Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
775
116.643.573
 
Xôn xao nắng chiều
Đổ Thị Hồng Vân

 

Ông Long được phân công đi tập huấn  “Chống tệ nạn” cho  một phường lớn nhất, nhưng cũng là phường lắm tệ nạn nhất trong Quận. Đúng tám giờ, ông đến Uỷ ban nhân dân. Gần hai chục Đảng viên lớn tuổi đã ngồi ngay ngắn, tay đặt trên đùi, theo dõi ông chăm chú như những cô, cậu học trò nghe thầy giáo kể chuyện cổ tích. Ông Long cảm động nhìn những cái miệng móm mém, những đôi mắt bàng bạc có lẽ vì cát bụi cuộc đời vẩn vào quá nhiều. Thường trong những cuộc họp, các cụ bao giờ cũng là tấm gương mẫu mực cho các con, cháu noi theo về việc chấp hành giờ giấc. Sau khi ký vào quyển sổ đã ghi sẵn tên mình để lĩnh mười nghìn đồng từ tay cô ủy viên Hội đồng nhân dân phường đang cười toe toét cạnh bàn uống nước, các cụ lọ mọ, trịnh trọng bước vào, an tọa trên mấy dãy ghế gần bục nói chuyện. Tám giờ mười lăm,… tám giờ ba mươi, cánh  trung tuổi, rồi đám thanh niên lục tục kéo đến, cười nói như ngô rang. Đầu tóc, quần áo gọn gàng, chỉn chu. Hội trường đông dần, gần như hết chỗ. Ông Long phấn chấn hẳn lên. Đấy, thế mà cứ nói xấu phường “rau muống” này là cù nhầy, là ao tù nước đọng đi… Nhấp thêm ngụm nước, tiếp tục bài giảng của mình. Đến cái đoạn nào rồi nhỉ…? Dạo này trí nhớ kém quá. Ông gỡ mục kỉnh ra lau, lại dương lên: Đã xong “Tình hình thế giới” rồi... Nghĩ cũng bực mình, bài giảng của ông liên tục bị đứt đoạn. Chốc chốc lại: “Xin lỗi thầy giáo, tôi vào muộn!”. Âý là những người lịch sự, còn đại đa số người ta cũng thương thầy giáo phải gật đầu nhiều, nên cứ chui lối cửa ngách, ngồi thụp xuống ghế là xong.

“Tôi xin trình bày phần “Tình hình thành phố ta”…”. Giọng ông cao dần, cố át những tiếng rì rầm nổi lên mỗi lúc một nhiều. Ông không thể cắt nghĩa nổi tại sao dân đi họp hay nói chuyện riêng đến thế?.  Hàng ngày, họ bị bịt mồm hay sao mà cứ có dịp ngồi với nhau là chuyện. Kìa! Hai mụ béo  hàng cuối lại còn cúi xuống lấy tay che mồm cười nữa chứ! Mấy cha đầu chải bóng lộn, chốc chốc lại gí cái “cục gạch” lên tai, nhấp nha nhấp nhổm, mắt trước mắt sau rồi chuồn mất tăm. Ông cũng phải thông cảm thôi. Đang ngồi đây nghe “phổ biến”, nhỡ ở nhà, ở cơ quan xảy ra cháy nhà, chết người thì sao? Việc nào cần trước, làm trước. Đó chẳng phải phương châm hành động của lãnh đạo đấy thôi. Chỉ có đám giáo viên là ông Long ưng ý nhất. Họ ngồi im thin thít như thịt nấu đông, tay ghi chép liên tục. Ông biết tỏng: đang soạn giáo án đấy! Ôi dà! Soạn thì soạn, tay viết, tai nghe là được rồi, miễn khẩu hình cứ ngậm chặt lại cho ông nhờ! .Nhưng đám giáo viên cũng không cứu vãn nổi tình thế. Làn sóng rủ rỉ rù rì mỗi lúc một to dần lên như bầy ong quạt cánh. Ngọ - bí thư Đảng ủy phường đứng dậy, xuống các dãy ghế, vừa đi vừa cau mày, gắt khẽ: “Trật tự nào! Phải tôn trọng thầy giáo chứ!... Mấy mẹ trẻ ơi, có im không?”. Cô Hoa, cô Hạnh bên Đoàn thanh niên cậy quen anh “bí”, nháy nháy mắt, lưỡi cong tớn lên: “Anh Ngọ này, thầy r…áo trông xinh lão …  góa! Chỉ phải cái tội r…ảng bài hơi r…ống…sư!”. “Xin địa chỉ  thầy sư cho em nhá!”. Ngọ bực bội quét tia mắt đe nẹt khắp hội trường. Mất cả thể diện với quận! . Quang, bí thư Đoàn tỏ vẻ thông cảm, nhăn nhó cười với Ngọ: “Ông sắm cái roi điện thật dài, anh nào mất trật tự, ông cứ bí mật, chích cho một phát vào mông!…”. Trên bục, ông Long rút khăn lau mồ hôi trán. Ông hắng giọng. Sắp đến cái phần quan trọng nhất đây. Đã có nhiều kinh nghiệm trong các buổi nói chuyện chính trị, ông sẽ đưa ra chiêu hay nhất: Âý là kể những chuyện bên lề sự kiện, các đương sự sẽ vểnh tai, trố mắt hết lên cho mà xem!. Ông lại hắng giọng lần nữa. Hai cái è… hèm của ông vọng vào micro cũng đủ làm cho mọi người chú ý. Ông bắt đầu một câu chuyện bên lề:

