Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
904
116.666.309
 
Để có tác phẩm hay...
Sương Nguyệt Minh

Từ ngày 17.3 đến 10.4.2009, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã tổ chức Trại sáng tác Văn học về đề tài “VÌ AN NINH TỔ QUỐC và BÌNH YÊN CUỘC SỐNG”. Ngoài lao động sáng tạo tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký; 33 nhà văn trong và ngoài ngành đã đi thực tế Trại giam Sông Cái - Bình Thuận, giao lưu với sinh viên Khoa Văn - Đại học Đà Lạt.

Trại sáng tác cũng tổ chức cuộc tọa đàm: Làm thế nào để có tác phẩm hay về AN NINH TỔ QUỐC và BÌNH YÊN CUỘC SỐNG? Đó là câu hỏi lớn không dễ trả lời và cũng là nỗi trăn trở của các nhà văn ở Trại sáng này. VCV giới thiệu cùng bạn đọc bài lược thuật của đại tá, nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH về cuộc toạ đàm này.

 

Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân - PGĐ NXB Công an nhân dân và đại tá, nhà văn Văn Phan - Chi hội phó Nhà văn Công an đồng chủ trì cuộc tọa đàm.

 

Nhà văn Phùng Thiên Tân chân thành cảm ơn các nhà văn đã tham gia trại viết. Ông đọc bản đề dẫn khái quát những nét thành công cơ bản của cuộc thi sáng tác văn học “VÌ AN NINH TỔ QUỐC và BÌNH YÊN CUỘC SỐNG” lần trước. Khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, ông nhắc lại lời cố Bộ trưởng Lê Minh Hương trong cuộc gặp gỡ một số nhà văn Việt Nam: “Mời các anh các chị nhà văn đồng hành với cán bộ chiến sỹ công an trên mặt trận “An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Đồng thời ông rất mong muốn các nhà văn trao đổi thoải mái, thành tâm, nói thẳng, nói thật lòng mình những trăn trở suy nghĩ, những vướng mắc về tư duy sáng tác, những khó khăn khi tiếp cận tư liệu và đi thực tế, những đề xuất về công tác tổ chức… Ông nhấn mạnh: Cái đích cuối cùng là: Cần phải làm gì để có tác phẩm hay viết về đề tài “Vì AN NINH TỔ QUỐC và BÌNH YÊN CUỘC SỐNG?”.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Thưa các anh chị! Tôi đang viết quyển tiểu thuyết về an ninh Thừa Thiên - Huế, tôi xin kể một đoạn chia sẻ cùng các anh chị: Một người vợ đang mang bầu thì chồng là một cán bộ an ninh hy sinh. Chị bị đưa ra tố cộng, chúng tra tấn  tàn nhẫn, đá “phọt” đứa con trong bụng ra. Về sau, Cách mạng về quê chị xây dựng mạng lưới an ninh. Cùng lúc, bọn ngụy cũng đưa một sỹ quan an ninh về quê chị - nơi ban ngày là ta ban đêm là địch để phá cơ sở cách mạng. Anh ta thấy chị xinh đẹp quá, yêu và muốn cưới chị. Trước tình thế cơ sở cách mạng của ta có thể bị phá tan bành, an ninh cách mạng động viên chị lấy người sỹ quan ngụy ấy để làm mọi cách kìm giữ sự phá phách của an ninh địch. Chị đồng ý lấy chồng mới để trả thù cho chồng cũ. Chị cảm hóa được người chồng sĩ quan an ninh ngụy này và anh ta cứu được nhiều cán bộ cách mạng thoát chết, giữ vững cơ sở cách mạng trong vùng. Từ sĩ quan an ninh ngụy, anh ta trở thành cán bộ an ninh cách mạng. Sau đó, bị lộ, anh bị địch bắt, anh rút lựu đạn… tự sát. Chị mất hai đời chồng.

 

Kể chuyện này, tôi muốn nói: có nhiều lựa chọn viết về an ninh Tổ quốc, tôi không chỉ viết về cán bộ an ninh mà còn viết về người dân an ninh. Đề tài người dân thường tham gia công tác an ninh cũng có thể viết được và viết hay…

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Thưa các anh chị! Tôi là nhà văn mặc áo lính, tôi đã từng nói: “Viết về người lính hôm nay luôn là thách đố các nhà văn quân đội”. Cuộc sống giản đơn của người lính trẻ trong doanh trại với đi đều, đi nghiêm, huấn luyện, tăng gia sản xuất…không còn là thử thách khốc liệt như người lính ở chiến hào ngày trước nữa. Còn đề tài chiến tranh thì các nhà văn đã cày xới suốt hơn nửa thế kỷ rồi, tìm cái mới ở đề tài này không dễ.

