Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
646
116.705.046
 
Chùm tạp bút về Giáo dục – Đào tạo
Vũ Ngọc Tiến

                                                  Phiên đấu giá trong mơ

 

Cả hội trường im phăng phắc. Hết thảy cử tọa nín thở chờ đợi. Vị cán bộ, chủ tọa phiên đấu giá mặt lạnh như tiền, tay phải cầm chùy to đen gõ mạnh xuống bàn, tay trái huơ cao, miệng hô lớn:

- Một tỷ đồng tiếng chùy một…, tiếng chùy hai…, tiếng chùy ba… a ha!... Bác Hai quan họ trúng mánh to rồi… 1700 m2 đất vườn biệt thự, một nhà cấp 4 xịn như dinh cơ Nghị Quế trong kiệt tác Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố, một tượng phật bà Quan Âm cao 4 m có dư giữa nhiều núi non bộ, bể cảnh, vườn hoa, cây trái xum xuê mà không vị nào chịu chơi trả thêm lên một cắc so với giá của bác Hai quan họ là cớ sao? Rõ tiếc!

 

Hai quan họ tôi sướng rơn, bừng tỉnh, chợt tóat mồ hôi hột vì biết mình vừa qua phiên đấu giá trong mơ, chứ thiên hạ rành lắm, dễ gì mua được giá hời ấy. Mà xét cho cùng thì loại viên chức tầm tầm bậc trung như Hai quan họ tôi chắt bóp cả đời cũng đâu được phân nửa số tiền, sao còn mơ đấu giá dinh cơ của sếp “Vờ”. Chẳng qua vì tôi thấy cháu thí sinh Hoàng Thùy Nhi vừa thi đạt điểm 10 môn văn, phải chui rúc trong căn nhà cấp 4 sập sệ ở Đà Nẵng, vừa học thi vừa đi bán rau, hoặc vì nghe nói, cô gái Á Hậu 1 Lưu Bảo Anh muốn có tiền nuôi em ăn học cũng đã phải xin bảo lưu năm thứ ba đại học về mở công ty quảng cáo, lấy căn nhà cấp 4 ọp ẹp tít sâu trong hẻm ở Cần Thơ của ba mẹ làm trụ sở… nên thương chúng, tôi đi dự phiên đấu giá trong mơ vậy thôi.

 

Chuyện là thế này: Sau khi báo TTC số 314 đăng bài thơ của ông giáo làng nghỉ hưu về cái cơ ngơi của sếp “Vờ” nghe cũng vui tai và… đỏ hai con mắt chút xíu. Địa phương quê ông vội có thư đề ngày 14/8/2006, gửi lên Bộ GD- ĐT với lời thanh minh với tân Bộ trưởng rằng: diện tích chỉ có 1700m2, tượng phật bà Quan Âm chỉ cao 4m thôi, núi non bộ dăm cái, nhà thì xây cấp 4… tổng giá thị trường hiện nay chỉ cỡ 300 triệu đồng, có gì mà báo chí đã nhặng xị lên? Thôi thì đất dân bảo mẫu rưỡi, quan chức địa phương bảo nửa mẫu cũng còn nghe được chứ cái dinh cơ ông “Vờ” kiểu vi-la- trệt mà bảo đó là nhà cấp 4 nghe thật chướng tai. Lại nữa, chỉ nguyên cái tượng bằng đá hoa cương nặng cỡ chục tấn, chở từ núi Ngũ Hành ra cũng đủ vượt xa con số 300 triệu đồng? Có nhà doanh nghiệp ở Hà Nội, gốc quê Bắc Giang bảo, dinh cơ ấy nhòm nhèm cũng vài tỷ đồng. Lại có người công tác lâu năm trong một Viện nghiên cứu thuộc Bộ xì xào, chỉ mấy cái bể và hòn non bộ làm nền cho cảnh quan tượng phật do quan cấp dưới cung tiến cũng đã đủ xây một ngôi nhà 2 tầng chứ bỡn! Chuyện đời oái oăm vậy, nên mới có “phiên đấu giá trong mơ” của Hai quan họ tôi giữa trưa nắng như đổ lửa, thần hồn nát thần tính dưới mái tranh nghèo mà la hét quá trời, sướng vì mua dinh cơ sếp “Vờ” được giá quá bèo. Khổ nỗi báo chí có ai dám khẳng định ông “Vờ” là ông nào đâu mà đã vội thanh minh?...

