Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
782
116.649.233
 
Một tuần làm tiếp thị
Đổ Thị Hồng Vân

Xoan thắp nén hương, chắp tay trước ngực, cúi đầu, khẽ nhắm mắt, lẩm nhẩm:

- Con lạy chín phương trời, mười phương đất. Con lạy đức Quan âm Bồ Tát, lạy Phật từ bi…

Phù hộ độ trì

Cho con mạnh khỏe

Mua rẻ, bán đắt

Buôn một, lãi mười

Tiền bạc của người,

Tuôn vào như nước… Na…mô…!

 

Tấn đứng phía sau lúc nào Xoan chẳng biết, nhe răng cười, oang oang:

- Khấn nhiều thế! Tham quá! Một lãi mười, cho đồng bào chết à? Lãi chín phẩy chín thôi bà ạ!

Bực mình không? Còn gì là linh nữa! Lần nào cũng thế, hễ Xoan khấn đến cái đoạn buôn bán la Tấn lại nhăn nhăn nhở nhở, nói nhăng nói cuội, lại còn: “Con cầu cho bọn công an lúc nào cũng:  xịt lốp, hỏng xe/ mắt toét, chân què/ tha hồ bày bán…”

 

Xoan quay ra, vờ quát:

- Ông biến cho tôi nhờ! Cái đồ phải gió! Đi nấu cơm cho người ta! Dạ…dạ… Con xin lỗi!...Con lạy đức Quan âm…

 

Tấn cười cười xuống bếp, lôi nửa mớ rau muống từ hôm qua ra, cái cười tắt lịm: “Uá thế này mà còn bảo nhặt…”.

 

Dạo này, việc làm ăn, buôn bán của vợ chồng Tấn buồn nẫu ruột. Lương anh công nhân sửa chữa thủy chỉ phọt phẹt trên dưới một triệu. Công việc nặng nhọc, lúc có, lúc không. Mắt Tấn quanh năm đỏ sọc vì bụi sắt bay vào khi gõ rỉ tàu. Mấy tháng trước đi khám, bác sĩ bảo một mắt tám phần mười, mắt kia chỉ còn sáu phần mười. Vợ lo về già, mù ra đấy thì khốn. Xoan bàn bạc: “Hay anh nghỉ hưu theo chế độ “bốn mốt”, hai vợ chồng cùng chạy chợ?”. Suy đi tính lại, Tấn thấy không ổn: “Mỗi lúc mỗi khác chứ, lương sắp chỉnh rồi. Tay giám đốc mới về có vẻ hoạt bát, công việc đều hơn. Bà bảo tôi cũng ngồi vỉa hè hay sao?...”. Mặt Xoan khó đăm đăm. Số cô thật vất vả. Lận đận bao nhiêu công việc dở dang, cuối cùng xoay ra bán hoa quả. Sáng dậy từ bốn, năm giờ, lên chợ Ga đèo mấy sọt quả về chợ gần nhà bán lẻ. Xoan cân đủ, lấy công làm lãi nên hàng khá chạy. Mỗi ngày cũng kiếm vài chục. Nhưng càng ngày, người bán càng đông. Dân ở các vùng ngoại thành kéo ra lắm thế không biết. Đám thanh nữ xin làm giày da, dệt may. Có chồng, có con thì tranh thủ lúc nông nhàn, rủ nhau ra thành phố buôn thúng, bán bưng. Đến cả mấy tay đàn ông khỏe như trâu cũng thồ đôi lồ sọt to tướng, rê rê bên lề đường nào củ đậu, nào ổi Bo, nhãn, vải, cam, quýt, dưa hấu, mít, đu đủ…hoa cả mắt. Cũng mời chào đon đả, mồm dẻo như kẹo kéo. Lắm hôm ngồi nhìn, Xoan điên người. Mình mất tiền mua chỗ trên vỉa hè mà cứ trơ mắt để tranh mất khách. Hàng họ đã khó bán, chỉ sở lườm nguýt, đánh chửi nhau, văng tục văng bậy không để đâu cho hết. Được cái, Xoan chịu khó chọn hàng tươi, ế thì bán ít đi, vui vẻ chào mời khách quen, vẫn kiếm được đồng ra , đồng vào.

