Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
628
116.785.595
 
Chuyện tình
Erich Segal
Chương 7

Chương VII

Ipwish, Massachusetts, ở cách cầu sông Mytis chừng 40 phút lái xe, tùy vào thời tiết và tốc độ của bạn ra sao. Tôi đã có lần vượt quãng đường này trong 29 phút. Một tay chủ ngân hàng ở Boston rêu rao là hắn còn lái nhanh hơn, nhưng khi người ta nói về một thời gian dưới 30 phút để đi từ cầu Mytis tới gia thự họ Barrett, thì khi đó khó mà phân biệt giữa thực tế và óc tưởng tượng. Với tôi, thời gian 29 phút là giới hạn tuyệt đối. Người ta đâu thể làm ngơ các tín hiệu giao thông, phải không nào?

"Anh lái như một tên khùng ấy ", Jenny nói.

"Đây là
Boston" Tôi đáp, "Mọi người đều lái như điên". Lúc đó, xe của tôi đang dừng lại vì đèn đỏ ở đường số 1.

"Anh sẽ giết tụi mình trước cả lúc ba me anh giết tụi mình" Jenny nói.

"Nghe này Jenny, ba má anh là những người rất dễ thương."

Đèn chuyển sang xanh. Trong 10 giây, chiếc MG lên tới tốc độ 60 dặm/giờ.

"Kể cả ông cụ Khốt ư ?"

"Ai ?"

"Oliver Barrett III."

"À, ông ấy là người dễ thương, em sẽ thích ổng mà."

"Làm sao anh biết được ?"

"Mọi người đều thích ổng."

"Vậy sao anh thì không ?"

"Vì mọi người thích ổng."

Dù sao, vì lẽ gì mà tôi mang nàng đến gặp ba má tôi? Tôi có thực sự cần lời chúc phúc của ông già mặt lạnh không? Một phần đó là vì ý muốn của nàng (Đó là điều phải làm, Oliver!), phần khác, vì O.B. III là người thanh toán món tiền học phí chết tiệt cho tôi.

Có cần phải là một buổi ăn tối ngày Chủ nhật không? Ý tôi nói, hình như tôi đã sai lầm, phải không? Chủ nhật, khi tất cả những tay tài xế cô hồn choán hết cả con đường số 1, và chen cả vào đường xe của tôi. Tôi quẹo ra đường
Groton, một con đường tôi từng chạy hết tốc lực từ năm 13 tuổi.

"Ở đây chẳng có nhà, chỉ toàn cây", Jenny nói.

"Nhà cửa nằm sau rặng cây" Tôi đáp.

Khi xuống cuối đường
Groton, bạn phải cẩn thận, nếu không bạn sẽ chạy lố qua ngã rẽ vào chỗ của bạn. Và thực tế là tôi đã chạy lố vào chiều hôm ấy. Khi thắng lại, tôi đã xuống quá 300 yard.

"Mình đang ở đâu?" Nàng hỏi.

"Chạy lố rồi." Tôi lẩm bẩm chửi thề.

Có cái gì mang tính biểu tượng chăng trong sự kiện tôi quay ngược lại 300 yard để vào lối nhà tôi? Dù sao, khi xe lăn bánh trên mảnh đất nhà Barrett, tôi chạy chậm lại. Ít nhất là nửa dặm từ ngã rẽ vào tới tòa nhà Dover House. Dọc đường, bạn đi qua những cao ốc, mà tôi chắc sẽ gây nhiều ấn tượng khi bạn mới tới lần đầu.

"Kinh thật." Jenny bảo.

"Gì vậy, Jen?"

"Dừng xe lại, không ddùa đâu, Oliver."

Tôi dừng xe. Nàng nói :

"Chà, em không ngờ lại như thế này."

"Như thế nào, Jen ?"

"Giàu sang thế này. Em cuộc là anh còn có cả nô lệ ở đây."

Tôi muốn nhích qua và nắm tay nàng, nhưng tay tôi ướt đẫm (một trạng thái bất thường), nên tôi chỉ khích lệ nàng bằng lời:

"Xin em đó, Jen. Mọi chuyện qua nhanh thôi."

"Vâng, nhưng không hiểu sao, em bỗng dưng ước gì tên của em là Abigail Adam hoặc Wendy Wasp."

Chúng tôi im lặng trong chặng đường còn lại, rồi tôi dừng xe, và hai đứa đi bộ tới cổng. Trong lúc chờ người ra mở cổng, Jenny không chống lại nổi cơn sợ hãi vào giây phút cuối.

"Ta chạy đi anh" Nàng nói.