 

Tôi nghĩ: Thời bây giờ là thời của Văn học Công an. Cuộc chiến địch - ta vẫn còn diễn ra trên mặt trận an ninh tổ quốc, cuộc chiến thiện - ác vẫn từng ngày từng giờ để giữ cuộc sống nhân dân bình yên. Hiện thực “An ninh Tổ quốc và bình yên là vùng đất màu mỡ, giàu có, đầy ắp chất liệu văn chương để các nhà văn dụng bút. Nhưng, vì sao vẫn chưa có tác phẩm thật hay viết về “An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Có phải các tác giả chưa tiếp cận được tài liệu, chưa hiểu nhân vật, chưa hiểu đời sống nội tâm người chiến sỹ công an nên chỉ kể và miêu tả hành động?… Tôi khát khao được viết về số phận người tù và đời sống cán bộ công an quản giáo; nhưng tiếp cận, đi lấy tư liệu rất khó. Tôi chưa thấy hình tượng Người chiến sỹ công an rõ nét trong văn học. Nhà văn chỉ viết cái mình hiểu nhất. Có phải chúng ta chưa chuẩn bị đủ hành trang để đồng hành cùng sáng tạo tác phẩm? Hay, cái “trần” cho nhà văn sáng tạo quá thấp,  hay cái “vùng cấm” mà nhà văn vừa viết vừa biên tập? Tôi cũng có một tâm lý vừa viết vừa biên tập, có lúc đang viết mà thấy ông biên tập thấp thoáng đứng bên cạnh.

 

Nhà văn Nguyễn Đức Thiện: Anh phải đẩy “người biên tập” thật xa ra mà viết thì mới tự do sáng tạo được.

 

Nhà văn Bùi Anh Tấn (Quyền Trưởng đại diện phía Nam - NXB Công an): Với tư cách là biên tập viên, tôi xin nói rõ điều này: Tôi chưa bao giờ thấy một chỉ thị, văn bản nào của Bộ Công an quy định về các “vùng cấm” của ngành không được viết. Nhưng viết văn chống chế độ, chống nhà nước XHCN Việt Nam, làm lộ bí mật quốc gia, tuyên truyền lối sống đồi trụy… thì rõ ràng là phải cấm rồi.

 

Tôi cho rằng chưa có tác phẩm hay về đề tài “An ninh Tổ Quốc và Bình yên cuộc sống” là do chưa có nhà văn tài năng, chứ không phải viết về cái gì.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Lúc nãy, anh Nguyễn Đức Thiện chưa hiểu hết ý tôi. Tôi nói cái “vùng cấm vô hình” là cái tâm lý sợ sệt, sợ bóng sợ gió những điều cấm kị mà nhà văn “gọt chân cho vừa giầy”. Tôi từng làm biên tập tôi biết, thực ra “cái trần”, cái khoảng trời tự do sáng tạo nhà nước dành cho nhà văn rất cao, rất rộng; chỉ viết trong không gian đó cũng thỏa sức vẫy vùng để có tác phẩm hay rồi. Nhưng, nhà văn cứ tự biên tập văn mình, tự tưởng tượng ra “cái vùng cấm vô hình”; rồi chui vào tự nguyện làm người tù khổ sai nên triệt tiêu cá tính sáng tạo. Tôi cũng chung ý kiến anh Bùi Anh Tấn là muốn có tác phẩm xuất xắc thì cần có tài năng nhà văn.

 

Tôi cũng muốn nói với anh Bùi Anh Tấn rằng: Anh viết về đồng tính, về cõi Phật giáo, về mọi ngõ ngách cuộc sống đời thường, ra đến hơn chục đầu sách. Anh lại là trung tá công an, 24 năm trong ngành, anh rất hiểu ngành công an; mà anh không viết một tác phẩm nào về công an. Thử hỏi: Anh còn như thế thì chúng tôi ngoài ngành viết thế nào và viết có hay được không?

 

Nhà văn Bùi Anh Tấn: Tôi chưa viết chứ không phải là không viết. Và xin thông tin cho anh là có nhiều nhà văn ngoài ngành công an viết về công an khá hay đấy chứ. Ví dụ như: Đêm yên Tĩnh của Hữu Mai; Yêu tinh của Hồ Phương;   Phạm Xuân Ẩn - cuộc đời như tên gọi của chị Nguyễn Thị Ngọc Hải…Vấn đề là tài năng, say mê lao động. Lúc nãy anh nói, anh trăn trở viết về nhà tù; còn tôi lại quan tâm đến công an phường, xã cơ. Và tôi sẽ viết.

