Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
837
116.682.760
 
Chớp mắt
Lê Vũ

Giữa hai lần chớp của mi mắt nàng, anh thấy mình trôi về lãng đãng một vùng trăng ngằn ngặt xanh huyền hoặc. Cô bé lên mười tóc hai bím thắt chân trần đuổi những chú còng gió. Còng chạy lòng vòng và đôi chân dài em chạy vòng quanh. Tiếng cười rơi trong sóng vỗ bờ. Sóng xanh và tóc xanh, bạt gió. Anh con trai mười sáu láng giềng, cách nhà nàng cái giậu mồng tơi, mê mãi ngắm và chợt thấy lòng mình ngồ ngộ. Em tinh khiết tuyệt vời …

 

Nàng chớp mắt lần hai. Đêm thẫm. Những vì sao ở rất xa mà em thật gần trong vòng tay anh mười tám . Ngực nàng nhú sau lớp vải, tròn mềm mại và thơm.  Mùa xuân, nàng cắn chia cho anh một sợi tóc. Tóc cắn ngang môi chia hai cuộc tình Chưa có một nụ hôn dẫu vụng về!

Chớp mắt lần thứ ba là một ngày đạn pháo đầy trời. Nàng thất lạc…

 

*

Nghèo là một cái tội, cái tội lớn nhất đeo đẳng phận làm người. Kiều chẳng phải vì ba trăm lạng mà bán mình, đất nước mình nghèo nên xuất khẩu lao động với giá rẻ mạt, dân tộc mình vì nghèo mà không thể ngẩng đầu lên… Nàng nhìn thấy anh như cười mỉm, chua chát. Em học ở đâu bao nhiêu lý luận hùng hồn như thế ? Tất nhiên không học ở trường . Nhà trường không định nghĩa nghèo là cái tội. Còn tôn giáo an ủi người :Người giàu vào nước Thiên Đàng khó như con lạc đà chui qua lổ kim*. Nàng nhớ cái buổi lên mười đi học giáo lý. Khuôn mặt Ma soeur dịu dàng như Đức Mẹ cúi xuống khi con bé lơ đãng nhìn chiều xanh trong. Hãy gõ rồi sẽ mở cho. Ngây thơ nàng đã gõ cánh cửa Trời, đêm đêm quỳ gối van xin khi bố bị tình nghi chở dầu cho nhóm tổ chức vượt biên. Bố bị bắt đi cải tạo, chiếc ghe kiếm cơm bị tịch thu, mẹ và bầy em ba đứa nhếch nhác . Nàng mới mười sáu. Nghèo rạc.

 

Còn anh ? Nàng nhìn cái quần jean bạc phếch, mái tóc dài bù xù…À ơi! Nhớ em còn mái tóc bánh bèo …da mét vì em nghèo . Đầu anh còn húi trọc, khét nắng hôi trâu thèm đi học**.  Bài hát cũ năm anh mười hai, đôi mắt anh sáng và tròn, dấm dúi cho nàng những củ khoai sùng luợm mót mà ngọt ghê. Nghèo là một cái tội. Không còn cái chớp mắt nào. Mắt nàng đã nhắm lại.

 

Chiều đen như mõm chó- Cái vốn văn hóa lớp sáu không giúp nàng hiểu đúng cái thành ngữ siêu thực này- nhưng chiều quả thật đen mõm- chó -đen. Còn hai ngày nữa là đến kỳ lãnh lương tháng đầu tiên trong đời nàng : lương rửa bát đĩa trong một quán ăn thế nhưng, cái gã mặt chó chủ quán lại giở trò dê xồm hôn vào trán nàng khi hai tay nàng bận bưng bê chồng đĩa cao nghệu. Nàng thả đánh binh chồng bát đĩa vỡ toang và tát vào mặt y. Thế là kết thúc công việc và đi đong tháng lương dầu mỡ với mồ hôi. Chiều,  trong căn nhà vách ván của mẹ con nàng

 

càng đen hơn cái sự đời . Mẹ ngồi trước mặt bà chủ nợ béo phì, luôn miệng hứa hai ngày nữa con tôi lãnh lương sẽ trả. Nghèo còn hơn là cái tội!