Hôm ấy, Xoan đang ngồi ngáp ruồi thì Lan, người đàn bà cùng xóm sà vào:

- Bán cho chị hai cân chôm chôm nào! Sao mày như thần sầu thế?

Xoan tươi tỉnh hẳn lên, đon đả:

- Chị mua đi! Chôm chôm của em ngọt lịm, còn tươi nguyên...

Nhưng điểm nhìn của Lan lại là gương mặt của Xoan:

-  Lâu không gặp. Sao dạo này da mặt xấu thế, xám lại kìa! Hoa hậu xóm xuống mã quá! Ốm à?

Suýt nữa Xoan khóc, giọng nghèn nghẹn:

- Cực lắm chị ạ, nắng nôi thế này, hàng họ ế ẩm…

Lan chậm rãi nhặt từng quả cho vào túi ni lông, thủ thỉ:

- Đàn bà chúng mình phải biết giữ nhan sắc khi còn trẻ. Đày đọa cái tấm thân, của nả đâu chẳng thấy chỉ thấy mình già đi, xấu đi, rồi chồng chê, đi cặp bồ…

Xoan nhìn những ngón tay trắng múp của Lan, thở dài thườn thượt:

- Em chẳng sợ chồng bồ bịch. Chồng em, em biết. Đói bụng đầu gối phải bò thôi. Số em khổ lắm chị à…

 

Hai cái đầu chụm vào nhau lúc nào không hay: “ Thời buổi bây giờ mà lại ngồi cà rầm cà rì, bòn mót từng xu một thì có đến đời mục thất cũng không bao giờ ngóc đầu lên được. Chỗ chị em với nhau, tớ nói thật, phải tìm việc khác….Ai bảo làm ca ve? Chỉ nói xằng…Được rồi, cứ đi theo chị sẽ biết…”. Đêm về, Xoan suy nghĩ lung lắm. Chị Lan quả là người nhìn xa trông rộng. Chị dặn dò Xoan: “Muốn được việc lớn, cần liều một tí, phải biết  thả con săn sắt, bắt con cá rô. Đừng cho ai biết ý định của mình, họ sẽ cản ngay. Nhất là thằng cha Tấn nhà mày, nó sẽ cho em nghỉ luôn. Ai lại để vợ đày sương đày nắng  như thế không, mà nào có lờ lãi trăm nghìn vạn mớ gì cho cam. Sao em tôi cũng tài chịu đựng thế không biết…Xinh xắn, hoạt bát…, em có dáng của mệnh phụ phu nhân đấy…”. Ừ, đúng thật. Hồi xưa, giá Xoan đừng chê chàng Thịnh “Chéc lơ mo” thì bây giờ có phải đã là phó giám đốc phu nhân rồi không? Lại còn vụ từ chối việc làm lao công ở ủy ban thành phố nữa. Tại Tấn cả. Đời Xoan đã bỏ lỡ mấy cơ hội may mắn. Lần này nhất định Xoan sẽ quyết một mình.

 

Hôm nay, Xoan bán tống bán tháo cho hết hàng rồi hối hả đạp xe đến  địa chỉ  Lan ghi trong giấy. Đây rồi! Công ty đẹp quá. Xoan hồi hộp nhìn lên tấm biển lớn, dòng chữ in đậm: “Công ty TNHH Thiên Nga”, “văn phòng đại diện xx…” Cổng ngõ bề thế, bảo vệ đội mũ kê pi, phù hiệu hai vai rõ oách. Mấy bồn hoa trước sân trồng theo hình ngôi sao năm cánh, mỗi cánh được viền răng cưa bằng hàng thủy tiên đang trổ bông rực rỡ. Bên kia, ủy ban nhân dân phường N. Chị Lan từ trong đó bước ra. Xoan thấy chị  hệt như cô Tấm bước ra từ quả thị!  Chị ta nhìn đồng hồ:

-  Chị đang có việc nhờ ông anh họ làm trong ủy ban, ông ấy phụ trách địa chính, to phe lắm, chị ho một tiếng, ông ấy chiều hết. Em gặp rắc rối gì cứ bảo chị nhé…Đã hẹn với em nên chị phải bỏ dở cả công việc, đi nào!

