Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.408 tác phẩm
2.747 tác giả
610
116.840.730

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
"Văn chương không có giống đực và giống cái"
(VietNạmNet) - Võ Thị Hảo vừa nhận giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Hà Nội cho cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay "Giàn thiêu" của mình. Không vui sướng như nhiều người tưởng, nữ nhà văn này vẫn bình thản, nhẹ nhàng và thận trọng. Phải chăng giờ đây với chị niềm vui có giải thưởng không còn nhiều ý nghĩa nữa khi chị cầm bút viết văn "không theo tiêu chí của một BGK hay một cuộc thi nào mà chỉ vì nỗi đau khổ và tình yêu lớn đối với kiếp người!"

- Theo chị, đối với kiếp người nỗi đau khổ nhất là gì?

- Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi không thể cả quyết, vì có quá nhiều nỗi đau khổ, nhưng một điều chắc chắn, nỗi đau nhất không phải là cái chết.

- Vậy tiểu thuyết chiếm vị trí như thế nào trong đời sống nhân dân và nó có thể góp phần tạo dựng được hạnh phúc cho họ không?

- Vị trí khiêm nhường, đứng sau rất nhiều những gì có thể nghe, nhìn và “mì ăn liền”. Tôi tin chắc, tiểu thuyết có thể góp phần làm người ta thêm hạnh phúc qua cách nó đánh thức tính người trong một số ai đó và làm tăng tình nhân loại.

- Do đó, chị không coi trọng và hào hứng với các giải thưởng?

- Vấn đề là giải thưởng ra sao? Giải thưởng chỉ được coi trọng khi nó được những công chúng công bằng, có trí tuệ chấp nhận. Đằng sau Ban giám khảo trực diện, tác phẩm còn lại với thời gian, phơi mình trước bạn đọc và nó còn được định giá bởi những BGK lớn hơn, đó là công chúng và độ thử thách của thời gian. Chúng ta đã có quá nhiều giải thưởng không một tiếng vang vì tác phẩm đó chỉ “qua mặt” được BGK trực diện, BGK của ngày hôm nay mà thôi.

- Đối với tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử, nhà văn phải tích luỹ cho mình một lượng tư liệu lịch sử khổng lồ. Để viết được "Giàn thiêu", chị đã tìm hiểu và nghiên cứu "Đại Việt sử ký toàn thư" cũng như những tư liệu lịch sử khác như thế nào, trong thời gian bao lâu?

- Đó là vốn kiến thức tích lũy từ bé đến lúc viết xong “Giàn thiêu”. Không chỉ là những cuốn sách về văn hóa, lịch sử, phong tục, tôn giáo, nho, y, lý, số mà tôi thường vét cạn túi để mua mang về nhà, vốn kiến thức đó còn là cái cách mà tôi mơ ước, cái cách mà tôi yêu, tôi phẫn nộ, cái cách tôi từ bỏ chính mình... Và tôi còn ghi nhớ công ơn của một người bạn đã gợi ý cho tôi đề tài này, giục tôi đừng lười biếng, và “bắt bẻ” để tôi nhận ra những chỗ bất hợp lý.

- Người ta thường nói: Khi viết, nhà văn thường ở trạng thái căng thẳng, thậm chí gần như... hơi điên. Đối với những tác phẩm của chị (nhất là "Giàn thiêu"), chị đã sống qua những tháng năm sáng tạo như thế nào và quan hệ với những người khác ra sao?

- Thực ra, cũng không căng thẳng lắm và cũng chưa có hạnh phúc được điên. Những người nói với bạn rằng họ điên khi viết, theo tôi, là họ còn tỉnh lắm đấy. Tôi thấy từ khi viết truyện ngắn đầu tiên cho đến bây giờ, tôi thường viết trong những hoàn cảnh thật tầm thường: Khi đang nấu cơm, đang bế con, sau những bài báo, những cú điện thoại, những chuyện buồn vui, những việc lặt vặt của một người đàn bà phải kiếm sống một mình để nuôi con. Đến “Giàn thiêu”, con tôi đã lớn và tôi đã giành được một số ngày nghỉ cuối tuần, ngồi trước một máy tính để viết. Không điên, không căng thẳng. Tôi chỉ thấy rõ ràng một điều là khi mình gọi thì chúng sẽ tới, cả Niết bàn, Địa ngục, những mặt người, cái rốn đỏ màu chu sa của Ngạn La, cảm xúc yêu đương... cả màu sắc, âm thanh, tôi chỉ việc đuổi theo chúng để ghi lại. Những ngày đó, tôi trốn khách và trốn điện thọai, nhưng sự lười biếng của mình thì chưa trốn được.

- Có như tình trạng... mang thai?

- Không. Chỉ có cảm giác, lúc ngồi vào bàn, mình là một người khác, ít nhẹ dạ hơn tôi.

Có ý kiến cho rằng, trong những năm gần đây, tiểu thuyết Việt Nam không còn giữ vị trí nổi bật, do đó sự ra đời và xuất hiện của "Giàn thiêu" như một "tia sáng loé lên" và cũng chính vì thế nó đoạt giải. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

- Cảm ơn một ý kiến quá yêu tôi như vậy. Theo tôi, “Giàn thiêu" có giải vì Hội Nhà văn Hà Nội đã có sự chia sẻ với sự lì lợm của một kẻ cứ khăng khăng coi văn chương là một thánh đường và dám đặt ngược lại một số vấn đề như tôi.

- Nếu phải chọn một trong hai vế sau, chị sẽ chọn vế nào:"Tôi nhận giải thưởng vì tác phẩm hay chứ không phải vì là phụ nữ viết tiểu thuyết lịch sử"? 

- Đương nhiên là vế thứ nhất. Ai chọn vế sau, nghĩa là người đó đang quá lạc quan với tình hình nữ quyền hoặc ảo tưởng rằng thời mẫu hệ sắp quay lại. Văn chương không có giống đực và giống cái, chỉ có hay hoặc dở mà thôi.

- Xin cám ơn chị!

------------------------------------------------------

Nhận xét của BGK về tác phẩm "Giàn thiêu"

Tiểu thuyết "Giàn thiêu" của Võ Thị Hảo là sự kết hợp giữa kiến thức chính sử với dã sử, những giai thoại, huyền tích dân gian hoà trộn với trí tưởng tượng của nhà văn... Tất cả đã tạo nên bức tranh sống động về một giai đoạn trong triều Lý, vừa hiện thực vừa huyền ảo.

Tác giả đã có cuộc bứt phá khi rẽ ra khỏi lối đi đã quen chân với chính mình, tạo ra những tầng suy tư không bằng phẳng, một giọng điệu tự nhiên và bình dị hơn.

Trần Mạnh Hào - Theo Việt Nam Net