Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
673
116.674.205
 
Bốn yếu tố từ một giòng thơ đương đại
Nguyễn Hữu Hồng Minh

1. Thật khó mà có một định nghĩa cuối cùng như thế nào là thơ? Bởi theo cá nhân tôi, mỗi lúc, mỗi tuổi, mỗi giai đoạn đều hình thành một quan niệm riêng về thơ. Các quan niệm đó có như phương trình nhiều cách giải lúc mờ tối, khi rõ ràng, nhưng đã có liền lạc, mắc xích là liên đới tới nhau. Như lúc này, tôi nghĩ thơ là chính mình, là quan chiếu, nhìn vào bên trong bản chất nội thể. Nội thể là gì vậy? Là bí mật, là ý nghĩa của sự sống này. Là có hay không sự tồn tại của chúng ta, những cá thể hiện đại? Bởi lẽ, nghệ thuật là một cách nói lên, là khẳng định sự có mặt của mỗi Nghệ sĩ. Sự có mặt đó không là số hiệu, là mã, là tên đơn giản rõ ràng mà đơn điệu trên chứng minh thư mà phải là sự độc sáng, khác biệt của mỗi người. Là vùng bay riêng, mỗi chớp cánh là một dải sáng, là những chiếc que mang ký hiệu trong đêm tối. Có nghĩa sẽ có nhiều vùng tối tăm nhưng liên tục va đập để phát sáng. Trước khi lụi tàn chứng minh sự có mặt của mình. Đó là tư duy lân tinh vỗ sóng tỉnh thức trên bề mặt của đêm biếc… 

 

2. Các nhà thơ lớn không theo một hệ thống lý thuyết mà họ sẽ làm ra, lập nên một trường phái và bổ sung các định nghĩa của lý thuyết. Nói cách khác, các thi sĩ đích thực luôn phá vỡ các hệ thống có sẵn, áp đặt, áp khuôn máy móc vào các sáng tạo của họ. Họ luôn làm khó chịu các nhà phê bình vì sự thừa thãi, hay thiếu thốn của mình. Bởi một sự thật, các trào lưu hình thành, phát triển theo bối cảnh, nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và tác phẩm mà ra đời, còn các hệ thống lý thuyết, phê bình vận động, bổ sung theo nó mà hoàn thành.

 

`Gần đây thuật ngữ Hậu-hiện đại mơn trớn các nhà thơ và làm êm tai các nhà phê bình. Nhưng với tôi, đây là một thuật ngữ không chuẩn nếu áp đặt nó, giải mã nó vào tình thế thơ Việt Nam. Theo cái nhìn của cá nhân tôi thơ Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn để gán ghép là Hậu-hiện đại hay cần phải hô hào, đuổi theo Hậu-hiện đại. Bởi thơ Việt và bối cảnh sống Việt vẫn chảy ở dưới gầm lý thuyết Hậu-hiện đại. Thi ca Việt Nam chỉ có thể vừa với thuật ngữ đương đại (như tên đích xác của Hội thảo Khoa học này), chưa thể nói là Hiện đại. Còn Hậu-hiện đại là không. Bởi lẽ, khi đi theo một lý thuyết chúng ta phải vận hành đúng theo những nhu cầu gợi ra, đặt ra (ít nhất là tối thiểu) của hệ thống lý thuyết đó.

 

3. Ưu thế nổi trội nhất của thơ Việt Nam hôm nay là hai nhánh: (A). Sự khẳng định chính mình mạnh mẽ của các cây bút trẻ trên dưới 40, và, (B).Hình thành hẳn một dòng thơ Nữ, đặc biệt là thế hệ 8X.