 

Góc quán lờ mờ tối. Khói thuốc anh bay lên, vòng vèo động cựa  nhưng những ngón tay anh thả xuống, iu xìu dù nàng chỉ cách anh một gang tay. Ký ức tuổi thơ mở toang cửa. Con gái mười hai dậy thì buồn vui bất chợt. Anh đã huyên thuyên tìm cách cho nàng cười. Chuyện bà ba bán bánh bèo bị bò báng bể bụng. Anh nhại giọng ông Ba tàu bán chuối chiên  đầu hẻm và nàng lăn ra cười. Bây giờ, nàng đã hai bảy. Nàng huyên thuyên và anh, lặng nghe. Thời gian- Anh ngậm ngùi – Nước mắt  biển dâu và những cuộc mua bán. Em đã tự rao bán đời mình ư ?

 

*

Mẹ cơm đùm gạo bới đi thăm bố và không bao giờ trở lại. Chiếc xe định mệnh đứt thắng rơi xuống vực. Nàng không còn nước mắt để khóc; út gái nàng mới lên ba. Nàng đấm ngực, không cam tâm. Nhà hết gạo và nàng chỉ còn vốn trời cho. Phải biết khai thác nhan sắc mười bảy. Buổi sáng, nhìn hàng người xếp hàng mua tem phiếu: bột ngọt, mắm, thịt…, nàng cũng chen vào cuối hàng khi nhìn thấy ông quản lý môi dày, con mắt ti hí liếc ngang liếc dọc. Nàng sẽ mua được lạng thịt và nửa lít nước mắm, mươi cân gạo bằng nụ cười và con mắt có đuôi. Nàng đã lầm. Thời buổi gạo châu củi quế, nụ cười không thể đánh đổi lấy dù một lạng bột ngọt . Mất một buổi sáng, nàng chỉ lấy về mỗi cái địa chỉ nhà ông quản lý và mơ hồ một lời hứa hẹn. Hôm sau, khi cái út khóc thét vì đói, nàng đã ngả giá với lão quản lý bốn mươi lăm tuổi đổi cái đầu đời lấy mười ký gạo .

 

Chiều xuống nhanh, gió bỗng dậy. Những bóng đèn tròn màu đỏ chớp nhá những con mắt máu soi vào mặt những vuông ô đìa tôm. Anh thấy sống lưng mình lạnh toát khi nghe nàng kể bằng cái giọng ráo hoảnh như không phải kể chuyện mình. Bác sĩ không chau mày khi thấy máu. Thầy giáo không nhăn mặt truớc tập bài sai be bét. Chẳng lẽ nàng đã chai lỳ trước chuyện bán mua thể xác ? Hình như anh đã chọn nhầm nghề báo? Trái tim anh nhạy cảm khi va vấp với cuộc đời ! Và anh tiếc mình đã bước chân vào cái quán nầy với dự định viết một bài phóng sự về những cô gái bán thân. Nói năng chi cũng muộn màng .

 

*

Nàng quàng lấy anh, hai cánh tay trắng màu bạch tuột trơn nhợt .

- Anh sống bằng nghề gì ?

- Bán chữ? Mắt nàng tròn như xưa, vẻ ngơ ngác như buổi nào anh hứa cuội lên núi hái trăng đem về cho nàng nhốt trong lòng tay. Nàng đã giận anh đến hơn tuần vì cái tội dối  gạt . Hỡi ôi, đời đã gạt em biết bao lần  ?

