Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.416 tác phẩm
2.747 tác giả
731
116.879.183
 
Đứa con của thần linh
Trần Quang Vinh
Chương 9

Nghĩ tới việc nàng dâu về nhà bố đẻ bên Đông Lưu bà bỗng cảm thấy lo lắng. Lẽ ra bà phải cho người đi cùng, mà cũng không cần thiết để Gấm ở chơi cả ngày bên ấy. Ngộ nhỡ nó vô ý để lộ chuyện cưới hỏi vừa rồi thì chẳng hay ho gì. Ở đời phù thịnh chứ mấy ai phù suy. Ngày ông Đội còn sống chẳng riêng người trong họ mà cả những kẻ có chút dây mơ rễ má cũng tìm mọi cách để kết thân, nịnh bợ xun xoe nhờ vả. Vào những dịp tết nhất như thế này khách khứa nườm nượp, quà cáp lễ lạt chất từ trong nhà ra ngoài sân. Từ ngày ông Đội mất đi nhà vắng hẳn. Mấy đứa vô ơn độc miệng còn bịa chuyện đơm đặt, rêu rao nói xấu nhà bà. Nói đâu xa lạ, như thằng Cai Cự đó. Ngày ông Đội còn làm trên phủ nó tìm đến tận nơi nhận là cháu họ. Nó kể lể con cà con kê rằng mẹ nó là cháu ngoại cụ cựu chánh tổng Đào Văn Bính, nhưng vì bà ngoại nó là con ngoài giá thú nên không được họ Đào thừa nhận. Rồi Cai Cự sắm lễ nhờ ông Đội chạy án trong vụ Lý Mậu làng Đông Lưu bị nó nhét cứt vào miệng trước bàn dân thiên hạ. Chẳng là trong bữa ăn cỗ sau lễ tế tự đầu năm ở đình làng, Cai Cự nguyên là cai khố đỏ giải ngũ về nên được xếp ngồi cùng mâm với ông Lý Mậu mua hàm phó lý từ năm mười tám tuổi. Hai vị này vốn khinh thường nhau, rượu vào lời ra, đua nhau giở giọng châm chọc kích bác. Cai Cự bảo ở làng Đông giỏi nhất vẫn là bà Ky , ba năm cưới cho chồng những ba cô vợ bé. Cai Cự nói vậy là có ý chê Lý Mậu khoe giàu nhưng vẫn chưa cưới nổi vợ hai. Ông Hương Chúc đang muốn lấy lòng Cai Cự để tăng thêm vây cánh mới tán tụng rằng bà cả của Cai Cự cũng chẳng thua kém gì, chồng mới về làng đã cưới ngay tắp lự một cô vợ bé đẹp như tướng cờ.

 

Lý Mậu hận lắm nhưng vẫn giả vờ cười cợt mà nói rằng “rõ là bì phấn với vôi, bì lồn con đĩ với môi thợ kèn” .

