Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
514
116.809.082
 
Trả giá
Triệu Xuân
Chương 6 - Chương 1

Trong khuôn viên của một tòa biệt thự cổ đã sạt lở tường và mái, có tiếng Trầm đang nói. Xung quanh Trầm là hàng chục anh em. Họ đang nghỉ giải lao. Trong giờ nghỉ, họ khoái nhất là được nghe Trầm nói chuyện.

- Những năm ba mươi của thế kỷ này, một chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương bỏ tiền xây cất được mười một biệt thự mà chúng ta đang phục hồi. Họ xây xong trong vòng bốn năm tháng. Phải nói rằng, kiến trúc sư người Pháp đã lựa được vị trí đẹp nhất thành phố để xây dựng. Khu vực này nối liền bãi Tầm Dương với núi Tương Kỳ, vừa đón được cả hai hướng gió Đông Bắc và Tây Nam. Vũng Tàu hồi đó còn hoang sơ lắm, thêm được công trình ở đây là báo chí đã bơm lên hết lời...

- Khách sạn lớn, hồi đó được mấy cái, anh Trầm? - Một công nhân hỏi.

- Năm 1897, khách sạn đầu tiên được xây dựng là Grand Hôtel du Cap. Bảy năm sau, có một trận bão lớn - đó là năm Giáp Thìn 1904, khách sạn ngày bị sập rồi không được khai thác nữa. Đến năm 1917, Grand Hôtel du Cap mới được phục hồi. Ngày nay, nó là tòa nhà gần khách sạn Thanh Bình đó. Nay mai, chúng ta sẽ cải tạo và nâng cấp nó. Kế đó là khách sạn do Mme Dugaet, một phụ nữ Pháp, bỏ vốn xây cất năm 1913, kêu bằng Hostellerie du Cap St Jacques. Bà này cũng ưa đổi mới. Năm 1917, khách sạn này mang tên Hôtel de la Plage, đến năm 1929 lại trở về tên cũ. Ngày nay, nó là Hạnh Phước. Chúng ta sẽ xây dựng lại nó vào năm tới. Cũng trong khoảng thời gian đó, một người Canađa bỏ vốn xây khách sạn Beau Séjour ở gần Bến Đình. Từ năm 1924, Hôtel Beau Séjour trở thành “Nhà nghỉ của Công chức”. Trước năm bốn lăm, những công trình của người Pháp ở đây mới vỏn vẹn có hai khu trại lính, một vài tòa nhà hành chánh như Sở Cẩm, Nhà Đoan, Sở Dây thép thủy, Nhà viên quan Năm, trường trẻ con Tây... Ngoài ra còn có hai mươi hai biệt thự dành cho sĩ quan Pháp, cùng với bốn mươi tám biệt thự tư nhân khác. Người Pháp thường tự xưng là dân tộc đi khai hóa nền văn minh. Vậy mà họ lại thiết kế hai ống cống thoát nước thải của thành phố đổ ra Tầm Dương, tức bãi Trước. Việc họ bắt tù khổ sai khuân bảy vạn mét khối đá hộc đắp con đập đá chắn sóng, đã làm cho bãi Tầm Dương trở thành bãi bị cát lấp, tàu biển lớn hết vô nổi, cống nước thải đổ ra khiến cho không ai tắm ở đây nữa. Con đường nối bãi Trước với núi Tương Kỳ cũng do tù khổ sai làm. Nghe nói chết nhiều người lắm. Ngày nay, chúng ta sẽ xây dựng lại thành phố, tất nhiên phải theo một qui hoạch tổng thể. Nếu không qui hoạch một cách khoa học, thì chúng ta lại mắc sai lầm. Biển trời, núi non, cây cỏ đẹp là vậy mà không có sự hiểu biết thì phá hủy thiên nhiên mấy hồi!...