- Các đồng chí có biết phu nhân tổng thống Mỹ Bill Clinton -  bà Hillary trong chuyến thăm Việt Nam cùng chồng, đã rời khách sạn đi mua bán ở những đâu không? Một nữ thiếu tá công an của ta nhận nhiệm vụ tháp tùng bà kể lại rằng: Bà đi từ sáng đến chiều, không hề nghỉ ngơi, ăn trưa một chút nào mà vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn trong khi nữ thiếu tá của chúng ta suýt bị ngất vì đói…

Có tiếng nói vóng từ dưới lên:

- Thật không? Vợ tổng thống muốn ăn gan giời cũng được chứ lỵ!...Chỉ được cái… Còn cô thiếu tá đó không tranh thủ kiếm cái gì mà xơi, sao phải nhịn đói theo bà ấy? -

- Phu nhân tận dụng thời gian, nữ vệ sĩ chấp hành lệnh không được rời phu nhân nửa bước. Đấy, hai tấm gương phụ nữ cho chúng ta học tập về tính kỷ luật…

            Bài diễn thuyết của ông đang đến hồi cô đọng thì…ọe…ọe…oặc! Mọi người dồn mắt vào nơi phát ra cái tiếng ghê sợ đó. Bà Hin bên viện vệ sinh dịch tễ hai tay ôm ngực, nôn thốc nôn tháo. Mấy chị xúm vào, dìu bà xuống phòng y tế. Nhưng bà không chịu đi, chằm chằm nhìn cái đống vừa thải ra, chỉ chỉ ngón tay vào mồm, lảm nhảm:

-          Nó đã ra chưa?... Nó đã ra chưa?...

Ai nấy thất kinh: Bà ấy bị điên chăng?

            Ngọ huơ huơ tay trước mắt bà:

            - Chị Hin! Chị Hin! Tỉnh dậy nào! Đây là hội trường mà!

            Bà Hin trợn mắt, trông càng khiếp:

            - Biết rồi! Đang họp. Nhưng tôi muốn biết con ruồi…à mà những hai con cơ…nó ôm nhau…trong mồm tôi đã ra chưa? Tôi ngáp, thế quái nào chúng chui tọt vào đúng lúc tôi ngậm miệng lại…

            Tất cả cười rú lên:

            - Ha ha ha!.. Hô hô hô!.. Hé hé hé!.. Thế sao bà không há cái mồm cá sấu ra để chúng thoát thân, lại còn tiếc cái món đặc sản quý hóa!

            - Cơ mà răng tôi hập xuống đúng vào người chúng, bét cả ra! Ôi…ôi…tởm quá!

            Bà lại ôm ngực: ọe…oe…!

            Do hội chứng nghề nghiệp, bà lên ngay viện để rửa ruột.