 

Xoan líu ríu bước theo Lan. Vào phòng, nhìn trân trân bức tranh vẽ đôi ngựa đang phi nước đại về phía cánh rừng. Dòng chữ in nghiêng bên dưới Xoan thấy mới chí lí làm sao: “Hãy dũng cảm lao về phía trước! Khát vọng chiến thắng sẽ mang đến thành công cho bạn!”. Một cô gái rất trẻ, nụ cười thường trực trên môi, nhanh nhẹn pha nước mời khách. Lan ôm vai Xoan:

- Thôi nhé, chị đã dắt em đến cổng Thiên đường rồi. Vào hay không là tùy em và … – Lan nháy mắt với cô gái – Tùy Thánh gác cổng có biết cách mở hay không? Chị cũng từ đây mà trưởng thành đấy em ạ. Lương tháng kém cỏi ngót ngoét vài triệu. Em cứ yên tâm làm theo chỉ dẫn. Chào nhé, chúc thành công!

 

Xoan hơi bồn chồn. Hay là …chúng lừa bán sang Trung Quốc? Cô gái cầm tay Xoan kéo đi, mắt nhìn Xoan, miệng cười rõ tươi:

 - Bà chị lại nghĩ sắp bị lừa bán cho Trung Quốc chứ gì? Con người chứ cái kim đâu mà giấu được. Gớm, loại gộc tre các bà ai gặm!. Công ty bọn em làm ăn có thương hiệu trên toàn quốc, đâu phải hạng tép riu nhãi nhép. Tổng to đoành trên Hà Nội ấy, số điện thoại đây này, chị cứ gọi thử xem có thật không? Đã chắc họ nhận chị vào làm chưa mà tính với toán. Vào hội trường tham quan tí đã!

           

Hội trường trên tầng ba. Có đến mấy chục người ngồi im lặng như phỗng. Xoan được ưu tiên mời lên ghế hàng trên. Một vài tiếng xì xào khẽ nhưng cũng đủ để Xoan nghe rõ: “Lại thêm người nữa… Công ty này làm ăn được đấy… Hôm nay, tôi cũng lấy một máy…”. Tiếng nhạc “ Tình như mơ” vang lên. Lâu lắm, Xoan mới được nghe giai điệu đằm thắm, thiết tha đến thế, chị cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. Nhạc ngừng. Một giọng nói trong trẻo, êm như ru :

- Cảm ơn các quý vị đã đến dự buổi tọa đàm hôm nay với tựa đề: “Bạn muốn kiếm tiền cho cả đời hay cả đời đi kiếm tiền?”…

 

Câu nói đơn giản thế nhưng càng nghĩ Xoan càng thấy sướng cái lỗ tai quá! Suốt đời vợ chồng Xoan có làm hùng hục như trâu húc mả thì cũng thế thôi, hai tay vày lỗ miệng! Giờ phải học cách mà làm giàu. Làm giàu không khó!, làm giàu siêu tốc! Ti vi chẳng ra rả bày cho các cách làm giàu đó thôi! Xoan xúc động nghiêng đầu lắng nghe tiếp:

- … Trước khi các bạn quyết định có ra nhập công ty hay không? xin hãy cùng chúng tôi khám phá thế giới của nền khoa học công nghệ môi trường.

              

Đèn sân khấu bật sáng. Một “Thiên Nga” quần bò, áo phông xuất hiện, bê ra một cái gọi là “Máy khử độc” hình chữ nhật, cỡ 30x20, đặt cạnh mấy bình nước trắng. Tiếng nói trong hậu trường vọng ra, rền rền như lời Thần Núi:

- Độc dược! Ôi độc dược! Ngày xửa ngày xưa, chúng ta căm thù mụ phù thủy độc ác tẩm thuốc độc vào quả táo thơm tho, mưu giết nàng Bạch Tuyết xinh đẹp. Ngày nay, những mụ phù thủy  thời a còng vì tham lợi nhuận, phù phép làm cho gạo, rau dính thuốc sâu; cá, lợn thuốc tăng trọng; đậu phụ có thạch cao; hoa quả thuốc phoóc môn… vân vân và vân vân. Trời đất! Những con người của thời kỳ siêu thanh, của nền khoa học hiện đại mà chịu đầu hàng ư? U mê trong độc hại ư? Không! Làm gì có chuyện vô lý đó! Nào, chúng ta hãy xem đây: Máy khử độc bảy tác dụng. Mời anh, mời chị hãy thực hành cùng chúng tôi.

