Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
691
116.694.089
 
Nửa tình nửa thơ
Lê Vũ

KÍNH  TẶNG NHÀ VĂN N.H.T.

TẶNG NHẠC SĨ   Đ.T.D.

    
                                                                                                                                

Tóc anh, cha sinh mẹ đẻ vốn không hề uốn dợn nhưng từ buổi tập tành vần điệu và nhất là khi nhìn thấy Xuân Diệu thanh xuân với chỏm tóc xoăn xoăn lòa xòa trước trán, anh đã nuôi tóc dài, đến tiệm uốn ép cho mớ tóc rễ tre của mình mềm mại xoắn tít nên chiều nay gió lộng, gió từ những cánh cửa hội trường mở ra phía đồi thông, thổi tung những sợi tóc quấn quýt mắt anh, phơ phất vầng trán, cho anh cái cảm giác mình là Xuân Diệu hôm nào trước cử tọa. Chiều bay lên, anh bay lên trên đám nhà thơ lao xao trước mặt. Cái áo cổ mềm với dây cà vạt màu bụi, ống tay áo không cài khuy, xăn lên với một chút nhăn nhúm bèo nhèo cố ý khiến anh mất đi phong thái của một giảng viên đại học trên giảng đường. Đúng, anh đang là một nhà thơ, một nghệ sĩ thổi hồn vào tác phẩm của mình. Giơ hai tay về phía trước, những ngón gầy xòe ra vung vẩy, anh kết thúc bài thơ của mình. Tâm hồn anh căn phòng nho nhỏ, em cứ chui vào rồi lại chui ra. Ba muơi thành viên của câu lạc bộ thơ vỗ tay, khí thế động vang núi non, tan hoang thành quách. Ầm ào kéo dài như sấm nổi triều dâng dìm anh vào hưng phấn, cái hưng phấn anh chưa từng nếm trải trong các nhóm họp chuyên môn ở trường, trong những giờ lên lớp đơn điệu buồn tẻ với những quy trình hóa học, những công thức màu đen tang tóc của acid…Anh như mê đi khi người bạn thơ ngồi bên hăng hái. Vần thơ của S có cái màu  vô cảm hiện đại, nói nhỏ mà lớn, nói đến mà không, nói đi mà dừng, vừa đạo vừa đời, thiền mà vẫn mặn, lửng lơ treo hai bờ hư thực…Người đối diện, tóc râu nhuốm bạc, tiếp nối với cái giọng còn sang sảng hơn. Thơ S gợi tôi nhớ bài Hát về một dòng sông-. Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc-. Ô hay! Mắt em dòng sông vô lượng, còn trái tim em từ ly đến bất ngờ, không còn biên độ…Buổi họp tổng kết thơ cuối năm chấm dứt. Anh, giảng viên, chủ nhiệm bộ môn hóa, nhà thơ ba mươi tám tuổi trẻ nhất của CLB Phố Hoa với bài thơ vôcảm siêu thực được chọn đi tham dự ngày hội thơ của tỉnh nhà trong dịp nguyên tiêu sắp đến. Vinh hạnh cho anh, cho CLB đã có một nhà thơ thiên tài…         

