Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
748
116.677.025
 
Tướng quân và loạn đảng
Trương Hoàng Minh

Năm Nguyên Phong thứ bảy đời vua Trần Thái Tông, quân Nguyên đánh chiếm đại Việt bị quân dân nhà Trần giáng trả một đòn trí mạng. Nhưng, bọn xâm lược"đánh chết cái nết không chừa". Sau đó, chúng thường xuyên sai sứ sang hạch sách vua tôi nhà Trần đủ điều hòng kiếm cớ xâm lăng lần nữa. Mặt khác, chúng ngầm giúp đỡ, xúi giục các bộ tộc người Man chống lại triều đình. Ý đồ của chúng muốn lập nhiều tiểu quốc trong một đại quốc nhằm phân chia quyền lực, quấy rối triều Trần. Đồng thời để làm chỗ dựa, làm hậu thuẩn khi chúng đem quân sang đánh chiếm Đại Việt. Năm Bảo Phù thứ 5 đời Trần Thánh Tông chúng xúi giục người Man ở đọng Nam Bà La nổi loạn. Vua phải thân chinh đánh dẹp, bắt hết bè đảng, phủ dụ bá tánh mới yên. Ba năm sau chúng lại xúi giục tù trưởng Trịnh Giác Mật làm phản ở đạo Đà Giang.

Được người Nguyên hà hơi giúp sức, Mật chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương, xua quân đánh chiếm châu Mai Lôi và vài châu huyện khác trong vùng rồi lập quốc, xưng vương, đặt niên hiệu, chế triều nghi hùng cứ một phương. Đi đến đâu Mật cũng giương cao ngọn cờ "phản Trần Phục Lý" để thu phục lòng người. Sở dĩ Mật sử dụng chiêu bài trên là do việc làm của Trần Thủ Độ 54 năm trước. Sau khi dựng nên triều Trần, Thủ Độ đã bức tử Lý Huệ Tông, giết tất cả người trong tôn thất và bắt hết cung nhân, công nữ thuộc hoàng thân quốc thích triều Lý đem gả cho các tù trưởng người Man. Chính Mật là con của một công nữ và tù trưởng Trịnh Lâu. Một số tù trưởng đương thời cũng mang giòng máu họ Lý, bị Mật kích động mối hận cũ kéo bộ thuộc theo về với hắn đến vài ngàn người. Trong tướng Mật còn có tên Đạt Lỗ Hoa Xích người Nguyên làm giám quốc.

 

Thừa cơ "trúc chẻ ngói tan", Mật quyết định kéo quân đánh chiếm Thăng Long. Tên Đạt Lỗ Hoa Xích can:

 

- Không nên! So thế lực, ông chưa đủ sức đối chọi với Trần Khâm ( vua Nhân Tông). Về thế thì Thăng Long có thành cao hào sâu lại được trời ban cho núi Tản Viên làm lũy che, sông Phú Lương (Sông Hồng) làm rào chắn. Đây còn là chỗ trung tâm của đất nước, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có. Cả bốn phương tám hướng đều liên lạc được với nhau dễ dàng, đường vận chuyển thuận tiện, thông suốt cả hai mặt thủy bộ nên  khi có biến, quân các nơi về giải cứu nhanh chóng. Về lực thì Khâm có trong tay đội quân hùng mạnh, tinh nhuệ và nhiều tướng tài kiệt hiệt. Còn ông, trong tay chưa được nửa quân một quân khoảng 2.400 người), toàn quân ô hợp, không được huấn luyện, không thông binh pháp. Lại phải hành quân xa, lương thảo ít, đường vận chuyển qua núi qua đèo rất khó khăn, tướng sĩ mệt nhọc, vất vả. Nếu đem đội quân như thế đánh nhau với đội quân thảnh thơi đã quen trận mạc thì chẳng khác nào xua bầy dê đến trước miệng cọp. Chi bằng, ông hãy lo đào hào đắp luỹ, tích thảo đồn lương, thao luyện sĩ tốt, nuôi dưỡng sức quân, dỗ an bá tánh làm kế cố thủ lâu dài. Chờ khi thế lực đủ mạnh mới ra mặt chống đối nhưng chỉ được quấy rối thôi chứ tuyệt đối không nên khiêu chiến với Trần Khâm. Như nước tôi là nước hùng cường, quân binh thiện chiến, đã từng tung hoành từ đông sang tây, diệt Tây Hạ, lấy nước Kim, thôn tính gần hết giang san nhà Tống vậy mà còn bị họ đánh bại thì huống gì ông.Mật khen phải và làm theo lời tên đạt lỗ hoa xích.

