Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
718
116.709.289
 
Đọc NGÀY NHẠT ( Siêu thị mặt- Trần Quang Quý , NXB Hội Nhà văn, 2006) : Có vỡ ngày suông ?
Lê Vũ

Ngày nhạt

Anh vặn ga chạy tuột vào chiều cong mộng mị
gương mặt trần ý nghĩ
xồng xộc thói quen

Một cốc bia dan díu một cô đơn
thùng bia uống một bầy miệng líu giọng
bia lục lọi đến nhừ cơ bắp
bia gọi tóc là râu, râu ngược lên làm tóc
Vài gương mặt cũ mèm ngồi nhấm nháp nhau
như nhấm những hạt dưa nhuộm phẩm đỏ

Nhưng vẫn chiều gỉ hoen
sao em để tuột dây đồng cảm
bỏ hai ta xa một rỗng chiều
Chiếc ghế nhẵn một chỗ ngồi, ngày buồn nhão một gương mặt
có gì mòn mỏi hơn bằng giam cầm trong nhàm cũ
có gì mê muội hơn bằng ngủ sâu trong cái bóng chính mình?

Em ở đâu, cây rụng lá mong
Sự chuyển động ở đâu, lặn tìm trong trí loãng?
Muốn lộn ngược ngày ra xem em có ẩn trong trò chơi trốn tìm
muốn xoay lại buổi chiều để lộn trái ký ức
những gương mặt đang sủi tăm bia
chiếc cốc méo sự thật
bao ảo hình chảy quanh đáy cốc
dốc ngược chiều có vỡ ngày suông?

1.3.2006 – T.Q.Q

 

 

Không cần vặn ga- Ngày nhạt – chạy tuột vào tôi trong chiều cong không mộng mị của cái vòng luẩn quẩn, chơm chớm hàm răng vô tổ chức, lỗm ngỗm đinh ốc bù lon lục cục của một ngày, một ngày cặm cụi cô đơn buổi sáng, vại bia buổi chiều, một ngày cái ghế ngồi nhẵn mấy gương mặt cũ mèm nhấm nha nhấm nhẳng…

 

Ngày, Trần Quang Quý đã định nghĩa về ngày rất ấn tượng : Ngày của một đời/ Đời của một ngày/ Một ngày đắm say phủ ngàn ngày nhạt. Ngày không nhạt, không nhạt khi mà :  Ngày tím hoa xoan, ngày vàng hoa cải, ngày ngủ trong ngày, ngày mơ giữa sáng/ ngày dẫn ta đi shopping, ngày liếc nhìn ta ngúng nguẩy...Còn Ngày nhạt, thôi thì xồng xộc thói quen, những thói quen đến thuộc cứ cắn, cứ gặm mãi vào chiều chiều cạn cốc chếnh choáng muộn phiền, rồi nhấm nháp nhau, nhấm nha những khuôn mặt hạt dưa nhuộm phẩm đỏ. Tôi đã soi mặt tôi, soi mặt bạn bè, soi những chiều rất nhạt và thấy mặt phẳng gương mồn một to hó khung chiều rỉ hoen của TQQ:

 

thùng bia uống một bầy miệng líu giọng

bia lục lọi đến nhừ cơ bắp

bia gọi tóc là râu, râu ngược lên làm tóc.

 

Trong thời buổi mà bia thùng thùng ngập ngụa, kinh tế thị trường mở ngỏ đến năm châu, cái thời mà rơm rạ đói nghèo không còn gõ cửa, ta lại hóa thành một bầy miệng líu giọng, gọi tóc là râu, râu ngược lên làm tóc…Uống- không vì khát uống, mà là… thói quen: nhấc tay, đổ vào họng và… nuốt, một phản xạ tuyến tính. Bia, rượu, vĩa hè, góc phố…trở thành một thứ nghiện, nghiện một vùng bụi khói, những vang âm xô bồ, cái chất cay nóng và cả những khuôn mặt cũ mèm xì mốcÔng già, trai trẻ, giáo sư, thợ hồ…tất cả đã uống, uống cho rỗng chiều, cho chiều rỉ hoen, cho la lết cuộc ngày, cho nhẵn mặt đời, cho nhão mặt người… Líu giọng là lời chèn ngang cuống họng, vắt ngang lưỡi; nhấm nháp là nhai mà không nuốt, lọ mọ như bò nhai cỏ khô; rồi tóc râu ngược ngạo hỏi thăm thế sự thăng trầm quân mạc vấn*, là nghịch lý quẵng xuống đời, vãi lên trời xổ tung cay với chát. Cuộc rượu cũng là cuộc cờ**.  Giá như rượu ngon bạn hiền, giá như lẫu thập cẩm nhậu trên bàn không đố kỵ gia vị đừng vuốt ve nụ cười bánh phở; giá như những cái mặt mày râu nhẵn nhụi/ những cặp mắt môi mỏng quẹt và cái mồm ống thốiđừng hát đồng ca phản trắc, ngày sẽ không nhạt vì sự nhạt thường thậm thụt chợ phiên. Thế đó, không rao giảng, không thuyết lý, không lập ngôn  đen trắng xấu tốt mà thơ cứ va vấp nỗi chán nỗi chường, nỗi hoang mang ủ men thời gian để ngày rồi cứ nhạt,và đời cứ… nhạt .    Vẽ ngày, vẽ chiều rồi cúi đầu tự nhẫm, tự nhấm, chỉ là nói với mình, với cái bóng chính mình.