 

Chỉ vài tuần trước và sau ngày khai giảng năm học 2006- 2007, ngành GD- ĐT đã xảy ra lắm vụ việc động trời liên quan đến những con người cụ thể trong bộ máy quản lý: bà Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn (Tp HCM) tội chứng sờ sờ mà các một quan chức cấp Sở về tạm thay bà chỉ đạo công việc còn răn đe các giáo viên đừng thấy “giậu đổ  bìm leo”; ông nguyên Bộ trưởng vừa xuống đài đã ôm một cục 10.000 USD của dự án 322 đi du học ở tuổi 59; ngay sát nách phòng làm việc của tân Bộ trưởng mà một bà Trưởng phòng Tổng hợp vẫn ngang nhiên tổ chức gian lận thi công chức cho em ruột và em chồng… Xem ra, việc chấn hưng nền học nước nhà có lẽ phải đột phá ở ngay khâu làm trong sạch bộ máy quản lý trước đã. Xưa nay các nhà sư phạm trên thế giới đều nhấn mạnh nguyên lý giáo dục bằng nêu gương (Ma- ka- ren- cô thế kỷ 19), còn Khổng Tử (trước công nguyên) cũng đề cao thuyết “chính danh” là vì lẽ đó. Nói vậy song tôi lại e rằng ông Trần Bá Kim ở Hải Phòng sẽ chụp ngay cho cái mũ khích bác tân Bộ trưởng như ông Kim từng làm với một tác giả khác trên báo Văn Nghệ Trẻ số 36 (3/9/2006). Thôi thì vì con em chúng ta, tôi đành hứng chịu, chứ biết làm sao!… 

 

                                                 Tuyệt chiêu văn hóa vờ

 

Chữ vờ ở đây không có trong ngoặc kép bởi nó hoàn toàn đúng với nguyên nghĩa của từ vờ, càng không phải nhân vật “Vờ” trong bài thơ nọ, trên báo Tuổi Trẻ Cười số 314 để đến nỗi các hào mục địa phương phải gửi thư hỏa tốc với 5 con dấu đỏ chót minh oan cho sếp ‘Vờ”. Trong bối cảnh thói đạo đức giả và sự dối trá đang lên ngôi như bài viết “Nói không với sự dối trá” của Nhật Giang trên VNT số 39 (1/10/2006) thì độc giả cả nước đã quá nhàm chán với những động tác vờ của nhiều vị công chức, nhất là đối với các sếp quyền cao chức trọng. Này nhé: xử án vờ các quan ăn đất ở Đồ Sơn tại pháp đình thành phố Hải Phòng; kỷ luật vờ ông Bí thư thanh niên họ Đào ở mức phê bình và cho đi nhận công tác mới vì tội gian lận thi cử, bị bắt quả tang… Thế nhưng các động tác vờ kiểu vừa nêu trên hơi bị quá đáng, dễ nhận ra, gây phản cảm mạnh trong quần chúng. Dường như ở Bộ GD- ĐT, các động tác vờ của những người chữ nghĩa đầy mình, học vấn cao vời vợi thì nó đã được hành xử tinh vi, nâng lên thành một thứ “văn hóa vờ”! Hai Quan Họ tôi mạo muội liệt kê ra vài động tác vờ xứng tầm “văn hóa vờ” của quý ngành:

 

Th nhất, hội thảo vờ, thẩm định vờ chương trình và nội dung sách giáo khoa. Kể từ năm 2002 đến nay, cứ sau mỗi lần ra sách là công luận lại dấy lên đợt sóng phê phán những sai sót không đáng có. Ngay như sách giáo khoa văn lớp 10 nâng cao, dùng cho năm học 2006- 2007 vừa ra mắt đã có ngay lọat bài trên Văn Nghệ Trẻ, góp ý khiến các nhà sọan sách phải tâm phục khẩu phục. Hai Quan Họ tôi đố ai bắt bẻ được Bộ và Nxb Giáo dục làm ăn tắc trách bởi sản phẩm họ làm ra đã kinh qua biết bao công đọan của một quy trình chặt chẽ, kín trên bền dưới, với nhiều hội thảo, nhiều cấp thẩm định của những người có học hàm, học vị, uy tín đầy mình. Có chăng chỉ là đổ hết mọi tội cho cái sự vờ rất chi văn hóa mà thôi.