            Thế rồi câu chuyện: “ngáp phải ruồi” với nghĩa đen một trăm phần trăm, từ phường Chiến Thắng lan lên  Quận, lên Thành. Chẳng ai nói động gì đến ông. Nhưng ông buồn. Nỗi buồn của một người đi hết chặng đường dài, ngoảnh nhìn lại, chợt thấy mình là một lữ khách cô đơn, mệt mỏi. Và ông làm đơn xin nghỉ hưu, khi chỉ còn một năm nữa là sáu mươi tuổi. Vịnh, người con trai cả rất hiểu tâm lý bố. Anh đón tờ quyết định từ tay người cha, cẩn thận cất vào tủ: “Bố đã cống hiến hết mình cho đất nước, nuôi chúng con nên người. Năm chín hay sáu mươi cũng vậy thôi. Giờ, bố có quyền được nghỉ ngơi. Người ta có câu: anh hùng nhất thời… Mấy mươi năm nữa, con cũng thế, mà đã chắc gì được yên ổn thế này…”

            Vịnh mua cho bố mẹ ngôi nhà nhỏ ven ngoại ô, ẩn dưới mấy cây nhãn, cây mít xum xuê. Sáng sáng, ông ra sân hít thở bầu không khí trong lành, ăn tô canh bánh đa do vợ nấu, rồi vừa uống trà, vừa xem báo trong tiếng hót ríu rít của lũ chim ngay đầu hồi, hỏi đời còn gì hơn?. Nhưng chỉ được vài hôm, ông lại  bần thần cả người. Con cái bận công tác túi bụi. Bà vợ quanh đi quẩn lại chỉ biết mỗi việc con cháu, bếp núc… Ngày nào cũng nhìn cái miệng rụng gần hết răng của bà, nói năng cứ lào phào như gió lọt qua khe cửa, toàn chuyện nhạt thếch, chán chết đi được!.  Ông thấy nhớ cơ quan, nhớ đồng nghiệp. Dốc bầu tâm sự với Tam, bạn đồng niên cũng nghỉ hưu nhưng đi làm thêm, coi xe chợ. Người bạn già khuyên ông tham gia vào câu lạc bộ thể thao: “Vừa khỏe người vừa vui. Thể thao làm cho huyết áp cân bằng, kinh nghiệm muôn đời đấy cậu ạ!”. Thế là ông làm bạn với đôi lá kép đã hơn tháng nay.

            Như thường lệ, sáng nay, ông rà rà xe máy đến câu lạc bộ, cách nhà sáu, bẩy cây số. Ngoại ô sáng sớm mùa hè thật mát mẻ. Những chùm bằng lăng tím ngát vẫn đang mơ màng trong vòm lá xanh xanh. Gío nhẹ hiu, vờn  mái tóc nhuộm đen kít. Đôi dày trắng rất hợp với bộ đồ thể thao màu kem. Ông huýt sáo: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao!...”. Đúng vậy, lòng này đang vui đây!. Chợt, tầm mắt ông phóng về phía trước. Một dáng kiều dạo bước bên đường. Càng đến gần, tim ông càng rộn ràng. Ôi, đã lâu lắm rồi, có lẽ từ ngày rời quân ngũ, ông mới lại nhìn thấy chiếc áo bà ba. Cái màu tím gợi nhớ, gợi thương ôm khít một thân hình thon thả. Gío khẽ lật tà áo, thấp thoáng mảng lườn nhỏ trắng muốt. Mái tóc dày, đen , bện lỏng, buông dài, uyển chuyển theo nhịp đi. Ông Long mê mẩn ngắm cái gáy cao, trắng trẻo, nổi bật trên nền vải tím lịm. Tự nhiên, tay ga ông buông lỏng: “Cô ấy cầm vợt, không khéo cùng câu lạc bộ với mình…”. Và: 

            - Anh gì ơi!

            Thật đúng là cầu được, ước thấy. Ông khựng xe ngay, quay lại nhìn cô gái: “Chỉ được cái dáng!”. Ông tươi cười:

            - Em gọi anh?

            - Thì trên đường chỉ có mỗi anh, em không gọi anh thì gọi ai…nào!

            “Giọng oanh thật mê ly!”. Ông cất cao tiếng lòng mình:

-          Cô em cũng đến câu lạc bộ thể thao “Hữu Nghị”cùng anh chăng?

Giọng oanh vàng vút lên:

-          Vâng, em cũng đến câu… lạc bộ, xe hôm nay hỏng, cho em nhờ với!

-          Lên đi!

Cặp đùi ép chặt hai bên hông. Hai bầu vú gí sát vào lưng làm ông phát nhột người. “Cô nàng bốc lửa quá! Được, để xem!...” Ông Long khoái chí tăng ga. “Oanh vàng” ngả đầu vào vai ông, như thân thiết lâu lắm rồi. Một tay cô luồn ra phía trước bụng, tay kia rờ rẫm thắt lưng ông. Tuy đang sướng mụ cả người, nhưng ông cũng cảm nhận được cái sự lạ lùng của bàn tay đang cạy cục nơi có cái điện thoại di động. Chợt tỉnh, quàng tay ra phía sau, ông tóm trượt mấy ngón tay, nắp bao đã bật. May quá… vẫn còn!. Ông rút máy, bỏ túi ngực, phanh kít xe lại:

            - Mời cô xuống xe!