 

Tin Trịnh Giác Mật tạo phản được cấp báo về triều đình. Vua Nhân Tông âu lo, nghĩ  ngợi . Chỉ trong ba năm mà có tới hai vụ làm loạn của bọn người Man! Thật ra bọn chúng muốn gì? Có phải chính sự và hình pháp triều ta hà khắc lắm chăng? Hay chúng bị quan lại hà hiếp, nhũng nhiễu? Còn Trịnh Giác Mật, hắn có quan hệ gì với Lý triều mà hô hào "phản Trần phục Lý"?... Có biết bao câu hỏi xoay quanh vấn đề nảy sinh trong đầu vua khiến ngài quên ăn mất ngủ. Đêm về, trống đã điểm canh ba lâu rồi mà ngài vẫn còn chong đèn ngồi đọc sớ tấu và điển chương cố sự nhưng vẫn không tìm được lời giải. Quá mệt mỏi vua xếp tất cả cho vào tráp, vào hòm chờ ngày mai về phủ Thiên Trường hỏi Thương Hoàng cho rõ. Ngài đứng dậy làm vài động tác thư giản gân cốt rồi đến mở cửa bước ra hành lang đứng nhìn trời đêm. Bây giờ đang là mùa đông. Gió hanh khô, lạnh buốt. Ánh trăng pha sương đặc xám như chiếc chăn bông. Cả kinh thành Thăng Long thu mình trong giấc ngủ nồng say, ấm áp. Ôi! Bọn người Man ngu khờ dại dột kia! Đất nước thái bình không lo chung hưởng lại đi làm điều càn quấy thì chớ trách ta sao ở bạc. Vua chép miệng than rồi quay trở vào phòng ngự.

 

Sáng sớm hôm sau vua đã có mặt tại hành cung Tức Mặc yết kiến Thượng Hoàng. Sau khi nghe những băn khoăn, thắc mắc của vua, Thượng Hoàng nói:

 

- Chính sự và hình pháp của triều ta không hà khắc mà nghiêm minh. Tại lê dân quen sống với kỷ cương buông lỏng của tiền triều mới có điều ta thán, vương nhi hà tất quan tâm. Còn bọn người man hay làm loạn là do chúng ngu dốt, bị người Nguyên lợi dụng xúi giục muốn làm như Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn trước kia. Trịnh Giác Mật cũng vậy. Hắn còn là con một công nữ triều Lý, mang huyết thống họ Lý mới huênh hoang "phục Lý phản Trần". Tuy trời đã bỏ họ Lý, dân đã quên triều Lý nhưng vương nhi không nên xem thường cái chiêu bài của Mật, nhất là cái âm mưu thâm độc của người Nguyên muốn dựng lại loạn sứ quân một lần nữa. Vì thế vương nhi phải vạch trần và bẻ gãy âm mưu trên làm sao cho chúng khẩu phục tâm phục.

 Nghe qua, vua vội vã  xa giá về kinh triệu tập quần thần chuẩn bị thân chinh. Chiêu văn vương Trần Nhật Duật tâu:

 

- Bẩm quan gia! Một nhóm giặc cỏ người Man có là bao mà quan gia phải thân chinh. "Giết ruồi đâu cần dao mỗ trâu", đạo Đà giang do thần coi giữ, xin quan gia cho thần được đi đánh dẹp, bắt lũ chúng về cho quan gia trị tội.

 

Ý vua muốn tự mình bẻ gãy và vạch trần âm mưu thâm độc  của người Nguyên như Thượng hoàng đã làm ba năm trước nên hơi do dự. Nhưng, triều thần đều tâu lên như Nhật Duật nên vua đành phải sai vương đi và không quên nhắc nhỡ:

 

- Tuy bọn chúng là đám giặc cỏ nhưng sau lưng chúng còn có người Nguyên, hoàng thúc chớ nên xem thường, khinh xuất.