 

Thứ hai, thẩm định giá cả vờ các thiết bị dạy học. Hai Quan Họ tôi không lấy làm ngạc nhiên khi có tác giả trên Văn Nghệ Trẻ trưng ra trước bàn dân thiên hạ vài trăm trang tài liệu liên quan đến thiết bị dạy học ở các niên học 2002- 2003, 2003- 2004, 2004- 2005, 2005- 2006 và 2006- 2007 cho từng lớp học và cấp học, có chữ ký của sếp “Vờ”. Tác giả còn mô tả nó được gửi đi rất nhiều nơi, giá cả chi ly đến từng con vít và được xét duyệt nghiêm cẩn từ cấp cơ sở lên Vụ tài chính- Kế hoạch của quý Bộ, rồi chuyển sang trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính (từng thẩm định vờ giá cả thiết bị, giúp Nguyễn Lâm Thái thực hiện 84 giao dịch hợp đồng với các Sở Bưu điện, gây thiệt hại lớn cho ngân sách) xét duyệt lần cuối cùng. Thực tế đã chứng minh các bảng danh mục thiết bị ấy, giá cả ấy, quy trình thẩm định ấy cũng đều vờ tất, nên chương trình Tiêu điểm của VTV1 (tháng 8/2006) mới cho khán giả màn ảnh nhỏ cả nước tận mắt thấy nhiều thứ giá cả đội lên gấp đôi, gấp ba; lãng phí, thất thoát hàng trăm tỷ mỗi năm. Vậy mà có thách kẹo, Hai Quan Họ tôi cũng khó tìm ra kẽ hở của các vị, nếu không nhờ được các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật cùng vào cuộc trợ giúp. Văn hóa vờ trong dự án 14 nghìn tỷ đồng thiết bị dạy học quả là tuyệt chiêu!

 

Thứ ba, nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục, chất lượng sách giáo khoa vờ. Ngày 21/8/2006, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục vừa công bố kết quả một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho thấy: HS lớp 1 cấp tiểu học đạt điểm chuẩn các môn tiếng Việt và toán đều là trên 90%; HS lớp 3 đạt điểm chuẩn môn tiếng Việt 72,89%, môn toán là 76,44%; HS lớp 6 đạt điểm chuẩn môn toán là 51% còn HS lớp 8 thì cao hơn một chút là 55,54%; với các môn ngữ văn, lịch sử thì HS lớp 6 đạt điểm chuẩn lên đến 75- 76%?... Hai Quan Họ tôi nghe mà tóat cả mồ hôi hột vì chợt nhớ trên Văn Nghệ Trẻ, có tác giả  không dưới ba lần dẫn lời ông Chu Hảo rằng, ông lấy sinh mệnh chính trị để đảm bảo nếu làm cuộc kiểm tra công khai, nghiêm túc thì chỉ có 28- 30% HS nông thôn và 35- 40% HS thành thị đạt tiêu chuẩn chất lượng do chính Bộ GD- ĐT đề ra! Hai Quan Họ tôi biết tin vào ai đây? Nếu có chất vấn, chắc ông Viện trưởng Nguyễn Hữu Châu sẽ nói, họ làm nghiên cứu rất khách quan, mời cả nhiều vị vua biết mặt, chúa biết tên ở Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam tham gia chứ bỡn. Có lẽ chỉ còn cách làm ngay cuộc kiểm tra công khai, nghiêm túc ở một huyện nông thôn Hiệp Hòa (Bắc Giang) và một quận đô thị Lê Chân (Hải Phòng) mới rõ chứ văn hóa vờ ở lĩnh vực này cũng khá là tuyệt chiêu không kém gì thiết bị dạy học(!?)

