Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
658
123.243.050

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhà văn Bang Hyun Suk: Việt Nam là điểm đến của chúng tôi
“Hàn Quốc hiện đang xem Việt Nam là trọng điểm trên con đường hội nhập. Văn học sẽ là phương tiện hữu hiệu nhất để đưa con người xích lại gần nhau”, Nhà văn, Giáo sư Bang Hyun Suk - Chủ tịch hội những nhà văn trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam - đã nói trong lần thứ 21 trở lại Việt Nam.

- Rất vui được gặp lại ông tại đất nước mà ông đã quá thân thuộc.

- Tôi thực sự xúc động khi trở lại Việt Nam lần này. Tôi đang cùng với tập thể giáo sư Trường Đại học Chung Wawng Hàn Quốc (nơi tôi làm việc) thực hiện dự án mới cho công tác giảng dạy Văn học Việt Nam tại Hàn Quốc. Tôi rất yêu quý và ngưỡng mộ lịch sử văn hóa của các bạn. Tôi đã đến đây hơn 20 lần, và lần đầu tiên cách đây 10 năm (1994).

Chúng tôi đã tự lập ra một hội gọi là những tác giả trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam. Hội vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm hoạt động hiệu quả. Chúng tôi có khoảng hơn 50 hội viên chuyên tâm nghiên cứu và tìm hiểu về Việt Nam. Mỗi thành viên đã ít nhất được sang thăm đất nước các bạn một lần. Sau những lần trở về từ Việt Nam, họ đã có những bài viết, những tác phẩm tốt về đất nước các bạn.

- Tại sao Việt Nam lại được các nhà văn Hàn Quốc lựa chọn để nghiên cứu và tìm hiểu? Có phải bắt nguồn từ những ký ức buồn trong quá khứ?

- Nếu không có chiến tranh thì thế giới sẽ không biết đến một Việt Nam nhỏ bé mà anh hùng. Chúng tôi rất xấu hổ vì Hàn Quốc đã dính líu vào cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây.

Hàn - Việt là hai nước có hai thể chế chính trị khác nhau và đi trên hai con đường khác nhau nhưng có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Và giới nhà văn trẻ Hàn Quốc muốn tìm hiểu về một không gian văn hoá Việt.

- Trong 10 năm liên tục đến và tìm hiểu Việt Nam, ông có được những gì?

- Khi còn là sinh viên, tôi đã được đọc cuốn tạp chí Áo trắng Sài Gòn nói về phong trào học sinh, sinh viên tham gia phản đối chiến tranh. Cuốn sách hoàn toàn khác với những gì chúng tôi được biết về một Việt Nam qua sách báo của chúng tôi lúc bấy giờ.

Cùng thời điểm đó, ở Hàn Quốc xảy ra cuộc đấu tranh dân chủ phản đối chế độ độc tài của Tổng thống Chun Doo-hwan. Quyển tạp chí bị cấm gắt gao nhưng tất cả sinh viên chúng tôi đều chuyền tay nhau đọc và xem đó như là một cẩm nang.

Ngay từ khi ấy, tôi đã nung nấu quyết tâm sau này sẽ tìm hiểu về đất nước của các bạn. 10 năm đến với Việt Nam, tôi đã hoàn thành được 3 cuốn sách: Sao mọc ở Hà Nội (xuất bản năm 2002), Thời gian ăn tôm hùm, và Hình thức của sự tồn tại - cuốn sách mới nhất tôi viết với tư cách là một người Việt Nam nói về người Việt Nam.

- Hình như ông đã rất nổi tiếng sau khi cuốn sách này ra mắt bạn đọc(xuất bản 30.000 cuốn)? Nó đã tạo ra cơn sốt trong giới trẻ khi mà có tới 1/2 thanh niên Hàn Quốc quan tâm đón đọc?