 

Chiếc ghế nhẵn một chỗ ngồi, ngày buồn nhão một khuôn mặt  

Có gì mòn mỏi hơn bằng giam cầm trong nhàm cũ

Có gì mê muội hơn bằng ngủ sâu trong cái bóng chính mình

 

Cũ một chỗ ngồi, một khuôn mặt; cũ một tập quán, một nếp suy tư; cũ một phương pháp canh tác, một lề lối hoạt động…mà cũ nhất là cái bóng chính mình. TQQ đang độc thoại nhưng đồng thời là đối thoại với bốn bề ngổn ngang siêu thị mặt nhỏ to, ngắn dài, tròn méo. Cho nên, chỉ có thể  giải mã nhàm cũ trong chiều kích của tập thơ với Trò chơi hình khối, Mặt, Tự giải, Quen, Lập ngônNhàm cũ, đó là lối mòn tri thức, cái ám ảnh những con bò nằm nhai lại rơm khô, là mớ giẻ rách lau chiếc ghế trang trí , là những chiếc mặt nạ còn in bóng lộn mặt sàn sân khấu, là những ảo ảnh hư danh ầm ỉ, là những cái mặt di cư trong nhau/ đến nỗi quên lối về/ mặt thật… Đặt ta em như là hai chủ thể (sujet) nối kết với nhau bằng sợi dây đồng cảm, nhưng khi dây tuột, em hóa thành đối tượng (objet) để Ta đi tìm sớm mai chiều tối

 

Em ở đâu cây rụng lá mong.

 

Em ở đâu, em ở đâu… một câu hỏi cong oằn chồng chất năm tháng, câu hỏi thiên di trong mọi kiếp người, khắc khoải một nỗi đau vặn mình trong cõi trống. Và TQQ tưởng chừng đấm ngực ăn năn :

 

Sự chuyển động ở đâu, lặn tìm trong trí loãng?

 

Không thể tìm thấy Em nếu nằm ngủ duới gốc chờ sung rụng. Ôi, những cái đầu, không chịu động chuyển, những trí tuệ nước loãng không thể khuấy thành hồ. Lật tung lên thôi, đào xới lên thôi để bật nhào gốc rễ nhàm chán, để lột trần buồn tênh cho sóng xô bờ mỗi ngày một ngày mới:

 

Muốn lộn ngày ra xem em có ẩn trong trò chơi trốn tìm

Muốn xoay lại  buổi chiều  để lộn trái ký ức

 

Lộn ngược ngày là đi đến tận cùng cuộc chơi trốn tìm : nhận diện, nắm bắt  để không thể mơ hồ lẫn lộn, không thể mãi hoài cút bắt  A với  B. Từ đó, xoay lại buổi chiều , sắp xếp bố cục, cũng là thổi những điệu kèn chôn những tư duy rất dai manh múm, là thau rửa cạn phố…. Và, dù ký ức có lỡ lói, nhoi nhói, tím bầm cũng cần phải lộn trái mà tẩy rửa, khâu vá cho lành vết thương. Từng cụm từ mắc vào câu thơ như những cột mốc, cây đinh đóng lên con đường chông chênh trúc trắc gian khổ, hằn sâu niềm khát vọng đổi mới  thường trực và  ám ảnh  . MUỐN, và muốn  không mê muội ngủ trong cái bóng chính mình, không dẫm lên đường xưa lối cũ, không mặc cái váy lổ loang, không dùng cái giẻ rách toang tơi tả, không dùng đạo đức giả bĩu môi nhưng mắt vẫn liếc nhìn. Thế nhưng, khi mà tất cả đã ngủ quên trì trệ từ bao đời bao kiếp, muốn dịch chuyển , muốn kéo dậy thì cần  có khí phách, dũng cảm, cần có cả cái khí hạo nhiên sừng sững.

 

Kìa mùa xuân. Cung mê em!

Hãy cởi phăng những xiêm y bóng bẩy

hãy lột chiếc mặt nạ tự phỉnh mình

hãy lộn túi những mớ chữ mị dân

tự do không vặt cánh

( Quen )

 

Và khi cởi phăng, lột bỏ, lộn túi sẽ là tự do không vặt cánh, tự do bay lên . Tự do, như thế là TIỀN ĐỀ, là đầu cũng là cuối của chặng đường cách tân, đổi mới, nhưng có sáng tạo nào, cách tân nào, đột khởi nào mà không va đụng, phải không? Còn nếu trốn lánh, nhìn đời bằng mắt nhắm mắt mở, những đôi mắt ứ tràn sân si tham dục, bằng những gương mặt đang sủi tăm bia (hay mượn men!), cái nhìn tất nhiên cũng hóa đảo điên vì tóc ngược lên làm râu, và  xiên xẹo như chiếc cốc méo sự thật/ bao ảo hình chảy quanh đáy cốc .