              

Xoan nín thở, mắt dán chặt vào chiếc máy. Cô gái cắm điện xong, cầm một đầu sục của chiếc máy đưa sát vào điếu thuốc lá đang hút dở, đếm từ một đến mười, hỏi người hút lại thấy thế nào? Nhạt thếch – kết luận: Máy đã khử độc; nhỏ mấy giọt phẩm màu vào cốc nước, cho đầu sục vào, lại đếm từ một đến mười, cốc nước trong veo – kết luận: đã khử độc; lấy một tảng thịt lợn thả vào bình nước cho máy chạy, lát sau, bình nước nổi váng, bọt, hớt bọt lên rồi đốt – có mùi khét – kết luận: độc tố trong thịt được lấy ra. Để khẳng định chắc chắn điều đó cho quý khán giả, người ta lấy một bình nước, nhỏ vào đó mấy giọt thuốc sâu rồi thả hai con cá cảnh, giây lát, cá chết. Cho máy chạy một lát rồi lại thả con cá khác vào – cá  bơi tung tăng trong bình nước trong veo.

              

Cả hội trường vỗ tay rào rào. Hai năm rõ mười nhé! Xoan sướng mê người. Sao lại có cái máy kỳ diệu thế kia chứ! Ba triệu chứ đến ba mươi triệu cũng đáng! Bây giờ, chả cứ gì nhà Xoan, gia đình nào ăn uống cũng phải dè chừng. Món gì cũng nghi nghi, hoặc hoặc. Mớ rau này mướt quá - lại có thuốc kích thích đây mà. Táo, lê thơm lựng, để cả tuần vẫn tươi nguyên - đích thị có phooc môn rồi… Bệnh viện nào cũng phát hiện ra ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư - ăn lắm thịt, cá tăng trọng mà… Chao ôi! Sao người ta  không làm rõ nhiều những cái máy vàng, máy bạc này đi! Có lẽ nó đang là thứ hàng độc. Xoan lẩm nhẩm suy tính: Không dùng, đem bán cũng khối người mua, mà mình lại được tiền quảng cáo tiếp thị, rồi lại có công ăn việc làm…Xoan ngây ngất nghe những quy định của công ty: Sau khi lấy một máy, Xoan sẽ được cấp thẻ chuyên viên kinh doanh cấp cao. Ôi! Cái mụ đàn bà suốt ngày ngồi lê la ở chợ, nón áo tùm hum, từ nay sẽ là chuyên viên kinh doanh cấp cao!. Xoan mà diện vào, vôi ve một chút, trông khác hẳn. Mà lương bổng thì cứ như gà đẻ trứng vàng! Này nhớ: Chỉ cần Xoan mời được một người đến công ty ngồi nghe thuyết trình thôi, sẽ được thưởng ngay bốn trăm ngàn, hai người tám trăm, ba người triệu hai và nghiễm nhiên Xoan được lên chức “tổ trưởng”. Nếu ba người kia mà mỗi người lại mời tiếp được ba người nữa thì lương của Xoan sẽ là hàng chục triệu! Lúc bấy giờ…è…hèm…Xoan sẽ lên giám đốc hoặc chí ít ra cũng phó giám đốc chứ chẳng chơi! Nói đâu xa, chị Lan đấy thôi, mới đi làm đã tổ trưởng rồi, mà bà ấy lười chảy thây, đâu chăm chỉ như Xoan. Chắc chắn siêng năng, Xoan sẽ được người ta tin cậy.

              

Xoan rút ngay ba triệu mà vợ chồng ky cóp được, lấy chiếc máy quý hóa. Tuy hơi run nhưng bụng bảo dạ: Công ty này không giống những công ty đa cấp đài, báo vẫn nói. Hàng đặc biệt, nghe nói còn có cả áo chống ung thư, giày chống đái đường, máy mát sa chống béo phì  nữa cơ! Chứ còn gì! Thời đại bây giờ, khoa học phát triển như tên bắn. Việt Nam mình đã ra nhập cái “ vê đúp tê ô” (WTO), hàng hóa thông thương, lại không có cả máy nhai, máy nuốt ấy chứ! Những thứ đó đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng, nhất là bọn nhà giàu bụng phệ. Mình sẽ đi tiếp thị, mình sẽ mời được ối người…Có lẽ đời Xoan sẽ rẽ sang bước ngoặt từ đây…Nhưng Xoan vẫn giấu chồng, cô muốn giành cho Tấn một sự bất ngờ lớn.