 

Thiếu tá Trần Cao Kiều (Quyền Trưởng phòng Văn học - NXB Công an - Trưởng ban tổ chức Trại sáng tác): Thưa các anh chị nhà văn! Có một thực tế là: Nhiều người cứ nghĩ viết về công an là viết về cảnh sát giao thông, là công an khu vực. Đề tài “Anh ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” rộng lắm. Còn phản gián,  tình báo nội tuyến, ngoại tuyến, điệp viên, điệp báo; còn cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra hình sự; còn an ninh nhân dân...

 

Người dân tham gia giữ gìn cuộc sống bình yên cũng là những nhân vật văn học để nhà văn viết. Các nhà văn bên ngoài lực lượng có thể tiếp cận, khai thác tài liệu, đi thực tế ở môi trường công an khó hơn các nhà văn công an. Nhưng, có một cách giải là: Thông qua chúng tôi ở Nhà xuất bản, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất để các anh chị đi khai thác tài liệu, và đi thực tế. Có gì cần cho việc hoàn thành tác phẩm trong cuộc thi này, xin các anh chị cứ liên lạc với chúng tôi.

*

Nhà văn Văn Phan đã từng 14 năm làm Giám đốc Nhà XB Công an, ông là người theo dõi có hệ thống và khá am tường văn học công an. Ông có những đánh giá khá chính xác quá trình hình thành, phát triển mạnh mẽ của đội ngũ nhà văn công an, nhất là khoảng hơn 10 năm gần đây. Ông có những nhận xét tinh tường về văn học công an. Theo ông, có hai dòng văn học công an song song tồn tại phát triển: Dòng văn học tình báo, trinh thám, phản gián,… đại diện là các nhà văn Hữu Mai, Triệu Huấn, Ngôn Vĩnh, Đặng Thanh…Loại truyện này có sức hấp dẫn cực lớn.  Dòng văn học đi sâu vào nội tâm, thân phận con người trong lực lượng công an mà đại diện tiêu biểu nhất là “cụ tiên chỉ” Lê Tri Kỷ với các tác phẩm Bí mật một cuộc đời; Sức mạnh của cô đơn; Giấy chứng nhận cho quỷ dữ

 

Nhà văn Văn Phan: Viết về đề tài “An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”, các nhà văn ngoài ngành thường băn khoăn là mình thiếu thực tế, vốn sống không bằng nhà văn công an. Chúng tôi cũng công nhận là anh em trong ngành có điều kiện viết sâu hơn, nhưng không phải nhà văn công an nào viết về công an cũng hay. Thực ra ai cũng có thể viết được và viết hay. Ví dụ: Nhà văn trẻ Di Li chưa một lần mặc sắc phục công an mà vẫn viết được tiểu thuyết trinh thám - kinh dị TRẠI HOA ĐỎ và tham gia cuộc thi lần này. Nhà văn Triệu Huấn là đại tá quân đội, nhưng đã viết nhiều tiểu thuyết tình báo rất hay.  

 

Để có tác phẩm hay, vẫn là tài năng, một vấn đề rất cũ người ta nói nhiều rồi. Cũng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, người trong nước viết, người nước ngoài viết; những rõ ràng là ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO của tác giả nước ngoài viết hay hơn, trên ta viết một bậc. Có nhiều cách, theo tôi vẫn phải đi sâu vào số phận con người. Chẳng hạn như viết về trại giam không phải chỉ viết về anh cán bộ quản lý trại giam; mà còn viết về số phận con người, mới dạo trước còn là cán bộ cao cấp, hay là công dân bình thường, nay là tù nhân. Bây giờ người ta lưu luyến cái gì, khát vọng cái gì, tâm trạng người ta ra sao?...

 

Nhà lý luận phê bình văn học Phạm Quang Trung: Viết về thế giới tội phạm, về cái ác, tác giả phải trăn trở, hiểu tận cùng cái ác. Nhà văn phải tránh tuyên truyền cho bạo lực; chớ biến văn chương về cái ác thành văn chương cho cái ác. Viết về cái ác, nhà văn  phải tôn trọng đề cao tính nhân bản, đừng để bạn đọc sợ cái ác, thậm trí quy phục cái ác. Theo ông, không có con người ác, chỉ có cái ác trú ngụ nơi con  người. Đối tượng để nhà văn thanh trừng lên án là cái ác trong con người; chứ không phải con người mang mầm ác...