Sự thán phục lộ rõ trong mắt những công nhân xây dựng. Trong đội xây dựng của Trầm, đa số công nhân trẻ, người lớn tuổi nhất mới tròn bốn chục. Điều đặc biệt nữa là trong số một trăm người thì tám mươi người là thanh niên Sài Gòn, được Trầm tuyển về, không được nhập hộ khẩu, làm theo chế độ hợp đồng. Trong số tám chục người ấy, quá nửa là vô gia cư, trước kia đi lính và hiện tại chưa có nghề xây dựng. Số còn lại, biết đủ nghề: từ lái xe, kế toán; có người từng lái tàu, có ba kỹ sư cơ khí và hai bác sĩ, bốn người chuyên đi dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho con những nhà giàu. Đội chia làm năm tổ; mỗi tổ có một cô gái chuyên nấu ăn. Đó là những cô gái Trầm xin về từ trung tâm chữa bệnh ghiền ma túy của thành phố! Những người ở đây gắn bó với nhau vì nhiều lẽ: Họ là những kẻ ở dưới đáy xã hội cũ, hơn ai hết, họ khao khát tình thương  và lẽ công bằng. Họ đã uổng phí một phần tuổi trẻ; bị thui chột không ít ước mơ và khát vọng. Nhiều người đã phạm tội. Nhiều người trở nên cằn cỗi; và một số khác thì cay nghiệt, chán tất cả, sẵn sàng liều mạng đôi khi chỉ vì những chuyện không đâu. Nhưng một khi lòng tự trọng được thức tỉnh, quan hệ giữa họ với nhau thuần dần và trở nên đặc biệt tình nghĩa. Họ không hề nghĩ rằng, sếp của họ, tức kỹ sư Trầm, có nghệ thuật lãnh đạo. Đối với Trầm, họ không có những mặc cảm như đối với những cán bộ “cách mạng” hoặc cán bộ “ba mươi tháng tư”. Họ biết rằng, sếp của họ là người tài năng thực sự, tình nghĩa thực sự, tin họ thực sự. Thế là đủ. Một người chỉ huy, đối với họ chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Người như thế, có bảo họ nhảy vào lửa, họ cũng chẳng từ.

Khi ông Hòa xuất hiện thì vừa hết giờ nghỉ, tốp thợ đứng dậy tiếp tục làm việc. Một cô gái đang thu dọn mấy vỏ chai nước ngọt trên mặt bàn bằng đá mài.

- Mình không ngờ cậu rành lịch sử thành phố này quá. - Hòa bắt tay Trầm.

- Tôi học kỹ thuật nhưng rất mê khoa học xã hội, anh à. Tổ quốc mình còn nhiều nơi tôi chưa được đến; nhưng lịch sử, địa lý, danh nhân, truyền thống văn hóa... thì tôi nhớ lắm. Cũng là nhờ chịu khó đọc.

- Làm du lịch, phải say mê như cậu mới được. Trầm này, chuyện đá cẩm thạch mình quyết định rồi. Từ nay, ta sẽ nhờ chuyên gia mua giúp những vật liệu quí và hiếm. Đây là phát hiện của cậu đấy!

Trầm cười khiêm nhường. Ông Hòa tiếp:

- Có những chuyện, ở cái đầu người này thì cứ tự nhiên bật nảy ra, như chẳng cần phải suy nghĩ, tính toán; ở đầu người khác thì rị mọ, luẩn quẩn, nát óc không nghĩ ra được. Thú thật, mình đã sống trong môi trường mà mọi người đều tư duy giống nhau, không ai thích nghĩ khác. Có ai dám nghĩ khác đi, lập tức bị qui vào tội này, tội nọ. Thành thử, lẽ ra phải làm như thế này mới hợp tự nhiên, người ta không làm. Đến khi có ai đó dám làm, làm được thì được coi là sáng tạo, là mới. Kỳ thực, đâu phải! Đúng không Trầm?

Trầm gật đầu, không nói. Anh biết là giám đốc đang sắp sửa nói với anh một chuyện gì...

- Mình có một đề nghị với cậu. - Hòa nhìn Trầm trìu mến, tin tưởng - Cậu làm phó cho mình. Được chứ? Cậu hãy suy nghĩ kỹ. Sáng mai, anh em mình ra giàn khoan; tối về, cậu trả lời mình.

- Không để anh chờ lâu đâu, anh Hòa à. Tôi xin hỏi anh, anh cử tôi làm phó giám đốc Liên hiệp vì lẽ gì?

- Vì công việc mà cũng vì tình cảm! - Hòa đáp.

- Trước hết xin cảm ơn anh! - Trầm thẳng thắn - Nếu vì tình cảm thì tôi xin từ chối. Anh tin tôi, mến tôi. Thế là đủ. Tôi không muốn vì mình mà xuất hiện thêm những mũi dùi chĩa vào anh. Tôi, “một kỹ sư do chế độ cũ đào tạo” như cách mọi người vẫn nói mấy năm nay về những người tại chỗ.  Tôi, một thanh niên chưa hề có đóng góp trong chiến tranh. Ba tôi đang bị coi là tội phạm. Ngay những người giỏi được đào tạo từ miền Bắc về chưa là đảng viên, các anh còn chưa đề bạt kia mà! Đó là nói chuyện tình cảm. Nếu nói vì công việc, vì sự nghiệp, thì lại càng không nên. Sức một người bơi được hai trăm mét mà bắt anh ta bơi năm trăm mét, anh ta sẽ chết chìm. Mời anh hút thuốc.

Giám đốc Hòa phẩy tay không cầm điếu thuốc Trầm mời. Trầm nhìn thẳng mắt Hòa, bộc trực:

- Anh có giận, tôi cũng chịu! Nếu tôi không từ chối; tôi nhận thì... Anh mê truyện Kiều lắm phải không? “Thương nhau mà lại hơn mười phụ nhau” đó. Con người, phải nương vào nhau mà sống mà sáng tạo. Anh Hòa này, tôi sẵn sàng làm người phụ tá cho anh, nhưng không phải chuyên nghiệp. Xin cứ để tôi ở chỗ đang đứng.

