Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
634
116.673.107
 
Đám không người
Quỳnh Linh

Nhân vật chính: Ông  Hựu , Bà Bân ,Chị Tảo , Anh An , Em Miên

 

Cảnh 1:

 

Một buổi chiều muộn. Nắng quái xiên rực góc thềm. Bà Bân ngồi dãi thẻ đếm những đồng tiền lẻ rồi rút tấm khăn tang từ trong túi áo thâm ra vuốt vuốt. Nước mắt chợt ứa tràn mí mắt. Bỗng có tiếng chó sủa. Bà Bân vừa nhổm người vừa lau vội mặt, vô tình để ngón tay cái đầy vết xước măng-rô cứa vào đuôi mắt đau, xót.

Bà Bân: Ai đó? Cửa tôi có đóng đâu?

Ông Hựu: Nhưng mà không mời thì ai dám đẩy cửa vào nhà bà?

Bà Bân: Gớm, bác cứ câu nệ đâu đâu. Cán bộ lão thành đây ai mà chả nhớ.

Ông Hựu: (cười hà hã) Đúng là cái bà xã viên nhớ dai. Tôi nghỉ hưu cả mấy chục năm rồi. Cán bộ thớ chi. Có ai coi ra gì đâu.

Bà Bân: Không mà người ta bầu bác làm trưởng thôn? Bác thật dữ cái miệng. Cả làng biết tiếng bác. Ai dám bảo thế nào. Bác vào nhà uống miếng nước cho ấm bụng.

Ông Hựu: Thôi, ngồi ở thềm cho nó mát. Bà vào pha trà rồi ra nói chuyện.

Bà Bân: (vừa te tái đi pha trà, vừa nói vọng ra) Dưng mà em nghĩ chắc chả phải bác sang đây để uống nước xuông.

Ông Hựu: Bà thừa biết không dưng ai lại sang kiếm miếng nước ở nhà bà góa…Ấy chết, tôi nhỡ mồm. Xin lỗi, xin lỗi nhá

Bà Bân: (dài giọng) Bác có nói sai đâu mà phải xin lỗi?

Ông Hựu: Thôi thế này, tôi nói thẳng. Sáng ngày kia, làng ta tổ chức một đoàn đi lên tỉnh đấy. Nhà mình ít người, thôi thì như những nhà vắng yếu khác, bà cứ đóng cho ít tiền làm lộ phí.

Bà Bân: Lên tỉnh làm gì hả bác?

Ông Hựu: Kiện!

Bà Bân: Ấy chết!

Ông Hựu: Chết? Chết là chết thế nào? Không đi kiện mới là chết!

Bà Bân: Sao thế ? Mà đóng bao nhiêu?

Ông Hựu: Khoan nói chuyện tiền. Nói cho bà hiểu đã. Phong thủy bao năm đã khẳng định: Cái gò thiêng đầu làng làm nhiệm vụ chấn hưng làng ta. Các long mạch ngầm, các hướng thiên phong dù có độc mấy qua đến đấy, chạm phải đấy đều chệch sang hướng khác. Có phải bỗng dưng mà dân cả làng đến đó để thắp nhang đâu.

Bà Bân: Em tưởng người ta chôn ở đó thì đến mà khấn chứ …Hôm nay, em vừa đi đám ma chồng bà Phận ngõ Lò Gạch, vẫn chôn ở đó mà?

Ông Hựu: Đúng là đàn bà, cạn nghĩ. Chôn thì đào lên chứ bà tưởng à. Bà muốn xem bản đồ quy hoạch thì sang nhà tôi cho xem. Có cả các góc các diện, với không gian ba chiều trên máy tính xách tay chứ bà tưởng à. Thằng Miên nhà tôi học đại học ở thủ đô ấy nó…(ngập ngừng) Mà thôi, bà chả cần biết kỹ làm gì cho mệt. Tôi nói bà biết nhá, tỉnh họ quyết san phăng teo cái gò đó đi đấy. Bà liệu mà lo lấy chỗ di chuyển mồ mả ông nhà bà.

