Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
501
116.807.761
 
Trả giá
Triệu Xuân
Chương 5 - Chương 1

Năm 1960, Lê Văn Đước dẫn tiểu đội du kích của mình cùng với lực lượng của tỉnh, tấn công bọn “Tàu phù” Nguyễn Lạc Hóa. Đước trả được mối thù cho mẹ. Biệt khu Bình Hưng tan rã, ta bắt sống bảy chục tên, thu được toàn bộ vũ khí. Ấp Xẻo Đước có phân nửa số hộ bỏ ấp vô rừng lập thành làng rừng. Ông Hai Mắm và một số bà con trụ lại vừa lo sản xuất, vừa lo tiếp tế cho làng rừng.

            Đước vừa là bí thư chi bộ của làng rừng, vừa phụ trách du kích. Gan dạ đến liều lĩnh, Đước lặn lội khắp vùng tìm giặc mà đánh. Tháng chín năm 1963, anh tham gia tấn công tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi và Chi khu Cái Nước. Hãng Roitơ ngày 12-9 nói rằng:“Việt Cộng đã biến sở chỉ huy Đầm Dơi thành một cái nhà xác thực sự”. Cuối năm ấy, anh được Văn Bông tuyển vào đoàn vận tải quân sự theo đường Trường Sơn trên biển.

            Bốn năm trời, vừa đánh giặc, vừa xây dựng làng rừng, Đước đã học xong chương trình trung học mà anh bỏ dở để đi theo du kích. Vào đoàn vận tải quân sự, ngay từ chuyến vượt biển ra Bắc đầu tiên, Đước đã tỏ ra là một thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đi biển. Năm 1966 anh làm thuyền phó. Năm 1968 là thuyền trưởng. Hành trình của tàu Hai Đước từ Đất Mũi đến Hải Phòng và ngược lại. Từ Hải Phòng, theo ven biển Nam Trung Hoa, qua đông bắc đảo Hải Nam, rẽ tay phải trực chỉ hướng nam, qua phía đông quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, qua phía nam Côn Đảo, rồi ngoặt vào cửa sông Đất Mũi. Đó là tuyến thứ tư, tuyến dài nhất của đường Trường Sơn trên biển.

            Năm 1968, ông Lê Văn Hải mua nhà ở Sài Gòn cho Trầm lên đó ăn học. Đến năm 1974, Trầm tốt nghiệp, cùng lúc nhận hai bằng đại học. Đồng thời với tin vui ấy, ông Hải mua đất, xây dựng một xưởng đông lạnh tại Sài Gòn. Đước hiểu rằng, đây là đỉnh cao nhất mà một ngư dân tài giỏi như ba anh đã đạt được. Anh đâu có ngờ rằng, niềm vui ấy, vài năm sau biến thành đại họa, làm tan nát gia đình anh...

            Năm 1975, Đước tham gia giải phóng Côn Đảo, rồi ở lại xây dựng đảo. Anh luôn nhận được thư của ba và của em trai. Ông Hải động viên Đước cứ yên tâm công tác. Anh kính phục ba đã nuôi được Trầm, không bị bắt lính và học được hai bằng đại học. Cuối năm 1975 anh về thăm nhà. Cha con gặp nhau ở căn nhà cũ đầy kỷ niệm tại ấp Xẻo Đước. Đước đi thăm mộ má, rồi trở ra đảo ngay, không lên Sài Gòn thăm Trầm được. Đầu năm 1976, nhân một chuyến biển, ông Hải đích thân lái tàu ghé Côn Đảo thăm con. Ông nhắc Đước, nếu chỉ huy bộ đội làm kinh tế thì phải lo nuôi vích. Côn Đảo nhiều vích vô cùng. Phải nuôi vích xuất khẩu. Côn Đảo phải trở thành hòn đảo làm mọi dịch vụ biển.

            Bọn Pônpốt gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Đơn vị của Đước đi án ngữ ở đảo Thổ Chu, bảo vệ vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Bẵng đi một thời gian dài, Đước không hề nhận được thư nhà. Đến cuối năm bảy mươi tám, anh được chuyển ngành về Sở Thủy sản. Theo nguyện vọng, anh được cử về phòng thủy sản Mỏ Tôm. Lúc này, anh mới hay rằng ba anh đã bỏ đi biệt tích.

            Căn nhà ông Hải mua từ năm sáu mươi tám nằm ở mặt tiền, bên hông nhà là con hẻm sâu hun hút đi vào khu phố nghèo nổi tiếng: khu Cống Bà Phán. Từ ngày ông Hải cho Trầm lên ăn học, Trầm đã quen và thân với Chuẩn, bạn học cùng lớp. Nhà Chuẩn ở ngay phía sau căn nhà của Trầm. Cũng như hầu hết những gia đình phải sống chui rúc trong khu Cống Bà Phán, nhà Chuẩn rất nghèo. Ba má Chuẩn làm công nhân ở Sở Vệ sinh. Ba Chuẩn bị tai nạn xe hơi, chết lúc má Chuẩn vừa sinh đứa con gái út. Chuẩn là con trai đầu. Đứa em gái kế Chuẩn mắc bệnh chết khi tròn sáu tuổi. Sinh con gái út được một tháng thì tự nhiên má Chuẩn lâm bệnh nặng rồi lòa cả hai con mắt. Chuẩn thi rớt tú tài, phải đi lính. Nhờ có Trầm, Chuẩn biết tiếng Anh, nên được làm phiên dịch ở phi trường Tân Sơn Nhất. Chuẩn được tụi Mỹ cho hút thuốc lá có tẩm xì ke, rồi mắc nghiền. Ngày hòa bình, Chuẩn nói Trầm: “Tao chết vì nghiền quá rồi, Trầm ơi!”.