*                                                             

Anh đã bắt gặp thiên tài của mình nhờ những ngộ nhận, những ngộ nhận ngọt ngào thú vị. Đêm liên hoan văn nghệ chào mừng ngày Hiến chương nhà giáo, anh bị đám học trò lao nhao yêu cầu hát. Khốn khổ, anh có cái giọng của chú vịt đực quạp quạp với lại cái bộ não đầy phương trình hóa học không dung nạp nổi một khúc hát nhỏ. Luống cuống, anh buộc miệng đọc câu thơ mà không biết mình chứa nó ở ngăn nào trong vô thức: Cái của em cũng hồng như của mẹ. Thưở sơ sinh anh đã thấy một lần… (thơ Nguyễn Miên Thảo, ct VCV )Cái của em…!Những anh con trai hò reo hớn hở còn mấy em nữ lặng yên cúi mặt giấu đi mấy nụ thẹn thùng. Cậu kính cận, vẻ tinh ranh lớn tiếng. Hình như đây là thơ của  Bùi Giáng tiên sinh ? Xin thầy cho nghe mấy câu thơ của thầy ấy!-Cái đầu anh bỗng mụ mị- Thơ mình ư? Mình biết gì thơ nhỉ? - Đám sinh viên lại  nhảy chồm lên, chờ đợi. Ham vui, anh đọc liều, xem như tiếp sức vần thơ dang dở của Bùi Giáng tiên sinh- Về sau mới biết hóa ra mình có ngộ năng rất cao mà trí năng cũng đến chỗ tuyệt vời. Đây là của hiếm cũng là phẩm chất, dấu hiệu của thiên tài!?- Ước gì cái ấy mênh mông. Khi buồn anh rúc vào trong nằm …khèo. Đám đông biến thành chợ. Nhốn nháo. Đột nhiên, một sinh viên nữ băng băng về phía anh, tràng hoa trên tay khoác vào cổ anh, lí nhí: Ôi người thầy vĩ đại của em. Không ngờ thầy là thi sĩ. Em rất yêu… thi sĩ và bất ngờ cô… hôn nhẹ lên má anh khi anh còn ngơ ngác…Một chút hương son phấn, một chút thiếu nữ nồng nàn làm anh choáng nhưng vẫn chưa đủ sức kéo anh đến nàng …thơ.

 

Cho đến một hôm, cô bạn đồng nghiệp vô tình than thở với anh về nguời bố say thơ. Bố là cựu chiến binh dũng cảm trải qua trăm trận thế mà về già không hiểu nguyên cớ nào lại đâm mê …thơ. Ngày lại ngày cứ lơ mơ, lơ mơ; bóng ngả hoàng hôn thì thơ thẩn, thẫn
thờ; đêm xuống lại chong đèn viết, gạch, xóa, viết…Mẹ bảo đi ngủ là ông phát cáu cho mẹ là phàm phu tục tử, phá hỏng tứ thơ ông vừa nhặt được đâu đó trong cõi xa xôi. Mẹ giận, tung hê những lời đồn đại, nhổ toẹt vào trăm bến mộng mơ của bố: Già mất nết, anh với em, yêu với thương, vớ vẩn! Chỉ là đánh rắm thổi kèn! Thế là trận chiến nổ bùng… Bố bệnh nặng, tha thiết nhờ em tìm cách xuất bản tập thơ để yên lòng ra đi. Em đã chạy vạy thực hiện tập thơ, như một cách báo hiếu bố, chỉ hy vọng bố chờ đợi mà sống thêm mấy bữa. Ngờ đâu, khi bằng hữu đến mừng bố ra mắt tập thơ, ông cụ lại vùng dậy. Hình như… chưa bệnh bao giờ ! Anh nghĩ có kì lạ không? Thơ lại có tác dụng cải tử hồi sinh đấy ! Thế ông cụ giờ ra sao rồi ? Anh hỏi với cái giọng đầy ngờ vực. Cô bạn cười mà như mếu: Vẫn còn đấy, làm được bài thơ: khỏe; tứ gầy…bệnh theo. Em đã  phải xuất bản cho bố ba tập thơ rồi. Bình quân mỗi tập giữ cụ lại hai năm sống. Đang phải xoay xở tập thứ tư vì lại bệnh nặng…Cứ thế !  