           

Sau khi bỏ ra sáu chục ngàn mua “tài liệu”, bỏ cả chợ búa đi học “chuyên môn”, Xoan bắt đầu hành nghề tiếp thị. Thẻ “chuyên viên kinh doanh cao cấp” – viết tắt là: CVKDCC – lấp lánh trên ngực, Xoan mò mẫm đi từng nhà. Ô hay! Nhưng mà… làm sao ấy, không hiểu hôm đến công ty, Xoan bước chân trái hay chân phải mà suốt mấy ngày nói hết hơi, chẳng ai buồn nghe. Thật đúng là tai trâu! Chỉ quen ăn no vác nặng! Người ta lại còn nhìn cái máy “đa chức năng” của Xoan bằng con mắt thờ ơ rồi lắc đầu. Rặt bọn kiệt xỉ lõ đít! Quý ba cái triệu bac hơn cả mạng sống của mình. Xoan cố nài nỉ: “Tôi buôn bán hoa quả nên biết hết: Qủa gì cũng ướp thuốc! Có muốn khử độc không?...Đi theo tôi đến công ty đi. Phải tận mắt nhìn mới thấy sướng cơ! Máy biết nói đấy! Mua hàng còn được báo đáp hậu lắm!”. Nhưng ai cũng có lý do để không đến được công ty của Xoan. Xoan quáng quàng. Ô hay! Thế là thế nào? Hay là mình bị…lừa. Không thể có chuyện đó được. Mình sẽ hỏi lại chị Lan, mấy hôm nay, bà ấy biến đi đằng nào không biết… Trời! Xoan không dám nghĩ nữa. Thôi thì đem về nhà dùng.  Sức khỏe là vàng! Trong khi thiên hạ gục mặt vào mà nốc bao nhiêu thứ độc hại, mà ung thư, mà chết non, thì vợ chồng, con cái Xoan cứ ung dung xơi những món sạch sẽ không một con vi trùng !. Tối hôm ấy, chồng, con trố mắt nhìn Xoan lôi trong bao tải ra một cái cục trăng trắng hình chữ nhật có dây điện. Tấn ngạc nhiên quá:

-  Cái gì thế?

 

Cu Hiếu tỏ vẻ khôn ngoan:

- Mẹ đừng buôn hê rô in nhé! Công an bắt đấy!

Xoan giảng giải:

- Máy khử độc!.. ông lớn, ông bé ạ! Từ nay, mọi thứ phải cho chạy qua máy…

           

Tấn nhấc cái cục máy đó lên rồi quẳng phịch xuống:

- Khử khử cái con khỉ! Bao nhiêu tiền? Hóa đơn đâu? Giấy bảo hành đâu? Mấy hôm nay bà thậm thụt cái gì thế?

              

Xoan bắt đầu hoảng:

- Từ từ nghe người ta nói đã nào! Mua ba triệu…Cái quan trọng là nó đảm báo sức khỏe cho nhà mình… Mà nếu tôi quảng cáo được một người nữa mua, sẽ được bốn trăm, hai người tám trăm…

- Thế đã được cái cục cứt nào chưa? Giời ôi! Sao không hỏi tôi? Bà chui vào tổ quỷ nào thế?

              

Xoan cố cứng giọng:

- Đừng có ăn nói hàm hồ! Công ty to tướng hẳn hoi… Ở chỗ đường bao ấy, ra mà xem…

Rồi gấp gáp, Xoan kể vắn tắt sự việc, cuối cùng khoanh tròn: “Để nhà dùng là hay nhất!”

Tấn trợn mắt:

- Tôi sẽ chứng minh được cái máy của bà hay đến đâu. Khốn khổ chưa? Ngồi chợ bao nhiêu ngày cho được ba triệu?