- Em chỉ biết bán thân. Thân xác  có giá của nó : năm mươi, một trăm tùy theo tuổi tác và nhan sắc. Cái Linh giá hai trăm vì mới vào nghề, mười bảy. Con bé Tí ngồi cách chúng ta hai bàn mười lăm, giá đặc biệt. Không lẽ chữ cũng có giá? Vả lại ai mua chữ chứ ?

  

- Em không hiểu rồi. Xã hội càng tiến bộ, chữ càng có giá. Người ta đua nhau mua chữ để có ghế ngồi ( hoặc củng cố ghế ngồi ). Một bằng Đại học trị giá tiền triệu.

Thạc sĩ, Tiến sĩ giá cao hơn nhiều . Yên ghế rồi, người ta ra tay thu hồi; gọi là vốn bỏ một lần thu lãi trăm năm, ăn hoài không hết…chữ! Nàng lẩm nhẩm gật đầu, như hiểu như không. Tội, nàng chỉ biết học vẹt mớ ngôn ngữ hổ lốn của mấy gã ba hoa, chuyên nhân danh những là đất nước với dân tộc. Ngây thơ, nàng nghĩ bán thân là đồi bại chứ không biết khi người ta rao bán liêm sĩ đạo đức để đổi lấy bổng lộc địa vị thì trăm lần còn tồi tệ hơn.

- Thế anh tài phép nào lại bán đuợc chữ ? Nàng thấy anh cười như mếu, nụ cười hôm nao khi nàng làm khó bắt anh leo lên cây dừa chót vót hái cho nàng một trái dừa xiêm.

- Chữ có chữ tốt chữ xấu ! Chữ tốt là chữ tụng ca nền văn hóa đầy tính dân tộc, nền kinh tế công nghiệp hiện đại hóa đi lên cao tầng. Chữ tốt bán đuợc nhiều tiền. Chữ xấu khi bóc tách lớp hình thức giả tạo, thói đạo đức trá hình, nhân nghĩa cửa miệng của những những nhân vật quyền thế. Chữ xấu bị người ta quẳng vào sọt rác, thậm chí còn mang họa vào thân. Nàng cười .Vậy là anh chỉ bán đuợc chữ xấu nên …nghèo. Anh đành cười trừ. Nhớ, buổi đầu thử việc, anh lê la viết toàn chữ xấu. Ông chủ bút báo N đã dí cái bài phóng sự về cái dự án của công ty T vào mặt anh, bốc lên mũi, ngửi và quẳng xuống đất chà dưới gót giày. Ông còn có mà sờ vào những thế này thì có bốc mắm ăn!. Ông mang họa mà bọn nầy cũng độn thổ ! Biến đi.!. Anh đã phải biến đi khỏi mấy tờ báo vì huỵch toẹt chuyện ông A dùng quyền lực chiếm đất, ông X tham ô, ông T háo sắc dùng công quỹ mua tặng xế xịn cho người đẹp. Anh không quên trận đòn đêm ba mươi mà anh cầm chắc là của mấy ông chủ bự mượn tay bọn nhóc cô hồn cảnh cáo anh trong đêm giao thừa năm ngoái. Ba ngày tết, anh nằm liệt. Chữ xấu!

-Thế thì viết về bọn em là chữ xấu hay tốt? Nàng nheo mắt, và anh thấy hiện về vẻ yêu kiều của cô bé ngày nọ dưới bóng dừa xanh, trăng xanh…

- Cái này tùy cái mũi của ông chủ bút em ạ. Cuối cùng, bút của anh cũng chỉ là cái cần câu cơm.Cái cần có khi cong khi thẳng, khi bốc thơm cũng có khi hôi bùn…Người ta sống bằng cơm bánh chứ không phải chỉ bằng lời nói thật.

- Em hiểu rồi. Áo cơm không đùa, không thể đùa .

