Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
937
116.655.150
 
Có một người văn như thế : Vũ Ngọc Tiến phỏng vấn Hoài Anh
Vũ Ngọc Tiến

Xôn xao bình minh những câu hỏi

 

Tôi đọc thơ và nghe nói về Hoài Anh đã lâu, nhưng chưa từng gặp mặt. Gần đây lại nghe, cái ông già trọm trẹm tuổi cổ lai hy ấy vừa cho ra đời tuyển tập truyện và tiểu thuyết lịch sử 6000 trang (16 tập), tái hiện xã hội Việt Nam từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến thời hiện đại càng khiến tôi ao ước tìm gặp, trò chuyện cùng ông. Một sớm cuối thu, trời se lạnh, lãng đãng sương và mùi hoa dạ hương đêm trước trong vườn nhà như cuốn hút tôi tắm mình trong bụi sáng vàng lịch sử vương vất bay trong 6000 trang sách của Hoài Anh,  đọc liền một mạch suốt hai tuần quên ăn quên ngủ. Đã 12 năm kiên trì viết hàng trăm bài về giáo dục, tôi luôn canh cánh một nỗi buồn vì trẻ thơ bây giờ chán học văn, không thuộc sử nước Nam mình bằng sử Trung Hoa. Lỗi ở các nhà giáo dục, tất nhiên rồi, nhưng lũ người văn chúng tôi không thể thoái thác một phần trách nhiệm. Hoài Anh muốn góp phần gánh đỡ bạn văn, sao số phận các bản thảo của ông cứ long đong trôi dạt qua nhiều cơ quan xuất bản để rồi nằm xếp xó, ố vàng dưới gầm giường cho đến khi Triệu Xuân bới tìm trong gầm giường ra, biên sọan lại? Tại cơ chế hay tại lòng người còn lắm nhỏ nhen, đố kỵ đây?...

 

Kể từ đầu thế kỷ trước, nền văn học quốc ngữ vừa mới phôi thai đã có nhiều cây bút viết truyện, kịch và kịch thơ lịch sử như Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật, Khái Hưng, Hoàng Công Khanh, đặc biệt Nguyễn Huy Tưởng với kiệt tác kịch “Vũ Như Tô”…rất cuốn hút thế hệ học trò chúng tôi bởi cách nhìn lịch sử gắn với thân phận những kiếp người cụ thể trong quá khứ. Rồi có một thời kéo dài vài chục năm, những tác phẩm như thế không được phổ biến rộng, thay vào đó là những truyện lịch sử nghiêng về ca ngợi một chiều truyền thống chống giặc ngoại xâm. Người đọc chấp nhận nó dễ dàng, song cái đọng lại trong tâm thức không nhiều. Nhất là những mâu thuẫn nội tại trong xã hội qua các triều vua hay các vấn đề nhân tình thế thái làm bài học cho đời nay hầu như quá ít, sơ lược, giản đơn nên đọc xong rồi cũng chẳng hiểu lịch sử nước nhà được bao nhiêu! Cái lỗ hổng văn học ấy, cộng với sự xuống cấp, suy đồi của giáo dục học đường 25 năm qua đã thành tác nhân khiến trẻ thơ bây giờ kém văn, dốt sử chăng?...

 

Mấy năm gần đây xuất nhiện vài cuốn tiểu thuyết lịch sử khá đồ sộ, hấp dẫn như “Vương triều sụp đổ” của Hoàng Quốc Hải, “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo,”Hồ quý Ly” và “Mẫu Thượng Ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác…viết sâu về một nhân vật hay một giai đọan lịch sử. Song có lẽ chưa ai như Hoài Anh, một mình âm thầm suốt 30 năm cần mẫn cày bừa trên cánh đồng chữ để tái hiện cả chiều dài suốt hai thiên niên kỷ nước nhà. Làm việc ấy, bút lực văn chương không đủ, còn phải cần có kiến thức Hán- Nôm, tư duy và phương pháp luận khảo cứu lịch sử, triết học trong Nho- Phật- Lão giáo, am hiểu tường tận văn minh lúa nước, thiết chế văn hóa làng xã. Cái ông Hoài Anh lành như đất, áo quần nhầu nhĩ, suốt đời đi bộ, đến xe đạp cũng không dám đi nói gì đến xe máy, lấy đâu phương tiện và sức lực đi tìm cứ liệu cho 6000  trang tác phẩm của mình?...

