Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
779
116.661.736
 
Đêm Văn Nghệ Đầu Xuân
Trương Hoàng Minh

Gần năm giờ chiều ngày mười tám tháng giêng, một thanh niên lái chiếc vỏ tàu cặp bến chú tư Tây. Anh ta tắt máy, bước về đằng mũi, lấy dây cột vào cầu rồi đi thẳng vô sân. Thấy người lạ, Thắm bước ra hỏi:

- Anh kiếm ai ?

- Tui đi rước ban nhạc tài tử cho đám cưới nhà anh năm Bính. Anh thanh niên đáp.

- Có phải bên Thạnh Mỹ không?

Anh thanh niên gật đầu, Thắm vui vẻ :

- Mời anh vô nhà, ba tui cùng mấy anh mấy chị ở trỏng.

 

Trong nhà, các anh Đáo, Khâm, Tín, Bích và chị Nhàn lần lượt đến điểm hẹn hồi bốn giờ ngoài đang trò chuyện với chú Tư trong phòng khách. Chỉ thiếu chị Hằng. Các anh chị là nhạc công và ca sĩ ban nhạc tài tử của chú Tư được chú  chọn đi lần nầy. Anh Đáo chơi sến và kìm. Khâm cầm ghi ta phím lõm. Ban nhạc còn có người chơi tranh và cò nhưng chỉ sử dụng khi đi giao lưu, hội diễn. Tín, Bích, Nhàn, Hằng ca rành ba nam, sáu bắc, bốn oán và bảy bài ngự cùng các bản vắn, điệu lý, vọng cổ. Ngoài những lúc đi chơi cùng đoàn họ còn được mời ca diễn riêng lẻ nên tay nghề càng vững vàng, điêu luyện.

 

Ban nhạc đờn ca tài tử của chú tư Tây được thành lập từ tình yêu và lòng đam mê ca cổ của chú. Hơn năm mươi năm trước chú là kép chánh của gánh cải lương bầu Qưởn đóng đô tại đình làng. Hồi đó chú ca vọng cổ “muồi” như nghệ sĩ Thành Công, ca xàng xê “độc chiêu” như nghệ sĩ Minh Chí. Sau khi gánh bầu Qưởn giải tán nhiều người đốc chú đầu quân vào các đại ban. Chú cũng muốn lắm ngặt vì cha mẹ không cho còn bắt cưới vợ và chuyển sang nghề “gõ đầu trẻ”. Trong thời gian dài không có cơ hội ca diễn, chú quay qua học đờn ghi ta phím lõm và đờn kìm. Mày mò nghiên cứu nhạc lý, nhịp điệu các bài bản cổ nhạc, tập viết lời ca, soạn ca cảnh và chập cải lương. Lúc rãnh rỗi hay vào ban đêm chú thường ôm đờn ra sân hoặc xuống bến sông ngồi đờn ca một mình.

 

Khi đờn ca tài tử trở thành phong trào rộng khắp chú Tư đã lớn tuổi. Tuy nhiên, thân thể già chứ tâm hồn không già. Vả lại, văn nghệ là sân chơi chung của mọi người, không phân biệt già trẻ gái trai. Chú bèn đứng ra kêu gọi, vận động những người có năng khiếu, yêu ca cổ trong xóm ấp tập họp về nhà chú thành lập ban nhạc đờn ca tài tử. Lúc đầu chỉ có ba bốn người tham gia, chơi đờn thùng, ca không có máy, phạm vi phục vụ vòng vòng trong xóm ấp. Để ban nhạc ngày càng lớn mạnh, mang tính chuyên nghiệp cao, thu hút nhiều người tham gia, chú xuất tiền túi sắm dàn âm thanh hiện đại, phụ với anh Đáo anh Khâm đổi đờn thùng sang đờn điện. Mở lớp học đờn ca tài tử miễn phí do chú hướng dẫn nhằm đào tạo lớp trẻ làm lực lượng kế thừa. Trong số học viên chú đặc biệt quan tâm những người có tâm huyết, triển vọng chọn làm nòng cốt cho đoàn. Chú còn qui định mỗi tuần ban nhạc sinh hoạt một đêm để tập dượt nâng cao tay nghề, tập dượt những bài bản mới sáng tác cho nhuần nhuyễn.