Thằng chó đểu! Cai Cự như bị cứa đúng tim gan phèo phổi. Rõ ràng nó bới chuyện bố Cai Cự lúc sinh thời làm thợ kèn, còn mẹ Cai Cự xuất thân là gái giang hồ tứ chiếng . Cai Cự đứng bật dậy, đôi mày xếch ngược, vơ đũa bát ném vèo vèo vào mặt LýMậu. Thấy Cai Cự nổi khùng, Lý Mậu hoảng hồn vén áo xách guốc vùng chạy ra phía chợ Đông. Vốn là loại lính tráng vũ phu, Cai Cự quyết đuổi theo túm cổ Lý Mậu lôi xềnh xệch vào sân đình. Tới cổng tam quan nhìn thấy một bãi cứt trâu còn nóng hổi ở ven đường Cai Cự bốc một vốc đến giữa sân đình, trước mặt các cụ chức sắc hương lý lớn tiếng tuyên bố rằng cái thằng mặt chó ngu si hợm hĩnh này không muốn ăn cỗ thì ông cho ăn cứt để nó biết thế nào là lễ độ! Nói rồi nhét cả vốc cứt trâu vào miệng Lý Mậu. Ngày ấy chuyện Lý Mậu bị Cai Cự cho ăn cứt giữa đình làng Đông Lưu đã trở thành món quà cửa miệng không chỉ của mấy người đàn bà ngồi lê đôi mách mà còn là đề tài hấp dẫn của các vị chức sắc có vai vế ở làng ở tổng trong những lúc mâm cao cỗ đầy, trà dư tửu hậu. Nghe lời gièm pha xúi bẩy, Lý Mậu quyết chí dốc tiền dốc của nhờ người bà con xa làm việc trên tỉnh đâm đơn kiện Cai Cự tội đánh đập, làm nhục chức sắc ở làng. Người ta bàn tán rằng phen này Cai Cự chết là cái chắc, bởi loại lính tráng như ông Cai kiếm đâu ra tiền để theo kiện. Cái khó ló cái khôn, Cai Cự tưởng đã hết đường bỗng nhớ tới nguồn gốc chẳng mấy tốt đẹp của mình. Theo người già kể lại thì ngày trước cụ cố bà của Cai Cự đi ở đợ làm vú em cho bà Tư, vợ bé cụ Chánh họ Đào. Một đêm đi ăn cỗ về, rượu ngà ngà, cụ Chánh nổi hứng lôi người vú em vốn là gái một con trông mòn con mắt vào buồng làm chuyện mây mưa. Sau đận ấy người vú em có bầu đẻ ra bà ngoại Cai Cự. Cụ chánh tổng Đào Văn Bính, tức ông nội của Đội Quí, tuy không chính thức nhận đứa con gái ngoài giá thú (bởi cụ Chánh có tới tám vợ cưới hỏi cùng vô số con rơi kiểu như thế) nhưng cụ vẫn cho tiền để vú em nuôi con hoang của mình. Chuyện trớ trêu ấy đã trôi qua từ lâu, lần này gặp thế bí Cai Cự đành phải tìm đến nói khó với bà Đội nhờ bà rủ lòng thương nói giùm để hắn được gặp ông Đội. Bấy giờ bà Đội mới sinh con giai, được ông Đội yêu chiều nên đã nghe theo lời vợ cứu nguy cho Cai Cự. Tri phủ vốn thân cận tin dùng Đội Quí nên đã xử hòa cho Cai Cự.

 

Ân huệ là thế, vậy mà sau ngày ông Đội qua đời Cai Cự đã giở mặt nói rằng hắn phải mất cả chục lượng vàng mới chạy được vụ kiện của Lý Bào. Hắn còn phao tin ông Đội chết trên bụng cô vợ thứ năm nguyên là gái ả đào chứ chẳng có nghĩa quân nào ám hại cả! Rằng đời cha ăn mặn đời con khát nước, họ Đào hết lộc rồi . . .

 

Bà Đội nghe người ta dị nghị cũng giận lắm nhưng vẫn làm ra vẻ mũ ni che tai, không thèm đếm xỉa. Người đời mà, giậu đổ bìm leo, âu cũng thường tình. Bà biết rằng muốn khôi phục uy thế họ Đào bà phải có được đứa cháu đích tôn đủ sức kế nghiệp tổ tiên.

 

Bà Đội quay vào nhà trên gọi chị Vú đến bảo rằng đã sắp tới giờ ngọ, xuống bếp bảo anh Cam đặt lễ lên bàn thờ Ông Táo để bà làm lễ tiễn Ông Táo về giời. Bà cũng không quên sai chị Vú sang Đông Lưu nói với bố Gấm rằng nhà có việc bận, Gấm phải về sớm giúp bà.