 

Ngoài kia bình minh xôn xao. Trong lòng ngợp lên những câu hỏi. Tôi nhẩn nha lướt qua 16 bìa sách lần cuối: Mê Linh tụ nghĩa- Tấm long bào- Như Nguyệt- Hưng Đạo vương và những truyện khác- Ngựa ông đã về- Đất thang mộc I: Chúa Chổm- Đất thang mộc II: Sứ mệnh phù Lê- Lời thề lửa- Mưu sĩ của Quang Trung: Trần Văn Kỷ- Vua Minh Mạng- Đuốc lá dừa- Chiến Lũy Tháp Mười- Rồng đá chuyển mình- Bùi Hữu Nghĩa mối duyên vàng đá- Nguyễn Thông vọng Mai Đình- Chim gọi nắng. Chao ôi! Một pho sử đồ sộ bằng văn chương sáng gọn, mộc mạc mà vẫn giàu chất triết lý phương Đông, thấm đẫm nhân tình thế thái, trăn trở và đớn đau với nhiều kiếp người qua các cuộc bể dâu lịch sử. NXB Giáo Dục ở đâu? Xin hãy ngừng in sách tham khảo nhăng nhít kiếm lời, dành giấy mực nhân bản thật nhiều để giảm giá thành cho trẻ thơ có cơ hội tiếp cận pho sử này!

 

Duyên kỳ ngộ và cuộc đối thoại với người văn

Thật lạ cho cái duyên kỳ ngộ, không hẹn mà nên. Tôi vừa lên mạng tìm đọc bài viết về Hoài Anh của Triệu Xuân và Đông La trên Web Sông Cửu Long (www.vannghesongcuulong.org), chợt Lê Mai dẫn ông khách lạ đến nhà. Ông lão mặc chiếc áo kẻ sọc xanh đã sờn chỉ, chân đi dép nhựa vẹt mòn cả gót, điệu bộ ngơ ngác như người nhà quê ra tỉnh. Thấy tôi lúng túng, chưa biết chào hỏi ra sao, Lê Mai cười ngả ngớn, vỗ vai bảo: “Cúi chào cây đại bút, nhà hiền triết và sử gia có ngạnh đi, ông bạn! Người mà ông đang đọc bộ sách cao gần ba tấc, rồi cả ngày gọi điện cho tôi, luôn miệng xuýt xoa muốn gặp đang đứng trước mặt chúng ta.” Hoài Anh nắm tay tôi cười hiền như Bụt. Ông từ Tp Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đương tìm đường về quê Nam Định, Lê Mai túm được “báu vật” vội rước ngay đến nhà tôi trò chuyện. Cánh văn chương gặp nhau chẳng cần rào đón, câu nệ tuổi tác, chuyện nở như ngô rang trong tiết cuối thu bảng lảng hoàng hôn, lênh phênh tàn nắng. Ông cũng giống hai đứa chúng tôi, thích gọi nhau bằng “người văn” hơn “nhà văn”, vì nhiều lẽ mà chẳng ai buồn nói ra lời. Bởi thế mới có tít bài “Có một người văn như thế”, ghi lại cuộc đối thoại này.     

 

Vũ Ngọc Tiến (VNT): Ông viết cái tuyển tập truyện và tiểu thuyết lịch sử này từ bao giờ?

 

Người văn Hoài Anh (HA): 30 năm có lẻ. Từ cái thời lũ người văn chúng mình viết bản thảo trên giấy một mặt hay loại giấy nứa vàng khè và thô nháp cơ, ông ạ!

 

VNT: Vậy sao đến tận bây giờ ông mới công bố, để trẻ thơ đi học phải chịu thiệt thòi?

