Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
774
116.647.833
 
Đứa con của làng
Nguyễn Hải Triều

Muốn đến Hóa Quảng, trước đây phải đi qua bến đò ông Bốn cái bến đã có bao đời nay, từ cái ngày đoạn sông được khơi nguồn để nối với Thu Giang thành bến Vân Hồ, mênh mang mây nước thi ca. Nghe đâu ông Bốn là thế hệ thứ tư trong gia đình làm nghề đưa đò qua đoạn sông đào này. Khi nhà nước cho xây cây cầu hiện đại, ông Bốn phải bỏ cái nghề truyền thống đã bao năm gắn bó với mình .Được xóm làng giúp đỡ ông chuyển sang chở cát xây dựng. Người ta bảo giao thông là huyết mạch của văn minh thật chẳng ngoa chút nào. Có cây cầu mới, con đường về làng Hóa Quảng cũng tấp nập đông vui hẳn lên. Nhà cửa mọc san sát, quán xá bày biện xênh xang đầy dãy hàng hóa. Đặc biệt là ngôi đình của làng được xây dựng lại bề thế khang trang. Nhưng chỉ có doi đất nhô ra sông ở cuối làng thì vẫn không thay đổi. Vẫn yên ắng cùng cỏ cây, hoa, lá, lở bồi mưa nắng quanh năm với mấy ngôi nhà lẫn khuất. Từ cái doi đất nhỏ nhoi này, thằng Mè đã cất tiến khóc chào đời .

 

Thuở ấy, người làng Hóa Quảng ai cũng biết: hắn là kết quả từ một mối tình đằm thắm như thơ của cô Nết và anh chàng lái buôn miệt xuôi. Cô Nết là con gái lớn của ông Tám Tơ, nổi tiếng đẹp người đẹp nết, giỏi giang nhất làng. Ở cái tuổi đang xoan, trai làng bao nhiêu đám nhờ mai mối đến dò hỏi, cô đều từ chối. Vậy mà chẳng hiểu lẽ gì lại đi phải lòng anh bán mắm ở Vĩnh Điện.Sau vài chuyến ghé lại nhà ông Tám nghỉ nhờ thì họ quen nhau. Rồi “lửa gần rơm không bén cũng tròm trèm”. Để lại bao lời hứa hẹn, anh chàng ấy ra đi biệt tăm biệt tích. Cô Nết  ở lại làng chịu đựng tiếng thị phi xóm giềng với hy vọng của kẻ thả cá về sông .

 

Cô Nết trở dạ đúng vào cái ngày mưa bão dữ dằn. Trận lụt lớn năm Giáp Thìn gieo sự khủng khiếp trên vùng đất hai sương một nắng, nghèo khó quanh năm .Hôm ấy,vợ chồng ông Tám Tơ đang hái dâu ngoài cồn Giảng Thu, nghe tin con mình chuyển bụng, đã phải tất tả bỏ quang gánh dâu nương, bươn bả giữa dòng nước xoáy bơi ghe qua rước bà Kiểm Nhạc, bà mụ uy tín nhất làng thời bấy giờ đến đỡ đẻ cho con .

 

Chuyển dạ nữa ngày trời, cô Nết vật vã đau đớn giữa bão gió. Ông Tám Tơ phải chèn bên này, chống bên kia cho nước khỏi tràn vào chiếc giường tre con gái đang nằm trong căn nhà đã sập nửa phần. Cô Nết vừa rên la đau đớn, vừa phải chịu ướt át lạnh lẽo .

 

Rồi tiếng oe oe cất lên, một thằng cu bụ bẫm ra đời. Bà Kiểm Nhạc vừa cầm chiếc dao xếp để cắt rốn cho nó vừa bổm bẻm nhai trầu. Bà nói:

-   Ngon đây! Thằng ni lớn lên chắc là quậy hết chỗ nói, ngó cái miệng nó thì biết !

Tối hôm ấy, nơi doi đất cuối làng Hóa Quảng, trong cơn mưa bão chập chùng, tiếng khóc của con trẻ lọt thỏm vào giữa mông mênh nước trời tháng mười .

