Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
782
116.660.371
 
Ông Tỉnh đi khám bệnh !
Đổ Thị Hồng Vân

4giờ 30 phút sáng.

Ông Tỉnh đã đứng tại cổng một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước.Không phải ông sợ chết đến mức phải lọ mọ đến đây lúc tinh mơ mờ đất thế này đâu.Chẳng qua, không chịu nổi những lời cằn nhằn của bà vợ, tuy điếc lác nhưng bà hay lo xa: Ông đi khám xét thế nào chứ, để lúc không chữa được nữa thì tôi cũng mặc kệ. Ông mà chết trước, tôi không chôn!

 

Lại được mấy cha hàng xóm, dặt một giọng tử thần: Đừng chủ quan, tự dưng thấy người mệt, mồm không muốn nhai là phải có vấn đề. Thè lưỡi ra xem nào! Khiếp! Lưỡi trắng như lưỡi bò, đích thị viêm nhiễm chỗ nào rồi, có khi là triệu chứng ung thư cũng nên!

 

Ôí giời! Lại ung thư! Sao bây giờ lắm bệnh ung thư thế. Xóm ông có lão khoẻ như trâu, chẳng bao giờ biết ốm đau là gì. Một hôm, hóc xương cá, lên bệnh viện, người ta lại phát hiện ra ung thư vòm họng, đang chờ chết kia. Lại còn các loại dịch bệnh quái quỷ H nọ N  kia khắp toàn cầu nữa. Mình đang sung sức, tự dưng bải hoải thế này không khéo bị mắc chứng quái chiêu gì cũng nên.. Mấy thứ thuốc sắc, rễ cây, lá lẩu vớ vẩn làm sao giết được hàng tỉ tỉ con vi trùng béo xù thời đại ô nhiễm này. Thôi, tốt nhất là làm một chuyến lên thủ đô khám chữa cho chắc ăn.

 

Cũng theo kinh nghiệm của các chiến hữu: Ông phải ngủ trọ ở gần đấy từ đêm hôm trước, sáng hôm sau đến thật sớm mà xếp hàng. Không bảo hiểm bảo hiếc gì cả, dích dắc, lắm thủ tục. Chờ được tuyến dưới chuyển lên tuyến trên cũng hết hơi.

 

Nhà ông neo người, có mỗi cậu con trai đang công tác trong Nam. Bà vợ thì nghễnh ngãng. Vả lại, ông thấy mình cũng chưa đến nỗi nào nên quyết định một mình đi khám bệnh.

Và bây giờ, ông đang lững thững trong cổng bệnh viện.

 

Hai chiếc xe 115 hụ còi tiến vào phòng cấp cứu, ánh đèn đỏ loè, quét loang loáng. Mấy chị lao công đẩy những chiếc xe rác đầy lù, lịch xà lịch xịch. Làn gió thoảng qua không xua nổi cái nóng bức của đêm hè. Những cánh hoa giấy mỏng tang, rụng dưới nền gạch, phập phồng, run rẩy như đang thở gấp. Ông Tỉnh ngơ ngác tìm chỗ “khám bệnh không có bảo hiểm”. Ông dụi mắt: Hai hàng người xếp hàng rồng rắn từ bao giở bao giờ rồi. Bên “khám bệnh có bảo hiểm” còn đông gấp đôi bên này. Những khuôn mặt vàng bệch dưới ánh điện nhợt nhạt. Những đôi mắt lờ đờ, thiếu sinh khí vì bệnh tật. Hoá ra mình chưa phải là người đến sớm nhất. Họ không ngủ à? Ông hỏi anh chàng cổ ngẳng như cổ bọ ngựa đứng trước. Anh ta vỗ đen đét vào chân đánh muỗi, người toả mùi mồ hôi chua nồng:

- Ngủ nghê gì! Bệnh nhân không cần ngủ! Thức mà canh chỗ để được khám bệnh sớm. Khối người từ hôm qua vẫn chưa đến lượt đấy!

 