*                                         

Anh quyết định đến thăm cụ, nửa tò mò, nửa mến mộ, mến con người liều mình như chẳng có vì mỗi nàng thơ. Buổi sáng ngoại ô tinh khiết. Mặt trời hồng hà trải thảm vàng lên vùng xanh xanh cây trái khu vườn nhà cụ. Cụ ngồi đó, dưới hàng cây, bút, giấy, bình trà và cả gậy đặt trên cái bàn đá. Cụ đon đả chào anh : Anh bạn nhà thơ trẻ đến chơi. Quý hóa quá!- Cháu không phải nhà thơ- Tất cả ai đến thăm tôi đều là nhà thơ cả. Anh lại khiêm tốn rồi. Nhà thơ lớn, nhà thơ nhỏ, thơ hay, thơ dỡ, cái đó còn đợi thời gian lên tiếng .Biết đâu !…Ông cụ cười khà khà, đọc ngay cho tôi : Vẫn còn trong nắng thập thò. Tôi và em xuống con đò ban mai…Cái con đò ban mai với lại chút thập thò của tôi và em, cái hồn nguyên sơ ấy mấy ông già chúng tôi tìm đâu cho ra. Đành tìm trong thơ vậy. Đồng Đức Bốn đi rồi, nhưng bên kia thế giới, anh ta hẳn mỉm cười khi sáng mai nay tôi cứ ngâm nga ngẫm ngợi vần thơ anh ta. Tri kỹ tri âm là thế đấy, anh bạ thơ trẻ tuổi của tôi ạ!- Cháu không dám, cháu đang sẵn sàng lắng tai nghe những vần thơ của bác. Ông cụ lăng xăng mời anh ngồi, mắt lim dim mơ mộng. Anh không tìm thấy chút hào khí nào của người trung tá chiến binh ngày ấy, chỉ nhận ra khuôn mặt nhăn nheo mà diễm lệ hân hoan của thơ. Ta tìm em trong nắng hanh hao/ Ta tìm em trong gió mưa gầy/ Em lồng lộng đất/ Em lồng lộng trời…Khu vuờn chợt im lặng và anh cũng lặng im… hâm mộ. Thế mà bà nhà tôi lại nổi tam bành lục tặc đòi mời tôi ra khỏi nhà để tìm Em! Ôi thôi cái đầu nho nhỏ của bà làm sao hiểu được Em là cái chí lớn trong thiên hạ, là cái đạo của đất của trời. Khốn khổ cho bao nhiêu cái ý tưởng dung tục xem Em đơn giản  là cái ngàn vàng nho nhỏ đó để rồi hầm hè nôn nả. Có lẽ tôi lạc hậu nhưng tôi không chịu được những câu thơ sì sụp suy đồi hôm nay: lấy thân thể làm chữ nghĩa, lấy đòn phép ngôn từ mà ỡm ờ ma  mị .À, hình như anh là đồng nghiệp của con gái tôi thì phải? Người trí thức học nhiều hiểu rộng! Anh nghe tôi nói có phải không?. Cụ đã tỉnh, bước ra khỏi giấc mơ thi ca của mình, mời anh uống nước… Tôi “sẽ tập đi bằng ánh sáng thiên tài/ trong bóng tối câm lặng của đời”. Cô bé Th. viết hay lắm, ngộ nghĩnh lắm chỉ có điều Thơ cần phải có đạo, có  lễ. Nếu thêm chút màu lễ nghĩa, chiến binh có già vẫn hát câu ca, chia sẻ với cô ấy.  Anh ạ, cổ bàn thơ đang dọn sẵn với trăm ngàn mùi vị. Ngồi vào đi và chọn lấy thực phẩm thượng hạng... Cuộc gặp gỡ với một mời gọi tuyệt vời đưa đường anh đến với thơ. Định mệnh  đã an bài, có chạy trốn cũng vướng vấp chân. Sợi tóc nhiều khi cũng níu được chân người!