 

Từ ngày ông Đội qui tiên, bà Đội phải kiêm nhiệm luôn vai trò trưởng nam khấn cúng trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Lúc đầu bà bảo chị Vú cho cậu Mùi đứng cạnh mình để những đứa ngứa miệng khỏi đặt điều bêu riếu. Nhưng cậu Mùi là đứa trẻ ngẩn ngơ, nhìn bà khấn vái cứ nghệt mặt cười hầng hậc, thế là bà buộc phải bỏ qua nghi lễ ấy. Có lúc bà thầm oán trách tiền nhân đã xếp đàn bà vào hàng ngu muội không dạy nổi, chỉ là cái bóng của đàn ông, ở nhà phải phục tùng cha, lấy chồng phải phục tùng chồng, chồng chết phải phục tùng con giai. Đó là đạo tam tòng mà các bậc thánh hiền đã áp đặt lên thân phận đàn bà từ lâu lắm rồi. Các vị ấy đâu thấu hiểu số phận của bà. Bà phải làm trụ cột của dòng họ, phải thay chồng thay con cáng đáng sự nghiệp của cả một gia tộc.

 

Con Nhài lên thưa với bà đồ lễ cúng Ông Táo đã chuẩn bị xong. Bà kiểm tra lại đồ cúng lần nữa gồm tiền vàng hàng mã, hương hoa, chuối oản, một mâm cỗ mặn với ba con cá chép vàng còn sống nguyên, mỗi con nặng hơn một ký được thả trong chậu nước to như chiếc thúng đặt trước bàn thờ Ông Táo.

 

Bà Đội sửa lại khăn áo thật trang trọng, thắp nén nhang, quỳ trước bàn thờ Ông Táo chắp tay trước ngực xuýt xoa khấn rằng hôm nay là ngày hai mươi ba tháng chạp năm Nhâm Tuất, tín chủ là trưởng nam Đào Văn Mùi, sinh năm Đinh Mùi, thân phụ là Đào Văn Quí sinh năm Quí Mùi, tạ thế năm Canh Tuất, thân mẫu là Vũ Thị Nhẫn sinh năm Đinh Hợi, thê nữ là Phạm Thị Gấm sinh năm Quí Mão cùng toàn thể gia quyến ở xóm Tây Đôi, làng Tây Lưu, tổng Hà, kính bái trước Đông trù Tư mệnh, Táo phủ Thần Quân, xin sửa lễ kính dâng hoa quả, cỗ mặn đèn hương, xiêm lai mũ áo tiền vàng, tam ngư thế kim long, tôn suy ngài là vị chủ, Ngũ tự Gia Thần, soi xét long trần,  Táo Quân chứng giám, trong năm sai phạm, bỏ quá lỗi lầm, lạy xin Tôn Thần, gia ân phúc lộc, phù hộ toàn gia, giai gái trẻ già, an khang thịnh vượng! Nam Mô A Di Đà Phật!

 

Bà Đội khấn xong, vái lạy ba lần rồi mới đứng dậy từ tốn ngước lên nhìn bàn thờ Ông Táo nghi ngút khói hương. Bất giác bà mường tượng về hình ảnh hai Ông Táo ngồi cạnh một Bà Táo trên bà thờ. Đó là một câu chuyện tình cảm động chỉ tồn tại trong thế giới thần linh, còn trên cõi đời này phận đàn bà lận đận mà luôn bị người đời rẻ rúng.

Chương : 1    2    3    4    5    6    7    8    9   10    11    12   
Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2130
Ngày đăng: 27.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ niệm 8 năm ngày mất nữ danh ca Tuý Phượng ( 13/11/2001 – 13/11/2009): - Trần Trung Sáng
Ký ức làng Cùa - Đặng Văn Sinh
Một mối tình ngụ cư - Phan Huy Đường
Nốt Nhạc Cuối Mùa Đông - Trang Thanh Trúc
Bụi vết tháng năm - Trọng Huân
Chết - Phan Huy Đường
Hư thực - Phùng Văn Khai
Cái giá của cuộc sống - Arundhati Roy
Sống Đời Bát Nhã - Trần Kiêm Ðoàn
Kiếp người xuống xuống, lên lên - Nguyễn Đức Thiện