Bắt chước mọi người, ông Tỉnh tụt đôi dép, kê mông ngồi. Trời bắt đầu tang tảng sáng. Ông định gục đầu vào gối ngủ tiếp nhưng không thể quen với cái tư thế ngủ kiểu con cú  như mọi người nên quay sang bắt chuyện với anh chàng bọ ngựa. Được một lát, bỗng dưng, ông  ngâm ngẩm đau bụng. Ông lấy lọ dầu gió xát mạnh quanh rốn. Chả ăn thua gì, hình như  càng đau thêm, lại mót đi ngoài. Lúc 4 giờ sáng đã đi rồi cơ mà. Quái lạ! Tối qua mình ăn gì mà giờ sinh chứng? Ông nhớ lại quán cơm bình dân xập xệ ngay bên hông bệnh viện. Vốn không quen với những món cao lương mỹ vị, ông gọi cơm trắng, cá kho, canh cua, cà pháo, mấy bìa đậu. Toàn những thứ dân dã, đơn giản, sao lại đau bụng? Hay là không khí nơi đông người đặc vi trùng hơn? Hay là thức ăn bị ruồi nhặng bâu? Hay là mấy chai nước uống ông mua là nước rởm? Hay là bát đĩa bẩn? Thôi đúng! Cái xô nước rửa bát đặc sánh những mỡ , ngàu bọt xà phòng. Cô bé rửa bát thuê, khoắng khoắng bát đĩa bẩn vào đó, chao chao mấy cái vào xô nước thứ hai. Chiếc khăn lau to đùng, đen nhẻm làm nhiệm vụ lau khô, đánh bóng cho hàng trăm cái bát đĩa khác nhau. Khách hàng phần lớn là những người lúc nào cũng vội vàng, ăn cho xong bữa... Cơn đau lại dội lên, nó thúc bách ông cần phải trút nỗi buồn ngay. Gay quá! Gìơ mà bỏ đi sẽ mất lốt. Hàng người thì cứ kéo dài ra mãi như một con trăn khổng lồ kì dị. Bất chợt, ông kéo tay áo người đứng trước và người đứng sau, thì thào:

- Tôi đau bụng quá, phải đi cầu. Nhờ anh, nhờ chị chứng thực chỗ này của tôi nhé!

 

Người phụ nữ đứng sau ông tỏ vẻ cẩn thận:

- Bác phải nói to lên cho mọi người biết, kẻo chốc nữa bác vào, những người không biết họ thắc mắc, rách việc lắm!

 

Khổ quá, đến vãi ra quần! Ông Tỉnh la toáng lên:

- Làng nước ôi! Tôi buồn đi cầu, giữ chỗ hộ nhé!

 

Ông chạy như ma đuổi, hai đầu gối dụm lại. Nhà vệ sinh ở chỗ nào ? Ông ngó trước, nhìn sau. Kia rồi ! Mũi tên chỉ dẫn. Ông đâm sầm vào cánh cửa. Có tiếng phụ nữ thét lên thất thanh :

- Ôí ối ! Cái ông này ! Sao lại vào chỗ của đàn bà ?

 

Ông nhảy bổ sang phòng bên cạnh. Tống được của nợ ra nhẹ cả người! Nhưng mà... ông nhìn quanh... chùi bằng cái gì ? Không có giấy vệ sinh, không có xà phòng. Thế mà đài, báo cứ nheo nhẻo “Rửa tay bẵng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”. Đến cái giấy chùi đít còn chả có nữa là...ơ! đây là bệnh viện, là nơi công cộng, có phải nhà ông đâu mà ông đòi hỏi. May quá, có một cái vòi nước bên cạnh. Ông vặn vòi cho nước chảy tồ tồ rồi chổng mông vào đó. Thật đúng là cái khó ló cái khôn!

 

Khi ông Tỉnh ra chỗ xếp hàng thì người ta cũng bắt đầu ghi phiếu khám bệnh. Hàng người cộn lên như làn sóng. Cô y tá rướn cổ, nói qua tấm kính dày có khoét lỗ to hơn bàn tay: Đề nghị các bác giữ trật tự để chúng tôi còn làm việc. Cô ghi tên, cô thu tiền, cô đánh máy, nhanh thoăn thoắt mà hàng người chả thấy bớt đi được mấy. Những tấm lưng đầm đìa mồ hôi. Những quyển sổ y bạ nhàu nát. Đúng lúc đến lượt ông Tỉnh thì máy vi tính bị trục trặc, phải chờ sửa. Và cái bụng khốn nạn của ông lại đau xoắn lên, đòi đi cầu. Mồ hôi vã ra. Chẳng khám thì đừng! Ông đang tính bài chuồn thì máy lại sửa được. Tiếng cô y tá vọng ra đều đều:

- Bác khám gì?

 

Chẳng lẽ mất công đi từ hôm qua tới giờ, bao nhiêu tiền tàu xe, tiền thuê nhà nghỉ, tiền ăn uống, lục sục dậy từ đêm hôm gà gáy, xếp được cái lốt quý hoá thế này lại bỏ cuộc ư?  Về cứ gọi là rách tai với mụ nghễnh...Không, ông phải quyết khám cho bằng được:

- Dạo này tôi thấy người mệt, đau ngực.

- Bác khám tim mạch nhé, vào tim mạch 1, phòng khám 307 gác hai !

- Tôi còn đau đầu và mất ngủ nữa, đôi lúc chân tay tê tê...