 

Cuối cùng, Hai Quan Họ tôi muốn có đôi lời lạm bàn về xử án kỷ luật vờ bà Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Bộ GD- ĐT, Đào Thị Bình. Lẽ thường, khi xử án thì quan tòa (sếp “Vờ”) phải trọng cứ hơn trọng cung. Các đương sự (bà Bình, cô giáo Hiền dạy tiếng Anh và 2 thí sinh phạm quy) khai gì, viết gì vẫn chỉ là phụ; còn chứng cứ mười mươi là sự có mặt của 4 vị tại phòng bà Bình trong giờ thi môn tiếng Anh, bị bắt quả tang mới thật quan trọng. Thế nhưng quan tòa vẫn không luận được tội đây là phạm quy có tổ chức thì thật khó hiểu? Án xử vì thế có phần nương nhẹ, không cách chức, chỉ miễn nhiệm như người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thuyên chuyển công tác! Dưới đây ghi lại cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của Hai Quan Họ tôi với một vị GS cũng được liệt vào hàng vua biết mặt, chua biết tên (xin được giấu tên, tạm gọi là GS phản biện)

HQH: Liệu đây có phải ông “Vờ” xử vờ bà Bình không, thưa GS?

GSPB: Xử vờ thì rõ rồi, nhưng không dễ gì tìm ra cái sự vờ ấy đâu, nhà báo ạ!

HQH: Sao thế?

GSPB: Nó tinh vi lắm, “văn hóa” lắm!

HQH: Xin GS nói cụ thể hơn.

GSPB: Càng khó nói cụ thể vì dễ bị người ta kiện lại và tôi thua kiện là cái chắc. Tôi chỉ đặt giả thiết rằng chính tôi là quan tòa xử vờ bà Bình để diễn trò cho riêng nhà báo xem thôi.

HQH: Vâng, xin mời GS thử “diễn trò” xem sao.

GSPB: Nếu tôi là chủ tịch cái Hội đồng kỷ luật gồm có 5 người, tôi sẽ phát tín hiệu cho 4 vị kia bỏ phiếu xử nhẹ, còn tôi bỏ phiếu xử thật nặng, 4/1 là kết quả cuối cùng trình lên tân Bộ trưởng, đố ai xì xào gì được tôi. Ghê chưa?... Mà thôi, đây chỉ là giả thiết, tuyệt nhiên không phải là sự khẳng định. Nhà báo nhớ ghi rõ vậy, nếu không tôi sẽ kiện lại người viết đấy. Ngôn ngữ báo chí phải chuẩn xác, đầy trách nhiệm công dân…

 

Ông nói lời cuối cùng rồi đứng bật dậy, xoa tay cười ngất. Hai Quan Họ tôi chỉ còn cách cúi gập mình mình vái đủ 3 lạy vị GS hài hước, uyên thâm kia, miệng lẩm bẩm: Tuyệt chiêu!...Tuyệt chiêu văn hóa vờ và cả người vừa “diễn trò” vờ…

                                                         

                                           Đối thoại với Bao Công

 

 

Hai Quan Họ tôi từ nhỏ đọc sách Bao Chửng, gần đây lại được xem phim truyền hình nhiều tập “Bao Thanh Thiên” của Trung Quốc nên hễ ngoài đời có chuyện gì đang rối như canh hẹ là đêm về lại mơ thấy được cùng ngài trò chuyện, nghe ngài giải đáp tức thì. Ngày 3/10/2006 vừa rồi, hơn 2000 học viên Kỹ thuật tin học ở trường Cao đẳng Giao thông vận tải 3 (CĐGTVT) bất bình nổi loạn, khiến công an thành phố Hồ Chí Minh phải vào cuộc để vãn hồi trật tự cứ làm tôi xa xót đứng ngồi không yên. Đêm thu thanh vắng, nồng nàn mùi hoa sữa, tôi nằm mơ thấy hình ảnh ông quan đại thần đội mũ cánh chuồn, mặt đen, trên trán có vành trăng lưỡi liềm mọc ở chỗ mà thiền học gọi là luân xa số 6 hay thiên nhãn. Hai Quan Họ tôi mừng hú, vội hỏi ngài nên phán quyết sự việc ra sao. Ngài nghiêm mặt, đanh giọng phán:

-          Tội lừa đảo chiếm đọat tài sản công dân, luật hình sự ghi rõ rồi sao còn hỏi ta?

