏi An Nam. Nay chính sách đó đáng nên theo, đó là điều thứ 2.

-Trước đây thời An Nam thịnh vượng, các châu Khâm, Liêm và ngay cả Ung, thường bị đe dọa. Từ đời Đường sau khi Cao Biền chinh phạt, đến Ngũ Đại, Tống; rồi đến việc lần lượt 8 họ Khúc, Lưu, Thiệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần (6) tranh quyền; trong thời gian đó các quận Lĩnh Nam giáp biển của ta, ít bị đe dọa báo động. Vậy Di Địch tao loạn là phúc cho Trung Quốc; không đáng mang quân đi hỏi tội, đó là điều thứ 3.

-Nếu bảo rằng An Nam là đất cũ của Trung Quốc, nên nhân lúc loạn chiếm đi. Thần khảo Mã Viện nam chinh, đến được Lãng Bạc quan quân chết gần nữa. Nhà Hán dựng Đồng Trụ làm giới hạn, gần với phủ Tư Minh [huyện Ninh Minh, Quảng Tây] ngày nay.

Vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407-1408]  bình Giao Chỉ; năm sau Giản Định tiếm hiệu nỗi lên, đến năm thứ 8 [1410-1411] Trần Quí Khoách làm phản; rồi các thổ dân hưởng ứng theo, chỉ còn một thành Giao Châu an toàn! Năm thứ 11 [1413-1414] Trần Quí Khoách bị bắt, Trần Nguyệt Hồ lại làm phản; rồi năm Tuyên Đức thứ 2 Lê Lợi làm phản. Các quan văn võ của ta bị chết rất nhiều, như bọn Lưu Tử Phụ, Hà Trung, Dịch Tiên, Lý Nhiệm, Cố Phúc vv.. Quân sĩ, của cải vật chất tổn thất có đên mấy chục vạn; làm kiệt sức lực Trung Quốc hơn 10 năm, chỉ được cái tiếng thu phục được một số quận huyện trong mấy năm.

Còn các triều đại khác, đánh mà không thắng như Tống Thái Tổ, Tống Thần Tông, Nguyên Thế Tổ, Hiến Tông thì quân đội chôn vùi, uy danh thương tổn. Các sự kiện kê ra như tấm gương sáng có thể soi, đó là điều thứ 4.

-Phàm Di Địch vào triều cống là có lợi cho họ; thứ nhất có uy với lân bang vì đã được [công nhận] ban lịch Chính Sóc, có thể thông thương mậu dịch làm giàu cho đất nước. Bởi vậy An Nam tuy tranh loạn, vẫn mấy lần dâng biểu, mang phương vật gõ cửa quan xin triều cống. Các Trấn, Phủ tại biên giới cho rằng tên tuổi không đúng (7) , bèn đuổi đi. Vậy họ muốn cống mà không được, chứ không phải cậy hiểm không chịu tới . Bây giờ hài tội, về danh nghĩa không thuận, đó là điều thứ 5.

-Vả lại muốn mang binh đi đánh cần có tài lực dồi dào. Thời Vĩnh Lạc dùng binh 80 vạn, từ Vân Nam, Lưỡng Quảng chia đường đến; quân lương chất như núi, vận chuyển không ngớt. Nay nghị bàn lấy trong 4 tỉnh , nhưng Tứ Xuyên đang lo việc thu hoạch rừng, Quí Châu thì có quân ốm đói, lương trử tại Lưỡng Quảng  từ lâu bị hao hụt vì việc đánh Sầm Mãnh tại Điền Châu [huyện Ðiền Dương, tỉnh Quảng Tây]. Với những công trình dựng lên tại một số tỉnh, kho tàng thiếu hụt; lụt lội, hạn hán đói kém. Nhìn tài lực thì thời Vĩnh Lạc giàu có hơn nhiều; đó là điều thứ 6.