 

- Tâu, thần đã biết rồi ạ!

 

- Nếu hoàng thúc đã biết ta sẽ nói thêm điều nầy. Cái gốc là ở bọn người Man. Chúng thất học, u tối không thông đạo trời, coi thường luật vua phép nước  mới bị bọn xấu lợi dụng, xúi giục. Dù vậy, chúng cũng là thần dân của ta  cho nên hoàng thúc chớ vội dùng can qua mà hãy dùng lời lẽ phân định thiệt hơn phải trái, vạch trần âm mưu thâm độc của người Nguyên cho chúng thấy rồi phủ dụ chúng qui hàng, bá tánh bớt lầm than. Gốc mà đổ thì ngọn tất không còn. Đây là cái kế bền sâu gốc rễ mà các bậc đế vương thường làm, hoàng thúc hãy nhớ cho.

 

- Tâu vâng! Quan gia có gì chỉ dạy thêm không ạ ?

 

- Ta chỉ có bấy nhiêu lời, hoàng thúc đến đấy tuỳ cơ mà ứng biến.

 

- Thần xin tuân mạng.

 

Hôm sau, Nhật Duật sửa sang binh mã, sắp xếp đội ngũ, ban hành quân lệnh đâu đó rõ ràng rồi kéo thẳng đến châu Mai Lôi an dinh hạ trại thanh thế lẫy lừng, binh uy hừng hực. Trịnh Giác Mật trông thấy hãy hùng. Với đội quân đó, chỉ trong vài canh giờ đồn lũy, doanh trại của hắn sẽ vỡ ngay. Quân Nguyên đến tiếp viện thì hắn đã bị bắt hoặc bị chém bay đầu giữa trận tiền. Tên Đạt Lỗ Hoa Xích cũng khiếp đảm. Hình ảnh trận thua tan tác của 23 năm trước chợt sống lại, lởn vởn trước  mắt hắn. Nhưng, lỡ nhận sứ  mạng  của Nguyên triều rồi thì phải ngậm bồ hòn làm ngọt, hắn đốc thúc Mật bày binh bố trận chống cự. Mật do dự. Tên đạt lỗ hoa xích trấn an.

 

- Hiện nay nước tôi đã thôn tính toàn bộ giang sơn nhà Tống, quan quân đã áp sát  biên giới Đại Việt. Ông cứ yên tâm lo cố thủ, đừng vọng động làm mất  nhuệ khí ba quân. Tôi sẽ cho người xin viện binh.

 

Tin lời tên Đạt Lỗ Hoa Xích, Mật chia quân canh phòng cẩn mật từ trong ra ngoài, giáo dựng gươm trần, cờ xí rợp trời, phô trương thanh thế. Quân thám bảo vệ tâu lại với Nhật Duật. Ông mỉm cười tự tin:

 

- Chúng chỉ là hạng trẻ con, giống như cá trong giỏ muốn đánh muốn bắt lúc nào cũng được . Ngặt vì quan gia đã căn dặn nên ta không dám trái lời. Đợi ta viết thư khuyên dụ chúng qui hàng, nếu chúng chống cự thì đánh cũng chưa muộn.

 

Rồi ông sai người thảo một bức thư gởi Mật, phân tích điều hơn lẻ thiệt, vạch trần âm mưu thâm độc của bọn người Nguyên rồi khuyên hắn qui thuận triều đình mà hưởng ơn mưa móc. Lời lẽ trong thư khoan hòa nhã nhặn, khi cương khi nhu nhưng vẫn thể hiện được sự nghiêm minh của luật vua phép nước . Từng chữ từng câu đều thể hiện được cái thế oai phong lẫm liệt của binh tướng triều đình.

 

Nhận được thư, Mật hoang mang lo sợ không biết Nhật Duật dùng mưu kế gì đây, bèn đưa thư cho tên Đạt Lỗ Hoa Xích xem để cùng bàn bạc tìm cách đối phó. Tên nầy tương kế tựu kế, bảo Mật giả vờ ưng thuận mời Nhật Duật vào thành rồi bắt làm con tin khống chế triều đình. Mật liền viết thư cho Nhật Duật thành khẩn nói rằng: "Mật không dám trái mệnh triều đình, nếu ân chúa một mình cưỡi ngựa đến, Mật lập tức xin hàng". Quá tin lời hắn, Nhật Duật nhận đến với mấy tiểu đồng. Nghi ngờ đây là gian kế, các tướng can ngăn:

 

- Bọn người Man tính khí thất thường sớm đầu tối đánh. Đây chắc chắn là gian kế, xin tướng quân đừng đi.