 

Trận lụt năm ấy để lại tang tóc cho cả vùng trung du dọc đôi bờ sông Thu, trong đó có làng Hóa Quảng. Của cải theo  sông về biển. Người chết ,súc vật chết. Cây đổ gãy, nhà sập ngổn ngang. Đường sá lầy lội…cảnh tượng một làng quê đói nghèo, cơ khó bày ra trước mắt. Hôm đầy tháng thằng nhỏ, ông Tám Tơ nhận được mấy miếng tôn hột mè cứu trợ, vừa dựng bó tôn vào góc nhà, ông nói :

-Thôi thì đặt cho nó  tên là cu Mè để nhớ trận bão dữ dằn ni!

Kể từ bữa đó, cái tên cu Mè gắn bó vào hắn với xóm làng và đã tạo ra biết bao nhiêu kỳ tích của cái tuổi thơ dữ dội mà cuộc đời nó đi qua ở làng Hóa Quảng này.

 

Cu Mè được mười tám tháng, vừa bỏ bú thì phải xa mẹ. Hồi ấy, vào những năm sáu tư, sáu lăm ác liệt. Giặc ruồng bố khắp xóm khắp làng. Cảnh bắt bớ, bắn giết diễn ra như cơm bữa.Thanh niên trai tráng người thì chạy ra thành phố lánh nạn, người theo cách mạng lên chiến khu. Cô Nết giao con cho ông bà ngoại rồi cùng một số bè bạn  trong làng đi thanh niên xung phong. Cô lên chiến khu còn mang theo niềm hy vọng nhỏ nhoi là được gặp ba thằng Mè.Cô nghe tin sau lần chia tay cuối cùng, anh ta cũng thoát ly đi kháng chiến.

 

Mè lớn lên trong vòng tay che chở của ngoại. Nỗi cơ cực làng Hóa Quảng những năm ấy như thấm sâu vào tận xương thịt người dân nơi đây. Mới năm tuổi, hắn phải ngồi trên thuyền theo ông bà ngoại đi hái dâu tận bờ nam sông Thu. Bảy tuổi, như những đứa trẻ khác thì được đi học. Còn hắn, phải qua nhà cậu giữ trâu, tối về ngoại ngủ. Một ngày, buổi sáng chăn trâu, buổi chiều đến nhà ông giáo Nhu để nhờ bày chữ. Cu Mè có tư chất thông minh nhưng lại biếng chuyện học hành. Bảy buổi đi học thì bốn lần đút vở bụi tre rồi rủ chúng bạn cùng trang lứa xuống biền bắp cuối làng chia phe đánh trận giả, hoặc bơi qua sông hái trộm dưa hồng. Chẳng biết tự lúc nào hằn trở thành thủ lĩnh của bọn chăn trâu. Bao chuyện chọc trời khuấy nước trong làng đều có danh của hắn. Mỗi ngày ông bà ngoại đều được  nghe ít nhất là một lần hàng xóm đến mắng vốn vì thói hư tật hỏng của thằng cu Mè. Có một hôm thả trâu ăn ở ngoài cồn làng. Do ham chơi để trâu ăn lúa ông Cửu Bá, bị  ông mắng, thằng Mè văng tục trở lại. Tức quá ,ông la lớn:”Mi là đồ con hoang !. Hắn im lặng không nói gì, lầm lũi bỏ về. Tối ba đó vào độ nửa đêm, khi làng xóm đang ngủ, cu Mè vác bừa đánh trâu ra biền, nhè vào đám bắp ba sào đang trổ c bừa dạt một cách không thương tiếc. Sáng ra, cả làng xôn xao chuyện hoa màu ông Cửu bị phá hoại mà không tìm ra thủ phạm. Ông ta có nghi cho thằng Mè nhưng không có chứng cứ nên thôi. Bị chửi là đồ con hoang, thằng Mè căm tức thấu xương. Phá đám bắp ba sào vẫn chưa hả, hắn ch thời cơ để trả thù một lần nữa cho bỏ ghét. Một hôm, thả trâu ngoài đồng, thấy ông Cửu Bá đang cuốc cỏ đậu ,hắn lân la lại gần. Nửa chừng cán cuốc bị gãy, ông loay hoay tìm cách sửa lại, miệng lẩm  bẩm :

- Cái cán mục rồi, làm răng tra lại đây?

Chờ có thế, thằng Mè chỉ ngay vào đủng quần nói tỉnh queo:

-Tôi còn một cái cán, hơi ngắn ông có mượn không ?

