Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
819
116.687.008
 
Một kiếp phù sinh
Trương Hoàng Minh

Tôi vừa sáng tác văn học vừa viết bài đưa tin cho một số báo chí để kiếm thêm tiền cà phê, thuốc lá. Ngoài ra,  tôi còn thường làm đơn và viết giúp một số giấy tờ hành chánh cho bà con trong xóm ấp.

 

Một buổi sáng, tôi đang uống trà thì có một chú thanh niên lạ, trạc hăm bảy hăm tám tuổi, tay cầm tờ giấy cuốn tròn thập thò trước cửa. Tôi bước ra hỏi :

 

-Chú muốn tìm ai?

 Chú thanh niên rụt rè :

-Dạ, chú cho con hỏi thăm có phải đây là nhà của chú… út Minh không?

-Phải! Tôi là út Minh đây. Chú tìm tôi có chuyện gì không? Tôi tự giới thiệu và hỏi chú thanh niên.

-Dạ thưa có. Chú thanh niên lễ phép.

 

Tôi mời chú ấy vô nhà. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, tôi hỏi An –tên chú thanh niên- nhờ tôi giúp chuyện gì. An nói nhờ viết lại dùm một cái đơn đã bị xã bác. Tôi hỏi viết về nội dung gì. An nói nội dung cho tôi nghe một cách lặp vặp. Biết tờ giấy cuốn tròn trong tay An là cái đơn cũ, tôi kêu nó đưa cho tôi xem. Đơn được viết trên tờ giấy đôi, loại giấy tập học sinh nhưng không viết theo kiểu thông thường mà quay bề ngang tờ giấy đôi làm bề dọc thành ra cái đơn lớn rộng quá khổ. Người đứng đơn là cô Sứ, chị ruột An. Cô kể về hoàn cảnh gia đình mình. Nghèo, không có đất ở và sản xuất, chỉ sống bằng nghề làm mướn. Bị bệnh nhiễm trùng bao tử và suy dinh dưỡng nặng phải đi nằm bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Được bảy ngày, do không có tiền mua thuốc men, trả viện phí, ăn uống và các chi phí khác nên xin xuất viện về nhà trị bằng thuốc nam nhưng bệnh không hết mà còn nặng thêm. Cô bèn viết đơn nhờ ấp xã chứng thực gởi đến địa chỉ nhân đạo đài truyền hình tỉnh Vĩnh Long xin giúp đỡ. Do cái đơn viết quá luộm thuộm, trật chính tả tùm lum nên xã không chịu chứng, bảo viết lại.

 

Sứ đau chân hả miệng, nhưng theo tôi, việc làm của cô sẽ không có hiệu quả. Địa chỉ nhân đạo của đài truyền hình đã từng giúp đỡ nhiều người nghèo khổ, bệnh tật thật đấy nhưng những người đó đều do phóng viên của đài phát hiện đến quay phim, phỏng vấn đưa lên đài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ còn Sứ tự viết đơn xin chắc gì họ tin? Tuy nhiên, tôi vẫn hỏi thêm An một số chi tiết về bệnh tình và hoàn cảnh gia đình của Sứ rồi đánh vi tính, in ra cho An. Tưởng vậy đã xong, nào ngờ nó lại nhờ tôi viết bài gởi đăng báo kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.

 

Yêu cầu của An không khó đối với các cộng tác viên khác do hai tờ báo Vĩnh Long và Công An TP. HCM thường xuyên đăng bài về "những mảnh đời bất hạnh" như thế. Bạn tôi đã từng viết và đạt kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, nó lại hơi khó đối với tôi do chưa viết mảng nầy lần nào, sợ không có uy tín nên hơi do dự, không dám hứa chắc với An. Có lẽ nghĩ tôi từ chối, An lại đem hoàn cảnh của Sứ ra  năn nỉ quá khẩn thiết buộc lòng tôi phải thanh minh và hứa với nó :

 

-Không phải chú  không  tin cháu  mà chú nói thật. Viết loại bài nầy phải có ảnh

minh  hoạ nhưng do thời gian  qua  trời mưa nhiều  quá, chú  ít đi săn  tin viết  bài nên  không có sẳn phim. Cháu về đi, chừng nào trời nắng tốt chú xuống.

An buồn bã ra về. Tôi nhìn theo mà nghe lòng chua xót.