            Trầm đưa Chuẩn vào cai xì ke ở Trung tâm Bình Triệu, rồi tìm mọi cách giúp bé Tư mới mười lăm tuổi nuôi bà mẹ mù lòa. Bé Tư rất xinh, đặc biệt là mái tóc dày, dài, đen huyền, đôi môi đỏ thắm.

            Hai Đước bước vào nhà, không thấy Trầm ở nhà. Căn nhà vắng vẻ, sạch sẽ. Bé Tư thấy khách đến nhà Trầm, vội chạy tới. Cô nhận ra Đước ngay vì Đước và Trầm rất giống nhau. Nhiều lần Trầm đã kể cho bé Tư nghe về người anh của mình. Bé Tư mở cửa mời Đước vào nhà, đon đả:

            - Chú bộ đội kiếm anh Trầm phải không?

            - Phải, Trầm có nhà không cô?

            - Dạ thưa, anh Hai cháu đi vắng. Chú là anh Hai...

            - Tôi là anh Hai của Trầm!

            - Ô! Chú là anh Hai Đước? - Cô bé reo lên! - Anh Hai cháu kể cho cháu nghe hoài à! Hèn chi, ngó chú giống ghê! Cháu nhận ra liền à! Mời chú vô!

            Út Tư líu lo như chim, mừng rỡ như chính anh ruột của mình đi xa mới về.

            Hai Đước xem xét phòng trong phòng ngoài căn nhà: Đồ đạc không có gì ngoài sách. Cả một phòng đầy sách. Anh giật mình khi nhận ra dòng chữ của Trầm đề dưới tấm ảnh cha: “Ngày 18... tháng mười hai”. Ủa! Ngày giỗ má! Sao Trầm lại ghi ngày giỗ má vào dưới tấm ảnh của cha?

            Có tiếng xe Honda lao vào sân, rồi Trầm ùa vào như cơn lốc.

            - Anh Hai!

            - Trầm!

            Họ ôm nhau. Trầm nức nở:

            - Anh Hai ơi! Ba... đi mất rồi!...

            Bé Tư đứng sững nhìn cảnh gặp gỡ. Khi nghe Trầm đau xót báo tin, cô cũng vụt khóc òa lên.

            “... Ba rất mừng khi ngày hòa bình đến với quê hương. Ba trẻ lại trước những điều ba mong ước về tương lai của xứ sở. Ba đã rất hồ hởi khi Trầm đọc cho ba nghe Nghị quyết về đường lối chính sách cải tạo, về cái gọi là cùng tồn tại năm thành phần kinh tế... Nhưng ba đã lầm! Ôi! Thật đau xót. Các con ơi! Không có gì đau xót hơn lúc đã gần kề thế giới bên kia rồi mà còn lầm! Không lẽ cả cuộc đời ba lao động lương thiện, nay kết thúc như vậy sao?

            Nhưng nếu ba không lầm? Mà chắc chắn là ba không lầm đâu các con! Thế thì phải có một phía lầm chứ! Người trưởng đoàn đến cải tạo ba là ai? Hắn ta nhân danh ai? Ba không tin người ấy, các con ạ. Hẳn các con còn nhớ, má các con thường hát ru: “Trời xanh, cây cứng, lá dai. Gió lay mặc gió, chiều ai ta chẳng chiều”, và cha mẹ đặt tên các con là Đước, là Trầm. Bà con ngư dân ấp Xẻo Đước đặt tên ba là Hai Mắm. Cha mẹ của ba, tức là ông bà nội các con, đặt tên ba là Hải. Ôi những cái tên gửi gắm bao nhiêu khí phách và tình thương yêu...

            Tái bút: Ba nhắc Trầm không được viết thư báo tin cho anh con. Hãy để cho anh con yên lòng làm nhiệm vụ. Khi nào Đước về phép, hãy cho anh con biết. Nhớ lời ba!”.

            Hai Đước đọc đến thuộc lòng lá thư của ba. Anh bắt Trầm thuật lại từng chi tiết nhỏ từ ngày ông Hải tự nguyện nộp đơn xin hiến tài sản cho Nhà nước, đến ngày ông ra đi...