- Cảm ơn đất nước của các bạn đã cho tôi ra đời được một tập sách có ý nghĩa trong cuộc đời sáng tạo của mình. Nó đã mang lại danh dự rất lớn và cả tiền bạc cho tôi nữa. Hình thức của sự tồn tại sau khi ra mắt bạn đọc đầu năm 2004 đã liên tục nhận được hai giải thưởng văn học lớn nhất của Hàn Quốc. Đó là giải thưởng Swhang Suon Won và Oh Young Soo. Nhưng cái quan trọng nhất mà tôi đã làm được cho đất nước của chúng tôi là đã đặt được những bước chân đầu tiên trong mối quan hệ giao lưu tốt đẹp giữa văn học Việt Nam và Hàn Quốc. Chúng tôi đã tổ chức được một số hội nghị giao lưu văn học châu Á.

- Liệu nó có phải là một cuốn sách về chiến tranh không? Hay đơn thuần là kiểu tâm lý xã hội ăn khách?

- Tôi là một trong số rất ít nhà văn ở Hàn Quốc không đi theo mốt trào lưu thời thượng viết tiểu thuyết về tình yêu. Nhưng tôi tự hào là tôi sống được, kiếm được nhiều tiền từ các tiểu thuyết mang tính luận thuyết chính trị.

Trong đời sống hiện đại, các tiểu thuyết của tôi rất có thể không được các bạn trẻ ưa thích. Thế nhưng rất may, họ đã không thờ ơ trước những gì tôi đề cập đến trong các tác phẩm. Tôi hạnh phúc về điều đó. Đây là cuốn sách mà tôi đã biết Việt Nam 10 năm rồi mới đặt bút bắt tay vào viết, và hoàn toàn bằng cảm hứng.

Trong cuốn Hình thức của sự tồn tại tâm khảm con người luôn luôn vang lên, luôn luôn va đập bởi các câu hỏi: Tại sao lại tồn tại và tồn tại với ý nghĩa gì. Thế hệ của chúng tôi dám đứng lên đấu tranh không ngại hy sinh gian khổ. Nhưng các bạn trẻ bây giờ thì sao? Họ sống với lý tưởng gì? Tôi muốn lấy bối cảnh Việt Nam để nói về xã hội Hàn Quốc. Và câu hỏi cuối cùng vang lên ở đó là “Giấc mơ ngày xưa của chúng ta bây giờ đi đâu mất rồi”.

- Bao giờ thì độc giả Việt Nam sẽ được đón đọc Hình thức của sự tồn tại? Ông có cảm thấy hiện nay sự trao đổi giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc mới chỉ là bắt đầu. Bằng chứng là văn học Việt Nam chưa được dịch và giới thiệu nhiều ở Hàn Quốc và ngược lại?

- Hiện nay tôi đang dịch ra tiếng Việt, hy vọng sang năm tác phẩm của tôi sẽ có ở thị trường sách Việt Nam. Tôi thừa nhận ý kiến của bạn. Hiện nay mới chỉ có một số ít tác giả Việt Nam có tác phẩm được dịch ở Hàn Quốc đó là nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Văn Lê và nhà thơ Hữu Thỉnh. Còn ở Việt Nam thì tôi mới chỉ biết đến cuốn  Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Đúng là chúng ta sẽ còn phải làm thật nhiều việc, nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo được một nền tảng vững chắc trong công cuộc giao lưu văn học Việt - Hàn.

- “Hình thức của sự tồn tại” không phải là cuốn sách cuối cùng ông viết về Việt Nam chứ? Ông còn dự định gì cho công việc sáng tác sắp tới của mình?

- Tôi đang hoàn thành cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã thu thập được rất nhiều tài liệu về ngài Chủ tịch. Tôi cũng đã về quê hương của ông rất nhiều lần, và đi hầu hết các địa danh nơi ông đã lưu lại đó để công tác như Cao Bằng, Điện Biên, Huế…

- Viết về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, về một danh nhân văn hóa không chỉ của Việt Nam mà là của thế giới, ông có thấy bé nhỏ trước những gì người khác đã thể hiện?

- Tất nhiên là tôi sẽ cố gắng hết khả năng của mình. Có lẽ điều làm tôi băn khoăn nhất là tôi phải tìm cho ra một cách viết hoàn toàn khác với những gì đã có. Tôi sẽ phải vượt lên trên các tác giả khác ở nhiều nước trên thế giới đã viết về Hồ Chủ tịch. Tôi đặt ra cho mình một cái đích phải tới, và tôi tin ở mình.

- Xin cám ơn ông

Như Bình - Theo CANN.com.vn