 

Chẳng bao lâu ban nhạc của chú Tư nổi tiếng như cồn. Được làm đại diện địa phương đi giao lưu, hội diễn khắp nơi. Được rước mời giúp vui cho các đám tiệc, lễ hội dân gian gần xa. Tiền thù lao và tiền thưởng của đoàn chú chia hết cho anh chị em chứ không bỏ túi riêng một đồng. Anh chị em ái ngại, chú nói :”Không phải chú không nhận mà đã nhận rồi và nhận nhiều hơn mấy cháu gấp trăm lần. Mấy cháu muốn biết à. Đối với chú niềm vui cũng là tiền bạc. Được thường xuyên phục vụ bà con là một niềm vui. Được bà con ủng hộ nhiệt tình là hai niềm vui. Được các cháu cộng tác đắc lực là ba niềm vui. Mấy cháu nghĩ coi đó chẳng phải là món tiền thưởng khổng lồ dành cho chú hay sao?”.

 

Hôm nay ban nhạc của chú Tư lại được mời giúp vui bên Thạnh Mỹ. Năm giờ khởi hành. Đờn địch, máy móc cũng được chuẩn bị sẳn, chờ Hằng đến và chủ nhà rước là đi.

Thắm dẫn anh thanh niên vào nhà nói với chú Tư :

- Ba ơi, anh nầy tới rước mình nè.

Chú Tư đứng lên niềm nỡ :

- Ờ! Cháu mới tới hả? Ngồi uống nước.

Anh thanh niên ngồi xuống ghế. Chú Tư rót nước trà ra chung. Anh thanh niên nhìn quanh một vòng rồi hỏi chú Tư:

- Mình đi được chưa chú?

- Chưa! Còn thiếu cháu Hằng. Đồ đạc đã chuẩn bị cả rồi chờ Hằng đến mình đi. Uống nước đi cháu.

- Dạ được chú Tư.

 

Hằng có giọng ca thanh trong, truyền cảm như nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, là giọng ca chủ lực của đoàn. Chị đã đoạt thứ hạng cao trong hai cuộc thi ca cổ giải “Bông Lúa Vàng” và giải “Út Trà Ôn” mở rộng. Sau khi nổi tiếng Hằng có vẻ tự phụ, coi thường đồng nghiệp và nhiều lần bắt cả đoàn chờ đợi như thế này. Nãy giờ chú Tư có vẻ lo lắng bồn chồn. Nếu Hằng không đi được sẽ không có người thay thế do Châu và Oanh bận việc nhà còn Thắm mới hết sốt. Tội nghiệp cho chú ! Mỗi lần nghe tiếng xe máy từ xa chạy đến chú đều dõi mắt ngóng trông hoặc biểu đứa nầy đứa kia ra coi có phải Hằng tới không.

Để giết thì giờ chờ đợi, chú Tư kiếm chuyện hỏi thăm anh thanh niên về đám cưới nhà năm Bính về tình hình văn nghệ bên Thạnh Mỹ. Nói riết rồi cũng hết chuyện, chú nhìn ra cửa hỏi :

- Hằng tới chưa mấy cháu?

- Dạ chưa chú ơi. Đáo đứng ngoài hàng ba trả lời.

Chú Tư đưa tay coi đồng hồ:

- Hơn năm giờ rồi còn gì! Hằng biết giờ đi không Nhàn?

- Dạ biết. Nhàn đáp

- Biết sao giờ nầy chưa tới ta? Tín băn khoăn. Nhắm cổ có kẹt chuyện gì không Nhàn?

- Mở thao láo còn không thấy nhắm khít rịt thấy được gì. Bích đùa. Mà bữa nay mới mười tám chắc chưa “kẹt” đâu Nhàn há?

Nhàn lườm Bích rồi nói với chú Tư

- Hồi nãy con có điện cho chỉ, chỉ nói chút xíu nữa chỉ tới.

- Một chút lút một ngày. Khâm nhún vai.