            - Lá thư cuối cùng của ba mà anh nhận được đề ngày mười bốn tháng mười năm bảy mươi sáu. Trong thư ấy, ba báo tin là tình hình sản xuất của xưởng đông lạnh rất khả quan. Nhờ mối quan hệ thân thiết với bà con ngư dân, nhờ ba duy trì được hệ thống đáy và ghe tàu đánh bắt, nên nguyên liệu từ Mỏ Tôm đưa về kịp thời, sản lượng đảm bảo như trước tháng tư năm bảy mươi lăm. Ba nói rằng, giới tư sản ở Sài Gòn đang hoang mang ghê lắm! Riêng ba, chỉ là một tiểu chủ, ba có ý định hiến toàn bộ xưởng đông lạnh cho Nhà nước. Ba hỏi ý kiến anh. Anh đã viết thư trả lời, nói rõ ý với ba...

            - Em có đọc lá thư ấy. - Trầm nhìn Đước, giọng thật buồn - Ngay từ đầu, ba, em và anh đều nhất trí với nhau về chuyện hiến xưởng đông lạnh; vậy mà người ta đáp lại tấm lòng của gia đình mình bằng thái độ trắng trợn đến vậy. Ba nói với em: “Một người lao động chân chính như ba vẫn có thể làm ăn phát đạt. Nhưng bây giờ... Ai làm giàu  là có tội!”.

*

*          *

            Ông Hải ngồi chờ từ bảy giờ đến mười một giờ vẫn chưa được vào gặp Ban cải tạo. Sốt ruột quá, ông đứng dậy gõ cửa phòng làm việc của Phái. Cánh cửa khép hờ, ông Hải ngạc nhiên, vì té ra người ta không mắc tiếp khách mà đang mắc tình tự với nhau. Một người cao lớn, còn trẻ, tóc hớt cao, đang cúi xuống cô thư ký đánh máy. Hai tay anh ta chống xuống bàn như muốn ôm cả cái máy chữ và cô thư ký. Cô gái mặc ái dài trắng ngước gương mặt còn non choẹt say sưa nhìn Phái, đôi môi đỏ, ướt át... Ông Hải gõ cửa, và từ phía trong vọng ra tiếng nói hách dịch:

            - Đang bận, chờ ngoài đó!

            Một lát sau, cô gái mặc áo dài trắng bước ra, vừa vuốt lại nếp áo, cài lại nút bấm ở sườn, vừa nói sẵng:

            - Mời vô!

            Phái lướt qua lá đơn “Xin hiến xưởng đông lạnh cho Nhà nước” của ông Hải - tức Hai Mắm, rồi liếc qua cô thư ký một cái, Phái lên giọng:

            - Chúng tôi nhận đơn của ông. Mời ông một tháng sau trở lại đây chúng tôi trả lời.

            Ông Hải ngạc nhiên: Phải một tháng chờ đợi kia à? Mình hiến cho Nhà nước mà phải một tháng sau Nhà nước mới nhận sao? Ông nhìn Phái, thành tâm:

            - Mong các ông thu xếp sớm được không ạ? Đây là tấc lòng của tôi đối với cách mạng...

            - Tôi đã nói rồi, - Phái sẵng - chúng tôi phải truy xét đã chứ. Thiếu gì những tên tư sản mại bản cũng đang xin hiến tài sản để chạy tội!

            - Ông nói sao? - Ông Hải đứng bật dậy, lo lắng - Tôi, tôi là người lao động cả đời mà...

            - Ha ha! - Phái cười khoái trá - Thôi được rồi, ông cứ về đi!

            Rồi anh ta nhìn đồng hồ:

            - Hết giờ làm việc rồi, xin phép ông. - Phái chỉ về hướng cửa ra.

            Ông Hải bối rối ra về.

            Một tháng sau, ông Hải lại đến gặp Phái. Người ta để ông chờ từ sáng đến mười giờ thì gọi ông vào, đưa cho ông một xấp giấy kê khai: lý lịch, tài sản, ghi rõ quá trình làm giàu, lợi nhuận hàng năm, tình hình công nhân, lương của họ, tình trạng thiết bị máy móc, nguyên liệu v.v... Bảy ngày sau ông mang tới nộp. Họ bắt ông làm lại một lần rồi hai lần nữa!

            Sau đó một tuần, ông Hải tiếp đoàn kiểm kê tài sản. Họ lục lọi đồ đạc, hạch hỏi ông suốt năm ngày đêm. Họ bắt bẻ ông tại sao những đồ dùng trong căn nhà ở khu Cống Bà Phán không được khai vào hồ sơ! Ông không biết trả lời cách nào... Thân thể vốn cường tráng là thế mà mới có mấy tháng trời dính vào chuyện này, mặt ông xọp đi, lưng muốn còng xuống, mắt ông lờ đờ, mệt mỏi. Trưởng đoàn Nguyễn Trọng Phái đến kết tội ông:

            - Ông Hải! Ông không qua được mặt tôi đâu! Ông đã tẩu tán tài sản, đối phó với chính sách cải tạo của Nhà nước.

            - Tôi...