 

Nhật Duật khẳng khái:

 

- Nếu nó phản bội ta thì triều đình còn có vương khác đến, đừng lo.

 

Mới hăm lăm tuổi mà Nhật Duật đã văn võ song toàn. Thông hiểu kinh sách, điển lệ và ngôn ngữ, quốc tục của các nước phiên bang. Giỏi võ nghệ, khéo dùng binh và nhận định tình hình địch. Tánh tình độ lượng rộng rãi, mừng giận không lộ ra nét mặt, không làm theo những người thỉnh thác. Giữ lời với Mật ông không mặc chiến bào không mang theo quân sĩ, gươm giáo mà chỉ đi với sáu tiểu đồng, nhưng vẫn oai phong lẫm liệt như  Quách Tử Nghi nhà Đường một mình một ngựa đến doanh trại quân Hồi Ngột trước rừng gươm biển giáo mà vẫn điềm nhiên chẳng chút sợ sệt e dè. Quân Man về báo với Mật. Hắn hỏi:

 

- Ông ấy có mang quân theo không?

 

- Bẩm không! Chỉ có vài tên tiểu đồng.

 

- Ông ấy đúng là một hổ tướng. Mật buộc miệng khen.

 

Tên Đạt Lỗ Hoa Xích bậc cười đắc thắng:

 

- "Mãnh hổ nan địch quần hồ", để coi hắn ngạo mạn đến đâu?

 

Mật đưa mắt nhìn tên "giám quốc". Người xưa nói " quân tử thành nhân chi mỹ, tiểu nhân thành danh chi đắc" thật không sai. Mật nghỉ vậy rồi cùng vài tì tướng ra cửa thành đón Nhật Duật. Tên "giám quốc" lui vào trong sắp bài mưu kế.

 

Nhìn phong thái Nhật Duật, Mật hết sức khâm phục. Chỉ có bậc đại anh hùng mới không tham sanh úy tử, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Phải triều Lý có được vài vị anh hùng như thế thì đâu đến đỗi mất ngôi, mất nước! Vua thì tư chất kém hèn, rong chơi hoang đãng, điên điên khùng khùng, đem giang sơn giao cho một đứa con gái chưa ráo máu đầu bảo sao ngôi cửu ngũ không về tay họ Trần cho được. Quần thần thì toàn đồ ăn hại, giá áo túi cơm chỉ biết lo nhũng nhiễu, vơ vét của dân cho đầy túi tham. Đến khi quốc biến thì lủi trốn như chuột, có kẻ còn quay qua phụng thờ vua mới  chứ không ai đứng lên làm cuộc trung hưng. Chỉ có ta dám dựng cờ nghĩa hô hào "phản Trần phục Lý" mà thôi. Nhưng, tại sao ta làm thế ? Suy cho cùng, nhà Lý mất ngôi là do ý trời. Nhà Trần được nước rất hợp lòng người. Lý Chiêu Hoàng tự nhường ngôi cho  chồng trước bá quan văn võ chứ Trần Cảnh nào có làm chuyện thoán đạt? Nếu không nhường ngôi bà ta sao có thể giữ nổi cái âu vàng đã sứt mẻ, sao nâng nổi cái xã tắc sắp đắm chìm? Còn ta, một đứa con ngoại thích ở nơi thâm sơn, không có danh phận, không ai biết đến liệu bẻ nạng chống trời được không? Trong khi đó các vua Trần đều là những đấng minh quân, bá quan đều là bề tôi lương đống? Nghỉ đến đây Mật chợt mỉm cười, một nụ cười vừa mỉa mai vừa chua chát.