-          Thảo dân quả thực u mê chưa hiểu, xin ngài giải thích.

-          Hợp đồng liên kết đào tạo với ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh ký đầu tháng 10/2005, nhưng có lẽ thỏa thuận chia chác chưa xong nên Ban giám hiệu bên B chưa phê duyệt mà bên A đã lấy danh nghĩa liên danh, tuyển sinh ào ạt một lúc 2.500 người để thu tiền trọn gói người ta là tội lừa đảo thứ nhất. Văn bản quy định tạm thời về mô hình đào tạo liên thông (ĐTLT) do cựu Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Minh Hiển ký ngày 5/12/2002 đã chỉ cho phép 33 trường ĐTLT, ta tìm trong đó không có ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh, càng không có CĐGTVT 3 mà họ dám xưng xưng nói sẽ ĐTLT để thu hút người học là tội lừa đảo thứ hai. Thực chất ở đây chỉ là dạy nghề như nhiều cơ sở dạy nghề khác, chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là cùng, họ lấy cớ ĐTLT bôi ra 2 năm, thu bộn một đống tiền là tội lừa đảo thứ ba. Tội thứ ba này dễ có kẻ già mồm cãi, nhưng với Bao Chửng ta thì cãi sao nổi. Quy trình ĐTLT đã chỉ ra, chính từ miệng lãnh đạo nhà trường cũng đã nói: “Sau khóa học, ai muốn lên trung cấp chuyên nghiệp cần học thêm nửa năm đến 1 năm, muốn lên cao đẳng học tiếp 2 năm nữa và muốn từ cao đẳng lên đại học cần học tiếp thêm vài năm nữa!” Lẽ ra, với bằng tú tài, họ vào thẳng trung cấp chuyên nghiệp đâu có khó, thời gian học chỉ mất 2 năm.Vậy mà theo lời lãnh đạo trường CĐGTVT 3, nếu cộng với cả 2 năm học nghề đằng đẵng hóa thành gần chục năm trời cơ à? Rõ là vòng vo, quân lừa đảo! Đây không chỉ đơn thuần là lừa đảo nữa, tội làm lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cơ hội lập nghiệp của thanh niên cũng đáng để ta khép vào mức án cẩu đầu trảm rồi chứ bỡn…

-          Nhưng thưa ngài, đích thân ông Hồ Tấn Phong, Phó thanh tra của Bộ bay vào Tp Hồ chí Minh đã dàn xếp, ông Hiệu trưởng CĐGTVT 3 đã thừa nhận sai sót, còn ĐHBK thành phố thì hứa sẽ liên kết đào tạo, thế là êm du, có xét xử gì đâu?

-          Không được. Làm thế thì còn trời đất, luật pháp gì nữa. Ta vừa mới chỉ ra ba tội chứng lừa đảo khiến mọi người tâm phục khẩu phục cơ mà. Ở xứ An Nam các ngươi, bộ luật hình sự có mấy loại tội như tham nhũng, hối lộ, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đọat tài sản XHCN hoặc tài sản công dân… Theo ta được biết, mấy tội ấy ngày xưa người ta lượng hóa bằng 5 tấn thóc, còn bây giờ cỡ 50 triệu là khép vào mức án tù giam từ 2- 7 năm.

-          Ở trường CĐGTVT 3 ngài lượng hóa thế nào về mức lừa đảo?