Trầm ngưng nói, lặng im rít thuốc lá. Gió biển rung những bông giấy lấp lóa trong nắng. Hòa đăm đăm nhìn những bông giấy run rẩy. Cậu ta từ chối. Cậu ta rất trung thực. Cậu ta nói thẳng những cái dở trong chính sách cán bộ. Nhưng rõ ràng là cậu ta còn đầy mặc cảm. Làm thế nào xóa được những mặc cảm này?

Vấn đề giám đốc Hòa rất tha thiết là làm sao phát hiện được nhân tài, qui tụ họ về đây để cùng nhau lao động, sáng tạo. Gần năm chục tuổi đời, ba chục năm thoát ly đi kháng chiến, rồi qua làm an ninh, làm kinh tế, ông đã vấp váp nhiều. Mỗi lần vấp, ông được một bài học nhớ đời để trưởng thành.

Ngày Liên hiệp Dịch vụ Biển chuẩn bị ra đời, ông được Bộ cử về Vũng Tàu nghiên cứu thực tế để về trình với Bộ đề án thành lập. Hòa tới thành phố được một tuần, mải miết đi, hỏi, nghĩ, ghi chép. Long đong, vất vả, tất bật, Hòa làm việc không kể ngày đêm. Vũng Tàu lúc này hệt như cái làng chài, không có lề đường, mưa xuống bẩn không chịu được. Nhà cửa, khách sạn, biệt thự đổ nát. Quán xá mọc lên lu bù, lộn xộn. Hòa phải tự mình làm cuộc tổng điều tra cơ bản. Ông phải tính toán coi có thể xài ngay được thứ gì, thứ gì phải phục hồi, thứ gì còn là tiềm năng phải đầu tư xây dựng gấp. Bất ngờ, Hòa gặp ông Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cũng đang đi thực tế. Hai người gặp nhau vô cùng mừng rỡ. Từ khi còn làm việc ở Hải Phòng, họ đã là chỗ thân tình. Ông Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rất mến Hòa; nhiều điều cần đắn đo thường đem hỏi Hòa.

Gặp nhau, câu trước câu sau, ông Phó Chủ tịch yêu cầu Hòa dẫn đi xem xét tất cả các bãi tắm. Họ lẫn vào đám đông đang tắm biển. Giữa những thân hình hở hang khêu gợi trên bãi tắm, hai thầy trò đầu nón cối, chân dép râu trông đến ngộ. Ở bãi Thùy Vân, hai người dừng lại lâu hơn cả. Bãi tắm đông nghẹt người. Hòa say sưa trình bày phương án khai thác bãi Thùy Vân mà ông đang tâm đắc. Ông Đậu rất đồng ý. Đi hết chiều dài bãi Thùy Vân, họ leo lên con đường vòng quanh núi Tao Phùng, đi ra tận mũi đất ngoài cùng của bán đảo. Đây chính là nơi thực dân Pháp đặt chân lần đầu tiên lên thành phố. Mũi đất giống như ngón chân cái của cả bàn chân là thành phố hướng ra biển Đông. Rồi Hòa dẫn ông Đậu xuống biển, lội ra Hòn Bà. Từ đây, nhìn vào bãi Thùy Vân, nhìn lên núi, nhìn ra đại dương, cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, làm lòng người thanh thản trong cảm giác được chắp cánh. Trong khi đó thì đoàn xe tháp tùng ông Đậu của chủ nhà đông tới năm chục người, đi trên mười xe du lịch bóng láng. Họ bị đói! Mười ba giờ rồi mà cái tay Hòa này mang thượng khách đi đâu chưa về! Ẩu thật! Chủ nhà la rầm lên. Tại sao bảo vệ không giữ hắn ta lại? Ai cho phép hắn ta dẫn đồng chí ấy đi? Không nghĩ gì tới sức khỏe của đồng chí lãnh đạo à?... Miệng thì quát tháo ầm ĩ thế, nhưng trong bụng, vị chủ nhà lại nghĩ: “Hắn âm mưu gì đây? Hắn tính ton hót với ổng để hất mình đi chắc?”

Tâm lý nô lệ và thói ganh ghét nhiễm vào tận máu thịt người ta mà người ta không hề hay biết.

Trong khi đó thì ông Đậu tỏ ra rất hể hả, ông nói với Hòa: “Nếu không gặp cậu thì chuyến đi của mình vô bổ. Nghe báo cáo trong phòng kín rồi cưỡi ô tô xem hoa thì biết cái khỉ khô gì! Cám ơn Hòa nhé. Ráng làm được như ý định. Mình sẽ ủng hộ cậu”.