            Người đẹp không nhúc nhích, mắt lơ đãng nhìn lên trời:

            - Sao zẩy… anh iu!

            - Tôi bảo cô xuống xe để tôi còn đi!

            Hai đùi cô càng kẹp chặt bên hông, hai tay cô ôm cứng bụng dưới làm ông muốn lòi ruột! Cái mỏ oanh chõ vào tai ông rành rọt từng tiếng:

            - Định bùng hả? Đưa tiền đây! Ngủ với người ta rồi định quỵt hả?  Trông anh ra dáng quân tử lắm mà!

            Ông Long toát mồ hôi. Thế có chết không!. Cả đời chay tịnh chỉ biết có mỗi bà. Họ hàng, bà con lối xóm tôn thờ ông như bậc thánh hiền. Khi còn đương nhiệm, rất sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến công tác nên dẫu có thèm của lạ ông cũng không có gan đi “cải thiện” ở đâu cả. Bây giờ, hưu rồi, có thể khua khoắng một tí… Thế mà… Con yêu cái này…  Ông xuống xe, khóa máy. Yêu tinh vẫn ngồi trên xe, rít lên:

            - Nhanh! Lấy ví ra! Ở trước ngực ấy! Kia, có mấy người đến gần, có muốn đây kêu ầm lên không?

            Thôi thì đành thí hủi cho cái đồ giặc cái này để nó biến… Nhưng ví ông chỉ có mỗi tiền năm trăm với hai nghìn lẻ, cho nó cả năm trăm tiếc lắm… Ông đang lần chần thì yêu tinh nhảy xuống, giật phắt tờ bạc xanh cứng trên tay ông:

            - Ô! Nai già đáng yêu! Bái bai nhé!... See you a gain!

            Nó đưa tờ bạc lên môi hít hà rồi nhảy tót lên chiếc xe máy từ phía sau lướt tới. Đám người đi xe đạp đến gần, có cả bà Sung xóm ông nữa. Bà nhanh nhẩu: “Chào bác, lại đi thể thao đấy hả? Sao vẫn đứng đây?”. Ông Long méo mồm cười, lên xe. Buổi tập hôm ấy, ông không đánh nổi hai séc bóng. Trưa về, mặt ông lầm lầm lì lì. Bà vợ thấy tự dưng ông đốc chứng, trái nết đâm ra nghi ngờ “bộ dây thần kinh thép” của ông. Đấy, vừa mới ban sáng hơn hớn cái mặt, giờ đã như bánh đa nhúng nước. Lại còn quát thằng cháu cưng của bà suýt đái ra quần. Bà cáu sườn:

            - Này nhớ! Nếu cái câu lạc bộ chết tiệt ấy làm cho ông sinh quái ra thì mời ông ở nhà nằm khểnh cho tôi nhờ!

            Mấy sợi gân xanh nhão ở cổ bà nổi cả lên. Những lọn tóc bạc phất phơ trên khuôn mặt dài ngoẵng khiến cho bà giống như phù thủy. Ông Long càng cáu tợn. Không chịu đựng nổi nữa, ông xách xe đến nhà ông bạn vàng, kể tuốt tuồn tuột vụ “xì căng đan” lúc sáng. Ông Tam nén tiếng cười, đưa ra lời khuyên chí lí:

            - Tất tật các loại đàn bà tự dưng muốn làm quen với đàn ông đều có mục đích của chúng, lũ hồ ly tinh đấy!. Đừng bao giờ tin chúng trong bất cứ trường hợp nào. Nhớ nhé! Ông cần phải rút kinh nghiệm!. Cứ đến câu lạc bộ đi! Chỉ vì chuyện vớ vẩn đó mà bỏ à?

            Mặt ông Long giãn ra. Ông lại tiếp tục đi đánh bóng bàn hăng hơn. Nhưng, quả thật số ông đào hoa. Cứ ra đường là gặp gái!. Kia, lại có một con hồ ly tinh khác. Nó ngồi bệt xuống đường, cái xe máy nằm chình ình ngay giữa lối đi. Hai chiếc guốc quăng mỗi cái một nơi. Đợi ông đến gần, nó vờ tập tễnh đứng dậy, kêu lên:

            - Bác ơi! Dựng giúp cháu cái xe với…

            Ông Long không thèm nhìn “tất tật các loại đàn bà” như ông Tam đã dặn, cười khẩy:

            - Đồ quái vật! Bố mày đây không bị lừa lần thứ hai đâu con ạ!