Bị thằng nhỏ chơi xỏ, ông Cửu  trợn trừng mắt. Từ ngạc nhiên chuyển qua giận dữ, ré lên không thành tiếng:

-Tổ cha mi, cái thằng mất dạy nhứt làng !

Và rồi như một điệp khúc của bài hát cũ, chiều hôm đó, ông bà ngoại hắn lại bị người ta mắng vốn.

 

Giải phóng Sài Gòn được hơn một tháng, làng Hóa Quảng lần lượt đón những người đi kháng chiến trở về, trong đó có cô Nết – con gái ông Tám Tơ, mẹ của cu Mè .

 

Con gái về, ông bà Tám hạnh phúc như được lần nữa sinh con. Có con heo lứa trong chuồng, ông bà bắt làm thịt đãi đằng xóm giềng gọi là liên hoan ngày gia đình đòan tụ. Thằng Mè cũng được phép rũ đám bạn chăn trâu của nó đến dự và no nê một bữa hẳn hoi.

 

Hôm mới gặp lại con, cô Nết không khỏi vui mừng trước vẻ phổng phao của hắn. Một chút ngạc nhiên, cảm động; rồi cô chạy đến ôm chầm lấy con trai: “Con của mẹ, con của mẹ! ”Miệng lẩm bẩm mà nước mắt cứ tuôn ra không kiềm lại được. Còn thằng Mè, cảm giác đầu tiên của hắn là hơi là lạ, ngạc nhiên khi được một người không quen biết xưng là mẹ và gọi con. Trước đây hắn có nghe ngọai hay nhắc đến mẹ hắn đang ở đâu đó rất xa, và trong đầu óc tưởng tượng non nớt của thằng Mè, cô Nết là người đàn bà hiền thục, đảm đang và phải đẹp, đẹp hơn cả mẹ của thằng cu Lẫm, cu Ngơi bạn nó. Rồi mẹ hắn bây giờ đang đứng trước mặt bằng xương bằng thịt. Đang rưng rưng gọi hắn là con của mẹ. Thóang chút bối rối chần chừ, rồi như có  một động lực vô hình kéo hắn về phía cô Nết, hắn cũng ôm chặt lấy cô và gọi : “Mẹ ơi !”trong cái không khí vừa vui mừng vừa rưng rưng đầy cảm xúc .

 

Nghe cô Nết kể, sau khi lên cứ ít lâu, cô được tổ chức cho đi học y tá  rồi về phục vụ ở một trạm xá vùng ven đô Đà Nẵng. Công tác được hai năm, cô bị địch bắt cùng với mấy thương binh của trạm trong một trận giặc đi càn. Kẻ thù giam cô hết nhà tù nầy đến nhà tù khác. Năm sáu chín, chúng đưa cô ra Côn Đảo. Cô được trao trả khi Hiệp định Pa-ri vừa ký kết và an dưỡng ở miền Bắc cho đến ngày giải phóng.

 

Nhiều năm xa cách.Gặp lại con trai, cô Nết như không muốn rời xa nó thêm lần nào nữa. Bao nhiêu yêu thương mong nhớ như dồn hết vào cho ngày gặp mặt, Cô quyết định xin về công tác ở một cơ quan gần nhà để tiện bề chăm sóc cho con. Từ khi có mẹ, thằng Mè như mọc thêm cánh, hắn muốn chi cô chiều nấy. Từ bộ quần áo đẹp, đôi dép sa-pô, đến cái đồng hồ ra-đo, chiếc xe đạp xịn Trung Quốc…Ở tuổi mười ba mười bốn, trông hắn phổng phao ra dáng đàn ông hẳn. Có lẽ do mái tóc xoăn tự nhiên thành từng lọn đen nhánh, chiếc mũi cao dọc dừa, nước da ngăm ngăm phong trần và hàm răng thẳng đều như bắp mà mỗi khi nhìn nó, cô Nết lại nhớ đến người tình năm cũ. Cô dồn hết yêu thương cho đứa con mình rứt ruột đẻ ra .

 

Cô Nết xin cho thằng Mè vào học trường công lập tại xã. Được vài năm, hắn nổi tiếng đánh lộn và quậy phá. Học ít chơi nhiều, thường đút vở bụi tre nên bị đuổi học. Nhờ có mối quan hệ rộng rãi thân thiết với nhiều người bạn chiến đấu cũ mà bây giờ đều giữ những cương vị quan trọng, cô Nết lại xin cho con vào trường bổ túc tận dưới Phố Hòai. Rồi khi lớp Trung cấp Thương nghiệp thông báo tuyển sinh, cô Nết vừa làm hồ sơ, vừa gởi gắm  để cho thằng Mè trúng tuyển.