- Đâu con điện cho nó lần nữa coi. Chú Tư biểu Nhàn

Nhàn bước ra hàng ba bấm điện thoại, chú Tư nói vói theo :

- Con nhớ nói chủ nhà đã đến rước nãy giờ và hỏi thẳng nó đi hay không. Đi thì tới liền chớ đừng bắt cả chục người đợi mình nó nghen.

Khâm đứng lên mai mỉa:

- Nó không đi đâu chú ơi!

- Sao ông biết? Tín nhìn Khâm hỏi.

- Nó bịnh.

- Bịnh gì?

- Bịnh sao!

Đáo bước vào bực bội :

- Nó mà sao gì, có môn sao chổi chà. Lần nào nhận tiền bồi dưỡng cũng cao hơn ai hết mà còn làm eo làm sách thấy ghét. Tiền bạc có thể đưa người ta đến cao sang cũng có thể khiến người ta thành hạ tiện. Đáo chợt triết lý.

Khâm nhìn Đáo bật cười. Tiếng cười của anh nửa đồng tình nửa giễu cợt. Nhàn bước vào nói với chú Tư:

- Chỉ nói đi nhưng khoảng nửa tiếng nữa mới tới được chú ơi.

- Thấy chưa! Tui nói y như trong kinh mà. Phải con Châu con Oanh đi được cóc cần nó.

 

Khâm bước ra hàng ba. Lời nói của anh như chế dầu vào lửa. Thông thường chú Tư rất trầm tĩnh tế nhị, giải quyết sự việc hợp tình hợp lý. Những lần trước chú đều nhẹ nhàng khuyên bảo Hằng, chỉ cho chị thấy cái lỗi mà sửa chữa. Nhưng, Hằng đã chẳng khắc phục mà còn làm tới khiến niềm tin và lòng tự trọng của chú Tư bị tổn thương. Chú quyết định dạy Hằng một bài học.

- Thôi được! Nó đã vậy thì kêu con Thắm đi đại. Chú Tư dứt khoát.

Thắm còn trẻ hơn Nhàn và Hằng, là một trong ba người nòng cốt của đoàn (hai người kia là Châu và Oanh). Cô có làn hơi phong phú, giọng ca nồng ấm ngọt ngào. Được chú Tư truyền hết kinh nghiệm và ngón nghề nên vai diễn nào Thắm cũng thể hiện thành công

Mọi người cùng nhau đem đồ đạc xuống tàu.

 

Tàu chạy hơn nửa đường thì chưn vịt chém phải khúc cây trôi lờ đờ gãy mất một cánh. Không có “sơ cua” cũng không mua được cái mới thay thế đành chạy chưn vịt hai cánh làm tàu mất thăng bằng run bây bẩy như người lên cử rét và chậm như rùa. Dựa lưng vào thành tàu nghe trong lỗ mũi như có con gì bò nhột nhột. Đến nơi chủ nhà đã dọn cháo khuya (khoảng 8 giờ).

 

Chương trình văn nghệ bắt đầu sau khi ăn cháo khuya xong. Phía địa phương có các anh Thạch, Dưỡng, Năng và hai chị Phấn, Liên tham gia. Bà con nông thôn vốn ít được xem biểu diễn văn nghệ lại nghe có ban nhạc của chú Tư giúp vui, đến xem khá đông. Năm Bính còn mướn thợ quay phim.

Do năm Bính gả con nên mở đầu chương trình chú Tư giới thiệu Nhàn và Thắm ca bài vọng cổ “Con gái của mẹ” với nội dung mẹ dạy con điều hay lẽ phải trước khi con về nhà chồng. Hai người thể hiện bài ca rất đạt. Có vài bà xúc động rươm rướm nước mắt khi nghe Thắm ca “má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” và tựa đầu vào vai Nhàn u buồn thổn thức. Bài ca chấm dứt. Bà con vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt và yêu cầu hai người ca thêm bài nữa. Một bà bước ra “sân khấu đất” cầm tay Thắm khóc sụt sịt:

- Con làm dì nhớ con gái dì quá. Dì mới gả nó dìa Cà Mau tháng rồi. Con có chồng chưa?

- Dạ chưa. Thắm nhỏ nhẹ.