            Rồi ông vù xe qua, còi rõ to cho bõ tức.

            Vừa đến nơi, chưa kịp giao bóng với ông Sang, bạn cùng cạ thì một thanh niên quần áo ướt rượt, lấm bùn, hớt hải chạy vào:

            - Bác nào là bác Sang, theo cháu ngay! Con gái bị ngã xe…

            Ông Long tái mặt, biết đâu…

            Tối hôm ấy, ông gọi điện hỏi thăm. Giọng ông Sang không đến nỗi căng thẳng lắm:

            - May quá, cháu không bị nặng, chỉ trẹo chân thôi, ngã do phanh gấp… một con chó chạy qua đường….Khổ, con bé là trưởng đoàn thực tập sư phạm, đi liên hệ với trường cấp ba huyện ...

            Ông Long như bị điện giật, tiếng ông Sang vẫn tiếp tục khoan vào lỗ tai:

            - Mà sao loài người bây giờ lắm kẻ vô tình đến thế. Nó kể rằng:  lúc ngã, có một lão trông có vẻ hào hoa phong nhã đi qua, nó đã kêu lên nhờ dựng hộ cái xe, thế mà quân súc vật ấy không nỡ hộ con bé… đường thì vắng người, may mà có thằng cháu đánh giậm gần đấy nhìn thấy…

             Cả đêm không ngủ, sáng ra, ông lên cơn sốt. Các con đều công tác xa cả, bà gọi ông Tam sang “xem tình hình thế nào chứ nhà em gay lắm!”. Nhìn cái đầu bóng lọng của bạn, ông Long nghĩ thầm: “Lão hói lại sắp sửa “ông cần phải rút kinh nghiệm” cho mà xem!”… Đặt tay lên trán bạn, ông Tam lắc đầu:

-Ông cần phải rút kinh nghiệm… trong việc chơi thể thao!…

             Tiếng cười của ông Long sặc lên:

             - Đúng! Đúng! Bao giờ tớ sắp đi ngủ với giun, cậu đến đây “rút kinh nghiệm” cho một bài học về cách chui vào quan tài nhé! Cái đó cũng khó ra phết đấy!

             Bà Long thất thần nhìn chồng. “Bộ dây thần kinh thép” của ông ấy lại có vấn đề rồi!. Chợt, một con ruồi bay qua bay lại ngay cạnh cái mồm đang lảm nhảm của ông Tam, ông Long hãi quá:

-Kìa! Con ruồi! Con ruồi!...

             Ông Tam nắm chặt tay bạn:

             - Long, mình đây! Ừ! Con ruồi kệ bố con ruồi! Đập một phát chết tươi!...Khổ quá!… Mai đi coi xe đạp với mình nhé!… Khối việc để làm!

             Ông Long rơm rớm nước mắt:

-Ừ! Cho mình đến đấy với! Câu lạc bộ chán lắm!

             Ông hồi hộp nhìn theo tay bà vợ đang rê rê cái vỉ ruồi. Đét! “Mày chết với bà chưa?”. Bà khoái chí giơ cái vỉ ruồi lên cho ông xem xác con côn trùng bẩn thỉu. Ông hể hả:

             - Mai, tôi làm một cái bẫy bằng mật cho bà đỡ mỏi tay, cứ gọi là chết cả lũ!

              Nhìn vẻ mặt bạn đã bình thản trở lại, ông Tam oang oang:

             - Ông đừng tưởng! Làm bẫy ruồi cũng phải có kinh nghiệm…!!!

             Cả ba cùng cười. Ngoài đầu hồi, gió xôn xao trên vòm nhãn lấp lánh nắng ban mai.

 

Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du.

Tháng 6/2007

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2214
Ngày đăng: 06.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bảy sắc cầu vồng - Trần Văn Bạn
Trái tim con rồng đá - Trần Trung Sáng
Hà Chính - Vũ Ngọc Tiến
Song nguyệt - Trần Lệ Thường
Bắt chồng - Đỗ Trọng Phụng
Lưỡng tính - Trần Văn Bạn
Mang nặng kiếp người - Hội An
Nhà sáng tác - Đổ Thị Hồng Vân
Đêm pháo hoa - Trần Lệ Thường
Điều con muốn biết - Trần Văn Bạn
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)