- Thế thì bác sang khoa thần kinh – Cô y tá vẻ sốt ruột.

- Ây không ! Tôi không bị thần kinh, tôi thấy sút cân hơn dạo nọ...

- Tôi ghi bác sang bên nội tiết. Sút cân là tiểu đường, tuổi bác dễ mắc bệnh này lắm. Sao bác không nói ngay mà cứ quanh co, mất bao nhiêu thì giờ của chúng tôi...ơ ! bác làm sao thế kia?

- Tôi... tôi đau bụng quá! Từ sáng đến giờ đi ngoài mấy lần rồi ! Toàn ra nước...

- Thôi chết! Bác có sốt không? Đang có dịch tả ! Vào ngay khoa lây! Bác đóng tiền đi, chúng tôi sẽ đặc cách cử người đưa bác sang.

 

Ông Tỉnh tá hoả. Bỏ mẹ! Mắc vào dịch này cứ gọi là hết đường về quê! Thôi, đành nhắm mắt, ngồi vào chiếc xe đẩy, mặc cho hộ lý muốn đưa đi đâu thì đi. Chị hộ lý vừa đẩy xe vừa cúi ghé sát tai ông, nhẹ nhàng:

- Anh cứ ngồi yên em sẽ đẩy đến tận nơi... Trông anh phong độ thế này mà lại phải vào đây à?

 

Có thể kết hợp chữa  cách khác, vừa an toàn vừa khoẻ người có hơn không?

Nghe giọng phụ nữ dịu dàng, ông ngẩng lên. Chị hộ lý nhoẻn cười:

- Anh nên dùng thực phẩm chức năng. Ông xã nhà em năm ngoái dùng có mấy hộp, bao nhiêu bệnh tật bay biến sạch. Gìơ, lão khoẻ như voi, chiều nào cũng đánh bóng chuyền bình bịch...

- Thực phẩm chức năng là cái gì mà hay thế?

Chị hộ lý dừng xe đẩy chỗ rẽ hành lang, liếc mắt trước sau, móc luôn mấy cái hộp xanh xanh trong túi xách tay , dí vào mắt ông:

- Tảo xoắn Nhật Bản chính tông! Anh không nghe ti vi nói ầm ầm sao ? Thần dược đấy ! Có đăng ký nhãn mác hẳn hoi, chỉ bọn em mới có thể mua chính hãng thôi. Anh lấy nhé ! Mỗi đợt dùng bốn hộp, có hai triệu bạc...

Uí giời ! Ông đang đau bụng gần chết đây ! “nhãn mác”, với chả “chính hãng”. Ông Tỉnh vội xua tay :

-  Tôi không có tiền, cảm ơn chị đã có lời mời !

 

Chiếc xe nảy lên, lăn sòng sọc đến phòng khám  tiêu hoá. May quá! Xét nghiệm phân xong, bác sĩ  bảo ông không bị thổ tả thổ tiếc gì, chỉ bị rối loạn tiêu hoá. Ông uống ngay mấy viên thuốc, thấy bụng yên yên. Nhưng bác sĩ bảo ông cần phải khám chuyên khoa tim mạch, hình như nhịp tim có vấn đề. Ông Tỉnh giãy nảy. Tôi không xếp hàng nữa đâu! Có bệnh gì thì bác sĩ chữa luôn thể. Bác sĩ lắc đầu. Không được, chữa bệnh cần đúng phương pháp, đúng chuyên khoa. Bác cứ sang bên đó sẽ có chỉ dẫn tiếp. Tôi viết phiếu cho bác, không cần phải xếp hàng.

 

Cầm một mớ giấy tờ trên tay, sau một hồi lừng chừng, ông Tỉnh cũng vào khu “chuyên khoa tim mạch”. Tất cả các hành lang chật cứng người. Tất cả các phòng: điện tâm đồ, siêu âm, tim mạch can thiệp... đều có hàng mấy chục bệnh nhân đang chực sẵn ở cửa. Những bệnh nhân nặng, da tái nhợt, nằm thượt trên băng ca, thở hi hóp, chờ  bác sĩ gọi. Các bác sĩ chạy ra chạy vào tới tấp, mồ hôi rịn trên trán, họ xúm quanh các ca cấp cứu.  Một bà cụ ngồi dựa lưng vào tường, mồm thở phập phều, y như con cá ngớp không khí trên mặt ao những ngày giở giời. Cô cháu gái lấy tờ báo vừa quạt quạt cho bà cụ, vừa mếu máo: Bà ơi! Sắp đến lượt bà rồi, bà cố lên, cố lên! Ông Tỉnh rùng mình, tự dưng ông thấy người ớn lạnh, tim đập thình thịch. Ông định quay ra nhưng chới với, ngã lăn xuống. Đầu ông va vào cạnh tường toé máu. Người ta khênh ông vào phòng. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên giường, truyền dịch. Cô y tá bình thản nói với ông:

- Bác thấy đỡ chưa? Bác yên tâm, chỉ bị choáng ngất do chấn động thần kinh thôi. Tôi sẽ làm điện tâm đồ. Sau đó, bác sẽ đeo máy holter trong 24 giờ để theo dõi chức năng tim.