-          Lấy mức thu trọn gói mỗi người 4,5 triệu nhân với 2.500 học viên sẽ là 11,25 tỷ đồng. Theo khoa học luận tội ở pháp đình thì họ đã thu xong tiền, các học viên đã vào học được dăm tuần, nghĩa là hành vi phạm tội đã hoàn tất. Việc sửa sai, bằng cách cho phép ĐHBK thành phố liên kết đào tạo chỉ là hành vi tự khắc phục hậu quả, có thể xem là yếu tố đưa vào tình tiết giảm nhẹ khi xử án chứ không thể miễn tội được.

-          Thế còn những cá nhân, tổ chức khác có liên quan hoặc tiếp tay cho tội phạm?

-          Phải đem xử hết, xử tuốt tuồn tuột mới làm trong sạch bộ máy quản lý GD- ĐT. Không dễ dàng gì một trường tuyển sinh sai phạm đến mức ấy lại có thể làm ồn ào, tuyển một lúc hơn 2 ngàn người, nếu không có sự che chắn, nâng đỡ ở đâu đó cao hơn. Ta cũng lưu ý ngươi một điều, nếu cứ làm theo cách của Bao Chửng, lượng hóa những sai phạm và tiêu cực khác trong GD- ĐT từ trước đến nay, chắc chắn sẽ còn nhiều tội danh tham nhũng hay cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng đem ra xét xử giữa thanh thiên bạch nhật ở chốn pháp đình…       

 

Bao Thanh Thiên đi xa rồi. Bóng ngài mờ dần trong màn sương . Đêm thu lành lạnh. Hoa sữa lắc rắc rơi trên mái nhà, hè phố. Hai Quan Họ tôi vẫn trăn trở, bần thần suy ngẫm những lời dạy của ngài. Vâng, thưa ngài! Việc in lại sách giáo khoa phổ thông năm này qua năm khác, bất chấp chỉ thị của Thủ tướng từ năm 2001 và nhiều nghị quyết của Quốc hội, đã được GS Nguyễn Xuân Hãn lượng hóa mỗi năm cỡ 100 triệu USD, xấp xỉ tiền thu thuế nông nghiệp cả nước, liệu có đáng để ngài Bao Công khép vào tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng? Dự án đầu tư 14.000 tỷ đồng thiết bị dạy học (2002- 2007), có lẽ tân Bộ trưởng chẳng cần đôn đáo ra Bắc vào Nam, đi Đông về Tây, chỉ cần ban một lệnh tổng kiểm kê hơn 49.000 trường phổ thông trong cả nước khắc biết. Bao Công đã phán rồi, hãy lượng hóa xem có bao nhiêu tỷ đồng thiếu hụt so với bảng danh mục thiết bị do ông Thứ trưởng ký duyệt sẽ là tội tham nhũng, có bao nhiêu tỷ đồng thiết bị nằm đắp chiếu sẽ là tội cố ý đầu tư gây hậu quả lãng phí nghiêm trong. Và còn bao nhiêu vụ việc khác nữa, hãy cứ theo cách của Bao Công lượng hóa thành tiền, thành năm tháng lãng phí tuổi trẻ… khắc rõ ràng tội trạng.

Bao Công, hỡi Bao Công! Ngài quả là Bao Thanh Thiên, bởi chỉ cần lượng hóa một chữ ký sớm 16 ngày ( kiểu đám cưới chạy tang) về giá cả 92,7 ha khu đô thị Nam Thăng Long, bàn dân thiên hạ đều rõ ngay ra rằng Nhà nước và dân đã ta mất trắng 3000 tỷ đồng, xấp xỉ thiệt hại do cơn bão số 6 gây cho Tp Đà Nẵng. Đôi khi, như lời nhà thơ Thanh Thảo trên báo Thanh Niên (6/10/2006), một chữ ký trong lĩnh vực đất đai hay GD- ĐT đủ gieo tai họa bằng cả trận cuồng phong khủng khiếp…

 

                                                   Tam thập nhi… kéo cầy trả nợ

 

 

Đặt cái Tít nửa Nôm nửa Hán cho bài viết, Hai Quan Họ tôi muốn tỏ lòng ngưỡng mộ thi sĩ tài hoa họ Cao khi xưa, dù lỡm vua Tự Đức trong hoàng thành Huế hay bông phèng với cô đào hát ở đất Thăng Long, ông cũng xuất thần ứng khẩu ngay một bài thơ vừa Nôm vừa Hán, đã hay về nghĩa lại nhuần nhuyễn, mượt mà về âm luật. Ví như ngồi hát ả đào bên người đẹp Ánh Nguyệt, ông xem mình là núi, gọi nàng là trăng rồi ngẫu hứng sáng tác ngay bài thơ làm ca từ cho nàng hát có đọan:

“Nguyệt quải hàm sơn thi bán bức

Sơn hàm minh nguyệt tửu thiên tôn.