-Tất cả những điều nêu trên đều có căn cứ có thể dẫn ra được, nếu suy nghĩ xa như người nước Kỷ lo việc trời (8) thấy được nhà Đường suy từ thời Huyền Tông sau chiến dịch đánh Nam Chiếu; nước Tống suy vi từ khi Thần tông đánh Liêu. Nay kho tàng tích trử chỉ 400 vạn [lạng bạc?] chính trị suy hoại, ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, quản lý muối ngăn trở, nên việc buôn bán càng giảm; giặc phương Bắc ngày một mạnh chiếm cứ vùng eo lớn sông Hoàng Hà, lính biên phòng mấy lần làm loạn, biên cương rào dậu triệt hồi; mối họa phương bắc ngày một lớn; lại bắt đầu bàn bạc đến việc đánh phương nam! Nếu có điều lo ngoài ý muốn, ai là người chịu trách nhiệm; đó là điều thứ bảy.

Huống  quan võ Cẩm y không hiểu đại thể, vạn nhất theo ý riêng, gây hấn. Hoặc tìm ra sự thực, đánh cũng không được, không đánh cũng không được; tiến thoái lưỡng nan . Nay nghiêm binh đợi xuất phát, lệnh mới ban ra mà sự tao nhiễu đã xẩy ra 4 phương; mối lo không tại tứ Di (9) mà tại trong nôi bộ!

Thần tấu xin bỏ việc chinh phạt, đình chỉ việc sai Cẩm y vệ đi khám, bãi bỏ lênh dự phòng binh lương.

Sớ dâng lên, bộ binh khen bàn mưu trung thành; riêng chiếu chỉ truyền đợi Cẩm y vệ khám tâu, rồi. bàn sau.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 180.

 

Chú thích:

1.Tống Giang: con sông bắt nguồn từ Nho Quan, Ninh Bình, chạy qua huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, xuống Tống Sơn, rồi chia thành hai nhánh, một nhánh ra cửa Bạch Câu, một nhánh ra sông Chính Đại.

2.Thân phó cáo: tờ khai tại cửa khẩu lý do tại sao đến.

3.Thủy Vĩ: tên châu có từ đời nhà Nguyễn trở về trước, vị trí tại huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai ngày nay.

4.Bát Trại: thuộc huyện Mã Quang, châu tự trị Văn Sơn, tỉnh Vân Nam.

5. Quân hướng: lương tiền cho quân lính.

6.Khúc, Lưu, Thiệu, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, chỉ các đời họ nước ta lần lượt cầm quyền như: Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông; riêng Lưu, Thiệu, thì có lẽ nhầm với Dương Diên Nghệ, Kiều Công Tiễn chăng?

7.Tên tuổi không đúng: vì lúc này tao loạn thay ngôi đổi chủ liên miên, nên tên vua mới không đúng tên với vua cũ đã trình tâu; nên bị nhà Minh bắt bẻ.

8.Kỷ: Xưa có người nước Kỷ lo chuyện trời sụp, nên có thành ngữ “ Kỷ nhân ưu thiên” để chỉ người quá lo xa.

9.Tứ Di: bốn Di; chỉ các nước lân bang đông, tây, nam, bắc, xung quanh Trung Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 105
Ngày đăng: 17.04.2024
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
113. Nhà Mạc: Mạc Đăng Dung [1527-1530]. - Hồ Bạch Thảo
Wolfgang Amadeus Mozart “Huyền thoại của một thiên tài” - Võ Công Liêm
Thể tính hiện sinh và thời gian trong Đoạn-Trường-Tân-Thanh của Nguyễn Du - Võ Công Liêm
112. Lê Cung Hoàng [1522 -1527] - Hồ Bạch Thảo
Bùi ngùi xúc động với hai bài thơ của Lê Thị Ái Niệm viết tiễn người em – Trần Dzạ Lữ - Hoàng Thị Bích Hà
Những kỷ niệm nơi phòng tranh Trương Vũ - Trần Thị Nguyệt Mai
111. Vua Lê Chiêu Tông [1516-1522] - Hồ Bạch Thảo
Ý thức mới trong văn học nghệ thuật - Võ Công Liêm
110. Vua Lê Tương Dực [1509-1516] - Hồ Bạch Thảo
Xuân đi xuân đến xuân lại đến - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)