Chuyện xảy ra chỉ có thế. Vậy mà một tuần sau, đích thân thứ trưởng điện vào gọi Hòa ra Hà Nội. Vòng vo một hồi, cuối cùng thứ trưởng nói: “Cậu làm gì để ông Đậu bực mình. Ông ấy không thích cậu. Cậu phải chuyển ra Hà Nội thôi”. Mới nhận quyết định phó giám đốc Công ty được một ngày, lại có điện gọi ra. Lạ thật. Lý do gì mà kỳ cục! Hòa gọi điện trực tiếp cho ông Đậu kể sự tình. Ông Đậu cười ầm lên và nói: “Chắc có tay nào nó ganh với ông đấy, ông Hòa ạ. Cứ yên tâm. Tôi chỉ kỷ luật, cách chức cậu khi nào cậu không làm được việc”.

Rồi một năm sau lại xảy ra chuyện rắc rối nữa. Ông có người chị họ theo chồng vào Biên Hòa làm cao su từ năm năm mươi; sinh được mỗi đứa con gái gọi ông bằng cậu; bố mẹ qua đời, chồng đang học ở Mỹ thì giải phóng. Kẹt. Một nách nuôi ba đứa con thơ, không nghề ngỗng gì, đồ đạc trong nhà bán sạch, cháu đến gặp cậu, khóc khóc, mếu mếu: “Đơn xin xuất cảnh, con nộp đã ba năm nay. Cậu nói giúp con một tiếng. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ... đói quá cậu ơi!”. Cứ đà này, muốn khỏi thấy con đói thì thế nào nó cũng sa ngã hoặc phải đi buôn lậu, rồi có ngày vào tù! Ông Hòa viết mấy dòng cho giám đốc Sở Công an. Ông đâu có ngờ, người bạn đồng nghiệp, đồng cấp bực với ông hồi nào, nay đã thoái hóa, đang bị thanh tra. Anh ta nắm ngay lấy mảnh giấy của ông làm cái cớ thanh minh với cấp trên: “Đây, tôi nào có ăn của đút gì đâu. Toàn là chỗ quen biết cả. Một đại tá trong ngành còn xin cho cháu đi đây nè!”. Thế là ông bị thứ trưởng gọi ra. Ông ra Hà Nội, có sao nói vậy. Ông có cái lý của ông. Cái lý của ông là cái tình cái nghĩa: Hợp thức hóa gia đình là cách tốt nhất để giúp cháu ông khỏi sa ngã hoặc phạm tội. Nhưng cái lý ấy làm sao mà chấp nhận được! Ông bị qui vào tội đồng lõa với bọn phản quốc, bỏ nước ra đi; lập trường tư tưởng của ông (theo lời ông thứ trưởng) đã hỏng rồi. Nếu không điều ra Hà Nội, e sẽ thoái hóa như tay giám đốc sở kia mất. Người ta làm quyết định điều ông ra thật. Nhưng thứ trưởng lại giao cho ông Chánh văn phòng Bộ ký quyết định. Ông uất quá đâm bệnh nặng. Những người đã trải qua bao năm tháng chiến tranh như ông, ai mà không mang một chứng nan y hoặc thương tật. Ông trả lời: “Tôi sẵn sàng chấp nhận quyết định ấy, nhưng phải do đích thân Bộ trưởng ký, vì Bộ trưởng cử tôi về đây kia mà”. Rồi ông đi bệnh viện. Sau khi cắt bỏ mật và hai phần ba bao tử, ông ra viện. Và thật lạ, không thấy ai nói tới cái quyết định kia nữa. Riêng tay giám đốc sở thì bị tống giam và một năm sau phải nhận án tử hình.

Rõ ràng, lời phán xét cuối cùng thuộc về thực tế, thuộc về thời gian. Ông ngẫm ra điều ấy. Dù có bị ai vu oan giá họa mà lòng dạ ngay thẳng thì chẳng sợ gì. Ông bà mình bảo “trời có mắt” là nói cái ý đó.

Thời thế đã khác! Ngày trước chỉ lo đánh giặc. Bây giờ, nhiều người chỉ lo giành ghế. Có tỏ ra tích cực cũng chỉ để giành ghế. Giành ghế bằng mọi cách, mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê tiện nhất. Những người lo làm việc thì gặp phải đủ thứ cản trở, mà một trong những cản trở lớn nhất là nền nếp cổ hủ, lỗi thời. Bọn cơ hội, bọn lừa dưới gạt trên thường bám víu lấy những tín điều này để “làm ăn”. Nghĩ lại thời trai trẻ, Hòa thấy tiêng tiếc, ngậm ngùi. Thời ấy, ông và đồng đội chân đất đuổi đánh xe giặc trên đường Năm(1). So với thời ấy, làm kinh tế bây giờ khó khăn chẳng kém, lại đau đầu hơn nhiều. Hồi đó, chiến tuyến thật rõ ràng. Đại đội do ông chỉ huy là lá cờ đầu diệt xe của Pháp. Ăn nghỉ có dân lo, dân đùm bọc. Trinh sát trận địa cũng dựa vào dân. Đánh xong được dân khen thưởng, liên hoan ăn mừng rồi ngủ ngon lành. Đâu có phải bạc tóc vì lo nghĩ, đối phó, họp bàn, đấu đá như bây giờ!