 

HA: Thật ra cũng có vài cuốn được in rồi, thậm chí nhận giải này nọ nữa (Đuốc lá dừa), nhưng đa số thì qua tay nhiều thứ “nhà” lắm và cuối cùng xếp xó. Sự đời nó thế, chuyện đố kỵ trong làng văn đôi khi nó bẩn bọ, tức cười lắm! Đã có đận dọn nhà, tôi đem cả đống bản thảo thơ, truyện, biên khảo, phê bình…đốt đi cho rảnh mắt. Song không hiểu vì sao, chắc là duyên nợ với tiền nhân, với lịch sử nên còn sót lại nhõn mấy bộ truyện lịch sử và mươi trang thơ, hai thcủa nợ đã thành nghiệp chướng đời tôi mới lạ! Thế rồi một hôm Triệu Xuân đến chơi, vô tình bới đống giấy lộn ố vàng ấy ra biên sọan lại đem in ở Nxb Văn Học, chi nhánh phía Nam.

 

VNT: Tôi đọc sách thấy trong đó có nhiều nhân vật, tình tiết, sự kiện ông lấy từ văn bia, thư tịch cổ, truyền thuyết dân gian chưa từng được công bố. Nguồn cứ liệu ông lấy ở đâu, chính xác đến mức nào và sức ở đâu ông sưu tầm, đọc- dịch nhiều đến thế?

HA: Công phu, nghiêm cẩn lắm! Nói ra e thiên hạ nghĩ mình khoe khoang, nhưng người tỉ mẩn, kiên trì cắn răng mà đi, ăn đói nhịn khát mà đọc- dịch như tôi chắc không nhiều. Tôi có ít lưng vốn Hán- Nôm, lại biết qua tiếng Anh, tiếng Pháp nên sau ngày mở cửa hội nhập còn tiếp thu thêm những cứ liệu nước ngoài. Dân ta có nỗi bất hạnh là suốt hai ngàn năm lịch sử toàn chiến tranh, lọan lạc, đã thế triều đại sau lên còn xóa sạch mọi dấu tích của triều đại trước nên cứ liệu sử học trong nước có khi sơ sài hơn ở Tàu hay ở Pháp, Mỹ là điều dễ hiểu. Song cũng thật đáng buồn ở chỗ có nhiều loại “nhà” hay “lều” gì đó, vì lười đọc hay dốt ngoại ngữ, dẫu không biết tường tận vẫn mang tâm thế học phiệt ra để phủ nhận trang viết của tôi chăng?

 

VNT: Cái đó cũng là một nhẽ. Song về mặt văn chương thì những truyện và tiểu thuyết lịch sử của ông có bợn lên chút vướng cản gì không? Sao nó lâu được in ra đến thế?

 

HA: Cho tôi hỏi lại, anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết lịch sử?

 

VNT: Tôi cũng đã từng mon men vào cái sân chơi tiểu thuyết lịch sử, đã in 3 cuốn trong tủ sách danh nhân lịch sử ở Nxb Kim Đồng nên tôi tán đồng với lời một tác giả chuyên viết kịch bản phim truyện lịch sử nổi tiếng của phương Tây. Ông ta nói: “Lịch sử bản thân nó đã là tiểu thuyết trong hiện thực, còn tiểu thuyết lịch sử là lịch sử được viết ra bằng trộn ngấu vào trong cấu cho đậm nét tư tưởng của người viết. Nếu viết để minh họa lịch sử chẳng thà đọc ngay sách sử còn hơn.” Vậy còn ông?

 

HA: Tôi cũng giống anh thôi. Tôi quan niệm có hai phần xác và hồn của tiểu thuyết lịch sử. Xác là cái khung xương niên đại, sự kiên lịch sử; còn hồn ấy là cái tư tưởng, tình cảm, kể cả máu thịt tác giả đắp vào trang viết. Milan. Kundera viết: “Tiểu thuyết không phải là thằng hầu của lịch sử.” Georges.Lukas (triết gia người Hung) cũng viết: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn chính các nhân vật lịch sử vì chúng được tác giả trao cho sự sống, còn các nhân vật lịch sử thì đã sống.”