Bà Bân: Thế ạ?

Ông Hựu: Giờ này mà còn thế ạ. Cả làng người ta đang sôi lên kia kìa. Các bà quan tâm đến cái gì không biết. 100 nghìn! Đóng khẩn trương cho tôi.

Bà Bân: Thì bác cứ uống nước đi. Mà em hỏi…Thế không đóng có được không?

Ông Hựu: (chợt nói vóng lên) Tùy bà. Nhưng tôi nói trước là cả cái làng này sẽ cạch mặt bà ra đấy. Rồi chết chả có ma nào nó đến. Chả ai đào huyệt. Chả ai khiêng đâu. Đừng tưởng con bà trên thành phố thì chết không về cái làng này.

Bà Bân:  (vơ vội cái nón úp lên cái khăn tang) Bác nói lạnh cả người. Em làm sao mà phải chết ngay. Thôi thế này, để em đi vay. Em sẽ sang tận nhà bác đóng. Đúng là em chỉ quan tâm tới củ sắn củ khoai thôi…

Ông Hựu lòng khòng đi ra. Chị Bân te tái chạy vào, vừa đi vừa đánh tiếng.

 

Chị Tảo: Cháu sang vay ít tiền đây. (đon đả)

Bà Bân: (giật mình ngẩng lên) Cô làm tôi hết cả hồn.

Chị Tảo: Bác cũng lo tiền hả? Làng mình đâu cũng nhộn sục lên vì tiền.

Bà Bân: 100 nghìn chứ phải ít đâu. Nhưng nghĩ, từ chối mà để chết không có người khiêng cũng cứ cấn cá lắm. Ông Hựu vừa sang tôi. Ôi, đi vận động quyên góp chống đối chính quyền mà cứ oang oang, chả thấy thì thầm thì thụt gì cả. Thời mới có khác.

Chị Tảo: Bá chả biết rồi. Ông ấy tập hợp được gần hết các cụ cao tuổi với thanh niên trong thôn đấy. Lại còn Chánh văn phòng tỉnh gửi mail về. Thư điện tử ấy và cả đối thoại qua mạng nữa. Khiếp lắm. Mọi cũng đang hỏi xem thế nào. Chúng cháu ít tuổi, cứ các bá sao thì chúng con theo vậy.

Bà Bân: Ơ, cái con này, mày làm y tế, có chân trong ủy ban xã tao mới sang hỏi. Mày còn nói thế thì tao biết làm sao?

Chị Tảo: Con có chân nhưng có quyết được đâu? Vả lại, làm cán bộ gì thì cũng vẫn là người làng, vẫn phải theo lệ làng. Có sống được một mình đâu bá.

Bà Bân: Thế mày bảo tao nộp tiền hả?

Chị Tảo: Nỗi sợ cứ ở đẩu ở đâu không bằng lo mình bị xa lánh, bị tách khỏi cộng đồng. Người làng đang nói, coi như chó nó sơi mất mấy chục yến khoai vậy bác ạ.

Bà Bân: Hả? Dào ôi…

Chị Tảo: Hội đi kiện, cái hội gọi là “bảo vệ công dân” ấy nói rằng: Ai dư người thì khăn gói đi kiện, còn không thì đóng tiền, 100 nghìn, quy ra thóc cũng được. Họ còn chuẩn bị cả chăn màn lương thực, bàn nhang nhất quyết ngủ hè, thắp hương biểu tình đấy bá ạ.

Bà Bân: Khốn nhỉ. Bảo thế là nhiều thì cũng là nhiều. Bảo ít cũng không ít chứ lị. Mà xã không có ý kiến gì à.