Thời gian cu Mè đang học trung cấp. Sau một lần bạo bệnh, bà Tám Tơ qua đời. Thiếu vắng người vợ thân thiết, ông Tám phiền muộn và cũng ra đi một năm sau đó. Cô Nết phải xin nghỉ hưu, ở nhà lo thêm đồng, chợ, ruộng vườn nuôi thằng Mè ăn học.

 

“Đập dập kéo lết” rồi cũng đến ngày thằng Mè nhận tấm bằng tốt nghiệp hạng trung bình. Hôm hắn về, đặt tờ chứng chỉ lên bàn thờ ông bà Tám, cô Nết biểu thằng Mè quỳ bên cạnh mình.Tay thắp hương, cô nói trong nước mắt rưng rưng :

- Cha ơi,mẹ ơi ! Hòn máu con gởi lại bây giờ nó đã khôn lớn, học hành giỏi giang. Bao khó nhọc cha mẹ chịu đựng vì nó, con đều hiểu hết. Cha mẹ về đây cùng hưởng niềm vui nầy với mẹ con chúng con !

Rồi mẹ con cô Nết cùng cúi lạy trước bàn thờ ông bà ngọai. Thằng Mè tự nhủ: Nếu không có ông bà ngọai thì chắc gì nó được như bây giờ .

 

Ba tháng sau, Mè được đi làm Nhà Nước. Bà Nết xin cho hắn một chân nhân viên ở cơ quan doanh nghiệp trên huyện. Dù trái nghề, nhưng vốn ôm ấp ý chí vinh gia. Quyết tâm làm cho thiên hạ phải quên đi ký ức về một thằng cu Mè chăn trâu khố rách áo ôm, chọc làng khuấy xóm.Từ động cơ ấy, Mè luôn biết cách lắng nghe, biết chịu khó của một kẻ học việc. Không hiểu từ khi nào đã đẻ ra cho hắn một tính cách khác hẳn thằng Mè năm xưa. Mè bây giờ điềm đạm khôn ngoan, mồm luôn vâng dạ khi được cấp trên phân việc. Phát biểu và im lặng đúng lúc. Biết lấy lòng cấp trên và luôn tỏ ra hiểu biết trong quan hệ ứng xử với những người xung quanh. Chỉ mới mấy năm, ngòai công tác cơ quan giao, hắn được ưu ái cử đi học tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng nhiều lớp, nhiều ngành khác nhau. Thấy con được ưu tiên, bà Nết cũng nở mày nở mặt. Bà luôn miệng khoe với xóm giềng  những điều có được từ “hủ mắm treo đầu giàn” của mình.

 

Rồi cũng đến lúc thằng Mè lấy vợ. Vợ hắn là con gái út của một doanh nghiệp có tiếng ăn nên làm ra ở thị xã. Cô ta tuy không “ sắc nước hương trời”nhưng rất giỏi giang trong lĩnh vực buôn bán giao thương. Ngày đám cưới thằng Mè, thật ấn tượng, rình rang chẳng  kém chi thiên hạ: Nào pháo hoa. Nào xe đưa đón cô dâu chú rễ và hai họ về tận làng Hóa Quảng. Con nít, người lớn đứng chật hai bên đường để xem mặt tân nương. Ai cũng trẩm trồ: Cái số thằng Mè sướng thiệt, đụng phải chỗ sang cả, chắc rồi sẽ lên như diều gặp gió .

 

Cơ ngơi cả xưởng gần một trăm máy dệt, một đường dây tiêu thụ sản phẩm tận SàiGòn-Hà Nội mà ông già vợ mới giao cho  hắn quản lý. Thằng Mè quyết định nghỉ việc ở cơ quan Nhà Nước, và nghiễm nhiên trở thành giám đốc một chủ doanh nghiệp lớn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Mê Tông. Chuyên cung cấp hàng dệt may vải sợi và buôn bán điện thọai di động.