              

Sáng hôm sau, Tấn đem về một ít thuốc sâu và hai con cá sống. Cái máy chạy đến hàng nửa tiếng trong chậu nước có nhỏ vài giọt thuốc sâu rồi mà khi thả con cá vào, nó vẫn chết ngoéo. Xoan uất ức gào khóc, đòi Tấn chở đến công ty để “cho nó một trận” và trả lại máy. Cái công ty chó chết kia rồi! Xoan căm tức nhìn mấy con “thiên nga” đang lượn lờ trong sân. Giám đốc ngồi chành bành trên ghế, cười khẩy:

- Anh chị đã đọc kỹ hợp đồng chưa? - Hắn chỉ vào cái cái bản hợp đồng dài bốn mặt giấy, chi chit những chữ nhỏ li ti: “Đối với khách hàng là người trực tiếp mua hàng tại công ty hoặc mua qua chuyên viên kinh doanh, công ty thực hiện chế độ trả hàng hoặc đổi hàng trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày mua hàng…” Hắn giương đôi mắt ốc nhồi nhìn vợ chồng Tấn – Hôm nay đã là ngày thứ mười rồi…

              

Tấn cố nhũn nhặn:

- Còn bảo hành? Các anh phải có trách nhiệm về chất lượng của máy trong vòng sáu tháng đến một năm chứ. Máy này không sử dụng được, hay nói một cách khác, là máy rởm. Tôi đề nghị đảm bảo chức năng của nó. Các anh không sợ mất chữ tín hay sao?

              

Tên mắt ốc nhồi trơ tráo:

- Tôi tạm tha lần một cho anh tội dám xúc phạm đến danh dự của công ty! Máy của chúng tôi còn mới nguyên. Anh chị mới sử dụng mà đã hỏng là do tháo, lắp không đúng cách nên máy mới hư. Điều này không thuộc phạm vi bảo hành…

- Các anh đâu có hướng dẫn người ta tháo, lắp mà bảo người ta lắp sai? Đáng ra, phải đến nhà lắp đặt, hướng dẫn chứ. Định lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người nghèo khổ để ăn cướp phỏng?

              

Mắt ốc nhồi nhổm dậy:

- Lần hai xúc phạm đến công ty nhá! Nhưng tôi sẽ cố giải thích cho cái đầu mít đặc của anh hiểu là: Chính phu nhân của anh đã đến cả một buổi chiều để nghe chúng tôi thuyết trình, hướng dẫn hẳn hoi. Hỏi bà ấy xem có đúng thế không? Bao nhiêu người dùng, chả thấy ai kêu ca phàn nàn gì, chỉ rách việc… Vả lại, gần chục ngày, bà ấy đem máy đi chào hàng kiếm lãi rồi thì chúng tôi lắp đặt bằng cái đầu lâu anh à? Đã tham lam lại còn định “Chí Phèo” hả?

              

Xoan nhẩy cẫng lên:

- Hướng dẫn cái mả bố chúng mày! Dụ người đến hang ổ, cho bọn “chân gỗ” làm trò phù phép để người ta tin, rồi bày đặt học “chuyên môn” với chả “tiếp thị” kéo dài thời gian cho quá thời hạn đổi cái thứ hàng hóa ma quỷ của chúng mày!  Đồ mặt dày! quân lừa đảo! rồi tao sẽ “tiếp thị” cho cả thành phố này biết cái công ty cướp ngày này!

              

Mắt Tấn vằn đỏ, các ngón tay đã cuộn chặt lại, nắm đấm chuẩn bị vung lên, thì từ hai bên góc phòng, hai thằng đầu trâu, mặt ngựa lừ lừ tiến ra, đứng cạnh tên đầu đảng, gườm gườm nhìn vợ chồng Xoan. Hai vợ chồng đành nuốt cục tức ứ đầy họng, kéo nhau về.