            - Ông không phải nói nhiều! Ông nên nhớ, nền chuyên chính vô sản đang ngự trị ở đây! Giờ tận thế của bọn tư sản đã điểm. Ông tính chạy tội bằng cách hiến tài sản cho Nhà nước à? Ông ranh ma quá! Nhưng không được đâu! Kẻ nào bám gót giày giặc Mỹ, kẻ đó phải đền tội. Ông sử dụng xe lạnh của nhà binh Mỹ, tàu Mỹ để vận tải thủy sản. Máy móc trong xưởng đông lạnh của ông cũng mua từ kho Long Bình của Mỹ. Chiếc xe hơi 404 ông đang đi cũng là của một tên Mỹ sang cho ông. Bằng chứng do ông tự khai trong hồ sơ đó, ông có chối đằng trời! Bao nhiêu năm qua, ông đã bóc lột ngư dân, bóc lột công nhân để làm giàu. Cả nước hy sinh xương máu để đánh Mỹ; còn ông bám gót Mỹ để bóc lột xương máu mồ hôi người lao động! Bây giờ ông phải đền tội. Tôi tuyên bố: Nhà nước tịch thu toàn bộ gia sản của ông, kể cả ghe, tàu và hàng chục hàng đáy sông, đáy biển ở Mỏ Tôm! Ông phải chờ ngày đi trại cải tạo!

            - Ô… ố… ố…! - Ông Hải kêu lên thống thiết rồi đổ vật xuống sàn nhà.

            Trong khi đó, Hai Đước đang cầm súng bảo vệ hòn đảo ngoài khơi; Trầm đang dạy học cho thiếu niên thất học trong quận. Trưởng đoàn Trọng Phái lệnh cho nhân viên của mình ra về. Phái bước qua xác ông Hải đang ngất xỉu vì uất ức. Cô gái hàng xóm thấy vậy la lên báo tin cho mọi người. Bà con lối xóm nghe tiếng la, vội ùa tới. Họ cấp cứu cho ông Hải tỉnh dậy. Ông Hải nhìn mọi người một hồi lâu, rồi chua chát thốt lên:

            - Họ qui tôi là tội phạm! Thằng Hải này là tư sản mại bản! Ôi! Sao trắng đổi thành đen thế này? Đước ơi! Trầm ơi! Các con không về mà chứng kiến cảnh này!

            Ông Hải lại đổ vật xuống giường, mãi đến khi Trầm về, ông mới hồi tỉnh lại.

*

*          *

            Ở trường Phổ thông Đoàn Kết, Nguyễn Trọng Phái là một nhân vật nổi tiếng. Phải công nhận rằng ít ai có cái mã lực lưỡng, cân đối và tài tán gái như Phái. Có bao nhiêu cô gái xinh đẹp trong trường, kể cả những cô học ở lớp trước, Phái đều cua sạch. Phái đã gây “ân oán giang hồ” với quá nhiều người. Trong ba năm cuối cùng ở hệ giáo dục phổ thông, Phái đã làm cho bốn cô gái phải bỏ học, chuyển đi nơi khác vì ôm bụng bầu.

            Nền giáo dục mà Phái được hưởng từ khi theo cha đi tập kết gắn liền với chữ “gửi”. Ông Mực lúc ấy là trung úy, đang chiến đấu tiêu diệt bọn tạo phản ở vùng biên giới. Ông gửi Phái cho chị em trong tổ nấu ăn của đơn vị; khi thì gửi ở bệnh viện hay gửi cho mấy cậu bảo vệ doanh trại. Nói chung, Phái hoàn toàn tự do. Và ngay từ hồi ấy, cậu bé đã nổi tiếng khắp vùng vì những thành tích trèo cây, bắt tổ chim, ăn cắp trứng gà, bưởi, nhãn... của cả một vùng. Một lần, cha cậu trói cậu vào gốc cây rồi đánh. Phái khóc lạc cả giọng. Ông Mực nói:

            - Vì sao mày ăn cắp? Mày có thấy vậy là xấu, là mắc cỡ không?

            - Vì con đói! Con đói quá ba ơi!

            Nhưng không phải lần nào Phái đi ăn cắp cũng vì đói. Cậu ta quen nết rồi. No bụng, cậu ta vẫn ăn cắp như thường. Ông Mực không liên lạc được với vợ ở trong Nam. Đài Sài Gòn ngày nào cũng ra rả loan tin vợ cán bộ Cộng sản tự nguyện ly khai và đi lấy chồng khác đang phụng sự chế độ Sài Gòn. Một tuần, rồi một tháng liền, nó phát đi bản danh sách, trong đó có tên người vợ mà ông vô cùng thương nhớ. Một năm dài “ngày Bắc, đêm Nam”, chờ thư vợ mà bặt tin, ông đau xót tin rằng đài Sài Gòn nói đúng: Vợ ông đã bỏ ông đi lấy chồng.

            Nhưng thực sự không phải vậy.