*

 

Bố anh xuất thân là thầy giáo trung học, thành phần tiểu tư sản trí thức. Ông đam mê chính trị, đam mê đến ngầy ngật. Không có báo xem, không nghe tin tức thời sự một ngày vì lý do đột xuất nào đó là ông cứ băn khoăn , sợ mình tụt hậu. Kẻ sĩ- ông dạy anh- một ngày không đọc sách, không đọc báo, cứ là bỏ đi.. Ông tìm tòi, nghiên cứu đủ thứ từ luật pháp, kinh tế, thưong mại, hạng mục quan chức chính trường… như một niềm vui.
ơ hội đưa đẩy. Thị ủy thiếu một nhân viên văn phòng, đề nghị phòng giáo dục Thị xã giới thiệu người. Ông trở thành người của Thị ủy, được cử đi học trung cấp chính trị. Hạt mầm đã gieo vào đất tốt, nhanh chóng đâm chồi nẩy nụ. Ông nhiệt tình còn hơn cả yêu cầu nhiệm vụ được giao nên không lâu được xếp ngồi vào cái ghế phó bí thư, kiêm trưởng ban tuyên giáo. Ba mươi hai tuổi, ông nhìn thấy tương lai phơi phới. Chức chánh văn phòng ủy ban đang đợi ông. Đùng đùng sét đánh ngang tai, vị bí thư thị ủy mà ông tâm phục về tài hùng biện, khéo léo ngoại giao lại… bị bắt về tội tham ô của công; ông liên đới trách nhiệm, bị cách chức, thu hồi đảng tịch. Ba mươi lăm tuổi còng lưng cấy cày nuôi con. Sao không chịu yên thân làm ông thầy giáo vô tội vạ, tham thực chỉ cực thân.!Những chì chiết của mẹ có lý của nó khiến ông già hơn trước tuổi. Tóc bạc trắng khi bước vào cửa tứ thập. Bây giờ mộ ông đã xanh cỏ nhưng những dặn dò của ông hôm nay lại lất phất bay mưa bụi. Không có nghề gì xấu. Làm gì cũng được nhưng tuyệt nhiên không thể dính đến chính trị. Con dao hai lưỡi có ngày sẽ làm con chảy máu. Bố biết lời dặn của Viên Mai “ Lập thân tối hạ thị văn chương” nhưng mà ngoài chính trị, con đường thành danh chính là nghệ thuật đấy con ạ. Ngàn năm nay, người ta không quên Mãn Giác thiền sư với cành” nhất chi mai”, không quên Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, cũng không quên Nguyễn Du với  “Đau đớn thay phận đàn bà”…Bố ơi, cửa đã mở, con bố đang bước vào những tầng bậc đi lên đẳng cấp danh vọng của ngàn sau.      

           

Buổi chiều về nhà, anh chở đầy một xe  đủ loại thơ mua ngoài phố: thơ Đường ngổn ngang Lý, Đỗ; thơ tiền chiến với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…;thơ hiện đại với Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo…; thơ Bùi Giáng, Nguyễn Bính nằm lẫn với những khuôn mặt rất trẻ: Vi Thùy Linh Khát, Phan Huyền Thư Nằm Nghiêng, Rỗng ngực… Anh thay ngăn sách đầy giáo khoa thư của mình bằng những tập thơ. Tốinay, mình sẽ ngốn nó bằng hết.

           

Vân đị chợ về, ngạc nhiên nhìn anh loay hoay bên giá sách. Đôi mắt to đen của hoa khôi trường cao đẳng sư phạm ngày nào mở ra, ngơ ngác, hai hàng lông mày xanh nhíu lại, cong cong xinh đẹp. Ba mươi tuổi với tám năm tuổi nghề, Vân vẫn như vầng trăng he hé rười rượi non tơ. Anh bước tới, ôm cả vầng trăng vào lòng. Tứ thơ chợt hiện lóe lên như một sát-na ngộ giác.  Em là ai sớm trưa chiều tối/ để anh bồng anh bế thương yêu! Cô giáo dạy văn chưa kịp ngạc nhiên, chưa kịp bưng miệng cười đã bị bồng quẳng lên giường; cái giỏ đi chợ với rau cải cá tôm nằm buồn tênh một góc nhà. Chỉ còn tiếng thở của lặng im…