 

Nhật Duật đến. Mật lấy lễ vương hầu tiếp đón. Nhật Duật nói thông tiếng Man, hiểu rành văn hoá Man nên đối đáp thẳng với chúng, làm đúng tập tục, nghi lễ của chúng. Mật cung kính nói:

 

- Ân chúa đúng hẹn thì Mật tôi không dám sai lời. Tuy nhiên, chốn nầy toàn rừng núi, xa kinh thành, là nơi trú ngụ lâu đời của các bộ tộc người Man chúng tôi có cuộc sống và phong tục hoàn toàn khác biệt nơi chốn kinh thành. Vì thế, Mật tôi nhờ ân chúa tâu với triều đình cho chúng tôi được tự trị, hàng năm đều dâng cống nạp. Chúng tôi cũng hứa sẽ làm phên giậu cho triều đình trấn áp bọn giặc giả, cướp bóc nơi biên giới triều đình sẽ bớt đi gánh nặng. Đó là cái phúc của triều đình mà cũng là cái phúc của chúng tôi.

 

Biết đây là âm mưu của người Nguyên, Nhật Duật cương quyết đập tan nhưng vẫn ôn tồn nói:

 

- Các hạ nói sai rồi. Chốn kinh thành hay vùng sơn lâm đều là cương thổ của Đại Việt. Người kinh hay người Man đều là dân Đại Việt, đều được hưởng ơn mưa móc của triều đình. Hơn nữa, "trời không hai mặt, đất không hai vua". Nếu các hạ tự trị những bộ tộc khác cũng đòi tự trị thì còn đâu kỹ cương phép nước thành ra đại loạn mất rồi. Cái gương Ngũ Bá thời Xuân Thu, Thất Hùng thời Chiến Quốc còn sờ sờ ra đấy. Ở Đại Việt ta cũng có loạn thập nhị sứ quân làm cho đất nước không một ngày thái bình, bá tánh lầm than, thống khổ không sao kể xiết  suốt 20 năm trời. Các hạ há chẳng biết điều đó ư ?

 

Mật cố nèo:

 

- Ân chúa nói thế sao tiên đế lại cắt đất phong vương và gả công chúa cho Nguyễn Nộn ?

Nhật Duật nhìn thẳng vào mắt Mật điềm tĩnh trả lời:

 

- Lúc bấy giờ nhà nước mới lập, căn bản chưa vững thế lực của Nộn rất mạnh chưa thể thắng được nên tiên đế phải nhún mình chiều đãi, vỗ về nó để đợi thời cơ. Đó cũng là cách làm cho Nộn sanh kiêu căng, tự phụ hòng tiêu diệt. Tuy nhiên nếu các hạ qui thuận triều đình, Duật tôi hứa sẽ tâu với Thượng Hoàng và quan gia thứ tội cho các hạ.

 

Phong thái cùng cách nói năng, danh vọng và lòng tín nghĩa của Nhật Duật đã khuất phục hoàn toàn bọn người Man. Mật bày rượu thịt khoan đãi. Nhật Duật cùng với Mật ăn bốc bằng tay, uống nước bằng mũi khiến bọn người Man rất thích và nể trọng. Khi ông trở về, Mật đem hết thuộc binh đến quân doanh đầu hàng. Ba quân tướng sĩ đều mừng rỡ, kính phục ông thắng giặc mà không mất một mũi tên. Tên Đạt Lỗ Hoa Xích người Nguyên thấy tình hình diễn biến trái với âm mưu, nên thừa cơ mọi người ăn uống vui say nhanh chân tẩu thoát mất dạng.

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 2630
Ngày đăng: 21.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bác Ba Phi: Những con dơi lửa ra quân - Anh Động
Bác Ba Phi : Xe tăng làm xiếc - Anh Động
Ông già thợ tiện và chú bé lái dưa - Anh Động
Bác Ba Phi : Lính bộ đánh thủy - Anh Động
Bác Ba Phi: Quận nhung trở mặt - Anh Động
Bác Ba Phi : Cuộc đối mặt với quận Nhung - Anh Động
Bác Ba Phi : Nguyên tắc đòn bẫy - Anh Động
Bác Ba Phi : Đi quanh về tắt - Anh Động
Bác Ba Phi : Phải gọi là rắn nai mới đúng - Anh Động
Bác Ba Phi : Chém trực thăng - Anh Động
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)