Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
615
116.672.168

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đỗ Chu: "Phải biết xấu hổ mới viết hay được!"
Với Một loài chim trên sóng - tập sách thứ 10 trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Đỗ Chu đã vinh dự nhận Giải thưởng văn học Đông - Nam Á 2004. Ông có cuộc trò chuyện sau đêm trao giải 12-10 tại Bangkok.

Phát biểu khi nhận giải trước gần một nghìn quan khách, nhà văn Đỗ Chu nhấn mạnh: "Cũng như các nhà văn VN, tôi hiểu đây là một giải thưởng văn học mang ý nghĩa to lớn, có sức mạnh tập hợp và thúc đẩy tiến trình của các nền văn học trong toàn khu vực. Những cuộc gặp gỡ hằng năm của các nhà văn xuất sắc đại diện cho các nền văn học khu vực chúng ta, được tổ chức tại ngôi đền phương Đông này, với thời gian đã trở thành vẻ đẹp của tình hữu nghị, trở thành tiếng nói chung trong thời đại hội nhập và phát triển toàn diện, vì sự phồn vinh và bình yên của Đông - Nam Á và thế giới".

Trở về từ Thái-lan, nhà văn Đỗ Chu cho biết: Giải thưởng văn học Đông - Nam Á vốn chỉ là một giải thưởng khiêm tốn trong quy mô thế giới và mang tinh thần hội nhập là chính.

Nhưng nếu "biết người biết mình" thì phải thừa nhận rằng những cuộc đua thuyền ở nơi "thôn xóm nghèo" với thuyền thúng áo bèo, với sen súng vẫn rất thú vị cho dù không thể hoành tráng như các cuộc đua thuyền rồng. Có nghĩa rằng, chúng ta đã ngưỡng mộ thành tựu của những giải thưởng lớn, có tầm bao quát, có truyền thống lâu đời và danh giá thì cũng không việc gì phải mặc cảm vì quy mô khiêm nhường của một giải thưởng khu vực.

* Đến Thái-lan, ông thấy văn học nước họ được đầu tư như thế nào?

- Tôi thấy người ta có cả một ngân hàng ở Bangkok để chăm lo cho văn học. Tiền trao giải SWA là 70 nghìn baht. Một con số rất khiêm tốn nhưng... Việt Nam mình cũng chưa làm nổi.

* Giải thưởng văn học ASEAN thường trao cho các tác giả "đầu bạc". Liệu những tác giả trẻ có cơ may không ?

- Ngoài những tác giả cao tuổi và có bề dày như Ma Văn Kháng, Lê Văn Thảo..., chúng ta vẫn còn nhiều tác giả trẻ triển vọng như Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải... Tôi nghĩ giải thưởng Đông - Nam Á những năm tới sẽ rơi vào các tác giả trẻ nếu họ có những thành tựu mới xứng đáng. Với những tác giả tài năng, việc này chẳng có gì khó khăn.

* Nghe nói để có tập sách thứ 10 - Những loài chim trên sóng (NXB Văn học, 2002), làm xong bản thảo rồi, ông cũng phải tự bươn bả, tự chạy đôn chạy đáo nơi này nơi kia lo xin giấy phép, lo làm bìa, lo hợp đồng in, lo nhận rồi lo... bán sách...

- Thì xưa nay tôi vẫn toàn làm thế! Chả nhẽ lại để cho đầu nậu "ăn chặn" à? Có một số thư viện muốn mua nhưng tôi không bán cho họ vì phải chia phần trăm. Mà tôi thì muốn bảo vệ thành quả lao động của mình.

* Nhưng kể từ 26-10 tới, khi Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật có hiệu lực ở VN thì ông sẽ đỡ vất vả hơn trong việc "trao bán" văn chương?

- Cũng chưa chắc. Khi Công ước Berne có hiệu lực, việc truyền tải văn học hiện đại nước ngoài vào nước mình sẽ càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự đầu tư của Nhà nước cho công tác dịch thuật lớn hơn để người đọc vẫn có điều kiện tiếp xúc với tài sản văn hóa của nhân loại hiện đại.

Bên cạnh đó, nhà văn VN lại càng phải không ngừng cố gắng, không ngừng nâng cao trách nhiệm trước trang sách của mình để làm ra những tác phẩm đầy đặn cả về nội dung và hình thức. Bởi thực tế hiện nay là chúng ta đang có rất nhiều ấn phẩm nhưng tác phẩm tốt thì lại rất ít. Tóm lại, phải biết xấu hổ mới viết hay được.

-----------------------------------------------------------------

Giải thưởng văn học Đông - Nam Á (SWA) ra đời năm 1979 nhằm ghi nhận tài năng văn học và khích lệ sự sáng tạo của các cây bút ở mỗi nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN).

Những năm qua, giải thưởng này không ngừng phát triển, trở thành diễn đàn gặp gỡ, trao đổi giữa các tác giả văn học trong khu vực và là dịp quảng bá những thành tựu văn học ở mỗi nước nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN.

Việt Nam cử đại diện tham dự SWA từ năm 1996. Các nhà văn , nhà thơ đã nhận giải đến nay gồm: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003) và Đỗ Chu (2004).

Cùng đến nhận Giải SWA 2004, ngoài nhà văn Đỗ Chu đại diện cho Việt Nam còn có 8 nhà văn, nhà thơ Đông - Nam Á khác, gồm: Hai Jawawi Bin Haji Ahmad (Brunei), Chey Chap (Campuchia), Gus TF Sakai (Indonesia), Thong bay Phothisane (Lào), Zurinah Hassan (Malaysia), Cesar Ruiz Aquino (Philippinnes), Soon Ai Ling (Singapore) và Rewat Phanpipat (Thái-lan).

- Theo Thể thao và Văn hóa - ND