          

Hình như Vân đang run rẩy dưới anh, đang khẽ khàng. Cái anh chết tiệt nầy, sao hôm nay dai…nhách thế! Cá ươn rồi! Anh làm thế nào ấy nhỉ?- Làm tình với lại làm thơ!- Những con chữ chợt biến chợt hiện như anh đang đuổi em sóng xanh ngày nọ, như em đang loay hoay bò lăn theo con còng gió tinh lanh. Em con còng gió chạy vòng chữ chi/ Anh đuổi em bay trên ngọn sóng. Ngọn sóng chưa bay lên nhưng người anh bị tung lên, lật nhào xuống giường. Hoàn hồn, anh nhìn thấy, không phải mắt trăng dịu dàng, là mắt xoe tròn giận dỗi của… còng. Hóa ra, thơ không chỉ là liều thuốc hồi sinh, còn là viên Viagra mạnh nhất thế gian. Anh  lẩm nhẩm, mỉm cười một mình.

           

Người ta không thể đồng thời chọn cà phê và nước ngọt, không thể là nhà giáo… nghệ sĩ. Bên đắng bên ngọt, một đạo mạo, một phong trần. Nếu là dở dở ương uơng, nửa chừng xuân ắt gảy cành thiên hương. Cần phải thay đổi tận gốc: tư duy, phong cách, mối quan hệ, cần lột xác từ ngoài vào trong. Tính sư phạm trong bố cục sẽ không cho phép anh viết những câu thơ phi lô-gích nửa nạc nửa mỡ; hình thức cũng cần bù xù một chút, hoa hương đỏm dáng sao cho thành nghệ sĩ.! Còn quan hệ, phải lăn lộn với nhà thơ góc quán ven đường, may ra mới nắm bắt hiện thực?- Mấy ông đồng nghiệp khô cứng tạm thời dẹp qua một bên.- Anh suy nghĩ, lên kế hoạch và từng bước thực hiện. Nhưng chặng đường đổi mới đầu tiên bao giờ chẳng gập ghềnh, trúc trắc, đủ thứ ngộ nhn, hoài nghi và cả thất bại! Vân càu nhàu vì mấy ông bạn thơ tụ tập chè chén, hát ca. Ngôi nhà yên tĩnh thường xuyên náo động. Những đôi mắt –Vân phàn nàn- cứ như là muốn dê cụ khi nhìn thấy em. Không lẽ nghệ sĩ là phải d …?.Anh lơ ngơ, không biết nói sao với vợ. May mà, Vân dạy văn chương, yêu thơ và hâm mộ nghệ sĩ. Cho qua! Những buổi tối, sau khi tranh thủ soạn bài, anh lao vào đọc, ngấu nghiến những khuôn mặt tên tuổi, lại tập gieo vần điệu từ lục bát, ngủ ngôn, thất ngôn, làm cả Đường luật. Cái đầu toán học của anh định đặt đâu đó: cái vỏ ngoài của nguyên tử là bằng trắc đa đoan, âm tiết âm vận, nhịp ngắn nhịp dài; còn hạt nhân bên trong chất chồng hình tượng, ý tưởng. Mình sẽ không làm hề cho vợ khi đọc cho cô giáo dạy văn những câu vớ vẩn, vô hồn, phi nhịp điệu, sai niêm luật. Người bạn thơ khuyên anh chẳng nhất  thiết phải cần mẫn với luật lệ, cứ là tung hô thơ tự do vĩ đại muôn năm, thơ văn xuôi chảy theo nhịp thở, thơ hợp thể tân cổ giao duyên… nhưng anh không đồng tình. Khoa học, cần có thứ tự trước sau, abc chưa rành học đòi triết học huyền hư là …bất cập.