 

*

Nàng đã đi qua chiếc cầu chông chênh của cơm áo,  cực nhục. Thân vừa làm ôsin vừa là  phở của ông chủ ngoài năm mươi . Mươi năm truớc, muốn bán thân cũng không hề là dễ dàng bởi người ta ăn chưa no lấy đâu rửng mỡ. Đổi mới- nàng nghe người ta kháo nhau vậy, là ngoài độc lập tự do tinh thần cởi mở thì người ta cũng không cần kềm hảm sự sung sướng lại. Cứ thả cho nó mặc sức. Nàng đã bước vào cái quán này, như thế, từ một năm nay khi bố nằm bệnh viện vì chứng lao phổi.

 

Nhưng em chưa thật là khổ. Nàng nhìn thấy anh vẫn chăm chú nghe, hàng chân mày rậm đen nhăn nhíu - Mấy con bé mới lớn mới thật là tệ hại. Em biết vì sao em sống, sống để làm gì còn mấy cái Linh, cái Lan, cái Tí, cái Nhiễu…không biết cũng không cần biết sống để làm gì . Bọn chúng căm hận đàn ông, căm hận gia đình, căm hận cả thân xác mình. Cái Linh, cha chết, bị bà mẹ đem bán lấy tiền đánh bạc khi mới mười bốn. Con bé có ba mươi sáu cân bị ông đồ tể phì nhiêu nặng gần tạ vày vò đến hơn năm, người chỉ còn xương bọc da, bị quẳng ra đường, bệnh hoạn, ghẻ lở…

 

Nó hận mẹ nên làm được đồng nào là mua thuốc chích choác. Trong cõi ảo của ma túy, nó mới thấy mình đang sống, ngầy ngật sống. Cái Lan là một trường hợp đặc biệt.- Nàng chỉ cho anh cô gái mặc cái váy xanh gầy còm với đôi chân khẳng khiu.- Mười lăm tuổi đi bán cà phê, mơn mỡn. Bà chủ, toa rập với gã công tử con ông chủ trùm vật tư xây dựng của Thị trấn, cho con bé uống thuốc mê và một cả một tập thể tha hồ hiếp dâm con bé, suốt đêm.  Bé cổ thấp họng, kiện thưa thất bại, con bé đi hoang và lạc vào đây. Nó căm thù đàn ông nhưng lạ, khi đàn ông đi vào nó, nó lại sướng mê tơi. Thế mới khổ, người cứ gầy rạc đi. Mỗi lần đi khách lại mỗi lần sướng . Em xấu hổ với mình chị ạ ! Và nó quẳng tiền trong đám bạc bài xóc đĩa, những đồng tiền mà nó cho là nhớp nhúa. Không cần giữ lại ! Cái Tí khác hơn, con một ông bự, bỏ nhà đi hoang năm mới mười ba vì không chịu nổi bà mẹ kế. Vào đây, nó thách giá trên trời nhưng đại gia vẫn thích gái mười lăm với màn múa bụng tuyệt chiêu . Tiền như giấy  và cái Tí tung hê vào đủ thứ trụy lạc . Nó bảo muốn vào địa ngục vì có khổ lắm cũng đến thế này mà  thôi…

 

*

Đêm khuya rồi. Nàng ngủ bên cạnh anh, đôi mắt tròn xoe đã nhắm lại. Đời nhoáng qua trong một chớp mắt…

 

Cam Ranh hạ đỏ 2008

 

  • Trích Phúc âm.
  • Bài hát “Quán bên đường” của NS Phạm Duy
Lê Vũ
Số lần đọc: 2516
Ngày đăng: 09.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dây tầm gửi - Phạm Thanh Phúc
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy
Quán bên sông - Lê Mai
Chuyện làng - Nguyễn Đông Phương
Mùa cưới cho ai - Phạm Thanh Phúc
Ông ngoại tôi - Mang Viên Long
Khói và mảnh trăng khuyết - Nguyễn Lệ Uyên
Đôi khi người ta đùa cợt... - Trương thị Thái Hòa
Thời chiến - Trần Đại Nhật
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)