Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
539
116.809.454
 
Trả giá
Triệu Xuân
Chương 1 - Lời nói đầu

Văn học Việt Nam thập kỷ 80-90, thế kỷ 20, là giai đoạn rất sôi động với nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh tâm nguyện của nhân dân, tinh thần của thời đại, cuồn cuộn cảm hứng của một đất nước đang trăn trở vượt thoát tình trạng khủng hoảng, quyết tâm Đổi mới. Một trong những tác phẩm ấy là tiểu thuyết Trả giá của nhà văn Triệu Xuân. Ngay từ lần xuất bản thứ nhất, Trả giá được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh, gây dư luận sôi nổi. Tác phẩm đã được trao Giải thưởng Văn học viết về đề tài công nhân, lao động giai đoạn 1986-1990 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và được tái bản nhiều lần.

Nhà văn Triệu Xuân sinh ra ở một làng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh vào Nam làm phóng viên chiến trường. Từ đó, anh đã gắn bó cuộc đời mình với miền đất phía Nam Tổ quốc, với Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh và vùng châu thổ sông Cửu Long. Là nhà văn, đồng thời là nhà báo, những trang viết của anh đầy ắp hơi thở của cuộc sống. Đó là bức tranh hiện thực, sinh động của đất nước, đầy niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và cay đắng của cuộc sống những năm Tổ quốc mới được thống nhất, bắt tay vào công cuộc dựng xây đầy hăm hở, quyết tâm cùng với biết bao ấu trĩ, duy ý chí, sai lầm…

Thấm thoắt đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ ngày có hoà bình! Vị thế của dân tộc đã khác trước rất nhiều, xu thế phát triển của đất nước đã rõ ràng. Hiện thực cuộc sống hôm nay thay đổi quá nhiều so với một phần tư thế kỷ trước. Thế nhưng, những gì đã trải qua, những thành công và những sai lầm… đều là bài học vô giá để chúng ta vững vàng hơn, trưởng thành hơn trong sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Chúng tôi tái bản tiểu thuyết Trả giá theo tinh thần đó. Xin trân trọng giới thiệu Trả giá với bạn đọc!

 

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

 

----------------------------------------------------

Nhà văn Triệu Xuân và tiểu thuyết Trả Giá

 

* Ngô Vĩnh Bình *

 

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp năm 1973, nhà văn Triệu Xuân vượt Trường Sơn vào Nam với tư cách là phóng viên mặt trận. Từ ấy, anh trở thành một cây bút quen thuộc với những thiên phóng sự đặc sắc về Nam Bộ; đặc biệt là những tác phẩm đi sát, đi liền với đời sống của chiến sĩ và đồng bào trong ấy. Sau tập truyện vừa “Những người mở đất” (1983) - cuốn sách đầu tay của anh, anh in liền sáu tiểu thuyết khác: “Giấy trắng”, “Đâu là lời phán xét cuối cùng”, “Nổi chìm trong dòng xoáy”, “Trả giá” (1), và gần đây là “Bụi đời”, “Sóng lừng”.

Câu chuyện mà tiểu thuyết “Trả giá” đề cập là một câu chuyện thương cảm. Chuyện kể về gia đình ông Hai Mắm - chủ xưởng tôm đông lạnh trước giải phóng. Để trở thành một ông chủ xưởng đông lạnh, ông Hai đã phải trải qua biết bao trôi nổi, đắng cay. Dường như gần trọn đời ông đã bỏ công vì nó, nhưng sau năm 1975 ông đã “hiến” cho Nhà nước, bởi ông biết rõ ông là công dân của nước Việt Nam thống nhất, là gia đình cách mạng (vợ bị chính quyền cũ giết hại, con trai đi quân Giải phóng, nên không thể không chấp hành chính sách “cải tạo” kinh tế phi XHCN được). Nhưng không ngờ, cái hành động yêu nước và đầy tinh thần công dân ấy của ông Hai đã đẩy ông nhanh chóng bị phá sản bởi một ông chủ mới tên là Phái - một con người đội lốt cách mạng, ham quyền, hám gái, vừa dốt về quản lý lại vừa thất nhân tâm. Từ khi xưởng vào tay hắn, ngư dân chán nản không đi biển nữa, sản xuất bị ngưng trệ. Hai Mắm mất niềm tin, bỏ đi; con cả ông là Hai Đước - một sĩ quan hải quân đầy công tích, về can thiệp, bị vu oan tội chống đối và phải vô khám biệt giam. Người con thứ hai của ông là Lê Ngọc Trầm - một trí thức trẻ, giàu năng lực, cũng bị “vạ” theo, không được đi nước ngoài vì “có anh bị tù”, “có cha đi di tản”, không được trọng dụng vì gia đình “chống đối chủ trương cải tạo tư sản”...

Thông qua câu chuyện thương cảm, thông qua cuộc đời của các nhân vật Hai Mắm, Đước, Trầm, Phái..., Triệu Xuân đã tiếp cận được cuộc sống đất nước những năm sau giải phóng và có một cách nhìn thẳng vào nó một cách đầy dũng cảm và khoa học. Cách nhìn “công cuộc cải tạo tư sản” những năm sau giải phóng của nhà văn, cho đến hôm nay có thể là bình thường, nhưng vào thời điểm anh viết cuốn sách này (tháng 3 năm 1987) mà đã có cách nhìn như thế thật quả là “gan” và cũng thật đầy nhạy cảm.