 

Thời gian của nhà thơ vô hồi nên cửa nhà cũng lắm hỗn độn. Vân không mấy vui, lo anh thức khuya, mệt quá quên mất vợ nhưng bù lại, lượng tình có giảm nhưng chất tình cao ngất. ( Anh bổn cũ soạn lại. Thơ- viagra triền miên, không mệt mỏi!). Ba tháng, ba mươi bài thơ đủ loại đủ màu đủ thể, với anh là một mùa vàng thắng lợi. Vân đã bắt nhịp vào những vần gieo vì nàng, cho nàng, gật gù tán thưởng. Rằng hay thì thật là hay, không hay sao lại đổ ngay…tiến sĩ. Nàng sửa câu thơ Tú Xương ghẹo anh trong chuổi thanh âm lưu ly ngọc vỡ nhưng rồi, với tất cả nghiêm túc, Vân hạ giọng: Từ mai, em sẽ làm thơ để ra ngoài  giao lưu với anh. Khỏi sợ cô nhà thơ nào đánh cắp anh. Ngạc nhiên chưa? Đầy nhà lại rộn rã tiếng cười. Anh không hề biết nhát búa định mệnh đã gõ xuống,  khóc cười mấy nổi tan hoang...!

*

Buổi sáng, bên Xuân Hương tịnh lặng mờ sương, anh ngẫm ngợi mấy vần gieo rất lạ, mấy vần tự do bay nhảy. Cà phê vẫn chảy đưa bước chân ai đó đến bên bàn. Anh là nhà thơ thì phải? Mắt anh đang mộng, tâm anh đang mơ !. Không biết có phá hỏng thi hứng anh không?.Người đàn ông ngồi trước mặt anh, vẻ điềm đạm phong trần, vầng trán dựng đứng chi chít dọc ngang những con đường xuôi nam ngược bắc. Ông anh quá lời. Tha lỗi tôi vô tình lãng đãng khói sương . Xin hỏi?- Ng.T.T.đến từ Hà Nội, tạm trú nhà sáng tác Đà Lạt. Còn anh? Anh không trả lời, cái tên nghe chừng quen thuộc. Bỗng anh chồm lên, sửng sốt. Dám hỏi có phải là người được giải VHNT Hà Nội, người mà N.H.Đ biểu dương có công mang hơi hương mới vào văn học?. Người khách chỉ mỉm cười, nhìn ra xanh biếc Xuân Hương. Anh bỗng thấy mình, ông giảng viên đại học nhỏ bé quá, lại thấy nhà thơ tỉnh lẽ quê mùa quá để đôi tay cứ thừa quýnh quáng. Không dám khoe của, anh đem ngay bài thơ duy nhất đắc ý được chọn đọc trong ngày hội thơ năm nay, khe khẽ đọc ông nghe. Im lặng. Trái tim anh thình thịch liên hồi như hôm lần đầu vào phòng thi.Anh nhìn thấy trong mắt ông thoang thoảng nỗi buồn, không, là sự mệt mỏi. Anh muốn tôi đối thoại theo kiểu mèo khen mèo hay muốn tôi nói thật? Bỏ đi thôi! Thơ không bao giờ là sự nghiệp*. Sự nghiệp của anh  ở trên bục giảng, là những phương trình và những mắt trẻ thơ. Bên cái mâm cổ tạp bí lù của Thơ hôm nay, chẳng có chỗ nào cho anh ngồi nếm. Thơ mưu sinh của thợ thơ tung hô đây đó kiếm tiền tiêu vặt, anh cần gì dây vào cho bẫn; thơ hưu trí dành để các tiên sinh đàn đúm vui chơi, anh còn quá trẻ, quá nhiều việc ý nghĩa hơn phải làm; thơ trang điểm của đám giặc già giặc non * mệnh danh trí thức, xênh xang mũ áo vẽ mặt cho nhau lăng nhăng nhãn hiệu xanh đỏ tím vàng, một kiểu mơn trớn thói hoang tưởng mơ mộng, và dục vọng ở con người*, chắc chắn anh cũng không cần bận tâm, phải không?                                                                      