 

Ở (A) đó là sự phát triển tất yếu của thời gian và lịch sử khi các nhà thơ lớp trước đã đứng hẳn lại vì tầm mức và tầm cỡ. Đó còn là sự chập chạp vì tuổi tác không còn bắt kịp những cái mới. Ngoài tính cấp tiến của một ít nhà thơ đàn anh theo kịp chuyển biến thời đại thì phần lớn còn lại bảo thủ, cố cựu và giáo điều. Các nhà thơ trẻ vì thế, đã có những vận động bức phá, vượt lên chính mình với ưu thế của thời gian và xã hội để khẳng định được tiếng nói của mình nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ có một lưu ý ở đây: Họ đã vấp phải sự e dè, định kiến, cản trở, thậm chí chống đối của các nhà thơ đi trước nên việc hình thành dung mạo của thế hệ thơ giai đoạn này khá là khó khăn. Gần hết các trường hợp tự khẳng định mình trên báo Mạng, báo Điện tử trước khi Báo giấy.   

 

Ở (B), dòng thơ nữ ra đời với nhiều gương mặt trẻ mang phong cách mới. Ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, nhiều miền đất khác và TP.Hồ Chí Minh đều có những giọng điệu tiêu biểu. Các hiệu tượng Ngựa Trời, các nhà thơ với các tập thơ tài trợ trong quỹ Lá Trầu, Quỹ Anh Thơ như Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Lê Mỹ Lý, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Thị Từ Huy…đem đến cho người đọc và các nhà phê bình một kỳ vọng mới vào thi ca Việt.  

 

4. Vấn đề giảng dạy và nghiên cứu thơ ca Việt Nam đương đại ở các trường đại học đang gặp phải bế tắc khi các giáo trình không được bổ sung và cập nhật sự phát triển mạnh mẽ của thơ Việt hôm nay. Dường như các giáo trình đã “thúc thủ” trước chuyển biến tràn vỡ của thơ và các giảng viên cũng quá dè dặt khi giới thiệu vì tính chất mô phạm, phức tạp, mong muốn một sự “an toàn”, sợ chịu trách nhiệm vì những thay đổi khó lường, khá phức tạp của thi ca. Những dòng thơ được mệnh danh là Thơ Rác, Thơ Bẩn, Thơ Dục Tính…đều khó được chấp nhận khi các giáo trình “đóng khuôn” nghệ thuật Thi ca là ngợi ca cái đẹp và tôn vinh cuộc sống. Điều đó làm thơ ca suy giảm tính chất vĩ đại, tương tác, đa chiều và đa thanh của Thi Ca hiện đại. Nghệ thuật mang tính phản tỉnh chứ không thuần chất ca ngợi. Vỉ thế tôi đánh giá rất cao hội thảo Khoa học Thơ Việt Nam đương đại lần này của Khoa Văn học và Ngôn Ngữ Trường Đại học Khoa học & Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức nhân ngày thơ Việt Nam tết Nguyên tiêu 2008. Nó cho thấy sự trăn trở cần thiết giữa công việc giảng dạy Thi ca với các Nhà thơ.

 

Sài Gòn, 30.1.2008

Nguyễn Hữu Hồng Minh
Số lần đọc: 3401
Ngày đăng: 02.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ và tiến bộ khoa học kỷ thuật - Lý Lan
Thư ngỏ gửi Hội nhà văn Việt Nam - Vũ Ngọc Tiến
Giải thơ “Lá trầu ” và sáu nhà thơ nữ - Huỳnh Như Phương
Đọc sách :TỰ DO THỜI GIAN của tập thơ LÊ KHẢ ANH - Trần Hữu Dũng
Thơ như tôi đã hiểu - Phạm Quốc Ca
Đọc “ĐÊM TRẦM TÍCH”, Tập thơ của Trúc Linh Lan - Võ Quê
Roman Jakobson và thi pháp - Đặng Tiến
Câu chuyện không vần kể lại - Khế Iêm
Con đường thơ - Nhị Ka
XUÂN SÁCH: Vẽ 100 Chân Dung Nhà Văn - bằng … THƠ ! - Lê Xuân Quang