 

VNT: Trong 6000 trang viết của ông, giữa hư cấu và tính chân thực của lịch sử được cân đối nặng nhẹ ra sao để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình cho bạn đọc?

 

HA: Cái này hơi mang tính nghề nghiệp nên nó tùy thuộc vào phong cách của từng tác giả, có người nặng tính chân thực, có người tung hoành múa bút trong hư cấu. Song dù hư cấu nhiều hay ít thì tác giả cũng phải đầy ắp tư liệu lịch sử thì hư cấu mới có hồn, mới gần với đối tượng miêu tả là thời đại và con người trong lịch sử. Riêng tôi, vì muốn tái hiện lịch sử cho các thế hệ học trò nên niên đại, sự kiện lớn, nhân vật chính đều tuyệt đối trung thực với lịch sử. Tôi chỉ hư cấu nhân vật phụ đa tuyến, cùng những tình tiết mở rộng theo truyền thuyết dân gian hoặc nẩy nở tự thân trong quan hệ nhân vật chính- phụ để làm giàu thêm hiện thực xã hội, thế thái nhân tình qua vỏ bọc của lịch sử. Tôi thổi hồn tư tưởng Nho- Phật- Lão vào trong tự sự hay lời thoại giữa các nhân vật theo cách cảm, cách nghĩ của riêng tôi cũng là một cách hư cấu. Cái cốt lõi của vấn đề ở đây là tiểu thuyết lịch sử nói được điều gì cho người đang sống hôm nay. Ông vừa nói ở trên về những cái “gợn” làm nên trở ngại văn chương của tác phẩm, có lẽ là ở chỗ tế nhị này chăng? Mà thôi, cuối cùng nó cũng đươc trình làng là hạnh phúc cho thằng tôi lắm rồi!…

 

Lời kết

“Tháng mười chưa cười đã tối”, cuộc đối thoại còn chưa muốn dứt, nhưng Lê Mai bảo: “Tạm dừng thôi, hay dở đã có thời gian và bạn đọc làm thuốc thử cho tác phẩm. Người văn Hoài Anh đã 69 cái lá vàng rơi, không còn khỏe nữa. Kính lão đắc thọ, tôi phải đưa “cụ” đi đến nơi về đến chốn, mai còn có sức ngồi tàu xuôi Nam Định.” Tôi chợt mủi lòng, the thắt nhìn ông lão nhầu nhĩ, có bàn chân nứt nẻ như người nhà quê ra tỉnh, đứng dậy theo Lê Mai. Đã từ lâu rồi ông run tay không cầm nổi cây bút, vi tính lại không biết, phải đánh máy chữ từng trang bản thảo. Vậy mà ông vẫn sẽ còn cho ra tiếp 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử cho tròn bộ 20 cuốn mới chịu buông bút. Bạn đọc xa gần biết chăng, có một người văn nặng lòng với lịch sử như thế…như thế!…

 

Hà Nội 31/10/2006

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2183
Ngày đăng: 05.11.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Chí Hoan Trả lời phỏng vấn của Lê Anh Hoài - Lê Anh Hoài
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn - Lê Mỹ Ý
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa,Tiếp cận nhân cách học của Đỗ Lại Thuý - Nguyễn Nhật Ninh
Nhà văn Bích Ngân: Cái khó là nuôi dưỡng được cảm xúc - Hoàng Danh
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC - Huỳnh Kim
Phỏng vấn Nhà văn Bùi Anh Tấn : Vụ án ÁN NĂM CAM và HÀNH TRÌNH CỦA SÓI - Trần Hữu Dũng
Nhà thơ Hoài Anh lần đầu tiên trình làng “Tuyển tập truyện lịch sử”(*) - Nguyễn Tý
Tạo “thương hiệu” bằng tác phẩm - Nguyễn Tý
Tiến sĩ sử học, Nhà nghiên cứu tôn giáo Pascal Bourdeaux : “Nghiên Cứu Quê Ngoại” - Lý Đợi
Nếu nụ cười kèm theo giọt nước mắt... - Ngô Thị Kim Cúc
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)