*

Từ đầu tháng bảy âm lịch đến lễ Vu Lan trời mưa liên tục, hết đám nầy gầy đám khác vì thế tôi không thể thực hiện lời hứa với An. Trong khoảng thời gian nầy nó cũng đến nhà tôi "thăm chừng" ba lần!. May mắn là sau rằm thời tiết nhỉnh hơn, nắng nhiều mưa ít tôi mới mua phim, xách máy, đạp xe đến nhà vợ chồng Sứ .

 

Nhà họ cách nhà tôi trên ba cây số, nằm trong ngọn một con rạch nhỏ. Từ đường đan vào đấy khá xa, đường đất cặp theo mé rạch lồi lõm gồ ghề. Tôi lại đi nhằm lúc nước rong, nhiều chỗ bị ngập lầy lội và nhiều chỗ bà con đắp bờ bao ngăn nước đất còn ướt tôi phải tháo giày vác xe mới qua được. Chưa hết, những chỗ không ngập mặt đường vẫn chèm nhẹp vì mưa, ý là vừa dắt xe vừa tránh né mà sình vẫn bám vào hai bánh cứng ngắt, bám vào chung quanh hai bàn chân dày cui như mang dép! Phải biết vầy tôi gởi xe ngoài đường đan lội bộ vào sướng hơn.

 

Vợ chồng Sứ ở đậu trên đất của mẹ. Thấy tôi đến, chồng cô cùng mẹ cô và các anh chị em cô vô cùng mừng rỡ. Tất cả đều lăng xăng nhắc ghế mời ngồi,  mở quạt máy, đèn điện, chạy đi mua cà phê đá, thuốc hút. Chồng Sứ  đi lục lấy tất cả giấy xuất nhập viện, biên lai thu phí, đơn thuốc cùng kết quả siêu âm, đo điện tim của vợ đem ra để lên bàn cho tôi xem. Điều nầy chứng tỏ họ rất trông mong, tin tưởng và đặt hết hy vọng  vào tôi. Tôi rất ái ngại. Lần đầu tiên làm việc nầy không biết có đáp lại được tấm thịnh tình, sự tín nhiệm và lòng mong đợi của họ không khi mà cái uy tín cùng niềm tin và hy vọng trong tôi mỏng manh như làn sương sớm! Không muốn họ hi vọng thái quá rồi thất vọng não nề, tôi rào đón trước với họ :

 

-Chụp hình viết bài là chuyện của tôi còn được đăng báo và được giúp đỡ hay không là chuyện của toà soạn và các nhà hảo tâm. Xin chị và các cháu hiểu cho điều đó chứ không phải chụp hình viết bài là được giúp đỡ đâu.

 

Mọi người đều tỏ ra thông cảm với tôi. Có đến đây tôi mới biết thêm nhiều chi tiết đau lòng. Sứ còn bị bệnh suy tim bẩm sinh. Nhà sập bìm leo, căn bệnh nhiễm trùng bao tử  lại biến chứng sang suy thận, bệnh suy tim nặng thêm kèm theo chứng co giật mà bà con gọi nôm na là "kinh phong". Từ lúc bệnh nhiều  Sứ bị co giật tám lần, từ nhẹ đến nặng rất nguy hiểm cho tính mạng. Để có tiền trị bệnh, Sứ đã bán căn nhà của mình được  một triệu năm trăm ngàn đồng rồi sang ở đậu trong cái chái tối tăm ủm thủm của  đứa em gái út. Khi vào chụp  hình, tôi không  thể ngờ  một  phụ nữ trước kia trên  năm mươi ký mà bây giờ không tới ba mươi. Cô yếu đến đỗi không thể đi đứng được mà còn không thể ngồi dậy nằm xuống một mình. Hiện tại Sứ trị bệnh cầm chừng bằng thuốc nam từ tiền làm mướn thất thường của chồng và tiền giúp đỡ ít ỏi của bà con hàng xóm. Một con bệnh trầm kha mà điều trị như vậy biết chừng nào mới khỏi!?

 

Nhìn Sứ và biết rõ hoàn cảnh của cô, tôi chợt thấy cô giống như một người đang đi trên chiếc xuồng ba lá mụt nát giữa sông rộng đầy sóng to gió lớn nhưng đã kiệt sức, không còn khả năng chèo bơi vào bờ. Nếu không được cứu hộ kịp thời, cô chẳng những chết chìm mà còn chết đói. Dù không phải là chuyên viên cứu hộ, tôi vẫn thấy mình có bổn phận tri hô lên thật lớn cho mọi người nghe thấy đến cứu cô ấy.