"Ta sẽ ở lại và tranh đấu" Tôi đáp.

Có ai trong hai đứa tôi nói đùa chăng?

Florence, một đầy tớ trung thành và lâu năm của gia đình Barrett ra mở cổng.

"Ồ, cậu chủ Oliver" Bà mừng rỡ chào tôi.

Chúa ơi, tôi ghét bị gọi như thế làm sao! Tôi ghét cay ghét đắng sự cách biệt tuyệt đối giữa tôi và ông già mặt lạnh.

Ba má tôi, theo lời
Florence, đang chờ ở thư viện. Jenny thối lui về sau mấy bước vì mấy bức tranh chân dung chúng tôi vừa đi lướt qua. Hầu hết đó là các tác phẩm của John Singer Sargent (có một bức vẽ O.B. II cao quý từng trưng bày ở bảo tàng Boston). Nhưng tôi chợt có một nhận thức mới mẻ, rằng không phải tất cả tiền nhân của tôi đều mang tên Barrett. Còn có các phụ nữ họ Barrett, đã kết hôn và đã sinh ra những người như Barrett Winthrop, Richard Barrett Sewall, và nhất là Abbott Lawrence Lyman, người đã táo bạo đi qua cuộc đời (và trường Harvard), trở thành một nhà hóa học nổi danh, mà chẳng có một chữ Barrett nào chen vào giữa tên ông ấy cả!

"Chúa ơi, có đến phân nửa gương mặt các nhân vật được đặt tên cho các cao ốc ở Harvard treo ở đây!"

"Toàn là điều vớ vẩn" Tôi bảo nàng.

"Em tự hỏi không biết liệu anh còn có họ hàng gì với Sewall Boat House chăng?" Nàng nói.

"Có. Anh sinh ra từ dòng họ đá và gỗ."

Ở cuối dãy tranh chân dung, ngay trước khúc quanh vào thư viện, có một chiếc hòm bằng thủy tinh. Bên trong là các kỷ niệm chương.

"Trông chúng đẹp quá. Em chưa bao giờ nhìn thấy những thứ thế này, hình như chúng làm toàn bằng vàng bạc hở?"

"Phải."

"Lạy Chúa. Của anh ?"

"Không. Của ông ấy."

Bằng chứng về các kỷ lục này cho thấy O.B. III không dự giải Olympic Amsterdam. Tuy nhiên, ông ấy đã dự nhiều giải quan trọng khác, và ddạt thứ hạng cao. Nhiều. Rất nhiều. Những đồ vật lau chùi sáng chói này đang làm Jenny kinh ngạc.

"Người ta không tặng những món quí như thế này trong giải bowling ở
Cranston."

Và nàng quay sang tôi.

"Anh có kỷ niệm chương chứ, Oliver?"

"Có."

"Trong chiếc hòm này ?"

"Ở trên phòng anh, dưới gầm giường."

Nàng tặng cho tôi một cái nhìn rất đỗi tình tứ kiểu Jenny và thầm thì :

"Lát nữa mình sẽ lên đó và xem chúng, nhé ?"

Trước khi tôi kịp đáp, và làm theo đề nghị của nàng, chúng tôi bị cắt ngang.

"A, xin chào."

Ông già Khốt ! Đó là ông già Khốt.

"Ồ, chào ba. Đây là Jenny."

"Ờ, chào cô."

Ông bắt tay tôi trước lúc tôi nói hết lời giới thiệu. Tôi nhận ra ông không mặc bộ đồng phục nhà băng. O.B. III mặc một chiếc áo khoác ngắn thể thao bằng vải cashmere. Và sau vẻ mặt lạnh lùng, ẩn giấu một nụ cười.

"Ta vào đây, gặp bà Barrett."

Lại một lần nữa, hiếm hoi trong đời mình, Jenny co người lại. Gặp mặt Alison Forbes ‘Tipsy" Barrett. (Trong một khoảnh khắc, tôi tự hỏi, cái biệt danh thời nữ sinh ký túc của mẹ tôi có tác động gì tới bà không, nếu như bà không lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc trong ngành bảo tàng). Bà chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Bà rời trường vào năm thứ hai, với lời chúc phúc tốt lành của ông bà ngoại tôi trong ngày hôn lễ với O.B. III.

"Alison vợ tôi, còn đây là Jenny."

Ông ấy đã tước khỏi tôi nhiệm vụ giới thiệu Jenny.

"Callivery" Tôi bổ sung, vì ông già không biết họ của nàng.