 

Mè được nổi tiếng trong giới thương nhân nhờ tính cẩn trọng và quyết đóan. Xem thương trường như chiến trường,luôn tìm đủ mọi cách để cho doanh nghiệp ăn nên làm ra. Hắn sẵn sàng bỏ tiền để mua bất cứ thứ gì, miễn là có lợi cho sự phát đạt trong buôn bán, làm ăn. Cạnh tranh nổi không được thì cạnh tranh chìm. Hắn bỏ ngòai tai  tất cả những lời dè bỉu khinh khi  của dư luận xã hội đàm tiếu mỗi khi hắn có hành vi thủ đọan với người khác. Mè thực hiện phương châm từ câu nói của Tào Tháo là “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta” mà trước đây có một vị xếp cũ đã dạy cho hắn.

 

Tầm họat động của Công ty Mê Tông rộng lớn, nhiều đối tác. Để tạo ấn tượng đối với khách hàng mỗi khi đến công ty, Mè rất quan tâm tới hình thức, nhất là nơi phòng làm việc của hắn. Với quyền giám đốc, Mè lệnh cấp dưới trang trí, trang bị nào tranh cổ, thư pháp, hoa tươi, sa-lon, máy lạnh…Đặc biệt trên bàn lúc nào cũng có vài ba tác phẩm văn học nổi tiếng và để ở vị trí như đang đọc dỡ dang. Trên giá ở góc tường thì vô tư những cuốn sách qúy lọai nghiên cứu, lý luận phê bình, văn chương thiên cổ sự…Nếu ai mới đến, nhìn tủ sách hẳn sẽ rất khâm phục cho cái gia tài tri thức đồ sộ của giám đốc. Có hôm, một anh phóng viên của báo “Diễn đàn doanh nghiệp”đến liên hệ tư liệu để viết một bài phóng sự quảng bá cho công ty, giám đốc Mè tiếp anh ta tại phòng làm việc. Nhìn những cuốn sách quý trên bàn, anh phóng viên nói với Mè :

- Anh siêng đọc nhiều sách hay, thú vị thật !

Mè tươi cười trả lời :

- Đó là thói quen của mình. Mỗi khi rãnh rỗi, việc đầu tiên của mình là đọc sách, nhất là tiểu thuyết văn học !

- Vậy anh đã đọc cuốn “Thép đã tôi thế đấy chưa ?

Không cần suy nghĩ, hắn đáp ngay :

- Ô! Ông biết rồi đó, mình là nhà doanh nghiệp, lọai sách hướng dẫn kỹ thuật công nghiệp mình ít coi lắm !

Anh chàng phóng viên ngớ ra một chút, nhưng rồi anh bỗng hiểu, im lặng cho qua chuyện một cách tế nhị .

 

Có lẽ do tuổi tác  nên thời gian gần đây bà Nết thường đau ốm luôn. Nhìều lần thằng Mè định đưa bà qua ở với hắn nhưng bà đều một mực từ chối. Cái doi đất cuối làng Hóa Quảng thân thiết với bà hơn dù chỉ ở một mình. Bà thương hai đứa con của Mè vô cùng. Mặc dù chúng chẳng thiếu thứ gì từ việc ăn, ngủ, học hành… đều có người lo lắng, đưa đón. Nhưng  cha mẹ nó cứ lo chuyện đại sự, làm ăn, nên thường ít có thời gian chăm sóc cho bọn chúng .

 

Hôm bà Nết ghé thăm con trai và ở lại chơi với cháu nội vài bữa. Thấy thằng Mè đang loay hoay bên đống giấy mời  quan khách, bè bạn đến dự khai trương gian hàng điện thọai di động. Tò mò, bà cầm xem một phong bì. Lấy làm lạ, bà hỏi con trai :

- Ông Phan Tư mô mà con gọi bằng cậu ?

Thằng Mè trả lời:

-Thì cậu Phan Tư là phó giám đốc Tổng công ty dệt may của tỉnh. Nghe nói ngày xưa cùng đi thóat ly với mẹ, nên con gọi bằng cậu cho nó thân mật! Với lại gần gũi cho dễ quan hệ làm ăn chứ mẹ !

Bà Nết cười  và nói :

-Không nên Mè ơi! Họ tuổi tác xứng chi thì kêu nấy.Bác, anh, hay chú thì nghe còn lọt lỗ tai. Ai lại gọi bằng cậu, họ cười cho là mình “thấy sang bắt quàng làm họ”, dị lắm con à !