            Hải Yến là một nữ sinh được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Nhiều ông đốc tờ, thầy ký đem lễ vật đến hỏi cô nhưng cô đều từ chối. Bố cô là một nhà giáo yêu nước, bị giặc Pháp bắn chết ngay tại nhà vì tội chứa chấp Cộng sản. Năm 1947, sau khi mãn tang cha, Hải Yến se duyên với Mực, vốn là một thanh niên nổi tiếng trong làng chài rời biển để gia nhập Việt Minh đánh Pháp. Mực sung sướng vì lấy được tiên, vì quả thực vợ anh đẹp, lại học giỏi nhất nhì trường trung học ở tỉnh. Hai năm sau, đúng ngày anh được về phép thì vợ anh sinh con trai Nguyễn Trọng Phái. Ngày đình chiến, Mực dắt con trai đi tập kết, để lại người vợ trẻ sắp đến kỳ sinh nở. Hai vợ chồng ôm nhau thao thức suốt đêm trước ngày Mực giơ hai ngón tay từ giã vợ. Họ hẹn nhau sau hai  năm sẽ đoàn tụ.

            Ai ngờ... Sau khi dẹp yên các giáo phái, Ngô Đình Diệm tập trung đàn áp những người kháng chiến. Hải Yến bị bức phải làm giấy bỏ chồng, nếu không làm sẽ phải vào trại tập trung. Trong vùng, đã có nhiều người vợ vì giữ trọn khí tiết mà bị đánh tới chết. Một đêm mưa, Hải Yến dắt đứa con gái nhỏ lên bốn tuổi trốn khỏi Bà Rịa, tìm đến ngôi chùa nhỏ trên núi Lớn ở Vũng Tàu. Từ ngày đó, Hải Yến bặt tin chồng, nhưng trong tim chị, trong óc chị không bao giờ phai mờ hình ảnh chồng với đứa con trai.

            Ông Mực không biết điều ấy. Cho đến khi ngã xuống trong một trận chiến đấu bảo vệ tàu chở vũ khí trên đường vượt biển về Nam, ông vẫn đinh ninh rằng vợ ông đã phản bội ông.

            Bởi thế, ông lấy vợ.

            Ông Mực nói với con trai: “Má con bị giặc giết rồi! Bây giờ con sống với mẹ”. Ông lấy cô y tá trong đơn vị, một cô gái đẹp người nhưng trái nết. Lúc đầu, cô rất thương, chiều Phái. Nhưng khi làm lễ cưới rồi, nhất là khi cô có đứa con đầu, cô ghét Phái như đào đất đổ đi. Biết không thể nào dung hòa nổi, “mấy đời bánh đúc có xương...”, ông Mực đành gửi Phái vào trường nội trú Đoàn Kết.

            Mặc dù bị kỷ luật nhiều lần, nhưng Phái vẫn được lên lớp vì quả là cậu học thông minh - một sự thông minh hơi “vặt” một chút, nhưng lại rất được việc trong các kỳ thi cử. Vào đại học, Phái tiếp tục “phát huy” những “ưu điểm” của mình. Ngay năm đầu tiên, Phái đã cho một nữ sinh đẹp nhất lớp mang bụng bầu. Người ta chuẩn bị ra quyết định kỷ luật, thì đùng một cái, Phái cắt ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội, “xin vào Nam đánh Mỹ trả thù cho bà con, cho quê hương...”. Lúc đó, giặc Mỹ đang ném bom miền Bắc rất ác liệt, thanh niên miền Bắc nô nức tòng quân. Nhưng Phái “bị” trả về vì anh là “con một”, “là học sinh miền Nam” được miễn nghĩa vụ. Thế là Phái không bị kỷ luật vì chuyện kia, mà cũng chẳng phải ra trận. Trong suốt những năm học ở Khoa Thủy sản - Đại học Nông nghiệp, Phái đã làm cho nhiều nữ sinh phải đau khổ và cắn răng chịu đựng. Vậy mà thật lạ, nhiều cô gái, nhất là các cô mới vào trường, cứ sa vào bẫy của Phái, để rồi ôm hận cả đời.

            Ra trường, Phái rất tự hào vì luận án tốt nghiệp của mình được xếp hạng A (cả khóa có ba người đạt hạng A). Phái được phân công về Sở Thủy sản của một thành phố lớn. Người nhiều, việc ít; người ta lo dèm pha nhau, còn Phái lo... tán gái. Và trong “cuộc” cuối cùng, anh đã gặp Trang Đài. Phái không thể nào dứt bỏ được cô một cách dễ dàng. Cô khéo chiều anh, cô đẹp quá, cô được gia đình để lại món hồi môn rất sộp. Anh và cô kết hôn với nhau. Đó là một kỹ sư xây dựng, con gái độc nhất của ông bộ trưởng đã về hưu. Cuối năm bảy lăm, hai vợ chồng chuyển vào Sài Gòn. Trang Đài nhận công tác ở ngành du lịch, còn Phái công tác ở Ban cải tạo. Trong công việc, Phái tỏ ra là người rất kiên quyết. Đối với mọi đối tượng phải cải tạo, Phái không bao giờ khoan nhượng. Trong anh hình thành nếp tư duy: Bọn tư sản phải được quét sạch. Nếp tư duy ấy giúp anh luôn thực hiện vượt chỉ tiêu cải tạo mà cấp trên giao cho. Tiểu ban cải tạo do Phái phụ trách trở thành đơn vị dẫn đầu về thành tích xóa sổ tư sản. Riêng Phái, anh đã xóa sổ vượt gấp ba chỉ tiêu cấp trên giao. Anh đã được cấp bằng khen, được bầu chiến sĩ thi đua và được đi báo cáo điển hình toàn ngành. Đến khi Phái xóa xong tư sản Lê Văn Hải, tức Hai Mắm, thì anh được kết nạp vào Đảng và được đề bạt lên một cương vị mới.