- Chèn ơi, chưa chồng mà ca hay quá chừng. Dì thưởng cho con hai chục (ngàn) nè.

 

Thắm nói cám ơn và cúi đầu cười bẽn lẽn.

Thể theo lời yêu cầu của bà con, chú Tư cho Bích ra ca với Nhàn và Thắm 12 câu “Phụng hoàng” trích trong vở cải lương “Nửa đời hương phấn”. Trong khi họ ca đèn máy ảnh, máy quay phim loé lên liên tục. Một thanh niên có rượu “cửng cửng” chạy ra bứt một cành hoa nhựa trên cổng chào Vu qui vào tặng Thắm. Cảnh ngộ nghĩnh nầy cũng được ghi hình.

Tiếp theo, anh Thạch anh Dưỡng lần lượt ca hai bài “Lưu thuỷ trường” và “Bình bán chấn”. Đây là hai trong số những bài lớn của đờn ca tài tử. Tuy nhiên, do bài ca khá dài và lời ca hơi cũ, không hấp dẫn người nghe cho lắm. Sau đó anh Năng, chị Liên song ca bài vọng cổ “Tát nước đêm trăng”. Đáp lại, Tín và Thắm ca bài “Cô gái tưới đậu”. Thấy cứ bên này ca xong đến bên kia ca có vẻ nhàm chán và chia rẻ, chú Tư đề nghị tài tử hai bên ca cặp với nhau cho có tình đoàn kết. Chỉ có anh Năng đáp ứng, số còn lại đều từ chối! Một khán giả nói với người ngồi bên cạnh :

- Đây không phải là cuộc thi tài nhưng tui thấy bên bển chơi ăn đứt bên mình.

Người ngồi cạnh gật đầu đồng tình:

- Ừ! Tui cũng thấy vậy. Bên bển chơi có bài bản, sáng tạo, sinh động còn bên mình chơi theo kiểu tự phát vừa nghèo nàn vừa đơn điệu. Nhứt là ông Thạch ông Dưỡng, mấy bài “Phú lục”, “Cổ bản” xưa như trái đất mà ca hoài.

- Đào ở bển cũng ngon hơn đào mình đã già còn chết bộ. Bà Phấn sợ rớt cái “mi” nên cầm hai tay cứng ngắt.

Hai ca cảnh tiếp theo được trích trong hai vở cải lương “Tìm lại cuộc đời” và “Tiếng hò sông Hậu” do chú Tư cùng Tín, Bích và Thắm biểu diễn. Khi chú Tư vào vai anh thương phế binh Trần Hùng chống gậy đi cà nhắc ra “sân khấu đất” bà con cười rộ lên khoái chí. Và khi chú nói lối rồi vô “Xàng xê” ngọt lịm bà con vỗ tay rần rần. Đã 75 tuổi rồi mà giọng ca của chú còn chắc lọi, cách nhả chữ điêu luyện, gãy gọn theo từng âm tiết, từng lời ca. Điệu bộ thì không chê vào đâu được trong vai ông hội đồng Dư ghiền thuốc phiện với bài “Nặng tình xưa” và hai bài “Ngựa ô bắc”. Còn Thắm, cô cũng đã khắc hoạ rõ nét tính cách nhân vật qua những lần ca khiến một khán giả trầm trồ :

- Con nhỏ đóng nhập vai quá trời, y như đào thiệt. Buồn cũng hay, nhí nhảnh cũng giỏi, đanh đá càng xuất sắc hơn. Đúng là cha nào con nấy.

 

Thắm đã không phụ lòng chú Tư dày công luyện tập.