Bài thơ khép lại, treo lửng lơ trên đầu chúng ta một câu hỏi đau đáu:

 

Dốc ngược chiều có vỡ ngày suông?

 

Ngày suông khi lầm lụi đập theo nhịp kim đồng hồ nhỏ giọt, có xào xáo chăng là những nhốn nháo hư danh, những bán mua thương lượng tung hô quanh một bàn rượu, một cuộc cờ mà những cái mặt đồng ca làm vỡ trận cờ…Câu thơ vừa là một gọi mời, là lời tự thán mà đồng thời là nỗi hoang mang, bất tín bất tin, gào khan điếc đặc thanh âm giữa thời buổi siêu thị, thời kỹ trị .

 

Hát lên những nghiệm sinh thu nhặt được giữa phố chợ phồn hoa mà phù du đa đoan phản trắc, Siêu thị mặt là bản giao hưởng đa âm của  răng, mặt, luỡi, cuống họng…đậm đậm nỗi buồn phế hoang thành cũ nhà xưa, nỗi nghi nghi hoặc hoặc của TQQ khi mà  chiều rỗng, đỏ đêm còn ngày thì đóng đinh lên những đôi giày,buồn nhảo. Theo đó, Ngày nhạt, có thể xem là khúc intro nhẹ nhàng, nôn nao nhịp đập của lồng ngực vỡ toang khao khát, của một trái tim sâu lắng, he hé nhú  những mầm xanh ước vọng , không bộc bạch như Lập ngôn, Tự giải …Ngày nhạt khơi nguồn dòng chảy Siêu thị mặt  bằng những thanh âm líu ríu gọi mời, chắt lại thành những câu hỏi , những câu hỏi của ngày hổn mang, lơ lửng mơ hồ vang ngân  dấu hiệu niềm tin khủng hoảng, niềm tin chệch choạc - một đặc điểm của dòng chảy hậu hiện đại.

     

Trong chừng mực nhất định, Ngày nhạt thể hiên phong cách thơ mới và hiện đại của TQQ: kết hợp những trực cảm vụt hiện với ngôn ngữ đời thường nâng lên thành những ấn tượng thơ thông qua những ẩn dụ làm phát nghĩa. Sự giản dị trở nên dấu hiệu của sự chín đầy trong sáng tạo. …Sự giản dị là cả một sự phức tạp lớn ( Roberto Fernandes Retana). Không cần bẻ câu, bẻ chữ, vắt dòng, rao bán những vần thơ tắc tị, khiên cưỡng, những câu chữ chế biến nặng mùi tiêu hành ớt tỏi, TQQ hồn nhiên bê hiện thực vào thơ và thơ như lời nói đến trên cửa miệng, giản dị mà cũng trùng phức những hàm ngôn, khêu gợi liên tưởng. Ý tưởng chốt lại ngày nhạt: Dốc ngược chiều có vỡ ngày suông mang ý nghĩa một dự báo ngày mai- cái sẽ xẩy ra -  như nghỉ suy của  E. Gidovich về  các nhà thơ” Họ không báo trước điều gì hết, họ có thể cảm thấy những gì chỉ trở nên rõ ràng với mọi người trong tương lai”.

 

Xin được muợn nhận định của tác giả Đoàn Ánh Dương về Siêu thị mặt để kết thúc bài viết : “Thơ Trần Quang Quý có dáng dấp hiện đại nhưng không rơi vào “hũ nút”. Nghĩa là ít nhiều tác giả đã chạm vào tâm thức thời đại, tìm được nhịp đập chung với đời sống tinh thần con người hiện đại để phả vào hơi thơ của mình dáng dấp, nếp cảm và nếp nghĩ của họ. Và có lẽ đó là hướng đi phù hợp để đổi mới và hiện đại hoá nền thơ Việt.***”.  Trong cảm nhận đó, Ngày nhạt là một tiêu biểu …

 

Cam Ranh Thu 2007 .

 

* Thơ Chu Thần : cuộc đời lên xuống anh hỏi làm gì

** Tên một bài thơ trong tập

*** Tham luận tại hội thảo về tập thơ Siêu thị mặt do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày29.5.2007.


Lê Vũ
Số lần đọc: 2697
Ngày đăng: 07.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
CHẾ LAN VIÊN: Điêu Tàn và... - Lê Xuân Quang
Ấn tượng “Gửi V.B” - Yến Nhi
Lê Anh Hoài và lối viết tạp kĩ - Inrasara
Đọc “Hồn đầy hoa cúc dại” của Lâm Thị Mỹ Dạ - Lê Huỳnh Lâm
Đọc Lục bát Lê Ngã Lễ :Hương thời gian cứ bay quanh đời người - Lê Huỳnh Lâm
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*7 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*8 - Đại Lãn
Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Phật Giáo như thế nào ?*9 - Đại Lãn
Biển của Hoàng Phương - Võ Tấn Cường
Sống và yêu dọc “ những mùa không đợi “ - Nguyễn Trọng Tạo
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)