Thời thế đã khác!

Cái đầu của mình sẽ không theo kịp thời thế nếu không chịu khó học hỏi. Điều cần nhất lúc này - Hòa nghĩ - là phải qui tụ được nhiều người tài giỏi, tạo mọi thuận lợi cho họ phát huy năng lực.

Hai năm làm việc với bốn công ty dầu khí tư bản, ông Hòa có thêm những bài học nhớ đời.

Khi thảo văn bản hợp đồng với công ty tư bản về việc đưa lao động ra làm dịch vụ ngoài giàn khoan, nhân viên thảo hợp đồng lại chưa sành tiếng Anh. Lẽ ra phải ghi là trả lương hai mươi ba đô la một ngày theo “ngày hợp đồng”, thì lại viết: theo “ngày làm việc”. Thế là khi thanh toán, họ chỉ trả cho Công ty có hai mươi tám ngày làm việc, còn hai mươi tám ngày về đất liền không được nhận lương. Mất toi mười một đô la rưỡi mỗi ngày! Riêng cú này, Công ty mất hàng ngàn đô la mỗi tháng. Đau quá nhưng không làm sao được. Làm ăn với tư bản là thế. Phải tinh nhạy chứ đâu có khờ được. Rồi phải dùng tài ngoại giao, “dân vận” nói thật với họ sự ấu trĩ của mình; bảy tháng sau, họ thông cảm cho làm lại hợp đồng.

Rồi đến chuyện bảo hiểm chỗ ngồi trên xe ô tô. Từ trước đến giờ ở Việt Nam, mới cho khách nước ngoài thuê xe chứ có nhận bảo hiểm bao giờ. Làm sao định giá? Tài liệu của các nước ngoài về bảo hiểm không có. Thế là làm đại: bốn mươi ngàn đô la một người. Đại diện của công ty Tây Đức cười ầm lên: “Tao như vầy mà chỉ đáng  bốn mươi ngàn đô la thôi à?”. “Thế ở nước các ông là bao nhiêu?”, Hòa thật thà hỏi lại. “Tối thiểu phải hai trăm ngàn đô!”. Ngượng quá! Ngượng chín cả mặt. Cái giá của sự dốt nát quả là quá mắc.

Đến  chuyện hợp đồng bảo hiểm trên biển, chẳng biết căn cứ vào đâu, nhân viên Liên hiệp đưa ra ý kiến đòi thu sáu mươi phần trăm trên lương. Đại diện công ty Tây Đức lại cười rung cả bàn: “Thế thì chúng tao ăn bằng cái gì? Chỉ mười hai phần trăm là tối đa thôi!”. Đến bây giờ, nghĩ lại những ngày đầu làm ăn với tư bản, ông Hòa còn thấy xấu hổ. Nhưng giấu dốt là tự sát. Có học hỏi mới khôn ra được. Ông nhớ lại câu của Khổng Tử: “Tri tri vi tri tri. Bất tri vi bất tri. Thị tri”(1). Bởi thế, gặp được những người có năng lực như Trầm, ông Hòa mê lắm.

Ngồi trên máy bay rời giàn khoan của Công ty Deminex về đất liền, ông Hòa hỏi Trầm:

- Cậu biết vì sao mẫu thịt bò, thịt heo mình đem ra ngon thế mà họ không mua, thậm chí không dám sờ tay vào? Họ phải mua từ Mỹ gửi sang, đắt gấp mười lần mua của ta chứ ít đâu. Trái cây cũng vậy. Họ mua của Xingapo mà không mua của ta, dù ta bán rẻ hơn.

Trầm hút hết chỗ còn lại của điếu thuốc, rồi đáp:

- Anh có để ý đến chuyện này không: Trên tàu khoan của họ chỉ có hai mươi lăm công nhân. Khi khách đến tàu, không một công nhân nào dừng tay, nhìn cũng không thèm nhìn chứ đừng nói họ chào. Điều đó nói lên thời gian ở đây là vàng! Năng suất và chất lượng lao động ở đây là mục tiêu tối cao. Muốn như thế, chủ tư bản coi sức khỏe của công nhân quí hơn tất cả. Họ ép công nhân ăn càng nhiều càng tốt. Họ không cho công nhân uống rượu trên tàu, không có phụ nữ trên tàu. Làm một tháng được nghỉ một tháng, cho lên máy bay qua Hồng Kông, Băng Cốc chơi thoải mái để về làm tiếp. Mỗi ngày, một chiếc tàu khoan phải nộp khấu hao năm mươi ngàn đô la. Chỉ cần một công nhân bị đau bụng đi cầu, thì hai mươi bốn công nhân còn lại sẽ không làm việc được. Quan hệ dây chuyền mật thiết ghê gớm như vậy khiến cho cả tàu khoan phải nghỉ. Nghỉ một ngày mất toi năm vạn đô la, chưa kể tiền thuê chuyên chở đưa anh thợ đau bụng đó về nước chữa bệnh, rồi thuê người khác qua làm tiếp. Tổn phí ấy gấp cả ngàn lần số tiền thực phẩm phải mua mắc. Thà mắc mà chắc ăn, vì thực phẩm của người ta đã qua kiểm nghiệm có bảo hiểm quốc tế. Thuốc chống ruồi muỗi của họ trắng như sữa, phun ra một lần, sáu tháng sau không có ruồi muỗi. Thuốc mùi thơm như nước hoa, ruồi muỗi chết mà người ngửi phải không hề độc. Còn giấy vệ sinh của ta mang ra, họ bảo mang về, họ không mua. Giấy của họ dai và mềm, mịn. Giấy của ta rát, gặp ẩm là thủng, dơ tay liền! Họ không mua hàng của ta là bởi thế.

“Tuyệt! Cậu tinh lắm”, ông Hòa định thốt lên câu ấy nhưng rồi kìm lại được. Ông hỏi tiếp:

- Mọi dịch vụ họ đều chê ta, không lẽ ta ế cả à?

- Không! Trái lại, ta có những thế mạnh mà họ rất thèm. Bãi tắm của ta tắm cả bốn mùa. Trên thế giới chỉ có hai nơi tắm biển được vào dịp Nôen. Nơi kia là Haoai. Cảnh của ta còn vẻ đẹp phảng phất chút hoang sơ là cái họ thèm. Tất nhiên, khách sạn, biệt thự ta phải nâng cấp liên tục mới đáp ứng. Anh còn nhớ tay kỹ sư Italia nói: “Quầy bar của các ông thua cái vỉa hè Sài Gòn ở đường Tự Do” đó không? Chất lượng, văn minh phục vụ của ta còn thấp lắm. Thứ ba, cái họ rất thèm là những món ăn đặc sản. Ta có thể “chém” họ thật mạnh vào khoản này. Vì đây là những thứ mà ở nơi khác không thể có. Nếu không xài ở đây thì đi nơi khác sẽ không gặp lại. Trong dịch vụ du lịch, món nào, thứ nào không có “đối chứng” là món cao giá nhất. Anh bán một gói ba số năm giá chín mươi xen là sai lầm. Chai rượu Tây cũng thế. Những thứ này cả thế giới đều có và giá tương đối thống nhất, ta không nên bán quá cao như vậy, khách chê ta là phải. Ngược lại, những món ăn đặc sản ta lại bán quá rẻ. Một đĩa tôm nướng ở Pháp phải một trăm đô la. Ở đây, ta bán có năm đô la mà đã cho là quá mắc! Ngược đời không à!

Chiếc UH1 lượn vè vè đáp xuống phi trường. Một ngày làm việc căng thẳng giữa đại dương, mấy giờ ngồi máy bay quân sự, vậy mà ông Hòa không thấy mệt. Qua những nhận biết và lối tư duy của Trầm, ông hiểu rằng, đối với thế hệ của ông, sự năng động không phải là chuyện dễ dàng. Phải rèn luyện nếp nghĩ theo thực tế đang biến động từng giờ. Phải tự học hỏi nhiều mới hòa nhập được vào dây thần kinh của đời sống. Chẳng phải tự nhiên mà chàng trai ấy có được trí tuệ, sự sắc sảo như vậy.

*

*          *

Trầm về đến nhà thì nhận được thư của bạn anh là kỹ sư lâm nghiệp, từ Rạch Giá gửi về báo tin rằng, một năm nay anh đã đi ngang dọc khắp vùng đất cực Tây Nam, luôn luôn hỏi thăm, nhưng không thấy tăm tích gì của ba Trầm.

Trầm ngồi thừ trước bàn. Anh không biết có người từ ngoài đường đang ngắm nhìn anh qua cửa sổ. Đứng hoài không thấy Trầm nhìn lên, cô gái lưỡng lự một lát rồi cất bước, tà áo dài màu thiên thanh bay trong gió như những sóng biển ôm ấp cô mỗi buổi sớm mai.