Chị Tảo: Hôm họp, rồi loa xã cũng nhắc nhở đấy. Không được kích động, không được làm mất trật tự. Không được… Nhưng luật cho dân được kiện mà. Nghe bảo, đường làm thì hai phần ba dân xã này mất nhà, không thì cũng mất vườn. Với lại, sắp hết nhiệm kỳ, bà chủ tịch xã cũng không muốn làm ầm ĩ. Biết đâu được nhiệm kỳ nữa. Hoặc không, hết quan lại làm dân bá ơi.

Bà Bân: Quan nhất thời dân vạn đại. Nhưng kiện thế này, tôi e như cái thời phong kiến ấy. Mồ mả thế biết làm sao? Thôi tôi đi cân thóc đây.

Chị Tảo: Ơ kìa, sao bá vội thế, để xem thế nào đã.

Bà Bân: Ừ thì thắp cho ông ấy tuần nhang.

Chị Tảo: (ngập ngừng): Hay là…bá này, bá cứ từ từ, chưa có quyết định gửi về làng, mới phong thanh tin từ trên tỉnh, làm sao mà đã phải kiện, bụng con nghĩ thế.

 

Cảnh 2

 

Vợ chồng chị Bân đứng sau cánh cửa sắt. Cửa bị đổ ximăng cao ngang ngực. Họ vừa đập xành xạch vừa chửi át tiếng nhạc nhảy ầm ĩ đang vọng đến (từ nhà ông Hựu). 

 

Chị Tảo: (gào) Bá Bân ơi! Giúp cháu với.

Bà Bân: (vừa chạy vội vào) Tảo ơi, Tảo ơi! Có chuyện gì thế?

Chị Tảo: Ôi may quá, bá giúp con với. Đứa nào nó đểu, nó ghen ăn tức ở hay sao mà nó đổ xi măng vào cửa sắt nhà con rồi. Chết cứng ra đây này. Không sao mở cửa được.

Bà Bân: ( vỗ đùi phành phạch.) Trời ơi, cái quân ác man. Sao nó lại thế này cơ chứ. Bá làm sao mà cậy ra đây.

Chị Tảo: Bá giúp con gọi thằng thợ sắt. Nhờ nó cưa ra chứ làm thế nào được. Muộn hết cả giờ làm rồi, hôm nay lại có buổi tiêm phòng cho các cháu nữa chứ bá. Cháu không ra, ai lo việc ở trung tâm y tế đây. (chuyển giọng gắt) Thôi đi, mình không đục được đâu, có đến tối, mà mọi người lại cười cho.

Chồng chị Tảo: (thả búa, suýt rơi vào chân vợ, vừa thở vừa chửi: Ông mà biết đứa nào ông thiến! Cứ đợi ông ra!

Bà Bân: Đồ nghiệt súc, nó định giam chết người ta ở trong này chắc. Đứa nào không biết? Báo công an chưa?

Chị Tảo: Nó cắt cả điện thoại rồi.

Chồng chị Tảo: (nhặt lại búa, nện lấy nện để, miệng làu nhàu) Thôi bác khẽ khẽ thôi.  (Rồi chửi vống lên)  Cha bố đứa nào chơi đểu nhà ông! (Rồi đi vòng ra) Để tôi đi tìm xem có cái gì đào được.

Chị Tảo: Chả biết ai. Nhưng con không dám chắc là có liên quan đến cái hội “bảo vệ công dân” hay không nữa. Tối qua con chả bảo bá là từ từ…Hay họ nghe thấy? Họ cho là con phá đám, bàn ngang. Thôi bá nhanh chân hộ con!

Bà Bân: Được. Chờ bá tí nhá. (Chạy ra, rồi lại chạy vào, tay lôi An xềnh xệch) May quá, cậu ấy đang chạy thể dục ngang qua. Anh chị báo cáo đi. Tôi đi gọi thợ.

Chị Tảo: Cậu An công an đây rồi. Ối chú ơi, chết đến nơi rồi.