 

Tôi chụp bốn bức ảnh. Sáng hôm sau cắt phim rửa liền và viết bài gởi hai tờ báo trên và tờ báo "ruột" mà tôi thường cộng tác nhất, tin tưởng và hy vọng nhất đồng thời gởi thêm cho địa chỉ nhân đạo đài truyền hình tỉnh nhà. Gởi nhiều như vậy để phòng hờ vuột chỗ nầy còn chỗ khác. Nếu được hết càng tốt vì theo các y bác sĩ  cho biết muốn trị hết bệnh cô Sứ cần có… vài chục triệu đồng. Một số tiền không tưởng đối với gia đình cô.

*

Một buổi chiều khoảng tháng sau, tôi qua Bưu điện huyện lãnh tiền nhuận bút tám chục ngàn đồng của tạp chí Văn nghệ Châu Đốc và một cái thư của tờ báo "ruột". Nội dung bức thư, Ban công tác xã hội của báo cho tôi biết toà soạn không có quỹ riêng giúp đỡ những trường hợp bệnh tật như cô Sứ. Tôi thất vọng. Vậy là báo đã hiểu lầm. Ý tôi muốn báo đăng bài và hình ảnh của Sứ nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ chứ không phải nhờ báo giúp đỡ trực tiếp!

 

Vừa bước chân ra khỏi cửa Bưu điện tôi thấy An xách mấy thang thuốc nam đi về hướng bến đò.Từ hôm đó đến nay tôi không hề gặp An. Không biết tình trạng của Sứ ra sao và có ai giúp cô ấy không? Tôi kêu An lại hỏi thăm. Nó lắc đầu buồn bã :

-Báo không đăng nên không có ai giúp hết chú ơi! Đài truyền hình cũng vậy. Bịnh của chị con  ngày càng trầm trọng chắc qua không khỏi!

 

Tuy đã rào đón trước nhưng tôi vẫn nghe lời nói của An như một lời trách móc. Chính tôi cũng buồn, cảm thấy xấu hổ và có lỗi với Sứ vì sự bất lực của mình, cố đánh thật mạnh mà chuông không kêu! Sáng hôm sau tôi xuống thăm Sứ như để chuộc lại lỗi lầm. Nhìn cô nằm dán thân xuống nệm, tôi không nghĩ đó là một con người mà là một bộ xương cách trí có mặc quần áo và biết cử động. Đành rằng không ai thoát khỏi cảnh "sanh lão bệnh tử"nhưng tôi thấy thường thì bệnh hoạn chết chóc đến với người giàu ít hơn, khó hơn đến với người nghèo. Ôi! Cùng một kiếp nhân sinh, sống chung trong một bầu trời, trong một xã hội sao người thì giàu sang trường thọ như cây cổ thụ còn người lại nghèo hèn đoản mạng như đám phù vân?

 

Tôi lấy tám mươi ngàn tiền nhuận bút lãnh hôm qua, bù thêm hai chục ngàn cho chẳn một trăm ngàn, tặng cô ấy./-

                                                                                     10.2006 

 

TRƯƠNG HOÀNG MINH                               

Đ/C : Hộp thư lưu trữ - Bưu Điện Trà Ôn

Vĩnh Long     -     ĐT : 070.780816

   Email : truonghoangminhtovl@yahoo.com
Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 3068
Ngày đăng: 04.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về người Paris - Nguyễn Thị Hậu
Đồng bằng qua những mùa mưa... - Đặng Huỳnh Lộc
Giấc mơ có hoa hồng dại - Đinh Lê Vũ
Mấy suy nghĩ về thơ và thơ trẻ - Nguyễn Trọng Tạo
Ốc ruộng đầu mùa - Nguyễn Kim
Vàng Anh đấy ư? - Huy Ðức
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn : Hội nghị lý luận phê bình II tại Đồ Sơn - Nguyễn Thanh Mừng
Ngẫu hứng Đà Lạt - Tôn Thất Huyến
Chùm tạp bút về Giáo dục – Đào tạo - Vũ Ngọc Tiến
Lê Phú Khải, Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” - Nguyễn Thị Kỳ
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)