Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
348
116.791.881

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kết thúc Liên hoan Tiếng hát dân ca 2005:Khơi lại suối nguồn dân ca
Liên hoan tiếng hát dân ca 2005 vừa kết thúc, sau 3 tháng diễn ra liên hoan, Ban tổ chức đã sưu tầm được tổng số 174 làn điệu dân ca khác nhau, điều đặc biệt các nghệ nhân tham gia liên hoan phần lớn đều không chuyên nghiệp (chỉ có 12 nghệ nhân là nghệ sỹ chuyên nghiệp trong tổng số 178 nghệ nhân tham gia). Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của liên hoan cũng như sức hút của các làn điệu dân ca với người dân.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, dân ca được “sống” lại mạnh mẽ như vậy. Trong suốt ròng rã 3 tháng trời, Ban tổ chức đã thực hiện chương trình trên phạm vi toàn quốc, chia làm 8 khu vực: Tây Bắc; Đông bắc - Việt Bắc; Đồng bằng – Trung du Bắc bộ; Bắc Trung bộ; Nam Trung bộ; Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

 

Những làn điệu của các dân tộc từ miền xuôi, miền ngược, từ Bắc vào Nam vang lên khắp mọi nơi làm nên một bản hoà ca muôn màu sắc xen lẫn trong tiếng sáo, tiếng khèn du dương và tiếng cồng chiêng vang vọng. Tất cả như chìm trong ngày hội lớn của dân tộc. Liên hoan như một cuộc diễu hành đồ sộ về bản sắc, thể hiện vẻ đẹp đa dạng của nghệ thuật dân ca Việt Nam.

 

Dân ca bắt nguồn từ cuộc sống, và nó là một bộ phận của cuộc sống. Và bởi vì dân ca còn thực hiện chức năng xã hội, nên nó phải bám chắc vào cuộc sống, không tách khỏi cuộc sống đời thường. Giáo sư Tô Ngọc Thanh nhận đã từng nhận xét: "Ông cha xưa có thể hát Quan họ với nhau cả đêm mà không chán, bởi họ hát không phải để trình diễn, thưởng thức mà hát để giao duyên, để tìm hiểu, để thi tài sáng tác, để liếc mắt đưa tình. Hay trong lao động tuy vất vả nhưng họ vẫn hò, đối đáp say sưa bởi điệu hò lúc đó trở thành động lực, niềm vui cho họ, tiếp thêm cho họ sức mạnh", vì vậy dân ca luôn gắn liền với cuộc sống.

 

Trước đây có một khoảng thời gian, do sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế thị trường, người ta đã có phần lãng quên những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm. Một số bà mẹ trẻ ở thành phố đã không thuộc lời bất cứ bài hát ru nào, và dân ca dường như chỉ “ sống thoi thóp” ở một số làng quê.

 

Vì vậy, Liên hoan tiếng hát dân ca 2005 chính là sự tìm tòi phục hồi lại những làn điệu dân ca nguyên bản, đó là của cải của ông cha để lại mà chúng ta cần bảo tồn và gìn giữ. Những làn điệu dân ca ngọt ngào, đằm thắm đã đi vào lòng người như: hát ru, hát ví, hò, vè, quan họ hay cải lương, vọng cổ…

 

 

 

Sự hào hứng và háo hức tham gia liên hoan của các nghệ nhân, những nét mặt ánh lên niềm tự hào chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của dân ca đối với nhân dân. Anh Ksor H'Hoanh người dân tộc Jrai nói: "Tôi rất hồi hộp. Đến đây, tôi được hát cho mọi người nghe bài ca của chính bản làng tôi. Tôi được gặp bạn bè, được biết đến nhiều bài ca của các dân tộc anh em. Cái bụng tôi vui lắm". Còn hai vợ chồng nghệ nhân A Duôn Jek, người còn hiểu rất ít về tiếng Kinh cũng cho biết: "Sướng cái bụng lắm. Hồi hộp lắm".

 

Khán giả cũng không giấu nổi niềm hứng khởi khi lần đầu tiên được thưởng thức nhiều làn điệu dân ca của cả nước như vậy. Bà Vũ Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ dân phố phường Nghĩa Đô cho biết: “ Tôi rất yêu các làn điệu dân ca vì giọng điệu ngọt ngào, sâu lắng, dễ đi vào lòng người và khó phai nhạt. Qua chương trình, tôi rất sung sướng khi được nghe rất nhiều các làn điệu của các miền từ Bắc vào Nam. Tôi mong rằng các làn điệu dân ca sẽ còn mãi để con cháu tôi sau này vẫn được thưởng thức và thuộc lời".

 

Ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam 2005 khẳng định, Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ thuộc các dân tộc anh em trên cả nước tụ họp và làm quen với nhiều bản sắc vùng miền khác nhau, kết bạn với nhau. Đài truyền hình Việt Nam dự định sẽ tổ chức liên hoan hai năm một lần. Đây cũng là hoạt động nhằm khơi lại dòng nước mát suối nguồn dân ca của dân tộc, làm cho dân ca “sống” lại thực sự trong đời sống văn hóa của Việt Nam.

 

 Ảnh : Một tiết mục biểu diễn trong Liên hoan Tiếng hát dân ca 2005.

Tuyết Minh - HNMDT
Tin tức khác