Anh An:  Có chuyện gì thế này ?

Chị Tảo: Cậu An công an đây rồi. Chúng nó nhốt…muốn giết người…

Anh An: Chị nói sao. Ai giết, giết ai?

Chị Tảo : Thì nhà tôi đây. Chúng đổ xi măng đúc cửa sắt rồi còn gì. Nhà có cổng, có tầng đâu mà bảo trèo. Làm lấn ra mặt đường, có mỗi cửa thoát thì bị chặn. Ngộ mà trong nhà có cháy, hay lũ đêm thì chạy đi đâu?

Anh An: Chị cứ bình tĩnh kể . Không có lũ đâu. 

Chị Tảo : Chả đang mùa lũ là gì.

Anh An: Hôm qua chị có cãi nhau với ai không?

Chị Tảo : Không.

Bà Bân: Lạ nhỉ?

Anh An: Thế gần đây?

Chị Tảo: Cũng không.

Bà Bân: (vào) Anh có đục được cửa cho người ta không? Phải có xà beng. Ôi mà cũng chả được. Tôi gọi hàng thợ sắt nhưng họ từ chối. Nói hỏng cưa, thợ nghỉ. Chỉ nhận đặt hàng.

Chị Tảo: Thế ư.

Bà Bân: Mà vừa thoáng thấy tôi là cái con mẹ hàng sắt vội lảng luôn ra nhà sau chứ lị, gọi mấy cũng không thưa.

Anh An: Để cháu kêu mọi người tới giúp.

Bà Bân: Làng vắng lắm. Họ đi đâu không biết. Mấy cái cửa hàng cũng đóng cửa. Cái tụi hay lê la, chè cháo cũng không thấy đâu.

Chị Tảo: Hay là..Họ đi lánh kiện rồi? Hôm qua cháu thấy mấy chị đưa con đi lấy thuốc tiêu chảy chỗ cháu cũng bàn là mai về bên ngoại hoặc lên phố, hay đi chợ xa. Tạm lánh, cho qua cái đận thu tiền đi kiện này đã. Có gì tính sau.

Anh An: Tình hình không đơn giản rồi. Cháu mới về nhận nhiệm vụ ở xã này, đã cố gắng nắm bắt tình hình mà vẫn còn sơ sểnh quá.

Bà Bân: Xét sau, giúp cái nhà chị Tảo này đã.

Anh An: Vâng, tất nhiên rồi. Bác Bân có xà beng không? Kiếm cho cháu mấy cái. (Ra)

 

 

Cảnh 3

 

      

         Mọi người xúm vào xem Miên, con nhà ông Hựu lăn lộn cào cấu, nhề nhãi, nhễ nhại ngay lề đường quốc lộ. Máu của Miên từ cổ chảy xuống đẫm ngực áo. An chạy đến thấy đám đông liền rẽ lách vào, thấy Miên như vậy anh vật lộn ghìm giữ Miên.

 

Anh An: Mọi người giúp cháu một tay. Không nhanh cậu ta quá đà, tự hại mình chết mất. Ai đó gọi người nhà cậu ta đi.

Bà Bân: (vào, tay cầm cái xà beng) Lại sao nữa thế. Sao sáng nay lắm chuyện vậy? (Đặt cái xà beng xuống, ghé nhìn Miên) Ôi. Hãi lắm. Chú là công an, chú có võ, chứ…Nó bị động kinh từ bao giờ thế nhỉ. Máu me thế có lây không? Để tôi gọi xe ôm đưa đi viện nhá. (Chạy ra)

Ông Hựu: ( vừa chạy vào vừa la toáng) Con ơi là con. Nó làm sao thế này?

Anh An: Bác bình tĩnh. Em nó…Cháu hiểu, không phải đến viện đâu. Qua cơn này đã.

Ông Hựu: Sao? Để tôi đưa nó về nhà. Anh thấy nó ở đây lâu chưa?