"Cavillery", Jenny nhẹ nhàng chữa lại, vì tôi đã nói sai – lần đầu và cũng là lần độc nhất trong cả đời tôi.

"Như trong Cavilleria Rusticana?" Má tôi hỏi, rõ là để chứng tỏ dù bà bỏ học, bà vẫn rất là có văn hóa.

"Dạ phải. Nhưng không có họ hàng gì hết ." Jenny đáp.

"Ồ" Má tôi nói.

"Ồ" Ba tôi nói.

Và tôi, trong lúc tự nhủ không biết ba má tôi có hiểu kịp sự dí dỏm ngấm ngầm của nàng chăng, cũng chỉ còn biết góp phần : "Ồ?".

Má tôi bắt tay Jenny, và sau cái nghi thức thông thường đó, tất cả ngồi vào ghế. Mọi người lặng lẽ. Tôi cố nghĩ xem cái gì sẽ xảy ra. Không nghi ngờ gì nữa, má tôi đang đo lường Jenny, xem xét trang phục (đêm nay thì không có vẻ bụi đời), cung cách, điệu bộ, giọng nói của nàng. Dưới sự quan sát đó, giọng nói vùng Nam Cranston thậm chí ở vào cung bậc nhã nhặn nhất. Có lẽ Jenny cũng đang đo lường má tôi. Phụ nữ luôn như thế, tôi biết. Chắc là để vén những bí mật về cái gã đàn ông họ sắp sửa cưới. Và có lẽ nàng cũng đang đo lường O.B. III. Nàng có nhận ra ông ấy cao hơn tôi chưa nhỉ? Nàng có thích chiếc áo khoác cashmere của ông không?

Còn O.B. III, dĩ nhiên là ddang tập trung hỏa lực vào tôi, như thường lệ.

"Con khỏe chứ, con trai ?"

Đối với một nhà học giả khốn khổ nào đó, hẳn ông là một người đối thoại tồi khủng khiếp.

"Tốt, ba. Tốt."

Đúng lúc đó, má tôi hỏi thăm Jenny.

"Chuyến đi của cháu xuống đây tốt chứ?"

"Dạ, tuyệt, và nhanh nữa ạ."

"Oliver lái xe nhanh đấy" Ông già mặt lạnh xen vào.

"Không nhanh bằng ba đâu" Tôi đáp lại.

Ông ấy sẽ nói sao ?

"Ừ, ta cũng cho là thế."

Ba có dám cuộc không, ba?

Má tôi, người luôn đứng về phía ông, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chuyển sang một đề tài phổ quát hơn – âm nhạc hay nghệ thuật gì đó, tôi cho là vậy. Tôi không để ý nghe kỹ. Sau đó, một tách trà được đưa đến tay tôi.

"Cám ơn" Tôi nói, "Con phải đi sớm."

"Hả?" Lời Jenny. Hình như họ đang nói về Picini gì đó, và lời phát biểu của tôi, có vẻ bất ngờ. Má tôi nhìn sang tôi ( một chuyện khá hiếm hoi).

"Nhưng con tới đây ăn cơm tối mà, đúng không?"

"Ơ, không được má à."

Cùng lúc đó, Jenny nói :

"Dĩ nhiên là được."

"Anh phải về" Tôi nghiêm trang bảo nàng.

Jenny nhìn tôi kiểu : " Anh đang nói tầm phào gì thế?". Và ông già lên tiếng.

"Con phải ở đây ăn cơm. Đó là mệnh lệnh."

Nụ cười giả tạo trên mặt ông không làm giảm chút nào vẻ ra lệnh. Và tôi không bao giờ chịu thua cái trò vớ vẩn đó, dù là của một tay vô địch Olympic đi nữa.

"Chúng con không thể, ba."

"Chúng ta phải ở lại, Oliver" Jenny nói.

"Tại sao?" Tôi hỏi.

"Vì em đói bụng" Nàng đáp.

Chúng tôi ngồi quanh bàn, ngoan ngoãn nghe lời cầu nguyện của Oliver III. Ông kính cẩn cúi đầu. Má tôi và Jenny làm theo y chang. Tôi khẽ nghiêng đầu.

"Cầu xin ban cho chúng con thức ăn và nhờ đó phục vụ người, cầu xin giúp cho chúng con không hề lo âu vì các nhu cầu, mong muốn khác. Chúng con nguyện cầu nhân danh cha và con và thánh thần. Amen."

Chúa ơi, tôi đang bị tra tấn. Bộ ông ấy không thể bỏ qua lòng mộ đạo chỉ một lần này hay sao? Jenny sẽ nghĩ gì? Trời, đúng là một cú quay ngược về thời Trung cổ.