Ông Tỉnh thều thào :

- Cho tôi về... để tôi ... chết ở nhà...

- Sao bác đến đây rồi lại đòi về? Chết làm sao được! Bác nằm yên để tôi cắt tóc, băng vết thương, có thể phải chụp cắt lớp nữa đấy, may mà vết thương cũng không sâu lắm. Người nhà bác đâu?

- Không có ai cả, con tôi ở xa, bà vợ điếc lác...

Cô y tá nhìn ông, vẻ ái ngại:

- Sao bố không đến bệnh viện tư có phải đỡ mệt không?

- Bệnh viện tư ở đâu hả cô? Việt Nam mình làm gì có bệnh viện tư?

- Có chứ? Bố ngây thơ quá! ở ngay bên kia đường cũng có.

 

Đúng thật, bên kia đường, lổm nhổm các biển hiệu chữ to đùng: Phòng khám, chữa chuyên khoa A; Phòng khám, chữa chuyên khoa B, C, D, E...;  Nhà thuốc I, K, G, H... vân vân và vân vân. Nếu đến gần ông, sẽ nhìn thấy hàng chữ nhỏ hơn nhưng được tô đậm, nêu tên và chức danh của mỗi chủ phòng khám, nhà thuốc. Toàn những giáo sư này, tiến sĩ nọ có tên tuổi ở những bệnh viện lớn cả. Tại sao bệnh viện này vẫn đông thế nhỉ?

 

Ông gọi điện cho Minh, con trai ông. Giọng Minh hốt hoảng: “Sao bố lại đi  một mình? Tạm thời bố cứ ở đấy. Con sẽ bay về ngay, đón bố vào Sài Gòn, khám ở bệnh viện An Sinh, bệnh viện tư nhưng tuyệt vời bố ạ!”.

 

Ông Tỉnh xoa xoa cái đầu trọc lốc cô y tá vừa cạo tóc xong, tươi cười:

- Thôi, tôi thấy khá hơn rồi. Không cần chụp cắt lớp đâu. Tôi truyền hết lọ dịch này rồi xin về, điều trị ngoại trú.

- Bác hỏi ý kiến bác sĩ nhé! Bác sĩ đến đây này.

 

Cuối cùng, ông Tỉnh cũng có được đơn thuốc với chẩn đoán : Chấn động thần kinh ; Rối loạn tiêu hoá ! Bác sĩ còn dặn dò : Uống thần kinh trước, tiêu hoá sau, hết thuốc hoặc thấy bất thường khám lại. Cha mẹ ơi, thấy bất thường khám lại, hay khám, lại thấy bất thường? Ông Tỉnh gật lấy gật để như bổ củi rồi ra hiệu thuốc. Mất gần hai triệu tất cả. Toàn thuốc ngoại xịn!

Vừa về đến ngõ, chưa kịp gọi vợ, ông giật bắn người vì con chó vện nhà ông nhảy xổ ra, vừa sủa đinh tai, vừa nhe nanh trắng nhởn trực cắn. Ông điên tiết, vớ dép ném nó:

- Mày cắn ai ? Mù à?

 

Vợ ông lại còn cười tít mắt, mồm oang oang:

- Đầu thì trọc lốc, tai vểnh như tai chuột! Quần áo xốc xếch như ăn mày thế kia! Đến tôi còn chả nhận ra ông nữa là thằng vện!

Con vện đã biết cắn nhầm chủ. Nó hối lỗi, rít ư ử, ngoáy đuôi tít thò lò, mừng ông sau mấy ngày từ bệnh viện trở về.

                                   

Hải Phòng tháng 5/2009

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2007
Ngày đăng: 14.05.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hương Ngọc Lan - Phùng Văn Khai
Qủa ổi chín - Đậu Nữ Vệ
Người em họ - Huỳnh Văn Úc
Lưỡi câu đen - Giản Tư Hải
Thói ngậm tăm - Khôi Vũ
Người máy thành tinh - Giản Tư Hải
Huyền thoại sông Lăng - Phùng Văn Khai
Con chó nhứt của hội săn làng Xoài Đôi - Hoa Ngõ Hạnh
Một bà mối kỳ quặc - Vasiliy M. Shukshin
Truyện ngắn ngắn – 3 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)