*

*          *

            Trầm kể tiếp bằng giọng thật buồn:

            - Ngay sau khi tai họa chụp xuống gia đình mình, em đã nộp đơn kiện lên Bộ, lên Ủy ban Nhân dân Thành phố... Nhưng rất nhiều lần đi tới đi lui, em không nhận được câu trả lời. Người ta nói, chỉ riêng việc ba vượt biên đã đủ để tịch biên gia sản rồi. Rồi em gặp được ông Hai Trung, một cán bộ của Bộ, ông ta tỏ ra thông cảm với em nên em rất mến ông. Qua ông, em hiểu được rằng, trong nội bộ ngành có nhiều ý kiến phản đối cung cách cải tạo, đặc biệt là những biện pháp đối xử thô bạo, tàn tệ của một số cán bộ như Nguyễn Trọng Phái...

            Hai Đước ngắt lời Trầm:

            - Nó đang ở đâu?

            - Ai?

            - Thằng Phái.

            - Hắn vừa được chuyển về Mỏ Tôm, trưởng phòng thủy sản. Sau khi xóa sổ ba xong, hắn đã được kết nạp vào Đảng!

            - Chà! Số phận trớ trêu thật!

            - Anh nói sao?

            - Anh vừa nhận quyết định về đúng nơi ấy.

            Suốt đêm, Đước trăn trở không sao nhắm mắt. Anh nhẩm lại lá thư của ba: “Hãy dũng cảm để mang lại sự công bằng cho mọi người”. Ba ơi! Con xin ghi nhớ lời ba. Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của nhân dân mình từ mấy chục năm qua cũng chỉ mong đạt được cuộc sống hòa bình và lẽ công bằng cho mọi người. Hồi con mới một tuổi, chưa biết đi, ba má đã ẵm con lên Cà Mau chứng kiến bọn thực dân xử tử anh Phan Ngọc Hiển và chín chiến sĩ khởi nghĩa ở đảo Hòn Khoai, cái hòn đảo mà ba má đã dừng chân, mượn trời - biển - trăng làm đám cưới cho mình. Sau đó, mỗi năm, cứ đến ngày giỗ của anh Hiển, ba má lại kể con nghe - ở ngay trên bậc cầu thang từ sàn nhà xuống thuyền - về việc ba má đã ẵm con lên Cà Mau để nghe lời hô trước khi chết của mười chiến sĩ khởi nghĩa. Con còn nhớ như in cái cầu từ sàn nhà xuống thuyền, nhớ như in chiếc thuyền bằng gỗ có lá buồm lớn nhất mà ba má đã vượt biển vô đây. Cái cầu làm bằng hai thân cây đước lớn đặt lên tám gốc đước đóng sâu xuống lòng sông. Hai cây đước làm cầu ấy được chân ba, chân má, chân con, chân em Trầm và bàn chân của bao nhiêu bà con chòm xóm mài cho bóng lên, soi gương được. Trên bậc cầu ấy, má ẵm con, rồi ẵm Trầm ngồi hát ru, kể chuyện, để đón ba đi biển về. Trên bậc cầu ấy, ba má đã cõng một người khách bị bệnh nặng lên nhà nuôi chữa cho lành, rồi ba và con đã đưa người khách ấy xuống tàu nằm dưới lớp tôm cá, chở lên Sài Gòn. Mới đây, con mới rõ là người khách lạ, kêu bằng “chú Bảy” ấy, nay là người giữ trách nhiệm cao nhất của đất nước.

            Vậy mà... Vậy mà ba phải bỏ đi vì bị qui vào tội bám gót Mỹ, tội tẩu tán tài sản, chống đối đường lối của Nhà nước. Kẻ nào dám nhân danh Nhà nước để hãm hại một con người như ba. Ôi, sao lúc này trong óc con lại hiện lên rõ mồn một cảnh má con bị đạn găm đầy người, máu đỏ phun ra dính đầy chang đước(1). Cảnh giữa đêm khuya biển động điên cuồng, ba một mình lái thuyền ra biển cứu sáu mạng người bị đắm thuyền. Rồi chuyện ba cứu bạn khi đi săn cá mập. Chiếc thuyền ba má mang từ vùng biển miền Trung vào năm xưa, bây giờ không còn nữa. Nó đã bị sóng đánh chìm khi ba liều mình cứu bạn giữa trùng khơi thoát khỏi sức chống trả điên cuồng của con cá mập. Lần ấy, má và con ở nhà cứ ngỡ là ba vĩnh viễn không về nữa. Thuyền bạn bị nhận chìm. Ba cứu được hai người, trong đó có chú Ba Tràm; còn bốn người chết. Những người sống sót cùng ba dạt vào một hòn đảo vắng thuộc quần đảo Trường Sa, bảy ngày sau mới quá giang được tàu đánh cá trở về. Má đã khóc hết nước mắt. Suốt đêm ngày, má ngồi ở bậc cầu thang trước nhà, ngóng ra mặt sông uốn lượn hình đuôi tôm mà khóc. Còn con, không hiểu sao con tin rằng ba sẽ trở về. Con nói với má: “Má đừng khóc! Ba sẽ về mà!”.

