Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.405 tác phẩm
2.747 tác giả
648
116.788.267
 
Chuyện tình
Erich Segal
Chương 1

GIỚI THIỆU

 

Chuyện tình là một tác phẩm lay động lòng người trong thập niên 1970, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cũng đã làm rơi nước mắt hàng trăm triệu khán giả trên thế giới. Và những người Việt Nam từ độ tuổi bốn mươi trở xuống, nếu chưa từng đọc qua tác phẩm hay xem qua bộ phim cùng tên, hẵn cũng ít ra một đôi lần cảm thấy tim mình bồi hồi xao động khi nghe nhạc khúc Love Story qua tiếng độc tấu dương cầm ngọt ngào và day dứt.

 

Erich Segal, tác giả quyển truyện, là giáo sư bộ môn văn chương của Đại học đườngYale. Ông từng là một nghiên cứu sinh ở Harvard nên đã thấu hiểu, cảm nhận sâu sắc được suy tư tình cảm của một lớp thanh niên trí thức Mỹ lúc bấy giờ; hơn thế, ông hoàn toàn hoà mình vào đó, cùng rung động với họ, và kể lại câu chuyện bằng giọng nói chân thành sâu thẳm của một người trong cuộc. Phong cách độc đáo của Segal thể hiện ở chỗ làm cho người đọc cảm nhận được rất nhiều điều chỉ qua một chi tiết nhỏ nhoi. Vì vậy, để giúp một số bạn đọc đã có trình độ Anh văn cấp độ cao trung tự mình cảm nhận được phong cách tuyệt diệu của Segal, chúng tôi xin giới thiệu ở đây toàn văn nguyên bản Love Story kèm theo phần dịch. Các bạn đọc khác vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua phần dịch thuật. Văn phong hơi phóng túng, ngỗ ngáo nhưng chân thành, cảm động của Segal đã được người dịch cố gắng thể hiện lại, thông qua cách nói, cách viết thuần túy Việt Nam, nhưng có lẽ còn nhiều thiếu sót, rất mong được các bạn thông cảm bỏ qua.

 

Chuyện tình yêu muôn đời vẫn là thứ chuyện gây nên nhiều cảm xúc mãnh liệt nhất cho mọi con người. Và tình yêu không bao giờ cũ. Mời bạn hãy bắt đầu đi vào câu chuyện, chia sẻ cùng các nhân vật những hương vị ngọt ngào và cay đắng của tình yêu.

 

Người dịch

 

 

 

 

 

Chương 1

 

 

Bạn có thể nói gì về một cô gái hai mươi lăm tuổi đã chết rồi ?

 

Rằng nàng đẹp. Và thông minh. Rằng nàng yêu nhạc Mozart và Bach. Và Ban nhạc Beatles. Và tôi nữa. Có một lần, nàng đã xoay xở tìm cách xếp tôi vào danh sách những thứ mà nàng yêu thích ấy. Và khi tôi hỏi nàng dựa theo trật tự nào, nàng mỉm cười đáp : Theo thứ tự ABC. Lúc đó tôi cũng mỉm cười. Nhưng giờ đây, tôi tự hỏi không biết nàng đã sắp xếp tôi theo tên, trong trường hợp này tôi sẽ đứng sau Mozart - hay là theo họ, trong trường hợp này tôi sẽ đứng giữa Bach và Beatles. Dù có theo cách nào thì tôi cũng không đứng ở vị trí đầu tiên, và việc này làm tôi khó chịu quá chừng. Từ bé đến lúc trưởng thành, tôi vẫn luôn luôn tự hào rằng mình là số một. Bạn biết không, vì truyền thống gia tộc đó mà.

 

Vào mùa thu năm cuối, tôi có thói quen tới học ở thư viện trường Radcliffe. Không chỉ để ngắm các cô nàng mũm mĩm, dù tôi phải công nhận là mình cũng khoái chuyện này. Chỗ này yên tĩnh, không có người quen, và khi cần đọc quyển sách nào thì có ngay. Hôm trước ngày thi môn sử, tôi tới đó để đọc một cuốn  sách được xếp đầu tiên trong lịch học, cuốn này ở Harvard thật khó tìm. Tôi lững thững đi tới bàn đăng ký mượn cuốn sách - một trong những nấm mộ sẽ chôn lấp tôi ngày hôm sau. Hai cô gái đang làm việc ở đó. Một cô có típ người cao của một tay chơi tennis, cô kia là một chú chuột nhỏ nhắn đeo kính cận. Tôi chọn cô nàng bốn mắt.

 

“Cô có quyển Sự suy vong của thời Trung cổ  không?”