Người con gái ấy chính là Thiền Lan, một “người hướng dẫn du lịch tuyệt vời” theo đánh giá của khách nước ngoài. Ngày nào cũng vậy, hết ca trực ở khách sạn Thanh Bình, cô thả bộ về nhà, dừng lại kín đáo nhìn qua ô cửa sổ để thấy Trầm. Hôm nay, trong căn phòng nhỏ hẹp ở dãy nhà tập thể, Trầm đang gặp chuyện gì mà mặt anh buồn rười rượi? Người thông minh, đẹp trai như anh mà cũng gặp chuyện buồn sao? Hay là anh nhớ tới một cô gái nào? Cũng có thể anh nghĩ tới ba anh? Người đang theo đuổi cô ráo riết, kỹ sư Ngôn, lần nào đứng ở quầy lễ tân cũng bô bô kể xấu về Trầm: Ba hắn là tư sản mại bản, chống lại chính sách cải tạo, ôm cả mớ vàng, đô la vượt biên rồi. Ngôn còn nói thêm: “Hắn ta là tay anh chị của khu Cống Bà Phán - Sài Gòn; trong tay hắn ta toàn dân xì ke, cao bồi, đĩ điếm. Vậy mà ông Hòa dám rước của nợ ấy về đây. Trước sau gì cũng gánh hậu quả... ”.

Có lẽ nào Trầm lại là người như vậy? Riêng chuyện ba Trầm vượt biên, Thiền Lan nghĩ, nếu đúng như vậy thì anh đâu có chịu trách nhiệm! Ai làm nấy chịu. Không lẽ bắt con hứng chịu trách nhiệm của cha. Mà phải coi vì sao ổng ra đi chứ... Thiền Lan miên man suy nghĩ. Cô đi dọc theo con đường từ bãi Trước lên núi Lớn, qua khu P.O vừa được tân trang. Từng cặp, từng cặp trai gái đang ôm nhau tình tự trên bờ tường ngăn mặt lộ với biển. Những ngọn đèn trên tòa Bạch Dinh tỏa sáng rừng cây đại và cây tếch... Cô bước lên mười chín bậc đá leo lên chùa Phong Lan Tự. Đêm nào kỹ sư Ngôn cũng tới năn nỉ cho được chở cô về bằng xe Honda. Thiền Lan luôn từ chối. Cô thích đi bộ. Má cô mua cho chiếc Honda dame đời YK từ năm cô vào đại học, nhưng cô rất ít đi. Tắm biển buổi sáng sớm từ năm giờ đến sáu giờ và đi bộ lúc đi làm về là thói quen thích thú của Thiền Lan.

Chùa Phong Lan Tự ở ngang chừng núi Lớn, cách mặt đường mười chín bậc lát đá xanh. Kế phía dưới chùa là căn nhà nhỏ mái bằng, với sân thượng nhìn ra biển. Thiền Lan rất mê đứng ở đó mà ngắm mặt trời lặn. Từ trên đó nhìn xuống, bãi tắm nhỏ nhưng tuyệt đẹp chạy dài xuống phía bãi Dâu. Má cô đang gõ mõ tụng bài kinh nửa đêm. Thiền Lan thay quần áo, choàng chiếc áo len mỏng ra ngoài chiếc rốp bằng thun trắng rồi lên giường nằm. Đã thành lệ, cô thức chờ má xuống, hai má con trò chuyện một lát rồi mới tắt đèn đi ngủ.

Đêm nay, Thiền Lan không ngủ được, không phải vì cô mệt. Mỗi tuần ba ngày, cô trực ca sáng từ bảy giờ tới mười bốn giờ; ba ngày còn lại, cô trực ca chiều từ mười bốn giờ tới hai mươi hai giờ. Mệt nhưng quen rồi! Cô không ngủ được vì cô nghĩ đến Trầm. Không hiểu sao, con người ấy từ khi xuất hiện đã lôi cuốn sự chú ý của cô. Thỉnh thoảng mới có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau vài câu, thế mà anh thu hút cô ghê gớm. Trong khi đó, kỹ sư Ngôn ngày nào cũng trồng cây si ở quầy lễ tân thì cô chẳng màng. Nhưng... cô đã hiểu được gì về Trầm? Cô chỉ biết Trầm có tới hai bằng đại học: kiến trúc sư và kỹ sư kinh tế. Bố là tư sản, bị cải tạo, đã vượt biên. Trầm được ông Hòa tuyển vào. Rất giỏi. Đó, chỉ có vậy. Toàn bộ con người mà mình đang bị ám ảnh chỉ được “mã hóa” bằng những ngôn từ như thế. Miệng rộng, mắt to sáng, mũi lân, người cao nhưng không to, mặc giản dị mà hợp vóc người, tóc đen dày... Còn gì nữa? À, đi nhanh, nói ngắn gọn, dứt khoát, trực tính... Hết! Toàn ưu điểm! Ấy, có chứ. Nhược điểm lớn lắm. Vô tình với mình. Người ta nói mình đẹp, giỏi, có đúng không? Nếu đúng thì tại sao anh lại vô tình với mình? Hôm trước, anh nắm tay cô gái nào vào phòng khiêu vũ? Mình nhìn anh, vừa thương vừa giận. Vậy mà anh chỉ mỉm cười và chào... như một người khách qua đường. Ôi! Biển người ta còn đo được, chứ lòng của anh thương ai, làm sao biết?