"Amen" Lời của má tôi ( và của Jenny nữa, rất khẽ) .

"Phát bóng đi !" Tôi la lên, làm ra bộ vui hí hửng.

Hình như không có ai buồn cười cả. Ít nhất là vậy đối với Jenny. Nàng ngó lơ không nhìn tôi. O.B. III liếc nhanh tôi.

"Ta rất mong con thỉnh thoảng chơi bóng, Oliver."

Chúng tôi không hoàn toàn im lặng trong khi ăn, nhờ tài năng đặc biệt của má tôi với các câu chuyện vặt.

"Thế ba má cháu ở
Cranston hả Jenny?"

"Gần như thế. Má cháu ở
Fall River."

"Họ Barrett có các cối xay bột ở
Fall River" O.B. III nói.

"Nơi họ bóc lột dân nghèo suốt nhiều thế hệ" O.B. IV nói thêm.

"Vào thế kỷ 19" O.B. III nói thêm.

Má tôi mỉm cười, rõ ràng là hài lòng với cú phản công của ông. Nhưng chưa đâu !

"Thế các kế hoạch tự động hóa cối xay thì sao?" Tôi phát bóng lại.

Một thoáng yên lặng. Tôi chờ đợi một lời trả đũa gay gắt.

"Uống cà phê nhé?" Alison Forbes Tipsy Barret nói.

Chúng tôi lui vào thư viện, chờ đợi vòng đấu cuối. Jenny và tôi phải lên lớp ngày mai, ông già có nhà băng và các thứ, và chắc chắn là Tipsy có một vài điều gì đó để làm.

"Cho đường chứ, Oliver ?" Má tôi hỏi.

"Oliver lúc nào cũng uống có đường, em ạ." Ông già nói.

"Cám ơn. Bữa nay thì không" Tôi nói, "Cà phê không thôi, má."

Ồ, mọi người chúng tôi đều đã cầm ly, và đang ngồi đó, ấm cúng, hoàn toàn không có gì để nói với nhau. Vì vậy, tôi đưa ra một đề tài.

"Jenny, nói cho anh biết - em nghĩ sao về đội quân Hòa bình?"

Nàng nghiêng người sang tôi, nhưng từ chối hợp tác.

"Ồ, anh chưa nói với chúng sao, O.B. ?" Má tôi hỏi.

"Chưa tới lúc, em yêu" O.B.III đáp, với một vẻ vui vui giả tạo và hẳn đang ngầm kêu lên " Hãy hỏi ta đi, hãy hỏi đi!" Thế nên tôi hỏi.

"Đó là gì vậy, ba ?"

"Không có gì quan trọng cả, con trai."

"Không hiểu sao anh lại nói vậy" Má tôi thốt, và bà quay sang tôi, thông báo với vẻ đầy quyền lực. (Tôi đã bảo bà đứng về phía ba tôi):

"Ba con sẽ là chủ tịch đội quân Hoà bình."

"Ồ."

"Ồ" Jenny cũng kêu lên, nhưng với giọng khác hẳn, đầy vẻ vui sướng.

Ba tôi vờ như hơi bối rối, còn má tôi thì hình như đang chờ tôi nghiêng đầu thán phục. Nói cho cùng, đó đâu phải là chức Thống đốc.

"Xin chúc mừng, ông Barrett" Jenny nói.

"Vâng, chúc mừng , ba."

Má tôi vẫn còn nôn nao nói về chuyện đó.

"Má nghĩ đó là một kinh nghiệm rất tốt về giáo dục" Bà nói.

"Ồ vâng, đúng vậy" Jenny đáp.

"Vâng" Tôi nói, không tin tưởng mấy, " Chà, má làm ơn đưa lọ đường cho con với."

Nguyễn Thành Nhân dịch

Chương : 1    2    3    4    5    6    7   8    9    10    11    12    13    14    15    16    17    18    19    20    21    22   
Erich Segal
Số lần đọc: 1309
Ngày đăng: 22.07.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bờ bên kia - Trần Kiêm Ðoàn
Phản trắc - Hoàng Đình Quang
Tương Tác - Triệu Từ Truyền
Nhạc vũ trong HÁT BỘI BÌNH ĐỊNH - Trần Kiêm Ðoàn
Tiếng trống Sampô - Anh Động
Sóng lừng - Triệu Xuân
Cõi Mê - Triệu Xuân
Một thời in dấu - Trần Đồng Minh
Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu
Phố Hoa Phai - Mường Mán
Cùng một tác giả
Chuyện tình (truyện dài)