 

 Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Tại sao chưa có tác phẩm đỉnh cao về công an? Đó là trăn trở của tất cả người cầm bút chúng ta. Có người nói nhà văn tụt hậu trước cuộc sống hiệt đại. Nhà LLPBVH Phạm Quang Trung viết trong tập sách mới tặng tôi là nhà văn thiếu tầm tư tưởng. Có người nói là thiếu vốn sống, nhưng tôi nghĩ cái cao hơn là sức mạnh của người viết thâm nhập vào vấn đề. Nhà văn Văn Phan có nói, bây giờ viết về An ninh Tổ quốc không thiếu gì tài liệu của ta, của phía bên kia. Điều đó là đúng! Nhưng, tôi viết về ông Phạm Xuân Ẩn, tôi không được tiếp cận được 1 trang tài liệu nào trong kho lưu trữ của nước ngoài. Còn một khó khăn với người viết nữa là các nhân vật với phẩm chất của nhà tình báo vĩ đại, họ không chịu nói những việc đã làm. Ông Phạm Xuân Ẩn chết đi là mang theo rất nhiều bí mật. Viết về công an rất khó, vì tâm lý bí mật với nhà văn vẫn còn lớn lắm.

 

Tôi không chọn đề tài công an mà tự nhiên viết được về công an. Tôi chọn con người. Con người trong sự kiện, nghiệp vụ và chất nhân văn rất lớn, văn hóa cũng cao. Tôi viết về ông Phạm Xuân Ẩn, viết về ông Mười Hương, viết về ông Mai Chí Thọ. Tôi viết về tính nhân văn của họ, về cuộc sống họ…Tôi thấy viết ký hay về công an phải vượt qua được 3 thách thức: thứ nhất là phải rất dũng cảm; thứ hai là tài liệu mật và sức mạnh thâm nhập vào tài liệu; thứ ba là bút pháp.

 

Nhà văn Lê Công: Theo tôi phải chấp nhận mọi hình thức thể hiện mới có tác phẩm mới mẻ và hay. Những người nào viết có cốt truyện theo kiểu truyền thống thì cứ viết. Những người nào tìm tòi viết không có cốt truyện cũng nên khuyến khích. Cái đích là sự tiếp nhận của bạn đọc. Có như vậy thì nền văn học công an mới phong phú, đa dạng, sinh động.

 

Nhà văn Nguyễn Đức Thiện: Tôi nghĩ đặt vấn đề viết tác phẩm hay về công an là hơi khó đấy. Lãnh đạo cấp Bộ, cấp Tổng cục thì rất nồng nhiệt, tạo điều kiện cho nhà văn thâm nhập đơn vị, con người, sự kiện công an để viết. Nhưng, cấp dưới không phải nơi nào cũng cởi mở, sẵn sàng tạo điều kiện cho nhà văn viết đâu. Theo tôi, ngành công an, nhất là các địa phương nên mở rộng mối quan hệ với các cây bút, để họ làm bạn thân thiện với công an, họ hiểu được công việc, hiểu được đời sống cán bộ chiến sỹ công an. Hiểu thì mới viết hay được. Nếu không làm được thế thì suốt đời viết về công an cũng chỉ đạt đến hai việc: một là ca ngợi hết lời người tốt việc tốt; hai là viết về diệt ác trừ ác và cuối cùng là ta thắng địch thua.

 

Nhà văn Phùng Thiên Tân: Làm thế nào để có tác phẩm hay về “An ninh Tổ Quốc và Bình yên cuộc sống?” là câu hỏi quá lớn trong cuộc tọa đàm này. Tuy vậy, gần 3 giờ đồng hồ, nhiều vấn đề được các anh chị đã trao đổi rất thẳng thắn chân tình. Chúng tôi hy vọng qua cuộc tọa đàm này sẽ có một ảnh hưởng, tác động nho nhỏ nào đó đến sự lựa chọn vấn đề sáng tác, đến cách thể hiện hoặc tầm nhìn trong tư duy sáng tạo của nhà văn. Và như vậy Trại sáng tác này sẽ góp phần làm cho cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký lần 2 của NXB Công an nhân dân thành công hơn.

 

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2673
Ngày đăng: 24.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền Tây vòng tay thân ái - Võ Quê
Về Huế Thơ Mừng Gặp Người Kinh Bắc - Võ Quê
Ngồi lại với Huế…. - Mang Viên Long
New Orleans – thành phố u buồn - Ngô Kế Tựu
Quảng Trị , cuộc đất nghĩa tình - Mang Viên Long
Truân chuyên đường tới Việt y đạo. - Hà văn Thùy
Người mẹ trẻ và nỗi đau da cam - Vũ Ngọc Tiến
Phú Quốc mùa biển lặng - Huỳnh Kim
Bềnh bồng sông nước miền Tây - Huỳnh Kim
Cánh cò trên đảo Đình Vũ - Khải Nguyên