- Lan chưa ngủ à con? Con bệnh hay sao?

- Thưa má không! Con uống nhầm ly trà đậm, - cô nói dối - nên khó ngủ.

- Ráng ngủ cho khỏe đi con. Độ rày, má thấy con ốm và xanh lắm. Có chuyện chi hả con?

Thiền Lan giật mình. Má tinh lắm. Có chuyện xảy ra nào má không biết. Từ trước tới nay mình có giấu má điều gì.

- Năm nay nóng dữ quá má ơi! Chưa thấy năm nào Nôen mà nóng kinh khủng.

- Con vẫn tắm buổi sáng đều đặn đó chớ!

- Dạ, sớm nào con cũng xuống biển bằng đúng thời gian má lên chùa.

Bà mẹ thở dài. Thôi phải rồi, mấy tháng nay đồ ăn hơi kém. Vật giá leo thang quá trời, má không cho con ăn uống như trước được. Tội nghiệp! Con gái tuổi ấy mà ăn kham khổ thì làm sao hồng hào da thịt.

Cô con gái nằm nghe tiếng biển vỗ vào bờ vọng lên sườn núi, lúc rõ ràng, lúc mơ hồ. Thoảng trong gió là hương thơm man mác của những giò phong lan giữa chùa Phong Lan Tự. Cô không ngủ được. Tuổi của cô đang rất cần một người con trai tri kỷ. Nền giáo dục gắn liền với sự trong sạch, tĩnh lặng của chùa chiền mà cô lớn lên, đối chọi với tâm hồn của một cô gái nhan sắc, trẻ trung và thông minh sống bên bờ đại dương đầy nắng, gió và sóng vỗ miệt mài. Thiền Lan biết Ngôn theo đuổi cô mấy tháng nay. Cô nhớ mãi cảnh bữa tiệc gần đây, khi Công ty Hữu Nghị mới được thành lập và đang đón tiếp chuyên gia nước ngoài đến làm dầu khí. Hôm ấy, Thiền Lan trong đoàn đại biểu của Liên hiệp Dịch vụ Biển, chẳng hiểu thế nào mà Ngôn ngồi cạnh cô. Ngôn ba hoa từ đầu đến cuối, giọng oang oang khoe về mình, những là đã học ở Bacu, đã quen viện sĩ này, kỹ sư nọ. Khi ăn đến món tôm chiên bột, anh ta đưa cả con tôm vào miệng, rồi vừa nhai ngồm ngoàm vừa nói, đồ ăn văng cả vào tay áo dài trắng muốt của cô.

Còn kỹ sư Trầm thì hoàn toàn trái ngược. Vẻ thông minh lấp lánh trong ánh mắt và thể hiện ngay trong từng lời nói. Ngày nào đi làm, Thiền Lan cũng đi ngang qua dãy nhà tập thể. Trầm ở căn phòng đầu, có cửa sổ nhìn ra biển, qua con đường nhựa và bãi cát, ngổn ngang kiốt - sản phẩm của một tụ điểm nửa đô thị, nửa làng chài, mạnh ai nấy xây cất, chưa bao giờ được qui hoạch tổng thể. Không hiểu sao, Thiền Lan rất hay nhìn vào ô cửa sổ ấy. Nhiều lần, cô tự nghiêm khắc cảnh cáo mình phải bỏ lối tò mò nhìn trộm phòng đàn ông độc thân. Một hôm đi làm về, Thiền Lan thấy Trầm đang lúi húi nhặt gạo nấu cơm. Một lần khác, cô thấy Trầm đang khâu lại chiếc áo bị rách. Cô nghĩ tội nghiệp anh quá. Cô thương anh. Ước gì... Ước gì cô được vá áo cho anh...

Rồi những lời của kỹ sư Ngôn xứ xoáy vào trái tim khối óc đang đánh mất dần sự vô tư của cô. Ngôn nói rằng: “Trước sau gì Trầm cũng vượt biên. Ông già hắn đã vượt rồi, hắn chờ thời cơ thuận tiện là dông thôi. Không hiểu sao giám đốc Hòa lại rước của nợ ấy về”.

Vô lý. Một người có tư cách như Trầm, chắc phải là người tốt. Em tin anh! Trầm ơi!

Thiền Lan kéo tấm mền lên ngang ngực. Cô ngủ thiếp đi trong ý nghĩ ấy.

 



(1)  Quốc lộ số Năm nối Hà Nội với Hải Phòng qua Hải Dương. “Sấm đường Năm” là chiến dịch nổi tiếng của quân và dân Hải Dương, Hải Phòng hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ.

(2)  Biết thì nói là biết. Không biết thì nói là không biết. Ấy là biết vậy.

Chương : 1    2    3    4    5    6   7   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 1880
Ngày đăng: 31.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)