Với “Trả giá”, Triệu Xuân đã khẳng định vai trò rất lớn lao của người lao động trong công cuộc canh tân đất nước, dù “người lao động” đó là những tiểu chủ. Đời những tiểu chủ như ông Hai Mắm thật đáng trân trọng biết dường bao. Ông vừa là người “tay trắng” dựng cơ đồ, vừa là người yêu nước. Không yêu nước, sao ông dám cho con đi Giải phóng, dám “hiến” cho cách mạng cả cơ đồ do chính tay ông tạo dựng? Và không là người lao động, làm sao ông có thể hết lòng vì nghề đến vậy: Cơ ngơi mất sạch, gia đình ly tán, tuổi già, ông vẫn lẩn quất, âm thầm nuôi tôm? Viết những dòng về nhân vật Hai Mắm, về những người dân chài lưới vùng Mỏ Tôm, Xẻo Đước..., dường như ngòi bút Triệu Xuân dồn hết cả niềm yêu thương trân trọng, bởi lẽ anh hiểu chính họ mới là những chủ nhân ông trong công cuộc đi lên của đất nước. Trái lại, khi phác thảo chân dung của những Phái, Bảy Tụ..., ngòi bút ấy như dồn nén hết thảy sự căm giận và khinh bỉ. Với Triệu Xuân, Phái dù ở cương vị nào, đội cái lốt sang trọng đến đâu, vẫn là một tên đê tiện, dốt nát. Anh khẳng định, cuộc cách mạng phải trả đắt nếu cứ còn sử dụng những cán bộ như Phái.

Cũng thông qua những nhân vật “cán bộ cách mạng” kiểu Phái, Triệu Xuân còn muốn gián tiếp phê phán cả cái sự “duy ý chí” của một thời. Dường như đọc anh, ta càng hình dung ra cái “thời” ấy thật rõ.

Đọc “Trả giá”, thấy Triệu Xuân viết mấy lời ngay ở trang đầu rằng: “Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều phải trả giá rất đắt cho sự thành đạt cũng như những lỗi lầm của mình” (trang 13) - mà những lời ấy được viết cách đây bốn, năm năm, mới thấy được tấm lòng anh, một tấm lòng đầy trách nhiệm trước cuộc sống. Và nếu như nói tới bản năng dự báo của nhà văn, tinh thần công dân của người nghệ sĩ, thì trường hợp Triệu Xuân viết “Trả giá” là một trong những ví dụ sinh động và giàu tính thuyết phục. Viết về những “lỗi lầm” của một thời, Triệu Xuân khác với một số nhà văn trẻ khác, anh thật bình tĩnh và bao dung. Anh coi đó là bài học thất bại đau xót trong bước đường đi lên của dân tộc, chứ không lên giọng đổ lỗi, tranh công. Đọc “Trả giá” thấy cộm lên một cảm hứng phê phán, nhưng đó là giọng phê phán có phân tích, có lý lẽ của một người có phương pháp tư duy khoa học, thấu hiểu thế thái nhân tình, chứ không phải lối phê phán độc những lời giễu cợt, kêu gào rễnh roãng.

Văn chương trong “Trả giá” giàu hình ảnh gợi cảm; nhiều chương, nhiều đoạn giàu chất thơ. Nhất là khi tác giả tả những cặp trai gái yêu nhau, một tình yêu chân chính, cao đẹp và lãng mạn. Mối tình của Đước và Út Thơm, của Trầm và Thiền Lan, là những mối tình đẹp của những con người luôn luôn tự vượt lên, chiến thắng bao oan nghiệt đắng cay của cuộc đời. Những trang miêu tả cảnh rừng tràm, rừng đước, cảnh biển cả, những đêm đánh cá và câu mực, cảnh sông nước Nam Bộ... là những trang sách thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, con người. Đúng như một nhà văn đã phát biểu khi trao Giải thưởng Văn học 1986-1990 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho tiểu thuyết “Trả giá”: “Tiểu thuyết “Trả giá” như một biên niên sử về đất nước, con người ở phía Nam Tổ quốc trong suốt một thời kỳ đầy thăng trầm của đất nước”.

“Trả giá” là một tác phẩm có giá trị. Với “Trả giá”, Triệu Xuân nổi lên như một cây bút trẻ gắn bó với đề tài người lao động. Và cũng với “Trả giá”, Triệu Xuân đã tỏ rõ là một nhà văn giàu nội lực, rất trường vốn sống trên lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội - một lĩnh vực cả nước ta đang quan tâm.

 

Hà Nội, tháng 1 năm 1991

Ngô Vĩnh Bình

 

Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều phải trả giá rất đắt cho sự thành đạt cũng như những lỗi lầm của mình”.



(1)  NXB Văn Nghệ TPHCM - năm 1988

Chương : 1   2    3    4    5    6    7   
Triệu Xuân
Số lần đọc: 5489
Ngày đăng: 13.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Nó và tôi - Nguyễn Quang Sáng
Trên một cung đường - Anh Động
Ái tình miếu - Hồ Biểu Chánh
Bản án tản thất quân dụng - Lê Thành Chơn
Ai làm được - Hồ Biểu Chánh
Thời áo trắng - Hoàng Mai Quyên
Chuyện tình nhà thơ lớp - Mai Bửu Minh
Cùng một tác giả
Cõi Mê (truyện dài)
Nỗi đau (truyện ngắn)
Trả giá (truyện dài)
Bụi đời (truyện dài)
Sóng lừng (truyện dài)
Tôi không mất em (truyện ngắn)
Khát vọng (truyện ngắn)
Giấy trắng (truyện dài)