              

Hôm nay, lại đến tuần rằm. Xoan xếp năm quả vú sữa trắng hồng – Cái giống này không có thuốc ướp, có thể mời “các cụ” xơi được, để lên đĩa trên ban thờ, thắp hương, chắp tay:

- Con lạy chín phương trời, mười phương đất, lạy đức Quan âm Bồ Tát, lạy Phật từ bi…

Phù hộ độ trì

Chồng , con mạnh khỏe…

 

Đến đây, Xoan quay lại…y như rằng… lão kều đã lù lù ở đó từ bao giờ, nhăn nhăn, nhở nhở:

Mang “ thẻ kinh doanh”

Cam, quýt đầy giành

Táo, dưa, lê, nhãn…

 

Thằng Hiếu từ đâu cũng thò đầu vào, đế theo bố:

Mẹ, con đi quán

Kem cốc no lâu

Bố lại xuống tầu

Boong boong chát chát

 

Xoan ngẩn người: “Hay quá, cứ như thơ ấy! Hình như bố con nó làm sẵn từ trước …”. Hơn tuần nay, Xoan tiếc của phát ốm người, hỏi không nói, gọi chẳng thưa, phờ phạc như mất hồn. Tấn vừa giận vừa thương vợ. Anh đỡ tay Xoan từ cái ghế cao bước xuống:

- Đừng tiếc của nữa! Ba triệu chứ có phải ba tỷ đâu mà khổ thế…! Nhưng mà tôi ức lắm, đúng là chó cắn áo rách. Tại sao giữa thanh thiên bạch nhật mà chúng lại dám ăn cướp của người ta như thế được? Còn luật pháp nữa chứ…

- Bọn lừa đảo trước hết chúng nắm rất rõ luật, mình không nghe chúng giải thích đấy à? Khó mà bắt bẻ được. Đánh vào tâm lý những người nghèo, làm ăn khó khăn, khát khao tiền bạc lại thiếu hiểu biết luật pháp để móc túi người ta mà vẫn an toàn, nhưng chỉ lừa được một lần thôi. Mỗi người bị một lần là chúng chật túi. Báo mới đưa tin: Công ty Long… Long… gì trên Hà Nội đặt chi nhánh ở đây còn có chiêu lừa ngoạn mục bằng mấy công ty này. Nghe nói có người còn mất hàng trăm triệu ấy chứ, mình còn may chán. Chúng có đường dây đấy. Con mụ Lan hôm nay trông thấy tôi lảng như chó phải rùi… Thôi quên đi!... – Tấn nháy mắt – Từ tháng này, lương tôi cũng khá hơn rồi. Mình cứ đi chợ nhẩn nha, hôm nào mệt thì nghỉ. Tham cho lắm vào rồi… tóp hết của người ta lại…

              

Xoan đã cố kìm mà nước mắt cứ trào ra. Ô hay! Việc gì Xoan phải mơ những điều to tát kia chứ. Chồng yêu, con quý không phải là niềm hạnh phúc lớn nhất hay sao? Xoan gạt nhanh nước mắt, gí tay vào trán Tấn:

- Phải gió…! chỉ được cái…

Cu Hiếu vỗ tay bôm bốp

- A ha! Mẹ cười rồi! Hà ơi! Lên mà xem mẹ cười rồi!

Tấn giang tay, ôm cả ba mẹ con:

- Tối nay, ta chiêu đãi các ngươi một chầu kem “Ha oai” nhé! Nào diện vào! Nhanh lên!

 

Xoan mở tủ, lấy chiếc áo hoa tím nhạt, chiếc áo Tấn thích nhất. Lát sau, cả nhà đã ngồi chễm chệ trên chiếc xích lô mượn của ông hàng xóm. Tấn rướn người đạp xe. Cu Hiếu lại ông ổng đọc bài khấn của Xoan mà bố con Tấn đế thêm vào.

 

Tháng 3/2007

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2194
Ngày đăng: 29.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lái buôn Thành Bá Linh - Lê Xuân Quang
Hồng vàng bờ sông - Nguyễn Thị Kim Huệ
Nam mô A-ME-RI-CA - Trần Kiêm Ðoàn
Chiều thảo nguyên lộng gió - Lê Tấn Sang
Một mùa bông vang nở - Hoa Ngõ Hạnh
Miền hoa dại - Vũ Dy
Tháng chạp xóm núi - Lê Tấn Sang
Tráo ông địa - Nguyễn Nguyên An
Ngộ sát - Lê Xuân Quang
Trò chuyện một mình - Ngô Phan Lưu
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)