Anh An: Cháu đang đi về lấy cưa sắt thì gặp mà. Vừa thôi.

        Ông Hưu: Dậy, Miên, về. Chắc say ngã hả. Uống từ hôm qua mà còn say. Có chén nhỏ chén to gì cho cam. Mà mày để cái túi… Nãy giờ có ai thấy cái túi của cháu nó đâu không?

Anh An: Bác tìm gì?

Ông Hựu: Túi…ư..tiền. Thôi mất rồi. Con ơi là con…

Anh An: Tiền gì hả bác?

Ông Hựu: (ngập ngừng) Tiền..tiền …tiền quyên góp đi …đi ...

Anh An: Kiện?

Ông Hựu: Phải. Kiện không cho mở đường. Không để mất nhà, mất vườn. Thế mà… Sáng nó viết giấy lại đây này. Nó bảo nó cần gấp. Bao giờ kiếm lại được nó quay về trả bố. Nhưng cái thân tôi lấy đâu mà trả dân làng đây. Lại còn đi kiện. Không kiện được thì vừa mất nhà, vừa bị dân làng đào mả bố lên ấy chứ.

Anh An: Xã đã thông báo, giải thích là chưa có quyết định gì sao các bác vẫn chưa thông.

Ông Hựu: Đợi thông báo thì tất cả đã xong rồi. Khổ tôi chưa, tưởng được mở mày mở mặt nhờ nó thế mà…

Bà Bân: (Chạy vào): Đợi tí mi có xe, nhà nó còn phải mặc quần áo. Mà nếu là động kinh thì chữa được hay sao đấy. Người ta vừa mách tôi, chỉ cần giữ cho qua cơn là lại tỉnh như không ý mà.

             Anh An: Bác phải cho em nó đi cai nghiện thôi.

Ông Hựu: Hả, nghiện? Nghiện gì? Sao nghiện? Thôi rồi! Bạn nó nói bóng gió tôi không tin còn đuổi chúng đi. Biết làm sao bây giờ. Nó nghiện thật ư.

Bà Bân: Hẳn nào, lúc nãy tôi nhờ mấy người họ lại bĩu môi, nói; Động kinh gì, khéo bị “ết” rồi. Động vào cho lây à. A. Nó tỉnh rồi. Này, này, ổn chưa cháu? Mày làm sao?

Em Miên: Cháu…Cháu định ra đây bắt xe đi Hà Nội.

Ông Hựu: Hiểu rôi. Nhưng tiền mày để đâu?

Em Miên: Cơn lên…Con cũng không biết nữa, chưa kịp mua…

Ông Hựu: (giọng đay nghiến) Cha bố mày con ơi, giết tao đi…Không chỉ mày chết mà cả bố mày cũng thế, nhá.

Anh An: Bác bớt giận. Để cháu. Thế này là thế nào? Miên!

Em Miên: (Giọng thập thõm) Dạ…Cháu cần tiền quá. Cháu…cháu bán mấy cái xe của bạn với người yêu rồi. Không trả thì không nhng không được học mà cũng chả sống được ấy chứ. Cháu…cần tiền để …

Ông Hựu: Hút phải không thằng mất dạy kia?

Bà Bân: Kìa ông Hựu. Cháu nó vẫn còn đây mà.

Ông Hựu: (giọng cay đắng): Nhưng bà xem người nó có ra người hay là quỷ.

Em Miên: Con xin lỗi bố.

Anh An: Bác cho em nó nghỉ chút đã.

Ông Hựu: Ôi cái giống nghiện, nó dẻo mồm lắm. Sao bao nhiêu năm làm việc, tiếp xúc đủ hạng người mà vẫn bị chính con mình lừa? Mày nói cứ như thật ấy con ạ. Thế còn chuyện đường xá.. là sao?

Anh An: Cậu cứ nói thật, tất cả chưa phải đã muộn hết.