            Nhưng đấy là chuyện xưa. Nay thì sao? Xưa, con tin là ba sẽ trở về. Nay thì sao? Trầm nói rằng đã về Mỏ Tôm hỏi tin ba. Người ta phao lên rằng ba đã vượt biên. Một buổi sáng, bà con ở Xẻo Đước thấy ba về thăm từng nhà, ai cũng mừng. Sáng hôm sau, không ai biết ba đi đâu nữa. Thế rồi toàn bộ ghe tàu, đáy của ba bị tịch thâu hết. Cả một đội tàu mười tám chiếc gắn máy hai mươi hai mã lực, bốn mươi lăm mã lực, có hai cái gắn máy một trăm mã lực bị đưa đi. Nghe đâu là giao cho xí nghiệp đánh cá quốc doanh. Những hàng đáy được chia cho cán bộ xã, huyện mỗi người vài hàng. Cả những ghe cào ba cho bà con ngư dân trong ấp sử dụng cũng bị thu lại. Căn nhà của gia đình ta biến thành trạm thu mua thủy hải sản của huyện. Thế là hết! Nhưng ba đi đâu?  Con không bao giờ tin là ba vượt biên. Nỗi uất ức của ba không phải vì bị tước đoạt tài sản, bởi ba đã tự nguyện hiến tài sản cả đời lam lũ gây dựng nên kia mà. Nỗi uất ức của ba xuất phát từ thái độ bất công, bất nhân của người nhân danh Nhà nước làm cải tạo: Thái độ coi rẻ con người, chà đạp lên tấm lòng của người dân  nhiệt thành với đất nước.

            Ba đi đâu?

            Con tin rằng ba không đi đâu cả?

 

***

Trầm và Đước đến thăm xưởng đông lạnh. Sự thay đổi lớn nhất mà Trầm nhận ra là ở cổng vào lồ lộ tấm bảng nền đỏ chữ vàng rất lớn: “Xí nghiệp Quốc doanh Thủy sản đông lạnh 23 tháng 9”. Hai anh em đến đây với mục đích thăm lại những người thợ thân thiết với ông Hải. Chiếc xe 404 ông Hải vẫn đi nay là xe của giám đốc. Trầm nhận ra những thay đổi của chiếc xe: Nó đã được bọc nhung đỏ trùm lên ghế ngồi bọc da màu đen trước kia, kính sau của xe được che rèm cũng màu đỏ. Còn một đổi thay lớn nữa, khi hỏi chuyện mọi người anh mới biết, là xí nghiệp bây giờ có số công nhân đông gấp ba xưởng cũ.

            Thấy Trầm và Đước tới, những người thợ cũ quây lại thăm hỏi; không ai rõ là ông Hải đi dâu. Ông già gác cổng, ông Hắc, kể:

            - Buổi sáng cuối cùng ông tới xưởng, ông đi đến từng phân xưởng, trò chuyện với mọi người, ông còn nhắc tổ máy đá coi chừng hệ thống làm lạnh của máy đá vảy, nó dễ hư lắm. Có vẻ như ông cố giấu một điều gì. Càng về sau cái điều ấy càng lộ rõ. Lúc bắt tay tôi, môi ông mấp máy, tính nói gì, lại thôi. Ông dúi vào túi áo tôi một trăm đồng(1) rồi đi. Ra ngoài cổng, ông còn ngoái lại nhìn hai, ba lần... Tôi cứ ngỡ là ông sẽ được mời ở lại làm cố vấn kỹ thuật cho xưởng. Có ai ngờ...

            Ông Hắc thở dài. Đôi mí mắt của ông dăn deo và khô như vỏ cau khô, chớp liên hồi.

            - Hiện thời, xí nghiệp làm ăn ra sao chú? - Đước hỏi.

            Ông Hắc không trả lời. Ông xòe hai bàn tay chỉ về phía phòng giám đốc ở trên lầu và lắc đầu, rồi ông lại thở dài...

            Toàn bộ tài sản của ông Hải đã bị tịch thu, trừ căn nhà ở khu Cống Bà Phán, nơi Trầm đang ở. Trầm vâng lời ông Hải, chưa viết thư báo tin cho Đước biết để anh yên lòng làm nhiệm vụ. Thời gian ấy, Trầm đã đôn đáo gõ cửa rất nhiều nơi. Anh ra Hà Nội gặp các cơ quan chức năng. Nhưng bất cứ nơi nào anh cũng chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Vấn đề phức tạp, chờ để xem xét lại. Có người còn độp vào mặt Trầm: “Bố anh đã trốn ra nước ngoài, anh còn khiếu nại cái gì?”.