 

Nàng liếc xéo tôi rồi hỏi :

 

 “ Ông có thư viện của mình chứ ?”

 

“Thôi nào, trường Harvard cho phép sử dụng thư viện này mà.”

 

“Tôi không nói về qui định thưa công tử, tôi nói về lẽ phải. Trường con trai các ông có 5 triệu cuốn sách. Chúng tôi chỉ có vài ngàn cuốn lèo tèo.”

 

Chúa ơi, đúng là một mẫu người tự phụ! Mẫu người tin là vì tỷ lệ sĩ số giữa Radcliffe và Harvard là 1-5, nên các nàng phải thông minh lên gấp năm lần. Tôi thường nghiền nát thành cám loại này, nhưng bây giờ tôi thực sự cần  cuốn sách .

    

“Thôi mà, tôi cần cuốn sách đó.”

     

“Hãy nhìn lại cái vẻ ngạo mạn của ông kìa công tử.”

     

“Vì sao cô cứ khăng khăng coi tôi là loại công tử  bột chứ ?”

 

“ Ông có vẻ ngu ngốc và giàu có“ Nàng đáp và tháo cặp kính ra.

 

“ Cô lầm rồi,”  Tôi phản đối,  “Thực sự là tôi nghèo và thông minh.”

 

“ Ồ không đâu, thưa công tử, chính tôi mới nghèo và thông minh.”

 

Nàng đăm đăm nhìn tôi. Mắt nàng màu nâu. Thôi được, có lẽ là dáng dấp tôi trông sang trọng, nhưng tôi không thể để một con nhỏ, dù là một con nhỏ có đôi mắt nâu đẹp não nùng, cho tôi là một tên ngu ngốc.

 

“ Cái chết tiệt gì giúp cô thông minh thế?”  Tôi hỏi.

 

“ Tôi không đi uống cà phê với anh đâu.”  Nàng đáp.

  

“ Ủa, tôi đâu có mời cô.”

  

“ Ấy”  Nàng nói  “Anh ngốc ở chỗ đó đó.”

 

Để tôi giải thích lý do tôi đã mời nàng uống cà phê. Chính nhờ sự nhún nhường sáng suốt và đúng lúc – vờ vĩnh như đột nhiên tôi có ý định mời nàng thực sự - mà tôi đã mượn được quyển sách. Vì nàng chỉ có thể ra về khi đóng cửa thư viện, tôi có thừa thì giờ để nghiền ngẫm một vài đoạn về sự thay đổi của hoàng gia, từ phụ thuộc các giáo hoàng sang phụ thuộc giới luật gia, ở cuối thế kỷ XI. Tôi đạt A trừ trong kỳ thi, trùng với số điểm mà tôi đã chấm cho đôi chân của Jenny khi nàng bước ra khỏi cái bàn giấy ấy lần đầu tiên. Tôi không thể chấm cho trang phục của nàng một điểm số danh dự : nó khá là bụi so với thị hiếu của tôi. Tôi đặc biệt khó chịu với cái xắc tay kiểu Da đỏ của nàng. May mà tôi đã không nói ra điều này, vì sau đó tôi phát hiện ra cái túi đó do chính nàng vẽ kiểu và may lấy.

 

Chúng tôi tới quán ăn Midget, một quán chuyên về bánh sandwich không chỉ dành riêng cho những người tí hon, mặc dù nó có cái tên như vậy. Tôi gọi hai ly cà phê và một bánh sô-cô-la kem (cho nàng).

 

 “ Tôi là Jennifer Cavilleri”,  Nàng nói, “Người Mỹ gốc Ý”, và làm như là tôi không biết, nàng nói thêm,  “Và là một sinh viên khoa nhạc.”

 

   Tôi là Oliver” , tôi nói.

 

   Tên hay họ ?”  Nàng hỏi.

 

   Tên,”  Tôi đáp, và thú nhận rằng họ tên đầy đủ của tôi là Oliver Barrett. (Thực ra, đó chỉ là phần lớn họ tên tôi )

 

 “ Ồ”  Nàng thốt, “ nghe như  tên một nhà thơ ?”

 

 “ Vâng, nhưng không có họ hàng gì.”

 

Trong một thoáng im lặng kế đó, tôi thầm tạ ơn trời nàng đã không thốt ra câu hỏi đụng chạm tôi thường nghe : “Barrett, hình như trùng tên với hội trường Barrett?” Bởi vì việc có quan hệ với người đã xây dựng nên quảng trường Barrett - một công trình to nhất và cũng xấu xí nhất trong khuôn viên Harvard, một tượng đài khổng lồ tượng trưng cho tài sản của gia đình tôi và sự kiêu căng hợm hĩnh lố bịch của chủ nghĩa Harvard - đối với tôi là một thứ vòng kim cô khó chịu.