Rồi như phát hiện ra điều chi ở thằng Mè, bà nói tiếp:

- Ở chỗ con làm có chú Tín. Mẹ gọi bằng chú, con phải gọi bằng ông. Vậy mà mẹ cứ nghe con xưng anh anh, em em, họ cười cho xấu mặt !

Nghe tới đó, thằng Mè chen ngang lời mẹ :

-Thôi mẹ ơi, có lợi thì xưng cha xưng chú, không lợi thì thôi, hơi đâu chấp cho mệt xác !

Nghe hắn nói, bà Nết lắc đầu buồn bả đi xuống bếp. Chiều hôm ấy, bà lặng lẽ cắp nón, đón xe thồ về làng .

 

Sáng nay thằng Mè đánh xe chở vợ con về quê đám giỗ bà ngoại. Năm nay do đau yếu, bà Nết không mời nhiều khách như mọi năm mà chỉ vài người quanh xóm cùng với gia đình. Ăn uống xong xuôi, bà Nết và vợ thằng Mè đang dọn dẹp. Còn hắn, bỗng nảy ra ý nghĩ là thích đi bách bộ quanh xóm. Rất lâu, hắn không về làng. Nên cũng rất lâu, những ngóc ngách kỷ niệm tuổi thơ trong tâm thức hắn hình như đã phai mờ. Vừa thả những bước chân chầm chậm, ký ức xa xăm lại trở về với thằng Mè bềnh bồng như mây trời cuối thu…Đây là con đường quen thuộc dẫn đến ngôi đình làng. Đình vừa mới trùng tu lại chứ ngày xưa đổ nát hoang tàn lắm. Có lần hắn cùng lũ bạn rũ nhau hái trộm dừa ông Cửu, bị phát hiện phải chui vào trốn tại đây. Những bước chân vô thức đưa thằng Mè ra đến bến sông. Dù có lở bồi theo năm tháng, nhưng sự thân thuộc, gần gũi vẫn như ngày hắn còn thơ ấu. Đi ngang qua từng lối xóm, ngõ làng, mà lòng chạnh buồn man mác. Mè thầm nhủ, đúng là rất lâu  trong hắn đã quên mất mình là đứa con của làng.

 

Buổi tối, sau khi đến thăm một vài đứa bạn nối khố thời thơ ấu, thằng Mè quyết định ngủ lại ở làng, trong ngôi nhà nhỏ mà mấy chục năm trước nó đã sinh ra. Đêm ấy, trong giấc chiêm bao chập chờn, thằng Mè thấy mình như đang bay bỗng trong không gian. Những lọn tóc trên đầu hắn cứ xoắn lại. Khuôn mặt đẹp ra một cách bất thường. Những vầng hào quang rực rỡ lung linh quanh đầu. Lơ mơ trong chiêm bao, thằng Mè nghĩ : “Hình như mình đang biến thành một vị thánh !”.Rồi bỗng một lúc sau, nhng lọn tóc ấy chợt biến hình thành hàng trăm chiếc sừng nhọn hoắt, mọc đầy trên đầu hắn. Miệng thì lởm chm răng nanh, phát ra tiếng gầm g…ú ớ…

 

Một cái đập tay thật mạnh.Thằng Mè tĩnh giấc. Nghe tiếng vợ hắn hốt hỏang gọi: “Anh Mè, anh Mè! Anh mớ ngủ hả ?

 

Hắn ngồi bật dậy, mồ hôi toát ra như tắm, miệng lẩm bẩm: “May quá! Chỉ là chiêm bao chứ không phải thiệt! Ừ, mà chỉ là chiêm bao thôi !...

Lúc ấy, ở phía bên kia doi đất cuối làng Hóa Quảng, Một tiếng gà sang sảng. Con gà trống nhà ai cất lên tiếng gáy sớm, báo hiệu một ngày mới đang bắt đầu !

 

Tháng 12.2006

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 2087
Ngày đăng: 18.11.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chú hề làng - Trần Trung Sáng
Chuyện ngày xưa - Mang Viên Long
Người trong mộng - Nguyễn Thúy Ái
Chiều trong làng - Y Uyên
Chuyến xe đêm - Lương Văn Chi
Phố - Nguyễn Đông Phương
Bóng ngựa qua song - Mang Viên Long
Nhân quả - Dương Xuân Huynh
Huyền Trân Công Chúa - 1 - Khuất Đẩu
Huyền Trân Công Chúa - 2 - Khuất Đẩu