            Nhưng có người hiểu hoàn cảnh của Trầm, động viên Trầm, giúp Trầm đứng vững trong hoàn cảnh ấy. Đó là Hai Trung, là Tư Phương. Họ đã xin việc làm cho Trầm. Tư Phương và Hai Trung giới thiệu Trầm với Hòa. Địa phương không đồng ý. Phương và Trung “lấy đầu” ra đảm bảo.

            Trầm ra giàn khoan phục vụ. Công việc của Trầm là nấu ăn, làm vệ sinh trên giàn khoan, giặt quần áo cho thợ khoan và làm mọi tạp dịch khác. Trầm làm tổ trưởng tổ dịch vụ gồm năm người Việt. Năm người phục vụ hai mươi lăm kỹ sư và thợ của một giàn khoan.

            Thời gian này, Liên hiệp Dịch vụ Biển đã phục hồi và nâng cấp hàng loạt khách sạn, biệt thự đạt tiêu chuẩn phục vụ chuyên gia dầu khí. Mới ngày nào, chuyên gia của Công ty Deminex còn mỉa mai với Hòa: “Quầy bar của khách sạn Chiến Thắng của ông còn thua xa quán cóc ở Sài Gòn”, thì nay, chính người ấy đã thốt lên: “Tuyệt! Cộng sản các ông cũng biết làm ăn rồi đấy!”.

            Tổng giám đốc được điều ra Trung ương. Hòa được đề bạt làm tổng giám đốc. Việc đầu tiên ông làm là rút Trầm từ giàn khoan về đất liền phụ trách một đơn vị xây lắp.

            Đội xây dựng số Một của Lê Ngọc Trầm cải tử hoàn sinh cho khu P.O(1). Trước đây, khu P.O nổi tiếng toàn miền Nam. Nó dành riêng cho sĩ quan, viên chức cao cấp nghỉ ngơi, giải trí. Sau tháng 5 năm 1975, P.O bị phá phách, trở thành hoang phế. Trầm và công nhân của mình phục hồi được năm khách sạn và hai mươi sáu biệt thự trong khu P.O đạt tiêu chuẩn quốc tế, khiến cho các công ty dầu khí rất hài lòng. Mỗi biệt thự cho thuê thu được hàng chục ngàn đô la một tháng. Những chủ cũ của các khách sạn này cũng phải kinh ngạc. Trầm trao đổi với giám đốc Hòa:

            - Việc bỏ ra hàng triệu đồng để khôi phục khu P.O là hậu quả của sự quản lý tồi. Người ta nói “Cộng sản chỉ giỏi phá phách” là không ngoa. Anh coi kìa, mặt bàn đá cẩm thạch bị bể vụn. Phải nhập nó từ Italia đấy. Bao nhiêu bộ salông cẩm lai bị ăn cắp rồi. Kính cửa bị gỡ mất. Một tấm kính dày làm cửa lớn, bây giờ đào đâu ra? Vậy mà phải có ngay để trang bị lại.

            Hòa nhận từ tay Trầm danh mục những thứ cần nhập ngoại gấp:

            - Đô la không có, biết làm thế nào? Ngay cả khi có đô la rồi, làm thủ tục để nhập cũng phải mất cả năm trời. Mốt bây giờ như vậy!

            Trầm đề nghị:

            - Tại sao ta không nhờ ngay công ty thăm dò dầu khí của Italia và Tây Đức? Một tháng các vị ấy về nước một lần. Ta phục vụ họ, thay vì thu đô la, ta thu bằng mặt đá cẩm thạch, bằng hàng hóa...

            Ông Hòa giật mình. Đơn giản thế sao mình không nghĩ ra? Tại sao bấy lâu nay cứ phải đi đường vòng: Thu ngoại tệ nộp về cho ngân hàng ngoại thương, rồi lại xin chỉ tiêu nhập khẩu, gửi đơn hàng qua ngoại thương xin nhập. Có khi, vì chưa có đô la mà việc nhập một món hàng kéo dài cả mấy năm trời. Đầu óc mình quen tư duy theo lối mòn mất rồi. Lớp trẻ bây giờ giỏi thật. Bằng cách này, sẽ áp dụng cho cả bốn công ty tư bản: Trả tiền phục vụ bằng hàng hóa - vừa đỡ mất công chờ đợi, giá thành lại rẻ. Máy điều hòa không khí, bóng đèn, nệm mút, drap trải giường, máy giặt, bàn ủi, máy phát điện, động cơ bơm nước, xi măng, sắt thép xây dựng, que hàn, gạch men... và hàng trăm loại vật tư khác cực kỳ cần thiết, chỉ có thể có được bằng cách này.



(1)  Chang đước: tên địa phương gọi bộ rễ cây đước.

(1)  Tương đương với một chỉ vàng lúc đó.

(1)  Place Officer: nơi dành cho sĩ quan.

Chương : 1    2    3    4    5   6    7   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 1991
Ngày đăng: 14.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)