Núi chưa già, trăng hãy còn non

Trăng dù khuyết tình vẫn tròn với núi…”

 

Song cũng bởi ngưỡng mộ khí tiết của tiên sinh Cao Bá Quát nên Hai Quan Họ tôi cố học theo ngài, căm ghét thói đạo đức giả, lừa đảo, tham nhũng nơi chốn quan trường. Bởi thế, vừa nghe tin Thanh tra Chính phủ đang vào cuộc kiểm tra sử dụng vốn ODA trong ngành GD- ĐT, Hai Quan Họ tôi mừng khôn tả xiết. Không mừng sao được khi 83 triệu dân Việt Nam đang canh cánh bên lòng nỗi lo con cháu ta rồi đây sẽ phải kéo cầy trả nợ hàng tỷ USD vay cho GD- ĐT bị trôi ra sông ra biển và nghe đâu sẽ còn vay tiếp nửa tỷ USD nữa cho các dự án giai đọan 2006- 2010 sắp tới. Cổ nhân có câu “Tam thập nhi lập” nghĩa là sinh ra làm người thì đến tuổi 30 mọi thứ như công danh, sự nghiệp, gia đình… đều phải yên ổn mới có thể làm giàu cho mình, đóng góp ngày một nhiều cho xã hội. Hai Quan Họ tôi sợ rằng đến tuổi ấy những đứa cháu nội, cháu ngoại mình vẫn còn lo phải kéo cày trả nợ cho những tỷ đồng vay vô tác dụng hay kém hiệu quả trong GD- ĐT hôm nay. Thật vậy, theo nguồn tin mới nhất từ thanh tra Chính phủ, Bộ GD- ĐT đã và đang quản lý 77 dự án ODA với tổng vốn là 1,109 tỷ USD, trong đó 549,4 triệu USD là tiền viện trợ và 559,6 triệu USD là tiền vay. Giai đoạn 2006- 2010, Bộ sẽ còn tiếp tục quản lý 49 dự án ODA nữa với tổng vốn là 500 triệu USD.

 

Hãy thử phân tích một khoản tiền sắp vay là dự án “Phát triển giáo dục THCS và tăng cường cải cách giảng dạy” đã thấy tiềm ẩn nhiều mối lo. Thực ra với nội dung này Bộ GD- ĐT trước đây đã từng vay hàng trăm triệu USD (2 dự án THCS1 va THCS2), nay lại sẽ vay thêm 55 triệu USD từ ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Hiệu quả đồng tiền 2 lần vay trước cho giáo dục THCS thì khắp bàn dân thiên hạ đều đã rõ, khỏi cần bàn, cứ xem lại rất nhiều bài viết gần đây trên Văn Nghệ Trẻ thì khắc biết. Hai Quan Họ tôi chỉ quan tâm đến một thực tế: Thời hạn ADB cho vay là 32 năm, thời gian ân hạn 8 năm với mức lãi suất 1% năm, sau đó sẽ là mức lãi suất 1,5% năm. Đứa cháu ngoại của Hai Quan Họ tôi năm nay 8 tuổi, chỉ 22 năm nữa nó sẽ bước vào cái tuổi “Tam thập nhi lập”, nhưng nó và cả lứa bạn đồng tuế của nó sẽ phải chịu cảnh “Tam thập nhi… kéo cầy trả nợ” thêm 10 năm nữa mới đáo hạn khoản vay 55 triệu USD của ADB và khốn khổ thay, đó mới chỉ là 10% số tiền sẽ vay và 5% số tiền đã vay trước năm 2006 cho GD- ĐT mà thôi! Lẽ đời có vay có trả. Đáng lo ở chỗ thế hệ các con tôi đã từng thụ hưởng một nên giáo dục phổ thông càng vay tiền vốn ODA càng hư nát nền học mà vẫn đang phải cùng toàn dân kéo cày trả nợ, liệu đến thế hệ đứa cháu ngoại tôi vừa nói có khá hơn không? Giải tỏa nỗi lo không chỉ của riêng ai này, có lẽ chỉ còn biết trông đợi vào kết quả làm việc công tâm, kiên quyết của tổ công tác ODA thuộc Thanh tra Chính phủ đối với khoản đã vay 1,109 tỷ USD trong 77 dự án giáo dục trước đây, trước khi vay tiếp 500 triệu USD cho 49 dự án tiếp theo.