Ca cảnh vừa dứt thì một thanh niên từ bàn nhậu bước ra, đến lấy cái “mi” tự giới thiệu là hai Búp xin ca bài “Ngựa ô bắc”. Sợ anh ta có rượu “ba ngù” ca bậy ca bạ làm hỏng cuộc vui Năng định không cho nhưng chú Tư bảo Năng cứ để anh ta ca. Bài nầy cũng trích trong vở “Tiếng hò sông Hậu” có ba người ca nên Búp yêu cầu chú Tư và Tín cùng ca. Chú Tư vui vẻ nhận lời. Đờn dạo. Búp (vai Thừa) ca:

- Bộ cái tên của tui nó xấu lắm hay sao mọi người đều ngạc nhiên. Hay trong đó có nghĩa gì vô duyên. Tía tui ngày xưa tên là Đủ. Mà vẫn thiếu liên miên. Không đủ mặc đủ ăn. Mới đặt tên tui là Thừa để cầu tài cầu vận. Mong con mình hết lận đận mai sau. Lớn lên đổi thay số phận. Mần ăn phất lên khá giả. Dư ăn dư để dư xài.

Tín (vai hương quản Lê) chỉ Búp, ca:

- Thằng du côn kia, ở đâu đến đây ăn nói hỗn hào.

Búp ca:

- Tui xấc xược hồi nào.

Tín chỉ chú Tư (vai hội đồng Dư), ca:

- Trước mặt ông hội đồng mà dám nói dư nọ dư kia.

Chú Tư vỗ ngực, ca:

- Ông cố nội mầy ngồi đây sao mầy chẳng kiêng dè. Tao là hội đồng Dư đây nè. Có đủ có thừa gì cũng mặc ông nội cha bây.

 

Búp ca cũng được, đàng hoàng tử tế chứ không đến đỗi như Năng lo sợ. Anh ta vừa xin ca thêm bài “Xuân tình” nữa thì từ trong đám khán giả, vợ anh ta bước ra, mặt mày hầm hầm. Chị ta đến giựt cái “mi” trên tay Búp giằn mạnh xuống bàn, nói như hét:

- Hổng có hát hò gì nữa hết. Đi dìa!. Uống rượu riết rồi ngu như bò. Chơi với người ta bị người ta khi dễ coi thường như đồ du côn du đãng bị người ta chửi ông mắng cha mà hổng biết nhục còn đòi ca nữa. Chị ta quay qua điểm mặt chú Tư chửi té tát. Còn mấy người nữa. Mấy người là cái chó gì mà đòi làm ông cố nội chồng tui rồi chửi ông mắng cha ảnh. Có ai chửi mấy người như vậy mấy người chịu nổi hông. Mấy người đừng ỷ lớn rồi làm phách làm tàng muốn mắng ai mắng chửi ai chửi tui hổng nhịn đâu. Đi dìa chớ còn ở làm gì nữa. Đi!. Chị ta giục Búp.

 

Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến ai nấy đều ngơ ngác. Chú Tư định phân bua nhưng vợ Búp nắm tay anh ta lôi ra về. Cuộc vui bị vợ chồng Búp phá đám, ngưng ngang xương, lãng xẹt làm bà con nổi giận la ó, chê trách họ thậm tệ. Một khán giả bực bội nói lớn :

- Về đâu về cho khuất mắt. Tại tuồng tích nó vậy chớ ai chửi tụi bây? Đúng là “đờn gãy tai trâu”

 Bích nói vui với chú Tư:

- Bữa nay tốt ngày sao mình gặp toàn chuyện xui xẻo không vậy, tía?

Chú Tư cười thật tươi:

- Không sao cả!  Có sóng gió mới thấy được tình yêu.

 

Thể theo lời yêu cầu tha thiết của anh năm Bính và bà con, buổi biểu diễn văn nghệ vẫn tiếp tục đến gần hai giờ sáng mới nghỉ. Chú Tư cùng các văn nghệ sĩ lại dọn đồ đạc xuống tàu đi về.  Chiếc tàu xé nước lao đi vun vút trong đêm trăng vằng vặc, đầy sương khuya và gió lạnh./.

 

Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 1786
Ngày đăng: 30.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mưu sinh - Bạch Lê Quang
Ăn tết ở chùa - Mang Viên Long
Vườn mai - Minh Hương
Lý Toét - Đỗ Ngọc Thạch
Hoa hồng có gai - Huỳnh Văn Úc
Mưa biển - Khôi Vũ
Chuyện vãn với người ở xa về - Vinh Anh
- Tạ Ba
Quán nửa khuya - Nguyễn Đạt
Một cõi nhân gian - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)