Em Miên:  Con …

Ông Hựu: Thôi rồi con ơi, cũng không phải hả? Ra mày tính lừa tao phỏng? Mày mớm để tao đi dụ cả làng ư? Thế mà không cầm dao giết tao luôn đi. Tại sao? Hả?

 Em Miên: Con vào mạng internet. Thấy có nhiều trang web kích động thanh niên làm người hùng, chơi khác người, con thử, lại bị bạn rủ rê, (hét lên) con…con không đủ sức từ chối.

Bà Bân: Thế mà lại có gan lừa bố.. la chúng tao?

Em Miên: Bố ơi con biết lỗi rồi. Con chỉ định thuê đồ họa vi tính làm mấy trang bản đồ quy hoạch giả để…kiếm chỗ bố ít tiền. Tính dụ bố bán nhà trước khi bị quy hoạch mất đất. Không ngờ bố cho cả hàng xóm xem. Rồi người ta tin, người ta hỏi. Con thấy có cơ làm ăn à… không, có cơ “mượn” tiền được nên con tính tiếp chuyện lập sổ, quyên góp, xin chữ ký, viết giấy biên nhận, làm cam đoan lo được chuyện xin nắn đường, rồi tổ chức biểu tình.

Bà Bân: Mày có biết, mày làm bá với dân làng mất ăn mất ngủ không

Em Miên: Nhưng không phải lo nữa. Người gọi điện, giả Chánh văn phòng tỉnh cho mọi người tin, là bạn cháu thôi. Ở quê, hễ có đám ai cũng sợ không người đến dự. Bố tốt tính, nhưng bố cũng xót của, lo cho cái cá nhân. Nếu không lo làm đường mất nhà, mất đất, mất mồ mả, bố cháu và các bác hội người cao tuổi có kêu gọi mọi người cùng “chống đối” cho có sức thuyết phục không? Bố đừng nhiếc con. Đừng ép con phải chết. Anh An ơi giúp em.

Ông Hựu: Nỏ mồm chưa cái thứ nghiện. Mày còn đổ tiếng ác cho tao à. Cái thân già này mày cũng không tha. Ôi tôi muốn chết quá giời ơi. Tại tôi, tại tôi tất cả. Không phải tại nó. Chuyện phải đi kiện để không bị “đám không người” là bịa a? Tao mà chết bây giờ là thành đám tang không người viếng đấy.

Anh An: Thôi các bác, ta cứ về đã. Chuyện sẽ có chính quyền giải quyết. Bá Bân giúp cháu, đừng để bác ấy xúc động quá. (Ông Hựu quỵ xuống.) Kìa! Bác Hựu!

Em Miên:(hét lạc giọng) Đừng chết bố ơi. Không, không …

Bà Bân: Sao tay áo nó đầy xi măng thế nhỉ, a…Mày đổ xi măng? Thôi chết, còn cái nhà Chị Tảo, khéo chết trong đấy mất, nhanh nhanh lên, cậu An!

( Tất cả, người chạy, người bìu, níu nhau ra)

Quỳnh Linh
Số lần đọc: 2925
Ngày đăng: 10.10.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dựng kịch về lịch sử dễ hay khó? - Tuấn Thiện
Kịch hình thể - Sự hấp dẫn không lời - Hồng Nga
Đạo diễn Lê Hùng: “Lạ hóa” sân khấu kịch - Nguyễn Thị Minh Thái
Vì sao kịch miền Nam không ra được đất Bắc? - Hòang Kim
Để kịch nói không còn là khoảng trống trong đời sống văn hóa ở Cần Thơ - Nhâm Hùng
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 1 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 2 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 3 - William Saroyan
Tim tôi ở Cao nguyên -phần 4.hết - William Saroyan
Ðôi điều về phát triển kịch múa - Trần Phú
Cùng một tác giả
Cái chết biện minh (truyện ngắn)
Đổi đời (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Nếm người (truyện ngắn)