 

Rất mừng là tổ công tác ODA đã quyết định chọn 6 dự án giáo dục nổi cộm, có nhiều dấu hiệu quản lý lỏng lẻo, sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc lãng phí để tiến hành thanh tra là: dự án đào tạo giáo viên Tiểu học, dự án đào tạo giáo viên THCS, dự án giáo dục Tiểu học trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dự án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, dự án phát triển giáo dục THCS2, dự án phát triển giáo dục THPT (trong đó có vấn đề phân ban). Theo dự kiến, cuối năm 2006, Thanh tra Chính phủ  sẽ có kết luận về việc này. Song dư luận trong và ngoài ngành vẫn muốn tổ công tác đưa thêm dự án có nhiều bức xúc nhất (dự án đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa) vào kế hoạch làm việc. Dư luận trong ngành, đặc biệt là các trường ĐH- CĐ cũng đang xôn xao mong đợi kết quả làm việc của Thanh tra Chính phủ đối với khoản vay từ ngân hàng thế giới (WB) trong dự án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. (Vốn WB 83,3 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 20,4 triệu USD, tổng cộng là 103,7 triệu USD). Dự án kéo dài 7 năm (1998- 2005), đến tận đầu năm 2005 mới chỉ giải ngân được 30 triệu USD (khoảng 30% dự án) và hiệu quả cũng còn nhiều điều phải bàn. Theo lời một giảng viên chính ở một trường ĐH lớn thì 30 triệu USD này chủ yếu được giải ngân trong giai đọan 1998- 2003, do ông Thứ trưởng Trần Văn Nhung làm giám đốc dự án và ông Lê Phước Minh là Trưởng ban điều hành, nhưng cũng chính là giai đọan có nhiều bức xúc, kiện cáo nhất. Có lẽ vì những điều bức xúc và quá nhậy cảm ấy nên từ khi ông Đỗ Đình Thanh thay ông Lê Phước Minh làm Trưởng ban điều hành đến nay thì vốn ODA cho dự án gần như đóng băng(!?)

 

Hơn bao giờ hết, Hai Quan Họ tôi mong đợi kết quả thanh tra sử dụng vốn ODA của ngành GD- ĐT sớm được công khai trước bàn dân thiên hạ. Chỉ có như vậy cử tri cả nước mới an lòng chấp nhận việc con cháu họ “Tam thập nhi… kéo cầy trả nợ”…  

 

(Báo Văn Nghệ Trẻ các số tháng 9&10/2006 có sửa chữa so với bản gốc)

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3893
Ngày đăng: 13.10.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Phú Khải, Người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” - Nguyễn Thị Kỳ
Nỗi buồn của má - Linh Phương
Việc lớn trước mắt : chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự - Lại Nguyên Ân
Thử nhìn về những người làm văn nghệ tỉnh lẻ. - Hồ Chí Bửu
Panduranga và bài hát cây xương rồng - Đinh Thị Như Thuý
Tản mạn chuyện nhà văn. - Nguyễn Đức Thiện
Chút tâm sự sau Bình Phong Long Mã . - Trần Kiêm Ðoàn
Nơi tôi gửi lại tuổi thơ... - Nguyễn Thị Hậu
Bến nước - Trần Xuân Linh
Đến hẹn lại…lũ . - Lê Duy
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)