 

Sau đó, nàng khá lặng lẽ. Phải chăng là chúng tôi đã cạn đề tài trò chuyện quá nhanh ? Hay là tôi đã làm nàng thất vọng vì không có họ hàng với nhà thơ? Vì cái gì? Nàng chỉ đơn giản ngồi đó, cười mỉm nhìn tôi. Để giết thì giờ, tôi xem qua quyển vở của nàng. Chữ viết của nàng thật kỳ khôi, những con chữ nét mong manh, chẳng có đến một chữ viết hoa. (Nàng nghĩ nàng là ai chứ?). Và nàng đã học xong vài khoá gì đó : Comp.Lit.105, Music 150, Music 201-

 

 “ Music 201 ? Có phải là một môn chính khoá không ?”

 

Nàng gật đầu, không khỏi có chút vẻ tự hào,  “Kỹ thuật hoà âm thời Phục hưng.”

 

“ Hoà âm là gì ?”

 

“ Không có liên quan gì đến giới tính đâu thưa công tử .”

 

Tại sao tôi phải chịu đựng kiểu xưng hô này chứ ? Nàng có đọc tờ Crimson chưa ? Nàng đã biết tôi là ai ?

 

“ Nè, cô biết tôi là ai,  phải không ?”

 

“ Vâng”  Nàng đáp, với một vẻ khinh khỉnh,  “Anh là cái gã chủ nhân của hội trường Barrett chứ gì.”

 

Nàng không biết tôi là ai.

 

“ Tôi có là chủ gì đâu, chính ra ông nội vĩ đại của tôi mới là người hiến nó cho trường.”

 

“ Ấy thế, nên chắc chắn là đứa cháu tầm thường của ông ấy phải được nhận vào trường !”

 

Đã đến mức giới hạn sự chịu đựng của tôi.

 

“ Jenny, nếu cô cho tôi là một kẻ không ra gì, sao cô lại tìm mọi cách làm tôi phải mời cô uống cà phê ?”

 

“ Tôi thích thân hình anh” Nàng đáp.

 

Một phần của việc trở thành người thắng trận là khả năng làm một kẻ thua cuộc xứng đáng. Điều này không có gì mâu thuẫn. Điểm đặc biệt của sinh viên Harvard là biến bất kỳ một thất bại nào thành chiến thắng.

 

Chúc may mắn, Barrett, cậu đã trèo lên lưng cọp rồi đó.”

 

“ Thật tình, tớ mừng là cậu đã vào cuộc. Tớ muốn nói là cậu cần phải thắng.”

 

Dĩ nhiên là một chiến thắng ở phút 89 thì thích hơn. Nghĩa là, nếu bạn có cơ may, thì tốt nhất là ghi bàn vào phút cuối cùng. Khi tôi đưa Jenny trở lại khu lưu xá, tôi không nghi ngờ chút nào về thắng lợi cuối cùng của tôi đối với cô ả Radcliffe hợm mình này.

 

 

“ Nghe này, cô ả Radcliffe hợm hĩnh, tối thứ Sáu có trận đấu Hockey với Darmouth.

 

“ Thế à ?”

  

“ Tôi muốn cô tới đó.”

 

Nàng trả lời với thái độ hững hờ thông thường của bọn con gái trường Radcliffe đối với thể thao :

 

“ Vì cái quái gì mà tôi phải tới xem một trận đấu hockey dỡ ẹt chứ ?”

 

Tôi đáp, cũng làm ra vẻ hững hờ :

 

“ Vì tôi sẽ chơi.”

 

Một thoáng giây im lặng.Tôi cho là tôi đã nghe thấy tiếng tuyết rơi.

 

  Cho bên nào ?” Nàng hỏi.

Chương : 1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22   
Erich Segal
Số lần đọc: 3107
Ngày đăng: 20.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bụi đời - Triệu Xuân
Vây giữa đời người - Hồ Tĩnh Tâm
Đất rừng phương nam - Đoàn Giỏi
Sông Hàm Luông - Thanh Giang
Nắng quái - Trầm Hương
Tâm sự tướng lưu vong - Hoành Linh Ðổ Mậu
Trả giá - Triệu Xuân
Thầy thông ngôn - Hồ Biểu Chánh
Thiệt giả, giả thiệt - Hồ Biểu Chánh
Đêm trắng của Đức Giáo Tông - Trầm Hương
Cùng một tác giả
Chuyện tình (truyện dài)