 

Đi vào cụ  thể, câu thơ của anh nghe quá nặng mùi “Con thuyền Nghệ An”. Cái đám giặc dốt đã xô đẩy anh đến bên bờ vênh váo của lòng kiêu hãnh về một hình bóng thiên tài không có thật. Cảm xúc cộng với mê ngôn, loạn ngữ không đủ làm thành văn hóa, không đủ cho thơ.. Nếu tâm hồn anh chỉ là căn phòng nho nhỏ thì thật quá tội nghiệp cho anh; lại để em tự do chui vào chui ra thì quả thật là siêu…vô cảm, một file thời thượng: tự do yêu thương, tự do lăng loàn, cũng là tự do đưa nhau ra tòa…Ôi, thế giới nầy loạn mất! Dừng lại thôi, người trai trẻ!Thi ca chính danh…đường xa vạn dặm, lắm nỗi nhọc nhằn.Thả mình vào lầy lội của hiện thực, căng mình trên giấy với trái tim cháy đỏ, vật vã  ngày đêm với từng con chữ,,,may ra mới có một bài thơ ngửi được.Thôi nhé, chào mi. Hãy cứ vui chơi cuộc đời, và khi vui, cứ thả vần thơ mình vào mênh mông trời đất, du hí với nhân gian và sau đó… đừng bận tâm. Thơ, không bao giờ là sự nghiệp! Chỉ là nghiệp chướng tội nghiệt! 

*

Năm năm rồi, chiều nào anh cũng đến đây, nhìn Xuân Hương lờ lững mà tưởng đến người hữu duyên gặp gỡ, người kéo anh lên từ đáy vực mộng mị và…buồn. Không có vần thơ nào nửa từ buổi mờ sương hôm ấy. Anh lại làm người thầy ung dung, đĩnh đạc trên giảng đường, nhận biết rất rõ cái cần làm, có thể làm của mỗi một người trong cuộc đời nầy.  Tham thực cực thân- Lời xưa mẹ dạy anh không còn mơ hồ. Bây giờ, anh  có quyền cười thầm  ai đó  khua màu trí thức, tung tẩy mấy vần thơ nhí nhố,  không hiểu thế nào là lập thân tối hạ thị văn chương, không sợ cụ Tiên Điền ngồi đó, một mình., ngao ngán. Chí đã ổn, Thân đã định nhưng cái Tâm vẫn bời bời đớn đau, chỉ đành đấm ngực lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Anh  được cứu vớt nhưng  không kéo nổi Vân khỏi vùng xoáy mê muội của thi ca. “Le jeu est fait”**. Ôi, vầng nguyệt dịu dàng tuyệt vời  xinh đẹp của anh đã tận hiến tâm hồn trí tuệ và cả thân xác, không phải cho thơ, là cho một gã thi sĩ hoang đường nào đó. Nước Xuân Hương trôi hoài xanh mãi; còn nàng, không bao giờ còn trong để trở lại…

 

Thu Cam Ranh 15/9/ 2006

*Chữ của Nguyễn Huy Thiệp ( Giăng lưới bắt chim )

**Chữ của J.P Sartre (Canh bạc kết thúc- sự đời vốn thế )

Lê Vũ
Số lần đọc: 2652
Ngày đăng: 01.07.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gió Thắm - Mường Mán
Tuyệt đối yên tĩnh - Trần Đức Tiến
Vùng xoáy - Lê Vũ
Bạn cùng làng - Hồ Tĩnh Tâm
Kiếp trôi dạt - Dương Ðình Hùng
Ngôi nhà có khoảng sân, cổng và tường - Nguyễn Mỹ Nữ
A lô... Tôi xin lỗi - Nguyễn Lệ Uyên
Con mắt thứ ba - Trần Kim Trắc
Đường về trần gian - Đoàn Quang
Thế là…Chị ơi ! - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)